04/08/2018 15:36

Việt Nam cần một án lệ để xuyên phá "bức màn che công ty"

Việt Nam cần một án lệ để xuyên phá "bức màn che công ty"

Kể từ ngày 1-1-2018, pháp luật quy định pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi như hủy hoại môi trường, trốn thuế, không đóng bảo hiểm xã hội, sa thải người lao động trái luật... có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngoài trách nhiệm hình sự, pháp nhân còn phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại cho những sai phạm mà mình gây ra. Đó là khi khoản tiền bồi thường chỉ bằng một phần rất nhỏ, thậm chí không thấm vào đâu so với tài sản hiện có của công ty. Nhưng sẽ thế nào nếu khoản yêu cầu bồi thường vượt quá số tài sản hiện có, thậm chí vượt quá số tiền cam kết chịu trách nhiệm của các thành viên, cổ đông, chủ sở hữu tại thời điểm đăng ký thành lập công ty? Từ đó, không loại trừ khả năng các chủ sở hữu công ty đơn giản chỉ cần tuyên bố phá sản, phủi tay và lặng lẽ rút lui nhằm thoái thác trách nhiệm.

Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình, không chịu trách nhiệm thay cho người khác đối với nghĩa vụ dân sự do người đó thực hiện mà không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Ngoài ra, quy định tại các Điều 48, 73 và 110 Luật Doanh nghiệp 2014 một lần nữa cũng xác nhận và nhấn mạnh tính chỉ chịu trách nhiệm giới hạn của nhà đầu tư khi tham gia thành lập công ty.

Như vậy, kể từ khi được khai sinh, “tư cách pháp nhân” cho phép công ty đó được tồn tại độc lập, có số phận pháp lý, quyền và nghĩa vụ tách biệt khỏi các nhà đầu tư thành lập nên nó. Nói cách khác, khi công ty tham gia vào một giao dịch với bên thứ ba thông qua đại diện pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền, quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch chỉ ràng buộc đối với công ty, những người chủ của công ty sẽ không liên quan.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc thành lập công ty trên thực tế chỉ nhằm tạo ra vỏ bọc, lợi dụng bình phong để thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận, hoặc vì mục đích xấu khác gây hại cho xã hội? Việc thành lập công ty con có thể chỉ vì mục đích duy nhất là thực hiện một hoặc một số hoạt động mà công ty mẹ cảm thấy có nguy cơ cao phải chịu rủi ro. Họ sẽ tính toán sao cho các công ty mẹ - con sẽ được điều phối bởi cùng chủ sở hữu, thậm chí là cùng một ban giám đốc. Hoặc cố gắng làm thế nào để các đối tác không “nhận ra” rằng đây thực tế chỉ là một thực thể duy nhất hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Cốt làm sao để cho các báo cáo của công ty mẹ - công ty con có khả năng gây hiểu lầm cho bên thứ ba, gây ngộ nhận rằng họ là các thực thể pháp lý hoàn toàn độc lập và tách biệt, không liên quan gì đến nhau…

Kết quả cuối cùng là: công ty mẹ vẫn sẽ luôn thu được lợi ích kinh tế, trong khi công ty con sẽ sẵn sàng tuyên bố phá sản khi cần. Và dĩ nhiên, mọi hậu quả cùng thiệt hại sẽ để xã hội và người dân Việt Nam gánh chịu.

Trên thế giới, để đối phó với những rủi ro cao có thể tạo ra gánh nặng cho xã hội, các nhà làm luật đã dần dần tìm cách phát triển một số học thuyết pháp lý nhằm hạn chế tối đa sự lợi dụng kẽ hở pháp luật của các nhà đầu tư chỉ biết chăm chăm thu lợi về mình, mà bất chấp hậu quả, sẵn sàng phủi tay khi “có biến”. Một trong số đó là cơ chế cho phép tòa án có quyền xem xét, bỏ qua tư cách pháp nhân của một công ty để buộc những người chủ sở hữu đang cố tình lợi dụng vỏ bọc của công ty đó, phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do hành vi sai trái của mình gây ra. Học thuyết này mang tên “piercing the corporate veil” (PCV) – tạm dịch là “Xuyên phá bức màn che công ty”.

"Bức màn che" được hiểu là sự tách biệt của chủ sở hữu khỏi một công ty về mặt trách nhiệm pháp lý. Để xuyên qua được "bức màn che" này, đòi hỏi cần buộc được các chủ sở hữu của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm với công ty trong một số trường hợp.

Ở các nước theo thông luật như Anh - Mỹ, PCV là một thủ tục tư pháp, mà qua đó, tòa án sẽ không công nhận (hoặc bỏ qua) quyền miễn trừ trách nhiệm thông thường mà các cổ đông hay người góp vốn được hưởng, liên quan tới những hoạt động sai trái của công ty.

Nói một cách dễ hiểu, PCV là cơ chế pháp lý để buộc các chủ sở hữu của công ty phải chịu trách nhiệm về những hậu quả do công ty gây ra trong một số trường hợp nhất định. Một khi PCV được áp dụng,“tư cách pháp nhân” của công ty cũng như tính “chịu trách nhiệm hữu hạn” của các cổ đông, chủ sở hữu công ty sẽ bị bỏ qua.

Ở Việt Nam – một quốc gia theo hệ thống pháp luật thành văn, trong quá trình xây dựng pháp luật doanh nghiệp, cũng đã có một vài quy định mang hơi hướng “xuyên phá bức màn che công ty” được tiếp thu, cụ thể hóa. Các điều luật này ít nhiều được thể hiện ở dạng quyền “đòi đền bù thiệt hại” của người có quyền yêu cầu, qua đó buộc thành viên công ty, trong một số trường hợp, phải liên đới chịu trách nhiệm đến cùng đối với khoản tiền đền bù (trách nhiệm vô hạn).

Tuy nhiên, đáng tiếc là quy định tương tự như trên tại khoản 5, Điều 80 Luật Doanh nghiệp 2005, áp dụng cho cổ đông trong công ty cổ phần, hiện đã bị bãi bỏ. Theo quy định mới tại Điều 115, Luật Doanh nghiệp 2014 thì cổ đông (kể cả cổ đông sáng lập) sẽ không còn phải chịu trách nhiệm cá nhân trong bất kỳ trường hợp nào. Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, khoản 5, Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2014 mặc dù có nhắc đến nghĩa vụ chịu trách nhiệm cá nhân (trách nhiệm vô hạn) của thành viên công ty, nhưng chỉ là trong trường hợp nếu họ thực hiện một hành vi nhân danh công ty.

Tóm lại, dường như pháp luật công ty của Việt Nam đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong trường hợp nhà đầu tư, đầu tư ít vốn vào công ty nhưng lại tham gia các hoạt động kinh doanh tiềm ẩn các rủi ro cao, đặc biệt là các rủi ro về môi trường. Cũng chưa có bất kỳ một trường hợp nào tại Việt Nam mà tòa án cho phép áp dụng thủ tục PCV, hay tương tự, trên cơ sở vận dụng các điều luật sẵn có, có liên quan để bảo vệ xã hội, bảo vệ người dân.

Tuy chúng ta đã ban hành một số định chế pháp lý quan trọng mang tính tiền đề liên quan đến học thuyết PCV, để từ đó có thể viện dẫn như đã phân tích trên, nhưng cái thiếu lớn nhất của pháp luật Việt Nam lúc này là vẫn chưa có một án lệ nào được ban hành để pháp luật có thể thực sự đi vào đời sống, góp phần bảo vệ hữu hiệu các lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế nhanh chóng và sâu rộng như hiện nay.

Nên chăng đã đến lúc Tòa án Nhân dân Tối cao cần nhìn nhận thực tế này để có kế hoạch chọn lọc, ban hành án lệ trong thời gian tới.

Thạc sĩ, Luật sư Lương Quang Thanh

8465

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]