Bản án 17/2018/DS-PT ngày 21/11/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

BẢN ÁN 17/2018/DS-PT NGÀY 21/11/2018 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 21 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 13/2018/TLPT-DS ngày 05 tháng 10 năm 2018 về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DSST ngày 30/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 18/2018/QĐPT-DS ngày 05 tháng 11 năm 2018 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Phạm Thị D, sinh năm 1966.

Địa chỉ: Tổ 10, phường N, thành phố L, tỉnh Lào Cai. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Đ – Luật sư văn phòng luật sư Ngọc Bảo thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lào Cai. Có mặt.

2. Bị đơn: Ông Phạm Văn C, sinh năm 1963; Bà Đỗ Thị M, sinh năm 1962.

Cùng địa chỉ: Tổ 09, phường N, thành phố L, tỉnh Lào Cai.

Người đại diện theo ủy quyền của Bà Đỗ Thị M: Ông Phạm Văn C (theo văn bản ủy quyền ngày 31/10/2017). Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Phạm Thị B, sinh năm 1954 - Địa chỉ: Số nhà 212, phố N, thị xã B, tỉnh T.

Người đại diện theo ủy quyền của Bà Phạm Thị B: Bà Phạm Thị D - Địa chỉ: Tổ 10, phường N, thành phố L, tỉnh Lào Cai (Theo văn bản ủy quyền ngày 20/12/2017). Có mặt.

- Bà Phạm Thị X, sinh năm 1960 (đã chết ngày 10/01/2018).

Những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Phạm Thị X:

+ Anh Hoài Thiện L và anh Hoài Trường G - Cùng địa chỉ: Tổ 34, phường P, thành phố L, tỉnh Lào Cai.

+ Anh Trần Anh T - Địa chỉ: Tổ 23, phường D, thành phố L, tỉnh Lào Cai. Người đại diện theo ủy quyền của anh Hoài Thiện L và anh Hoài Trường G: Anh Trần Anh T - Địa chỉ: Tổ 23, phường D, thành phố L, tỉnh Lào Cai. (Theo văn bản ủy quyền ngày 31/5/2018). Vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Chị Phạm Thị Anh Đ, sinh năm 1971 - Địa chỉ: Tổ 25, phường B, thành phố L, tỉnh Lào Cai. Có mặt.

- Bà Phạm Thị N, sinh năm 1968 - Địa chỉ: Tổ 22, phường B, thành phố L, tỉnh Lào Cai. Vắng mặt không có lý do.

- Bà Phạm Thị T, sinh năm 1957 - Địa chỉ: Tổ 31, phường C, thành phố L, tỉnh Lào Cai. Có mặt.

- Anh Phạm Ngọc B, sinh năm 1973 - Địa chỉ: Tổ 10, phường N, thành phố L, tỉnh Lào Cai. Có mặt.

4. Người kháng cáo: Bà Phạm Thị D là nguyên đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Phạm Thị D trình bày:

Ông Phạm Văn B và bà Giáp Thị T chung sống với nhau từ năm 1952, trong thời gian chung sống ông, bà sinh ra được 08 người con chung gồm: Bà Phạm Thị B, sinh năm 1954; Bà Phạm Thị T, sinh năm 1957; Bà Phạm Thị X, sinh năm 1960 (đã chết ngày 10/01/2018); Ông Phạm Văn C, sinh năm 1963; Bà Phạm Thị D, sinh năm 1966; Bà Phạm Thị N, sinh năm 1968; Chị Phạm Thị Anh Đ, sinh năm 1971; Anh Phạm Ngọc B, sinh năm 1973.

Năm 1962 theo điều động của cơ quan, ông Phạm Văn B lên công tác tại Ty y tế tỉnh Lào Cai, đến cuối năm 1963 ông Phạm Văn B đưa vợ là bà Giáp Thị T (sau đây gọi tắt là ông B, bà T) cùng các con từ quê ở xã H, huyện T, tỉnh Phú Thọ lên Lào Cai và sinh sống tại thôn P, xã N, huyện B, tỉnh Lào Cai. Bà T làm nông nghiệp ở đội sản xuất Hợp tác xã N, tháng 02/1979 chiến tranh biên giới xảy ra, bà T cùng các con sơ tán về quê. Tháng 03/1979 bà T một mình lên Lào Cai sinh sống tại đất cũ của gia đình tại thôn P, xã N, tháng 06/1979 ông B về quê đón các con lên sinh sống cùng bà T. Đến cuối năm 1979 do toàn bộ khu thôn P, thôn An Lạc, thôn Bắc Tà, thôn Tân Lập, xã N thuộc vành đai trắng bảo vệ biên giới, nên các hộ dân không được ở, bà T đã đưa các con gồm Phạm Văn C, Phạm Thị D, Phạm Thị N, Phạm Thị Anh Đ, Phạm Ngọc B chuyển về thôn T 3, xã N, thị xã C, tỉnh Hoàng Liên Sơn để sinh sống. Nguồn gốc đất ở thôn T 3, xã N ông B, bà T có được là do hợp tác xã N tạm giao cho mỗi hộ gia đình diện tích đất khoảng 300- 400m2 đất thổ cư, còn đất vườn tạp do gia đình tự khai phá được khoảng 2000-3000m2 và 516m2 đất lúa giao theo nhân khẩu gồm: Bà T, chị D, chị N, chị Đ. Ông B, bà T sinh sống và sử dụng toàn bộ diện tích đất trên từ năm 1979. Năm 1993 bà Giáp Thị T chết và đến ngày 06/8/1998 ông Phạm Văn B chết. Khi bà T và ông B chết không ai để lại di chúc. Trong thời gian ông B, bà T sinh sống tại thôn T 3, xã N, thị xã C, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tổ 09, phường N, thành phố L, tỉnh Lào Cai), ông B, bà T chưa được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào công nhận hay cấp cho bất kỳ một loại giấy tờ gì để chứng minh các diện tích đất trên là của ông B, bà T. Sau khi bà T, ông B chết, những người ở hàng thừa kế thứ nhất không lập biên bản thỏa thuận hoặc họp gia đình để xác định di sản của ông B, bà T để lại gồm những gì và cũng không thỏa thuận ai là người đứng ra để quản lý di sản. Đến năm 1998, theo chủ trương của Nhà nước yêu cầu các hộ dân kê khai đất để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là GNCQSDĐ). Ông Phạm Văn C đã tự đứng ra kê khai và đã được Nhà nước cấp 307m2 đất thổ cư, 2.868m2 đất vườn; 166m2 đất lúa vào ngày 30/12/1998 và cấp lại vào ngày 01/3/2004 cho hộ ông Phạm Văn C và bà Đỗ Thị M mà không có sự đồng ý của các đồng thừa kế. Sau khi được Nhà nước cấp đất ông Phạm Văn C và bà Đỗ Thị M đã tự ý chuyển nhượng 190m2 đất trong tổng số 307m2 đất thổ cư cho ông Nguyễn Bá N và bà Nguyễn Thị T với giá 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng); 519m2 đất trong tổng số 2.868m2 đất vườn tạp cho bà Phạm Trần Luyện T và ông Trần Quốc D với giá 250.000.000đ (Hai trăm năm mươi triệu đồng); 166m2 đất lúa cho bà Nguyễn Thị G với giá 500.000đ (Năm trăm ngàn đồng), toàn bộ số tiền này đều do ông C và bà M quản lý.

Nguyên đơn bà Phạm Thị D cho rằng toàn bộ các diện đất nêu trên mà Nhà nước đã cấp cho hộ ông Phạm Văn C và bà Đỗ Thị M là di sản của ông B, bà T để lại trước khi chết. Nay bà D đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của ông B, bà T còn lại theo pháp luật gồm: 117m2 đất thổ cư và 2.349m2 đất vườn tạp còn lại theo GCNQSDĐ cấp cho hộ ông Phạm Văn C và bà Đỗ Thị M vào ngày 01/03/2004, trị giá là 1.190.000.000đ (Một tỷ một trăm chín mươi triệu đồng) và khoản tiền ông C và bà M đã tự ý chuyển nhượng di sản của ông B, bà T để lại cho người khác với số tiền là 350.500.000đ (Ba trăm năm mươi triệu năm trăm ngàn đồng). Tổng cộng là 1.540.500.000đ (Một tỷ năm trăm bốn mươi triêu năm trăm ngàn đồng). Bà D đề nghị chia di sản thành 08 phần, mỗi phần những thừa kế được hưởng là 192.562.500đ (Một trăm chín mươi hai triệu, năm trăm sáu mươi hai ngàn, năm trăm đồng). Bà D muốn nhận đất và đề nghị Tòa án phân chia diện tích đất tương đương với số tiền mà nguyên đơn được hưởng di sản theo quy định của pháp luật.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Phạm Thị X đều nhất trí với lời trình bày của nguyên đơn bà Phạm Thị D và không bổ sung gì thêm, riêng bà Phạm Thị N từ chối nhận phần di sản thừa kế mà mình được hưởng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Phạm Văn C và bà Đỗ Thị M (sau đây gọi tắt là ông C, bà M) đều trình bày:

Nguồn gốc số đất nêu trên là khi gia đình chuyển về thôn T 3, xã N sinh sống, lúc đó do các em còn nhỏ, các chị thoát ly đi học, ông C là trụ cột trong gia đình và cũng là xã viên Hợp tác xã N, gia đình đã khai hoang và mua thêm đất của bà M vào năm 1980 và một phần mua của chị gái ông C là bà Phạm Thị X vào năm 1994 với giá 02 triệu đồng, nhưng đều không có giấy tờ gì và việc bà Minh hiện nay ở đâu, còn sống hay đã chết ông C không biết, còn đất lúa là do Hợp tác xã N tạm giao, vì thời gian đó do Nhà nước chưa có chủ trương kê khai ruộng đất đến từng hộ dân, nên các gia đình ở trong xã tự khai hoang và cày cấy để sinh sống. Đến tháng 3/1997 ông C, bà M được Uỷ ban nhân dân (viết tắt là UBND) xã N, thị xã C, tỉnh Lào Cai giao cho 453m2 đất lúa và 200m2 đất trồng cây lâu năm. Đến năm 1998 Nhà nước có chủ trương yêu cầu các hộ dân trong thôn kê khai các diện tích đất đang sử dụng thực tế để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ và hộ ông C, bà M đã kê khai và được Nhà nước cấp: 307m2 đất thổ cư, 2.868m2 đất vườn; 166m2 đất lúa vào ngày 30/12/1998 và được cấp lại vào ngày 01/03/2004, gia đình ông đã tôn tạo và sử dụng ổn định đất từ năm 1998 đến nay. Tại thời điểm Nhà nước cấp đất ngày 30/12/1998, thành viên trong hộ được cấp đất chỉ có ông C, bà M và các con. Vì bà Giáp Thị T đã chết năm 1993, ông Phạm Văn B đã chết vào ngày 06/8/1998. Trong thời gian ông B ở với vợ, chồng ông bà đến thời điểm Nhà nước có chủ trương giao đất cho các hộ dân vào năm 1997, 1998 thì ngày 20/12/1997 ông Phạm Văn B đã được UBND xã B, thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai giao cho 240m2 đất thổ cư tại thôn An Lạc, xã B, thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Đến tháng 12/2010 Nhà nước đã thu hồi diện tích 120m2 đất thổ cư, tại tờ bản đồ số P2-7, thửa 23a của hộ ông Phạm Văn B để thực hiện công trình tiểu khu đô thị số 3, phường B, thành phố L. Sau khi được cấp GCNQSDĐ ông C, bà M đã chuyển nhượng 190m2 đất trong tổng số 307m2 đất thổ cư; 519m2 đất trong tổng số 2.868m2 đất vườn và 166m2 đất lúa cho người khác. Đối với các diện tích đất còn lại là 117m2 đất thổ cư và 2.349m2 đất vườn, do khu đất vào quy hoạch nên ngày 04/9/2017 nhà nước đã thu hồi 117m2 đất thổ cư và 536m2 đất vườn tạp để xây dựng dự án: bổ sung đường D3 (đoạn B4 - B5), khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, thành phố L và đã được bồi thường số tiền là: 1.035.194.000đ (Một tỷ không trăm ba mươi lăm triệu một trăm chín mươi tư ngàn đồng).

Vì vậy, ông C khẳng định đối với các diện tích đất nêu trên không phải là di sản thừa kế của ông B, bà T để lại trước khi chết, mà là tài sản riêng của gia đình ông. Ông C, bà M không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 30/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; Khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự và các Điều 649; 651 của Bộ luật Dân sự 2015; Khoản 1 Điều 100 của Luật đất đai 2013 và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014; điểm a, tiết 2 Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Phạm Thị D và yêu cầu của những người có quyền lợi liên quan không có yêu cầu độc lập chị Phạm Thị B, chị Phạm Thị T, chị Phạm Thị N, chị Phạm Thị Anh Đ, anh Phạm Ngọc B, anh Trần Anh T, anh Hoài Thiện L, anh Hoài Trường G về việc yêu cầu các bị đơn anh Phạm Văn C, chị Đỗ Thị M phải có trách nhiệm chia di sản thừa kế của ông Phạm Văn B và bà Giáp Thị T còn lại theo pháp luật là:

117m2 đất ở và 2.349m2 đất vườn theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 01/03/2004 cho hộ anh Phạm Văn C và chị Đỗ Thị M, tại thôn T 3, xã N, thị xã C, tỉnh Lào Cai (nay là tổ 09, phường N, thành phố L) trị giá 1.190.000.000đ (Một tỷ một trăm chín mươi triệu đồng) và khoản tiền do vợ, chồng anh Phạm Văn C bán đất của bố, mẹ mà có là 350.500.000đ (Ba trăm năm mươi triệu năm trăm ngàn đồng). Tổng cộng là 1.540.500.000đ (Một tỷ năm trăm bốn mươi triêu năm trăm ngàn đồng).

Bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án cho các đương sự.

Ngày 12/9/2018, nguyên đơn bà Phạm Thị D kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 30/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai chấp nhận kháng cáo, giải quyết phúc thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của bà Phạm Thị D và phân chia toàn bộ tài sản thừa kế cho bà Phạm Thị D và các đồng thừa kế khác theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà Phạm Thị D giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bà Phạm Thị D có ý kiến như sau: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về chia di sản thừa kế của ông Phạm Văn B và bà Giáp Thị T. Hủy bản án sơ thẩm để tiến hành thẩm định và định giá tài sản, làm căn cứ chia di sản thừa kế.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai phát biểu ý kiến:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Việc thụ lý vụ án của Tòa án cấp phúc thẩm được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa hôm nay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Phạm Thị N vắng mặt (không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt), Kiểm sát viên đã có ý kiến đề nghị hoãn phiên tòa nhưng Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử là vi phạm khoản 2 điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về quan điểm giải quyết vụ án: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm thì không có căn cứ để chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn Phạm Thị D. Vì vậy, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 30/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai. Về quan điểm của Luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm để thẩm định tài sản, Viện kiểm sát xét thấy không có căn cứ pháp luật nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị của Luật sư.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, ý kiến của Kiểm sát viên; Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Phạm Thị D có đầy đủ các nội dung theo mẫu đơn, nộp trong hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, nên được xác định là hợp lệ.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Về thời điểm mở thừa kế, thời hiệu mở thừa kế: Căn cứ vào lời khai của các bên đương sự và tài liệu có trong hồ sơ vụ án xác định: Bà Giáp Thị T chết năm 1993 (không rõ ngày tháng), ông Phạm Văn B chết ngày 06/8/1998. Ngày 01/3/2017, bà Phạm Thị D có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Theo quy định tại điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015, Giải đáp nghiệp vụ số 01/2018/GĐTANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao thì yêu cầu chia thừa kế của bà D đối với di sản của bà T, ông B là còn trong thời hiệu.

Về người thừa kế: Vợ chồng ông B, bà T sinh được 08 người con chung gồm: Bà Phạm Thị B, sinh năm 1954; Bà Phạm Thị T, sinh năm 1957; Ông Phạm Văn C, sinh năm 1963; Bà Phạm Thị D, sinh năm 1966; Bà Phạm Thị N, sinh năm 1968; Chị Phạm Thị Anh Đ, sinh năm 1971; Anh Phạm Ngọc B, sinh năm 1973; Bà Phạm Thị X, sinh năm 1960. Như vậy xác định những người nêu trên là hàng thừa kế thứ nhất của ông B, bà T.

Về di sản thừa kế: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xác định: Từ cuối năm 1979, ông B, bà T có sinh sống cùng các con là Phạm Văn C, Phạm Thị D, Phạm Thị N, Phạm Thị Anh Đ, Phạm Ngọc B tại thôn T 3, xã N, thị xã C, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tổ 09, phường N, thành phố L, tỉnh Lào Cai) trên diện tích: 307m2 đất thổ cư, 2.868m2 đất vườn; 166m2 đất lúa. Năm 1988 ông C kết hôn với bà M và các chị, em của ông C cũng đi công tác, ra ở riêng và xây dựng gia đình, chỉ còn ông B, bà T sống cùng vợ chồng ông C, bà M. Năm 1993 bà Giáp Thị T chết, ngày 06/8/1998 ông Phạm Văn B chết, cả bà T, ông B đều không ai để lại di chúc liên quan đến các diện tích đất nêu trên và trong suốt khoảng thời gian từ năm 1979 cho đến khi ông B chết, thì toàn bộ các diện tích đất nêu trên cũng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, hay cấp cho bất kỳ một loại giấy tờ gì để chứng minh là của ông Phạm Văn B và bà Giáp Thị T. Diện tích đất trên được nhà nước cấp GCNQSDĐ cho hộ ông C, bà M theo Quyết định số 282/QĐ-UB ngày 30/12/1998 của UBND thị xã C, tỉnh Lào Cai (theo quyết định này thì có 500 hộ được cấp GCNQSDĐ, trong đó có hộ bà D, hộ ông C, bà M). Hồ sơ địa chính cũng được thiết lập vào cùng thời điểm cấp GCNQSDĐ. Khi thực hiện cấp GCNQSDĐ, các cơ quan chức năng đã tiến hành đo đạc thực tế, niêm yết công khai hồ sơ địa chính trong thời gian 30 ngày. Trong thời gian niêm yết hộ bà Phạm Thị D và những đồng thừa kế khác không có khiếu kiện, khiếu nại gì liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ cho hộ ông C, bà M. Trước khi hộ ông C, bà M được Nhà nước cấp diện tích đất này thì ông Phạm Văn B cũng đã được UBND xã B, thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai giao cho 240m2 đất thổ cư tại thôn An Lạc, xã B, thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai vào ngày 20/12/1997. Đến tháng 12/2010 Nhà nước đã thu hồi diện tích 120m2 đất thổ cư, tại tờ bản đồ số P2-7, thửa 23a của hộ ông Phạm Văn B để thực hiện công trình tiểu khu đô thị số 3, phường B, thành phố L. Người làm chứng ông Nguyễn Văn N và ông Bùi Xuân T đều xác nhận việc ông B, bà T sống chung với ông C, bà M từ năm 1979 đến khi chết, còn việc ông B, bà T có được Nhà nước giao đất hay không thì những người làm chứng không biết. Trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, nguyên đơn bà Phạm Thị D không cung cấp được chứng cứ nào khác chứng minh nội dung kháng cáo và yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ.

Tại Khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất”. Các quyền nói trên chỉ được thực hiện trong thời hạn giao đất và đúng mục đích sử dụng của đất được giao theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

Tại Điều 76 Luật Đất đai quy định:

“1. Cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, sau khi chết thì quyền sử dụng đất của họ được để lại cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật thừa kế.

2. Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nếu trong hộ có thành viên chết thì các thành viên khác trong hộ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất mà Nhà nước đã giao cho hộ. Trường hợp trong hộ không còn thành viên nào thì Nhà nước thu hồi đất.

3. Cá nhân, thành viên của hộ gia đình được giao đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở, sau khi chết, quyền sử dụng đất của họ được để lại cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật thừa kế”.

Từ những phân tích và theo quy định của các điều luật đã viện dẫn ở trên, xét thấy nguyên đơn bà Phạm Thị D và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng toàn bộ diện tích: 307m2 đất thổ cư, 2.868m2 đất vườn; 166m2 đất lúa tại thôn T 3, xã N, thị xã C, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tổ 09, phường N, thành phố L, tỉnh Lào Cai) là di sản thừa kế của ông B, bà T để lại trước khi chết là không có căn cứ pháp luật. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Phạm Thị D yêu cầu chia di sản thừa kế của ông B, bà T là có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm không có cơ sở để chấp nhận đơn kháng cáo của bà Phạm Thị D. Tuy nhiên khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng điều luật về thừa kế; không xác định thời điểm mở thừa kế và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế; việc áp dụng khoản 1 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 để xác định tài sản mà nguyên đơn yêu cầu được chia thừa kế là di sản của ông B, bà T là chưa chính xác. Vì tại thời điểm Nhà nước cấp đất cho hộ ông C, bà M, Luật đất đai năm 1993 vẫn đang có hiệu lực thi hành, Vì vậy phải căn cứ vào Luật đất đai năm 1993 và các văn bản pháp luật hiện hành để xác định việc Nhà nước cấp các diện tích đất nêu trên cho hộ ông C, bà M có đúng quy định của pháp luật hay không. Do vậy, cấp phúc thẩm cần bổ sung vào bản án phúc thẩm nội dung này.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để tiến hành thẩm định và định giá tài sản là di sản của ông B, bà T. Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ pháp luật nên không chấp nhận.

[3] Về việc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phạm Thị N vắng mặt tại phiên tòa mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, Kiểm sát viên cho rằng việc Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án là vi phạm khoản 2 điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự. Sau khi thảo luận, Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiếp tục xét xử vụ án, vì việc bà Phạm Thị N vắng mặt không có lý do tại phiên tòa phúc thẩm không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà N. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đều thể hiện, bà N nhất trí với quan điểm và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Phạm Thị D, nhưng từ chối được nhận di sản thừa kế nếu được chia. Vì vậy, quan điểm của Kiểm sát viên không có căn cứ pháp luật, Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[4] Về án phí: Do Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ nên người kháng cáo bà Phạm Thị D phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Phạm Thị D, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 30/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố L, tỉnh Lào Cai như sau:

Căn cứ vào các Điều 609, 611, 613, 623, 649, 651 và 688 Bộ luật Dân sự; Điều 3; Điều 7 Luật Đất đai năm 1993; Căn cứ khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Xác định bà Phạm Thị D có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của ông Phạm Văn B và bà Giáp Thị T là còn trong thời hiệu.

2. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị D và yêu cầu của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị B, bà Phạm Thị T, bà Phạm Thị N, chị Phạm Thị Anh Đ, anh Phạm Ngọc B, anh Trần Anh T, anh Hoài Thiện L, anh Hoài Trường G về việc yêu cầu các bị đơn ông Phạm Văn C, bà Đỗ Thị M phải có trách nhiệm chia di sản thừa kế của ông Phạm Văn B và bà Giáp Thị T còn lại theo pháp luật là: 117m2 đất ở và 2.349m2 đất vườn theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 01/03/2004 cho hộ ông Phạm Văn C và bà Đỗ Thị M, tại thôn T 3, xã N, thị xã C, tỉnh Lào Cai (nay là tổ 09, phường N, thành phố L, tỉnh Lào Cai) trị giá 1.190.000.000đ (Một tỷ một trăm chín mươi triệu đồng) và khoản tiền do vợ, chồng ông Phạm Văn C, bà Đỗ Thị M chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Phạm Văn B và bà Giáp Thị T mà có là 350.500.000đ (Ba trăm năm mươi triệu năm trăm ngàn đồng). Tổng cộng là 1.540.500.000đ (Một tỷ năm trăm bốn mươi triệu năm trăm ngàn đồng).

3. Về án phí:

Án phí sơ thẩm: Buộc nguyên đơn chị Phạm Thị D phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án đã nộp là 29.100.000đ (Hai mươi chín triệu một trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0009944 ngày 23 tháng 03 năm 2017 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố L. Hoàn trả cho chị Phạm Thị D số tiền tạm ứng án phí đã nộp còn lại là 28.800.000đ (Hai mươi tám triệu tám trăm nghìn đồng chẵn).

Án phí phúc thẩm: Bà Phạm Thị D phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), nhưng đươc trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí số AB/2012/0005468 ngày 18/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố L, tỉnh Lào Cai. Bà D đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

354
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 17/2018/DS-PT ngày 21/11/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:17/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về