Bản án 174/2017/DS-PT ngày 29/11/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 174/2017/DS-PT NGÀY 29/11/2017 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong ngày 28 và 29 tháng 11 năm 2017 , tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 120/2017/TLPT-DS ngày 06 tháng 10 năm 2017, về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 23/2017/DS-ST ngày 25 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 214/2017/QĐ-PT ngày 23 tháng 10 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà N, sinh năm 1962. Địa chỉ: ấp Q, thị trấn C, huyện C1, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).

2. Bị đơn: Bà B, sinh năm 1965.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn bà B: Ông T.

Cùng địa chỉ: ấp Q, thị trấn C, huyện C1, tỉnh Sóc Trăng (đại diện theo văn bản ủy quyền ngày 23/11/2016 - ông T có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn bà B: Luật sư Trần Văn Thạch – Văn phòng Luật sư Đường Vân Thạch, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng (có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà H ( Lý H, (H1)) , sinh năm 1938. Địa chỉ: ấp Q, thị trấn C, huyện C1, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).

4. Người phiên dịch tiếng Khơmer: Bà Sơn Hồng Vân, cán bộ Báo Sóc Trăng.

5. Người kháng cáo: Bị đơn bà B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

-Theo đơn khởi kiện ngày 09/9/2016 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà N trình bày:

Nguồn gốc đất tranh chấp vào năm 2000, bà đã bỏ tiền ra mua một phần đất ngang 12 mét dài 60 mét, tổng diện tích là 720 mét đất tọa lạc tại ấp Ấp Đ, xã K, huyện M, tỉnh Sóc Trăng, mua của R, nhưng sổ mục kê ghi sai tên là R1, vợ Lý H (H1), khi chuyển nhượng có làm giấy viết tay do bà đứng tên. Phần đất ngang 12 mét trừ ra 02 mét lý do chủ đất lấy lùi lại 01 mét và bà B cất nhà lấn qua 01 mét. Hiện nay chỉ còn 10 mét chiều ngang, giá thời điểm đó là 10.000.000 đồng. Phần đất của bà mua không liên quan gì đến B và mẹ của bà là S (đã chết ở Mỹ vào năm 2007).

Nay bà N yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà B phải trả lại phần đất ngang 10 mét dài 60 mét, diện tích 600m2, tọa lạc tại ấp Trà Quýt, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 24/10/2016 và trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn bà B trình bày:

Nguồn gốc phần đất tranh chấp trước đây của vợ chồng R, vợ bà Lý H (H1). Vào năm 1999 mẹ bà là bà S đang định cư tại Mỹ và chết năm 2007, lúc còn sống bà S có mua lại của vợ chồng ông R, bà H là 46 chỉ vàng 24kara. Trong đó mẹ bà mua tổng cộng ngang 18m, dài 60m, sau đó mẹ bà cho vợ chồng bà ngang 7,5m dài 60m để cất nhà ở, diện tích còn lại ngang 10m dài 60m, hiện nay phần đất tranh chấp này bà đang sử dụng. Do trong lúc mẹ bà còn sống có nói tạm thời cho bà N đứng tên giấy tờ sang nhượng đất khi nào mẹ bà chính thức về Việt Nam thì mới làm thủ tục cho vợ chồng bà đứng tên quyền sử dụng đất. Nhưng sau đó, vào năm 2007, mẹ bà bệnh và chết tại Mỹ cho nên không lập thủ tục cho vợ chồng bà đứng tên được.

Sự việc được Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết. Tại bản án dân sự sơ thẩm số: bản án số 23/2017/DS-ST ngày 25 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã quyết định:

Áp dụng khoản 9 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 244 của BLTTDS năm 2015. Điều 255,256 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 26 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Điều 42 của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng ngày 28/3/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N. Buộc bà B trả cho bà N diện tích đất 531,65m2 , tọa lạc tại ấp Q, thị trấn C, huyện C1, tỉnh Sóc Trăng. Có số đo cụ thể như sau:

-   Hướng Đông: Giáp lộ đê bao có số đo 10m

-   Hướng tây: Giáy kinh hậu có số đo 10m

-   Hướng nam: Giáp R có số đo 53,31m.

-   Hướng Bắc: Giáp bị đơn có số đo 53,02m.

Tổng diện tích: 531,65m2 (Có sơ đồ kèm theo)

Buộc nguyên đơn N phải trả giá trị bằng tiền tương ứng với các loại cây trồng, mái che, nền láng xi măng trên đất do phía bị đơn trồng và sử dụng với số tiền theo biên bản định giá ngày 10/3/2017 là 1.167.000đ

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí sơ thẩm chi phí định giá tài sản và thông báo quyền kháng cáo cho các đương sự.

Đến ngày 07/9/2017 bị đơn bà B có đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 23/2017/DS-ST ngày 25/8/2017 yêu cầu cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N về việc đòi lại diện tích 531,65m2, tọa lạc tại ấp Trà Quýt, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn bà N giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện; bị đơn bà B giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo; các đương sự không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Phần đất tranh chấp có diện tích theo đo đạt thực tế là 531,65m2  thuộc thửa số 199 tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại ấp Q, thị trấn C, huyện C1, tỉnh Sóc Trăng. Đất có nguồn gốc là của vợ chồng R và bà Lý H (H1); theo nguyên đơn bà N thì phần đất trên do bà đứng ra nhận chuyển nhượng của ông R và bà Lý H vào năm 2000 với giá là 32 chỉ vàng nhưng trong hợp đồng chỉ ghi số tiền là 10.000.000 đồng trên tổng diện tích 720m2. Bà N thừa nhận trước đó vào năm 1999 mẹ của bà có gửi tiền về để bà đứng tên chuyển nhượng dùm diện tích đất là 360m2  (ngang 6m x dài 60m) và bà đã giao phần đất này cho bà B sử dụng (giáp ranh với đất tranh chấp); còn phần đất bà nhận chuyển nhượng năm 2000 là từ nguồn tiền của bà nên đất này là của riêng bà. Theo bị đơn bà B trình bày thì vào năm 1999 mẹ bà là bà S định cư tại Mỹ có gởi tiền về cho bà N đứng tên mua dùm phần đất hiện đang tranh chấp trong tổng diện tích 1.080m2 của ông R bà H với số vàng là 46 chỉ vàng 24k, mẹ bà cũng có hứa khi về Việt Nam sẽ làm thủ tục cho bà đứng tên, nhưng vào năm 2007 thì mẹ bà chết nên không thực hiện được.

[2] Theo “Tờ nhượng đất thổ cư” do bà N cung cấp thì vào ngày 31/10/2000 vợ chồng ông R và bà N có ký kết chuyển nhượng phần đất có diện tích là 720m2 (ngang 12m x dài 60m) với giá là 10.000.000 đồng. Trong khi đó, tại biên bản hòa giải ngày 05/12/2016 bà B xác định vào năm 1999 mẹ bà có gửi tiền về nhờ bà N đứng tên mua dùm phần đất, điều này phù hợp với lời thừa nhận của bà N, phù hợp với “Tờ nhượng đất thổ cư” ngày 12/6/1999 do bà N cung cấp, đó là phần đất chuyển nhượng vào năm 1999 có chiều ngang là 6m và đất này hiện do bà B đang sử dụng.

Còn theo “Tờ nhượng đất thổ cư vĩnh viễn” do bà B cung cấp thì vào ngày 01/11/2000 ông R1 và vợ là bà H ký tên chuyển nhượng cho người sang đất là bà N nhưng bà N không có ký tên, phần đất hai bên thực hiện hợp đồng có diện tích là 1.080m2 (18m x 60m) với giá là 46 chỉ vàng 24k. Tại Tòa bà N không thừa nhận có tham gia việc chuyển nhượng đất vào ngày 01/11/2000; tại phiên Tòa Phúc thẩm, ông T cũng thừa nhận cả hai tờ nhường đất thổ cư nêu trên là do ông viết, ông lập tờ nhượng đất ngày 01/11/2000 là gộp 2 lần chuyển nhượng lại và để thể hiện việc các lần ông giao trả vàng cho bà H. Qua lời trình bày của ông T cho thấy “Tờ nhượng đất thổ cư vĩnh viễn” ngày 01/11/2000 không liên quan đến trách nhiệm của bà N.

Đối với hợp đồng chuyển nhượng đất thổ cư ngày 31/10/2000, bị đơn bà B cho rằng nguồn tiền do mẹ là bà S định cư tại Mỹ gởi tiền về cho bà N đứng tên mua dùm để sau này giao lại cho bà, nhưng bà không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc bà S có gửi tiền về cho bà N với mục đích mua đất, không có chứng cứ chứng minh số tiền, vàng mà bà N giao trả cho bà H là chính là tiền, vàng do mẹ bà gởi về cho bà N. Bà B cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc mẹ của bà là bà S có hứa khi bà S về Việc Nam sẽ làm thủ tục cho bà đứng tên phần đất hiện có tranh chấp.

Trong khi đó, theo “Tờ nhượng đất thổ cư” ngày 31/10/2000 thì bà N là người trực tiếp nhận chuyển nhượng đất và trả đủ tiền cho ông R và bà H. Tại biên bản lấy lời khai ngày 24/7/2017 bà H trình bày: Khi chuyển nhượng đất, bà N là người trực tiếp giao trả vàng cho bà, do lâu quá nên số vàng bao nhiêu thì bà không nhớ, lúc đó có mặt ông T chồng bà B chứng kiến việc giao vàng và bà N nhờ ông T kiểm tra lại số vàng giao cho vợ chồng bà; lúc đó không có mặt bà S vì bà S định cư ở nước ngoài, chỉ có bà N sang nhượng đất của bà. Tại phiên tòa phúc thẩm bà H lại khai bà S là người chuyển nhượng đất, ông T là người trả vàng cho bà; khi Kiểm sát viên hỏi bà về việc số vàng do bà N giao trả thì bà H trả lời là không nhớ ai giao trả vàng cho bà.

Qua lời trình bày của bà H, xét thấy: Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm bà H đã có văn bản xin xét xử vắng mặt trong các phiên tòa kể cả phiên tòa phúc thẩm, cho nên Tòa án đã không triệu tập bà tham gia phiên tòa phúc thẩm nhưng bà H vẫn có mặt tại phiên tòa theo yêu cầu của ông T, và bà đã có lời trình bày hoàn toàn trái ngược với lời trình bày của bà trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Từ đó cho thấy lời trình bày của bà H tại phiên tòa phúc thẩm không còn mang tính khách quan để xem xét khi giải quyết vụ án.

Từ nội dung “Tờ nhượng đất thổ cư” và việc bị đơn không chứng minh được số vàng bà S gởi về cho bà N chuyển nhượng đất, nên đã có đủ cơ sở xác định diện tích phần đất tranh chấp là do nguyên đơn đã nhận chuyển nhượng của ông R và bà H, cho nên Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

[3] Tuy nhiên, cấp sơ thẩm buộc nguyên đơn bà N trả giá trị tương ứng với các loại cây trồng, mái che, nền xi măng trên đất với số tiền là 1.167.000đ cho bị đơn nhưng không tuyên giao cho nguyên đơn được sở hữu toàn bộ các tài sản gắn liền với đất là có thiếu sót, gây khó khăn cho công tác thi hành án. Mặt khác, tài sản mà nguyên đơn phải trả giá trị bằng tiền cho bị đơn không thuộc tài sản tranh chấp và cũng không thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Do tài sản trên đất không thể di dời đi được, cho nên cấp sơ thẩm chỉ buộc bên nguyên đơn hoàn trả giá trị bằng tiền đối với tài sản trên là phù hợp, nhưng lại buộc nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần tiền này là không đúng các quy định của pháp luật về lệ phí, án phí Tòa án.

Đây là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, các đương sự không tranh chấp về giá trị của tài sản này, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định án phí có giá ngạch là chưa phù hợp theo điểm a khoản 2 điều 17 Nghị Quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của pháp luật về án phí lệ phí Tòa án.

Với những thiếu sót như vừa nêu, cấp phúc thẩm có thể khắc phục được. Từ đó, cấp phúc thẩm cần sửa lại bản án sơ thẩm theo hướng đã phân tích cho phù hợp với các quy định của pháp luật về án phí Tòa án.

Do kháng cáo của bà B không được chấp nhận, và việc sửa bản án cũng không liên quan đến kháng cáo của bà B, nên bà phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

[4] Tại phiên tòa, vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Cùng là một miếng đất nhưng mỗi lần khai bà N đều trình bày khác nhau về giá đất, không xác định được đất của mình mua là bao nhiêu, khi thì 12m, khi thì 11m, khi thì 10m ngang.

Tiền đền bù 2.840.000 đồng thời điểm đó tương đương 8 chỉ vàng tại sao bà N không nhận. Bị đơn trồng cây, đóng cây nước, xây mái che trên đất bà N không có ý kiến gì. Việc trả vàng, nguyên đơn trình bày không trùng khớp nhau, khi thì bà tự trả, khi thì bà đưa vàng cho ông T trả. Số tiền mua đất khi thì bà N nói của bà toàn bộ, khi thì nói của mẹ cho một phần. Việc bà N không chứng minh được nguồn tiền mua đất thì đây chính là nguồn tiền do bà S gửi về.

Về tố tụng: Cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trong việc lấy lời khai người làm chứng, Thẩm phán không giải thích quyền, nghĩa vụ, không cam đoan lời khai, không có người phiên dịch  trong khi bà SM là người dân tộc Khơmer. Trên đất còn có cây nước của bị đơn nhưng không được cấp sơ thẩm định giá, mặc dù cây nước không còn sử dụng nhưng nó vẫn còn giá trị sử dụng của nó. Bị đơn trình bày số tiền chuyển nhượng đất là của bà S gởi về, nhưng khi bà S chết cấp sơ thẩm không đưa người thừa kế của bà S vào tham gia tố tụng là thiếu sót. Từ vi phạm nghiêm trọng về tố tụng của cấp sơ thẩm trong thu thập chứng cứ, đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án.

[5] HĐXX xét thấy: Trên cơ sở nội dung của “Tờ nhượng đất thổ cư” ngày 31/10/2000, giấy này ông T thừa nhận là do ông viết và bà H ký tên; tại tòa bà H cũng thừa nhận chữ ký của bà. Bị đơn cho rằng nguồn tiền chuyển nhượng đất là của bà S từ Hoa Kỳ gửi về chứ không phải của bà N; cho nên nghĩa vụ chứng minh là của bị đơn; ngoài lời trình bày của bà H tại phiên tòa phúc thẩm thì bị đơn không có chứng cứ nào khác để chứng minh. Như đã phân tích về tính không khách quan đối với lời trình bày của bà H, HĐXX không thể xem lời trình bày của bà H là chứng cứ để xem xét khi giải quyết vụ án.

Đối với phần cây nước: Nguyên đơn cho rằng đã hư, bị đơn cho rằng không còn sử dụng do đã sử dụng nước máy; các bên đương sự không có yêu cầu định giá. Do đó cấp sơ thẩm đã không định giá phần tài sản này là không vi phạm tố tụng; mặt khác, sau khi có kết quả định giá thì đương sự cũng không có khiếu nại về việc định giá tài sản.

Tòa án cấp sơ thẩm cũng như phúc thẩm, khi giải quyết vụ án không xem lời khai của người làm chứng là chứng cứ để giải quyết vụ án, thủ tục lấy lời khai người làm chứng có phù hợp quy định của pháp luật hay không cũng không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự. Việc bị đơn không chứng minh được nguồn tiền chuyển nhượng đất là của bà S gởi về, đồng nghĩa việc không có căn cứ xác định bà S có liên quan trong vụ án, nên cấp sơ thẩm không đưa người thừa kế của bà S vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đúng pháp luật.

Từ những phân tích trên, HĐXX không chấp nhận lời đề nghị của vị Luật sư.

[6] Tại phiên tòa, vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng phát biểu ý kiến: Kể từ khi thụ lý vụ án cho đến thời điểm tranh luận tại phiên tòa, Thẩm phán cũng như HĐXX đã thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về kháng cáo của đương sự, xét thấy việc kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở, nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm buộc nguyên đơn trả giá trị tài sản trên đất với số tiền là 1.167.000đ cho bị đơn nhưng không tuyên giao cho nguyên đơn được sở hữu toàn bộ các tài sản gắn liền với đất là có thiếu sót. Mặt khác, số tiền nguyên đơn phải trả cho bị đơn không thuộc tài sản tranh chấp và cũng không thuộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cấp sơ thẩm tính án phí phần này là không đúng. Cho nên đề nghị HĐXX căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự để sửa bản án sơ thẩm như đã phân tích.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ: Khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309, khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 255, 256 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 203 luật đất đai năm 2013; Khoản 2, Điều 27 Pháp lệnh 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 và khoản 2 Điều 29, khoản 1 Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án; điểm a khoản 2 điều 17 Nghị Quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Tòa án nhân dân tối cao.

Tuyên xử:

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà B.

Sửa bản án sơ thẩm số: 23/2017/DS-ST ngày 25 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, như sau:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N.

Buộc bà B trả cho bà N diện tích đất 531,65 m2, tọa lạc tại ấp Q, thị trấn C, huyện C1, tỉnh Sóc Trăng. Có số đo cụ thể như sau:

- Hướng Đông: Giáp lộ đê bao có số đo 10m.

- Hướng Tây: Giáp kinh hậu có số đo 10m.

- Hướng Nam: Giáp R có số đo 53,31m .

- Hướng Bắc: Giáp bị đơn  có số đo 53,02 mét. Tổng diện tích:  531,65 m2  (có sơ đồ kèm theo).

Buộc nguyên đơn bà N phải trả giá trị bằng tiền tương ứng với các loại cây trồng, mái che, nền láng xi măng trên đất do phía bị đơn trồng và sử dụng với số tiền theo biên bản định giá tài sản ngày 10/3/2017 là 1.167.000 đồng.

Nguyên đơn bà N được sở hữu toàn bộ tài sản gắn liền với đất bao gồm mái che, nền láng xi măng, cây trồng trên đất bao gồm: 02 cây Mít loại C, 03 cây Còng loại A, 01 cây Chăm loại A, 01 cây Đu đủ loại B, 01m2 cây tre loại A.

2. Án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn bà B phải chịu 200.000 đồng. Nguyên đơn bà N không phải chịu án phí, trả lại cho bà N số tiền tạm ứng án phí đã nộp 1.125.000đ theo biên lai thu số : 0003725 ngày 06/10/2016 của Chi cục thi hành án Dân sự huyện Châu Thành.

Những quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3. Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn bà B phải chịu 300.000 đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000đ theo biên lai thu số: 0006958 ngày 07/9/2017 của Chi cục thi hành án Dân sự huyện Châu Thành; như vậy bà B đã nộp đủ án phí phúc thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

354
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 174/2017/DS-PT ngày 29/11/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:174/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về