Bản án 140/2019/DS-PT ngày 14/05/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 140/2019/DS-PT NGÀY 14/05/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 14 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 79/2019/TLPT-DS ngày 26 tháng 3 năm 2019 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2019/DS-ST ngày 28 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiển bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 116/2019/QĐPT-DS ngày 05 tháng 4 năm 2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Cụ Tiết Văn T, sinh năm 1937; Địa chỉ cư trú: khóm 4, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C (đã chết).

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Thiện:

1. Ông Tiết Phước Th, sinh năm 1965 (con ruột ông Thiện, có mặt) Địa chỉ cư trú: khóm 4, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C

2. Bà Tiết Diệu L, sinh năm 1971 (con ruột ông Thiện, có mặt)

Địa chỉ cư trú: khóm 4, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:

1. Ông Nguyễn Văn Truyền là Luật sư của Văn phòng luật sư Ngô Đình Chiến thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau (có mặt).

2. Ông Thái Huyền Trân, sinh năm 1952.

Địa chỉ cư trú: Số 338/5A đường Quang Trung, khóm 4, phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

- Bị đơn: Ông Quách Bình B, sinh năm 1957 (Có mặt)

Địa chỉ cư trú: khóm 7, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Quách Ngọc Lam là Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cà Mau (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Cụ Huỳnh Thị Gói, sinh năm 1941 (vợ cụ T hiện đã chết).

Kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà Gói:

Ông Tiết Phước Th, sinh năm 1965 (con ruột bà Gói, có mặt) Địa chỉ cư trú: khóm 4, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C

Bà Tiết Diệu L, sinh năm 1971 (con ruột bà Gói, có mặt) Địa chỉ cư trú: khóm 4, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C

2. Bà Nguyễn Thị Nh, sinh năm 1963 (Vắng mặt).

3. Anh Quách Trường G, sinh năm 1983 (Có mặt).

4. Chị Nguyễn Thị T1, sinh 1989 (Vắng mặt)

5. Anh Quách Hùng M, sinh năm 1985 (Vắng mặt).

6. Chị Quách Diễm T2, sinh năm 1987 (Có mặt).

7. Anh Thái Hùng P, sinh năm 1973 (Vắng mặt).

Cùng cư trú tại khóm 7, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C.

8. Anh Trịnh Minh H, sinh năm 1974 (Vắng mặt)

9. Chị Phạm Thị G1, sinh năm 1975 (Vắng mặt)

Cùng cư trú tại khu phố 5, phường A, thành phố R, tỉnh K.

10. Chị Cao Kim P1, sinh năm 1983 (Vắng mặt)

11. Anh Nguyễn Vũ L1, sinh năm 1976 (Vắng mặt) Cùng cư trú tại khóm 7, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C.

12. Chị Quách Thanh Ng, sinh năm 1972; cư trú tại khóm 7, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C (Vắng mặt)

13. Cụ Quách Văn Ch (đã chết).

14. Cụ Phan Thị M1 (đã chết).

Kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ Ch và Múa:

- Ông Quách Văn P3, sinh năm 1941; cư trú tại khóm 7, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C.

Người đại diện hợp pháp của ông P3: Anh Quách Trường G, sinh năm 1983 (Theo văn bản ủy quyền ngày 22/4/2019, có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông P3: Ông Nguyễn Văn Nuôi là Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cà Mau (Có mặt).

- Bà Quách Thị A (Ngọc Ánh), sinh năm 1947; cư trú tại ấp Tăng Long, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng (Vắng mặt)

- Ông Quách Văn Đ, sinh năm 1950; cư trú tại ấp B, xã L, huyện N, tỉnh C (Có mặt).

- Ông Quách Văn B, sinh năm 1953 (Vắng mặt)

- Bà Quách Thùy L1 (Thị L1), sinh năm 1963 (Có mặt).

Cùng cư trú tại ấp R, xã TA, huyện N, tỉnh C.

- Ông Quách Văn Bích, sinh năm 1964; cư trú tại ấp X, xã VAĐ, huyện NH, tỉnh C (Vắng mặt).

- Bà Quách Thị C1 (đã chết).

Kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà Cà:

Ông Ngô Văn Th1, sinh năm 1962 (Vắng mặt). Bà Ngô Diệu H1, sinh năm 1964 (Vắng mặt). Ông Ngô Quốc K2, sinh năm 1966 (Vắng mặt). Anh Ngô Quốc L4, sinh năm 1970 (Vắng mặt). Anh Ngô Phú Nh, sinh năm 1973 (Vắng mặt). Anh Ngô Bình Th2, sinh năm 1975 (Vắng mặt). Cùng cư trú tại ấp R, xã TA, huyện N, tỉnh C. Ông Ngô Quốc H2 (đã chết).

Kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông Hùng:

Bà Nguyễn Thị H3, sinh năm 1964 (Vắng mặt). Chị Ngô Hiền D, sinh năm 1980 (Vắng mặt). Chị Ngô Hiền D2, sinh năm 1983 (Vắng mặt). Chị Ngô Thúy H2, sinh năm 1984 (Vắng mặt). Chị Ngô Thúy Tr, sinh năm 1992 (Vắng mặt).

Cùng cư trú tại khóm 7, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 10 tháng 11 năm 2017 của cụ Tiết Văn T và quá trình tố tụng tại Tòa án người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ T gồm ông Tiết Phước Th và chị Tiết Diệu L trình bày: Cụ Tiết Văn T và cụ Huỳnh Thị Gói có phần đất chiều ngang 36 mét, chiều dài 360 mét tại khóm 7, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C giá trị 400.000.000 đồng, nguồn gốc đất do gia đình khai phá vào khoảng năm 1980. Gia đình cụ T cho cụ Quách Ngọc Chấn và cụ Phan Thị M1 mượn để cất nhà ở vào năm 1985 và thỏa thuận khi nào cần thì gia đình cụ Ch sẽ trả lại nhưng sau khi vợ chồng cụ Ch chết thì phần đất vợ chồng ông Quách Bình B quản lý, sử dụng và không chịu trả lại cho vợ chồng cụ T. Cụ T không biết chữ nên không thể ký vào giấy sang nhượng, tại biên bản hòa giải ngày 18/9/2013 do Ủy ban nhân dân thị trấn Rạch Gốc lập là do ông Th ký thay cho cụ T theo đó ông B đã chấp nhận giao lại cho gia đình cụ T 15 mét đất. Hơn nữa, khi phát sinh tranh chấp gia đình cụ T đã yêu cầu và phía ông B thống nhất chia tiền nhận bồi hoàn 15 triệu đồng. Hiện tại, vợ chồng cụ T đã chết nên những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ T, cụ Gói gồm Tiết Phước Th và Tiết Diệu L tiếp tục yêu cầu ông B có trách nhiệm di dời tài sản và giao trả phần diện tích đất ngang 36 mét, dài 360 mét có giá trị 400.000.000 đồng tại khóm 7, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C theo vị trí như sau:

Phía Đông giáp với đất của ông Quách Văn P3.

Phía Tây giáp với phần đất của ông Tần Quên. Phía Bắc giáp với Sông Rạch Gốc.

Phía Nam giáp phần đất trống.

Trên đất có ba ngôi mộ và sau khi được nhận đất thì phía ông Tiết Phước Th và chị Tiết Diệu L vẫn thống nhất để các ngôi mộ trên đất và không đặt ra yêu cầu gì đối với các ngôi mộ này.

Tại bản tự khai ngày 21 tháng 12 năm 2017 của ông Quách Bình B và quá trình tố tụng tại Tòa án ông B trình bày: Phần đất gia đình cụ Tiết Văn T yêu cầu thực tế là của cha mẹ ông là cụ Quách Văn Ch và cụ Phan Thị M1 sang của cụ Tiết Văn T vào năm 1982 và trực tiếp sử dụng cho đến nay. Khi chuyển nhượng có làm giấy tay có mặt nhiều người chứng kiến và biết, do giấy chuyển nhượng bị mất nên đôi bên có làm lại giấy chuyển nhượng vào ngày 12/3/2008, sau đó được Trưởng ấp lúc bấy giờ ký xác nhận và có rất nhiều người biết sự việc chuyển nhượng đất giữa hai bên. Biên bản hòa giải ngày 18/9/2013 do Ủy ban nhân dân thị trấn Rạch Gốc lập là do cụ T trực tiếp ký chứ không phải là ông Th ký thay, việc thống nhất chia tiền bồi hoàn 15 triệu đồng cho gia đình cụ T chủ yếu là để được sớm nhận các khoản bồi hoàn chứ không phải thừa nhận đất của cụ T. Hiện tại, cha mẹ ông đã chết, vợ chồng ông và các con ông làm nhà ở trên phần đất đã lâu và khi huyện được chia tách thì phần đất trên có sự tranh chấp với Nhà nước thời gian trên 10 năm nhưng gia đình cụ T không đặt ra yêu cầu gì. Về phần giá trị đất 400.000.000 đồng ông thống nhất theo ý kiến trình bày của phía bên nguyên đơn nhưng ông không chấp nhận trả lại đất theo yêu cầu của cụ T vì phần đất này thuộc quyền sử dụng của gia đình ông.

Trên đất hiện có ba ngôi mộ và gia đình ông vẫn thống nhất để các ngôi mộ trên đất và không đặt ra yêu cầu gì đối với các ngôi mộ này.

Ý kiến của bà Nguyễn Thị Nh (vợ ông B) và các con ông B gồm anh Quách Trường G, chị Nguyễn Thị T1, anh Quách Hùng M, chị Quách Diễm T2, anh Thái Hùng P đều thống nhất theo ý kiến ông B trình bày và không chấp nhận trả đất theo yêu cầu của cụ T.

Các con của cụ Quách Văn Ch và cụ Phan Thị M1 gồm ông Quách Văn P3, bà Quách Ngọc Ánh (Thị Ánh), ông Quách Văn Đ, ông Quách Văn B, bà Quách Thị L1, ông Quách Văn Bích đều khai nhận cụ Ch và cụ M1 đã chết và xác định phần đất gia đình cụ T yêu cầu là của cụ Ch và cụ M1 chết để lại và thống nhất theo ý kiến của ông B khai nhận, không chấp nhận yêu cầu của gia đình ông Thiện đòi trả đất.

Tại phiên tòa sơ thẩm ông P3 xác định biên bản hòa giải ngày 18/9/2013 do Ủy ban nhân dân thị trấn Rạch Gốc lập là do cụ T trực tiếp ký chứ không phải là ông Th ký thay.

Đối với những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà Quách Thị C1 gồm ông Ngô Văn Th2, bà Ngô Diệu H2, ông Ngô Quốc K2, anh Ngô Phú Nh, anh Ngô Bình Th3 đã triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vắng mặt và không có ý kiến phản hồi. Đối với anh Ngô Quốc L3 thống nhất theo ý kiến của ông B trình bày và không đặt ra yêu cầu gì.

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông Ngô Quốc H1 gồm bà Nguyễn Thị H3, chị Ngô Hiền D1, chị Ngô Hiền D2, chị Ngô Thúy H4, chị Ngô Thúy Tr đều đã triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vắng mặt và không có ý kiến.

Ý kiến của anh Trịnh Minh H và chị Phạm Thị G1: Anh chị có chuyển nhượng một phần đất tại khóm 7, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển chiều ngang 20 mét, dài từ sống Rạch Gốc đến lộ giữa hiện tại nằm trong phần đất tranh chấp do gia đình cụ T yêu cầu. Phần đất anh chị đã chuyển nhượng anh chị yêu cầu được tiếp tục quản lý, sử dụng, trường hợp phần đất của anh chị được giải quyết buộc giao cho người khác thì anh chị sẽ trực tiếp khởi kiện để yêu cầu người nhượng đất bồi thường thiệt hại theo quy định.

Ý kiến của chị Cao Kim P1: Chị có chuyển nhượng của ông B và bà Nhanh phần đất tại khóm 7, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển chiều ngang 6 mét, dài 145 mét, có làm giấy tay đôi bên ký xác nhận. Chị không yêu cầu gì đối với vụ tranh chấp giữa ông Thiện và ông B, trường hợp đất không phải của vợ chồng ông B thì chị sẽ khởi kiện yêu cầu giải quyết sau.

Ý kiến anh Nguyễn Vũ L1: Bà Quách Thị L1 là em của ông B có chuyển nhượng cho anh phần đất tại khóm 7, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển chiều ngang 5 mét, dái 30 mét, có làm giấy tay đôi bên ký, anh không đặt ra yêu cầu gì đối với vụ tranh chấp giữa gia đình ông Thiện và gia đình ông B.

Ý kiến của chị Quách Thanh Ng: Chị có một phần đất chiều ngang 10 mét, chiều dài 40 tại khóm 7, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển nằm trong diện tích đất do gia đình ông Thiện yêu cầu. Chị xác định phần đất của chị thì chị sử dụng và không đặt ra yêu cầu gì đối với vụ tranh chấp đất giữa gia đình cụ T và gia đình ông B.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2019/DS-ST ngày 28 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiển đã quyết định:

Căn cứ vào Điều 166 của Bộ luật Dân sự; Điều 203 của Luật Đất đai; Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 227, Điều147, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3 Điều 26 và điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tiết Văn T về việc yêu cầu ông Quách Bình B trả lại phần đất chiều ngang 36 mét, chiều dài 360 mét tại khóm 7, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về chi phí đo đạc thẩm định, án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 30/01/2019 ông Tiết Phước Th, bà Tiết Diệu L kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm buộc ông Quách Bình B và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trả lại cho ông, bà phần đất diện tích 14.942,6m2.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Th, bà L giữ nguyên kháng cáo. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Th, bà L tranh luận: Năm 1980 cụ T và cụ Gói được nhà nước cấp đất, do có mối quan hệ họ hàng nên cụ T cho cụ Ch mượn đất nhưng không lập thành văn bản, việc mượn đất thể hiện là khi cụ Ch chết (năm 1989) không chôn trên phần đất mượn của cụ T mà chôn trên phần đất khác, khi cụ T chết thì ông Bích bỏ đất đi nơi khác, đến khoảng thời gian từ năm 1992 đến 1995 thì ông B vào chiếm đất ở; Phía ông B trình bày cụ T chuyển nhượng đất cho cha ông là cụ Ch nhưng giấy tờ chuyển nhượng lại được lập năm 2008 trong khi cụ Ch đã chết năm 1989, nếu có chuyển nhượng thì lúc này phải làm giấy chuyển nhượng từ cụ T qua ông B mới đúng. Mặt khác, ông B cho rằng có việc chuyển nhượng giữa cụ T và cụ Ch nhưng giấy chuyển nhượng đã mất, đến năm 2008 làm lại giấy khác nên giấy tờ chuyển nhượng ông B cung cấp là không có giá trị chứng minh vì cụ T không biết chữ; Theo biên bản ngày 18/9/2013, ông B đã thống nhất giao lại cho cụ T 02 phần, một phần là 15m ngang và một phần ngang 05m. Do ông B là người đang quản lý sử dụng và ông B là người chiếm giữ đất nên ông B tự quyết định việc giao đất cho cụ T, không cần phải có ý kiến của các đồng thừa kế. Hơn nữa, gia đình cụ T có khiếu nại về việc nhận tiền bồi thường và thực tế ông B đã thống nhất chia 15 triệu tiền bồi thường khi nhà nước làm tuyến đường lộ đi qua phần đất, điều đó cho thấy đất là của gia đình cụ T. Đối với việc xác nhận của ông Thu trong biên bản ngày 18/9/2013 có nội dung nguồn gốc đất của cụ T và việc cho mượn hay chuyển nhượng ông không rõ, nhưng trong văn bản chuyển nhượng năm 2008 thì ông Thu xác nhận có việc chuyển nhượng; Nếu có việc cụ T chuyển nhượng đất cho phía ông B nhưng không có sự đồng ý của cụ Gói, không có chữ ký của cụ Gói là vợ cụ T thì hợp đồng này cũng vô hiệu. Trên đất đang tranh chấp có hai ngôi mộ chôn người có mối quan hệ họ hàng với cụ T, nếu đất đã chuyển nhượng cho cụ Ch thì làm sao cụ Ch lại đồng ý cho chôn trên đất này. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của phía nguyên đơn;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn tranh luận: Cụ T yêu cầu ông B trả lại phần đất ngang 36m, dài 360m nhưng không cung cấp giấy cho mượn đất. Phía cụ T không đi đăng ký kê khai quyền sử dụng đất, còn phía cụ Ch có đăng ký kê khai phần đất tranh chấp. Từ đó đến nay gia đình cụ T không có sử dụng đất và quá trình gia đình ông B sử dụng đất thì phía gia đình cụ T không ai can thiệp hoặc ngăn cản. Phía gia đình cụ Ch, ông B đã quản lý liên tục từ những năm 1982-1985, không có bỏ hoang đất. Tại biên bản hòa giải ở xã thì cụ T có tham gia ký tên nên việc cho rằng cụ T không biết chữ là không đúng. Trong giấy chuyển nhượng năm 2008 là cụ T ký xác nhận lại việc chuyển nhượng trước đây giữa cụ T và cụ Ch. Quá trình sử dụng đất thì gia đình ông B có chuyển nhượng đất cho nhiều người, đồng thời, những người trong gia đình ông B được cấp đất do phần đất bị thu hồi nhưng gia đình của cụ T và ông Th cũng không có sự ngăn cản. Việc thu hồi đất của 63 hộ dân có khiếu nại trên 12 năm, trong quá trình thay đổi biến động về đất thì gia đình cụ T và ông Th, bà L không có bất cứ ý kiến gì về việc thu hồi, bồi thường, tái định cư cũng như việc chuyển nhượng đất của gia đình ông B; Tại bút lục 340, ông Huỳnh Thanh Đảm xác nhận trên sổ mục kê không có đăng ký kê khai tên cụ Tiết Văn T, chỉ có tên cụ Quách Văn Ch; Việc cụ Ch không chôn trên phần đất là do dòng họ của cụ Ch có khu đất chôn riêng nên không chôn cụ Ch trên đất tranh chấp là việc đương nhiên; Theo Nghị quyết số 01 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có hướng dẫn nếu đất đã chuyển nhượng trước năm 1993 mà trên đất đã xây dựng công trình, trồng cây lâu năm thì công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Quách Văn P3 tranh luận:

Các đương sự đều thống nhất về nguồn gốc đất là của cụ T, tuy nhiên nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh là cụ T cho cụ Ch mượn đất. Ông Th cũng không xác định được vị trí đất của ông như thế nào, cụ T cũng không có kê khai đăng ký quyền sử dụng đất mà chỉ có cụ Ch kê khai. Ông Th xác định có hiến một phần đất cho Nhà nước ở phía giáp sông Rạch Gốc nhưng cũng không có giấy tờ và tại phiên tòa ông Th lại yêu cầu toàn bộ phần đất theo đo đạc. Thời gian qua đất cũng trải qua nhiều biến động, gia đình cụ Ch có tặng cho, chuyển nhượng đất cho nhiều người nhưng ông Th không ý kiến gì, không có yêu cầu khiếu nại hoặc ngăn cản. Tài sản chung của cụ T và cụ Gói nhưng cụ T chuyển nhượng cũng là hợp pháp, vấn đề này được thể hiện qua quá trình ông B sử dụng đất nhưng cụ Gói cũng không có ý kiến phản đối hay tranh chấp.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông Tiết Phước Th, bà Tiết Diệu L, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiển.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của những người tham gia tố tụng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại phiên tòa ông Th, bà L vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và cho rằng phần đất đang tranh chấp chiều ngang 36m, chiều dài 360m, tổng diện tích 14.942,6m2 tọa lạc tại khóm 7, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C là của cha mẹ ông bà cho gia đình ông B mượn cụ thể là cho cụ Ch và cụ M1 là cha mẹ của ông B mượn đến khi nào gia đình ông có nhu cầu thì đòi lại.

[2] Xét thấy, ông Th cho rằng phần đất tranh chấp do gia đình ông cho gia đình ông B mượn nhưng ông Th không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh việc cho mượn đất, kể cả quá trình kê khai đăng ký quyền sử dụng đất cũng không thể hiện. Phía ông B thừa nhận nguồn gốc đất là của cụ T và ông B chứng minh có việc chuyển nhượng đất giữa cụ T và cụ Ch thể hiện qua quá trình sử dụng và cấp phần đất của cụ Quách Văn Ch cho ông Quách Thanh Bích để xây dựng nhà ở vào năm 1998 (BL 127) và việc thu hồi 1.068m2 đất của hộ cụ Quách Văn Ch vào năm2014 để xây dựng đường ô tô đến trung tâm thị trấn Rạch Gốc. Đồng thời, ông B cung cấp Tờ nhượng đất (BL 28) của cụ T, mặc dù Tờ nhượng đất thể hiện ngày 12/3/2008 và được Trưởng ấp ký xác nhận ngày 17/4/2008, thời điểm này cụ Ch đã chết, nhưng lý do lập giấy này là do phía gia đình ông B đã thất lạc giấy chuyển nhượng nên đề nghị cụ T ký lại giấy chuyển nhượng, trong giấy chuyển nhượng có chữ ký xác nhận của ông Tiết Văn Bê là trưởng ấp, ông Bê cũng có ý kiến là cụ T đã chuyển nhượng đất cho cụ Ch và cụ T thừa nhận đất của cụ Ch để lại cho con (BL 36-37). Việc ông Th cho rằng cụ T không biết chữ, không ký tên là không có cơ sở như nhận định của cấp sơ thẩm là có căn cứ vì theo biên bản ngày 18/9/2013 cụ T có ký tên, ông Th cũng thừa nhận cụ T có mặt tại phiên hòa giải (BL 428), đại diện chính quyền địa phương cũng xác nhận cụ T có ký tên vào biên bản nên trình bày của ông Th về việc cụ T không biết chữ, không có ký tên vào giấy chuyển nhượng do ông B cung cấp là không có căn cứ chấp nhận.

[3] Quá trình giải quyết cụ T trình bày cho cụ Ch mượn đất vào năm 1983 (BL 02), ông Th trình bày cho mượn thời điểm năm 1984 (BL 48), tại phiên tòa thì khẳng định cho mượn năm 1985. Như vậy căn cứ vào trình bày của cụ T để xác định cụ Ch ở trên đất vào năm 1983. Phía gia đình cụ T yêu cầu phía ông B phải trả lại đất nhưng không chứng minh được việc cho mượn đất, trong thời gian từ năm 1983 đến năm 2017 phía gia đình cụ T cũng không đăng ký kê khai quyền sử dụng đất cũng như không tranh chấp liên quan đến quá trình Nhà nước giải tỏa, bồi thường. Mặc dù phía ông Th trình bày có tranh chấp về việc bồi thường đất nhưng ông đã rút lại yêu cầu do ông B có đưa cho ông 15.000.000 đồng là tiền liên quan đến phần đất ông B thỏa thuận theo biên bản ngày 18/9/2013. Ông B cho rằng ông giao số tiền này cho ông Th là do ông nghĩ tình nghĩa quen biết trước nay và không muốn có sự việc tranh chấp nên cá nhân ông tự đưa tiền cho ông Th, anh em ông không hay biết chứ không phải số tiền này là tiền bồi thường đất của ông Th, cũng không có tài liệu chứng minh ông Th có đất để được bồi thường và ông cũng không có quyền quyết định vì phần đất ông đang sử dụng là của cụ Ch, của cả gia đình anh em ông. Như phân tích trên, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông Th và bà L.

[4] Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Th xác định khởi kiện chiều ngang 36m, chiều dài 360m và diện tích này lúc cụ T được cấp không đo đạc nên nay ông khẳng định đất mà cụ T yêu cầu là phần đất gia đình ông B đang quản lý có chuyển nhượng cho người khác và đúng theo biên bản trích đo hiện trạng với diện tích là 14.942,6m2 giáp sông Rạch Gốc. Tuy nhiên cấp sơ thẩm lại tuyên bác yêu cầu khởi kiện của cụ Tiết Văn T trả lại phần đất ngang 36m, dài 360m có phía bắc giáp với sông Rạch Gốc, hồ sơ không thể hiện phần đất nào có vị trí kích thước như yêu cầu khởi kiện, quá trình tranh chấp mới xác định được phạm vi và đất tranh chấp cụ thể như thế nào qua thủ tục đo đạc, khi có kết quả đo đạc cấp sơ thẩm lại không xác định lại phạm vi khởi kiện của đương sự là có thiếu sót. Tại phiên tòa phúc thẩm phía ông Th và bà L khẳng định phần đất tranh chấp là giáp sông Rạch Gốc và đúng như sơ đồ đo đạc có trong hồ sơ. Như quyết định của cấp sơ thẩm là không chính xác nên cần điều chỉnh lại cho đúng với yêu cầu thực tế của nguyên đơn theo bản vẽ đo đạc ngày 23/01/2019 (BL 369).

[5] Đại diện Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm về nội dung bác yêu cầu khởi kiện của cụ Tiết Văn T, không chấp nhận kháng cáo của ông Tiết Phước Th và bà Tiết Diệu L. Đề nghị này có căn cứ nên chấp nhận, tuy nhiên như nhận định trên cần sửa lại phần đất theo yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn.

Các quyết định khác không có kháng cáo kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Do kháng cáo không được chấp nhận nên ông Th và bà L phải chịu án phí phúc thẩm mỗi người là 300.000đ theo Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS. Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Bác yêu cầu kháng cáo của ông Tiết Văn Thành và bà Tiết Diệu L. Sửa bản án sơ thẩm dân sự số: 03/2019/DS-ST ngày 28 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiển.

Căn cứ vào Điều 166 của Bộ luật Dân sự; Điều 203 của Luật Đất đai; Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 227, Điều 147, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3 Điều 26 và điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Bác yêu cầu khởi kiện của cụ Tiết Văn T về việc yêu cầu ông Quách Bình B trả lại phần đất diện tích 14.942,6m2 tại khóm 7, thị trấn RG, huyện N, tỉnh C.

Chi phí đo đạc 20.240.000 đồng cụ Tiết Văn T Thiện phải chịu (Đã thanh toán xong).

Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch cụ Tiết Văn T được miễn nên cụ T không phải nộp. Cụ T đã nộp tạm ứng án phí 10.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0013955 ngày 10/11/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ngọc Hiển được giao trả lại cho ông Tiết Phước Th và chị Tiết Diệu L là người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ T nhận.

Án phí phúc thẩm ông Tiết Phước Th và bà Tiết Diệu L phải chịu mỗi người 300.000 đồng. Ông Tiết Phước Th và bà Tiết Diệu L đã dự nộp mỗi người 300.000 đồng theo biên lai thu số 0005567; 0005568 ngày 30/01/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ngọc Hiển được chuyển thu án phí.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

371
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 140/2019/DS-PT ngày 14/05/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:140/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về