Bản án 08/2018/DS-ST ngày 29/11/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HÀ TRUNG TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 08/2018/DS-ST NGÀY 29/11/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 29 tháng 11 năm 2018, tại Hội trường Toà án nhân dân huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 20/2018/TLST-DS ngày 15 tháng 8 năm 2018 về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Theo quyết đinh đưa vụ án ra xét xử số: 25/2018/QĐXXST-DS ngày 30 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Phạm Thị Nh - Sinh năm 1989

Địa chỉ: Thôn 6, xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hoá

2. Bị đơn:Chị Tạ Thị Q - Sinh năm 1974

Địa chỉ: Thôn 7, xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hoá

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ L quan:

- Anh Phạm Văn H - Sinh năm 1971

Địa chỉ: Thôn 7, xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hoá

Người được anh H ủy quyền: Chị Tạ Thị Q - Sinh năm 1974

Địa chỉ: Thôn 7, xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hoá

(Theo giấy ủy quyền ngày 05/10/2018).

- Ông Tạ Văn M - Sinh năm 1962 và bà Tạ Thị L - Sinh năm 1963

Cùng địa chỉ: Thôn Đ, xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hóa.

4. Người làm chứng:

- Bà Vũ Thị M - Sinh năm 1970

Địa chỉ: Thôn 6, xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hoá.

- Anh Mai Hồng S - Sinh năm 1979

Địa chỉ: Thôn Y, xã H, huyện H, tỉnh Thanh Hoá.

Tại phiên toà có mặt chị Nh, chị Q, ông M, bà L, chị M, anh S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện đề ngày 30/7/2018 cũng như trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn chị Phạm Thị Nh trình bày:

Vào tháng 12 năm 2013 (âm lịch), dương lịch là 24/01/2014. Do gia đình bà Tạ Thị Q có việc nên bà Q có vay của chị Nh số tiền là 47 triệu đồng với M đích mua gỗ để sản xuất, với lãi xuất 3 triệu/năm (0,6%/tháng). Số tiền lãi được trả vào cuối năm hàng năm. Năm đầu tiên các bên thống nhất chị Nh không lấy tiền lãi mà để cộng vào cho số tiền gốc tròn 50 triệu. Do bà Q là em gái mẹ chồng chị Nh nên khi cho bà Q vay tiền chị Nh không lập biên bản giấy tờ vay, không giao hẹn thời hạn trả, chỉ giao hẹn thoả thuận miệng khi nào chị Nh cần thì bà Q trả. Chị Nh đưa tiền cho bà Q tại nhà ông Tạ Văn M và bà Tạ Thị L (bố mẹ chồng chị Nh), lúc này ông M, bà L chị Nh đều đang ở nhà và cũng biết việc chị Nh cho bà Q vay tiền.

Nguồn gốc số tiền 47 triệu đồng này bao gồm: 40 triệu là do bà Tạ Thị L (mẹ chồng chị) được chị Vũ Thị M trả tiền mua nhà và đất trong Tây Nguyên (nhà và đất của chị Nh và chồng là anh Tạ Quang Trung làm và sử dụng, anh Trung chết tháng 10/2013), sau khi lấy được 40 triệu đồng của chị M, bà L đã đưa lại cho chị Nh; còn lại 07 triệu đồng là tiền riêng của chị.

Đến tháng 6 năm 2017 do có việc riêng và đang ở trong TP Hồ Chí Minh, nên chị Nh có điện thoại cho chị Q để đòi lại số tiền 50 triệu mà chị đã cho chị Q vay, ngày 13/6/2017 chị Q trả cho chị số tiền 10 triệu đồng và còn số tiền 40 triệu đồng chưa trả được với lý do chưa có. Số tiền 10 triệu đồng chị Q trả là chuyển vào tài khoản Ngân hàng Scombank của chị Nh số TK 030027163226 và chị Q nhờ ông Mai Hồng S gửi vào tài khoản cho chị Nh vào ngày 13/6/2017.

Về tiền lãi: Năm 2014 tiền lãi được cộng vào tiền vay gốc, năm 2015 - 2016 chị Q không trả tiền lãi cho chị, đến cuối năm 2016 chị Q trả tiền lãi cả 2 năm là 6 triệu đồng cho chị. Chị Q đã đưa thẻ tín dụng (thẻ lương) của chị Q cho chị Nh đi rút, lúc này trong thẻ của chị Q có 7.700.000đ và chị đã rút toàn bộ số tiền trên, thời điểm rút tiền là cuối tháng 12 năm 2016 (ÂL).

Do không có giấy tờ vay nợ nên ngày 15/4/2018 chị Nh đã dùng điện thoại để ghi âm lại cuộc nói chuyện và đòi lại số tiền nợ giữa chị và chị Q. Tại đơn khởi kiên chị Nh đề nghị Toà án buộc chị Q phải trả số tiền gốc còn lại là 40 triệu đồng và tiền lãi 20 tháng là 4 triệu đồng (Từ tháng 01/ 2017 đến 30/7/2018). Tổng số tiền gốc và tiền lãi là 44 triệu đồng.

Ngày 30/10/2018 và tại phiên tòa chị Phạm Thị Nh có đơn xin rút yêu cầu giải quyết về số tiền nợ lãi là 4.000.000đồng. Nên nay chị chỉ đề nghị buộc chị Q phải trả số tiền nợ gốc còn lại là 40.000.0000 đồng, còn tiền lãi chị không yêu cầu giải quyết.

* Tại bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn chị Tạ Thị Q trình bày:

Vào tháng 12/2013 (ÂL), dương lịch là tháng 01/2014 chị có đến gia đình ông M và bà L (bà L là chị gái) để vay tiền, số tiền vay là 47 triệu đồng, M đích vay là để mua gỗ và thanh toán tiền công chặt mía cho công nhân của gia đình (anh H chồng chị có xưởng mộc). Việc chị vay tiền của ông M và bà L chỉ bằng miệng, không có giấy tờ, cũng không giao hẹn thời gian trả, chị và ông M, bà L có thỏa thuận miệng là chị phải trả tiền lãi 3 triệu đồng/năm.

Tại gia đình ông M bà L thì bà L bảo chị Nh vào lấy tiền đưa cho chị và chị Nh vào phòng ngủ lấy đủ 47.000.000đ đưa cho chị. Chị là người trực tiếp nhận tiền từ chị  Nh,  không  nhận  tiền  từ  ông  M  bà  L,  số  tiền  chị  nhận  từ  chị  Nh  là 47.000.000đồng.

Các bên thống nhất năm đầu tiên chị không trả lãi mà để cộng vào gốc cho tròn 50 triệu. Năm 2015 chị không trả tiền lãi cho gia đình ông M bà L, đến cuối năm 2016 chị trả tiền lãi cả 2 năm là 6 triệu đồng cho chị Nh. Chị đã đưa thẻ tín dụng của chị cho chị Nh đi rút, lúc này trong thẻ của chị có 7.700.000đ và chị Nh đã rút toàn bộ số tiền trên, thời điểm rút tiền là cuối tháng 12 năm 2016 (ÂL).

Vào ngày 13/6/2017 chị Nh có hỏi vay chị 10 triệu đồng, số tiền trên chị đã chuyển qua tài khoản cho chị Nh, chị không trực tiếp đi gửi mà nhờ anh Mai Hồng S người quen đi gửi tại Ngân hàng cho chị Nh.

Đến 30/11/2017 (âm lịch) chị có đem tiền sang trả cho ông M và bà L. Khi chị đem tiền sang trả, chị có kể lại việc chị Nh vay chị 10 triệu đồng và hiện chị Nh chưa trả số tiền này. Sau khi nghe sự việc trên ông M và bà L đã trừ đi trong tổng số nợ cho chị 10 triệu đồng, còn lại số tiền 40 triệu đồng và lãi năm 2017 là 750.000đ chị Q đã trả toàn bộ cho ông M và bà L.

Nay chị Nh khởi kiện đòi lại số tiền 50 triệu đồng chị không đồng ý, vì chị không vay tiền của chị Nh vì số tiền trên chị vay của ông M và bà L chị đã trả cho ông M và bà L. Chị đề nghị Tòa án xem xét giải quyết. Ngoài ra chị đề nghị nếu số tiền chị vay trên là của ông M bà L thì chị Nh không được quyền đòi chị, còn nếu số tiền vay trên là của chị Nh thì yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông M bà L trả lại cho chị để chị trả lại cho chị Nh.

* Tại bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi và nghĩa vụ L quan ông Tạ Văn M và bà Tạ Thị L trình bày:

Năm 2009 con trai ông bà kết hôn với chị Nh, đến tháng 10/2013 con trai ông bà bị bệnh nặng qua đời. Trước khi anh mất chị Nh vẫn ở cùng với gia đình ông bà, đến tháng 9/2017 chị Nh mang con bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Thời điểm con trai ông bà mất tất cả tiền phúng viếng họ hàng, hàng xóm được 147 triệu đồng. Ông bà đưa cho chị Nh 100triệu đồng gửi vào ngân hàng.

Số tiền 47 triệu đồng còn lại ông bà bảo chị Nh đưa cho bà Q vay, tiền lãi là 3 triệu đồng trên năm. Năm đầu tiên không lấy lãi mà cộng vào gốc cho tròn 50 triệu đồng, những năm sau bà Q trả lãi đều đưa cho chị Nh. Đến 30/11/2017 bà Q có đem số tiền trả cho ông bà. Bà Q có nói với ông bà là vào tháng 6/2017, chị Nh có nhờ bà Q vay 100 triệu đồng để làm ăn, tuy nhiên bà Q không vay được, nên bà Q cho chị Nh vay 10 triệu đồng, đến thời điểm 30/11/2017 chị Nh vẫn chưa trả số tiền 10 triệu cho bà Q, vì vậy vợ chồng ông bà đã trả luôn 10 triệu chị Nh vay của bà Q. Vì vậy bà Q đã trả cho ông bà 40 triệu đồng và 750.000đ tiền lãi.

Tại các buổi hòa giải và tại phiên tòa ông M và bà L cho rằng sau khi lấy được số tiền bán nhà cho bà M 40.000.000đồng thì đưa vào tủ chung của gia đình, khi bà Q đến vay tiền thì ông bà bảo chị Nh vào lấy tiền đưa cho bà Q vay. Nên đây là tiền chung của cả gia đình, không phải tiền của chị Nh.

Nay chị Nh làm đơn khởi kiện đòi bà Q số tiền 50 triệu gia đình ông bà không đồng ý. Vì số tiền đó là tiền chung của gia đình ông bà và bà Q đã trả.

Tại phiên toà đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà đã phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử: Trong quá trình từ khi thụ lý giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công và Hội đồng xét xử, thư ký phên toà đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Toà án thụ lý đúng thẩm quyền xác định đúng tư cách pháp lý của những người tham gia tố tụng, quan hệ pháp luật tranh chấp. Căn cứ quy định của pháp luật, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên toà hôm nay nguyên đơn giữ nguyên toà bộ yêu cầu, các bên không thoả thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về quan hệ pháp luật: Chị Phạm Thị Nh có đơn khởi kiện đòi chị Tạ Thị Q phải trả số tiền nợ gốc còn nợ là 40.000.000đồng, được xác định là quan hệ tranh chấp “Hợp đồng vay tài sản” theo quy định tại Điều 463 của Bộ luật dân sự.

[2]. Xét yêu cầu khởi kiện:

* Xét về số tiền vay nợ:

Theo chị Nh, chị Q và ông M, bà L đều khai thống nhất: Do chị Q là em gái bà L (mẹ chồng chị Nh), Vào tháng 12 năm 2013 (âm lịch), dương lịch là 24/01/2014 chị Q có đến nhà ông M, bà L để vay tiền, số tiền vay là 47 triệu đồng, M đích vay là để mua gỗ và thanh toán tiền công chặt mía cho công nhân của gia đình. Việc vay tiền chỉ bằng miệng, không có giấy tờ, cũng không giao hẹn thời gian trả. Tại gia đình ông M bà L khi này có mặt cả ông M, bà L và chị Nh, thì bà L bảo chị Nh vào lấy tiền đưa cho chị Q và chị Nh vào phòng ngủ lấy đủ 47.000.000đ đưa cho chị Q và chị Q là người trực tiếp nhận tiền từ chị Nh, không nhận tiền từ ông M bà L.

Như vậy việc chị Q vay nợ số tiền 47.000.000đồng, các đương sự không có tranh chấp thắc mắc về việc vay tiền và số tiền vay nên khẳng định rằng chị Q có vay số tiền 47.000.000đồng vào ngày 24/01/2014.

* Xét về người cho vay tiền và nguồn gốc số tiền cho vay:

Chị Nh, chị Q và ông M, bà L đều khai và thống nhất ngày 24/01/2014 sau khi chị Q đến vay tiền tại nhà ông M, bà L khi này có mặt tất cả mọi người thì bà L có nói chị Nh mang ra số tiền 47.000.000đ đưa ra cho chị Q vay và chị Q đã trả tiền lãi cho chị Nh.

Ông M và bà L cho rằng do chị Nh là con dâu, tháng 10/2013 con trai ông bà bị bệnh nặng qua đời. Chị Nh vẫn ở cùng với gia đình ông bà, thời điểm con trai ông bà mất tất cả tiền phúng viếng được 147 triệu đồng. Ông bà đưa cho chị Nh 100triệu đồng gửi vào ngân hàng. Số tiền 47 triệu đồng còn lại ông bà bảo chị Nh đưa cho bà Q vay. Tại biên bản hòa giải ngày 22/10/2018 và ngày 30/10/2018 (BL 58-64) ông M và bà L lại có ý kiến là số tiền 147 triệu là tiền chung của gia đình không phải tiền riêng của ai. M đích số tiền đó là để cho cháu nội tôi và lo mồ mả cho con trai tôi. Sau khi lấy 40 triệu tiền bán nhà của chị M S đưa thì đưa vào tiền chung của gia đình, khi cô Q vay thì bà L sai chị Nh lấy tiền đưa cho cô Q.

Chị Nh cho rằng: Số tiền 47 triệu đồng, trong đó bà Tạ Thị L (mẹ chồng) xuống nhà chị Vũ Thị M, anh Tạ Văn S lấy tiền bán nhà trong Tây nguyên của vợ chồng chị và đưa lại cho chị số tiền 40.000.000đ (giấy trả tiền ngày 24/01/2014 của chị Vũ Thị M, BL 26), sau khi chị Q đến vay tiền chị đã đưa 40.000.000đ tiền bán nhà và 07 triệu đồng là tiền riêng của chị cho chị Q vay.

Chị Q cho rằng: Đúng là chị vay 47 triệu đồng của ông M và bà L, khi chị xuống nhà bà L đã sai chị Nh lấy tiền đưa cho chị vay, vì chị Nh đang ở với ông M bà L, còn chị không rõ số tiền trên là tiền chung hay tiền riêng của chị Nh. Chị Nh là người trực tiếp đưa tiền cho chị. Chị cũng đã trả tiền lãi cho chị Nh 2 năm bằng thẻ lương.

Tại lời khai của anh Mai Hồng S thể hiện: Vào ngày 13/6/2017 bà Q có nhờ anh chuyển 10.000.000 đồng cho chị Phạm Thị Nh qua Ngân hàng Sacombank - Ngân hàng Sài Gòn Thường Tín. M đích để trả nợ cho chị Nh số tiền 10.000.000 đồng mà bà Q đã vay của chị Nh trước đó (BL 45). Tuy nhiên tại phiên tòa anh cho rằng không biết chị Q nhờ anh chuyển tiền cho chị Nh vì mục đích gì, lý do anh khai ban đầu là trả nợ là do nhầm lẫn.

Tại lời khai và tại phiên tòa bà Vũ Thị M đều thể hiện: Ngày 15/9/2013 bà có mua nhà của vợ chồng chị Nh, anh Trung, tuy nhiên căn nhà là của cả gia đình ông M và vợ chồng chị Nh. Bà mua căn nhà với giá 100.000.000 đồng. Việc mua bán được viết bằng giấy tay và số tiền mua nhà được trả làm 03 lần: lần 01 trả 60.000.000 đồng vào ngày 15/9/2013; lần 02 trả 32.000.000 đồng và lần 3 là 8.000.000đồng vào ngày 24/01/2014 (là đủ 40 triệu). Số tiền 40.000.000 đồng bà trả cho ông M. Căn nhà bà mua của gia đình ông M và chị Nh không có giấy tờ, giao dịch nhà chỉ chuyển nhượng bằng giấy viết tay. Toàn bộ quá trình giao dịch mua bán nhà bà giao dịch với ông M, bà L và anh Trung chồng chị Nh. (BL 46)

Như vậy: Chị Nh, ông M và bà L đều thống nhất nguồn gốc số tiền cho vay là tiền bán ngôi nhà của vợ chồng chị Nh trong xã Môrai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ngày 24/01/2014 chị M là người mua nhà đã trả đủ số tiền 40.000.000đồng. Khi chị Q đến vay tiền, bà L sai chị Nh đưa tiền cho chị Q vay và chị Nh đã trực tiếp đưa cho chị Q 47.000.000đồng.

Ông M và bà L cho rằng sau khi lấy được tiền bán nhà thì đã bỏ vào tủ chung của gia đình mà không đưa lại cho chị Nh vì chị Nh khi này đang ở chung cùng với gia đình nên bà L có sai chị Nh lấy tiền.

Chị Nh cho rằng ông M bà L đã đưa lại số tiền cho chị nên khi chị Q đến vay tiền thì bà L nói chị Nh lấy tiền ra cho vay, nên chị là người đã cho vay.

Hội đồng xét xử thấy rằng đúng có số tiền 40.000.000đ (tiền bán nhà), sau khi lấy tiền bán nhà của chị M thì ông M, bà L đã đưa lại cho chị Nh vì đây là tiền bán nhà của vợ chồng chị Nh và chị Nh đã lấy thêm 7.000.000đ để cho chị Q vay đủ 47.000.000đồng.

Ngoài ra sau khi vay được tiền thì chị Q cũng là người trực tiếp trả tiền lãi cho chị Nh, thể hiện ở việc chị Q và chị Nh đều thừa nhận vào cuối năm 2016 chị Q đưa thẻ lương để chị Nh rút tiền trả lãi của năm 2015 và 2016.

Về trả số tiền gốc: Chị Q cho rằng tháng 6/2017 chị Nh hỏi vay tiền của chị 100.000.000đ (có lúc chị khai vay 10.000.000đ BL 25, 59, 63) nhưng qua lời khai ban đầu của anh S là người trực tiếp gửi tiền hộ chị Q vào tài khoản cho chị Nh (M đích để trả nợ cho chị Nh số tiền 10.000.000 đồng mà bà Q đã vay của chị Nh trước đó. BL 45) và tại bản ghi âm giữa chị Nh và chị Q (do chị Nh cung cấp) có đoạn chị Q nói“…Trả thì bây giờ mi ở với ông bà thì tau trả cho mi, hôm trước 10 triệu tau còn gửi vào miền nam cho mi…”. Như vậy nếu chị Q không vay tiền của chị Nh thì không có việc chị Q trả nợ tiền gốc và lãi cho chị Nh, mà qua các lời khai và chứng cứ đã thể hiện chị Q đã trả 10.000.000đồng tiền nợ gốc và tiền lãi 02 năm cho chị Nh.

Do vậy Hội đồng xét xử khẳng định rằng chị Nh là người cho chị Q vay số tiền 47.000.000đồng.

 [3]. Về M đích vay tiền: Chị Q thừa nhận vay số tiền trên để mua gỗ và trả công của công nhân chặt mía cho gia đình, đây là việc vay tiền để làm kinh tế gia đình, do vậy cần buộc vợ chồng chị Q, anh H phải có trách nhiệm trả số tiền này.

* Về việc ông M và bà L cho rằng số tiền phúng viếng và tiền bán nhà trong Tây nguyên là tiền chung của gia đình không phải của riêng ai. Trong vụ án này ông bà không có yêu cầu độc lập và ông bà cũng không khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của gia đình, nên HĐXX không xem xét giải quyết trong vụ án này mà chỉ xem xét giải quyết khi ông bà khởi kiện thành một vụ án khác.

* Về việc chị Q có đề nghị: Do chị đã trả số tiền vay và tiền lãi năm 2017 cho ông M bà L nên chị đề nghị nếu số tiền chị vay trên là của ông M bà L thì chị Nh không được quyền đòi chị, còn nếu số tiền vay trên là của chị Nh thì yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông M bà L trả lại cho chị để chị trả lại cho chị Nh. Tòa án đã có thông báo nộp tiền tạm ứng án phí về yêu cầu của chị đối với ông M bà L nhưng chị không nộp tiền tạm ứng án phí nên Tòa án không tiến hành xem xét giải quyết trong vụ án này.

Ngày 30/10/2018 và tại phiên tòa chị Phạm Thị Nh rút yêu cầu khởi kiện số tiền lãi là 4.000.000đ (từ tháng 01 năm 2017 đến 30 tháng 7 năm 2018) về việc yêu cầu chị Q phải trả và không yêu cầu Tòa án giải quyết về tiền lãi.

Xét thấy chị Phạm Thị Nh rút một phần yêu cầu khởi kiện như nêu ở trên là tự nguyện nên HĐXX cần đình chỉ đối với phần yêu cầu này.

Như vậy qua các tài liệu chứng cứ và các ý kiến của các đương sự. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở khẳng định gia đình chị Tạ Thị Q và anh Phạm Văn H có vay tiền của chị Phạm Thị Nh với số tiền 47.000.000đ và cộng tiền lãi 3.000.000đ của năm 2014, nên tổng số tiền vay là 50.000.000đ. Ngày 13/6/2017 chị Q đã trả cho chị Nh 10.000.000 đồng và đến nay chưa thanh toán hết cho cho chị Nh. Do vậy cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Thị Nh và buộc chị Tạ Thị Q và anh Phạm Văn H phải trả số tiền nợ gốc là 40.000.000đồng.

Về tiền lãi do chị Nh không yêu cầu giải quyết nên HĐXX không xem xét giải quyết.

[4]. Về án phí: Do yêu cầu của chị Phạm Thị Nh được chấp nhận nên chị Q và anh H phải chịu toàn bộ tiền án phí DSST trên số tiền phải trả.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng:  Điều 463, Điều 466, Điều 468, Điều 469, Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 37 Luật Hôn nhân và gia  đình;  Điều  9,  khoản  2  Điều  26  Nghị  quyết  số  326/2016/UBTVQH14  ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí Tòa án.

1. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của chị Phạm Thị Nh về trả số tiền lãi là: 4.000.000 đồng.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Thị Nh.

Buộc chị Tạ Thị Q và anh Phạm Văn H phải trả cho chị Phạm Thị Nh số tiền nợ là 40.000.000đ (Bốn mươi triệu đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi xuất quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

3. Về án phí: Chị Tạ Thị Q và anh Phạm Văn H phải chịu tiền án phí sơ thẩm là 2.000.000đồng.

Trả lại cho chị Phạm Thị Nh 1.100.000đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai số 0000313 ngày 13/8/2018 tại Chi cục thi hành án huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Trường hợp bản án, được thi hành theo quy định tại Điều 2 luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

290
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2018/DS-ST ngày 29/11/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:08/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hà Trung - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về