Bản án 16/2018/HNGĐ-ST ngày 09/11/2018 về tranh chấp ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH LỤC, TỈNH HÀ NAM

BẢN ÁN 16/2018/HNGĐ-ST NGÀY 09/11/2018 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN

Ngày 09 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 68/2018/TLST-HNGĐ ngày 16 tháng 8 năm 2018 về “Tranh chấp về ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 16/2018/QĐXXST-HNGĐ ngày 09 tháng 10 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 07/2018/QĐST-HNGĐ ngày 25 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1983.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn V, xã A, huyện B, tỉnh Hà Nam; nơi cư trú hiện nay: Thôn N, xã A, huyện B, tỉnh Hà Nam; có mặt.

- Bị đơn: Anh Phạm Văn L, sinh năm 1979.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú: Thôn V, xã A, huyện B, tỉnh Hà Nam; vắng mặt không có lí do.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện xin ly hôn và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn là chị Nguyễn Thị T trình bày: Chị kết hôn với anh Phạm Văn L ngày 19-9-2005 trên cơ sở tự nguyện, đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân (UBND) xã A, huyện B. Sau ngày kết hôn vợ chồng chung sống hòa thuận được khoảng 07 năm thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân là do anh Lâm không chịu lao động và thường xuyên uống rượu say rồi đánh đập chị vô cùng thậm tệ, đã rất nhiều lần chị phải bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở để tránh sự hành hạ của anh L, song vì thương con nên chị lại quay về chung sống với anh L để nuôi dạy, chăm sóc con cái. Đến ngày 10-4-2018 anh L uống rượu say rồi khóa trái cửa nhà lại và đánh đập chị thậm tệ, chị phải tìm cách trốn ra ngoài rồi về nhà bố mẹ đẻ ở hẳn cho đến nay không dám quay về chung sống với anh L nữa. Nay chị T xác định tình cảm vợ chồng giữa chị với anh L không còn, chị đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn anh Phạm Văn L.

Tại lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là anh Phạm Văn L trình bày: Về thời gian, điều kiện anh kết hôn với chi Nguyễn Thị T và thời gian vợ chồng chung sống hòa thuận với nhau đúng như chị T đã trình bày. Anh L xác định nguyên nhân mâu thuẫn vợ chồng là do bất đồng quan điểm về những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày nên thỉnh thoảng vợ chồng có xảy ra xô xát, cãi nhau. Đến ngày 11-02-2018 (âm lịch) khi anh đi làm về thì không thấy chị T ở nhà, sau đó anh mới biết chị T đã tự ý bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở, đến nay chị T không quay về chung sống với anh nữa. Anh L xác định mặc dù vợ chồng xảy ra mâu thuẫn và đã ly thân nhau từ ngày 11-02-2018 (âm lịch) đến nay nhưng anh không đồng ý ly hôn chị T, anh muốn vợ chồng về đoàn tụ để cùng nhau chăm sóc, nuôi dạy con cái.

Về con chung: Chị T và anh L thống nhất xác định vợ chồng anh chị có hai con chung tên là Phạm Thị K, sinh ngày 26-7-2006 và Phạm Thị D, sinh ngày02-9-2011, hiện nay đều đang do anh L nuôi dưỡng. Song anh chị không thống nhất được việc nuôi con. Chị T đề nghị khi ly hôn chị được quyền nuôi dưỡng cả hai cháu K và D, chị không yêu cầu anh L phải góp tiền cấp dưỡng nuôi con cho chị. Anh L cũng đề nghị được nuôi dưỡng cả hai cháu K và D, anh yêu cầu chị T phải có nghĩa vụ góp tiền cấp dưỡng nuôi hai con là 1.000.000 đồng/1 tháng, kể từ khi ly hôn đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

Về tài sản riêng, tài sản chung, công sức đóng góp, công nợ, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trợ cấp khó khăn sau ly hôn: Chị T, anh L thống nhất không đề nghị Toà án giải quyết.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam phát biểu ý kiến: Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án, tiến hành thu thập chứng cứ đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự; tại phiên toà, thành phần Hội đồng xét xử được đảm bảo, các bước tiến hành của Hội đồng xét xử đều thực hiện đúng quy định; Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đối với người tham gia tố tụng là chị T đã chấp hành đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự; riêng anh L chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 147, Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 56, Điều 81, Điều 82, Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình; áp dụng Luật phí và lệ phí 97/2015/QH13 ngày 25-11-2015; áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Xử ly hôn giữa chị Nguyễn Thị T và anh Phạm Văn L. Về con chung: Giao cháu Phạm Thị D, sinh ngày 02-9-2011 cho chị T nuôi dưỡng; giao cháu Phạm Thị K, sinh ngày 26-7-2006 cho anh L tiếp tục nuôi dưỡng, không ai phải góp tiền cấp dưỡng nuôi con chung cho nhau. Về án phí ly hôn sơ thẩm chị T phải chịu 300.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

 [1] Về tố tụng: Bị đơn là anh Phạm Văn L đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không có lí do. Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án.

 [2] Về hôn nhân: Quan hệ hôn nhân giữa chị Nguyễn Thị T và anh Phạm Văn L là hợp pháp, anh chị đăng ký kết hôn với nhau ngày 19-9-2005 tại UBND xã A, huyện B trên cơ sở tự nguyện. Sau ngày kết hôn anh chị chung sống hòa thuận được khoảng 07 năm thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân là do anh L thường xuyên uống rượu say và đánh đập chị T thậm tệ, đến nỗi chị T không chịu đựng được nên đã phải bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở để thoát khỏi sự hành hạ, đánh đập của anh L. Nay chị T xin được ly hôn anh L, còn anh L không nhất trí ly hôn. Hội đồng xét xử thấy rằng: Mặc dù anh L không nhất trí ly hôn chị T, song tại các lời khai của anh đều xác định giữa anh và chị T đã xảy ra mâu thuẫn và anh chị đã ly thân nhau từ hơn nửa năm nay mỗi người một nơi không còn gặp gỡ nhau nữa, anh xác định bản thân cũng không có biện pháp gì để hàn gắn tình cảm vợ chồng. Theo xác minh tại địa phương, chị T và anh L mâu thuẫn chủ yếu do nguyên nhân anh L thường xuyên uống rượu say rồi đánh đập chị T thậm tệ đến nỗi đoàn thể cơ sở và bà con hàng xóm phải đến can thiệp nhiều lần. Mặc dù chính quyền, đoàn thể thôn xóm và gia đình đã rất nhiều lần động viên, hòa giải để anh L sửa đổi tính nết, hòa thuận vợ chồng, chung tay nuôi dạy con cái, vun đắp hạnh phúc gia đình nhưng anh L không chịu sửa chữa mà vẫn thường xuyên uống rượu rồi đánh đập vợ. Điều này chứng tỏ hôn nhân giữa chị T và anh L đã lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Do vậy, xử cho chị T được ly hôn anh L là hoàn toàn phù hợp với khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình.

 [3] Về con chung và nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con: Chị T và anh L có hai con chung là Phạm Thị K, sinh ngày 26-7-2006 và Phạm Thị D, sinh ngày 02-9- 2011. Xét nguyện vọng của anh chị cũng như điều kiện, hoàn cảnh thực tế hiện nay của từng người và để đảm bảo quyền lợi mọi mặt của con chưa thành niên, Hội đồng xét xử thấy cần giao cho chị T được quyền nuôi dưỡng cháu D, giao cho anh L được quyền nuôi dưỡng cháu K, hai bên không phải góp tiền cấp dưỡng nuôi con cho nhau là hoàn toàn phù hợp với Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình.

 [4] Về tài sản riêng, tài sản chung, công sức đóng góp, công nợ, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trợ cấp khó khăn sau ly hôn: Chị T, anh L không đề nghị Tòa án giải quyết đối với những vấn đề này nên Hội đồng xét xử không xem xét.

 [5] Về án phí ly hôn sơ thẩm: Chị T phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều39, khoản 4 Điều 147, Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 56, Điều 81, Điều 82, Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình; điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án.

1. Xử cho ly hôn giữa chị Nguyễn Thị T và anh Phạm Văn L.

2. Về con chung: Giao cho chị Nguyễn Thị T được quyền nuôi dưỡng cháuPhạm Thị D, sinh ngày 02-9-2011. Giao cho anh Phạm Văn L được quyền nuôi dưỡng cháu Phạm Thị K, sinh ngày 26-7-2006. Chị T và anh L không phải góp tiền cấp dưỡng nuôi con chung cho nhau. Chị T, anh L cùng các thành viên trong gia đình không được cản trở trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con chung của anh và chị.

3. Về án phí ly hôn sơ thẩm: Chị Nguyễn Thị T phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng), nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí ly hôn sơ thẩm đã nộp là 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai số AA/2015/0001150 ngày 16-8-2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. (Chị T đã thi hành xong phần án phí ly hôn sơ thẩm).

Án xử công khai sơ thẩm, báo cho chị T biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; anh L vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

251
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2018/HNGĐ-ST ngày 09/11/2018 về tranh chấp ly hôn

Số hiệu:16/2018/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bình Lục - Hà Nam
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 09/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về