Bản án 01/2020/HS-ST ngày 15/01/2020 về vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUAN SƠN, TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 01/2020/HS-ST NGÀY 15/01/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP QUÝ, HIẾM

Ngày 15 tháng 01 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 11/2019/TLST-HS ngày 20 tháng 11 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2020/QĐXXST-HS ngày 02 tháng 01 năm 2020;

Đi với bị cáo: Đỗ Quang V, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1970, tại xã Hoằng Th, huyện Hoằng H, tỉnh Thanh Hóa; Nơi cư trú: Bản B, xã M, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn:

09/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Đỗ Xuân L (đã chết) và bà Lê Thị V; Có vợ là Lê Thị Ngh và 02 con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị tạm giữ từ ngày 05/6/2019 đến ngày 11/6/2019 được thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”; Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Chị Lê Thị Ngh, sinh năm 1973; Trú tại: B, xã M, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Có mặt.

- Người làm chứng: Anh Ngân Văn L, sinh năm 1975; Trú tại: Bản B, xã N, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Vắng mặt.

- Người chứng kiến:

+ Chị Phạm Thị L, sinh năm 1976; Trú tại: Bản B, xã N, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Vắng mặt.

+ Anh Vi Văn Kh, sinh năm 1988; Trú tại: Bản B, xã M, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Vắng mặt.

+ Anh Đỗ Viết C, sinh năm 1990; Trú tại: Bản L, xã M, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 17 giờ 30 phút, ngày 05 tháng 6 năm 2019. Trong khi đang làm nhiệm vụ, Tổ công tác môi trường của Công an huyện Quan Sơn phát hiện một đối tượng đi xe mô tô, chở 02 bì xác rắn có biểu hiện nghi vấn nên Tổ công tác đã kiểm tra hành chính, phát hiện bên trong 02 bì xác rắn và 01 túi nilon màu hồng có chứa 07 (bảy) cá thể Rùa (còn sống), 01 (một) cá thể Cầy (đã chết) và 0,7 kg (không phẩy bảy kilôgam) vảy động vật nghi là vảy của loài Tê tê. Tại hiện trường, đối tượng khai nhận tên là Đỗ Quang V, sinh năm 1970, cư trú tại bản B, xã M, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tổ công tác Công an huyện Quan Sơn đã tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Đỗ Quang V và tiến hành niêm phong toàn bộ số vật chứng trên rồi đưa Đỗ Quang V cùng toàn bộ vật chứng về trụ sở Công an huyện Quan Sơn để làm việc.

Ngày 06 tháng 6 năm 2019, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Quan Sơn đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Đỗ Quang V tại bản B, xã M, huyện Quan Sơn thì phát hiện trong tủ đựng quần áo, tại phòng ngủ của Đỗ Quang V đang nuôi, nhốt 01 (một) cá thể Rùa nghi là Rùa hộp trán vàng; Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Sơn đã tiến hành lập biện bản thu giữ và niêm phong cá thể Rùa này.

Để có căn cứ xử lý vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Sơn đã tiến hành trưng cầu giám định tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đối với 07 (bảy) cá thể nghi là Rùa đầu to; 0,7 kg (không phẩy bảy kilogam) nghi là vảy Tê tê; 01 (một) cá thể nghi là Cầy và 01 cá thể Rùa nghi là Rùa hộp trán vàng.

Tại Kết luận giám định động vật số: 492/STTNSV ngày 07/6/2019 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kết luận:

- 07 (bảy) cá thể động vật (05 cá thể còn sống và 02 cá thể đã chết) là loài Rùa đầu to có tên khoa học là Platysternon megacephalum thuộc Nhóm IB (Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ và thuộc Phụ lục I (Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- 0,7 kg (không phẩy bảy kilogam) là vảy Tê tê. Các loài Tê tê thuộc họ Tê tê (Manidae), bộ Tê tê (Pholidota) đều thuộc Phụ lục I (Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) ban hành kèm theo thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- 01 (một) cá thể động vật (đã chết) là Cầy vòi mốc có tên khoa học là Paguma larvata là loài thuộc Nhóm IIB (Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/ND-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ.

- 01 (một) cá thể động vật (còn sống) là loài Rùa hộp trán vàng có tên khoa học là Cuora galbinifrons thuộc Phụ lục I (Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ) ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; đồng thời thuộc Nhóm IIB (Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/ND-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ và thuộc Phụ lục II (Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) ban hành kèm theo thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi giám định, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Sơn đã chuyển 07 (bảy) cá thể Rùa đầu to, 01 (một) cá thể Rùa hộp trán vàng và 01 (một) cá thể Cầy vòi mốc cho Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn để xử lý theo thẩm quyền. Trong quá trình đưa các cá thể rùa đi trưng cầu giám định có 02 cá thể rùa đầu to bị chết; Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn đã chuyển 05 (năm) cá thể Rùa đầu to (còn sống) và 01 (một) cá thể Rùa hộp trán vàng (còn sống) cho Vườn quốc gia Cúc Phương để quản lý, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên theo Biên bản bàn giao ngày 10/6/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn; Còn 02 (hai) cá thể rùa đầu to bị chết và 01 (một) cá thể Cầy vòi mốc do đã bị thối rữa, mang mầm bệnh nên Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn đã tiến hành tiêu hủy theo Biên bản tiêu hủy tang vật số 01/BB-THTV ngày 11/6/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn.

Khi lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Đỗ Quang V, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quan Sơn còn thu giữ 01 (một) chiếc xe mô tô hai bánh nhãn hiệu WAIT, màu xanh (đã qua sử dụng), BKS: 36K5-6439, số máy: 52FMH340003316, số khung: VPDBCH034PD403316;

Hin tại chiếc xe mô tô mang BKS: 36K5-6439 nêu trên và 0,65 kg (không phẩy sáu mươi lăm ki lô gam) vảy Tê tê hiện đang được quản lý tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quan Sơn theo biên bản giao nhận ngày 19/11/2019.

Tại cơ quan CSĐT, Đỗ Quang V khai nhận: Nguồn gốc của 07 cá thể Rùa (còn sống), 01 cá thể Cầy (đã chết) và 0,7 kg vảy động vật nghi là vảy của loài Tê tê là do V đi chợ Na Mèo vừa mua được của một người đàn ông không biết cụ thể tên, tuổi, địa chỉ ở đâu với giá 2.100.000đ (hai triệu một trăm nghìn đồng) với mục đích để làm thuốc và thực phẩm cho gia đình; Đối với 01 (một) cá thể Rùa hộp trán vàng, V bắt được ở khe suối trong rừng vào ngày 04/6/2019 rồi mang về nuôi, nhốt trong tủ ở phòng ngủ nhà mình để làm vật nuôi.

Tại Bản cáo trạng số 10/CT-VKSQS ngày 18/11/2019 Viện kiểm sát (VKS) nhân dân huyện Quan Sơn đã truy tố bị cáo Đỗ Quang V về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a và điểm d khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự (BLHS).

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Đỗ Quang V khai nhận hành vi của bị cáo đúng như nội dung Cáo trạng Viện kiểm sát truy tố.

Đại diện VKS giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX): Áp dụng các điểm a và d khoản 1 Điều 244 BLHS; Điểm s khoản 1, Khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 và Điều 38 BLHS để tuyên bị cáo Đỗ Quang V phạm tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Xử phạt: Hình phạt chính có mức án là từ 18 đến 24 tháng tù, thời hạn tù được trừ đi thời hạn bị cáo đã bị tạm giữ.

Hình phạt bổ sung: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 244 BLHS thì bị cáo Đỗ Quang V còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: “phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm..”. Tuy nhiên gia đình bị cáo Đỗ Quang V thuộc diện có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đã được chính quyền địa phương xác nhận vì gia đình bị cáo không có ai có công việc ổn định, thu nhập của gia đình bị cáo thấp và không ổn định, lại đang phải nuôi con gái đi học, việc áp dụng hình phạt bổ sung sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình bị cáo và các hình phạt bổ sung khác không phù hợp với bị cáo nên đề nghị HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng: Khoản 1, điểm a khoản 2; Điểm d Khoản 3 Điều 106 BLTTHS; điểm b khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết số 05/2018/NQ- HĐTP ngày 05/11/2018 của HĐTP TAND tối cao “Hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm của BLHS 2015”; Điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS để:

- Tuyên tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước đối với: 01 (một) chiếc xe moto hai bánh nhãn hiệu WAIT, màu xanh (đã qua sử dụng), BKS: 36K5-6439, số máy: 52FMH340003316, Số khung: VPDBCH034PD403316 là phương tiện mà Đỗ Quang V sử dụng để vận chuyển trái phép 07 (bảy) cá thể Rùa đầu to, 01 (một) cá thể Cầy vòi mốc và 0,7 kg (không phẩy bảy ki lô gam) vảy Tê tê.

- Chuyển 0,65 kg (không phẩy sáu mươi lăm ki lô gam) vày Tê tê (hiện đang bảo quản tại Chi cục THADS huyện Quan Sơn) cho Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn xử lý theo quy định;

Đi với 05 (năm) cá thể Rùa đầu to và 01 cá thể Rùa hộp trán vàng, quá trình điều tra Cơ quan CSĐT-CA huyện Quan Sơn đã giao cho Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn, sau đó Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn đã chuyển giao đến Vườn quốc gia Cúc Phương để chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên đúng theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự là đúng quy định của pháp luật.

Đi với 02 cá thể Rùa đầu to bị chết và 01 cá thể Cầy vòi mốc đã chết, bị thối rữa và mang mầm bệnh nên Cơ quan điều tra đã chuyển cho Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Về phần dân sự của vụ án hình sự: Vụ án không phát sinh vấn đề về bồi thường dân sự nên không phải giải quyết.

Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 BLTTHS và tại điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH để buộc bị cáo Đỗ Quang V phải nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Vn đề khác: Trong vụ án còn có người đàn ông đã bán 07 (bảy) cá thể Rùa đầu to; 01 (một) con Cầy vòi mốc và 0,7 kg (không phẩy bảy ki lô gam) vảy Tê tê cho Đỗ Quang V, nhưng hiện tại chưa có đủ căn cứ để xác định được danh tính của người này là ai, nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quan Sơn đã tách ra để xử lý bằng một vụ án khác khi có đủ căn cứ.

Bị cáo khai nhận hành vi phạm tội và không có ý kiến tranh luận; Lời nói sau cùng bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tn cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên: Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; Không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về tội danh: Xét thấy lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, lời khai của người làm chứng; người chứng kiến, Biên bản bắt người phạm tội quả tang, Biên bản khám xét, Kết luận giám định động vật, vật chứng thu giữ được và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, HĐXX đủ cơ sở kết luận: Đỗ Quang V đã có hành vi vận chuyển trái phép 07 (bảy) cá thể Rùa đầu to có tên khoa học là Platysternon megacephalum nhằm mục đích làm thuốc và thực phẩm trong gia đình bị bắt quả tang ngày 05/6/2019 và hành vi nuôi, nhốt 01 (một) cá thể Rùa hộp trán vàng, Vinh bắt được ở khe suối trong rừng vào ngày 04/6/2019 mang về nuôi, nhốt trong tủ ở phòng ngủ nhà mình mục đích để làm vật nuôi, bị khám xét và thu giữ ngày 06/6/2019. Theo kết luận giám định động vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kết luận: “Loài Rùa đầu to Platysternon megacephalum thuộc Nhóm IB (Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ”; “Loài Rùa hộp trán vàng Cuora galbinifrons thuộc Phụ lục I (Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ”. Do đó, hành vi của bị cáo Đỗ Quang V đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" theo quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 244 BLHS; Cáo trạng của VKS nhân dân huyện Quan Sơn truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[3] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo: Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm đến chế độ quản lý, bảo vệ môi trường. Chính sách bảo vệ, bảo tồn, quản lý động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hiện nay đang có nguy cơ tuyệt chủng, mà còn xâm phạm đến tình hình trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại cho sự ổn định và cân bằng môi trường sinh thái. Trong khi toàn xã hội đang ra sức làm nhiều biện pháp chống lại nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm trong đó có loài Rùa hộp trán vàng có tên khoa học là Cuora galbinifrons. Bị cáo ý thức được việc nuôi, nhốt trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong đó có loài Rùa hộp trán vàng là bị pháp luật nghiêm cấm và trừng trị nghiêm nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội, vì vậy cần xử phạt nghiêm, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện mới có tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo, cũng như đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung.

[4] Về nhân thân và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS): Bị cáo V là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, không có tiền án, tiền sự; quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo có bố đẻ là ông Đỗ Xuân L được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng “Kỷ niệm chương thanh niên xung phong” và có mẹ đẻ là bà Lê Thị Ven được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen “Đã có thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”; Ngoài ra, hiện bị cáo đang trực tiếp thờ cúng Liệt sỹ Đỗ Xuân Kh (là chú ruột của bị cáo), đồng thời nhận thức của bị cáo về hành vi phạm tội còn hạn chế. Do đó, cần xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS. Tuy nhiên, bị cáo đã thực hiện 02 hành vi là nuôi, nhốt trái phép 01 (một) cá thể Rùa hộp trán vàng vào ngày 04/6/2019 và hành vi vận chuyển trái phép 07 (bảy) cá thể Rùa đầu to vào ngày 05/6/2019. Nếu tách riêng lẻ từng hành vi thì mỗi hành vi này đều đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập. Do đó, Bị cáo bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: “Phạm tội 02 lần trở lên” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.

[5] Về hình phạt: Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, HĐXX xét thấy: Tuy bị cáo là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, không có tiền án tiền sự; được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS. Nhưng bị cáo phải chịu một tình tiết tăng nặng TNHS là “Phạm tội 02 lần trở lên”. Vì vậy, cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định mới có đủ điều kiện để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. HĐXX cũng xem xét và lượng giảm một phần hình phạt để bị cáo yên tâm cải tạo tốt và sớm trở về hòa nhập với cộng đồng.

[6] Về hình phạt bổ sung: Tại khoản 4 Điều 244 BLHS có quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền, nhưng xét thấy gia đình bị cáo hiện đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; Bị cáo có xác nhận của Chính quyền địa phương xã M về hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp, không có công việc ổn định nên miễn hình phạt bổ sung cho bị cáo.

[7] Về các tính tiết liên quan đến vụ án:

Đi với hành vi vận chuyển trái phép 01 (một) cá thể Cầy vòi mốc của Đỗ Quang V, theo kết luận giám định động vật của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kết luận: 01 (một) cá thể Cầy vòi mốc (tên khoa học là Paguma larvata) theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ là loài động vật (thuộc lớp thú) nguy cấp, quý, hiếm. Đỗ Quang V đã vận chuyển trái phép 01 (một) cá thể chưa đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó cần phải chuyển cho Cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính đối với hành vi này.

Đi với hành vi vận chuyển trái phép 0,7 kg (không phẩy bảy kilogam) là vảy Tê tê. Do Cơ quan giám định không xác định được trong mẫu vật trưng cầu giám định thuộc loài Tê tê nào và không xác định được số lượng cá thể; Mặt khác các quy định của pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về việc vảy Tê tê có thuộc “Sản phẩm của loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm” hay không. Do đó không có đủ căn cứ để xử lý hình sự mà cần phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính đối với hành vi vận chuyển trái phép số vảy Tê tê này.

Qúa trình điều tra bị cáo V khai báo: Nguồi gốc 07 (bảy) cá thể Rùa đầu to; 01 (một) cá thể Cầy vòi mốc và 0,7 kg (không phẩy bảy ki lô gam) vảy của loài Tê tê là do bị cáo mua tại chợ Na Mèo của một người đàn ông không quen biết, không rõ tên, tuổi, địa chỉ. Hiện tại chưa có đủ căn cứ để xác định được danh tính của người này là ai, nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quan Sơn đã tách ra để xử lý bằng một vụ án khác khi có đủ căn cứ.

Đi với hành vi nuôi, nhốt 01 (một) cá thể Rùa hộp trán vàng. Do V bắt được ở khe suối trong rừng vào ngày 04/6/2019 rồi mang về nuôi, nhốt trong tủ ở phòng ngủ nhà mình, chị Lê Thị Ngh (là vợ của V) không biết nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với chị Ngh.

Chiếc xe mô tô hai bánh, nhãn hiệu WAIT, màu xanh (đã qua sử dụng), BKS: 36K5-6439, số máy 52FMH340003316,số khung VPDBCH034PD403316 mà Bị cáo V đã sử dụng để vận chuyển trái phép số động vật khi bị bắt quả tang là xe mô tô của vợ chồng V mua từ năm 2015 và chưa sang tên; kết quả tra cứu chiếc xe mô tô trên không có trong cơ sở dữ liệu xe máy vật chứng. Chị Ngh không biết việc V sử dụng xe để vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm nên không có căn cứ để xử lý trách nhiệm. Chiếc mô tô nói trên là tài sản chung của vợ chồng nhưng chị Nghĩa xét thấy hiện nay đã cũ và hư hỏng nhiều, giá trị sử dụng còn thấp, chị Ngh đề nghị tịch thu để sung vào ngân sách nhà nước nên được xem xét chấp nhận.

[8] Về vật chứng vụ án: 02 (hai) cá thể Rùa đầu to bị chết và 01 (một) cá thể Cầy vòi mốc do đã bị thối rữa, mang mầm bệnh nên Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn đã tiến hành tiêu hủy theo quy định; 05 (năm) cá thể Rùa đầu to (còn sống) và 01 (một) cá thể Rùa hộp trán vàng (còn sống), Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn đã chuyển cho Vườn quốc gia Cúc Phương để quản lý, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ- HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Chiếc xe mô tô mà Bị cáo V đã sử dụng làm phương tiện để vận chuyển trái phép số động vật nêu trên cần tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Đi với 0,65 kg (không phẩy sáu mươi lăm ki lô gam) vảy Tê tê còn lại sau khi trích mẫu giám định, hiện đang được quản lý tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quan Sơn cần được chuyển cho Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn xử lý theo quy định của pháp luật.

[9] Về án phí: Bị cáo Đỗ Quang V phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a, d khoản 1 Điều 244; Điều 38; điểm a khoản 1 Điều 47; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự;

Căn cứ vào khoản 1, điểm a khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 106; khoản 2 Điều 136; Điều 331; Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự;

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, 1. Tuyên bố bị cáo Đỗ Quang V phạm tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm".

Xử phạt bị cáo Đỗ Quang V 18 (Mười tám) tháng tù, được trừ thời gian bị cáo đã bị tạm giữ từ ngày 05/6/2019 đến ngày 11/6/2019. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

2. Về vật chứng: Giao 05 (năm) cá thể Rùa đầu to (còn sống) có tên khoa học là Platysternon megacephalum; 01 (một) cá thể Rùa hộp trán vàng (còn sống) có tên khoa học là Cuora galbinifrons cho Vườn Quốc gia Cúc Phương để quản lý, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên theo quy định. (05 cá thể Rùa đầu to (còn sống) và 01 cá thể Rùa hộp trán vàng (còn sống) đã được giao cho Vườn Quốc gia Cúc Phương, theo Biên bản bàn giao ngày 10/6/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn);

Giao 02 (hai) cá thể Rùa đầu to (tên khoa học là Platysternon megacephalum) bị chết và 01 (một) cá thể Cầy vòi mốc (tên khoa học là Paguma larvata) đã bị thối rữa, mang mầm bệnh cho Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn tiến hành tiêu hủy theo quy định. (02 cá thể Rùa đầu to (đã chết) và 01 (một) cá thể Cầy vòi mốc bị thối rữa đã được tiêu hủy theo Biên bản tiêu hủy tang vật số 01/BB-THTV ngày 11/6/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn);

Tch thu sung vào ngân sách nhà nước 01 (một) xe máy, nhãn hiệu WAIT, màu xanh (đã qua sử dụng), BKS: 36K5-6439, số máy: 52FMH340003316, số khung: VPDBCH034PD403316; Giao 01 (một) túi ni lông màu hồng bên trong chứa vảy Tê tê, niêm phong bởi 01 (một) giấy niêm phong, trên giấy niêm phong có các chữ ký, ghi rõ họ tên của các ông: Phạm Duy Tùng, Nguyễn Hữu Tiến, Phạm Thế Cường và 03 hình dấu của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn xử lý theo quy định. (Hiện tại số vật chứng trên đang được quản lý tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quan Sơn theo biên bản giao nhận ngày 19/11/2019).

3. Về án phí: Bị cáo Đỗ Quang V phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo: Bị cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1216
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2020/HS-ST ngày 15/01/2020 về vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

Số hiệu:01/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quan Sơn - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/01/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về