Bản án 07/2020/HS-PT ngày 10/02/2020 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 07/2020/HS-PT NGÀY 10/02/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 10/02/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 221/2019/TLPT-HS ngày 09/12/2019 đối với bị cáo Phạm Văn S. Do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 165/2019/HS-ST ngày 24/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

* Bị cáo có kháng cáo: Phm Văn S; sinh năm 1970; giới tính: Nam; nơi ĐKHKTT và nơi ở: Số 180 N, phường P, thành phố H, tỉnh Hải Dương; Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 07/10; bị cáo là người bị bệnh rối loạn nhân cách thực tổn, đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi; con ông Phạm Văn T và con bà Nguyễn Thị T (đều đã chết); bị cáo có vợ là Trần Thị L, sinh năm 1973 nhưng đã ly hôn năm 2016; có 02 con: Lớn sinh năm 1993, nhỏ sinh năm 2002; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 12/6/2014 bị Công an thành phố H xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác; hình thức phạt tiền 2.000.000đ (đã nộp ngày 20/6/2014); bị cáo tại ngoại - Có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo S: Bà Nguyễn Thị S - Luật sư Văn phòng Luật sư T thuộc đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương - Có mặt tại phiên tòa.

* Bị hại: Chị Trần Thị L; sinh năm 1973; nơi cư trú: Số 23 ngách 24 ngõ 293 N, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương - Có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Phạm Văn S và chị Trần Thị L trước đây là vợ chồng, năm 2016 đã ly hôn nhưng vẫn chung sống cùng nhau và cùng làm nghề buôn bán thủy sản (cá, lươn, ốc, ếch) ở chợ H, phường T, thành phố H. Khoảng 04 giờ ngày 12/8/2018, S mang Cá đến chợ H để bán thì chị L đi ra chỗ S lấy Cá ở trong thùng để giao cho khách, S không cho lấy vì cho rằng không có Cá của chị L, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Nhưng chị L vẫn cầm rổ múc hàng (cá trê, lươn, ếch) của S, thấy vậy S lấy 01 con dao quắm có lưỡi dao bằng kim loại, màu đen, dài khoảng 30cm, một đầu quắm xuống, đầu còn lại gắn chuôi gỗ dài khoảng 30cm, để ở xe chở hàng và dùng tay phải chém 01 nhát từ trên xuống dưới. Lúc này chị L có đội 01 chiếc mũ bảo hiểm, dạng mũ thời trang nên lưỡi dao xuyên qua phần lớp nhựa và vào phần trán trái và sống mũi trái của chị L làm cho 2 vùng này rách da và chảy nhiều máu. Mọi người vào can ngăn nên S vứt dao xuống đất rồi bỏ đi. Chị L được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, đến ngày 17/8/2018 chị L được ra viện. Ngày 31/8/2018, chị L có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với S.

Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 186/TgT ngày 14/9/2018, Phòng giám định pháp y - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương kết luận: Chị L bị 02 sẹo vết thương phần mềm vùng trán trái, sống mũi trái ảnh hưởng ít thẩm mỹ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên, hiện tại là: 14%, các tổn thương có đặc điểm do vật sắc gây nên.

Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần số 201/KLGĐ ngày 14/6/2019, Viện pháp y tâm thần Trung ương - Bộ Y tế kết luận: Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định Phạm Văn S bị bệnh rối loạn nhân cách thực tổn. Theo phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F07.0. Tại các thời điểm trên bị cáo có đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 165/2019/HS-ST ngày 24/10/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương đã áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134, Điều 38, điểm b, q, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự. Xử phạt Phạm Văn S 21 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của bị cáo và bị hại.

Ngày 06/11/2019, bị cáo Phạm Văn S kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo thành khẩn khai báo và đề nghị Tòa án xét xử cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị hại giữ nguyên quan điểm đề nghị Tòa án cho bị cáo được hưởng án treo.

Người bào chữa cho bị cáo S phát biểu: Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương xét xử bị cáo là đúng người đúng pháp luật. Tuy nhiên xét bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, bản thân bị bệnh có hạn chế về hành vi nên khi xảy ra mâu thuẫn bị cáo đã không kiềm chế được bản thân. Sau khi phạm tội bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại; bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu quan điểm: Bị cáo S kháng cáo trong thời hạn quy định. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án cấp sơ thẩm theo hướng giữ nguyên mức hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Bị cáo kháng cáo trong thời hạn luật định, nên kháng cáo là hợp lệ, được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Lời khai của Phạm Văn S tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm. Như vậy có đủ cơ sở kết luận: Do có mâu thuẫn trong tranh chấp hàng hóa giữa bị cáo và chị Trần Thị L nên khoảng 04 giờ 00 phút ngày 12/8/2018 tại khu vực bán Cá phía Đông của chợ H, phường T, thành phố H, Phạm Văn S đã dùng dao quắm vẫn mang theo hàng ngày để cắt hàng có lưỡi cong bằng kim loại là hung khí nguy hiểm chém 01 (một) nhát vào vùng trán bên trái của chị Trần Thị L. Hậu quả làm chị L bị thương phần mềm để lại 02 vết sẹo ở vùng trán trái và sống mũi trái ảnh hưởng đến thẩm mỹ; tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 14% sức khoẻ. Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần số 201/KLGĐ ngày 14/6/2019, Viện pháp y tâm thần Trung ương - Bộ Y tế kết luận: Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định bị cáo Phạm Văn S bị bệnh rối loạn nhân cách thực tổn. Tại các thời điểm trên bị cáo có đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đối với bị cáo về tội "Cố ý gây thương tích" theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, phù hợp với pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo Phạm Văn S, Hội đồng xét xử thấy rằng: Nguyên nhân dẫn đến sự việc xảy ra là do mâu thuẫn giữa bị cáo và bị hại về việc tranh chấp Cá. Bị cáo không nhằm chém vào đầu và không có mục đích tước đoạt tính mạng của bị hại. Bị cáo phạm tội khi bản thân đã có bệnh hạn chế về khả năng điều khiển hành vi. Sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi của mình. Bị cáo đã khắc phục hậu quả, bồi thường cho bị hại 30.000.000đ. Bị hại cũng có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b, q, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự là đúng quy định. Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bị cáo tự nguyện bồi thường tiếp cho bị hại số tiền 20.000.000đ thể hiện thái độ ăn năn hối cải, bị hại tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo. Về nhân thân: Ngày 12/6/2014, bị cáo S bị Công an thành phố H xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác (Đối với ông Nguyễn Cộng H). Hình thức phạt tiền 2.000.000đ (S đã nộp ngày 20/6/2014). Tính đến ngày phạm tội bị cáo đã được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đã nhiều năm. Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng. Mặt khác bị cáo là người mắc bệnh rối loạn nhân cách thực tổn. Do vậy không cần thiết bắt bị cáo cách ly khỏi xã hội nên Hội đồng xét xử phúc thẩm cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án của cấp sơ thẩm theo hướng giữ nguyên mức hình phạt nhưng cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ để giáo dục bị cáo trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội đồng thời đảm bảo sự răn đe, phòng ngừa chung.

[4] Bị cáo kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm b, q, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 54, khoản 1, 2 Điều 65 Bộ luật Hình sự; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.

1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn S, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 165/2019/HS-ST ngày 24/10/2019 của Toà án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Xử phạt bị cáo Phạm Văn S 21 (hai mươi mốt) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 42 (bốn mươi hai) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm về tội “Cố ý gây thương tích”.

Giao Phạm Văn S cho Ủy ban nhân dân phường P, thành phố H, tỉnh Hải Dương để giám sát, giáo dục trong thời gian bị cáo chịu thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày tuyên án 10/02/2020.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

292
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 07/2020/HS-PT ngày 10/02/2020 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:07/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về