Bản án 07/2018/HS-ST ngày 19/04/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ, TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 07/2018/HS-ST NGÀY 19/04/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 19 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Ba Tơ, mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 03/2018/TLST-HS ngày 13 tháng 3 năm 2018 đối với bị cáo sau:

Phạm Văn C-Tên gọi khác: Không, sinh ngày 10 tháng 5 năm 1989 tại: huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; Nơi cư trú: thôn U, xã V, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Nông; Trình độ học vấn: 9/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: H’re; Tôn giáo: Không; Con ông: Phạm Văn Đ và bà Phạm Thị R; Vợ: Phạm Thị K và 01 con sinh năm 2011; tiền án: Không, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 02/01/2018 cho đến nay, hiện bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Chí K, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, là người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn C, theo Quyết định số 05/QĐ-TGPL ngày 10/01/2018 của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi (có mặt).

- Người bị hại: Anh Phạm Văn T, sinh năm 1989; (có mặt) Nơi cư trú: thôn U, xã V, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Phạm Văn Đ, sinh năm 1957 (có mặt)

Nơi cư trú: Thôn U, xã V, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

2. Chị Phạm Thị T, sinh năm 1996 (có mặt)

Nơi cư trú: Thôn U, xã V, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

- Người phiên dịch: Ông Phạm Văn X, Phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Tơ (phiên dịch tiếng Hre cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa); (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 17 giờ ngày 19/6/2017 Phạm Văn C, Phạm Văn T, Phạm Văn L, Phạm Văn C rủ nhau đi đánh bi da tại nhà bà Phạm Thị T. Lúc đầu, cả nhóm đánh bi da mục đích vui chơi, bên nào thua thì trả tiền giờ và tiền rượu. Sau đó, Phạm Văn T rủ với Phạm Văn C “tao với mày đánh một cơ bi da 30 điểm, ai thua chung 50.000đ (Năm mươi ngàn đồng) được không” Phạm Văn C đồng ý. Kết thúc 30 điểm Phạm Văn C thua, sau khi chung tiền xong thì Phạm Văn C và Phạm Văn T tiếp tục đánh một cơ bi da 30 điểm ai thua chung 50.000đ (Năm mươi ngàn đồng) và tính tiền giờ cho chủ quán. Khi đánh được một lúc thì con của Phạm Văn C khóc đòi về nên Phạm Văn C nghỉ không đánh nữa, bỏ cơ bi da trên mặt bàn để chở con về, thì Phạm Văn T nói  “mày không như tao” thì Phạm Văn C nói lại “mày nói nữa là tao đánh mày đó, con tao khóc đòi về nên nghỉ” nhưng Phạm Văn T vẫn lặp đi, lặp lại câu nói đó nên Phạm Văn C cầm quả bi da (không nhớ màu gì) ném mạnh xuống bàn văng vào tường nhà của bà Phạm Thị T. Vì còn bực tức câu nói của Phạm Văn T nên khi thấy Phạm Văn T quay mặt về hướng nhà của Phạm Thị T, Phạm Văn C liền cầm phần đầu cây cơ (phần thân nhỏ của cây cơ bi da) trên tay phải đánh mạnh phần cán cơ bi da (phần thân to của cây cơ) vào vùng sườn dưới nách bên trái của Phạm Văn T một cái rồi ôm con bỏ đi về, Phạm Văn T ôm bụng đi bộ về nhà và kể lại sự việc trên cho vợ biết và sau đó thấy trong người tức ngực khó thở, không đi vệ sinh được nên nhờ người nhà chở đến Phân xá khu Tây cấp cứu, sau đó chuyển đến Trung tâm y tế huyện Ba Tơ rồi tiếp tục chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu, đến ngày 26/6/2017 được xuất viện về nhà.

Ngày14/7/2017, Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi có kết luận giám định pháp y về thương tích số 85/2017/GĐPY đối với Phạm Văn T, kết luận: 01 sẹo dát vùng mạn sườn trái kt (6x1)cm, màu nâu nhạt; 01 sẹo ống dẫn lưu; Mổ cắt bỏ lá lách. Căn cứ Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 29% (hai mươi chín phần trăm). Tổn thương trên phù hợp với vật tày gây thương tích.

Qua bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 85/2017/GĐPY của Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi ngày14/7/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (viết tắt CSĐT) thấy phần kết luận chưa sát với nội dung Quyết định trưng cầu giám định số 14/QĐ-CSĐT ngày 22/6/2017 vì không nêu phần trăm tỉ lệ thương tật của từng vết thương nên ngày 01/10/2017 Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Tơ ra Quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 03/QĐ-CSĐT.

Ngày12/10/2017, Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi có kết luận giám định pháp y về thương tích (Bổ sung) số 146/2017/GĐPY đối với Phạm Văn T: 01 sẹo dát vùng mạn sườn trái: 01% (một phần trăm); Mổ cắt bỏ lá lách: 28% (Hai mươi tám phần trăm); Các sẹo mổ bụng và sẹo ống dẫn lưu không xếp tỉ lệ phần trăm; Căn cứ Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 29% (hai mươi chín phần trăm).

Qua bản kết luận giám định pháp y về thương tích cho thấy, thương tích để lại trên người bị hại Phạm Văn T hoàn toàn phù hợp với cơ chế hình thành dấu vết do vật tày gây ra. Mặc khác, theo hướng dẫn tại điểm b, tiểu mục 2.2 mục 1 phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì cây cơ là phương tiện nguy hiểm

Ngày 07/11/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Tơ ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Văn C về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999. Nhưng sau đó, bị can đã bỏ địa phương đi làm ăn xa nên không thi hành được lệnh bắt bị can để tạm giam. Ngày 18/12/2017, Cơ quan CSĐT ra Quyết định truy nã. Đến ngày 02/01/2018, bị can về nhà thì bị bắt tạm giam cho đến nay.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Tơ đã thu giữ: 01(một) cây cơ bi da được làm bằng gỗ, hình trụ tròn có kích thước dài 142,4cm, đầu cán của cây cơ bi da có đường kính 3cm, đầu cơ của cây bi da có đường kính 1,3cm.

Cáo trạng số 02/QĐ-VKS ngày 12 tháng 3 năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ đã truy tố bị cáo Phạm Văn C về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ, khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung)

Tại phiên tòa bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản Cáo trạng đã truy tố.

Người bị hại Phạm Văn T: yêu cầu bị cáo bồi thường gì về dân sự tổng cộng số tiền 79.800.000đ (Bảy mươi chín triệu tám trăm ngàn đồng) và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử lý nghiêm hành vi của bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm luận tội, sau khi phân tích đánh giá tính chất của vụ án, chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, giữ nguyên quan điểm truy tố, căn cứ nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử:

Tuyên bố bị cáo Phạm Văn C phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng: Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội ; điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung), tuyên phạt bị cáo Phạm Văn C từ 02 đến 03 năm tù.

Về dân sự đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của người bị hại buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền 43.700.000đồng.

Về vật chứng đề nghị trả lại cho bà Phạm Thị Túc 01 cây cơ.

Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo: Đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát về tội danh và khung hình phạt như cáo trạng đã truy tố, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung), tuyên phạt bị cáo Phạm Văn C từ 18 tháng đến 24 tháng tù.

Bị cáo không có tranh luận gì mà chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Ba Tơ, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng không có ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

2] Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Văn C đã khai nhận hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện đúng như diễn biến sự việc mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ đã truy tố, lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại và các chứng cứ, tài liệu thu thập có lưu trong hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Hội đồng xét xử xét thấy: Khoảng 17 giờ ngày 19/6/2017 tại nhà bà Phạm Thị Túc, trong lúc đánh bi da giữa bị cáo và Phạm Văn T xảy ra mâu thuẫn nhỏ, thì bị cáo Phạm Văn C đã có hành vi cầm phần đầu cây cơ (phần thân nhỏ của cây cơ bi da) trên tay phải đánh mạnh phần cán cơ bi da (phần thân to của cây cơ) vào vùng sườn dưới nách bên trái của Phạm Văn T một cái, gây thương tích cho Phạm Văn T với tỷ lệ thương tật 29%.

[3] Xét thấy trong vụ án này bị cáo gây thương tích, tổn hại sức khoẻ cho Phạm Văn T xuất phát từ nguyên nhân và một phần lỗi nhỏ của người bị hại Phạm Văn T do người bị hại có hành vi lời nói có phần kích động chê trách bị cáo. Mặc dù tỉ lệ tổn hại sức khỏe của bị hại do bị cáo gây ra là 29% có nghĩa là dưới 31% nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đã sử dụng cây cơ bi da để gây thương tích cho người bị hại là thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm. Hành vi trên đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự mà theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”. Do đó, Hội đồng xét xử kết luận bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự.

[4] Tuy nhiên, khi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội thì áp dụng pháp luật theo khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Nhưng hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 có khung hình phạt cao nhất thấp hơn khung hình phạt cao nhất của tội danh và điều khoản tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 (từ 02 đến 07 năm tù so với từ 02 đến 06 năm tù). Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội Hội đồng xét xử áp dụng Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14…để quyết định hình phạt theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 nhằm thể hiện sự khoan hồng của pháp luật cũng như nâng cao tính giáo dục trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

[5] Xét quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có cơ sở, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[6] Sức khỏe của con người là khách thể được pháp luật bảo vệ, do vậy mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác đều phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật, đồng thời góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

[7] Xét tính chất vụ án thì thấy: bị cáo là người đã trưởng thành, có đủ nhận thức về mặt xã hội và pháp luật, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong lúc chơi bi da bị cáo đã gây thương tích cho người khác. Hành vi của bị cáo là hết sức nguy hiểm cho xã hội, nên cần phải được xét xử với mức án thật nghiêm khắc. Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để ren đe, giáo dục, đồng thời cũng tạo cho bị cáo có môi trường và điều kiện tu dưỡng để trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

[8] Tuy nhiên, quá trình điều tra cũng như tại phiên toà, bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, bị cáo đã nhờ gia đình khắc phục một phần thiệt hại cho bị hại (tổng số tiền 20.000.000đồng). Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có ông, bà ngoại là người có công cách mạng. Vì vậy, Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung) để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

[9] Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[10] Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại Phạm Văn T yêu cầu bị cáo bồi thường các khoản sau: chi phí cho việc cứu chữa, điều trị tại bệnh viện 15.000.000đồng;  thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (7 ngày) là 2.800.000đồng; tiền thuốc, tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ của người bị thiệt hại sau khi xuất viện về nhà 10.000.000đồng; thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại sau khi xuất viện về nhà (từ ngày 27/6/2017 đến 27/8/2017) là 12.000.000đồng;  thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại (từ ngày 20/6/2017 đến nay) là 40.000.000đồng. Tổng cộng là 79.800.000đồng. Tại phiên tòa người bị hại còn yêu cầu bị cáo bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật.

Xét yêu cầu của người bị hại, Hội đồng xét xử xét thấy người bị hại Phạm Văn T là người đồng bào dân tộc thiểu số nên được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nên người bị hại không chi trả khoản tiền này, do đó việc yêu cầu bị cáo bồi thường khoản tiền này là chưa phù hợp với thiệt hại thực tế mà bị hại phải chịu; các khoản yêu cầu bồi thường khác như thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị và sau khi xuất viện về nhà, cũng như thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại, xét thấy yêu cầu của người bị hại là cao so mức thu nhập lao động phổ thông tại địa phương, bởi vì người bị hại và người chăm sóc cho người bị hại đều là lao động phổ thông, thu nhập không ổn định. Theo mức thu nhập trung bình tại địa phương hiện nay đối với lao động phổ thông là 150.000đ/ngày. Do đó, các khoản yêu cầu này thì Tòa án xét thấy chỉ chấp nhận một số khoản chi hợp lý, có biên lai hợp lệ, cụ thể như sau:

- Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế và về là 1.200.000đ.

- Tiền thuốc trong thời gian xuất viện về nhà: 1.050.000đ

- Tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại 5.000.000đ

 - Thu nhập thực tế bị mất của người bị hại trong thời gian điều trị tại biện viện (từ ngày từ 20/6/2017 đến 26/6/2017) và sau khi về nhà không lao động được là90 ngày x 150.000đ/ngày = 13.500.000đồng

- Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (từ ngày từ 20/6/2017 đến 26/6/2017) và sau khi xuất viện về nhà  là 30 ngày x 150.000đ/ngày = 4.500.000đồng

- Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm là15 tháng lương x 1.300.000đ = 19.500.000đ

Tổng cộng các khoản là 44.750.000đ (bốn mươi bốn triệu, bảy trăm năm mươi ngàn đồng).

Tuy nhiên đến nay bị cáo đã bồi thường cho người bị hai số tiền 20.000.000đồng. Trong đó: đưa  trước  cho người bị hại Phạm Văn T số tiền 12.000.000đồng, đến ngày 15/3/2018 gia đình bị cáo tiếp tục tự nguyện nộp tại Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Ba Tơ số tiền 8.000.000đồng (tám triệu đồng) để khắc phục hậu quả cho người bị hại. Số tiền bồi thường trước sẽ được cấn trừ vào số tiền phải bồi thường sau này.

[11] Vật chứng của vụ án: quá trình điều tra cơ quan CSĐT thu giữ 01(một) cây cơ bi da được làm bằng gỗ. Cây cơ này là của vợ chồng Phạm Thị Túc và Phạm Văn Lếch chủ bàn bi da. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bà Phạm Thị T có yêu cầu xin được nhận lại cây cơ bi da nói trên, ngoài ra không yêu cầu gì thêm. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần trả vật chứng trên cho chủ sở hữu quản lý, sử dụng.

[12] Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, buộc bị cáo Phạm Văn C phải chịu 200.000đồng án phí hình sự sơ thẩm và 1.237.500đồng án phí dân sự sơ thẩm;

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Phạm Văn C phạm tội “Cố ý gây thương tích”

2. Áp dụng khoản 2 Điều 104; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung)

Xử phạt bị cáo Phạm Văn C 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 02 tháng 01 năm 2018).

3. Về trách nhiệm dân sự:  áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 590 Bộ luật dân sự: buộc bị cáo Phạm Văn C phải bồi thường cho anh Phạm Văn T số tiền 44.750.000đ (bốn mươi bốn triệu, bảy trăm năm mươi ngàn đồng). Đã đưa trước 20.000.000đồng  (hai mươi triệu đồng), còn phải tiếp tục bồi thường 24.750.000đồng (Hai mươi bốn triệu, bảy trăm năm mươi ngàn đồng)

Tiếp tục tạm giữ số tiền 8.000.000đồng (tám triệu đồng) mà gia đình bị cáo Phạm Văn C đã nộp theo biên lai thu tiền số 04803 ngày 15/3/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Tơ đễ đảm bảo cho việc thi hành án.Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

4. Về vật chứng: Áp dụng Điều 41 của Bộ luật hình sự và Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự: trả cho bà Phạm Thị Túc 01(một) cây cơ bi da được làm bằng gỗ, hình trụ tròn có kích thước dài 142,4cm, đầu cán của cây cơ bi da có đường kính 3cm, đầu cơ của cây bi da có đường kính 1,3cm. (Vật chứng hiện đang tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Tơ theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 13/3/2018)

5. Về án phí: Áp dụng Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 23 Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, buộc bị cáo Phạm Văn C phải chịu 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 1.237.500đồng (một triệu, hai trăm ba mươi bảy ngàn, năm trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

6. Quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 234 của Bộ luật tố tụng hình sự, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày lên Tòa án cấp trên kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người  được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

228
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 07/2018/HS-ST ngày 19/04/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:07/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về