TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 156/2018/HS-ST NGÀY 11/05/2018 VỀ TỘI SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 11 tháng 5 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 183/2018/TLST-HS ngày 28 tháng 3 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 1893/2018/QĐXXST-HS ngày 26 tháng 4 năm 2018 đối với bị cáo:
Trần Tuấn M, sinh ngày 16 tháng 10 năm 1995 tại tỉnh Bến Tre; Thường trú: Ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Phi H và bà Nguyễn Thị Đ; hoàn cảnh gia đình: chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: Không Bị bắt tạm giam ngày 23/6/2017 (Có mặt).
Bị hại:
Ông G, sinh năm 1962, quốc tịch Úc Đại diện theo ủy quyền: Bà Lê Kim Y, sinh năm 1978 Thường trú: đường DL, Phường M, thành phố N, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Chỗ ở: đường BG, Phường K, thành phố N, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (Vắng mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Bà Nguyễn Thị Kim S, sinh năm 1985 Thường trú: đường L, phường X, quận BT, Thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt).
Người bào chữa:
Ông Nguyễn Tấn D, luật sư của Công ty luật Nguyễn Tâm và Partners, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo Trần Tuấn M (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trần Tuấn M là Giám đốc công ty TNHH MTV Nhà hàng NightFall (sau đây gọi là Nhà hàng NightFall), ngành nghề kinh doanh: Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống. Nhà hàng NightFall mở tại đường NS, phường BN, Quận E, Thành phố Hồ Chí Minh. Để tiện cho hoạt động kinh doanh, Trần Tuấn M đã ký hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ với Trung tâm thẻ của Ngân hàng Công thương (Vietinbank) – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để đặt Thiết bị thanh toán tự động (máy chấp nhận thẻ POS) tại nhà hàng. Theo hợp đồng các loại thẻ được chấp nhận qua hệ thống thanh toán thẻ của Ngân hàng Công thương gồm: Thẻ visa, Master Card, JCB, CUP, Discover/Diners Club, E-partner, Beanknet,..Số tài khoản nhận báo có số: 101010008016565, Trần Tuấn M là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm về quy trình và các điều kiện chấp nhận thanh toán thẻ tại nhà hàng NightFall.
Vào ngày 12/8/2016, M đã lợi dụng việc khách hàng thanh toán tiền ăn uống bằng thẻ thanh toán để chiếm đoạt số tiền 39.429 AUD (tương đương 683.150.000 đồng bao gồm phí ngân hàng). Cụ thể như sau:
Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 11/8/2016, ông G(quốc tịch Úc) cùng nhóm bạn đến Nhà hàng NightFall để ăn uống và sử dụng các dịch vụ giải trí tại đây. Đến khoảng 02 giờ ngày 12/8/2016, ông G kêu nhân viên nhà hàng tính tiền. Khi nhân viên nhà hàng là Nguyễn Thị Kim S (tên gọi khác là Ngọc) đưa hóa đơn thanh toán ghi số tiền 13.070.000 đồng, ông G đã đưa cho S 02 thẻ thanh toán Visa Card và Master Card để thanh toán hóa đơn. Khi nhận thẻ thanh toán của ông G thì S đưa lại cho Trần Tuấn M. Sau đó, Trần Tuấn M lấy lý do máy chấp nhận thẻ (POS) bị lỗi, để thực hiện việc cà thẻ 10 lần, trong đó có 08 lần cà thẻ thành công, tương ứng với 08 tờ hóa đơn được máy chấp nhận thẻ in ra, gồm: 4.500.000 đồng, 5.250.000 đồng, 1.100.000 đồng, 4.900.000 đồng, 4.200.000 đồng, 220.000.000 đồng, 420.000.000 đồng và 3.200.000 đồng với tổng số tiền là 663.150.000 đồng, chưa bao gồm phí Ngân hàng (theo xác nhận của Trung tâm thẻ Vietinbank). Trần Tuấn M lấy 06 tờ hóa đơn có giá trị tổng cộng 23.150.000 đồng đưa cho ông G ký. Riêng 02 hóa đơn thanh toán được máy in ra có giá trị 220.000.000 đồng và 420.000.000 đồng thì M giả chữ ký chủ thẻ.
Đến khoảng 09 giờ 30 phút ngày 12/8/2016, M đến Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đường HN, Quận E rút số tiền 660.000.000 đồng đã chiếm đoạt của ông G để sử dụng cá nhân.
Tại Cơ quan điều tra, Trần Tuấn M đã khai nhận như nội dung trên. Ngoài ra, M còn khai: Việc cà thẻ nhiều lần để tính tiền nhiều hơn giá thực tế thì M có trao đổi với nhân viên Nguyễn Thị Kim S (Ngọc) và S đã thực hiện cà thẻ 03 lần đối với các hóa đơn thanh toán được máy in ra 220.000.000 đồng, 420.000.000 đồng và 3.200.000 đồng.
Nguyễn Thị Kim S (Ngọc) khai: S là nhân viên phục vụ tại Nhà hàng NightFall. Vào hôm xảy ra sự việc, S chỉ ngồi phục vụ bàn với nhóm khách của ông G. Khi tính tiền thì S lấy hóa đơn thanh toán (loại hóa đơn bán lẻ) từ Trần Tuấn M để đưa cho ông G, do không đủ tiền mặt để thanh toán nên ông G đưa cho sang 02 thẻ tín dụng để cà thẻ thanh toán. Sau đó, S đưa 02 thẻ tín dụng cho Trần Tuấn M để M thực hiện việc cà thẻ thanh toán. Bản thân S khẳng định không biết cà thẻ thanh toán qua máy chấp nhận thẻ. Việc M khai cho S cà thẻ 03 lần là không đúng.
Đối với ông G, sau khi sử dụng thẻ thanh toán để thanh toán tiền ăn uống và sử dụng dịch vụ giải trí tại Nhà hàng NightFall vào ngày 12/8/2016, ông đã quay về Úc mà không biết bị chiếm đoạt số tiền 663.150.000 đồng. Đến khi nhận được sao kê tài khoản Ngân hàng (tại Úc) gửi về nhà, lúc này ông G mới phát hiện khi thanh toán tại Nhà hàng NightFall sáng ngày 12/8/2016, đã trừ trong tài khoản của ông 08 lần đối với 02 thẻ thanh toán số tiền lên đến 39.429 AUD (tương đương 683.150.000 đồng bao gồm phí ngân hàng). Đến ngày 31/10/2016, ông G đã gửi đơn tố cáo và ủy quyền cho một người bạn tại Việt Nam là bà Lê Kim Y tiếp tục làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.
Đối với Trần Tuấn M, khi bị Công an Quận mời làm việc đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình như đã nêu trên và chấp nhận trả lại số tiền đã chiếm đoạt qua thẻ, theo yêu cầu của ông G và người đại diện là 683.150.000 đồng, bao gồm: 663.150.000 đồng tiền cà thẻ tín dụng và 20.000.000 đồng (tiền phí ngân hàng). Ngày 30/11/2016, Trần Tuấn M đã đến Ngân hàng Công thương – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục hoàn trả số tiền 663.150.000 đồng vào các tài khoản (Visa Card và Mastercard) của ông G. Riêng số tiền 20.000.000 đồng (phí ngân hàng) M đưa cho bà Lê Kim Y (người đại diện của ông G). Bà Y đã làm đơn bãi nại cho Trần Tuấn M.
Đối với Nguyễn Thị Kim S, là nhân viên của Nhà hàng NightFall, vào ngày 12/8/2016, S chỉ ngồi chung với khách, không thực hiện việc cà thẻ, không được hưởng lợi. Quá trình điều tra chỉ có lời khai của Trần Tuấn M, ngoài ra không có chứng cứ nào khác chứng minh S đã tham gia thực hiện tội phạm. Do đó, không có căn cứ để xử lý đối với Nguyễn Thị Kim S.
Vật chứng:
- 01 điện thoại di động hiệu Samsung màu trắng (máy cũ không rõ tình trạng bên trong) Model: SM-G7102, Số Imei-1: 354786/06/385038/8, Số Imei- 2: 354787/06/385038/6 kèm sim thuê bao số 01673078341 (không kiểm tra được số thuê bao do không có nguồn điện).
- 01 máy POS (máy cũ không rõ tình trạng bên trong) số hiệu S90- 32569618 kèm cục dây sạc pin (không kiểm tra được hiệu, máy quẹt thẻ).
Tại Bản cáo trạng số 111/CT-VKS- P3 ngày 22/3/2018 Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố bị cáo Trần Tuấn M về tội “Sử dụng phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 290 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày lời luận tội và đề nghị:
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 290; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Trần Tuấn M từ 07 đến 08 năm tù. Và xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.
Luật sư D trình bày quan điểm bào chữa: Nhất trí với tội danh và điều khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố. Luật sư nêu nguyên nhân động cơ dẫn đến việc bị cáo phạm tội là do tham lam nhất thời nên đã bộc phát hành vi vi phạm pháp luật. Hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, cha bị cáo bị lao phổi nặng, bị cáo phải ra đời kiếm sống nên suy nghĩ nông nổi muốn mau chóng làm giàu, bị cáo đã thấy được sai phạm của mình, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả nên xin Hội đồng xét xử xem xét khoan hồng cho bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tranh luận đối đáp: Viện kiểm sát đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ nên đã đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo ở mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề.
Bị cáo M thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Đánh giá hành vi, quyết định tố tụng:
Trong quá trình điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, điều tra viên, kiểm sát viên đã thực hiện đúng. Bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật.
[2] Đánh giá hành vi của bị cáo:
Tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, qua xét hỏi bị cáo Trần Tuấn M đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố đối với bị cáo.
Căn cứ lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu chứng cứ khác mà Cơ quan điều tra thu thập được có trong hồ sơ vụ án xét đã có đủ cơ sở pháp lý kết luận: vì lòng tham bị cáo M đã lợi dụng việc khách hàng thanh toán tiền ăn uống bằng thẻ thanh toán rồi đưa lý do máy chấp nhận thẻ (POS) bị lỗi thực hiện việc cà thẻ 08 lần để chiếm đoạt số tiền 39.429AUD (tương đương 683.150.000 đồng bao gồm phí ngân hàng) của ông G.
Với hành vi như đã nêu trên của bị cáo xét thấy cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố bị cáo về tội “Sử dụng phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 290 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có cơ sở pháp lý, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bị cáo là người đã thành niên, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Bị cáo vì lòng tham đã cố ý thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.
Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, không những đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của bị hại mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, trị an xã hội tại địa phương, làm xấu đi hình ảnh của người dân Việt Nam đối với khách du lịch nước ngoài. Do đó, cần xử phạt bị cáo mức án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe đối với bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.
Căn cứ vào tài sản bị cáo chiếm đoạt cần áp dụng điểm a khoản 4 Điều 290 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xét xử bị cáo.
[3] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo:
Khi lượng hình cho bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường toàn bộ thiệt hại cho phía người bị hại, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, phía người bị hại đã có đơn xin bãi nại cho bị cáo nên xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt theo điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[4] Đánh giá hành vi của Nguyễn Thị Kim S:
Về hành vi của Nguyễn Thị Kim S, do quá trình điều tra chỉ có lời khai của Trần Tuấn M, ngoài ra không có chứng cứ nào khác chứng minh Sang đã tham gia thực hiện tội phạm. Do đó, Cơ quan điều tra không khởi tố đối với bà Sang là phù hợp với quy định của pháp luật.
[5] Về xử lý vật chứng:
- Đối với 01 điện thoại di động hiệu Samsung màu trắng (máy cũ không rõ tình trạng bên trong), Model: SM-G7102, Số Imei-1: 354786/06/385038/8, Số Imei-2: 354787/06/385038/6 kèm sim thuê bao số 01673078341. Đây là tài sản không liên quan đến hành vi phạm tội. Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần trả lại cho bị cáo M.
- 01 máy POS (máy cũ không rõ tình trạng bên trong) số hiệu S90- 32569618 kèm cục dây sạc pin (không kiểm tra được hiệu, máy quẹt thẻ), là phương tiện phạm tội. Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần tịch thu sung quỹ Nhà nước.
[6] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 (hai trăm ngàn) đồng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Trần Tuấn M phạm tội “Sử dụng phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 290; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
Xử phạt: Bị cáo Trần Tuấn M 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 23/6/2017.
Căn cứ điểm a, khoản 2; điểm a khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:
- Trả lại cho bị cáo Trần Tuấn M:
+ 01 (một) cái điện thoại di động hiệu Samsung màu trắng (máy cũ không rõ tình trạng bên trong) Model: SM-G7102, Số Imei-1: 354786/06/385038/8, Số Imei-2: 354787/06/385038/6 kèm sim thuê bao số 01673078341 (không kiểm tra được số thuê bao do không có nguồn điện).
- Tịch thu sung quỹ Nhà nước:
+ 01 (một) cái máy POS (máy cũ không rõ tình trạng bên trong) số hiệu S90-32569618 kèm cục dây sạc pin (không kiểm tra được hiệu, máy quẹt thẻ).
(Theo biên bản giao nhận tang tài vật số 135/18 ngày 06/02/2018 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh).
Bị cáo phải nộp 200.000 (hai trăm ngàn) đồng án phí hình sự sơ thẩm. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án. Người bị hại, người đại diện theo ủy quyền của người bị hại vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Bản án 156/2018/HS-ST ngày 11/05/2018 về tội sử dụng phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 156/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/05/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về