Dự thảo án lệ 11/2020/DTAL án lệ XX/2020/AL về xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết

VỊ TRÍ NỘI DUNG ÁN LỆ: Đoạn 12, 13 và 14 phần “Nhận định của Tòa án”

Tòa án nhân dân tối cao
Dự thảo án lệ 11/2020/DTAL án lệ XX/2020/AL về xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết
KHÁI QUÁT ÁN LỆ
Người biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống.
NỘI DUNG VỤ ÁN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

DỰ THẢO ÁN LỆ 11/2020/DTAL ÁN LỆ XX/2020/AL VỀ XÁC ĐỊNH NGÀY CHẾT CỦA NGƯỜI BỊ TUYÊN BỐ LÀ ĐÃ CHẾT

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn yêu cầu và những lời khai trong quá trình giải quyết tại Tòa án, người yêu cầu - bà Phạm Thị K trình bày:

Bố đẻ của bà là cụ Phạm Văn C, sinh năm 1927, hộ khẩu thường trú tại phường B, quận H, Hà Nội, đã bỏ nhà đi từ tháng 01 năm 1997, từ đó đến nay không trở về nhà.

Từ khi cụ C bỏ nhà đi, gia đình bà K đã tìm kiếm nhiều lần nhưng không không có kết quả. Năm 2008, gia đình bà đã đăng tin tìm kiếm trên Báo Hà Nội mới, Đài truyền hình Trung Ương nhưng không có tin tức gì. Cụ C đã nghỉ hưu từ năm 1975, lương hưu của cụ C do Bảo hiểm xã hội quận H chi trả đến tháng 3 năm 1997.

Nay bà K yêu cầu Tòa án tuyên bố cụ Phạm Văn C là đã chết.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng nhất trí với bà K, yêu cầu Tòa án tuyên bố cụ Phạm Văn C là đã chết, đồng thời ủy quyền cho bà K quyết định những vấn đề có liên quan trong việc giải quyết yêu cầu tuyên bố cụ C là đã chết và nhận thay các văn bản tố tụng của Toà án.

Tại phiên họp, các đương sự giữ nguyên ý kiến và yêu cầu như trên. Đại diện Viện kiểm sát nhân nhân thành phố Hà Nội phát biểu:

Về tố tụng: Toà án đã thụ lý vụ việc đúng thẩm quyền; xác định đúng yêu cầu, tư cách của đương sự, giải quyết việc dân sự đúng thời hạn. Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng đã tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định pháp luật.

Về nội dung: Đề nghị Toà án áp dụng Điều 370 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 71, Điều 72 Bộ luật Dân sự năm 2015, chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Thị K và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, yêu cầu tuyên bố cụ Phạm Văn C là đã chết. Thời hạn tuyên bố cụ C đã chết tính từ tháng 2 năm 1999.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ việc dân sự được thẩm tra tại phiên họp; ý kiến của các đương sự và đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nhận định:

[2] Về tố tụng:

[3] Về thẩm quyền giải quyết yêu cầu:

[4] Ngày 23 tháng 10 năm 2018, bà Phạm Thị K có đơn yêu cầu tuyên bố cụ Phạm Văn C (là bố đẻ của bà K) đã chết, đây là “yêu cầu tuyên bố một người là đã chết” theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong số các con của cụ C là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, có ông Phạm Ngọc C1, sinh năm 1955, hiện đang cư trú tại: North York, Toronto, Canada. Căn cứ khoản 3 Điều 35; điểm b khoản 1 Điều 37; điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Ngày 16-8-2019, Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã ra Quyết định số 08/2019/QĐ-CVA, chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền là đúng quy định của pháp luật.

[5] 2. Về nội dung: Căn cứ trình bày của bà Phạm Thị K và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, xét thấy:

[6] Cụ Phạm Văn C sinh năm 1927, có vợ là cụ Nguyễn Thị S1 (sinh năm 1931, đã chết năm 2015). Cụ C và cụ S1 có tám người con chung là: 1. Phạm Ngọc C1 (sinh năm 1955), 2. Phạm Thị K (sinh năm 1957), 3. Phạm Thị P (sinh năm 1959), 4. Phạm Thị M (sinh năm 1960), 5. Phạm Ngọc L (sinh năm 1962), 6. Phạm Ngọc L1 (sinh năm 1964), 7. Phạm Đức S (sinh năm 1966), 8. Phạm Thị H (sinh năm 1970). Cụ C cùng vợ và các con có hộ khẩu thường trú và sinh sống tại địa chỉ phường B, quận H, thành phố Hà Nội. Năm 1975, cụ C được nghỉ chế độ hưu trí và sinh sống cùng gia đình tại địa chỉ này. Khoảng tháng 01-1997 cụ C đi khỏi nhà, gia đình không nhớ rõ cụ C đi vào ngày nào. Thời điểm cụ C đi khỏi nhà thì sức khỏe của cụ bình thường, không ốm đau, bệnh tật, cụ còn minh mẫn, tuy nhiên cụ C có tiền sử bị bệnh huyết áp cao. Trong gia đình cụ C không có mâu thuẫn với ai nên lý do cụ C đi khỏi nhà gia đình không ai biết.

[7] Công an phường B và Uỷ ban nhân dân phường B đều xác nhận, cụ Phạm Văn C đã đi khỏi địa phương và không sinh sống tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú từ năm 1997, đến nay không xác định được cụ C ở đâu, làm gì (BL 09, 103).

[8] Năm 2008, gia đình cụ C đã đăng tin tìm cụ C trên các phương tin thông tin đại chúng (BL 44, 45), thông qua Trung tâm quảng cáo, dịch vụ truyền hình và Báo Hà Nội Mới nhưng không có tin tức gì.

[9] Quá trình giải quyết đơn yêu cầu của bà K, Tòa án đã ra Quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết số 69/2019/QĐ-TA ngày 20-02-2019 và thực hiện việc đăng thông báo theo Công văn số 70/2019/CV-TA ngày 20-02-2019, thông báo tìm kiếm thông tin cụ Phạm Văn C trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao, Báo nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông báo được đăng trên số ra hàng ngày 03 lần, ba ngày liên tiếp nhưng đến nay vẫn không có thông tin xác thực việc cụ C còn sống hay đã chết.

[10] Tại Công văn số 466/BHXH.HBT ngày 25-7-2019 của Bảo hiểm xã hội quận H thể hiện, cơ quan Bảo hiểm xã hội quận H không thực hiện chi trả lương hưu cho cụ C từ tháng 02-1999 do đi vắng lâu ngày không lĩnh lương. Để làm rõ đối với việc cơ quan Bảo hiểm xã hội quận H chi trả lương hưu cho cụ C đến tháng 02-1999 nhằm xác định tin tức cuối cùng của cụ C. Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi cơ quan Bảo hiểm quận H và thành phố Hà Nội. Ngày 13-11-2019, Bảo hiểm xã hội thành phố H có Công văn số 4888/BHXH-KHTC, nội dung thể hiện: “Từ tháng 5-1997 đến tháng 01-1999, ông Phạm Văn C không lĩnh lương hưu tại nơi cư trú (phường B, quận H), toàn bộ số tiền ông Phạm Văn C chưa nhận, đại diện chi trả phường B đã hoàn trả cho Bảo hiểm xã hội quận H. Từ tháng 02-1999, Bảo hiểm xã hội quận H đã tạm dừng in danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với ông Phạm Văn C”. Như vậy việc chi trả lương hưu cho cụ C chỉ được thực hiện đến hết tháng 4-1997.

[11] Tại phiên toà bà K trình bày, việc nhận lương hưu của cụ C do cụ C và cụ S1 (vợ cụ C) trực tiếp nhận, anh chị em của bà K không có ai nhận thay.

[12] Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ nêu trên thấy phù hợp với trình bày của bà K và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do vậy có cơ sở xác định, cụ C đã biệt tích từ năm 1997 đến nay không có tin tức gì xác thực cụ C còn sống hay đã chết. Căn cứ vào văn bản trả lời của cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố H nêu trên, có cơ sở xác định tin tức cuối cùng về cụ C là tháng 4-1997.

[13] “Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp “Biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này”. Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “…nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”.

[14] Căn cứ vào quy định nêu trên, có cơ sở xác định cụ Phạm Văn C đã chết kể từ ngày 01-5-1997.

[15] Đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, xác định cụ C đã chết từ tháng 02-1999 là không có cơ sở nên không được chấp nhận.

[16] Về án phí: Theo quy định của Luật người cao tuổiNghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bà Phạm Thị K được xác định là người cao tuổi nên được miễn tiền lệ phí giải quyết việc dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 4 Điều 27, Điều 367, Điều 370, 371, 372, 391, 393 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Căn cứ điểm d khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 71, Điều 72 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết.

1. Chấp nhận đơn yêu cầu của bà Phạm Thị K, về việc yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết đối với cụ Phạm Văn C.

2. Tuyên bố cụ Phạm Văn C, sinh năm 1927; Hộ khẩu thường trú: phường B, quận H, thành phố Hà Nội, đã chết kể từ ngày 01-5-1997.

3. Bà Phạm Thị K không phải nộp lệ phí giải quyết việc dân sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo, kháng nghị: Người yêu cầu, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Những người vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được giao Quyết định hoặc Quyết định được niêm yết theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[12] Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ nêu trên thấy phù hợp với trình bày của bà K và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do vậy có cơ sở xác định, cụ C đã biệt tích từ năm 1997 đến nay không có tin tức gì xác thực cụ C còn sống hay đã chết. Căn cứ vào văn bản trả lời của cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố H nêu trên, có cơ sở xác định tin tức cuối cùng về cụ C là tháng 4/1997.

[13]“Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp “Biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này”. Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “…nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”.

[14] Căn cứ vào quy định nêu trên, có cơ sở xác định cụ Phạm Văn C đã chết kể từ ngày 01-5-1997”.

Nguồn: https://anle.toaan.gov.vn