Bản án 04/2019/DS-ST ngày 13/09/2019 về tranh chấp hợp đồng dân sự

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VŨ THƯ - TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 04/2019/DS-ST NGÀY 13/09/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Ngày 13 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 05/2018/TLST-DS ngày 27 tháng 6 năm 2018 về việc tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2019/QĐXXST-DS ngày 07 tháng 8 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 04/2019/QĐST-DS ngày 28 tháng 8 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn F;

Đa chỉ: Số XX, tòa nhà XY, N, phường T, quận H, Hà Nội.

Ngưi đại diện theo pháp luật: Bà Trần Thị L, sinh năm 1976, Chức vụ: Chủ tịch công ty.

Ngưi đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1991; Địa chỉ: Lô YY, khu công nghiệp V, phường H, quận H, Hà Nội. Chức vụ: Nhân viên Công ty F.

(Theo giấy ủy quyền số 25/GUQ-F ngày 20/3/2019)

- Bị đơn: Ông Nguyễn Hữu N, sinh năm: 1966.

Nơi cư trú: Thôn H, xã X, huyện V, tỉnh Thái Bình.

- NgƯời có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Anh Nguyễn Hữu T, sinh năm 1990;

Nơi cư trú: Thôn H, xã X, huyện V,, tỉnh Thái Bình.

(Chị L có mặt, ông N, anh T vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

*/ Theo đơn khởi kiện đề ngày 05/4/2018, bản tự khai, tài liệu, chứng cứ đã xuất trình và tại phiên tòa, nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày như sau:

Công ty TNHH Đào tạo và khai phát quốc tế nguồn nhân lực F (sau đây gọi tắt là Công ty F) được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày 23/6/2017. Công ty F đã ký hợp đồng dịch vụ phái cử thực tập sinh đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản số: 103/HĐ DVPC ngày 31/7/2017 với anh Nguyễn Hữu T. Theo đó anh T sẽ sang Nhật Bản học tập và thực tập kỹ năng tại Công ty Nakamura Toso do nghiệp đoàn Fuan Kuodo Kumiai quản lý. Thời gian thực hiện hợp đồng là 01 năm thực tập cấp I và 02 năm thực tập cấp II (tổng Thời gian là 03 năm). Ngày 03/8/2017 để ràng buộc trách nhiệm của thực tập sinh thực hiện theo đúng hợp đồng, anh Nguyễn Hữu T và ông Nguyễn Hữu N đã ký kết với Công ty F hợp đồng bảo lãnh đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi bỏ trốn của thực tập sinh trong thời gian thực tập tại Nhật Bản, số tiền bồi thường là 100.000.000 đồng.

Ngày 17/8/2017, anh T xuất cảnh sang Nhật Bản để thực tập. Trong quá trình thực tập anh T đã sử dụng điện thoại của Công ty để gọi điện đường dài cước phí là 36.600.000 đồng nhưng không thanh toán cước phí. Ngày 14/3/2018 anh T tự ý bỏ trốn khỏi nơi làm việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng, vi phạm hợp đồng đã ký với Công ty. Ngay sau khi anh T bỏ trốn, công ty đã thông báo về địa phương nơi cư trú và về gia đình anh T, đồng thời liên hệ với người bảo lãnh là ông Nguyễn Hữu N nhằm phối hợp, vận động anh T quay trở lại nơi làm việc hoặc để có biện pháp hỗ trợ anh T xử lý các vấn đề phát sinh nhưng ông N và gia đình anh T không phối hợp với Công ty. Sau khi không nhận được bất cứ thông tin, phản hồi nào của gia đình và anh T, ngày 14/3/2017, Nghiệp đoàn Fuan kuodo Kumiai đã có thông báo chính thức về việc bỏ trốn của thực tập sinh T tới Cục di trú Nagoya, Trung tâm lợi ích cộng đồng – Hợp tác đào tạo quốc tế. Việc anh T bỏ trốn đã gây tổn thất và thiệt hại rất lớn cho Công ty, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của công ty và bị phía đối tác Nhật Bản đòi bồi thường do thực tập sinh bỏ trốn. Việc anh T bỏ trốn có Báo cáo thực tập sinh rời khỏi nơi cư trú, hiện không rõ tung tích ngày 14/3/2018 của Đoàn thể quản lý: Fuan jigyo Kyodo Kumiai, cơ quan tiếp nhận: Nakamura Toso, có xác nhận của người ở cùng anh T và bản thân ông N cũng thừa nhận.

Căn cứ Điều 1 của Hợp đồng bảo lãnh đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi bỏ trốn của người lao động trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, Công ty F yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư:

1. Buộc ông Nguyễn Hữu N phải bồi thường cho Công ty số tiền 36.600.000 đồng tiền cước điện thoại do anh T sử dụng để Công ty hoàn trả cho phía Bưu chính Nhật Bản.

2. Buộc ông Nguyễn Hữu N phải bồi thường cho Công ty số tiền 100.000.000 đồng theo hợp đồng bảo lãnh đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi bỏ trốn của thực tập sinh Nguyễn Hữu T là con ông N trong thời gian thực tập tại Nhật Bản lập ngày 03/8/2017.

Ngày 01/8/2018, nguyên đơn rút yêu cầu đòi bồi thường số tiền 36.600.000 đồng tiền cước điện thoại do anh T đã sử dụng để công ty hoàn trả cho phía Bưu điện Nhật Bản.

Về thiệt hại của Công ty F khi anh T bỏ trốn: Hợp đồng phái cử ngày 31/7/2017, khi nhập cảnh thì thực tập sinh được hưởng trợ cấp 60.000 yên là tiền hỗ trợ học tiếng và học kỹ năng 12 tháng. Tuy nhiên thực tập sinh chỉ ở cơ quan tiếp nhận là 07 tháng, số tiền hoàn trả cho Cơ quan tiếp nhận là 60.000 yên/12 x 5 = 25.000 yên, tương đương 5.241.000 đồng; Khi bỏ trốn cơ quan phải thuê người bản địa làm thay, lương phổ thông Việt Nam sang Nhật là 132.300 yên một tháng. Lương cơ bản để trả cho người lao động Nhật Bản là 180.000 yên, số tiền chênh lệch (180.000 yên – 132.300 yên) x 5 tháng còn lại của 01 năm hợp đồng thực tập cấp 1 bằng 238.500 yên tương đương với 50.006.000 đồng. Tiền thuê nhà 20.000 yên/tháng, 05 tháng x 20.000 yên = 100.000 yên tương 20.967.000 đồng. Chi phí mua vé máy bay, khách sạn cơ quan tiếp nhận trực tiếp sang Việt Nam tuyển dụng 23.786.000 đồng. Tổng số tiền công ty phải bồi thường cho phía cơ quan Nhật Bản là 100.000.000 đồng. Tuy nhiên công ty bị thiệt hại về uy tín và thiệt hại do vi phạm tỉ lệ người lao động bỏ trốn dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Công ty, nếu tỉ lệ bỏ trốn cao Công ty sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Tuy nhiên Công ty chỉ yêu cầu ông N bồi thường cho Công ty số tiền 100.000.000 đồng như hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

*/ Biên bản lấy lời khai, chứng cứ tài liệu xuất trình tại Tòa án, tại phiên hòa giải bị đơn ông Nguyễn Hữu N trình bày: Ông thừa nhận việc có ký hợp đồng bảo lãnh với Công ty F. Khi ký, ông đã đọc kĩ hợp đồng, nhưng ông được luật sư của công ty giải thích là ký cho đầy đủ thủ tục nên ông đã ký. Tuy nhiên, việc anh T sang Nhật, do Công ty F không đảm bảo được điều kiện về công việc, về tiền lương nên anh T phải ra ngoài làm việc, sau đó bị trục xuất về nước. Đây là việc gia đình không mong muốn, do vậy ông cũng đề nghị Công ty phải có trách nhiệm với con ông và gia đình ông vì bản thân con ông và gia đình ông chịu hậu quả nặng nề về việc này. Ông đề nghị Công ty phải làm rõ trách nhiệm của Công ty với anh T và gia đình ông. Đến nay ông không có tiền để bồi thường cho Công ty. Ông yêu cầu Công ty trả cho ông số tiền 7.500 USD (tiền nộp được quy đổi ra tiền Việt để nộp) là tiền chi phí anh T đã nộp cho Công ty để làm thủ tục cho anh T sang Nhật Bản làm thực tập sinh. Về vấn đề này, Tòa án đã yêu cầu ông cung cấp chứng cứ nhiều lần để chứng minh cho yêu cầu của mình nhưng do điều kiện hoàn cảnh gia đình ông chưa đến để giao nộp được. Thực tế hiện nay, hóa đơn chứng từ về việc nộp tiền ông vẫn còn giữ, nhưng do thời gian đã lâu, ông không bảo quản được nên hóa đơn đã bị bay mất toàn bộ phần chữ ghi nội dung trong đó, do vậy ông không có gì để giao nộp cho Tòa án.

Ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn. Công ty kí hợp đồng đưa thực tập sinh sang Nhật nhưng lại không bảo đảm được điều kiện về công việc và tiền lương cho người lao động, làm cho anh T và nhiều trường hợp khác như anh T phải bỏ ra ngoài, như anh Nguyễn Văn N ở thôn N, xã N, huyện T, tỉnh Bắc Ninh. Công ty đã gửi thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh T nên việc bảo lãnh giữa ông và Công ty không còn liên quan nữa.

*/ Tại biên bản ghi lời khai ngày 10/10/2018 anh Nguyễn Hữu T trình bày: Anh có sang lao động tại Nhật Bản theo hợp đồng đã ký kết với Công ty F hết thời hạn 01 năm, anh trở về Việt Nam do đó anh không vi phạm hợp đồng nên anh không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty. Khi anh về nước bố anh thông báo với anh về việc công ty khởi kiện đòi tiền bảo lãnh, Tòa án đã thụ lý và đã gửi các giấy tờ cho bố anh và đã đưa cho anh. Anh không liên quan và không quan tâm đến Công ty vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với anh. Anh không nhận hay đọc bất cứ tài liệu gì do Tòa án gửi đến. Đề nghị Tòa án đừng gửi giấy tờ và làm phiền gia đình anh nữa. Anh T giao nộp cho Tòa án 01 Thông báo số 129 ngày 05/10/2018 của Công ty F về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ phái cử thực tập sinh đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản và 01 Biên bản đơn phương thanh lý hợp đồng dịch vụ phái cử thực tập sinh đi thực tập kỹ năng có thời hạn tại Nhật Bản ngày 05/10/2018.

* Công ty F có ý kiến tranh luận: Công ty không chấp nhận việc ông N yêu cầu Công ty hoàn trả 7500USD và giữa Công ty và ông N không có quan hệ tài chính, công ty không thu khoản tiền nào của ông N. Không có việc Công ty thu của anh T 7500USD vì khi thu Công ty có lập Phiếu thu và chỉ thu theo đúng quy định của pháp luật. Anh T cũng không có ý kiến gì về việc thu phí của Công ty, nếu khi nào anh T có yêu cầu khởi kiện Công ty sẽ tham gia tố tụng để làm rõ vấn đề này. Công ty có cử người ở bên Nhật Bản để giải quyết mọi vướng mắc của người lao động nhưng Công ty không nhận được bất kỳ ý kiến gì từ phía anh T về tiền lương và điều kiện lao động nên việc ông N trình bày Công ty đưa anh T sang Nhật Bản làm việc không đảm bảo điều kiện về công việc và tiền lương là không có cơ sở. Những người lao động làm cùng với anh T hiện vẫn đang tiếp tục thực tập và làm việc. Việc Công ty ra thông báo và biên bản đơn phương thanh lý hợp đồng với anh T là theo đúng quy định của Luật đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài và việc này không liên quan đến hiệu lực của Hợp đồng bảo lãnh với ông N.

*/Ti phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Nguyên đơn đã chấp hành đúng pháp luật trong quá trình tham gia tố tụng, bị đơn chấp hành một phần pháp luật tố tụng dân sự. Về quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các Điều 335, 336, 339, 340, 342 Bộ luật dân sự; khoản 8, Điều 7, Điều 54, 55, 56, 57 luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006. Đề nghị Tòa án chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty F. Buộc ông Nguyễn Hữu N phải bồi thường cho công ty F số tiền bảo lãnh là 100.000.000 đồng. Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty F đòi ông N bồi thường số tiền 36.600.000 đồng tiền cước điện thoại do anh T đã sử dụng. Về yêu cầu của ông N đòi Công ty F phải trả cho ông 7500 USD nhưng do ông N đưa ra yêu cầu phản tố trên sau ngày Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ nên không chấp nhận giải quyết trong vụ án này theo quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật Tố tụng dân sự. Ông N phải nộp án phí dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Tòa án nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền: Nguyên đơn có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền theo hợp đồng bảo lãnh nên xác định đây là tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh; bị đơn cư trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình do vậy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình theo quy định tại khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về thủ tục tố tụng: Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa lần thứ 2 không có lý do nên Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự, tiến hành xét xử vụ án vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

[3] Về nội dung:

[3.1] Xét Hợp đồng bảo lãnh đề ngày 03 tháng 8 năm 2017 giữa ông Nguyễn Hữu N cùng anh Nguyễn Hữu T đã ký kết với Công ty F để bảo lãnh đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi bỏ trốn của thực tập sinh trong thời gian thực tập tại Nhật Bản với nội dung:

1. Bên bảo lãnh đồng ý nhận bảo lãnh cho người được bảo lãnh là anh Nguyễn Hữu T và chịu trách nhiệm bồi thường nếu trong thời gian thực tập tại Nhật Bản mà anh Nguyễn Hữu T bỏ trốn, tự ý rời khỏi nơi thực tập dẫn đến Công ty không thể liên lạc được với người được bảo lãnh để giải quyết. (Hành vi bỏ trốn được xem là hành vi người được bảo lãnh không đến; không có mặt hoặc tự ý rời khỏi nơi thực tập trái quy định với bất ký lý do nào và có thông báo của nghiệp đoàn quản lý (cơ quan tiếp nhận; chủ sử dụng lao động) hoặc thông báo của các tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc bỏ trốn, tự ý rời khỏi nơi thực tập của người được bảo lãnh).” Số tiền bảo lãnh: Bên bảo lãnh nhận trách nhiệm bồi thường cho bên yêu cầu bảo lãnh số tiền 100.000.000 đồng cho thiệt hại do người được bảo lãnh bỏ trốn gây ra đối với bên yêu cầu bảo lãnh.

Ni dung trong hợp đồng là thỏa thuận tự nguyện của các bên và không vi phạm điều cấm của pháp luật nên hợp pháp và cần được pháp luật bảo vệ.

[3.2] Ngày 14/3/2018 anh T tự ý bỏ trốn khỏi nơi làm việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, vi phạm hợp đồng 103/HĐ DVPC ngày 31/7/2017 đã ký với Công ty F. Việc anh T bỏ trốn có Báo cáo bỏ trốn của Cơ quan tiếp nhận Nakamura Toso, có Báo cáo thực tập sinh rời khỏi nơi cư trú, hiện không rõ tung tích ngày 14/3/2018 của Đoàn thể quản lý: Fuan jigyo Kyodo Kumiai, cơ quan tiếp nhận: Nakamura Toso. Việc anh T bỏ trốn đã được ghi nhận và đăng tải công khai trên trang web của Cục quản lý lao động ngoài nước. Bị đơn ông Nguyễn Hữu N cũng thừa nhận anh T bỏ công ty do Công ty F giới thiệu ra ngoài làm việc. Do người được bảo lãnh là anh Nguyễn Hữu T đã có hành vi bỏ trốn, tự ý rời khởi nơi thực tập nên đã làm phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh đối với người bảo lãnh là ông Nguyễn Hữu N. Việc Công ty F ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng và thanh lý hợp đồng dịch vụ phái cử thực tập sinh đi thực tập kỹ năng có thời hạn tại Nhật Bản ngày 05/10/2018 không làm chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh của ông N theo hợp đồng bảo lãnh. Do vậy, cần buộc ông Nguyễn Hữu N phải thực hiện trách nhiệm bảo lãnh theo hợp đồng đã ký kết với số tiền là 100.000.000 đồng theo quy định tại Điều 335, 339, 340, 342 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 8, Điều 7, Điều 55, 56, 57 luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

[4] Ông Nguyễn Hữu N có ý kiến trình bày về việc Công ty vi phạm về nghĩa vụ bảo đảm điều kiện làm việc, lao động cho anh T ở Nhật Bản, do vậy Công ty cũng phải có trách nhiệm với người lao động là anh T và ông N yêu cầu Công ty F phải trả cho ông số tiền 7500 USD anh T đã nộp cho Công ty để được đi lao động tại Nhật Bản. Tòa án đã nhiều lần yêu cầu bị đơn cung cấp chứng cứ chứng minh cho nội dung đơn trình bày nhưng bị đơn không cung cấp được. Quá trình giải quyết vụ án anh T không đến Tòa án, không có ý kiến trình bày chi tiết, không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho ý kiến trình bày của mình nên Tòa án không có căn cứ xem xét. Mặt khác ông N đưa ra yêu cầu phản tố trên vào ngày 25/6/2019 sau ngày Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ nên không chấp nhận giải quyết trong vụ án này theo quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nếu ông N và anh T yêu cầu thì có quyền khởi kiện Công ty F bằng vụ án dân sự khác.

[5] Xét việc nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện đòi ông N bồi thường số tiền 36.600.000 đồng tiền cước điện thoại do anh T đã sử dụng để công ty hoàn trả cho phía Bưu điện Nhật Bản là tự nguyện do vậy đình chỉ giải quyết yêu cầu này. Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại yêu cầu này theo quy định của pháp luật.

[6] Về án phí: Công ty F không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Ông N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 100.000.000 đồng x 5% = 5.000.000 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 147, 161, 228, 271 và 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ vào Điều 335, 339, 340, 342 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 8, Điều 7, Điều 54, 55, 56, 57 luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006. Căn cứ vào Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

[1]. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đào tạo và Khai phát quốc tế nguồn nhân lực F; buộc ông Nguyễn Hữu N phải bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đào tạo và Khai phát quốc tế nguồn nhân lực F theo Hợp đồng bảo lãnh ngày 03/8/2017 đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi bỏ trốn, tự ý rời khỏi nơi làm việc của anh Nguyễn Hữu T số tiền là 100.000.000 đ (Một trăm triệu đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án tương ứng với thời gian chưa thi hành án tại thời điểm thanh toán, theo mức lãi xuất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

[2]. Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đào tạo và Khai phát quốc tế nguồn nhân lực F đòi ông Nguyễn Hữu N bồi thường số tiền 36.600.000 đồng tiền cước điện thoại do thực tập sinh đã sử dụng. Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại yêu cầu này theo quy định của pháp luật.

[3]. Về án phí:

Ông Nguyễn Hữu N phải chịu 5.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Trả lại Công ty trách nhiệm hữu hạn Đào tạo và Khai phát quốc tế nguồn nhân lực F 3.415.000 đồng (Ba triệu bốn trăm mười lăm nghìn đồng) đã nộp tạm ứng án phí tại biên lai số 0002988 ngày 27/6/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

[4]. Về quyền kháng cáo: Công ty trách nhiệm hữu hạn Đào tạo và Khai phát quốc tế nguồn nhân lực F được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án 13/9/2019.

Ông Nguyễn Hữu N, anh Nguyễn Hữu T được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1089
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2019/DS-ST ngày 13/09/2019 về tranh chấp hợp đồng dân sự

Số hiệu:04/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Vũ Thư - Thái Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!