Bản án 188/2019/HS-PT ngày 26/07/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 188/2019/HS-PT NGÀY 26/07/2019 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 26 tháng 7 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 186/2018/TLPT-HS ngày 21 tháng 3 năm 2018 đối với bị cáo Bùi Trường L về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, do có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2018/HS-ST ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

- Bị cáo bị kháng nghị: Bùi Trường L, sinh ngày 26/12/1984 tại tỉnh Hà Tĩnh; địa chỉ cư trú: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Không (nguyên là thủ kho xăng dầu thuộc Phòng hậu cần Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, đã phục viên ngày 01/01/2016); trình độ văn hóa: Lớp 12/12; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Trường S và bà Lê Thị L; có vợ là Lê Thị T và 04 con (con lớn nhất sinh năm 2009, nhỏ nhất sinh năm 2017); tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 19/3/2017, có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu của Tòa án: Ông Nguyễn Mai H, Luật sư Văn phòng Luật sư N thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bị kháng nghị:

1. Ông Đỗ Thành C, sinh năm 1988; Nơi ĐKHKTT: tỉnh Đắk Lắk; chỗ ở hiện nay: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt

2. Ông Trần Quốc T, sinh năm 1983; nơi ĐKHKTT: tỉnh Đắk Lắk; chỗ ở hiện nay: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt

Ngoài ra, trong vụ án còn có 17 người bị hại; 06 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2012, Bùi Trường L công tác tại Phòng Hậu cần thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, chức vụ là Thủ kho xăng dầu; chức năng, nhiệm vụ là phụ trách những vấn đề liên quan đến kho xăng dầu của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk. Trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, L biết nhiều người dân có nhu cầu xin cho con, cháu vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước nói chung và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Vì vậy, L đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách đưa ra thông tin gian dối là bản thân có mối quan hệ rộng và có khả năng xin việc vào các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk để người khác tin tưởng đưa tiền rồi chiếm đoạt. Ngoài lời nói gian dối, L còn soạn thảo các văn bản giả như giấy mời, quyết định nhận quân tư trang, quyết định điều động rồi đem ra cửa hàng photocopy “Q” do anh Trần Quốc T và cửa hàng photocopy “C” do anh Đỗ Thành C làm chủ, nhờ Scan màu, cắt ghép con dấu, chữ ký của lãnh đạo, chỉ huy của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, sau đó đưa cho người bị hại nhằm mục đích tạo lòng tin và chiếm đoạt tiền để tiêu xài cá nhân, còn tất cả hồ sơ xin việc L đều tiêu hủy hết. Với thủ đoạn như trên, từ năm 2014 đến năm 2016 L đã chiếm đoạt số tiền 2.816.000.000 đồng của 17 người bị hại. Cụ thể như sau:

1. Chiếm đoạt của ông Nguyễn Xuân D 530.000.000 đồng.

Tháng 01/2014, ông D nhờ L xin việc cho con gái là chị Nguyễn Thị Hồng N và con trai là anh Nguyễn Hoài N, L đồng ý và đưa ra chi phí xin việc là 260.000.000 đồng đối với chị N và 270.000.000 đồng đối với anh N. Ông D đã đưa cho L 02 lần với tổng số tiền 530.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền, L không liên hệ với bất kỳ một cá nhân hay cơ quan, đơn vị nào để xin việc cho chị N, anh N mà đã tiêu xài hết số tiền trên.

2. Chiếm đoạt của ông Nguyễn Văn H 300.000.000 đồng.

Tháng 9/2014, ông Nguyễn Văn H nhờ L xin việc cho con gái là Nguyễn Thị Duyên H, L đồng ý và nói với ông H sẽ xin cho chị H vào làm Thanh tra Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, chi phí xin việc là 300.000.000 đồng, nếu không xin được sẽ trả lại tiền. Tin tưởng là thật nên ông H đã đưa tiền cho L 05 lần, với tổng số là 300.000.000 đồng. Đến khoảng đầu năm 2016, ông Hậu được biết L không có khả năng xin việc nên yêu cầu trả tiền thì L đã trả được 75.000.000 đồng, số tiền còn lại là 225.000.000 đồng L đã chiếm đoạt.

3. Chiếm đoạt của ông Lê Đình N 140.000.000 đồng.

Tháng 3/2015, ông Lê Đình N nhờ L xin việc cho con là anh Lê Đình T, L đồng ý, nói chi phí xin việc là 180.000.000 đồng nhưng đưa trước số tiền 120.000.000 đồng. Tin tưởng nên ông N đã 02 lần đưa tiền cho L với tổng số tiền là 140.000.000 đồng. Đến tháng 10/2015, qua tìm hiểu ông N biết L không có khả năng xin việc nên ông N đòi lại số tiền 140.000.000 đồng, nhưng L không trả mà chiếm đoạt hết số tiền trên.

4. Chiếm đoạt của ông Đinh Văn H1 180.000.000 đồng.

Tháng 4/2015, ông Đinh Văn H1 nhờ L xin việc cho con trai là Đinh Văn P, L đồng ý và nói nhải chi phí 180.000.000 đồng. Ngày 04/5/2015 ông H1 đã đưa đủ số tiền trên cho L, L viết giấy biên nhận hẹn ngày 08/8/2015 anh Phi có quyết định đi làm nhưng đến hẹn thì L đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Khoảng đầu năm 2016, ông H1 biết L không có khả năng xin việc nên đòi lại tiền thì L mới trả 10.000.000 đồng cho ông H1, số tiền còn lại 170.000.000 đồng L đã chiếm đoạt.

5. Chiếm đoạt của ông Lê Công D1 150.000.000 đồng.

Tháng 6/2015, ông Phạm Quang M và ông Võ Hữu H2 giới thiệu về khả năng xin việc của Bùi Trường L cho ông Lê Công D1 để nhờ L xin việc cho con trai của ông D1 là Lê Công L vào làm việc tại Bệnh xá 48 - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, L đồng ý và nói chi phí xin việc là 150.000.000 đồng. Tin tưởng L nên trong tháng 01/2016, ông D1 đã đưa cho ông M 150.000.000 đồng để nhờ đưa giùm cho L, ông Minh đã đưa lại cho L toàn bộ số tiền này. Đến tháng 3/2016, ông D1 biết L không có khả năng xin việc nên đã đòi lại tiền, L hứa hẹn nhiều lần nhưng không trả nên ông D1 đã làm đơn tố cáo L đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố B. Sau khi bị ông D1 tố cáo, L đã trả số tiền 150.000.000 đồng cho ông D1.

6. Chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị T 200.000.000 đồng.

Tháng 8/2015, bà Nguyễn Thị T thông qua ông Phạm Quang M để nhờ L xin việc cho con gái là chị Đoàn Thị Thu H với chi phí xin việc là 200.000.000 đồng. Bà T đã đưa 200.000.000 đồng cho ông Phạm Quang M và ông M đã đưa lại toàn bộ số tiền trên cho L. Sau đó bà T tìm hiểu thì biết L không có khả năng xin việc và yêu cầu L trả lại tiền nhưng L không trả nên bà T đã làm đơn tố giác hành vi phạm tội của L. Tuy nhiên đến ngày 17/8/2016, bà T trình bày vì lý do cá nhân và nguyện vọng muốn được tự giải quyết với những người liên quan nên đã làm đơn xin rút lại đơn tố giác trên.

7. Chiếm đoạt của ông bà Đinh Thị L 180.000.000 đồng.

Tháng 9/2015, do có nhu cầu xin cho con gái là chị Trần Thị Hoa P nên bà L nhờ ông Nguyên Văn L1 nói với ông Võ Hữu H1 xin việc cho chị P vào công tác tại đơn vị trên. Sau đó, ông H1 trao đổi với L, L đưa ra chi phí xin việc là 180.000.000 đồng. Thông qua ông H1 và ông Phạm Quang M, bà L đã đưa đủ cho L số tiền nói trên. Sau khi nhận tiền, ông H1, ông M đã đưa lại cho L. Khi biết L không có khả năng xin việc. Bà Lương đòi lại số tiền 180.000.000 đồng thì L viết “Giấy cam kết” với bà L ngày 13/3/2016 sẽ trả, nhưng đến nay L chưa trả cho bà L khoản tiền nào.

8. Chiếm đoạt của ông Y Phương N 80.000.000 đồng.

Tháng 12/2015, ông Y Phương N gặp và nhờ L xin việc cho cháu là chị H’Thao N, L đồng ý và đưa ra chi phí xin việc là 80.000.000 đồng. Tin tưởng L nên ông Y Phương N đã đưa tiền cho L 02 lần, mỗi lần 40.000.000 đồng, có viết giấy nhận tiền. Đến đầu năm 2016, ông Y Phương N biết L không có khả năng xin việc cho chị H’Thao N nên đòi lại tiền nhưng L không trả, ông Y Phương N làm đơn tố cáo L đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố B. Sau khi bị tố cáo thì L đã trả lại 40.000.000 đồng cho ông Y phương N.

9. Chiếm đoạt của ông Nguyễn Đình T 40.000.000 đồng. 

Thông qua ông Y Phương N và ông Y N, ông Nguyễn Đình T gặp L nhờ L xin việc cho con rể là anh Phan Thanh Đ. L đồng ý và đưa ra chi phí xin việc là 80.000.000 đồng nhưng đưa trước một nửa tiền. Tin tưởng là thật nên ông T đã đưa cho L 02 lần với tổng số tiền là 40.000.000 đồng. L hẹn ngày 04/01/2016 (âm lịch) anh Đ có quyết định đi làm. Đến hẹn, ông T cùng anh Đ đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk để anh Đ nhận công tác thì mới biết L đưa ra thông tin gian dối nên đòi lại số tiền 40.000.000 đồng, nhưng L không trả cho ông T.

10. Chiếm đoạt của ông Võ Văn T1 95.000.000 đồng.

Do có nhu cầu xin việc cho con gái là chị Võ Thị Thanh N nên từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2015, ông Võ Văn T1 đã đưa cho bà Nguyễn Thị H, ông Nguyễn Công M1 và L tổng số tiền 115.000.000 đồng, cụ thể: Đưa cho bà H số tiền 30.000.000 đồng, đưa cho ông M1 số tiền 30.000.000 đồng, đưa cho L số tiền 55.000.000 đồng để xin việc. Sau khi nhận tiền, bà H đưa cho ông M1 số tiền 10.000.000 đồng, giữ lại 20.000.000 đồng tiền chênh lệch; ông M1 đưa cho L số tiền 40.000.000 đồng (gồm 10.000.000 đồng nhận từ bà H và 30.000.000 đồng nhận từ ông T1). Tổng số tiền L đã nhận để xin việc cho chị N là 95.000.000 đồng, L đã chiếm đoạt và tiêu xài cá nhân hết.

11. Chiếm đoạt của bà Lê Thị Đ 50.000.000 đồng.

Khoảng tháng 8/2015, thông qua bà Nguyễn Thị Đ1, bà Đ đã nhờ L xin việc cho con gái là Vũ Thị Ngọc Q. L đưa ra chi phí là 120.000.000 đồng. Sau đó, trong tháng 8/2015, bà Đ đã đưa cho bà Đ1 55.000.000 đồng. Bà Đ1 đưa trước cho L 50.000.000 đồng, giữ lại 5.000.000 đồng. Đến đầu năm 2016, bà Đ đòi lại tiền nhưng L không trả nên bà Đ1 đã bỏ ra trả trước cho bà Đ 30.000.000 đồng, còn nợ lại 25.000.000 đồng. Trong số tiền 50.000.000 đồng hiện nay L chiếm đoạt thì có 25.000.000 đồng của bà Đ và 25.000.000 đồng của bà Đ1.

12. Chiếm đoạt của bà Tống Thị S 200.000.000 đồng.

Khoảng đầu năm 2016, bà Tống Thị S nhờ bà Đ1 xin việc cho con gái là chị Trần Thị Hải Y. Trong tháng 02/2016, bà S đã đưa tiền cho bà Đ1 02 lần, tổng cộng là 188.000.000 đồng và bà Đ1 bỏ thêm 12.000.000 đồng thành 200.000.000 đồng đưa thành nhiều lần cho ông Phạm Quang M và L (bà Đ1 không nhớ cụ thể từng lần đưa cho ai, số tiền bao nhiêu) để nhờ xin việc cho chị Y. Đến tháng 6/2016, bà Đ1 biết L không có khả năng xin việc nên đã đòi lại số tiền 200.000.000 đồng, L không trả mà chiếm đoạt số tiền trên.

13. Chiếm đoạt của ông Bùi Tiến M 200.000.000 đồng.

Khoảng đầu năm 2016, anh M nhờ bà Đ1 xin việc, thỏa thuận toàn bộ chi phí bà Đ1 bỏ ra trước, khi nào anh M đi làm việc sẽ trả lại tiền sau. Từ tháng 02/2016 đến tháng 4/2016, bà Đ1 đã đưa cho ông Phạm Quang M và L 200.000.000 đồng, (bà Đ1 không nhớ cụ thể M, L mỗi người nhận bao nhiêu). Ông M đưa lại hết số tiền đã nhận từ bà Đ1 cho L và L chiếm đoạt tiêu xài cá nhân.

14. Chiếm đoạt của ông Nguyễn Đ 100.000.000 đồng.

Tháng 3/2016, ông Nguyễn Đ nhờ bà Đ1 xin việc cho con gái là chị NguyễnThị Thanh X, bà Đ1 đồng ý và nói chi phí xin việc từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng. bà Đ1 đã nhận của ông Đ tổng số tiền là 100.000.000 đồng rồi đưa toàn bộ số tiền trên cho L. Sau khi biết L không có khả năng xin việc cho chị X, bà Đ1 đòi lại L số tiền 100.000.000 đồng nhưng L không trả mà chiếm đoạt.

15. Chiếm đoạt của ông Lê Trung K 171.000.000 đồng.

Tháng 03/2016, anh Lê Trung K đã nhờ bà Đ1 xin việc cho mình và người em kết nghĩa là Nguyễn Tuấn D. Anh K thỏa thuận với anh D là sẽ bỏ tiền ra xin việc cho anh D trước, khi nào anh D đi làm sổ lấy lại sau. Trong tháng 4/2016, anh K đưa cho bà Đ1 tổng số tiền là 171.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền từ anh K, bà Đ1 đã đưa lại hết cho L. số tiền này L đã chiếm đoạt và tiêu xài cá nhân hết.

16. Chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị L 100.000.000 đồng.

Khoảng tháng 03/2016, bà Nguyễn Thị L có nhu cầu xin việc cho con gái là chị Phùng Thị Toàn H. bà Đ1 và bà L thỏa thuận chi phí do Đ1 bỏ ra trước, khi xin được việc bà L sẽ trả lại sau. Sau đó, bà Đ1 đã đưa cho L số tiền 100.000.000 đồng để nhờ xin việc cho chị H, số tiền này L đã chiếm đoạt của bà Đ1.

17. Chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị D 100.000.000 đồng.

Khoảng giữa năm 2015, bà Nguyễn Thị D gặp L nhờ xin việc cho con trai là Phạm Minh T. L đưa ra chi phí 120.000.000 đồng. Bà D đã đưa cho L 100.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền, L không liên hệ với bất kỳ một người nào để xin việc cho anh T mà đã tiêu xài hết số tiền trên.

Tổng số tiền Bùi Trường L đã chiếm đoạt của 17 trường hợp xin việc nêu trên là 2.816.000.000 đồng. Mặc dù sau đó L đã trả cho ông H 75.000.000 đồng, ông H1 10.000.000 đồng, ông D1 150.000.000 đồng và trả cho ông Y Phương N 40.000.000 đồng. Tuy nhiên hành vi của L đã hoàn thành từ khi chiếm đoạt được các khoản tiền này nên L phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền mà L đã chiếm đoạt là 2.816.000.000 đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ toàn bộ các vật chứng có liên quan để xử lý theo pháp luật.

Ngày 03/10/2017, anh Lê Đình C đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra số tiền 20.000.000 đồng là số tiền L cho C sau khi C giới thiệu người xin việc cho L (BL 242).

Ngày 10/7/2017, bà Lê Thị Kim L là mẹ của Bùi Trường L đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra số tiền 10.000.000 đồng để khắc phục một phần hậu quả do L gây ra (BL 488).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2018/HS-ST ngày 09/02/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Bùi Trường L phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Bùi Trường L 16 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 19/3/2017.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn quyết định về trách nhiệm dân sự; xử lý vật chứng; án phí hình sự, dân sự sơ thẩm và phổ biến quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 09/3/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-VC2 kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2018/HS-ST ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Bùi Trường L đã thừa nhận là có nhờ các anh Đỗ Thành C và Trần Quốc T cắt xén, chỉnh sửa một số văn bản để cho những người bị hại tin là bị cáo có khả năng xin được việc làm. Anh C và anh T cũng đã thừa nhận như lời bị cáo trình bày vì do ở gần nhà và thấy bị cáo mặc quân phục nên tin tưởng theo lời bị cáo là làm cho cơ quan, ngoài ra không có động cơ vụ lợi gì. Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu ý kiến: Về tố tụng: Trong quá trình tố tụng tại Tòa án cấp phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Bị cáo và những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ khi tham gia tố tụng. Về nội dung: Trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa đã có đủ cơ sở kết luận Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử, tuyên bố bị cáo một tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là còn thiếu sót, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Do vậy, đề nghị HĐXX chấp nhận Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VC2 ngày 09/3/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2018/HS-ST ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, giao hồ sơ về lại cấp sơ thẩm để điều tra bổ sung về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng việc bị cáo làm giả một số giấy tờ là thủ đoạn để lừa đảo không phải là một tội độc lập, nên kháng nghị bổ sung thêm tội đối với bị cáo là không có căn cứ, mức án 16 năm tù đối với bị cáo là đã quá nghiêm khắc nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng nghị của viện kiểm sát, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay hoàn toàn phù hợp với lời khai của những người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên đã có đủ căn cứ xác định: Trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, mặc dù bản thân không có khả năng xin việc làm cho người khác nhưng bị cáo Bùi Trường L đã đưa ra nhiều thông tin gian dối, làm giả các văn bản của lãnh đạo, chỉ huy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk làm cho 17 người có nguyện vọng xin việc làm cho người thân tin là thật đưa cho bị cáo tổng số tiền 2.816.000.000 đồng. Sau khi nhận số tiền trên, bị cáo Bùi Trường L không xin việc làm như đã hứa mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền này để sử dụng vào mục đích cá nhân. Với hành vi và hậu quả nêu trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2018/HS-ST ngày 09 tháng 02 năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên bố bị cáo Bùi Trường L phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thuộc trường hợp “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 của Bộ luật Hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Bùi Trường L 16 năm tù và buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho những người bị hại.

[2] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với bị cáo Bùi Trường L và các đối tượng Trần Quốc T, Đỗ Thành C thì thấy:

[2.1] Trong quá trình điều tra vụ án và tại các phiên tòa, bị cáo Bùi Trường L đều khai nhận: Để tạo niềm tin cho những người L lừa xin việc làm đưa tiền cho L hoặc kéo dài thời gian để lấy thêm tiền và để cho những người khác xem tin rằng L có khả năng xin việc, L đã tự soạn thảo các văn bản như giấy mời, quyết định tuyển dụng,... bằng cách: Trong thời gian còn công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, L đã thu thập được các văn bản có chữ ký và con dấu đỏ của các đồng chí lãnh đạo rồi đem các văn bản đó đến tiệm photocopy nhờ scaner màu và lưu vào USB. Sau khi người nhờ xin việc đưa hồ sơ, L đã tự soạn thảo nội dung các văn bản trên lưu vào USB nhờ chủ tiệm là anh T, anh C cắt ghép hình dấu đỏ và in ra thành văn bản. Cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai của anh T, anh C và tiến hành đối chất giữa anh T, anh C với bị cáo thì anh T có thừa nhận vào khoảng năm 2015 có photo cho L một số văn bản trắng đen, sau đó L có đưa ra một số giấy tờ có dấu đỏ nhờ scaner màu rồi cắt ghép, chỉnh sửa phần chữ ký, con dấu đỏ lưu vào thành một file riêng nhưng anh C nhận thức được đó là hành vi phạm pháp nên anh không đồng ý. Anh C xác định có giúp L chỉnh sửa một số văn bản (không đọc nội dung) và cắt ghép, chèn file có dấu đỏ (có lưu sẵn trong USB của L) vào rồi lưu lại vào USB cho L. Anh C có hỏi lý do tại sao phải làm như vậy thì L trả lời để phục vụ cho công việc và do L là anh em hàng xóm, trước đó L có mấy lần rủ anh C đi uống cà phê nên anh tin tưởng và không lấy bất cứ khoản tiền nào.

[2.2] Tại các bản Kết luận giám định số 363/PC54 ngày 08/6/2016, số 606/PC54 ngày 20/10/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã xác định: Chữ ký trong các tài liệu cần giám định (Giấy mời, quyết định, quyết định công tác, quyết định cấp quân tư trang) so với chữ ký trong tài liệu mẫu so sánh là không phải do cùng một người ký ra; hình dấu tròn trong các tài liệu cần giám định so với con dấu trong tài liệu mẫu so sánh là không phải do cùng một con dấu đóng ra và đều được tạo ra bằng phương pháp in màu.

[2.3] Trên cơ sở lời khai của bị cáo và của anh T, anh C nêu tại mục [2.1], Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ và yêu cầu truy nguyên nguồn gốc dữ liệu, tài liệu tại bộ máy vi tính, máy in màu tại cửa hàng photocopy của anh Đỗ Thành C. Tại bản Kết luận giám định số 2357/C54B ngày 05/9/2017, Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “Không tìm thấy dữ liệu làm giả tài liệu (Giấy mời, quyết định...) trong máy vi tính và không kết luận được các tài liệu đó có phải được in ra từ máy in đã thu giữ từ cửa hàng photocopy của anh Đỗ Thành C hay không”.

[2.4] Tại Bản kết luận điều tra số 74/KLĐT-PC45(Đ4) ngày 24/10/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk và Cáo trạng số 60/KSĐT-HS ngày 16/11/2017, Cáo trạng số 01/KSĐT-HS ngày 03/01/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đều có kết luận: “Hành vi làm giả giấy tờ của L nhằm mục đích thực hiện tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì vậy Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk không xem xét xử lý hành vi trên của L về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, quy định tại Điều 267 của Bộ luật hình sự... Không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với anh C và anh T về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và đồng phạm với L về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với hành vi của anh Đỗ Thành C có dấu hiệu vi phạm Quy định về hoạt động in theo Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định”.

[2.5] Hội đồng xét xử xét thấy: Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập có trong hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo, của anh T, anh C nêu tại mục [2.1] thì có đủ căn cứ xác định bị cáo Bùi Trường L đã thực hiện hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 267 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và có dấu hiệu về đồng phạm với bị cáo về hành vi này. Trong quá trình truy tố, xét xử sơ thẩm, lẽ ra khi nhận thấy trong vụ án ngoài bị can đã bị khởi tố, còn “có căn cứ khởi tố bị can về một tội hay nhiều tội phạm khác”, “có người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can” và “có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can” thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 245, điểm c khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng Hình sự và điểm c khoản 1 Điều 4, điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk không trả hồ sơ để điều tra bổ sung về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” mà chỉ quyết định truy tố, xét xử đối với một mình bị cáo L về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm làm bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Do đó, căn cứ Điều 358 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là có căn cứ, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3] Về án phí: Căn cứ Điều 135 Bộ luật Tố tụng Hình sự và điểm d khoản 1 Điều 11, Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355 và Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VC2 ngày 09/3/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2018/HS-ST ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2018/HS-ST ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đối với bị cáo Bùi Trường L; giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk để điều tra bổ sung dấu hiệu “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (26/7/2019).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

512
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 188/2019/HS-PT ngày 26/07/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:188/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về