Bản án 06/2021/HS-ST ngày 20/01/2021 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NA RÌ, TỈNH BẮC KẠN

BẢN ÁN 06/2021/HS-ST NGÀY 20/01/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 20 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 37/2020/TLST-HS, ngày 01 tháng 12 năm 2020, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:33/2020/QĐXXST-HS ngày 15 tháng 12 năm 2020 đối với bị cáo:

Phan Văn L, sinh ngày 01/12/1981;tại: Xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn; nơi ĐKHKTT và nơi ở hiện nay: Thôn L, xã C, huyện N, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ học vấn:03/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phan Đức T (đã chết) và bà Triệu Thị X; vợ: Triệu Thị T; có 03 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 20/4/2020 đến nay (Có mặt).

* Người bào chữa:Bà Đỗ Thị X, Trợ giúp viên Pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn (Có mặt).

* Nguyên đơn dân sự: Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K; địa chỉ: Xã V, huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Tiến D, chức vụ: Giám đốc - Khu bảo tồn thiên nhiên K (Vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Sầm Văn Q, chức vụ: Trạm trưởng - Trạm kiểm lâm B thuộc Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên K (Có măt).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Triệu Thị T, sinh năm 1982; trú tại: Thôn L, xã C, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn (Vắng mặt).

* Người làm chứng:

- Anh Lý Quý T, sinh năm 1994; trú tại: Thôn L, xã C, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (Vắng mặt).

- Ông Lý Văn Q, sinh năm 1959; trú tại: Thôn L, xã C, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (Vắng mặt).

- Chị Lý Thị C, sinh năm 1984; trú tại: Thôn L, xã C, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (Vắng mặt).

- Ông Lý Văn N, sinh năm 1965; trú tại: Thôn L, xã C, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (Vắng mặt).

- Anh Lý Sinh C, sinh năm 1986; trú tại: Thôn L, xã C, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (Vắng mặt).

- Anh Lý Sinh N, sinh năm 1985; trú tại: Thôn L, xã C, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (Vắng mặt).

- Anh Lý Văn B, sinh năm 1974; trú tại: Thôn L, xã C, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 10/04/2020 Trạm kiểm lâm L, thuộc Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên K tiến hành kiểm tra tại khu vực rừng C thuộc thôn L, xã C, huyện N thì phát hiện 01 cây gỗ Chặm thuộc nhóm VI bị cắt hạ. Cây gỗ Chặm này nằm ở khoảnh 2, tiểu khu 203 rừng đặc dụng theo bản đồ phân công cho các Trạm chốt quản lý bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên K năm 2015. Tại hiện trường phát hiện có 46 tấm ván gỗ vừa mới được xẻ ra còn mới. Sau khi phát hiện vụ việc Trạm kiểm lâm L phối hợp với chính quyền địa phương để thu hồi vận chuyển số ván này về Trạm để quản lý theo quy định. Cùng ngày Phan Văn L, trú tại: thôn L, xã C, huyện N đến trạm kiểm lâm L trình bày về việc L khai thác cây gỗ Chặm và đã xẻ được 46 tấm ván, mục đích L khai thác về để làm nhà, Sau đó L tự nguyện giao nộp cho Trạm kiểm lâm L 01 chiếc máy cưa xăng do L đã sử dụng để khai thác cây gỗ Chặm này.

Ngày 16/4/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N phối hợp với các cơ quan chức năng huyện N, cùng có mặt Phan Văn L tiến hành khám nghiệm hiện trường đối với cây gỗ Chặm bị khai thác trái phépthể hiện: Cây gỗ Chặm bị khai thác trái phép ở khe S khu vực C, thuộc thôn L, xã C, huyện N. Cây gỗ Chặm thuộc khoảnh 2, tiểu khu 203 rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, theo bản đồ quy hoạch bảo tồn và phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên K giai đoạn 2013-2020. Cây gỗ Chặm ở vị trí có tọa độ X: 00454008, Y: 02452832, tại sườn núi đá, cách khe cạn 05m. Tổng khối lượng bị thiệt hại là 7,641m3 (Bẩy phẩy sáu bốn một mét khối).

Ngày 19/04/2020 Trạm kiểm lâm L tiếp tục kiểm tra rừng tại khu vực C, thuộc thôn L, xã C phát hiện 01 cây gỗ Muồng và 01 cây gỗ Dầm đều thuộc nhóm V bị cắt hạ và khai thác trái phép. Cây gỗ Muồng và cây gỗ Dầm thuộc khoảnh 1, tiểu khu 200B rừng đặc dụng theo bản đồ phân công cho các Trạm chốt quản lý bảo vệ của Khu bảo tồn thiên nhiên K năm 2015. Tại hiện trường xác định số gỗ đã bị xẻ ra và lấy đi khỏi hiện trường là các thanh hoành loại vật liệu để làm nhà. Đến ngày 21/04/2020 Trạm kiểm lâm L phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra tại nhà Phan Văn L và L trình bày các thanh hoành được dùng để lợp mái nhà của L là gỗ Muồng và gỗ Dầm được khai thác từ 02 cây gỗ trên.

Ngày 08/05/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N phối hợp với các cơ quan chức năng huyện N, tiến hành khám nghiệm hiện trường đối với cây gỗ Muồng và cây gỗ Dầm bị khai thác trái phép thể hiện: Cây gỗ Muồng bị khai thác trái phép nằm ở khu vực C, thôn L, xã C, huyện N và thuộc khoảnh 1, tiểu khu 200B, rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, theo bản đồ quy hoạch bảo tồn và phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên K giai đoạn 2013-2020. Cây gỗ Muồng ở vị trí có tọa độ X: 0453353, Y: 24553090. Tổng khối lượng bị thiệt hại là 4,765m3 (Bốn phẩy bẩy sáu năm mét khối). Cây gỗ Dầm bị khai thác trái phép nằm ở khu vực C, thôn L, xã C, huyện N và thuộc khoảnh 1, tiểu khu 200B, rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, theo bản đồ quy hoạch bảo tồn và phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên K giai đoạn 2013-2020. Cây gỗ Dầm ở vị trí có tọa độ X: 0453526, Y: 2453230. Tổng khối lượng bị thiệt hại là 2,021m3 (hai phẩy không hai một mét khối).

Ngày 22/6/2020 Cơ quan điều tra Công an huyện N đã cho Phan Văn L tiến hành thực nghiệm điều tra, quá trình thực nghiệm điều tra L đều đã tự mình chỉ được vị trí cây gỗ Muồng, cây gỗ Dầm do L đã khai thác và diễn lại được quá trình cắt hạ, khai thác xẻ các thanh hoành từ các cây gỗ này đều phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, các tài liệu được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án.

Tại Cơ quan điều tra Phan Văn L khai nhận khoảng giữa tháng 02 năm 2020 (âm lịch) Phan Văn L thuê thợ làm nhà loại nhà sàn ở khu C thuộc thôn L, xã C, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. Do thiếu hoành để lợp mái nhà nên vào khoảng cuối tháng 3 năm 2020 (Không nhớ ngày cụ thể) L một mình mang theo máy cưa xăng, 01 can đựng xăng, loại can 05 lít màu vàng, 01 con dao, 01 đoạn thước (can xăng, dao, thước đựng trong một túi vải) lên khu rừng có bãi cỏ ranh cắt hạ 01 cây gỗ Muồng. Sau khi cắt hạ xong L cắt thành từng khúc và xẻ trong 02 ngày để xẻ lấy từng thanh hoành có kích thước vuông 08cm, thanh dài nhất 09m, thanh ngắn nhất 03m. Xẻ xong cây gỗ Muồng này thấy còn thiếu nên L tiếp tục đến vị trí cây gỗ Dầm cách cây gỗ Muồng do L khai thác khoảng 500m, L sử dụng máy cưa xăng cắt hạ cây gỗ Dầm này và cắt thành từng khúc, sau đó xẻ trong một ngày để lấy từng thanh hoành có kích thước vuông 08cm, thanh dài nhất 06m, thánh ngắn nhất 03m. Quá trình xẻ cây gỗ Dầm này L thấy đã đủ số lượng hoành, nên L một mình vận chuyển trong 04 ngày thì vận chuyển xong số hoành xẻ được từ cây gỗ Muồng và cây gỗ Dầm về nhà của L. Sau đó thợ làm nhà của L đã sử dụng hết số hoành này để lợp mái nhà của L. Sau khi lợp mái nhà xong, do còn thiếu ván trải sàn nhà nên ngày 08/4/2020 L tiếp tục một mình đi vào khu rừng thuộc khe S thuộc thôn L, xã C, huyện N tiếp tục sử dụng máy cưa xăng, và các dụng cụ đã sử dụng khai thác cây gỗ Muồng, cây gỗ Dầm để cắt hạ 01 cây gỗ Chặm. Sau đó L cắt thành từng khúc gỗ và xẻ trong 02 ngày (Từ ngày 08 đến ngày 09/4/2020) được 46 tấm ván có kích thước dài 05m, rộng 30cm, dầy 05cm. Đến ngày 10/4/2020 L nghỉ ở nhà và biết Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên K phát hiện vụ việc khai thác cây gỗ Chặm để xẻ lấy ván, nên L đã đến Trạm kiểm lâm L trình bày về việc L khai thác cây gỗ Chặm này và đến 22 giờ 00 phút ngày 10/4/2020, L đã tự nguyện giao nộp chiếc máy cưa xăng cho Trạm kiểm lâm L, thuộc Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên K. Ngày 11/4/2020 L nhờ những người: Lý Quý T, Lý Văn Q, Lý Thị C, Lý Văn N, Lý Sinh C, Lý Sinh N, Lý Văn B là hàng xóm ở khu vực C hộ L vận chuyển 46 tấm ván này từ vị trí L khai thác ra đến đường để Trạm kiểm lâm L vận chuyển đến Trạm kiểm lâm L tạm giữ theo quy định. Đến ngày 16/4 và ngày 07/5 năm 2020 L tiếp tục tự nguyện giao nộp cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N 01 chiếc can nhựa màu vàng loại can 5 lít, 01 con dao, 01 đoạn thước và 01 chiếc túi nải do L sử dụng để phục vụ khai thác các cây gỗ nêu trên.

Ngày 10/6/2020 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N đã ban hành Quyết định định giá tài sản số 10, 11 yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện N định giá đối với: 7,641m3 gỗ Chặm nhóm VI, 4,853m3 gỗ Muồng và 2,030m3 gỗ Dầm cùng nhóm V, để xác định giá trị tài sản tại thời điểm bị khai thác trái phép. Tại kết luận định giá tài sản số 10, 11/KLĐGTS ngày 17/6/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện N kết luận: 7,641m3 gỗ Chặm có giá trị là: 6.112.800đ (sáu triệu một trăm mười hai nghìn tám trăm đồng); 4,765m3 gỗ Muồng có giá trị: 2.382.500đ (hai triệu ba trăm tám mươi hai nghìn năm trăm đồng) và 2,021m3 gỗ Dầm có giá trị 606.300đ (Sáu trăm linh sáu nghìn ba trăm đồng).

Tại Cơ quan điều tra Phan Văn L đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Khi khai thác gỗ L không xin phép cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác. Mục đích L khai thác trái phép cây gỗ Muồng, cây gỗ Dầm và cây gỗ Chặm là để làm nhà ở. Lời khai của L phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập trong quá trình điều tra vụ án.

Ngày 13/10/2020 L đã đến Chi cục thi hành án dân sự huyện N nộp số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng) để bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự.

Về vật chứng của vụ án bao gồm: 01 máy cưa xăng màu đỏ có gắn lam và xích, lam dài 70cm; 01 chiếc can nhựa màu vàng, nắp can màu đỏ đã qua sử dụng;

01 con dao có chiều dài 39cm đã qua sử dụng; 01 đoạn thước bằng kim loại đã bị rỉ sét; 01 túi vải màu xanh có kích thước 45cm x 40 cm, một dây túi vải; 46 tấm gỗ Chặm có khối lượng 3,055 m3 được bảo quản tại Chi cục Thi hành án dân sự;

3,389m3 gỗ Muồng để tại hiện trường tại khu vực bãi Ranh C; 1,655m3 gỗ Dầm để tại hiện trường tại khu vực bãi Trúc C; 4,586 m3 gỗ Chặm để tại hiện trường tại khu vực khe S; 1,376 m3 (14 thanh) gỗ Muồng L đã sử dụng để làm nhà; 0,366 m3 (08 thanh) gỗ Dầm L đã sử dụng để làm nhà.

Về trách nhiệm dân sự: Nguyên đơn dân sự yêu cầu Phan Văn L bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, bị cáo nhất trí với yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền 9.101.600đ mà đại diện nguyên đơn dân sự đưa ra. Việc thỏa thuận giữa đại diện nguyên đơn dân sự và bị cáo về vấn đề bồi thường dân sự là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật nên được HĐXX ghi nhận.

Với hành vi trên, Bản Cáo trạng số:39/CT-VKSNRngày 30/11/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã truy tố các bị cáo Phan Văn L về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 232/Bộ luật Hình sự Điều luật có nội dung:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000đ, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 đến 07 năm:

a) ……………., ……………….

e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 08 mét khối (m3) đến dưới 15 mét khối (m3) gỗ loại thực vật thông thường hoặc từ 03 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA.

Tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo Phan Văn L đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng đã nêu.

Sau khi phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Na Rì thực hành quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên quan điểm truy tố về tội danh, điều luật áp dụng đối với bị cáo Phan Văn L theo Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:

- Tuyên bố bị cáo Phan Văn L phạm tội“Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Áp dụng điểm e khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38/BLHS. Đề nghị xử phạt bị cáo Phan Văn L từ 05 năm đến 06 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

- Về hình phạt bổ sung: Quá trình xác minh xác địnhbị cáo thuộc hộ nghèo nên đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền theo quy định tại khoản 4 Điều 232/BLHS đối với bị cáo.

- Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo và đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K. Buộc bị cáo Phan Văn L phải bồi thường cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K với tổng số tiền theo kết luận định giá tài sản là 9.101.600đ (Chín triệu một trăm linh một nghìn sáu trăm đồng).

- Về vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử xử lý vật chứng theo quy định tại Điều 47/BLHS và Điều 106/Bộ luật tố tụng Hình sự, cụ thể:

+ Tịch thu hóa giá sung công quỹ Nhà nước 46 tấm gỗ Chặm có khối lượng 3,055 m3 được bảo quản tại Chi cục Thi hành án dân sự.

+ Tịch thu hóa giá sung quỹ Nhà nước 01 máy cưa xăng màu đỏ có gắn lam và xích.

+ Giao cho Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên K quản lý theo thẩm quyền khối lượng 3,389 m3 gỗ Muồng để tại hiện trường tại khu vực bãi Ranh C; 1,655 m3 gỗ Dầm để tại hiện trường tại khu vực bãi Trúc C; 4,586 m3 gỗ Chặm để tại hiện trường tại khu vực khe S.

+ Đối với số gỗ 14 thanh hoành gỗ Muồng có khối lượng 1,376 m3 và 08 thanh hoành gỗ Dầm có khối lượng 0,366 m3 mà L đã sử dụng để làm nhà (làm hoành lợp mái nhà), để đảm bảo chính sách nhân đạo, căn cứ vào ý kiến của đại diện nguyên đơn dân sự, đề nghị không buộc bị cáo L phải tháo dỡ nhà để tịch thu sung quỹ nhà nước. Mà buộc bị cáo phải bồi thường bằng tiền cho nguyên đơn dân sự đối với số gỗ đã làm nhà.

+ Tịch thu tiêu hủy: 01 chiếc can nhựa màu vàng, nắp can màu đỏ đã qua sử dụng; 01 con dao có chiều dài 39cm đã qua sử dụng; 01 đoạn thước bằng kim loại đã bị rỉ sét; 01 túi vải màu xanh.

+ Tạm giữ số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng) bị cáo đã nộp tại chi cục Thi hành án Dân sự huyện N, tỉnh Bắc Kạn để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

- Về án phí: Gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo và bị cáo có đơn xin miễn án phí nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn toàn bộ án phí cho bị cáo theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa,người bào chữa cho bị cáonhất trí với tội danh mà Kiểm sát viên đã đề nghị. Tuy nhiên người bào chữa cho rằng bị cáo không có tiền án, tiền sự, trước khi phạm tội bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú ổn định, mục đích bị cáo đi khai thác gỗ trái phép về để làm lại nhà, vì trước đó gia đình bị cáo sống ở nhà tạm, dột nát; Bị cáo là đồng bào dân tộc thiểu số (người Dao), trình độ học vấn thấp, sự hiểu biết pháp luật còn rất hạn chế. Bị cáo phạm tội do hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, không có tiền để mua vật liệu làm nhà, trong khi đó nhà bị cáo đã quá dột nát, không đảm bảo che mưa, che nắng cho vợ con. Hoàn cảnh hiện tại của gia đình bị cáo rất khó khăn, vì không có công việc, thu nhập nên vợ bị cáo phải đi làm công nhân xa nhà, một mình bị cáo ở nhà phải chăm lo cho 03 đứa con và cả 03 cháu đang trong độ tuổi đi học. Bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51/BLHS, bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại Điều 52/BLHS nên mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị từ 05 năm đến 06 năm tù là quá cao và không không áp dụng Điều 65/BLHS cho bị cáo được hưởng án treo là chưa phù hợp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ, nhân thân, động cơ mục đích của hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử đánh giá công tâm, toàn diện vụ án, cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đề nghị xử phạt bị cáo từ 24 tháng đến 30 tháng tù cho hưởng án treo để bị cáo có điều kiện ở nhà cho lo cho các con và tự cải tạo trở thành người có ích cho xã hội.

Lời nói sau cùng bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội là do nhận thức còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chỉ mong muốn làm căn nhà để cho vợ con không bị mưa rét, dột nát nên đã thực hiện hành vi pham tội, bị cáo đã rất hối hận, ăn năn về việc làm của mình. Xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để có điều kiện chăm sóc các con.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra huyện Na Rì, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Na Rì, Kiểm sát viên: Trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; quyết định tố tụng được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử những người tham gia tố tụng không ai khiếu nại về quyết định, hành vi của Cơ quan, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Triệu Thị T và những người làm chứngvắng mặt và đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Quá trình điều tra họ đã có lời khai đầy đủ và trong đơn xin xét xử vắng mặt của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu xin lại vật chứng đã bị thu giữ và không có yêu cầu gì đối với bị cáo. Căn cứ Điều 292 và Điều 293/BLTTHS, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt họ.

[2]Về căn cứ định tội, định khung hình phạt:

Tại phiên tòa bị cáo Phan Văn L khai nhận: Cuối tháng 3 năm 2020 đến tháng 4 năm 2020 Phan Văn L không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đã có hành vi khai thác trái phép 01 cây gỗ Muồng có khối lượng 4,765m3; 01 cây gỗ Dầm có khối lượng 2,021m3 và 01 cây gỗ Chặm có khối lượng 7,641m3. Các cây gỗ do L khai thác thuộc nhóm V, nhóm VI, thuộc khu C, thôn L, xã C, huyện N. Cây gỗ Dầm, gỗ Muồng thuộc khoảnh 1, tiểu khu 200B; Cây gỗ Chặm thuộc khoảnh 2, tiểu khu 203 đều là rừng đặc dụng là rừng tự nhiên thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên K. Tổng thiệt hại của 03 cây gỗ do L khai thác trái phép là 14,427m3.

Gây thiệt hại giá trị lâm sản là 9.101.600đ (chín triệu một trăm linh một nghìn sáu trăm đồng). Mục đích khai thác để lấy gỗ về làm nhà ở.

Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra, lời khai của những người làm chứng và các tài liệu chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Bản thân bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, bị cáo thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Do vậy có đủ cơ sở kết luận bị cáo Phan Văn L phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Tội phạm và hình phạt quy định tại điểm e khoản 2 Điều 232/BLHS.

Hành vi phạm tội của bị cáo không những xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế là khách thể được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ mà còn làm mất trật tự trị an tại địa phương, xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Do đó cần phải được xử lý bằng pháp luật hình sự và có một mức án tương xứng với tính chất hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện nhằm giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.

Do đó,Viện kiểm sát nhân dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã căn cứ vào điểm e khoản 2 Điều 232 của Bộ luật Hình sự để truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, mức hình phạt mà đại diện viện kiểm sát đề nghị HĐXX áp dụng đối với bị cáo từ 05 đến 06 năm tù giam là quá nghiêm khắc. Đánh giá toàn diện vụ án, căn cứ vào nhân thân, động cơ, mục đích của hành vi mà bị cáo đã thực hiện, đánh giá hoàn cảnh, khả năng nhận thức, khả năng cải tạo của bị cáo. HĐXX thấy rằng cần xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

[3]Về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với các bị cáo:

- Về tiền án, tiền sự: Bị cáo chưa có tiền án; tiền sự.

- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đó là trong các giai đoạn tố tụng bị cáo đều "Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" về hành vi phạm tội của mình; quá trình giải quyết vụ án mặc dù hoàn cảnh gia đình bị cáo rất nghèo nhưng bị cáo đã nộp tại Cơ quan thi hành án dân sự huyện N số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng) để thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Do đó, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51/BLHS. Ngoài ra, khi Trạm kiểm lâm L phát hiện ra sự việc có người khai thác cây gỗ Chặm trái phép nhưng chưa xác định được ai là người khai thác thì bị cáo đã đến Trạm kiểm lâm L trình báo về việc bị cáo đã khai thác nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS là "Đầu thú" quy định tại khoản 2 Điều 51/BLHS.

Xét thấy, bị cáo có nhân thân tốt, từ trước đến ngày phạm tội bị cáo chưa vi phạm pháp luật lần nào, có nơi cư trú rõ ràng. Bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không có tình tiết tăng nặng, động cơ mục đích bị cáo khai thác trái phép gỗ là để làm nhà ở vì nhà ở của gia đình bị cáo đã quá dột nát, các cây gỗ mà bị cáo khai thác trái phép là gỗ thông thường từ nhóm V đến nhóm VI. Bị cáo là đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Dao), sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tình độ học vấn thấp, sự hiểu biết xã xội còn nhiều hạn chế. Bị cáo có khả năng tự cải tạo và việc không bắt bị cáo phải chấp hành hình phạt tù cũng không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nên Hội đồng xét xử xét thấy không cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà căn cứ Điều 65/BLHS cho bị cáo được hưởng án treo cũng đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Về hình phạt bổ sung: Bị cáo thuộc hộ nghèo nên không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo là phù hợp với các quy định của pháp luật.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo và đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K. Buộc bị cáo Phan Văn L phải bồi thường cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K với tổng số tiền theo kết luận định giá tài sản là 9.101.600đ (Chín triệu một trăm linh một nghìn sáu trăm đồng). Ghi nhận bị cáo đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Na Rì số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng) để bồi thường cho nguyên đơn dân sự.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Triệu Thị T trong đơn xin xét xử vắng mặt xác định 01 máy cưa xăng màu đỏ có gắn lam và xích là tài sản chung của vợ chồng nhưng máy cưa đã cũ nên không yêu cầu được lấy lại.

[5] Về xử lý vật chứng:

- Đối với số gỗ còn lại để tại hiện trường có khối lượng là 3,389 m3 gỗ Muồng, 1,655 m3 gỗ Dầm và 4,586 m3 gỗ Chặm do bị cáo khai thác trái phép. Đây là rừng đặc dụng theo quy định không được lấy lâm sản ra khỏi rừng nên cần tiếp tục giao cho Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên K quản lý theo quy định của pháp luật.

- Đối với 14 thanh hoành gỗ Muồng có khối lượng 1,376 m3 và 08 thanh hoành gỗ Dầm có khối lượng 0,366 m3, tuy số gỗ này là gỗ khai thác trái phép nhưng bị cáo đã sử dụng để làm nhà nên không cần thiết buộc bị cáo phải tháo dỡ nhà để giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền mà buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự cũng phù hợp theo quy định của pháp luật và thể hiện được tính chất nhân văn của pháp luật Nhà nước ta.

- Đối với 01 máy cưa xăng màu đỏ, máy cưa có gắn lam và xích, đây là chiếc máy cưa mà bị cáo dùng làm công cụ để khai thác gỗ trái phép nên cần tịch thu hóa giá sung công quỹ Nhà nước.

- Đối với 46 tấm gỗ Chặm có khối lượng 3,055 m3 bị cáo đã khai thác trái phép đã bị thu giữ cầntịch thu hóa giá sung công quỹ Nhà nước.

- Đối với 01 chiếc can nhựa màu vàng đã qua sử dụng; 01 con dao cũ đã qua sử dụng; 01 đoạn thước bằng kim loại đã bị rỉ sét và 01 túi vải màu xanh. Đây là các dụng cụ mà bị cáo mang đi để phục vụ cho việc khai thác gỗ trái phép nhưng các dụng cụ này đã cũ và không còn giá trị sử dụng, cần tịch thu tiêu hủy.

- Đối với số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng) bị cáo đã nộp tại chi cục Thi hành án Dân sự huyện N theo biên lai số 01144 ngày 13/10/2020 để thực hiện nghĩa vụ bồi thường, cần tạm giữ để đảm bảo cho việc bồi thường.

(Tình trạng, số lượng vật chứng như biên bản giao, nhận vật chứng ngày 03/12/2020 giữa Công an huyện N, tỉnh Bắc Kạn với Chi cục Thi hành án Dân sự huyện N, tỉnh Bắc Kạn).

[6] Về các vấn đề khác: Đối với Lý Quý T, Lý Văn Q, Lý Thị C, Lý Văn N, Lý Sinh C, Lý Sinh N, Lý Văn B và Triệu Thị T là những người vận chuyển 46 tấm gỗ do bị cáo khai thác từ cây gỗ Chặm. Mục đích vận chuyển là do bị cáo nhờ hộ vận chuyển ra gần đường để bị cáo giao nộp cho Hạt kiểm lâm. Do vậy Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N không xem xét xử lý những người này là đúng quy định.

[7] Về án phí: Bị cáo thuộc hộ nghèo và có đơn xin miễn án phí nên Hội đồng xét xử xem xét miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[8] Về quyền kháng cáo:Bị cáo,nguyên đơn dân sự vàngười có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1.Tuyên bố:Bị cáo Phan Văn L phạm tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".

Áp dụngđiểm e, khoản 2Điều 232;điểm b, s khoản 1, khoản 2Điều 51; Điều 65/Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo Phan Văn L 03(Ba)năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05(Năm) năm, thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND xã C, huyện N, tỉnh Bắc Kạn quản lý, giám sát giáo dục trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định của Bộ luật Hình sự

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự; Điều 584, 585, 586, 589 của Bộ luật Dân sự. Ghi nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo và đại diện nguyên đơn dân sự Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K. Buộc bị cáo Phan Văn L phải bồi thường thiệt hại cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K số tiền là9.101.600đ (Chín triệu một trăm linh một nghìn sáu trăm đồng), để sung quỹ Nhà nước. Ghi nhận bị cáo đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện N số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng) để bồi thường cho nguyên đơn dân sự.

Việc thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự:

- Giao cho Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên K quản lý số gỗ còn lại để tại hiện trường là 3,389 m3 gỗ Muồng, 1,655 m3 gỗ Dầm và 4,586 m3 gỗ Chặm.

- Đối với số gỗ 14 thanh hoành gỗ Muồng có khối lượng 1,376 m3 và 08 thanh hoành gỗ Dầm có khối lượng 0,366 m3 mà bị cáo đã sử dụng để làm hoành lợp mái không buộc bị cáo phải tháo dỡ để giao nộp cho Cơ quan có thẩm quyền.

- Tịch thu hóa giá sung công quỹ Nhà nước các tài sản sau do có liên quan đến hành vi phạm tội: 01 máy cưa xăng màu đỏ, máy cưa có gắn lam và xích; 46 tấm gỗ Chặm có khối lượng 3,055 m3 - Tịch thu tiêu hủy: 01 chiếc can nhựa màu vàng, nắp can màu đỏ đã qua sử dụng; 01 con dao có chiều dài 39cm, dao cũ đã qua sử dụng; 01 đoạn thước bằng kim loại đã bị rỉ sét; 01 túi vải màu xanh.

(Tình trạng, số lượng vật chứng như biên bản giao, nhận vật chứng ngày 03/12/2020 giữa Công an huyện N, tỉnh Bắc Kạn với Chi cục Thi hành án Dân sự huyện N, tỉnh Bắc Kạn).

-Tạm giữ số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng)bị cáo đã nộp tại chi cục Thi hành án Dân sự huyện N theo biên lai số 01144 ngày 13/10/2020 để thực hiện nghĩa vụ bồi thường.

4. Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án:

Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo Phan Văn Lương.

5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự, có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Triệu Thị T có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6,7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

251
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2021/HS-ST ngày 20/01/2021 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:06/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Na Rì - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về