TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN N, TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 15/2018/HS-ST NGÀY 05/04/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 05 tháng 4 năm 2018 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện N, tỉnh Ninh Bình mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 11/2018/HSST ngày 30 tháng 01 năm 2018 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 14/2018/QĐXXST-HS ngày 22 tháng 3 năm 2018 đối với bị cáo:
Hä vµ tªn: Trương Thị D, sinh năm 1992; Tên gọi khác: Không ; Nơi ở và ĐKNKTT: thôn P, xã N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Giới tính: Nữ; Con ông Trương Văn B và bà Bùi Thị L; Có chồng là An Văn H và có 04 con, con lớn sinh năm 2010, con nhỏ sinh năm 2018; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”.
Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Người bị hại:
- Ông Lương Văn L, sinh năm 1955. Tên gọi khác Lương Xuân L. Trú tại: Thôn H, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Có mặt).
- Bà Đinh Thị B, sinh năm 1959. Trú tại: Thôn H, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Có mặt).
- Chị Lương Minh P, sinh năm 1987. Trú tại: Thôn B, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Vắng mặt - Có đơn xin xử vắng mặt).
- Anh Lương Văn N, sinh năm 1991. Trú tại: Thôn H, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Vắng mặt - Có đơn xin xử vắng mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Anh Lương Văn P, sinh năm 1989. Trú tại: Thôn H, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Vắng mặt - Có đơn xin xử vắng mặt).
Người làm chứng:
- Ông Trương Văn B, sinh năm 1963. Trú tại: Thôn M, xã Y, huyện Y, tỉnh Nam Định (Vắng mặt).
- Anh An Văn H, sinh năm 1988. Trú tại: Thôn P, xã N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình (Có mặt).
Người chứng kiến:
- Chị Lê Thị M, sinh năm 1972. Trú tại: Thôn M, xã L, huyện G, tỉnh Ninh Bình (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trương Thị D là người có chồng là anh An Văn H được chứng nhận kết hôn hợp pháp, bản thân D không có công việc ổn định. Vào khoảng cuối tháng 04/2016 thông qua mạng xã hội Zalo, Trương Thị D đã làm quen với anh Lương Văn P sinh năm 1989 trú tại thôn H, xã P, huyện N là công nhân làm việc tại phường N, thành phố N. Trong thời gian làm quen với anh P, Trương Thị D đã nẩy sinh ý định lừa anh Lương Văn P để chiếm đoạt tài sản. Do đó D tự giới thiệu với anh P mình tên là Mai, bản thân chưa có chồng con, hiện D làm giáo viên giảng dạy môn Văn của trường Trung học phổ thông T tại thành phố N, có bố là bộ đội nghỉ hưu, mẹ là giáo viên nghỉ hưu, hiện D đang sống cùng bố mẹ tại địa chỉ số nhà 05, ngõ 248, đường N, phường T, thành phố N để tạo sự tin tưởng đối với anh P. Sau một vài lần đi chơi với D anh P đã có cảm tình với D, do tin tưởng D là người chưa có chồng nên anh P đã ngỏ lời yêu D thì được D chấp nhận, anh P đã đưa D về nhà mình giới thiệu với gia đình để tiến tới kết hôn với D. Trong quá trình gặp gỡ gia đình anh P, Trương Thị D đã tìm mọi cách lấy lòng ông Lương Văn L và bà Đinh Thị B là bố mẹ đẻ anh P ở tại thôn H, xã P, huyện N và chị Lương Minh P (Chị gái anh P) ở thôn B, xã P, huyện N để mọi người tin tưởng D sẽ lấy anh P làm chồng. Khi đã được gia đình ông L tin tưởng coi D như con dâu trong nhà thì Trương Thị D đã dùng thủ đoạn gian dối lừa gia đình anh P với lý do bố D đang bị tai nạn giao thông nằm điều trị tại bệnh viện Việt Đức và D đang cần tiền để xin chuyển công tác từ trường Trung học phổ thông T, thành phố N về giảng dạy tại Trường trung học phổ thông N, huyện N để gần nhà anh P để gia đình anh P vay tiền lo việc chuyển trường cho D nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản của gia đình ông L và bà B, chị P.
Bằng thủ đoạn gian dối nêu trên trong khoảng thời gian từ đầu tháng 8 năm 2016 đến tháng 02 năm 2017 tại thôn H và thôn B, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình. Trương Thị D đã thực hiện 15 lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông Lương Văn L và bà Đinh Thị B, chị Lương Minh P, cụ thể như sau:
Lần thứ nhất: Vào khoảng đầu tháng 8 năm 2016, sau khi đến nhà ông Lương Văn L và bà Đinh Thị B chơi. Trương Thị D biết gia đình vợ chồng ông L, bà B có một chiếc xe mô tô nhãn hiệu HonDa Air Blade BKS 35B1 - 769.48 nên D đã nẩy sinh ý định muốn chiếm đoạt chiếc xe mô tô do đó D đã sử dụng điện thoại tự xưng là mẹ đẻ của D để gọi điện cho ông Lương Văn L nói với ông L hiện nay bố đẻ của D đang bị tai nạn giao thông nằm điều trị tại Bệnh Việt Đức- Hà Nội nên hỏi ông Lộc mượn xe mô tô của gia đình ông L để cho D làm phương tiện đi lại để thăm nom, chăm sóc bố D tại bệnh viện Việt Đức - Hà Nội. Ông L đã gọi điện cho anh Lương Văn N để hỏi anh N có nhất trí cho bạn gái của P mượn xe không vì đây là xe của anh N. Anh N không biết bị cáo nhưng qua ông L giới thiệu về bị cáo nên anh N nói “Bố mẹ ở nhà quyết thế nào thì quyết”. Do tin tưởng nên ông L đồng ý cho D mượn xe (BL 99, 140).
Ngày hôm sau Trương Thị D đã bảo anh Lương Văn P chở đến nhà ông L để lấy xe, ông L đã giao cho D chiếc xe mô tô nhãn hiệu HonDa Air Blade BKS 35B1-769.48 và đăng ký xe mô tô. Sau khi lấy được chiếc xe mô tô D sử dụng làm phương tiện đi lại vài lần đến nhà ông Lộc sau đó D đem chiếc xe mô tô nhãn hiệu HonDa Air Blade BKS 35B1-769.48, cùng đăng ký xe đến một cửa hiệu cầm đồ ở khu vực cổng trường đại học Hoa Lư ở thành phố N để cầm đồ được số tiền 21.000.000 đồng, D đã chi tiêu hết số tiền này. Vào khoảng cuối tháng 01 năm 2017 anh P về nghỉ tết gia đình ông L chuẩn bị bữa cơm ăn tất niên nên đã bảo anh P điện cho D về nhà ông L ăn cơm và bảo D mang xe về trả cho gia đình ông L. Khi anh P điện nói với D thì D đã viện lý do D điều khiển xe mô tô nhãn hiệu HonDa Air Blade BKS 35B1-769.48 đi không đội mũ bảo hiểm nên đã bị công an bắt giữ xe nên không về và không mang xe mô tô về trả cho ông L được. Ngày hôm sau D điện cho ông L tự xưng là mẹ đẻ của D để xin lỗi ông L về việc D bị công an bắt xe nên chưa trả xe được cho ông L và hứa tết xong sẽ xin xe ra để trả cho ông L.
Tại Bản kết luận định giá tài sản số 32 ngày 02/10/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện N kết luận 01 xe mô tô nhãn hiệu Honda AIRBLADEFI màu đen, đỏ, biển kiểm soát 35B1-769.48 trị giá 23.000.000đ (Hai mươi ba triệu đồng).
Sau khi đã lừa lấy được chiếc xe mô tô nhãn hiệu HonDa Air Blade BKS 35B1 - 769.48, Trương Thị D đã có thủ đoạn gian dối là mình đang cần tiền để xin chuyển công tác từ trường Trung học phổ thông T, thành phố N về giảng dạy tại Trường trung học phổ thông N, huyện N gần nhà ông L. D đã sử dụng điện thoại tự xưng là mẹ D để điện cho vợ chồng ông L, bà B để hỏi vay tiền của vợ chồng ông L, bà B lý do để lo tiền chạy việc cho D chuyển trường về gần nhà ông L. Do tin tưởng D như con dâu thật sự nên ông L, bà B không hề nghi ngờ gì, D đã dùng thủ đoạn trên để lừa vợ chồng ông L bà B 13 lần chiếm đoạt tổng số tiền 117.000.000đ tại nhà ở của ông L, bà B ở thôn H, xã P như sau:
Lần thứ hai: Khoảng thời gian đầu tháng 8 năm 2016 D đã lừa bà Đinh Thị B chiếm đoạt số tiền 3.000.000đ.
Lần thứ ba: Khoảng thời gian giữa tháng 8 năm 2016 D đã lừa bà Đinh Thị B để chiếm đoạt số tiền 5.000.000đ.
Lần thứ tư: Khoảng thời gian cuối tháng 8 năm 2016 D đã lừa bà Đinh Thị B để chiếm đoạt số tiền 8.000.000đ.
Lần thứ năm: Khoảng thời gian giữa tháng 9 năm 2016 D đã lừa bà Đinh Thị B để chiếm đoạt số tiền 10.000.000đ.
Lần thứ sáu: Khoảng thời gian cuối tháng 9 năm 2016 D đã lừa bà Đinh Thị B để chiếm đoạt số tiền 10.000.000đ.
Lần thứ bẩy: Khoảng giữa tháng 10 năm 2016 D đã lừa bà Đinh Thị B để chiếm đoạt số tiền 9.000.000đ.
Lần thứ tám: Khoảng thời gian đầu tháng 11 năm 2016 D đã lừa bà Đinh Thị B để chiếm đoạt số tiền 12.000.000đ.
Lần thứ chín: Khoảng thời gian giữa tháng 11 năm 2016 D đã lừa bà Đinh Thị B để chiếm đoạt số tiền 10.000.000đ.
Lần thứ mười: Khoảng thời gian cuối tháng 12 năm 2016 D đã lừa bà Đinh Thị B để chiếm đoạt số tiền 10.000.000đ.
Lần thứ mười một: Khoảng thời gian đầu tháng 01 năm 2017 D đã lừa bà Đinh Thị B để chiếm đoạt số tiền 10.000.000đ.
Lần thứ mười hai: Khoảng thời gian giữa tháng 01 năm 2017 D đã lừa bà bà Đinh Thị B để chiếm đoạt số tiền 10.000.000đ.
Lần thứ mười ba: Khoảng thời gian cuối tháng 01 năm 2017 Dung đã lừa bà Đinh Thị Bấc để chiếm đoạt số tiền 10.000.000đ.
Lần thứ mười bốn: Khoảng thời gian giữa tháng 02 năm 2017 D đã lừa ông Lương Văn L để chiếm đoạt số tiền 10.000.000đ.
Lần thứ mười năm: Khoảng thời gian cuối tháng 02 năm 2017, Trương Thị D đã điện thoại cho anh P nhờ anh P hỏi chị Lương Minh P là chị gái của anh P để hỏi vay tiền cho D. Anh P đã điện cho chị P hỏi chị P để cho D vay tiền sau đó D trực tiếp điện cho chị P cũng với lý do để lo tiền xin chuyển trường, chị P cũng hoàn toàn tin tưởng D nên không hề nghi ngờ gì do đó đã hẹn D đến đoạn đường Quốc lộ 45 thuộc thôn B, xã P, huyện N giao cho D số tiền 12.000.000đ.
Sau khi chiếm đoạt được tiền, tài sản của vợ chồng ông L, bà B và chị P, Trương Thị D đã sử dụng toàn bộ số tiền và tài sản vay mượn vào mục đích ăn tiêu cá nhân.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố hành vi của bị cáo Trương Thị D đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình như trên; Kiểm sát viên, người bị hại, bị cáo không có ý kiến gì về quyết định truy tố của Viện kiểm sát không có ý kiến hay khiếu nại gì về kết luận của Hội đồng định giá nêu trên.
Tại bản cáo trạng số 10/CT-VKS ngày 29/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện N truy tố bị cáo Trương Thị D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999.
Đề nghị Hội đồng xét xử:
* Áp dụng: Điểm e khoản 2 Điều 139; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo từ 04 năm đến 04 năm 06 tháng tù.
Thời hạn chấp hành hình phạt tù kể từ ngày bắt thi hành án.
Hình phạt bổ sung: Không đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền đối với bị cáo Trương Thị D (do bị cáo không có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, bản thân bị cáo đang nuôi con nhỏ).
* Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; điểm a, khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999.
Tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước 01 điện thoại nhãn hiệu Nokia 105
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng điều khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999, Các điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật dân sự năm 2015 đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo:
+ Trả lại cho gia đình ông Lương Văn L, bà Đinh Thị B số tiền 138.240.000đ.
Trả lại cho chị Lương Minh P 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng).
Bị cáo; những người bị hại không có ý kiến tranh luận với đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Nho Quan.
Lời nói sau cùng của bị cáo rất ân hận về hành vi phạm tội của mình và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện N, Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa người bị hại, bị cáo không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình phù hợp với nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện N đã truy tố cụ thể như sau: Bị cáo là người đã có chồng con hợp pháp, nhưng không chịu khó làm ăn mà vẫn muốn có tiền ăn tiêu cho bản thân. Do vậy bị cáo đã thông qua mạng zalo làm quen với anh Lương Văn P và tự giới thiệu với anh P mình tên là Mai, bản thân chưa có chồng con, hiện làm giáo viên giảng dạy môn Văn của trường Trung học phổ thông T tại thành phố N, có bố là bộ đội nghỉ hưu, mẹ là giáo viên nghỉ hưu, hiện bị cáo đang sống cùng bố mẹ tại địa chỉ số nhà 05, ngõ 248, đường N, phường T, thành phố N. Mục đích của bị cáo để tạo sự tin tưởng đối với anh P nhằm chiếm đoạt tài sản. Sau một thời gian anh P đã ngỏ lời yêu và đưa bị cáo về nhà mình giới thiệu với gia đình để tiến tới kết hôn. Trong quá trình gặp gỡ gia đình anh P bị cáo đã tạo được niềm tin với gia đình anh P và bị cáo đã lấy lý do bố đang bị tai nạn giao thông nằm điều trị tại bệnh viện Việt Đức còn bị cáo đang cần tiền để xin chuyển công tác từ trường Trung học phổ thông T, thành phố N về giảng dạy tại Trường trung học phổ thông N, huyện N để gần nhà anh P. Với thủ đoạn nêu trên, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 8 năm 2016 đến cuối tháng 02 năm 2017 bị cáo đã chiếm đoạt của vợ chồng ông Lương Văn L, bà Đinh Thị B số tiền 117.000.000đ; chiếm đoạt của anh Lương Văn N 01 xe môtô nhãn hiệu Honda Air Blade biển kiểm soát 35B1-769.48 trị giá 23.000.000đ và số tiền 12.000.000đ của chị Lương Minh P. Quá trình điều tra không thu hồi được xe mô tô nhãn hiệu Honda Air Blade của anh N.
Lời khai của bị cáo tại phiên tòa hôm nay hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, biên bản lấy lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, biên bản thu giữ vật chứng; Bản kết luận định giá số 32 ngày 02/10/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện N và các chứng cứ, tài liệu có liên quan khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Đã đủ cơ sở pháp lý khẳng định bị cáo nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối chiếm được niềm tin của cả gia đình ông Lương Văn L và đã chiếm đoạt của vợ chồng ông Lương Văn L bà Đinh Thị B, anh Lương Văn N và của chị Lương Minh P với tổng số tiền là 152.000.000đ . Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 thì:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
…………………………
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
Như vậy hành vi nêu trên của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện N vẫn giữ nguyên quan điểm đã truy tố bị cáo Trương Thị D theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, trước khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cân nhắc đến tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra, nhân thân bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, xét thấy:
Hành vi nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bị cáo là cố ý, gây nguy hiểm cho xã hội. Đã trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an trên địa bàn. Xét thấy, bị cáo là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vì lòng tham muốn có tiền một cách bất chính bị cáo vẫn cố ý thực hiện nhiều lần, số tiền chiếm đoạt lớn. Điều đó chứng tỏ bị cáo có ý thức coi thường pháp luật. Do vậy, cần phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo. Như vậy, mới có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, răn đe phòng ngừa tội phạm chung và để giúp bị cáo tự cải tạo, rèn luyện mình trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được Uỷ ban nhân dân xã N xác nhận. Mặt khác, bị cáo không có tiền án, tiền sự điều đó thể hiện có nhân thân tốt. Đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 cần áp dụng để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Quá trình điều tra bị cáo xuất trình chứng cứ đang có thai, tuy nhiên bị cáo có thai sau khi thực hiện các hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của những người bị hại nêu trên. Do vậy, khi quyết định hình phạt bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” quy định tại điểm l khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ.
Trong vụ án này mặc dù bị cáo 15 lần dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Giá trị tài sản mỗi lần chiếm đoạt đều trên 2.000.000đ (Hai triệu đồng). Tổng giá trị tài sản bị cáo đã chiếm đoạt được của vợ chồng ông L bà B, anh N và chị P là 152.000.000đ (Một trăm năm mươi hai triệu đồng) nhưng không có lần nào giá trị tài sản bị cáo chiếm đoạt từ 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng) trở lên. Mặt khác, mặc dù bị cáo không có nghề nghiệp ổn định nhưng bị cáo không lấy việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phương tiện sinh sống chính. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện N không truy tố bị cáo theo tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” và không đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 là phù hợp.
Quá trình điều tra xác định Trương Thị D còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 01 xe mô tô nhãn hiệu Wane RSX biển kiểm soát 35N1 - 018.92 kèm theo đăng ký xe của anh Lương Văn P xẩy ra trên địa bàn thành phố N. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N đã chuyển toàn bộ các tài liệu liên quan và 01 xe mô tô nhãn hiệu Wane RSX (xe không có biển kiểm soát) thu giữ của Trương Thị D, 01 đăng ký xe Wane RSX biển kiểm soát 35N1-018.92 mang tên Lương Văn P cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố N để giải quyết theo thẩm quyền.
[3]. Về xử lý vật chứng:
Đối với 02 điện thoại Nokia 1280 thu giữ của Trương Thị D, quá trình điều tra xác định không liên quan đến việc phạm tội. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N đã trả lại cho Trương Thị D là phù hợp.
Đối với điện thoại nhãn hiệu Nokia 105 thu giữ của bị cáo, bị cáo dùng làm phương tiện để liên lạc với vợ chồng ông L chiếm đoạt tài sản nên cần tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
[4]. Về trách nhiệm dân sự:
Ông Lương Văn L và bà Đinh Thị B xác định số tiền bị cáo đã chiếm đoạt là 117.000.000đ (Một trăm mười bảy triệu đồng). Tuy nhiên, quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã trả 1.760.000đ (Một triệu bẩy trăm sáu mươi nghìn đồng) là tiền đã thu giữ của bị cáo. Do vậy ông L và bà B yêu cầu bị cáo phải tiếp tục trả 115.240.000đ (Một trăm mười lăm triệu hai trăm bốn mươi nghìn đồng).
Anh Lương Văn N đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải bồi thường giá trị chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Air Blade biển kiểm soát 35B1-769.48 là 23.000.000đ (Hai mươi ba triệu đồng).
Chị Lương Minh P đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải trả 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng).
Căn cứ khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bị cáo phải có trách nhiệm trả lại và bồi thường toàn bộ tài sản cho ông L, bà B, anh N và chị P là phù hợp.
Tuy nhiên, tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật dân sự năm 2015 buộc bị cáo:
+ Trả lại cho gia đình ông Lương Văn L, bà Đinh Thị B số tiền 138.240.000đ.
+Trả lại cho chị Lương Minh P 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng).
Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát buộc bị cáo phải trả lại giá trị chiếc xe máy bị cáo đã chiếm đoạt cho ông L và bà B là không đúng. Quá trình điều tra và tại phiên tòa ông L, bà B, anh N xác định chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Air Blade biển kiểm soát 35B1- 769.48 là tài sản hợp pháp của anh Lương Văn N. Anh N đi làm ăn xa, không có nhu cầu sử dụng nên để xe ở nhà. Khi bị cáo hỏi mượn xe ông L không tự ý quyết định mà gọi điện hỏi anh N, anh N đồng ý ông L mới cho bị cáo mượn. Tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999 thì “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”. Do vậy, quá trình điều tra không thu hồi được chiếc xe máy để trả lại cho anh N thì bị cáo phải bồi thường giá trị chiếc xe máy cho anh N mới là phù hợp.
[5]. Về án phí
- Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điều 23 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo có đơn xin giảm án phí dân sự vì có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được Uỷ ban nhân dân xã N xác nhận. Tuy nhiên xét hoàn cảnh kinh tế khó khăn của bị cáo không phải do sự kiện bất khả kháng nên bị cáo không thuộc trường hợp được giảm án phí theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Do vậy, bị cáo phải chịu toàn bộ theo quy định của pháp luật là 7.512.000đ (Bẩy triệu năm trăm mười hai nghìn đồng).
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Trương Thị D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
*Áp dụng: Điểm e khoản 2 Điều 139; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
Xử phạt bị cáo Trương Thị D 04 (bốn) năm tù. Thời hạn tù kể từ ngày bắt thi hành án.
2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điểm a khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999.
Tịch thu, nộp ngân sách nhà nước 01 điện thoại nhãn hiệu Nokia 105
3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; Khoản 2 Điều 357; Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015. Buộc bị cáo Trương Thị D:
Trả lại cho ông Lương Văn L và bà Đinh Thị B số tiền còn lại bị cáo đã chiếm đoạt là 115.240.000đ (Một trăm mười lăm triệu hai trăm bốn mươi nghìn đồng).
Bồi thường cho anh Lương Văn N giá trị chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Air Blade biển kiểm soát 35B1-769.48 là 23.000.000đ (Hai mươi ba triệu đồng) Trả lại cho chị Lương Minh P số tiền 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng). Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của vợ chồng ông L bà B, chị P và anh N cho đến khi bị cáo thi hành xong các khoản tiền, hàng tháng bị cáo còn phải chịu khoản lãi của số tiền còn phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
4. Về án phí:
Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điều 23 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Trương Thị D phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng).
- Án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu là 7.512.000đ (Bẩy triệu năm trăm mười hai nghìn đồng).
5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo; người bị hại; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người bị hại vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.
Bản án 15/2018/HS-ST ngày 05/04/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 15/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Nho Quan - Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 05/04/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về