TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ TU, TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 11/2019/LĐ-ST NGÀY 15/08/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 15 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã TU, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án Lao động thụ lý số 23/2019/TLST-LĐ ngày 21 tháng 5 năm 2019 về việc “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 11/2019/QĐXXST-LĐ ngày 28 tháng 6 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 10/2019/QĐST-LĐ ngày 23 tháng 7 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông M, sinh năm 1985; địa chỉ: Ấp Đ, xã G, huyện C, tỉnh Kiên Giang.
Người đại diện hợp pháp: Ông Th, sinh năm 1989; địa chỉ thường trú: Số 12/21 khu phố B, phường X, thị xã A, tỉnh Bình Dương; địa chỉ liên hệ: Đường số 5, Khu dân cư thương mại H, Tổ 1, Khu phố 3, phường H, thị xã TU, tỉnh Bình Dương (Theo Giấy ủy quyền ngày 09/5/2019); có mặt.
- Bị đơn: Công ty SH; trụ sở: Số 34/1, Tổ 2, khu phố L, phường K, thị xã TU, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo pháp luật: Ông H.
Người đại diện hợp pháp: Bà Tr, sinh năm 1989; địa chỉ liên hệ: Số 34/1, Tổ 2, khu phố L, phường K, thị xã TU, tỉnh Bình Dương (Theo Giấy ủy quyền số 01/06- KNUQ ngày 07/6/2019); yêu cầu giải quyết vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 10 tháng 5 năm 2019 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông M và người đại diện hợp pháp ông Th trình bày:
Ngày 01/8/2018, ông M vào làm việc tại Công ty Sh (sau đây gọi tắt là “Công ty”) theo Hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng, chức vụ là công nhân, mức lương và phụ cấp một tháng là 14.260.000 đồng, bao gồm các khoản: Lương đóng bảo hiểm: 6.160.000 đồng/tháng; lương trả ngoài: 5.020.000 đồng/tháng; tiền cơm trưa: 520.000 đồng/tháng; phụ cấp chuyên cần là 300.000 đồng/tháng; phụ cấp độc hại: 260.000 đồng/tháng; phúc lợi khác là 2.000.000 đồng/tháng.
Trong quá trình làm việc ông M luôn hoàn thành tốt các công việc được giao và hỗ trợ đào tạo nhiều lao động có tay nghề cho Công ty. Tuy nhiên, ngày 09/04/2019, sau khi nghỉ trưa để chuẩn bị vào làm việc đột nhiên ông M nhận được Quyết định số 31/2019/QDNV-SD ngày 09/4/2019 về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Lý do mà Công ty đưa ra là ông M vi phạm nội quy Công ty. Thực tế, kể từ khi vào làm việc cho Công ty ông M chưa từng bị xử lý kỷ luật lần nào.
Nhận thấy việc Công ty ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động như trên là trái quy định của pháp luật lao động, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của ông M. Do đó, yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau:
1. Hủy Quyết định số 31/2019/QDNV-SD ngày 09/4/2019 của Công ty Sh rõ ràng trái quy định của pháp luật lao động;
2. Buộc Công ty Shbồi thường cho ông M một khoản tiền bằng tiền lương trong những ngày ông M không được làm việc cộng với 02 tháng tiền lương tạm tính từ ngày 09/4/2019 đến ngày 09/5/2019 là 03 tháng với số tiền: 42.780.000 đồng;
3. Buộc Công ty Sh thanh toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phần của người sử dụng lao động phải nộp (22% tiền lương) cho ông M tính từ ngày 09/4/2019 đến hết ngày 09/5/2019 với số tiền: 1.355.200 đồng;
4. Buộc Công ty Sh phải nhận ông M lại làm việc với mức lương 14.260.000 đồng. Trường hợp Công ty Sh không nhận lại ông M làm việc thì phải bồi thường 02 tháng tiền lương với số tiền: 28.520.000 đồng;
5. Bồi thường do vi phạm thời gian báo trước nên phải bồi thường cho ông Msố tiền 01 tháng tiền lương với số tiền 14.260.000 đồng.
Tổng cộng là 86.915.200 đồng.
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
1. Hủy Quyết định số 31/2019/QDNV-SD ngày 09/4/2019 của Công ty Sh rõ ràng trái quy định của pháp luật lao động;
2. Buộc Công ty Sh bồi thường cho ông M một khoản tiền bằng tiền lương trong những ngày ông M không được làm việc tính từ ngày 09/4/2019 đến ngày 15/8/2019 với số tiền 59.892.000 đồng và 02 tháng tiền lương là 28.520.000 đồng;
3. Buộc Công ty Sh bồi thường do vi phạm thời gian báo trước số tiền 14.260.000 đồng;
3. Buộc Công ty Sh thanh toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phần của người sử dụng lao động phải nộp (21,5% tiền lương) cho ông M tính từ ngày 09/4/2019 đến ngày 15/8/2019 với số tiền: 5.692.000 đồng;
Tổng cộng là 108.364.000 đồng.
4. Rút yêu cầu buộc Công ty Sh phải nhận ông M trở lại làm việc và phải bồi thường 02 tháng tiền lương với số tiền 28.520.000 đồng do không muốn nhận ông M trở lại làm việc.
Tại bản tự khai và quá trình hòa giải thì đại diện hợp pháp của bị đơn bà Tr trình bày:
Ngày 01/8/2018, ông M vào làm việc tại Công ty Sh (sau đây gọi tắt là “Công ty”) theo Hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng, chức vụ là công nhân, mức lương và phụ cấp một tháng là 13.480.000 đồng, bao gồm các khoản: Lương đóng bảo hiểm: 5.900.000 đồng/tháng; lương trả ngoài: 5.020.000 đồng/tháng; phụ cấp chuyên cần: 300.000 đồng/tháng; phụ cấp độc hại: 260.000 đồng/tháng; phúc lợi khác: 2.000.000 đồng/tháng.
Trong quá trình làm việc ông M vi phạm nhiều lần không hoàn thành công việc theo sự điều hành của lãnh đạo và gây thiệt hại cho công ty; thường xuyên nghỉ việc quá 06 ngày mỗi tháng không xin phép, nghe điện thoại, bỏ vị trí trong giờ làm việc; gây mất trật tự trong công ty.
Việc vi phạm nhiều lần nội quy của công ty và gây thiệt hại cho công ty nên Ban lãnh đạo công ty cũng đã lập biên bản ghi nhận, cụ thể:
Trong quá trình làm việc ông M vi phạm nhiều lần không hoàn thành công việc theo sự điều hành của lãnh đạo và gây thiệt hại cho công ty; thường xuyên nghỉ việc quá 06 ngày/tháng không xin phép, nghe điện thoại, bỏ vị trí trong giờ làm việc; gây mất trật tự trong công ty.
Việc vi phạm nhiều lần nội quy của công ty và gây thiệt hại cho công ty nên Ban lãnh đạo công ty cũng đã lập biên bản ghi nhận, cụ thể:
- Ngày 04/3/2019, Ban lãnh đạo công ty có họp xử lý lỷ luật “Chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đối với ông M” từ ngày 10/4/2019. Việc họp xử lý có lập Biên bản họp xem xét xử lý kỷ luật số 01-2019/BBKL ngày 04/3/2019. Thành phần tham gia bao gồm: Ông Ha- chức vụ Giám đốc công ty, ông Ha Seok M là trợ lý giám đốc, bà Tr là nhân viên phòng nhân sự và ông M. Việc lập biên bản có mặt ông Mnhưng ông M không chịu ký tên vào biên bản.
- Ngày 04/3/2019, Công ty ra Thông báo số 03/TBCNV về việc “Chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông M” từ ngày 10/4/2019. Tuy nhiên, ông M không chịu nhận thông báo nên công ty có lập Biên bản số 02-2019/BB ngày 04/3/2019 về việc ông M không nhận thông báo vào ngày 04/3/2019.
- Ngày 09/4/2019, ông M cố tình đe dọa ông Lee là quản lý trực tiếp của ông Mgây mất trật tự tại công ty. Do đó, Công ty đã lập Biên bản số 03-2019/BB ngày 09/4/2019 về việc gây mất trật tự tại nơi làm việc. Thành phần tham gia lập biên bản bao gồm: Ông Ha là Giám đốc công ty, bà Tr là nhân viên phòng nhân sự, người làm chứng là ông Q và bà E (Hai người này làm cùng bộ phận Tương với ông M) và ông M. Ông M có mặt nhưng không chịu ký tên vào biên bản.
Do ông M đã nhiều lần vi phạm và gây thiệt hại nên công ty đã ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 31/2019/QDNV-SD ngày 09/4/2019 đối với ông M.
Công ty mới thành lập nên chưa thành lập được Công đoàn cơ sở. Do đó, toàn bộ các biên bản lập vi phạm kỷ luật đối với ông M không có đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tham gia.
Nay, bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với ông M là đúng pháp luật. Về việc ông M yêu cầu được nhận trở lại Công ty Sh làm việc thì nếu Toà án xác định công ty sai và hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động thì đại diện bị đơn đồng ý nhận ông Mtrở lại làm việc.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thị xã TU phát biểu tại phiên tòa:
- Về tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự; Thẩm phán xác định quan hệ pháp luật đúng theo quy định tại Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã TU.
- Về nội dung: Ông M và Công ty Sh có ký kết Hợp đồng lao động xác định thời hạn một năm từ ngày 01/8/2018 đến ngày 31/7/2019 với mức lương, phụ cấp và các khoản khác là 14.260.000 đồng.
Tại phiên tòa đại diện hợp pháp của nguyên đơn nhận thấy hợp đồng lao động hết hạn vào ngày 31/7/2019 nên rút yêu cầu về việc buộc bị đơn phải nhận ông Mtrở lại làm việc và không buộc phải thanh toán 02 tháng tiền lương do không muốn nhận người lao động trở lại làm việc. Việc rút yêu cầu là tự nguyện, phù hợp pháp luật. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này.
Nhận thấy việc Công ty Sh chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Mlà vi phạm Điều 123 và 126 Bộ luật lao động. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như sau:
1. Hủy Quyết định số 31/2019/QDNV-SD ngày 09/4/2019 của Công ty Shvề việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông M.
2. Buộc Công ty Shbồi thường cho ông M những khoản như sau: Tiền lương trong những ngày không được làm việc tính từ ngày 09/4/2019 đến ngày 31/7/2019 là 52.836.000 đồng; 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 27.480.000 đồng; bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày với số tiền 13.740.000 đồng.
Tổng cộng là: 94.056.000 đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Công ty Sh thanh toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phần của người sử dụng lao động mà buộc bị đơn phải nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội thị xã TU cho ông M số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp kể từ ngày 09/4/2019 đến ngày 31/7/2019 với số tiền là 5.094.000 đồng.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
- Về tố tụng:
[1]. Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Nguyên đơn ông M khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bị đơn Công ty Sh có trụ sở chính tại: Số 34/1, Tổ 2, khu phố L, phường K, thị xã TU, tỉnh Bình Dương. Như vậy, theo quy định tại các Điều 32, 35 và Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã TU.
[2]. Về việc vắng mặt của các đương sự: Đại diện bị đơn vắng mặt nhưng đã có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt. Căn cứ vào khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt bị đơn.
- Về nội dung:
[1]. Về việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Tại phiên tòa đại diện hợp pháp của nguyên đơn rút yêu cầu về việc buộc bị đơn phải nhận ông Mtrở lại làm việc và không buộc phải thanh toán 02 tháng tiền lương do không muốn nhận người lao động trở lại làm việc. Xét thấy, việc rút yêu cầu của đại diện nguyên đơn là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp pháp luật. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 và khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này của nguyên đơn.
[2]. Về yêu cầu hủy Quyết định số 31/2019/QDNV-SD ngày 09/4/2019 của Công ty Sh, Hội đồng xét xử thấy:
[2.1] Các đương sự đều thừa nhận giữa ông Mvà Công ty Sh có ký kết Hợp đồng lao động số 382018/HĐLĐL1 ngày 01/8/2018 xác định thời hạn 12 tháng kể từ ngày 01/8/2018 đến ngày 31/7/2019. Đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng M theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2.2] Đại diện bị đơn cho rằng trong quá trình làm việc, ông M vi phạm nhiều lần, không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động và gây thiệt hại cho công ty; thường xuyên nghỉ việc quá 06 ngày mỗi tháng không xin phép, nghe điện thoại, bỏ vị trí trong giờ làm việc; gây mất trật tự trong công ty. Công ty tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động có mặt ông M. Tuy nhiên, biên bản xử lý kỷ luật do bị đơn giao nộp không có chữ ký của người lao động bị xử lý là ông M và đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động. Như vậy, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Sh đối với ông M là không đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 123 và Điều 126 Bộ luật lao động; các điều 12 và 30 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động cũng như khoản 12 Điều 1 Nghị định số 148/2018 ngày 24/10/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 30 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ.
[2.3] Như vậy, yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy Quyết định số 31/2019/QDNV-SD ngày 09/4/2019 của Công ty Sh là có căn cứ, phù hợp pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[3]. Về yêu cầu bồi thường của nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy:
[3.1] Về mức lương làm căn cứ bồi thường: Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường theo mức lương 14.260.000 đồng. Bị đơn cho rằng mức lương là 13.480.000 đồng. Tuy nhiên, theo Hợp đồng lao động số 382018/HĐLĐL1 ngày 01/8/2018 mà nguyên đơn giao nộp và bị đơn thừa nhận thì tổng lương và phụ cấp là 14.260.000 đồng. Tuy nhiên, trong hợp đồng lao động có ghi rõ tiền cơm trưa 520.000 đồng không được tính vào lương. Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động và các Điều 21 và 26 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 cũng như khoản 10 Điều 1 Nghị định số 148/2018 ngày 24/10/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, trong trường hợp của ông Mmức lương được tính làm căn cứ bồi thường là 13.740.000 đồng.
[3.2] Về số tiền yêu cầu bồi thường:
Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì phải thanh toán cho người lao động các khoản gồm: Tiền lương và phụ cấp lương trong những ngày người lao động không được làm việc, bồi thường 02 tháng tiền lương do sa thải trái pháp luật. Nếu không muốn nhận người lao động trở lại làm việc và người lao động đồng ý thì người sử dụng lao động còn phải bồi thường ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Do đó, Công ty Sh phải bồi thường cho ông M các khoản như sau:
Tiền lương trong những ngày ông M không được làm việc tính từ ngày 09/4/2019 đến ngày 31/7/2019 là 52.836.000 đồng; 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 27.480.000 đồng; bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày với số tiền 13.740.000 đồng. Tổng cộng là: 94.056.000 đồng.
[3.3] Đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải thanh toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội với số tiền 1.355.200 đồng; Hội đồng xét xử thấy:
Theo quy định tại Điều 2 và khoản 4 Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Điều 12 Luật bảo hiểm y tế; Điều 43 Luật Việc làm và khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trực tiếp thanh toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là không có căn cứ, không phù hợp pháp luật cho nên Hội đồng xét xử không chấp nhận mà buộc bị đơn phải nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Theo Công văn số 95/CV-BHXH ngày 24/5/2019 của Bảo hiểm xã hội thị xã TU thì: “Việc đóng BNXH, BHYT, BHTN cho ông Mtừ ngày 09/4/2019 đến ngày 09/5/2019 thì Công ty Sh có trách nhiệm đóng số tiền BNXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH. Mức truy thu đóng BNXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là 32% (Trong đó, người sử dụng lao động là 21,5% và người lao động là 10,5%) trên mức tiền lương của người lao động cộng thêm phần lãi suất truy đóng theo quy định hiện hành.” Kèm theo Công văn là bảng quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của ông M với mức đóng là 6.160.000 đồng phù hợp với mức lương theo Hợp đồng lao động số 382018/HĐLĐL1 ngày 01/8/2018 giữa Công ty Shvà ông M.
Vì vậy, buộc Công ty Shphải nộp tại Bảo hiểm xã hội thị xã TU số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho ông Mvới mức 21,5% của mức lương tháng là 6.160.000 đồng kể từ ngày 09/4/2019 đến ngày 31/7/2019 với số tiền là: 5.094.000 đồng.
[3.4] Xét thấy, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về việc chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, phù hợp pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4]. Về án phí sơ thẩm: Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của y ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án thì nguyên đơn không phải chịu án phí, bị đơn phải chịu án phí tương ứng với số tiền phải bồi thường cho nguyên đơn.
Vì các lẽ trên, Căn cứ vào:
QUYẾT ĐỊNH
- Các Điều 32, 35, 39, 147, 266, 271 và 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Các Điều 38, 42, 90, 96, 123, 128 và 186 của Bộ luật Lao động;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của y ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án;
Tuyên xử:
1. Đình chỉ giải quyết về việc buộc Công ty phải nhận ông M trở lại làm việc và bồi thường 02 tháng lương do không muốn nhận ông M trở lại làm việc.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông M buộc Công ty Sh thanh toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tính từ ngày 09/4/2019 đến hết ngày 15/8/2019 với số tiền: 5.692.000 đồng (Năm triệu sáu trăm chín mươi hai nghìn đồng).
3.1 Hủy Quyết định số 31/2019/QDNV-SD ngày 09/4/2019 của Công ty Shđối với ông M.
3.2 Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông M đối với bị đơn Công ty Sh về việc: “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.
Buộc Công ty Sh phải bồi thường cho ông M tổng số tiền là: 94.056.000 đồng (Chín mươi bốn triệu không trăm năm mươi sáu nghìn đồng) bao gồm các khoản: Tiền lương trong những ngày không được làm việc tính từ ngày 09/4/2019 đến ngày 31/7/2019 là 52.836.000 đồng; 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 27.480.000 đồng; bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày với số tiền 13.740.000 đồng.
4. Buộc Công ty Shphải nộp tại Bảo hiểm xã hội thị xã TU, tỉnh Bình Dương số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho ông M kể từ ngày 09/4/2019 đến ngày 31/7/2019 với số tiền là: 5.094.000 đồng (Năm triệu không trăm chín mươi bốn nghìn đồng).
5. Về án phí lao động sơ thẩm:
5.1 Ông M được miễn toàn bộ án phí lao động.
5.2 Công ty Sh phải chịu 2.822.000 đồng (Hai triệu tám trăm hai mươi hai nghìn đồng) án phí lao động sơ thẩm.
6. Về quyền kháng cáo:
6.1 Nguyên đơn có mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
6.2 Bị đơn vắng mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 11/2019/LĐ-ST ngày 15/08/2019 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 11/2019/LĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân - Bình Dương |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 15/08/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về