Bản án 07/2019/HNGĐ-ST ngày 18/08/2019 về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau ly hôn

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LÂM THAO, TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 07/2019/HNGĐ-ST NGÀY 18/08/2019 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI NUÔI CON SAU LY HÔN

Ngày 18/8/2019 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 105/2019/TLST-HNGĐ ngày 04 tháng 4 năm 2019 về “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 09/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 27/6/2019 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Chị Tạ Thị Thúy H, sinh năm: 1988;

Trú tại: Khu 2, xã S, huyện LT, tỉnh Phú Thọ.

Bị đơn: Anh Đàm Duy H1, sinh năm: 1985;

Trú tại: Khu S, thị trấn LT, huyện LT, tỉnh Phú Thọ. (chị H có mặt, anh H1 vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai tiếp theo chị Tạ Thị Thúy H trình bày: Do mâu thuẫn gia đình, chị và anh Đàm Duy H1 đã ly hôn. Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số: 74/2016/QĐST-HNGĐ ngày 29/6/2016 của Tòa án nhân dân huyện Lâm Thao đã xác định: Anh H1 được trực tiếp nuôi cháu Đàm Thị Hải Y, sinh ngày 20/4/2010 còn chị được trực tiếp nuôi cháu Đàm Thị Ngọc A, sinh ngày 11/3/2012; không ai phải cấp dưỡng nuôi con chung cùng ai. Sau khi ly hôn, anh H1 không còn quan tâm gì đến chị và cháu A nhưng chị vẫn thường xuyên đến thăm cháu Y và nhận thấy cháu Y không được chăm sóc đầy đủ. Cháu Y là trẻ chậm phát triển về nhận thức, nói trước quên sau, không nhớ được gì nhưng anh H1 lại luôn vắng nhà, mọi việc chăm sóc bản thân cháu Y đều tự phải làm hoặc do ông nội là ông Đàm Duy T ở cách nhà anh H1 khoảng 2-3km thực hiện. Nay cháu Y đã 09 tuổi mà vẫn chưa biết đọc, biết viết, chị có trao đổi với cô giáo của cháu Y thì được biết cháu Y hiện nay cần được điều trị tại môi trường phù hợp, giúp cháu sớm hòa nhập với xã hội. Chị nhiều lần mong muốn trao đổi với anh H1 nhưng không gặp được vì anh H1 đi đến tối muộn mới về nhà nên chị đã trao đổi với ông T về việc của cháu Y, ông T đồng ý với việc nên cho cháu Y đi điều trị nhưng anh H1 không có điều kiện về kinh tế nên không thực hiện được; mỗi lần gặp chị, cháu Y đều có mong muốn được về ở cùng mẹ và em. Nay chị có nguyện vọng đưa cháu Y đi điều trị để cháu sớm khỏi bệnh, đảm bảo cuộc sống sau này của cháu nên đề nghị Tòa án nhân dân huyện Lâm Thao cho chị được trực tiếp chăm sóc cháu Y vì anh H1 không đảm bảo được thời gian, vật chất quan tâm, chăm sóc cho cháu Y.

Về cấp dưỡng: Chị không yêu cầu anh H1 phải cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị.

Phía bị đơn, anh Đàm Duy H1 không đến Tòa làm việc mặc dù nhiều lần đã được triệu tập.

Biên bản xác minh ngày 15/4/2019, đại diện Ủy ban nhân dân thị trấn Lâm Thao, Hội phụ nữ thị trấn Lâm Thao, Trường tiểu học Cao Mại và Trưởng khu S thể hiện: Anh Đàm Duy H1 và cháu Đàm Thị Hải Y có hộ khẩu cư trú và đang sinh sống tại Khu S, thị trấn LT, huyện LT, tỉnh Phú Thọ. Nhà bố đẻ anh H1 là ông Đàm Duy T cũng ở cùng khu với anh H1, cách nhà anh H1 khoảng 2-3 km. Cháu Y là trẻ chậm phát triển về nhận thức nên được nhà trường nuôi ăn bữa trưa, bữa tối cháu Y về nhà ông nội ăn, các sinh hoạt hàng ngày cháu Y phải tự phục vụ do anh H1 bán hàng từ sáng đến đêm mới về (23 giờ), không có thời gian quan tâm, chăm sóc đến cháu Y. Ông T đã già và sức khỏe yếu nên cháu Y rất cần sự quan tâm của bố mẹ để đảm bảo cho sự phát triển về thể chất và tinh thần.

Ông Đàm Duy T, bố đẻ của anh Đàm Duy H1 có lời khai xác nhận việc anh H1 nhiều lần nhận được giấy báo của Tòa nhưng không đến làm việc. Theo ông T, hiện nay sức khỏe của anh H1 không tốt nên không thể chăm sóc cho cháu Y được, việc chăm sóc cháu Y là do ông thực hiện. Anh H1 đi vắng (bán nồi dạo) suốt ngày, đi từ sáng đến 23 giờ đêm mới về nhà nên cũng không có thời gian quan tâm, chăm sóc đến cháu Y. Hiện nay sức khỏe của ông cũng không tốt, ông nhất trí để chị H nuôi và chữa bệnh cho cháu Y. Đối với các giấy tờ do Tòa gửi anh H1, ông nhận và đã giao cho anh H1 đầy đủ.

Tòa án đã thực hiện tống đạt các văn bản tố tụng cho anh H1 thông qua ông Đàm Duy T đồng thời tiến hành niêm yết theo quy định.

Quá trình lấy lời khai và tại phiên tòa hôm nay, cháu Đàm Thị Hải Y thể hiện anh H1 đi vắng suốt ngày, tối về nhà muộn (23h-24h đêm) lại thường xuyên say rượu nên cháu ăn cơm bên nhà ông T, đêm lại mang cơm về nhà cho anh H1, mọi việc chăm sóc bản thân là do cháu tự thực hiện. Nay, cháu có nguyện vọng xin Tòa cho cháu được ở cùng mẹ là chị Tạ Thị Thúy H và em là Đàm Thị Ngọc A.

Phiên tòa ngày 24/7/2019, anh H1 vắng mặt, theo quy định tại khoản 1 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa hôm nay, anh H1 vẫn tiếp tục vắng mặt mặc dù đã được triệu tập hợp lệ, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án được xét xử vắng mặt anh H1.

Phát biểu tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ có quan điểm và đề nghị Hội đồng xét xử:

Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử: Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; vụ án được thụ lý đúng thẩm quyền; Tòa án đã xác định đúng tư cách của những người tham gia tố tụng; Tòa án đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, thư ký, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa sơ thẩm. Phiên tòa diễn ra công khai, dân chủ, đề cập đến mọi vấn đề phải giải quyết trong vụ án. Bị đơn, anh H1 vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa mà không có lý do nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng Dân sự xét xử vắng mặt bị đơn.

Về nội dung:

+ Chấp nhận yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn của chị Tạ Thị Thúy H đối với anh Đàm Duy H1.

+ Giao cháu Đàm Thị Hải Y cho chị H nuôi dưỡng đến khi cháu thành niên, lao động tự túc được. Anh Đàm Duy H1 không phải cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị H do chị H không yêu cầu.

+ Về án phí: Chị H phải chịu án phí theo quy định.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa;

Trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của các đương sự và kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án “Tranh chấp thay đổi người trực tiêp nuôi con sau ly hôn” giữa chị Tạ Thị Thúy H và anh Đàm Duy H1, xét bị đơn, anh Đàm Duy H1 đang cư trú tại Khu S, thị trấn LT, huyện LT, tỉnh Phú Thọ nên theo quy định tại khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc về Tòa án nhân dân huyện Lâm Thao.

[2]. Về trình tự tố tụng: Thẩm phán đã thực hiện các biện pháp tống đạt, mở phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải, xác minh, niêm yết theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Tại phiên tòa hôm nay, bị đơn vắng mặt lần thứ hai không có lý do mặc dù đã được triệu tập hợp lệ, quá trình tống đạt và niêm yết, bị đơn không ủy quyền cho bất cứ ai, do đó Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng Dân sự xét xử vắng mặt bị đơn là đúng quy định.

[3]. Về nội dung vụ án:

[3.1]. Sau khi ly hôn chị H và anh H1 mỗi người trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc 01 (một) con chung; anh H1 trực tiếp nuôi dưỡng cháu Đàm Thị Hải Y, sinh ngày 20/4/2010 còn chị H trực tiếp nuôi cháu Đàm Thị Ngọc A, sinh ngày 11/3/2012. Chị H cho rằng cháu Y là con gái và đang mắc bệnh chậm phát triển về nhận thức nhưng anh H1 thường xuyên vắng nhà, để cháu Y cho ông Đàm Duy T (ông nội) chăm sóc trong khi ông T không ở cùng nhà với anh H1, tuổi ông T đã cao, như vậy anh H1 đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng đối với cháu Y nên chị xin thay đổi người trực tiếp nuôi con chung.

[3.2]. Xét yêu cầu xin được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Y của chị H là có căn cứ bởi lẽ: Theo cung cấp của Trưởng khu S, thị trấn LT; Hội phụ nữ thị trấn LT, Tư pháp thị trấn LT, Hiệu trưởng Trường tiểu học C thì cháu Đàm Thị Hải Y là trẻ chậm phát triển về nhận thức, có tác phong chậm chạm, khó khăn trong việc nghe và hiểu người khác nói gì. Hơn bất cứ một trẻ bình thường nào khác, cháu Y cần có sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình để sớm được hòa nhập vào cuộc sống xã hội nhưng anh H1 lại thường xuyên vắng nhà (đi bán hàng dạo từ sáng đến 23 giờ đêm mới về), trong khi không có ai sinh sống cùng nhà với anh H1 và cháu Y; bố đẻ anh H1 là ông Đàm Duy T có giúp anh H1 chăm sóc cháu Y nhưng ông T tuổi đã cao, già yếu và ở cách xa nhà anh H1 nên việc quan tâm, chăm sóc cháu Y là không được đảm bảo. Ngoài thời gian ở trường học và ở nhà ông T thì mọi việc chăm sóc, ăn uống, sinh hoạt của cháu Y đều do chính cháu Y tự thực hiện. Bản thân anh H1 do không có công việc ổn định nên đã không đảm bảo được điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cũng như điều kiện sống, phát triển tốt nhất cho cháu Y; còn chị H hiện là công nhân Công ty TNHH Trường Thịnh, có thu nhập 6.500.000 đồng (Sáu triệu năm trăm nghìn đồng)/tháng, có nơi cư trú ổn định tại khu 2, xã S, huyện LT, tỉnh Phú Thọ nên đảm bảo được điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cũng như điều kiện sống, phát triển và điều trị bệnh cho cháu Y do đó nguyện vọng thay đổi quyền nuôi con của chị H cần được chấp nhận.

[4]Về án phí: Chị H phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

[5]Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ và phù hợp, cần được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 81, Điều 82, Điều 83 và khoản 1, 2, 3 Điều 84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

Căn cứ tại khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 4 Điều 147, Điều 271, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; điểm a khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

[1]. Chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn của chị Tạ Thị Thúy H đối với anh Đàm Duy H1. Giao cháu Đàm Thị Hải Y, sinh ngày 20/4/2010 cho chị Tạ Thị Thúy H được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi cháu Y thành niên hoặc đến khi có quyết định khác của Tòa án.

[2]. Về nghĩa vụ cấp dưỡng: Anh Đàm Duy H1 không phải cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị Tạ Thị Thúy H do chị Tạ Thị Thúy H không yêu cầu.

Anh Đàm Duy H1 có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở.

[3]. Về án phí: Chị Tạ Thị Thúy H phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm. Xác nhận chị H đã nộp 300.000 đồng tạm ứng án phí theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0002657 ngày 03/4/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Chị Tạ Thị Thúy H được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Anh Đàm Duy H1 vắng mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết tại nơi cư trú.

Bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

332
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 07/2019/HNGĐ-ST ngày 18/08/2019 về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau ly hôn

Số hiệu:07/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Lâm Thao - Phú Thọ
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 18/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về