Bản án 01/2019/LĐ-PT ngày 19/03/2019 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 01/2019/LĐ-PT NGÀY 19/03/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 19 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 02/2019/TLPT-LĐ ngày 21 tháng 01 năm 2019 về việc “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 42/2018/LĐ-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân thị xã TU, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 03/2019/QĐXXPT-LĐ ngày 08 tháng 3 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Việt N, sinh năm 1982; địa chỉ thường trú: Khu phố HP, phường HĐ, thị xã TA, tỉnh Bình Dương; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

2. Bị đơn: Công ty TNHH DP; địa chỉ: Xã VT, thị xã TU, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Trần Quang T, sinh năm 1976; địa chỉ: Phường 10, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh; (theo Giấy ủy quyền ngày 09/01/2019); có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

3. Người kháng cáo: Công ty TNHH DP; địa chỉ: Xã VT, thị xã TU, tỉnh Bình Dương là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 14/8/2018 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Trần Việt N (sau đây gọi tắt là ông N) trình bày: Ngày 02/01/2018, ông N với Công ty TNHH DP (sau đây gọi tắt là Công ty) ký kết Hợp đồng lao động số 01-18/026/HR-PRD xác định thời hạn 01 năm, từ ngày 02/01/2018 đến ngày 01/01/2019; địa điểm làm việc tại trụ sở của Công ty; chức vụ: Phụ trách bộ phận sản xuất với thời gian làm việc từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, sáng từ 8 giờ 00 đến 12 giờ 00 và chiều từ 13 giờ 00 đến 17 giờ 00; mức lương: 23.158.000 VND/tháng; ngoài ra có tiền ăn trưa là 500.000 đồng/tháng và hỗ trợ tiền xăng đi lại là 300.000 đồng/tháng.

Quá trình làm việc, ông N luôn chấp hành đúng nội quy của Công ty và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngày 10/3/2018, Công ty ban hành Quyết định số 003/03/QĐ-2018 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông N vì lý do theo nhu cầu thực tế của Công ty là không đúng quy định của pháp luật. Ông N liên hệ với Công ty nhưng không được Công ty giải thích phù hợp nên ông N khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty phải bồi thường cho ông N các khoản sau:

- Tiền lương trong những ngày ông N không được làm việc, tính từ ngày 12/3/2018 cho đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 12/11/2018) là: 08 tháng x 23.158.000 đồng/tháng = 185.264.000 đồng;

- Bồi thường 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động đã ký là: 02 tháng x 23.158.000 đồng/tháng = 46.316.000 đồng;

- Bồi thường 02 tháng tiền lương để chấm dứt hợp đồng lao động là: 02 tháng x 23.158.000 đồng/tháng = 46.316.000 đồng;

- Bồi thường tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày tương ứng với số tiền 23.158.000 đồng;

Tổng cộng Công ty phải bồi thường cho ông N 301.054.000 đồng (Ba trăm lẻ một triệu năm mươi bốn nghìn đồng).

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông N xác định: Theo Quyết định số 003/03/QĐ-2018 ngày 10/3/2018 thì Công ty đã giải quyết cho ông N 01 tháng lương và do đơn khởi kiện ông N yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng bị trùng nên đã yêu cầu bồi thường 04 tháng lương. Do đó, ông N xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền là 69.474.000 đồng (tương đương 03 tháng lương), không yêu cầu Công ty nhận ông N trở lại làm việc và chỉ yêu cầu Toà án giải quyết buộc Công ty bồi thường các khoản:

- Trả tiền lương những ngày ông N không được làm việc tính từ ngày 12/3/2018 đến ngày 12/11/2018 là: 08 tháng x 23.158.000 đồng/tháng = 185.264.000 đồng;

- Bồi thường 01 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là: 01 tháng x 23.158.000 đồng/tháng = 23.158.000 đồng;

- Bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước là 30 ngày tương ứng với số tiền 23.158.000 đồng;

Tổng cộng là 231.580.000 đồng (Hai trăm ba mươi mốt triệu năm trăm tám mươi nghìn đồng).

* Tại văn bản trình bày ý kiến ngày 14/4/2018 và trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn Công ty TNHH DP (sau đây gọi tắt là Công ty) trình bày: Thống nhất với lời trình bày của ông N về việc ký kết Hợp đồng lao động số 01-18/026/HR-PRD ngày 02/01/2018, đồng thời xác định: Chức vụ của ông N là phụ trách bộ phận sản xuất; mức lương chính là 23.158.000 VND/tháng; tiền ăn trưa là 500.000 đồng/tháng và hỗ trợ tiền xăng đi lại là 300.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại Công ty ông N không nghe theo lời hướng dẫn của Giám đốc kỹ thuật (ông Douglas), tự ý làm theo ý của mình dẫn đến làm hư máy của Công ty. Ông N còn lôi kéo tạo thành nhóm nhiều người nhằm chống đối ông Douglas nên Công ty cho ông N nghỉ việc. Khi ông N nghỉ việc, Công ty đã hỗ trợ cho ông N 01 tháng lương với số tiền 23.158.000 đồng. Trước yêu cầu khởi kiện của ông N, Công ty xác định: Công ty cho ông N nghỉ việc chỉ sai về quy trình xử lý do không báo trước, Công ty chỉ đồng ý hỗ trợ cho ông N số tiền 70.000.000 đồng chứ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.

Tại phiên toà sơ thẩm, Công ty cho rằng: Ông N được phân công phụ trách bộ phận sản xuất nên việc máy của Công ty bị hư là có trách nhiệm của ông N. Do đặc thù của Công ty là liên quan đến các trang thiết bị y tế (rất quan trọng và không thể để lộ bí mật) nên Công ty không thể để cho ông N tiếp tục làm việc khi ông N có thái độ chống đối. Việc Công ty cho ông N nghỉ về bản chất là đúng nên nếu ông N không đồng ý thoả thuận thì Công ty sẽ thu thập chứng cứ để khởi kiện ngược lại đối với ông N do những tổn thất mà ông N gây ra cho Công ty và không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông N.

* Tại các bản tự khai và biên bản lấy lời khai, những người làm chứng do bị đơn yêu cầu gồm ông Lê Văn K, ông Nguyễn Anh P và ông Douglas xác định: Ông Trần Việt N đã làm hư hỏng máy của Công ty, còn việc ông N có tụ họp một số người không làm việc hay không thì những người làm chứng không biết.

* Tại các bản tự khai và biên bản lấy lời khai, những người làm chứng do bị đơn yêu cầu gồm ông Đỗ Công B, ông ÊBAN và ông Nguyễn Khắc L trình bày: Không biết cụ thể về việc ông Trần Việt N làm hư hỏng máy của Công ty.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 42/2018/LĐ-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân thị xã TU đã căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 2 Điều 227, Điều 266 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm b khoản 1 Điều 22, các Điều 38, 41 và 42 của Bộ luật Lao động năm 2012; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử.

1. Đình chỉ xét xử sơ thẩm đối với số tiền 69.474.000 đồng giữa nguyên đơn ông Trần Việt N đối với bị đơn Công ty TNHH DP.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Việt N đối với bị đơn Công ty TNHH DP về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Buộc Công ty TNHH DP phải bồi thường cho ông Trần Việt N tổng số tiền 231.580.000 đồng (Hai trăm ba mươi mốt triệu năm trăm tám mươi nghìn đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về phần lãi suất do chậm thi hành án, án phí lao động sơ thẩm và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 27/11/2018, Công ty nộp đơn kháng cáo đề nghị “hủy bản án sơ thẩm số 42/2018/LĐ-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân thị xã TU, tỉnh Bình Dương đã tuyên”. Lí do: “Không tiến hành đối chất giữa nguyên đơn, bị đơn và các nhân chứng; không xem xét phần thiệt hại do nguyên đơn gây ra cho bị đơn; chưa nêu lên tiêu chí an toàn tánh mạng của đồng nghiệp cũng như tính kỹ luật của nguyên đơn”.

Ngày 05/3/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tiến hành hòa giải và hai bên đương sự đã thống nhất thỏa thuận: Công ty TNHH DP (sau đây gọi tắt là Công ty) thanh toán cho ông Trần Việt N số tiền 80.000.000 đồng trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày 05/3/2019 để kết thúc Hợp đồng lao động số 01-18/026/HR-PRD ngày 02/01/2018 đã ký.

Ngày 12/3/2019, ông Trần Việt N và người đại diện hợp pháp cho Công ty là ông Trần Quang T có đơn đề nghị Tòa án sửa bản án sơ thẩm theo hướng ghi nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự và có “đơn đề nghị xét xử vắng mặt”.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19/3/2019, hai bên đương sự đều vắng mặt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến: Quá trình thụ lý giải quyết vụ án, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Do nguyên đơn và bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án là phù hợp. Về hướng giải quyết vụ án: Tại biên bản hòa giải ngày 05/3/2019, hai bên đương sự đã thống nhất thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, theo đó: Công ty đồng ý thanh toán cho ông Trần Việt N số tiền 80.000.000 đồng để kết thúc Hợp đồng lao động số 01-18/026/HR-PRD ngày 02/01/2018 mà hai bên đã ký. Xét sự thỏa thuận của hai bên đương sự là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận, sửa bản án sơ thẩm theo hướng ghi nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ý kiến trình bày của các đương sự nêu trong đơn và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về việc giải quyết vụ án;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án tranh chấp lao động về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã TU theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Sau khi Tòa án nhân dân thị xã TU xét xử vụ án, Công ty có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án số 42/2018/LĐ-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân thị xã TU để xét xử lại.

[3] Ngày 05/3/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tiến hành tổ chức phiên hòa giải, hai bên đương sự đã thống nhất thỏa thuận: Công ty đồng ý thanh toán cho ông Trần Việt N số tiền 80.000.000 đồng để kết thúc Hợp đồng lao động số 01- 18/026/HR-PRD ngày 02/01/2018 giữa ông N với Công ty. Ngày 12/3/2019, Công ty đã thanh toán xong cho ông Trần Việt N số tiền 80.000.000 đồng nên ông N làm “đơn đề nghị Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự” và có “đơn đề nghị xét xử vắng mặt”. Cùng ngày 12/3/2019, người đại diện hợp pháp cho Công ty là ông Trần Quang T có “đơn đề nghị Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự”, theo đó Công ty thay đổi yêu cầu kháng cáo là đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự và có “đơn đề nghị xét xử vắng mặt”.

[4] Xét đơn kháng cáo của Công ty được làm trong thời hạn luật định và đã thực hiện xong nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên hợp lệ.

[5] Xét thấy sự thỏa thuận của hai bên đương sự như đã nêu tại mục [3] là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội nên Hội đồng xét xử ghi nhận; chấp nhận việc thay đổi yêu cầu kháng cáo của Công ty, sửa bản án lao động sơ thẩm theo hướng ghi nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự và sửa án phí lao động sơ thẩm. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về việc giải quyết vụ án là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 148, Điều 298, Điều 300, khoản 2 Điều 308 và Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

1. Chấp nhận sự thay đổi yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH DP. Sửa Bản án lao động sơ thẩm số 42/2018/LĐ-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân thị xã TU, tỉnh Bình Dương như sau:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 244 và Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm b khoản 1 Điều 22, các Điều 38, 41, 42 của Bộ luật Lao động và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án 1.1. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông Trần Việt N về việc buộc Công ty TNHH DP thanh toán số tiền 69.474.000 đồng.

1.2. Ghi nhận sự thỏa thuận giữa nguyên đơn ông Trần Việt N đối với bị đơn Công ty TNHH DP như sau: Công ty TNHH DP thanh toán cho ông Trần Việt N số tiền 80.000.000 đồng (Tám mươi triệu đồng) để kết thúc Hợp đồng lao động số 01-18/026/HR-PRD ngày 02/01/2018 giữa ông Trần Việt N với Công ty TNHH DP (Công ty TNHH DP đã thanh toán xong theo “Biên bản về việc giao nhận tiền ngày 12/3/2019”).

1.3. Về án phí lao động sơ thẩm: Công ty TNHH DP phải nộp 2.400.000 đồng (Hai triệu bốn trăm nghìn đồng).

2. Án phí lao động phúc thẩm: Công ty TNHH DP không phải chịu. Chi cục Thi hành án dân sự thị xã TU, tỉnh Bình Dương hoàn trả lại cho Công ty số tiền 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0014591 ngày 06/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã TU, tỉnh Bình Dương.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

676
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2019/LĐ-PT ngày 19/03/2019 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:01/2019/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 19/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về