Bản án 18/2019/DSST ngày 14/08/2019 về tranh chấp tài sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN V - TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 18/2019/DSST NGÀY 14/08/2019 VỀ TRANH CHẤP TÀI SẢN THỪA KẾ 

Ngày 14/8/2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện V- tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số 26/2019/TLST-DS ngày 17/12/2019 Về: Tranh chấp tài sản thừa kế”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2019 QĐXX-ST ngày 09 tháng 05 năm 2019 giữa các đương sự:

*Nguyên đơn: Ông Nguyễn Đức Th– Sinh năm: 1951 (có mặt); Địa chỉ: thôn A, xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên.

*Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Th:Bà Vương Thị Thanh N- Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hưng Yên (có mặt);

*Bị đơn: Ông Nguyễn Đức T - Sinh năm 1960 (có mặt); Địa chỉ: thôn A, xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên.

*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1957 (có mặt); Địa chỉ:thôn A, xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên.

2. Bà Nguyễn Thị Th1, sinh năm 1971 (có mặt); Địa chỉ: thôn C, xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên.

3. Bà Nguyễn Thị Th2, sinh năm 1964 (vắng mặt);

4. Bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1967 (vắng mặt);

Đều có địa chỉ: thôn C, xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên.

5. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1974 (vắng mặt); Địa chỉ:thôn T, xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên.

6. Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1960 (vắng mặt);

7. Anh Nguyễn Đức D1, sinh 1987 (vắng mặt);

8. Anh Nguyễn Đức D2, sinh năm 1989 (vắng mặt);

Đều có địa chỉ: thôn A, xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện cũng như tại các lời khai, Nguyên đơn ông Nguyễn Đức Th trình bày:

Bố mẹ ông cụ Nguyễn Văn Th và cụ Đoàn Thị Đ có 07 người con chung gồm: Nguyễn Đức Th, Nguyễn Đức T, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị Th1, Nguyễn Thị Ph, Nguyễn Thị Th2 và Nguyễn Thị N, hai cụ không có con riêng, con nuôi. Cụ Nguyễn Văn Th mất năm 2005, cụ Đoàn Thị Đ mất năm 2016 đều không để lại di chúc. Hai cụ được chia đất ruộng canh tác nông nghiệp được 1 sào 11 thước từ năm 1993, theo tiêu chuẩn tại địa phương mỗi khẩu tính ra được khoảng 636m2 các cụ tự canh tác để lấy thóc gạo ăn và ở cùng với vợ chồng ông T, ông là con cả lẽ ra vợ chồng ông phải nuôi các cụ, lý do ông không trông nom, chăm sóc, phụng dưỡng được các cụ lúc tuổi già vì năm 1973 ông bị thương trong chiến trường phải về phục viên, mất khả năng lao động, không có thu nhập và còn phải nuôi các con còn nhỏ, kinh tế gia đình khó khăn.

Vào năm 2017 địa phương xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên có một số doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất ruộng sử dụng để phát triển sản xuất kinh doanh nên UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định thu hồi đất ruộng canh tác của các hộ dân tại địa phương, trong đó có phần ruộng của bố mẹ ông và các doanh nghiệp họ có hỗ trợ, bồi thường cho các hộ gia đình gồm có những người có tên sử dụng đất canh tác nông nghiệp tính ra khoảng 120.000.000 đồng/ 1 sào, diện tích ruộng cụ thể của các cụ bị thu hồi ông không nhớ nhưng được bồi thường khoảng 280.000.000 đồng, ông T là người đứng ra ký nhận số tiền bồi thương với các doanh nghiệp, sau đó ông T mang đến gia đình ông đưa cho ông được 10.000.000 đồng và các chị em gái mỗi người được 5.000.000 đồng.

Nay để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ông đề nghị TAND huyện V giải quyết chia tài sản thừa kê của bố mẹ ông là phần ruộng canh tác nông nghiệp được bồi thường số tiền 280.000.000 đồng chia cho các đồng thừa kế thì phần của ông được hưởng là 40.000.000 đồng, ông đã nhận số tiền từ ông T 10.000.000đ còn lại số tiền 30.000.000đ buộc ông T phải trả lại cho ông.

*Bị đơn ông Nguyễn Đức T trình bày:Bố mẹ ông cụ Nguyễn Văn Th và cụ Đoàn Thị Đ sinh được 7 người con gồm có: Nguyễn Đức Th, Nguyễn Đức T, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị Th1, Nguyễn Thị P, Nguyễn Thị Th2 và Nguyễn Thị N hai cụ không có con riêng, con nuôi. Cụ ông Nguyễn Văn Th mất năm 2005 và cụ bà Đoàn Thị Đ mất năm 2016.

Năm 1976 ông thược lấy vợ, lúc đầu hai vợ chồng ông Th ăn ở chung với bố mẹ được một thời gian, bố mẹ thì đông con, vì không muốn gánh vác công việc gia đình nên vợ chồng ông Th đòi ăn riêng, do ông Th không hợp bố mẹ, cãi láo gây ra mâu thuẫn các cụ phải từ ông Th, vợ chồng ông Th ra ở nơi khác nhưng vấn không để các cụ yên ổn, đến mức bố ốm không đưa đi chữa bệnh còn cản trở các em đưa bố đi bệnh viện, chính vì vậy trước khi bố ông (cụ Th) mất vào năm 2005 có dặn dò 6 chị em ông, cụ nói “bố mẹ sống ở đây, chết cũng ở đây nhà đất này bàn giao toàn bộ cho vợ chồng ông T tu sửa, làm nhà thờ, thờ cúng bố tổ, bố mẹ lâu dài” chính vì vậy nên ông thực hiện di nguyện của bố ông.

Đối với đất canh tác nông nghiệp ông xác định của bố mẹ ông (cụ Th, cụ Đ) được hợp tác xã cấp để canh tác, không phải là di sản của bố mẹ để lại, khi bố mẹ còn sống không nhận ông Th là con và ông Th không có công sức đóng góp gì liên quan đến quyền và nghĩa vụ sử dụng đất nông nghiệp của bố mẹ ông, nay một số công ty vào thuê đất lâu dài để sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định thu hồi, công ty họ có bồi thường theo thỏa thuận với các gia đình có ruộng với số tiền khoảng 120.000.000đ/1sào, phần ruộng canh tác của bố mẹ ông thu hồi khoảng 960m2.Theo quy định của UBND tỉnh Hưng Yên số tiền bồi thường đất nông nghiệp của bố mẹ ông chỉ được bồi thường số tiền 71000đ/1m2 x 960m2 = 68.160.000đ chia đều cho 7 người thì mỗi người chỉ được 9.737.142đ, ông đã đưa cho ông Th 10.000.000đ số tiền này coi như đã đủ rồi, ông có đưa cho các em gái mỗi người 5.000.000đ, trừ bà T không nhận, các chị em ông có quan điểm để cho ông quản lý, sử dụng số tiền còn lại để thờ cúng và sang cát cho bố mẹ. Nay ông Th khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế ông không nhất trí.

*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị Th1, bà Nguyễn Thị Ph, bà Nguyễn Thị Th2 và bà Nguyễn Thị N đếu xác định lời khai của các bà như ông T trình bày, các bà xác định khi bố mẹ còn sống, ông Th có xảy ra mâu thuẫn với bố mẹ đến mức độ bố mẹ không nhận ông Th là con nên bố các bà (cụ Th) trước khi mất có gọi các bà và ông T đến thông báo bàn giao toàn bộ tài sản, nhà đất cho ông T quản lý, sử dụng làm nhà thờ bố mẹ, tổ tiên.

Đối với số tiền 280.000.000đ là số tiền ruộng của bố mẹ được các doanh nghiệp bồi thường được ông ông T đại diện đứng ra nhận, sau đó ông T đưa cho ông Th 10.000.000đ, đưa các bà Th1, bà Ph, bà Th2 và bà N mỗi bà 5.000.000đ, riêng bà T không nhận tiền, các bà không có tranh chấp với ông T, nay ông Th khởi kiện chia tài sản thừa kế, quan điểm của các bà không chấp nhận và các bà cũng không yêu cầu chia thừa kế mà toàn bộ số tiền ruộng còn lại ông T đang quản lý sẽ để lại cho ông T sử dụng thờ cúng bố mẹ, tổ tiên không phân chia cho ai.

*Bà Nguyễn Thị V trình bày: Bà là vợ ông T, là con dâu của cụ Th, cụ Đ, bố mẹ chồng bà sinh được 7 người con gồm có: Ông Th, bà T, ông T, bà Th1, bà Ph, bà Th2 và bà N. Bố mẹ chồng bà không ai có con riêng và con nuôi. Bà là người chăm sóc, phụng dưỡng các cụ từ khi kết hôn với ông T cho đến khi cụ ông Nguyễn Văn Th mất vào ngày 06 tháng 4 năm 2005 âm lịch (ngày giỗ) dương lịch là ngày 13 tháng 5 năm 2005, sau đó đến cụ bà Đoàn Thị Đ mất vào ngày 11 tháng 3 năm 2016 âm lịch (ngày giỗ) tức ngày 17 tháng 4 năm 2016 dương lịch. Từ khi lấy ông T bà thay ông T phụng dưỡng các cụ, vì ông T công tác trong quân đội xa nhà, một mình bà ngoài việc chăm sóc các con còn phụng dưỡng bố mẹ chồng cho đến khi các cụ mất, ông Th mâu thuẫn với bố mẹ nên vợ chồng phải ra ở riêng nơi khác mà vẫn không để bố mẹ được yên nên trước khi ông bà mất đều nói với các chị em ông T, các cụ để lại toàn bộ tài sản nhà, đất cho ông T quảnlý, sử dụng (trong đó có ruộng canh tác) để thờ cúng tổ tiên nếu bố mẹ mất thì thờ cúng.Khi các cụ còn sống bà canh tác phần ruộng để lấy thóc gạo nuôi dưỡng các cụ.

Năm 1993 tại địa phương xã M chia ruộng mỗi một nhân khẩu bằng 636m2, hai ông bà bằng 1.272 m2 và 3 khẩu gồm của bà Nguyễn Thị V, hai con Nguyễn Đức D và Nguyễn Đức D bằng 1.908m2. Tổng số ruộng của 5 khẩu bằng 3.180 m2 nhưng địa phương trừ vào đất ở của 2 ông bà là 231m2 số ruộng còn lại được cấp để canh tác theo giấy chứng nhận bằng 2.949m2 mang tên bố chồng Nguyễn Văn Th (chủ hộ) trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được chia ở 3 xứ đồng để canh tác (Kỹ thuật, Bụi tre trên, Bụi tre dưới) đất ruộng của bố mẹ chồng bà chỉ còn 1.041m2.

Năm 2017 một số doanh nghiệp có thuê ruộng để phát triển sản xuất kinh doanh nên UBND tỉnh có quyết định thu hồi và doanh nghiệp họ bồi thường các khoản cho những người có tên theo giá thỏa thuận mỗi sào bằng 120.000.000đ, số diện tích ruộng thu hồi thì bà không nhớ diện tích nhưng chồng bà ông T là người đại diện ký nhận tiền bồi thường của cả 5 khẩu.

Liên quan đến tranh chấp tài sản là số tiền bồi thường của bố mẹ chồng, bà đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với số tiền ông T nhận bồi thường 3 khẩu gồm của bà và hai con Nguyễn Đức D1, Nguyễn Đức D2 là tiền bồi thường của gia đình bà không liên quan đến việc tranh chấp. Nay quan điểm của bà đề nghị TAND huyện V xem xét công sức của bà đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ theo quy định của pháp luật.

*Anh Nguyễn Đức D1, anh Nguyễn Đức D2 trình bày: Các anh là con của ông Nguyễn Đức T, bà Nguyễn Thị V và là cháu nội của hai cụ Nguyễn Văn Th, Đoàn Thị Đ ở thôn A, xã M, các anh xác định khi hai cụ còn sống ở với gia đình các anh, năm 1993 các anh được chia ruộng canh tác nông nghiệp theo tiêu chuẩn tại địa phương, có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ ông Nguyễn Văn Th là chủ hộ có diện tích 2.949m2. Năm 2017 các doanh nghiệp về địa phương thuê đất ruộng để phát triển kinh doanh, UBND tỉnh có quyết định thu hồi ruộng và các doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường cho các hộ dân, trong đó có gia đình các anh được bồi thường tiền ruộng, bố các anh (ông T) đại diện gia đình đứng ra ký nhận tiền bồi thường.

Đối với phần ruộng của các anh được các doanh nghiệp bồi thường số tiền không liên quan đến tranh chấp tài sản thừa kế. Nay xảy ra tranh chấp tài sản thừa kế là số tiền 280.000.0000đ của ông bà nội các anh (cụ Th, cụ Đ) các anh không có gì liên quan, đề nghị TAND huyện V xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa: Nguyên đơn ông Nguyễn Đức Th vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Tòa án giải quyết chia tài sản thừa kế là số tiền 280.000.000đ tiền bồi thường ruộng của bố mẹ theo pháp luật.

*Bị đơn ông Nguyễn Đức T có ý kiến: Ông xác định ông là em trai của ông Nguyễn Đức Th, tài sản của bố mẹ ông (cụ Th, cụ Đ) để lại là số tiền bồi thường tiền ruộng theo quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên cụ thể diện tích ruộng thu hồi của các cụ, ông không nhớ chính xác nhưng khoảng 960m2, số tiền được các doanh nghiệp bồi thường tiền ruộng của các cụ ông đứng ra nhận, đối với số tiền này ông Th khởi kiện chia tài sản thừa kế của bố mẹ theo như ông Th khai 280.000.000đ anh chị em ông không nhất trí vì những lý do: Khi bố mẹ còn sống ông Th không phụng dưỡng bố mẹ một ngày nào còn gây mâu thuẫn với bố mẹ, đến mức bố mẹ phải từ ông Th, trước khi bố mẹ mất đều gọi chị em ông đến rặn rò, nếu bố mẹ mất toàn bộ tài sản sẽ để lại cho ông trông nom, quản lý, sử dụng để thờ cúng tổ tiên, bố mẹ. Ngoài ra liên quan đến số tiền của bố mẹ ông, khi doanh nghiệp bồi thường thì bố mẹ ông đều đã mất cho nên phần ruộng của bố mẹ ông chỉ được tính 71.000đ/1m2 theo quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên như vậy diện tích ruộng của bố mẹ là 960m2 x 71.000đ = 68.160.000đ chia đều cho 7 người thì mỗi người chỉ được 9.737.142đ ông đã đưa cho ông Th 10.000.000 coi như đã là đủ rồi. Ngoài ra đối với số tiền ông nhận lớn hơn 68.160.000đ là tiền doanh nghiệp bồi thường cho những người còn sống có tiêu chuẩn ruộng gồm: vợ ông bà Nguyễn Thị V, các con ông anh Nguyễn Đức D1, Nguyễn Đức D2, là tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo nghề và bồi thường hỗ trợ cây cối hoa màu. Nay ông Th khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế và buộc ông trả lại số tiền 30.000.000đ ông không nhất trí.

*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị Th1 có ý kiến như ý kiến của ông T.

*Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Th có ý kiến: Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và thẩm tra tại phiên tòa, những căn cứ để chưng minh cho yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức Th cụ thể như sau:

- Lời khai của các đương sự đều xác định cụ Nguyễn Văn Th và Đoàn Thị Đ sinh được 7 người con gồm: Ông Th, bà T, ông T, bà Th1, bà P, bà Th2 và bà N. Cụ ông Nguyễn Văn Th chết năm 2005, cụ bà Đoàn Thị Đ chết năm 2016, hai cụ không có con nuôi, con riêng.

- Bản biên bản xác minh ngày 19/01/2019 và ngày 11/6/2019 tại UBND xã M thể hiện năm 1993 chia ruộng canh tác nông nghiệp theo nghị quyết 03 tại địa phương thôn A, xã M mỗi khẩu được chia 636m2 chia theo hộ gia đình, cụ Nguyễn Văn Th là chủ hộ gồm 5 khẩu (cụ Th, cụ Đ, bà V, anh D1 và anh D2) bằng 3.180m2, hộ gia đinh cụ Th bị trừ đất vườn thừa là 231m2 vào ruộng canh tác nên số diện tích được cấp theo giấy chứng nhận là 2.949m2 mang tên chủ hộ Nguyễn Văn Th. Năm 2017 có 2 doanh nghiệp P và T về thuê đất để phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Hưng Yên có quyết định thu hồi một phần ruộng của cả gia đình cụ Th chứ không phải của cá nhân nào, các doanh nghệp thỏa thuận bồi thường cho gia đình cụ Th có ông Nguyễn Đức T đại diện gia đình nhận tiền bồi thường, tính các khoản mục để bổi thường cho những người có tên sử dụng đất ruộng trong đó có cả quyền lợi của hai cụ Th và Đ.

- Căn cứ vào danh sách do Công ty T lập trả tiền thu hồi đất ruộng, bà Nguyễn Thị V đứng tên, diện tích ruộng bị thu hồi 1.879m2, số nhân khẩu hỗ trợ là 5, các khoản mục bồi thường ông T là người đại diện nhận số tiền 626.433.333đ và Công ty P lập danh sách chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích 390m2 số tiền ông T đại diện nhận là 135.420.000đ. Tại phiên tòa ông T được xem chữ ký,ông xác nhận chữ ký là của ông, ông ký nhận tiền là đúng.

- Theo như ông T trình bày tại phiên tòa xác định hai cụ đã chết thì các cụ chỉ được bồi thường số tiền đất theo quyết định thu hồi của UBND tỉnh Hưng Yên là 71.000đ/1m2, mọi quyền lợi khác doanh nghiệp chỉ bồi thường cho những người còn sống có vợ con ông là bà V, anh D1 và anh D2 là không có căn cứ vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ruộng chủ hộ là cụ Nguyễn Văn Th, khi ký nhận tiền bồi thường các khoản mục ông T ký nhận có 5 nhân khẩu, nếu ông T nhận số tiền bồi thường các khoản mục chỉ có của 3 người không có phần của 2 cụ thì ông T sẽ nhận số tiền ít hơn số tiền đã thực nhận.

- Tại bản tự khai và biên bản lời khai của bà T, ông T, bà Th1, bà P, bà Th2 và bà N xác định ông Th cãi láo bố mẹ, bị bố mẹ từ ông Th (không chấp nhận ông Th là con), ngoài lời khai của các ông bà ra đến nay không có tài liệu nào chứng minh ông Th cãi láo, ngược đãi, bội bạc hai cụ Th và Đ.

- Bà Nguyễn Thị V yêu cầu công sức chăm sóc, nuôi dưỡng hai cụ, ngoài lời khai của bà ra cũng không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh để Tòa án xem xét, theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình việc chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ là trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái.

*Từ những căn cứ nêu trên đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức Th yêu cầu chia tài sản thừa kế là số tiền của cụ Th và cụ Đ do ông Nguyễn Đức T đã nhận chia đều cho 7 kỷ phần được hưởng, số tiền ông Th được hưởng trừ đi số tiền 10.000.000đ, ông T đã đưa cho ông Th, số tiền còn lại buộc ông T trả lại cho ông Th. Về án phí dân sự sơ thẩm do ông Th là thương binh được hưởng tiền trợ cấp của Nhà nước, ngoài ra còn là hộ nghèo có xác nhận của địa phương, căn cứ theo quy định của pháp luật đề nghị HĐXX xem xét miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Th.

*Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện V phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, đã tuân thủ thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đối với các đương sự chấp hành quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Về việc giải quyết nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35, Điều 147, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 609, Điều 611, Điều 613, Điều 615, Điều 623, Điều 649, Điều 651, Điều 658, Điều 660 Bộ luật dân sự 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án đề nghị HĐXX Xử:

Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Đức Th đối với yêu cầu chia tài sản thừa kế. Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn Th và cụ Đoàn Thị Đ gồm có: Ông Th, bà T, ôngT, bà Th1, bà P, bà Th2 và bà N. Xác nhận tài sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Th và cụ Đàm Thị Đ là số tiền ông Nguyễn Đức T nhận của các doanh nghiệp bồi thường. Trừ đi các khoản mục bồi thường cho bà Nguyễn Thị V, anh Nguyễn Đức D1 và anh Nguyễn Đức D2 số tiền còn lại chia cho các đồng thừa kế, số tiền ông Th được hưởng trừ đi số tiền 10.000.000đ ông T đã đưa cho ông Th, số tiền còn lại buộc ông T trả lại cho ông Th. Chấp nhận sự tự nguyện của các bà Nguyễn Thị Th1, bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị Th2 và bà Nguyễn Thị N để lại số tiền được hưởng do ông T đang quản lý, giao cho ông Nguyễn Đức T sử dụng để thờ cúng. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Th, trả lại tiền tạm ứng án phí cho ông Th.

Ông T, bà T, bà Th1, bà P, bà Th2 và bà N mỗi người phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, trình bày của các đương sự và được thẩm tra tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Th1, bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị Th2, bà Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị V, anh Nguyễn Đức D1 và anh Nguyễn Đức D2 đều ủy quyền cho ông Nguyễn Đức T tham gia tố tụng và các đương sự đều có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt. Căn cứ vào khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn xét xử vắng mặt cá đương sự trên là có căn cứ đúng theo quy định của pháp luật.

[2]. Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế là số tiền bồi thường đất ruộng. Đây là vụ án Tranh chấp chia tài sản thừa kế, theo khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1, Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự và thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện V giải quyết.

[3]. Về thời hiệu thừa kế: Căn cứ vào ý kiến trình bày của các đương sự, các tài liệu chứng cứ xác định cụ Nguyễn Văn Th chết năm 2005, cụ Đoàn Thị Đ chết năm 2016. Theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện đối với bất động sản là 30 năm. Như vậy di sản của cụ Th và cụ Đ để lại là ruộng canh tác nông nghiệp được chuyển đổi là số tiền bồi thường nên HĐXX xác định thời hiệu chia thừa kế vẫn còn.

[4]. Căn cứ vào lời khai của các đương sự và các tài liệu thu thập, đủ căn cứ xác định hàng thưa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn Th và cụ Đoàn Thị Đ gồm có: ông Nguyễn Đức Th, ông Nguyễn Đức T,bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị Th1, bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị Th2, bà Nguyễn Thị N (hai cụ không có con riêng, con nuôi).

[5]. Căn cứ vào các tài liệu do UBND xã M cung cấp thể hiện: Tại các biên bản xác minh với địa chính xã M theo tiêu chuẩn tại địa phương thôn A năm 1993 chia ruộng mỗi nhân khẩu được chia 636m2 gia đình cụ Th có 5 khẩu bằng 3.180m2 đối chiếu với diện tích đất ở, chia cho số nhân khẩu sử dụng thì bị thừa (gọi là đất vườn thừa) nên bị trừ đi 231m2 đất canh tác như vậy cụ Th là chủ hộ được cấp đất ruộng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 2.949m2 gồm: Thửa 116, tờ bản đồ số 3b diện tích 509m2 ở xứ đồng Kỹ thuật; Thửa 42, tờ bản đồ 3a, diện tích 1.170m2m2 ở xứ đồng Bụi tre trên; Thửa 39, tờ bản đồ số 3a, diện tích 1.270m2 ở xứ đồng Bụi tre dưới. Năm 2017 có hai doanh nghiệp P và T về xã M thuê ruộng để phát triển sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh Hưng Yên có quyết định thu hồi ruộng, các doanh nghiệp có thỏa thuận bồi thường với các hộ dân có ruộng, trong đó có hộ gia đình cụ Th, diện tích ruộng của gia đình cụ Th các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng giá trị tương ứng với số tiền bồi thường do ông Nguyễn Đức T là người đại diện gia đình ký nhận tiền với các doanh nghiệp.

[6]. Theo tài liệu do 2 Công ty T và P cung cấp cho Tòa án thể hiện danh sách bồi thường tiền ruộng ghi tên người sử dụng ruộng canh tác là bà Nguyễn Thị V vợ ông T, gia đình đã chuyển nhượng cho Công ty T 1.879m2 ruộng gồm 5 khẩu với số tiền là 626.433.333đ; Công ty P nhận chuyển nhượng 390m2 ruộng với số tiền là 135.420.000đ. Tổng số tiền là 761.853.333đ ông T là người đại diện gia đình ký nhận tiền. Như vậy cả hai Công ty T và P đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với các thành viên gia đình cụ Th (trong đó có phần diện tích ruộng của cả 5 nhân khẩu: cụ Th, cụ Đ, bà V, anh D1 và anh D2) nay các Công ty không còn liên quan gì đến việc bồi thường ruộng canh tác nông nghiệp của gia đình cụ Th nữa. Nay xảy ra tranh chấp tài sản thừa kế đối với số tiền của cụ Th và cụ Đ hai Công ty T và P không có gì liên quan trong vụ án.

[7]. Đối với bà Nguyễn Thị V yêu cầu Tòa án xem xét công sức nuôi dưỡng, chăm sóc cụ Th, cụ Đ nhưng ngoài lời khai của bà, không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu của bà và việc nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ là trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái, ngoài ra bà Vân cũng sử dụng diện tích ruộng của cụ Th, cụ Đ để canh tác, hàng năm có hưởng lợi tức, hoa mầu từ việc canh tác nên yêu cầu công sức của bà V không có căn cứ chấp nhận.

[8]. Đối với đề nghị của ông T, bà T, bà Th1n, bà P, bà Th2 và bà N cho rằng ông Th là con trưởng không nuôi bố mẹ ngày nào còn cãi láo bố mẹ (cụ Th, cụ Đ) nên bị các cụ từ con, các cụ không cho ông Th được hưởng mọi quyền lợi liên quan đến di sản của các cụ để lại, trong đó có ruộng canh tác, nay ông Th khởi kiện đòi hỏi số tiền ruộng, ông T và các bà không nhất trí. HĐXX xét thấy ngoài lời khai của ông T, bà T, bà Th1, bà P, bà Th2 và bà N không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cụ Th, cụ Đ từ ông Th hoặc truất quyền thừa kế tài sản đối với ông Th nên yêu cầu của các ông bà không có căn cứ chấp nhận.

[9]. Ông T xác định bố mẹ ông, cụ Th, cụ Đ đã mất nên các cụ chỉ được bồi thường tiền ruộng theo quy định của UBND tỉnh Hưng Yên là 71.000đ/m2, mọi quyền lợi khác là dành cho những người còn sống được hưởng. Nếu ông T cho rằng doanh nghiệp họ bồi thường tiền ruộng cho người còn sống sử dụng ruộng trong đó có vợ ông bà Nguyễn Thị V, hai con ông, Nguyễn Đức D1, Nguyễn Đức D2 gồm các khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo nghề và bồi thường hỗ trợ cây cối hoa màu thì ông chỉ đại diện được nhận số tiền bồi thường của 3 người có tiêu chuẩn ruộng là bà V, anh D1 và anh D2, trừ phần ruộng của hai cụ đi thì số tiền sẽ ít hơn số tiền ông ký nhận với hai doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp họ có bồi thường là tính theo diện tích bị thu hồi và số nhân khẩu có ruộng trong đó có tên cụ Th, cụ Đ mặc dù các cụ đã chết nhưng quyền lợi của các cụ vẫn còn nên ông T mới lĩnh số tiền như vậy và đối chiếu với danh sách của các hộ gia đình khác ký nhận tiền bồi thường ruộng cùng với ông T ký nhận thấy hoàn toàn phù hợp nên yêu cầu của ông T không có căn cứ chấp nhận.

[10]. Từ những căn cứ nêu trên HĐXX xét thấy Nguyên đơn ông Nguyễn Đức Th khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế là số tiền bồi thường đất ruộng canh tác của hai cụ Nguyễn Văn Th và cụ Đoàn Thị Đ có căn cứ chấp nhận. Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn Th và cụ Đoàn Thị Đ gồm có: Ông Th,bà T, ông T, bà Th1, bà P, bà Th2 và bà N. Xác nhận tài sản thừa kế của cụ Th và cụ Đ là số tiền 304.741.333đ, số tiền này chia đều cho 7 đồng thừa kế mỗi người được hưởng 43.534.476đ. Ông Th đươc hưởng số tiền 43.534.476đ đối trừ với số tiền ông Th đã nhận của ông T 10.000.000đ, số tiền còn lại là 33.534.476đ ông T đang quản lý nên buộc ông T trả lại cho ông Th. Các bà Th1, bà P, bà Th2 và bà N mỗi người được hưởng số tiền 43.534.476đ x 4 người = 174.137.904đ, đối trừ với số tiền các bà đã nhận từ ông T mỗi người 5.000.000đ x 4 người = 20.000.000đ, số tiền còn lại ông T đang quản lý 154.137.904đ chấp nhận sự tự nguyện của các bà để lại số tiền này cho ông T sử dụng để thờ cúng. Chấp nhận sự tự nguyện của bà T để lại số tiền 43.534.476đ cho ông T sử dụng để thờ cúng.

[11]. Về án phí: Căn cứ Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều; điểm đ khoản 1 Điều 12; Điều 26; Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Ông Nguyễn Đức Th người có công với các mạng, là thương binh và thuộc hộ cận nghèo nên được miễn toàn bộ án phí theo quy định của pháp luật, số tiền đã nộp tạm ứng án phí sẽ được hoàn lại.

Ông Nguyễn Đức T, Bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị Th1, bà Nguyễn Thị P bà Nguyễn Thị Th2, bà Nguyễn Thị N mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35 Điều 147, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 609; Điều 611; Điều 613; Điều 615; Điều 623; Điều 649; Điều 650; Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015. Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Xử:

1. Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Đức Th đối với yêu cầu chia tài sản thừa kế.

2. Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn Th và cụ Đoàn Thị Đ gồm có: Ông Nguyễn Đức Th, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Đức T, bà Nguyễn Thị Th1, bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị Th2 và bà Nguyễn Thị N.

3. Xác nhận tài sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Th và cụ Đoàn Thị Đ là số tiền 304.741.333đ.

4. Chia ông Nguyễn Đức Th, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Đức T, bà Nguyễn Thị Th1, bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị Th2 và bà Nguyễn Thị N mỗi người được hưởng số tiền 43.534.476đ.

5. Buộc ông Nguyễn Đức T trả lại cho ông Nguyễn Đức Th số tiền 33.534.476đ.

6. Chấp nhận sự tự nguyện của các bà bà Nguyễn Thị Th1, bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị Th2 và bà Nguyễn Thị N mỗi bà được hưởng số tiền 38.534.476đ giao cho ông Nguyễn Đức T sử dụng để thờ cúng.

7. Chấp nhận sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị T giao số tiền 43.534.476đ cho ông Nguyễn Đức T sử dụng để thờ cúng.

8. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.

9. Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Nguyễn Đức Th, trả lại ông Th số tiền tạm ứng án phí 750.000đ theo Biên lai thu tiền số 0000041 ngày 11 tháng 12 năm 2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện V. Bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Đức T, bà Nguyễn Thị Th1, bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị Th2 và bà Nguyễn Thị N mỗi người phải nộp 2.176.723đ án phí dân sự sơ thẩm.

10. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn ông Th, Bị đơn ông T và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà T, bà Th2 có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Th1, bà P, bà N, bà V, anh D1 và anh D2 vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết tại nơi cư trú.

11.Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

527
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 18/2019/DSST ngày 14/08/2019 về tranh chấp tài sản thừa kế

Số hiệu:18/2019/DSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Văn Giang - Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về