Bản án 06/2018/KDTM-PT ngày 19/09/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

BẢN ÁN 06/2018/KDTM-PT NGÀY 19/09/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 19 tháng 9 năm 2018, tại Hội trường Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 05/2018/TLPT- KDTM ngày 25 tháng 6 năm 2018 về “tranh chấp hợp đồng tín dụng".

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Linh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 04/2018/QĐPT-KDTM ngày 10 tháng 8 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V.

Địa chỉ: 22 H, phường L, quận H, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Gia N - Phó giám đốc Ngân hàng N – Chi nhánh huyện V là người đại diện theo ủy quyền (Hợp đồng ủy quyền số 130/2013/UQ1 ngày 09/12/2013; Hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng ủy quyền số 494/2016/UQ3.VAMC1-Agribank ngày 23/3/2016; Quyết định về việc ủy quyền tham gia tố tụng và thi hành án số 190/QĐ/NHNNVL-TH ngày 15/8/2018), có mặt.

- Bị đơn: Công ty TNHH Đ.

Địa chỉ: Thôn M, xã H, huyện H, tỉnh Quảng Trị.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thế H - Tổng Giám đốc Công ty, có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Ngân hàng N.

Địa chỉ: Số 18 T, M, T, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của Ngân hàng N: Ông Nguyễn Gia N - Phó giám đốc Ngân hàng N – Chi nhánh huyện V là người đại diện theo ủy quyền (Quyết định số 510/QĐ-HĐTV-PC ngày 19/6/2014 của Hội đồng thành viên Ngân hàng N;

Quyết định về việc ủy quyền tham gia tố tụng và thi hành án số 190/QĐ/NHNNVL- TH ngày 15/8/2018), có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng N – Chi nhánh huyện V: Bà Nguyễn Thị Thu H, sinh năm 1973 và bà Vũ Thị Hồng Y, sinh năm 1974; Cả hai hiện đang là Giảng viên Khoa Pháp luật Dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội, đều có mặt.

2. Ông Nguyễn Thế H, sinh năm 1962.

Trú tại: Khóm T, thị trấn H, huyện V, tỉnh Quảng Trị; có mặt.

3. Ông Trần Quốc L - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã V.

Địa chỉ: Ủy ban nhân dân xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị; có đơn xin xét xử vắng mặt.

4. Phòng công chứng N Địa chỉ: Số 40 T, thành phố Đ, tỉnh Quảng Trị; có đơn xin xét xử vắng mặt 5. Ông Trần Phú P - Công chứng viên Văn phòng công chứng V Địa chỉ: Đường T, thị trấn H, huyện V, tỉnh Quảng Trị; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Bà Nguyễn Thị Kim H. Trú tại: Số 60 đường N, khu d, phường T, quận M, TP Hồ Chí Minh; có mặt.

- Người làm chứng:

1. Ông Trần Đức T, sinh năm 1959.

Trú tại: Thôn Q, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị; vắng mặt.

2. Ông Thái Văn T, sinh năm 1958.

Trú tại: Thôn N, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị; có mặt.

3. Ông Đinh Như D.

Trú tại: Thôn Q, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị; vắng mặt.

Người kháng cáo: Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V là nguyên đơn và Công ty TNHH Đ là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 09/7/2016 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên toà hôm nay người đại diện theo uỷ quyền cũng như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Công ty TNHH MTV T (nay là Công ty TNHH Đ, viết tắt là Công ty T) thỏa thuận vay vốn lưu động tại Ngân hàng N - Chi nhánh huyện V, tỉnh Quảng Trị (viết tắt là AGRIBANK), theo hình thức hạn mức tín dụng bao gồm:

- Hợp đồng tín dụng số 06/HĐTD ngày 28/9/2010; giấy đề nghị gia hạn hạn mức tín dụng của Công ty T đã được Ngân hàng AGRIBANK chấp nhận ngày 28/9/2011; phụ lục hợp đồng tín dụng số 01A/PLHĐ ngày 19/3/2012. Hạn mức tín dụng số tiền 42.800.000.000 đồng. Mục đích vay: Thu mua, chế biến mủ cao su; sản xuất kinh doanh phân bón. Lãi suất theo quy định hiện hành của Tổng Giám đốc Ngân hàng N và hướng dẫn thực hiện của Giám đốc Ngân hàng N tỉnh Quảng Trị tại từng thời điểm nhận nợ. Lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Phương thức trả nợ: Thực hiện trả nợ gốc, lãi theo đúng thời hạn ghi tại Giấy nhận nợ.

Những tài sản thế chấp gồm:

1. Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC ngày 14/9/2010: Vườn cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất có diện tích 110.500m2; Thửa đất số 81; Tờ bản đồ số 37; Địa chỉ: Vùng KTM V, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị. Được UBND huyện V cấp GCNQSD đất số AD 913467 ngày 20/8/2007 cho người sử dụng đất ông Nguyễn Thế H. Trị giá tài sản ước tính 2.513.775.000 đồng.

2. Hợp đồng thế chấp số 04/HĐTC ngày 14/9/2010, tài sản là xe bán tải biển số 74K-5089 do Công an tỉnh Quảng Trị cấp ngày 01/8/2005 cho chủ xe ông Nguyễn Thế H. Trị giá tài sản ước tính 250.000.000 đồng.

3. Hợp đồng thế chấp số 03/HĐTC ngày 12/7/2011, tài sản là máy xúc lật bánh lốp biển số 74LA-0183 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị cấp ngày 28/9/2009 cho chủ xe Công ty T. Trị giá tài sản ước tính 421.286.000 đồng.

4. Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC ngày 12/7/2011: Vườn cây cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất có diện tích 25.000m2 ; Thửa đất số 39/1; Tờ bản đồ số 13; Địa chỉ: B, xã V, V, tỉnh Quảng Trị. Được UBND huyện V cấp GCNQSD đất số AI176466 ngày 24/6/2008 cho người sử dụng đất ông Nguyễn Thế H. Giá trị tài sản ước tính 388.750.000 đồng.

5. Hợp đồng thế chấp số 02/HĐTC ngày 19/7/2011, phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản số 02A1/PL ngày 19/3/2011; tài sản gắn liền với đất bao gồm: Nhà xưởng, nhà máy chế biến phân bón diện tích 1.386m2, dây chuyền máy móc thiết bị chế biến phân bón (Hiện đã chuyển vào hoạt động tại Nhà máy sản xuất phân bón của công ty tại xã H, huyện H, tỉnh Quảng Trị theo phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản số 02A1/PL ngày 19/3/2011), bộ biến tần M440 1,5KW, trạm cân 20 tấn, cân phân tích độ ẩm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, trụ sở văn phòng công ty (diện tích 2 x 50m2), các công trình khuôn viên nhà máy và công trình phụ trợ, nhà ở công nhân 1 (7m x 33m), nhà ở công nhân 2 (16m x 7m), tháp nước 30m3, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải (05 hố), nhà ăn và công trình phụ, cây bơm dầu và tẹc 10.000 lít. Quyền sử dụng đất có diện tích 30.580m2 ; Thửa đất số 197, 201; Tờ bản đồ số 37; Địa chỉ: Thôn Q, xã V, V, Quảng Trị. Được UBND huyện V cấp GCNQSD đất số BG 411688 ngày 28/6/2011 và GCNQSD đất số BG 411689 ngày 28/6/2011 cho người sử dụng đất ông Nguyễn Thế H. Hai thửa đất này ông H dùng để góp vốn vào Công ty T. Hợp đồng góp vốn đã được công chứng và đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Quảng Trị. Giá trị tài sản ước tính 14.999.804.750 đồng.

6. Hợp đồng thế chấp số 05/HĐTC ngày 01/12/2011, tài sản là xe ô tô biển số 74LB-0158 do Công an tỉnh tỉnh Quảng Trị cấp ngày 16/8/2010 cho chủ xe Công ty TNHH MTV T - Hướng Hóa, là chi nhánh của Công ty TNHH MTV T. Giá trị tài sản ước tính 700.000.000 đồng.

7. Hợp đồng thế chấp số 03/HĐTC ngày 01/12/2011, tài sản là xe ô tô con biển số 74K-4507 do Công an tỉnh Quảng Trị cấp ngày 21/11/2007 cho chủ xe Công ty T. Giá trị tài sản ước tính 373.699.000 đồng.

8. Hợp đồng thế chấp số 08/HĐTC ngày 04/4/2012, tài sản là:

- Nhà xưởng nhà máy chế biến cao su mủ đông (diện tích 2.376m2).

- Dây chuyền máy móc thiết bị chế biến mủ đông, bao gồm:

+ Nhà xưởng nhà máy chế biến cao su mủ nước ( Diện tích 1.440m2 )

+ Dây chuyền máy móc thiết bị chế biến mủ nước;

Địa chỉ của tài sản: Thôn Q, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị. Giá trị ước tính 15.568.000.000 đồng.

Tổng gía trị tài sản thế chấp là: 35.215.314.750 đồng.

Các tài sản thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Công ty T có địa chỉ ở huyện V, tỉnh Quảng Trị. Riêng tài sản là dây chuyền máy móc thiết bị chế biến phân bón thế chấp theo hợp đồng thế chấp tài sản số 02/HĐTC ngày 19/7/2011 có địa chỉ ở Thôn Q, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị, ngày 19/3/2012 AGRIBANK đồng ý cho Công ty T chuyển vào hoạt động tại Nhà máy sản xuất phân bón của Công ty tại xã H và xã Hải T, huyện H, tỉnh Quảng Trị, nghĩa vụ thế chấp dây chuyền máy móc thiết bị chế biến phân bón không thay đổi.

Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng nói trên, Công ty T đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên toàn bộ số nợ vay trên đã chuyển sang nợ quá hạn từ ngày 04/4/2012.

Ngày 09/12/2013 Ngân hàng N đã ký kết với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V hợp đồng mua bán nợ số 130/2013/MB1 với tổng giá trị của khoản nợ được mua bán tính đến ngày 25/10/2013 là 56.815.737.135 đồng. Đến ngày 08/7/2016 Công ty T còn nợ số tiền: Gốc 40.801.975.000 đồng, lãi 41.183.480.463 đồng. Tổng cộng 81.985.455.463 đồng. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V yêu cầu Công ty T thanh toán toàn bộ số nợ gốc và lãi nói trên, đồng thời trả lãi cho đến ngày xét xử sơ thẩm và thi hành án xong khoản nợ trên. Trường hợp Công ty T không trả được nợ thì yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho Công ty.

Bị đơn Công ty TNHH Đ do ông Nguyễn Thế H – Tổng giám đốc Công ty làm đại diện trình bày:

Ông Nguyễn Thế H thừa nhận việc vay vốn và thế chấp tài sản đúng như nguyên đơn trình bày. Tuy nhiên, ông không chấp nhận trả nợ với lý do: Theo hợp đồng tín dụng giữa AGRIBANK và Công ty T thì AGRIBANKsẽ thu hồi thanh lý tài sản sau 30 ngày kể từ ngày Công ty không trả được nợ nhưng AGRIBANK không thực hiện và cố tình kéo dài thời gian nên việc tính lãi như vậy là không hợp lý. Cuối năm 2012 có doanh nghiệp đến mua nhà máy nhưng AGRIBANK không bán. Do đó, lỗi tại AGRIBANK chứ không phải tại Công ty T và đề nghị Tòa án tuyên bố các hợp đồng thế chấp sau vô hiệu:

1. Hợp đồng thế chấp số 03/HĐTC ngày 12/7/2011, tài sản là máy xúc lật bánh lốp biển số 74LA-0183 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị cấp ngày 28/9/2009 cho chủ xe Công ty T.

2. Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC ngày 12/7/2011: Vườn cây cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất có diện tích 25.000m2 ; Thửa đất số 39/1; Tờ bản đồ số 13; Địa chỉ: B, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị. Được UBND huyện V cấp GCNQSD đất số AI176466 ngày 24/6/2008 cho người sử dụng đất ông Nguyễn Thế H.

3. Hợp đồng thế chấp số 02/HĐTC ngày 12/7/2011 thế chấp dây chuyền sản xuất phân bón và các thiết bị sản xuất phân bón.

4. Hợp đồng thế chấp số 05/HĐTC ngày 01/12/2011, tài sản là xe ô tô biển số 74LB-0158 do Công an tỉnh Quảng Trị cấp ngày 16/8/2010 cho chủ xe Công ty TNHH MTV T- Hướng Hóa, là chi nhánh của Công ty TNHH MTV T.

5. Hợp đồng thế chấp số 03/HĐTC ngày 01/12/2011, tài sản là xe ô tô con biển số 74K-4507 do Công an tỉnh Quảng Trị cấp ngày 21/11/2007 cho chủ xe Công ty T.

Với lý do: Tại thời điểm đó theo kế hoạch đã thỏa thuận AGRIBANK buộc Công ty T đưa một số tài sản thế chấp để AGRIBANK nâng hạn mức cho vay lên 60.000.000.000 đồng, nhưng Ngân hàng không thực hiện và cũng không trả lại hồ sơ, giấy tờ đã làm thủ tục.

- Theo đơn yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập bà Nguyễn Thị Kim H, tại phiên tòa sơ thẩm lời khai của người đại diện theo ủy quyền của bà H trình bày: Bà Nguyễn Thị Kim H và ông Nguyễn Thế H kết hôn hợp pháp vào năm 1986. Năm 1990, bà H sang học tập và làm việc tại Liên bang Nga, đến năm 1992 thì ông H cũng sang Nga sinh sống và làm việc. Năm 2005 ông H về nước, mang theo một số tiền lớn mà hai vợ chồng tích góp hơn 10 năm để đầu tư tại Việt Nam, còn bà H và các con tiếp tục sinh sống tại Liên bang Nga. Ông H đã dùng số tiền đó mua các tài sản là:

- Vườn cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất có diện tích 110.500 m2; Thửa đất số 81; Tờ bản đồ số 37; Địa chỉ: Vùng KTM V, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị. Được UBND huyện V cấp GCNQSD đất số AD 913467 ngày 20/8/2007 cho người sử dụng đất ông Nguyễn Thế H.

- Vườn cây cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất có diện tích 25.000m2;

Thửa đất số 39/1; Tờ bản đồ số 13; Địa chỉ: B, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị. Được UBND huyện V cấp GCNQSD đất số AI176466 ngày 24/6/2008 cho người sử dụng đất ông Nguyễn Thế H.

- Quyền sử dụng đất có diện tích 30.580m2; Thửa đất số 197, 201; Tờ bản đồ số 37; Địa chỉ: Thôn Q, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị. Được UBND huyện V cấp GCNQSD đất số BG 411688 ngày 28/6/2011 và GCNQSD đất số BG 411689 ngày 28/6/2011 cho người sử dụng đất ông Nguyễn Thế H. Quyền sử dụng đất này đã chuyển vào tài sản của Công ty TNHH MTV T.

- Xe ô tô bán tải biển số 74K-5089 do Công an tỉnh Quảng Trị cấp ngày 01/8/2005 cho chủ xe ông Nguyễn Thế H.

Do điều kiện bà H không thể về Việt Nam nên việc mua bán các tài sản này đều do ông H đứng tên và đăng ký người sử dụng, sở hữu nhưng vẫn thuộc khối tài sản chung của vợ chồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.

Từ ngày 14/9/2010 đến ngày 19/7/2011, ông H đã sử dụng khối tài sản chung trên làm tài sản thế chấp để bảo đảm các khoản vay cho Công ty T tại Ngân hàng N - Chi nhánh huyện V. Tất cả các hợp đồng thế chấp này ông H đã đơn phương xác lập mà không được sự đồng ý của bà H. Vì vậy, bà đề nghị TAND huyện V tuyên bố vô hiệu các hợp đồng thế chấp sau:

1. Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ 3 số 01/HĐTC ngày 14/9/2010 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất với diện tích 110.500 m2; bên vay vốn: Công ty T.

2. Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ 3 số 04/HĐTC ngày 14/9/2010 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H, tài sản thế chấp là 01 ô tô Biển kiểm soát 74K-5089; bên vay vốn: Công ty T.

3. Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ 3 số 01/HĐTC ngày 12/7/2011 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất với diện tích 25.000 m2; bên vay vốn: Công ty T.

4. Hợp đồng thế chấp số 02/HĐTC ngày 19/7/2011 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là Công ty TNHH MTV T, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất với diện tích 30.580 m2.

Đến ngày 02/5/2018 bà Nguyễn Thị Kim H có đơn rút một phần yêu cầu độc lập về tuyên bố vô hiệu đối với Hợp đồng thế chấp số 02/HĐTC ngày 19/7/2011 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là Công ty TNHH MTV T.

- Tại phiên tòa, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Thế H trình bày: Ông H và bà H có quan hệ hôn nhân từ năm 1986, những tài sản có được mang tên ông là do quá trình ông và bà H làm ăn sinh sống tại Liên bang Nga từ năm 1992 đến năm 2005 tạo dựng. Thời điểm đó, do bà H đang ở Nga nên việc mua bán, chuyển nhượng chỉ một mình ông H đứng tên và khi đưa tài sản thế chấp ông H không cho bà H biết và cũng không được sự đồng ý của bà H. Do đó, ông đưa những tài sản trên thế chấp là do thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã vi phạm quyền lợi của bà H. Nay, ông yêu cầu Tòa án xét xử tuyên bố các hợp đồng thế chấp bên thứ 3 giữa ông với Ngân hàng AGRIBANK sau: Hợp đồng 01/HĐTC ngày 14/9/2010; hợp đồng số 04/HĐTC ngày 14/9/2010; hợp đồng số 01/HĐTC ngày 12/7/2011 là vô hiệu.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đại diện AGRIBANK trình bày: Công ty T có quan hệ vay vốn với AGRIBANK chi nhánh huyện V từ năm 2005 để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thu mua chế biến mủ cao su, sản xuất phân bón.

Để đảm bảo cho các khoản vay của Công ty T, ông Nguyễn Thế H đã dùng các tài sản của cá nhân ông H và Công ty thế chấp. Các tài sản thế chấp của cá nhân ông Nguyễn Thế H đều đứng tên ông Nguyễn Thế H, tại giấy xác nhận sở hữu kiêm ủy quyền vay vốn Ngân hàng có xác nhận của UBND xã V ông Nguyễn Thế H đã cam kết tài sản là của riêng ông H, ngân hàng không biết và không thể biết tài sản có liên quan đến bà Nguyễn Thị Kim H. Các hồ sơ đảm bảo tiền vay đều được ký kết trên tinh thần tự nguyện; được công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

- Đối với hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC ngày 14/9/2010 đối với thửa đất số 81, tờ bản đồ số 37, GCNQSD đất số AD 913467 cấp ngày 20/8/2007 và Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC ngày 12/7/2011 đối với thửa đất số 39/1, tờ bản đồ số 13, GCNQSD đất số AI 176466 cấp ngày 24/6/2008. Quyền sử dụng đất thế chấp đã được cấp GCNQSD đất cho bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H. Ông H đứng tên một mình trên GCNQSD đất. Theo khoản 2 Điều 27 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 quy định: “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng”.

Tại khoản 3 Điều 48 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng”.

Tại điểm b mục 3 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP cũng hướng dẫn tài sản là quyền sử dụng đất thì phải ghi tên cả vợ và chồng.

Việc cấp GCNQSD đất cho ông Nguyễn Thế H được thực hiện theo một trình tự, thủ tục luật định. Các hợp đồng thế chấp trên đã được công chứng và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp ngay cả khi tài sản thế chấp là tài sản chung của vợ chồng ông H, bà H thì các hợp đồng thế chấp trên vẫn có hiệu lực vì các lý do sau:

- Quyền sử dụng đất trên là tài sản ông H đưa vào kinh doanh. Bà H là vợ nên đương nhiên biết và buộc phải biết về việc này. Bà H biết về hoạt động kinh doanh và công ty của chồng. Tiền vay của Ngân hàng thông qua việc thế chấp quyền sử dụng đất cũng là phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Vì vậy, theo nguyên tắc chung khi tài sản của vợ hoặc chồng được đưa vào kinh doanh thì chỉ cần vợ hoặc chồng tiến hành kinh doanh một mình ký kết hợp đồng là hợp pháp.

- Bà H biết và buộc phải biết về việc ông H thế chấp tài sản chung, nhưng bà không phản đối trong một thời gian tương đối dài. Công ty đã có quan hệ vay vốn tại AGRIBANK từ cuối năm 2005 và đã dùng các tài sản trên để thế chấp Ngân hàng. Bà H đã đến Công ty T để dự kỷ niệm 5 năm ngày thành lập công ty và biết việc công ty vay vốn tại Ngân hàng, bà H cũng đã nhiều lần chuyển tiền cho ông H để hổ trợ cho Công ty T trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian của các hợp đồng thế chấp đã gần 10 năm, GCNQSD đất cũng đã giao cho Ngân hàng giữ, việc thế chấp cũng được đăng ký tại văn phòng đăng ký đất đai nhưng bà H không có ý kiến phản đối mà chờ cho đến khi Ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp mới phản đối. Sự phản đối này không có giá trị vì bà H là người có lỗi để Ngân hàng có cơ sở tin tưởng tài sản thế chấp là thuộc sở hữu riêng của ông H. Thực tế ông H cũng có văn bản khẳng định đây là tài sản riêng của ông.

- Đối với hợp đồng thế chấp số 04/HĐTC ngày 14/9/2010, tài sản thế chấp là xe bán tải biển số 74K-5089 là tài sản do một mình ông H đứng tên nên ông H có quyền tự mình đứng tên trong hợp đồng thế chấp. Hợp đồng này đã được công chứng và đăng ký thì coi như bà H đã biết nhưng không có ý kiến phản đối.

Từ những căn cứ trên, AGRIBANK yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho bên nhận thế chấp nhằm đảm bảo thu hồi vốn cho nhà nước.

Tại phiên tòa sơ thẩm, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Ông Trần Quốc L - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã V trình bày: Ông đại diện cho Ủy ban nhân dân xã V chứng thực với nội dung là ông Nguyễn Thế H có các tài sản như đất, cây cao su ở trên địa bàn xã V quản lý.

Ông Trần Phú P - Công chứng viên Văn phòng công chứng V trình bày: Ông Nguyễn Thế H đề nghị Văn phòng công chứng V công chứng các tài sản thế chấp, thì Văn phòng căn cứ vào Giấy CNQSD đất mang tên ông Nguyễn Thế H nên chỉ cần công chứng một mình ông H là đúng pháp luật.

Tại văn bản ý kiến của Phòng công chứng N trình bày: Phòng công chứng đã căn cứ theo quy định của Luật công chứng để công chứng hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3 là đúng pháp luật.

Tại văn bản trình bày ý kiến của các ông Trần Đức T, Thái Văn T trình bày: Vào các năm 2005, 2006 vợ chồng ông T và ông Th có chuyển nhượng đất cho ông Nguyễn Thế H. Khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng chỉ có một mình ông Nguyễn Thế H đứng tên. Việc chuyển nhượng đã hoàn tất, nên không còn liên quan và không có ý kiến gì.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 15/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện V đã áp dụng khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm g khoản 1 Điều 40; khoản 2 Điều 219; điểm d khoản 2 Điều 227; Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 219; Điều 122; Điều 256; Điều 258; Điều 471; Điều 473; Điều 474 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng; Điều 27; 28 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; Điểm b, khoản 3 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán; Điều 5 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Điều 12 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Án lệ số 04/2016/AL được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 06/4/2016; 08/2016/AL được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 17/10/2016, xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V.

- Buộc Công ty T nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ có trách nhiệm trả cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V số tiền 99.096.783.729.

Trong đó, nợ gốc: Số tiền 40.801.975.000 đồng, tiền lãi tính đến ngày 10/5/2018 là 58.294.808.729 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc.

Sau khi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V có nghĩa vụ trả lại tài sản đã thế chấp cho cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ.

Trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ không tự nguyện thanh toán đủ số nợ gốc và lãi suất phát sinh nói trên thì Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án phát mãi toàn bộ tài sản theo các hợp đồng thế chấp sau để thu hồi nợ.

+ Hợp đồng thế chấp số 03/HĐTC ngày 12/7/2011, tài sản là máy xúc lật bánh lốp biển số 74LA-0183 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị cấp ngày 28/9/2009 cho chủ xe Công ty T.

+ Hợp đồng thế chấp số 02/HĐTC ngày 19/7/2011, phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản số 02A1/PL ngày 19/3/2011; tài sản gắn liền với đất bao gồm: Nhà xưởng, nhà máy chế biến phân bón diện tích 1.386m2, dây chuyền máy móc thiết bị chế biến phân bón ( Hiện đã chuyển vào hoạt động tại Nhà máy sản xuất phân bón của công ty tại xã H, huyện H, tỉnh Quảng Trị theo phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản số 02A1/PL ngày 19/3/2011), bộ biến tần M440 1,5KW, trạm cân 20 tấn, cân phân tích độ ẩm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, trụ sở văn phòng công ty ( diện tích 2 x 50m2), các công trình khuôn viên nhà máy và công trình phụ trợ, nhà ở công nhân 1 (7m x 33m), nhà ở công nhân 2 (16m x 7m), tháp nước 30m3, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải (05 hố), nhà ăn và công trình phụ, cây bơm dầu và tẹc 10.000 lít. Quyền sử dụng đất có diện tích 30.580m2; Thửa đất số 197, 201; Tờ bản đồ số 37; Địa chỉ: Thôn Q, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị. Được UBND huyện V cấp GCNQSD đất số BG 411688 ngày 28/6/2011 và GCNQSD đất số BG 411689 ngày 28/6/2011 cho người sử dụng đất ông Nguyễn Thế H. Hai thửa đất này ông H dùng để góp vốn vào Công ty T. Hợp đồng góp vốn đã được công chứng và đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Quảng Trị.

+ Hợp đồng thế chấp số 05/HĐTC ngày 01/12/2011, tài sản là xe ô tô biển số 74LB-0158 do Công an tỉnh tỉnh Quảng Trị cấp ngày 16/8/2010 cho chủ xe Công ty TNHH MTV T - Hướng Hóa, là Chi nhánh của Công ty TNHH MTV T.

+ Hợp đồng thế chấp số 03/HĐTC ngày 01/12/2011, tài sản là xe ô tô con biển số 74K-4507 do Công an tỉnh Quảng Trị cấp ngày 21/11/2007 cho chủ xe Công ty T.

+ Hợp đồng thế chấp số 08/HĐTC ngày 04/4/2012, tài sản là: Nhà xưởng nhà máy chế biến cao su mủ đông (diện tích 2.376m2); Dây chuyền máy móc thiết bị chế biến mủ đông và các tài sản khác của nhà máy có trong danh mục hợp đồng thế chấp. Địa chỉ của tài sản: Thôn Q, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị.

2. Đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị Kim H về việc tuyên bố vô hiệu hợp đồng thế chấp bằng tài sản bên thứ 3 số: 02/HĐTC ngày 19/7/2011 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là Công ty T.

3. Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Kim H về việc đề nghị Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Linh, tuyên bố các hợp đồng thế chấp bên thứ 3 sau vô hiệu:

+ Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ 3 số 01/HĐTC ngày 14/9/2010 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H, bên vay vốn: Công ty T.

+ Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ 3 số 04/HĐTC ngày 14/9/2010 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H, bên vay vốn: Công ty T.

+ Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ 3 số 01/HĐTC ngày 12/7/2011 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H, bên vay vốn: Công ty T.

Ngân hàng N - Chi nhánh huyện V, tỉnh Quảng Trị có nghĩa vụ trả lại cho ông Nguyễn Thế H giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 913467 cấp ngày 20/8/2007; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 176466 cấp ngày 24/6/2008 đều mang tên ông Nguyễn Thế H và Giấy đăng ký xe ô tô số 0031 B7 biển số: 74k- 5089 do Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Trị cấp ngày 01/8/2005 mang tên Nguyễn Thế H.

4. Về án phí: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ phải chịu 207.096.784 đồng án phí DSST.

Ngân hàng N - Chi nhánh huyện V, tỉnh Quảng Trị phải chịu 200.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu độc lập tuyên vô hiệu các hợp đồng thế chấp của bà Nguyễn Thị Kim H được Tòa án chấp nhận.

Hoàn trả cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V số tiền tạm ứng án phí là 94.922.727 đồng đã nộp theo biên lai thu số 0005699 ngày 03/10/2016 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện V.

Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Kim H số tiền tạm ứng án phí là 200.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 0005597 ngày 03/6/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện V.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29/5/2018, nguyên đơn Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V kháng cáo một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số số 01/2018/KDTM-ST ngày 15/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện V, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm công nhận các hợp đồng thế chấp sau là hợp pháp và có hiệu lực gồm: Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba số 01/HĐTC ngày 14/9/2010 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H, bên vay vốn là Công ty T; Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba số 04/HĐTC ngày 14/9/2010 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H, bên vay vốn là Công ty T; Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba số 01/HĐTC ngày 12/7/2011 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H, bên vay vốn là Công ty T.

Ngày 25/5/2018, bị đơn Công ty TNHH Đ kháng cáo một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 15/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện V với lý do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự về thời hiệu khởi kiện; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng các Điều 184, Điều 185, điểm e khoản 1 Điều 127, Điều 311 của BLTTDS năm 2015 và Điều 429 BLDS năm 2015 hủy một phần bản án sơ thẩm về yêu cầu lãi suất.

Ngày 20/8/2018, bị đơn Công ty TNHH Đ có đơn kháng cáo bổ sung kháng cáo một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 15/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện V, đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng Điều 127 BLTTDS năm 2015 tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp số 08/HĐTC ngày 04/4/2012 được xác lập bởi Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh huyện V với Công ty TNHH MTV T (nay là Công ty TNHH Đ) với lý do: Hợp đồng thế chấp tài sản này được ký kết là để Ngân hàng nâng hạn mức vay từ 42,8 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng, nhưng phía Ngân hàng chưa cho vay.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT V trình bày:

Các hợp đồng mà Công ty TNHH MTV T (nay là Công ty TNHH Đ) đã thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh huyện V đã được công chứng và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật; Quá trình ông Nguyễn Thế H tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh và thế chấp các tài sản cho ngân hàng, thì bà Nguyễn Thị Kim H (vợ của ông H) đều biết về việc này. Khoản tiền vay của Ngân hàng thông qua việc thế chấp quyền sử dụng đất cũng là phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ông H. Vì vậy, theo nguyên tắc chung khi tài sản của vợ hoặc chồng được đưa vào kinh doanh thì chỉ cần vợ hoặc chồng là người trực tiếp kinh doanh một mình ký kết hợp đồng là hợp pháp. Đề nghị HĐXX công nhận các hợp đồng thế chấp sau có hiệu lực gồm: Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba số 01/HĐTC ngày 14/9/2010; Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba số 04/HĐTC ngày 14/9/2010 và Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba số 01/HĐTC ngày 12/7/2011 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng AGRIBANK và bên thế chấp là ông Nguyễn Thế H, bên vay vốn là Công ty T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử tại phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của BLTTDS. Các đương sự tham gia phiên tòa đảm bảo đúng thủ tục, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Về quan điểm giải quyết vụ án: Ngày 05/9/2018, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ một số tài sản của Công ty TNHH Đ có địa chỉ tại: Thôn M, xã Hải T - xã H, huyện H, tỉnh Quảng Trị. Sau khi thẩm định tại chỗ, thể hiện một số thiết bị của dây chuyền sản xuất phân bón và 01 máy xúc lật bánh lốp nhãn hiệu LIUGONG ZL30E màu vàng, số khung G0901584, số máy YC6B125 – T10B7617901666 có sự trùng lặp và đã được thế chấp cho cả hai ngân hàng: Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh huyện V và Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chi nhánh khu vực T - Q, nhưng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm làm rõ.

Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh huyện V yêu cầu Hội đồng xét xử đưa Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chi nhánh ngân hàng phát triển khu vực T - Q vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là có cơ sở. Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Ngân hàng phát triển Việt Nam , Chi nhánh Thừa Thiên Huế- Quảng Trị vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc Công ty TNHH MTV T (nay là Công ty TNHH Đ) phải trả cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V số tiền 99.096.783.729 đồng, nhưng chưa được cấp sơ thẩm làm rõ quá trình chuyển đổi doanh nghiệp từ Công ty TNHH MTV T sang Công ty TNHH Đ để xác định nghĩa vụ trả nợ.

Vì vậy, đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 của BLTTDS hủy bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện V để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1]. Về xác định quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH Đ phải trả số tiền gốc và lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo thẩm quyền và xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm g khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là đúng quy định của pháp luật.

[2]. Về thủ tục tố tụng: Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Trần Quốc Lương và Phòng công chứng N có đơn xin xét xử vắng mặt. Vì vậy, căn cứ vào khoản 2 Điều 227, Điều 228 của BLTTDS, HĐXX quyết định xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên tòa, Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh huyện V yêu cầu Hội đồng xét xử triệu tập thêm Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chi nhánh khu vực T - Q tham gia phiên tòa để giải quyết triệt để các tài sản có liên quan đến việc thế chấp tài sản giữa hai ngân hàng. Hội đồng xét xử thấy rằng việc đưa Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chi nhánh khu vực T - Q vào tham gia tố tụng tại giai đoạn phúc thẩm sẽ ảnh hưởng đến quyền của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh huyện V và Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chi nhánh khu vực T - Q. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu trên.

[3]. Về xác định tư cách tham gia tố tụng của bị đơn và nghĩa vụ trả nợ là Công ty TNHH Đ, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

Quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ việc Công ty TNHH một thành viên T (có địa chỉ tại: Km 8, tỉnh lộ 7, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị) chuyển đổi thành Công ty TNHH Đ ( là Công ty TNHH có từ 2 thành viên trở lên, có Địa chỉ: Thôn M, xã H, huyện H, tỉnh Quảng Trị) mà lại buộc Công ty TNHH N có nghĩa vụ trả nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V là không đúng quy định của pháp luật.

Theo Hồ sơ đăng ký kinh doanh chuyển đổi Công ty TNHH một thành viên T thành Công ty TNHH Đ, vào ngày 06/9/2013 Công ty TNHH MTV T có địa chỉ tại: Km 8, tỉnh lộ 7, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 06/09/2013/HĐHTĐT/HV-PTRTC-TA và hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa ba công ty: Công ty TNHH MTV T, Công ty cổ phần phát triển rừng T và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển H, thể hiện Công ty TNHH MTV T đã đầu tư 60 tỷ đồng tương đương 100 % vốn điều lệ. Theo đó, Công ty TNHH MTV T góp vốn 18,00 tỷ đồng (tương ứng 30% vốn điều lệ), Công ty cổ phần phát triển rừng T nhận chuyển nhượng một phần vốn góp vào Công ty TNHH MTV T với số tiền 29,40 tỷ đồng (tương ứng với 49% vốn điều lệ) và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển H nhận chuyển nhượng một phần vốn góp vào Công ty TNHH MTV T với số tiền 12,60 tỷ đồng (tương ứng với 21% vốn điều lệ), để chuyển thành Công ty TNHH Đ.

Theo Dự thảo điều lệ của Công ty TNHH Đ ngày 25/9/2013 (có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 17/10/2013), tại điểm d khoản 26.3 của Điều 26 về thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp quy định: “Trong trường hợp hợp đồng hợp tác đầu tư 06/09/2013 không được thực hiện đầy đủ như đã ký thì coi như chưa có sự góp vốn của các bên. Và đương nhiên Đại diện theo pháp luật của công ty có quyền đăng ký lại công ty theo quy định của luật Doanh nghiệp”. Điều này cũng phù hợp với điểm c khoản 3 Điều 39 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 có quy định: “Các thành viên còn lại góp đủ số vốn chưa góp theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Sau khi số vốn còn lại được góp đủ theo quy định tại khoản này, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty và công ty phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật này”. Tại phiên tòa, ông Nguyễn Thế H trình bày: Khi Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa 3 công ty được thực hiện, cả hai công ty trên góp đủ vốn 42,00 tỷ đồng cho Công ty T thì công ty sẽ trả nợ cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh huyện V, nhưng đến nay Công ty cổ phần phát triển rừng T và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển H vẫn chưa tham gia góp vốn với Công ty TNHH MTV T như đã giao kết.

Như vậy, việc Công ty cổ phần phát triển rừng T và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển H đến nay đã tham gia góp vốn với Công ty TNHH MTV T hay chưa thì chưa được Tòa án cấp sơ thẩm làm rõ. Trường hợp khi xác minh cả 2 công ty trên chưa góp đồng vốn nào như ông Nguyễn Thế H trình bày, thì yêu cầu ông H đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh trở về lại Công ty TNHH một thành viên như ban đầu hoặc yêu cầu Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Trị chuyển đổi về lại công ty cũ, khi đó mới có cơ sở buộc công ty đó thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp khi xác minh 2 công ty trên đã góp vốn như hợp đồng đã ký kết thì phải xác định nghĩa vụ trả nợ của Công ty TNHH Đ như thế nào đối với khoản nợ cũ của Công ty TNHH MTV T.

Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công ty TNHH Đ có nghĩa vụ trả nợ nhưng cũng chưa làm rõ việc đăng ký chuyển đổi thế chấp tài sản của Công ty. Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ quy định về giao dịch bảo đảm có quy định như sau: “Đối với giao dịch bảo đảm được ký kết trước khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi pháp nhân (sau đây gọi là tổ chức lại pháp nhân), mà vẫn còn hiệu lực thì các bên không phải ký kết lại giao dịch bảo đảm đó khi tổ chức lại pháp nhân.

Đối với giao dịch bảo đảm đã đăng ký thì pháp nhân mới xuất trình văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức lại pháp nhân để thực hiện đăng ký thay đổi theo quy định của pháp luật”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 323 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định”.

[4]. Về xem xét tính hợp pháp của một số Hợp đồng thế chấp tài sản:

Tại Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 05/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị, khi tiến hành xem xét, thẩm định một số tài sản của Công ty TNHH MTV T hiện đã thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh huyện V tại Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh của Công ty TNHH MTV T (Nay là Công ty TNHH Đ), địa chỉ tại thôn M, xã H và xã Hải T, huyện H, tỉnh Quảng Trị, thấy rằng:

- Tài sản 01 máy xúc lật bánh lốp màu vàng, nhãn hiệu LIUGONG ZL30E, số khung G0901584, số máy YC6B125 – T10B7617901666, biển số 74LA-0183 theo Giấy chứng nhận Đăng ký xe máy chuyên dùng số 163/XMCD mang tên chủ sở hữu Công ty TNHH MTV T do Sở giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị cấp ngày 29/9/2009, hiện đã được thế chấp theo hợp đồng thế chấp tài sản số 03/HĐTC ngày 12/7/2011 giữa Công ty TNHH MTV T và Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện V. Thế nhưng, theo tài liệu do Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chi nhánh khu vực T - Q cung cấp thì tài sản này cũng được thế chấp cho Ngân hàng này theo các hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 03/2010/HĐTCTS-NHPT ngày 30/6/2010 và phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 03/2013/PLHĐTCTS ngày 20/6/2013 giữa Công ty TNHH MTV T và Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chi nhánh khu vực T - Q .

- Dây chuyền máy móc thiết bị chế biến phân bón hiện có tại thôn M, xã H và xã Hải T, huyện H, tỉnh Quảng Trị của Công ty TNHH MTV T đã được thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Chi nhánh V theo hợp đồng thế chấp tài sản số 02/HĐTC ngày 19/7/2011, phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản số 02A1/PL ngày 19/3/2012. Tại Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 05/9/2018 ông Nguyễn Thế H và Đại diện Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chi nhánh T - Q xác định có một số thiết bị của dây chuyền máy móc thiết bị chế biến phân bón đã nêu trên trùng với Dây chuyền máy móc thiết bị chế biến phân bón đã thế chấp cho Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chi nhánh T - Q theo các hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 03/2010/HĐTCTS-NHPT ngày 30/6/2010 và phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 03/2013/PLHĐTCTS ngày 20/6/2013.

Như vậy, một số tài sản, thiết bị của Công ty TNHH MTV T đã được thế chấp cho cả hai ngân hàng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Ngân hàng phát triển Việt Nam vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xem xét tính hợp pháp của các Hợp đồng thế chấp nêu trên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Từ những phân tích trên thấy rằng, việc xác minh, thu thập chứng cứ của cấp sơ thẩm chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được và có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì vậy, cần hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Về nội dung: Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án, nên không xem xét về nội dung kháng cáo của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V, Công ty TNHH Đ.

[5] Về án phí: Nguyên đơn và bị đơn không phải chịu án phí KDTM phúc thẩm, nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310, khoản 3 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, xử:

Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 15/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Linh. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về án phí:

Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V và Công ty TNHH Đ không phải chịu án phí KDTM phúc thẩm. Hoàn trả lại cho Công ty TNHH Đ số tiền tạm ứng án phí KDTM phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 000150 ngày 30/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Hoàn trả lại cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng V số tiền tạm ứng án phí KDTM phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 000153 ngày 04/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

945
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2018/KDTM-PT ngày 19/09/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:06/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Trị
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 19/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về