BỘ
XÂY DỰNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
01/2011/TT-BXD
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2011
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC TRONG
ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUY HOẠCH ĐÔ THỊ
Căn cứ Nghị định
số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch
xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/04/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định,
phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định 140/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ quy định việc bảo
vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển,
Bộ Xây dựng hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây
dựng, quy hoạch đô thị như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư
này hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong các đồ án quy hoạch
xây dựng và quy hoạch đô thị, bao gồm đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch
chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng điểm dân cư
nông thôn và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (sau đây gọi chung là quy
hoạch xây dựng).
2. Thông tư
này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan
đến việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong thông
tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Đánh giá
môi trường chiến lược (ĐMC): là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi
trường của đồ án quy hoạch xây dựng trước khi phê duyệt nhằm đưa ra phương án tối
ưu của đồ án quy hoạch xây dựng đảm bảo phát triển bền vững.
Các vấn đề
môi trường chính: là các vấn đề môi trường có thể gây tác động nghiêm trọng
đến cộng đồng trên phạm vi rộng lớn hoặc nhạy cảm với các phương án thay đổi
quy hoạch xây dựng.
Quan trắc
môi trường: là quá trình theo dõi có hệ thống về môi trường, các yếu tố tác
động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn
biến chất lượng môi trường và các tác động đối với môi trường.
Tác động
thứ cấp: là các tác động gián tiếp của các hoạt động liên quan tới môi trường
sau một quá trình phức hợp.
Tác động
tích luỹ: là tác động từ các tác động tổng hợp theo thời gian diễn ra của
hoạt động phát triển.
Xác định
phạm vi: là xác định về không gian, thời gian đánh giá tác động, vấn đề và
mục tiêu. Không gian đánh giá tác động được xác định trên cơ sở ranh giới lập
quy hoạch xây dựng và những khu vực lãnh thổ lân cận có thể chịu ảnh hưởng trực
tiếp bởi các tác động do hoạt động triển khai quy hoạch xây dựng gây ra. Thời
gian đánh giá tác động được xác định theo khoảng thời gian của giai đoạn quy hoạch
xây dựng.
Điều 3. Nguyên tắc chung
1. ĐMC là một
nội dung của đồ án quy hoạch xây dựng, được thực hiện đồng thời trong quá trình
lập đồ án quy hoạch xây dựng.
2. Các phân
tích, đánh giá và dự báo trong ĐMC tập trung vào các vấn đề môi trường chính,
các tác động tích lũy tiềm tàng nhằm để đề xuất các phương án, giải pháp nhằm
giảm thiểu, khắc phục các tác động tiêu cực đến môi trường khi thực hiện quy hoạch
xây dựng.
3. Các phương
pháp được sử dụng trong ĐMC phải có cơ sở khoa học rõ ràng, phải dựa vào các
nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào cụ thể. Các phân tích, dự báo phải dựa trên
nguồn số liệu và phương pháp dự báo cụ thể, lượng hóa tối đa các tác động và chỉ
rõ độ tin cậy của dự báo.
4. Đối với mỗi
loại quy hoạch xây dựng trên một vùng lãnh thổ, nội dung của ĐMC không được mâu
thuẫn, trùng lặp với các nội dung được nêu trong thuyết minh đồ án quy hoạch
xây dựng ở cấp cao hơn đã bao trùm trên nó. Trong trường hợp kế thừa kết quả của
các ĐMC cấp cao hơn, cần tóm tắt và trích dẫn nguồn tài liệu.
5. Việc thẩm
định nội dung của ĐMC được tiến hành đồng thời với việc thẩm định đồ án quy hoạch
xây dựng. Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng phải bao gồm các chuyên
gia có chuyên môn về ĐMC cho đồ án quy hoạch xây dựng.
Điều 4. Điều kiện năng lực và trách nhiệm của chuyên gia ĐMC
1. Các cá
nhân chủ trì thực hiện ĐMC hoặc thẩm định báo cáo ĐMC cho đồ án quy hoạch xây dựng
phải có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành quy hoạch xây dựng hoặc hạ tầng
kỹ thuật và ít nhất 05 năm hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, bảo vệ môi trường;
hoặc chuyên ngành môi trường và ít nhất 05 năm hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch
xây dựng.
2. Các cá
nhân thực hiện ĐMC phải phối hợp với các chuyên gia quy hoạch xây dựng trong
các công việc lập nhiệm vụ, thực hiện nội dung ĐMC và lồng ghép vào đồ án quy
hoạch xây dựng; chịu trách nhiệm về các kết quả phân tích, tính toán và dự báo
các tác động môi trường.
Chương II
PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ MÔI
TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC
Điều 5. Các bước tiến hành ĐMC
Phương pháp thực
hiện ĐMC trong đồ án quy hoạch xây dựng bao gồm các bước chính sau đây:
1. Điều tra,
khảo sát, thu thập thông tin, xác định phạm vi cho công tác ĐMC.
2. Xác định
các mục tiêu và vấn đề môi trường chính liên quan đến quy hoạch xây dựng.
3. Phân tích
hiện trạng và diễn biến môi trường khi chưa lập quy hoạch xây dựng.
4. Phân tích
diễn biến môi trường khi thực hiện quy hoạch xây dựng.
5. Đề xuất
các giải pháp tổng thể nhằm giảm thiểu và khắc phục tác động môi trường.
6. Lập báo
cáo ĐMC trong thuyết minh đồ án quy hoạch xây dựng.
Điều 6. Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, xác định phạm
vi ĐMC
Xác định phạm
vi ĐMC nhằm đảm bảo quá trình ĐMC tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất và
cung cấp được bức tranh toàn diện về môi trường, tránh thu thập và đưa ra những
thông tin không cần thiết. Xác định phạm vi ĐMC bao gồm:
1. Xác định
không gian và thời gian ĐMC;
2. Thu thập
các số liệu cơ bản cần điều tra. Kết quả điều tra, khảo sát, thu thập thông tin
cho công tác lập đồ án quy hoạch xây dựng được sử dụng chung cho quá trình ĐMC;
3. Xác định
các chuyên gia lĩnh vực và nội dung cần ĐMC;
4. Xác định nội
dung và lập kế hoạch tham vấn các bên có liên quan.
Điều 7. Xác định các mục tiêu và vấn đề môi trường chính liên
quan đến quy hoạch xây dựng
1. Các vấn đề
môi trường chính liên quan đến quy hoạch xây dựng phải phản ánh được thực trạng,
xu hướng và tác động môi trường có thể xảy ra. Các vấn đề môi trường chính phải
được lập thành danh mục với các mục tiêu và chỉ số môi trường cụ thể, làm cơ sở
cho việc phân tích, đánh giá các phương án quy hoạch xây dựng.
2. Việc xác định
các mục tiêu môi trường phải dựa trên các quy định của luật pháp về bảo vệ môi
trường, các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động về môi trường, các quy
chuẩn và tiêu chuẩn môi trường và các cơ sở khoa học khác.
3. Các vấn đề
môi trường chính có thể liên quan đến:
a) Điều kiện
khí hậu, địa chất, thủy văn, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
b) Các tai biến
địa chất (trượt, sạt lở đất, động đất), úng ngập, lũ lụt.
c) Sử dụng
tài nguyên (nước ngầm, đất nông nghiệp và lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản...).
d) Chất lượng
đất, chất lượng nước, chất lượng không khí, tiếng ồn.
đ) Quản lý chất
thải (nước thải, rác thải, khí thải).
e) Các vấn đề
xã hội: dân số, đói nghèo, tái định cư, sinh kế và sức khỏe cộng đồng.
g) Các vấn đề
văn hóa, di sản.
Điều 8. Phân tích hiện trạng và diễn biến môi trường khi chưa
lập quy hoạch xây dựng
1. Phân tích
hiện trạng và diễn biến môi trường khi chưa lập quy hoạch xây dựng phải tập
trung vào các vấn đề môi trường chính có liên quan, làm cơ sở để so sánh với
các biến đổi môi trường khi quy hoạch xây dựng được thực hiện.
2. Nội dung
phân tích diễn biến môi trường khi chưa lập quy hoạch xây dựng bao gồm đánh giá
hiện trạng môi trường và dự báo diễn biến môi trường khi chưa lập quy hoạch xây
dựng (gọi là “Phương án không”).
3. Khi đánh
giá hiện trạng môi trường có thể sử dụng báo cáo hiện trạng môi trường có sẵn để
tổng hợp. Dự báo diễn biến môi trường đối với “Phương án không” phải dựa trên
xu hướng trong quá khứ, hiện tại của các vấn đề môi trường và các hoạt động
phát triển sẽ dẫn đến những thay đổi môi trường trong tương lai.
Điều 9. Phân tích diễn biến môi trường khi thực hiện quy hoạch
xây dựng
1. Đánh giá các
mục tiêu và định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng: xem xét sự thống nhất,
tương thích về các mục tiêu, chỉ tiêu của định hướng quy hoạch xây dựng với các
mục tiêu, chỉ tiêu môi trường. Trong trường hợp không tương thích, cần điều chỉnh
mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch xây dựng.
2. Khi dự báo
diễn biến môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng cần làm rõ xu
hướng biến đổi môi trường có thể xảy ra khi thực hiện các nội dung của quy hoạch
xây dựng: so sánh các tác động môi trường giữa các phương án khác nhau và so
sánh với trường hợp không thực hiện quy hoạch xây dựng cũng như so sánh với các
mục tiêu môi trường đã xác định; mô tả những thay đổi về quy mô, phạm vi không
gian, thời gian, tạm thời hay lâu dài, tích cực hay tiêu cực, xác suất và tần
suất xảy ra, có hay không có tác động thứ cấp, tác động tích lũy.
Điều 10. Đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu và khắc
phục tác động, lập kế hoạch giám sát môi trường
1. Đề xuất
các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát ô nhiễm, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai
hay ứng phó sự cố môi trường có thể xảy ra trong thời gian thực hiện quy hoạch
xây dựng. Các giải pháp kỹ thuật phải được xếp thứ tự ưu tiên.
2. Nội dung kế
hoạch quản lý và giám sát môi trường được đề xuất phải bao gồm: giám sát các vấn
đề môi trường chính; mạng lưới, tần suất, chỉ số môi trường và phương pháp
quan trắc. Ưu tiên lồng ghép nội dung quan trắc môi trường của ĐMC vào hệ thống
quan trắc sẵn có tại địa phương. Chỉ đề xuất các nội dung quan trắc mới khi thực
sự cần thiết. Hoạt động quản lý và giám sát môi trường phải được lồng ghép với
hoạt động quản lý quy hoạch xây dựng.
Chương III
NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ MÔI
TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC
Ngoài các vấn
đề môi trường chính theo hướng dẫn tại Điều 7 của Thông tư này, nội dung ĐMC của
từng loại quy hoạch xây dựng cần tập trung vào các vấn đề sau:
Điều 11. Nội dung ĐMC trong quy hoạch xây dựng vùng
1. Các vấn đề
môi trường có phạm vi tác động lớn, bao gồm: sử dụng tài nguyên (đất đai, nguồn
nước, khoáng sản, rừng, cảnh quan...); áp lực phân bố dân cư, phân bố các hoạt
động kinh tế trên lãnh thổ (công nghiệp, nông nghiệp, du lịch...); môi trường
lưu vực sông; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đói nghèo, suy thoái môi trường,
thiên tai, lũ lụt.
2. Đánh giá
hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm lớn (vùng đô thị, vùng công nghiệp, vùng khai
thác khoáng sản...), các vùng bị suy thoái môi trường, các vùng bảo tồn sinh
thái cảnh quan. Xác định các nội dung bảo vệ môi trường của quy hoạch ở quy mô
vùng (cấp nước vùng, giao thông vùng, xử lý chất thải liên đô thị, bảo vệ môi
trường lưu vực sông...).
3. Dự báo xu
hướng các vấn đề môi trường do tác động của phân bố đô thị, dân cư, các hoạt động
kinh tế, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật trong vùng; nêu các vấn đề môi trường đã và
chưa được giải quyết trong đồ án quy hoạch. Đánh giá sự thống nhất giữa các
quan điểm, mục tiêu của quy hoạch xây dựng và các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ
môi trường; dự báo, so sánh tác động môi trường của các phương án quy hoạch.
4. Tổng hợp,
đề xuất, sắp xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu,
cải thiện các vấn đề môi trường còn tồn tại trong đồ án quy hoạch; đề xuất
các vùng bảo vệ môi trường (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hành lang xanh, vùng
di sản, lưu vực nguồn nước...).
Điều 12. Nội dung ĐMC trong quy hoạch chung
1. Xác định
các vấn đề môi trường chính, bức xúc trong và ngoài đô thị bao gồm: lựa chọn đất
xây dựng trong mối liên hệ với phòng tránh thiên tai và giảm thiểu úng ngập, lũ
lụt; môi trường giao thông, xây dựng và mỹ quan; tình trạng ô nhiễm không khí,
tiếng ồn; ô nhiễm sông hồ và nước ngầm; áp lực về quản lý chất thải rắn; nước
thải, thoát nước; bảo vệ di sản, các hệ sinh thái...
2. Đánh giá
hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm có ảnh hưởng trực tiếp (các khu dân cư, cơ sở
sản xuất công nghiệp, bệnh viện, khu xử lý chất thải...); các khu vực ô nhiễm;
mức độ, hậu quả ô nhiễm môi trường. Đánh giá hệ sinh thái, môi trường làng nghề,
môi trường các vùng ven đô.
3. Dự báo tác
động và diễn biến môi trường do hoạt động từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất
công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, bệnh viện, giao thông, xử lý chất thải
trên cơ sở định hướng phát triển không gian, cấu trúc đô thị, lựa chọn đất xây
dựng, mật độ dân số và phân vùng chức năng.
4. Tổng hợp,
đề xuất, xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, cải
thiện các vấn đề môi trường còn tồn tại trong đồ án quy hoạch; đề xuất các khu
vực cách ly bảo vệ môi trường (các không gian xanh, hành lang bảo vệ sông hồ,
các khu vực hạn chế phát triển...).
Điều 13. Nội dung ĐMC trong quy hoạch phân khu
1. Xác định
các vấn đề môi trường chính: chất lượng không khí, tiếng ồn, đất, nước, cây
xanh, nước ngầm, vệ sinh môi trường, điều kiện xã hội của khu vực...
2. Đánh giá
diễn biến môi trường khu vực, dự báo, so sánh các tác động môi trường của các
phương án quy hoạch trên cơ sở mật độ xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, bố trí
các khu chức năng.
3. Tổng hợp,
xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, cải thiện các
vấn đề môi trường trong đồ án quy hoạch, đề xuất các khoảng cách ly bảo vệ môi
trường cho các khu chức năng, các khu vực cấm xây dựng.
Điều 14. Nội dung ĐMC trong quy hoạch chi tiết
1. Xác định
các vấn đề môi trường chính: chất lượng không khí, giao thông và tiếng ồn, đất,
nước, cây xanh, nước ngầm, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn.
2. Đánh giá
và dự báo tác động tới môi trường khu vực của các phương án quy hoạch.
3. Tổng hợp,
sắp xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, cải thiện
các vấn đề môi trường trong đồ án quy hoạch; Đề xuất danh mục các dự án đầu tư
xây dựng cần thực hiện đánh giá tác động môi trường.
4. Đối với
quy hoạch chi tiết được lập cho dự án đầu tư xây dựng, thực hiện theo khoản 2
Điều 19 của Thông tư này.
Điều 15. Nội dung ĐMC trong quy hoạch xây dựng điểm dân cư
1. Xác định
các vấn đề môi trường chính trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng, trong
hoạt động của các điểm dân cư: chất lượng đất, nước, không khí, vệ sinh môi trường,
các vấn đề môi trường trong hoạt động tiểu thủ công nghiệp-làng nghề, canh tác,
chăn nuôi, thuỷ sản.
2. Dự báo tác
động và diễn biến môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng điểm
dân cư.
3. Tổng hợp,
xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp bảo vệ môi trường trong đồ án quy hoạch.
Điều 16. Nội dung ĐMC trong quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ
thuật
1. ĐMC của đồ
án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được thực hiện đối với các đồ án quy
hoạch chuyên ngành giao thông, cao độ nền và thoát nước mặt, cấp điện và chiếu sáng
công cộng, cấp nước, thoát nước thải, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang, thông
tin liên lạc.
2. Nội dung
ĐMC cần tập trung vào các vấn đề sau:
a) Quy hoạch
chuyên ngành giao thông: đánh giá, so sánh ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến
môi trường của các phương án lựa chọn về tuyến đường, vị trí các công trình đầu
mối (cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, nút giao thông, bến bãi đỗ xe, nhà
ga tàu điện ngầm, đường sắt); lưu lượng giao thông và ô nhiễm không khí, tiếng ồn;
các tác động xã hội liên quan đến thu hồi đất, tái định cư do mở tuyến mới hoặc
mở rộng đường; ảnh hưởng tới các công trình văn hóa-lịch sử; tác động tiêu cực
tới khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và các khu vực nhạy cảm về môi trường
do tăng khả năng tiếp cận hay chia cắt sinh cảnh; ảnh hưởng tới hệ thống nước mặt;
và tác động tới hệ thống tiêu thoát nước.
b) Quy hoạch
cao độ nền và thoát nước mặt: đánh giá, so sánh ảnh hưởng tích cực và tiêu cực
đến môi trường của các phương án lựa chọn về lưu vực thoát nước, mạng lưới
thoát và nguồn tiếp nhận nước mặt, vị trí các công trình đầu mối; ảnh hưởng của
điều kiện địa hình, địa chất công trình, địa chất thủy văn và các khu vực có
tai biến địa chất; các tiêu chí môi trường trong đánh giá, lựa chọn đất xây dựng;
những tác động do biến đổi khí hậu bao gồm cường độ, tần suất và thời gian mưa,
tác động khi có bão và nguy cơ lũ lụt liên quan và ảnh hưởng của nước biển
dâng, triều cường; mối quan hệ giữa lượng nước thoát và lũ lụt, chế độ thủy văn
của dòng chảy hạ du cũng như tỉ lệ bổ cập nước ngầm.
c) Quy hoạch
cấp điện và chiếu sáng: đánh giá, so sánh ảnh hưởng đến môi trường của các
phương án tuyến đường dây, vị trí các trạm biến áp; sự xáo trộn hệ sinh thái do
yêu cầu cách ly, an toàn của hành lang tuyến; tác động tới sức khỏe con người
do điện từ trường và chiếu sáng; các tác động xã hội liên quan đến thu hồi đất
và tái định cư do xây dựng hệ thống phân phối, truyền tải điện, an toàn giao
thông.
d) Quy hoạch
cấp nước: đánh giá, so sánh ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến môi trường của
các phương án lựa chọn nguồn cấp nước, phân vùng cấp nước, mạng và tuyến cấp nước;
các vấn đề về chất lượng nước cấp; tác động đối với dòng chảy hạ lưu và các
loài thủy sinh trong trường hợp lấy nước mặt; tác động sụt lún mặt đất và ảnh
hưởng tới chất lượng, trữ lượng nước ngầm trong trường hợp lấy nước ngầm; các
chất thải tồn dư và hóa chất của quá trình xử lý nước.
đ) Quy hoạch
thoát nước thải: đánh giá, so sánh ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến môi trường
của các phương án về nguồn tiếp nhận, khả năng chịu tải, phương án thu gom và xử
lý nước thải; chất lượng nước sau xử lý dựa trên các thông số ô nhiễm; chất thải
rắn và bùn thải của quá trình xử lý nước thải; đặc điểm nước dưới đất tại khu vực
xây dựng nhà máy xử lý nước thải và khả năng rò rỉ ô nhiễm; chế độ thủy văn và
khả năng lũ lụt tại vùng đặt nhà máy xử lý nước thải; khí thải và mùi hôi phát
sinh trong quá trình xử lý nước thải; các hóa chất độc hại tồn dư; các vi sinh
vật gây bệnh và sức khỏe của người dân cũng như an toàn lao động của cán bộ,
công nhân ngành thoát nước.
e) Quy hoạch
xử lý chất thải rắn: đánh giá, so sánh ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến môi
trường của các phương án về tuyến thu gom, vị trí, quy mô trạm trung chuyển,
khu liên hợp, cơ sở xử lý chất thải rắn, công nghệ xử lý; thành phần chất thải
rắn thông thường và nguy hại; các đặc tính của đất tại khu vực xây dựng bãi
chôn lấp và khả năng gây ô nhiễm đất; đặc điểm nước dưới đất khu vực xây dựng
cơ sở xử lý chất thải rắn và khả năng ô nhiễm nước ngầm; đặc điểm hệ thống nước
mặt, hướng dòng chảy và khoảng cách tới các cơ sở xử lý chất thải rắn; khí thải
và mùi hôi từ các cơ sở xử lý; các tác động xã hội tiêu cực tới cộng đồng dân
cư trong khu vực đặt cơ sở xử lý hoặc dọc tuyến vận chuyển rác.
g) Quy hoạch
nghĩa trang: đánh giá, so sánh ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến môi trường của
các phương án vị trí, quy mô nghĩa trang và các công trình an táng, công nghệ
táng; khoảng cách ly đến các điểm dân cư và công trình nhạy cảm; điều kiện địa
chất và đặc tính của đất tại khu vực dự kiến xây dựng nghĩa trang; chế độ thủy
văn và sự chuyển dịch các chất phân hủy trong nước ngầm; đặc điểm hệ thống nước
mặt khu vực và khoảng cách tới các nghĩa trang; các tác động xã hội liên quan đến
thu hồi đất và tái định cư do xây dựng nghĩa trang; các vấn đề tôn giáo, tâm
linh, phong tục tập quán liên quan đến công tác an táng.
h) Quy hoạch
thông tin liên lạc: đánh giá tác động của việc xây dựng và hoạt động của trạm
phát sóng và hệ thống truyền dẫn tới sức khỏe con người và môi trường; hướng
tuyến hệ thống đường dây và tác động tới hệ sinh thái; ảnh hưởng tới dòng chảy
nước mặt hoặc ô nhiễm nước ngầm do xây dựng hệ thống ngầm, trạm viba.
Chương IV
BÁO CÁO VÀ THẨM ĐỊNH BÁO
CÁO ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC
Điều 17. Các hình thức trình bày báo cáo ĐMC trong thuyết
minh đồ án quy hoạch xây dựng
1. Báo cáo
ĐMC tách riêng: áp dụng cho các đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng đặc
thù có phạm vi quy hoạch nằm trong ranh giới hành chính từ 02 tỉnh trở lên và
quy hoạch chung các thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Báo cáo là
một chương trong thuyết minh đồ án quy hoạch xây dựng: áp dụng cho các đồ án
quy hoạch xây dựng không thuộc khoản 1 của Điều này.
Điều 18. Cấu trúc và nội dung báo cáo ĐMC trong thuyết minh đồ
án quy hoạch xây dựng
Cấu trúc của
báo cáo ĐMC gồm các nội dung sau:
1. Phần mở đầu:
phạm vi và nội dung nghiên cứu, phân tích, đánh giá môi trường chiến lược; các
cơ sở khoa học của phương pháp được sử dụng trong quá trình thực hiện ĐMC.
2. Các vấn
đề và mục tiêu môi trường chính liên quan đến quy hoạch xây dựng: các vấn đề
môi trường chính; các mục tiêu môi trường đã được nêu trong các văn bản quy phạm
pháp luật, định hướng, chiến lược, kế hoạch hành động, quy chuẩn và tiêu chuẩn
liên quan đến môi trường.
3. Phân tích,
đánh giá hiện trạng và diễn biến môi trường khi không thực hiện quy hoạch
xây dựng: lượng hóa hiện trạng môi trường; dự báo diễn biến môi trường trên cơ
sở dữ liệu và các phương pháp phân tích, tính toán khoa học.
4. Phân tích,
dự báo tác động và diễn biến môi trường khi thực hiện quy hoạch xây dựng:
a) Đánh giá sự
thống nhất giữa các quan điểm, mục tiêu của quy hoạch và các mục tiêu bảo vệ
môi trường
b) Nhận diện
diễn biến và các tác động môi trường chính có thể xảy ra khi thực hiện quy hoạch
xây dựng;
c) Phân tích,
tính toán, dự báo, lượng hóa các tác động và diễn biến môi trường trên cơ sở
các dữ liệu của các phương án quy hoạch xây dựng. Các kết quả phân tích tác động
và diễn biến môi trường cho các phương án quy hoạch xây dựng phải được lập
thành bảng để so sánh và đối chiếu, làm cơ sở cho việc lựa chọn phương án quy
hoạch xây dựng;
d) Phân tích,
dự báo, lượng hóa các tác động và diễn biến môi trường trong quá trình thực hiện
quy hoạch xây dựng (đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng thuộc
các khu chức năng…), đề xuất danh mục các dự án cần thực hiện đánh giá tác động
môi trường.
đ) Các giải
pháp quy hoạch xây dựng nhằm giảm thiểu và khắc phục các tác động và diễn biến
môi trường đã được nhận diện.
5. Các giải
pháp kỹ thuật để kiểm soát ô nhiễm, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai hay ứng phó
sự cố môi trường, kiểm soát các tác động môi trường; kế hoạch quản lý và giám
sát môi trường.
6. Các bản vẽ
kèm theo:
Báo cáo ĐMC
bao gồm ít nhất 02 bản vẽ : bản đồ hiện trạng môi trường và bản đồ đánh
giá môi trường chiến lược.
a) Bản đồ hiện
trạng môi trường: thể hiện tình trạng và diễn biến các thành phần môi trường,
các vấn đề môi trường chính khi không thực hiện quy hoạch. Bản đồ phải thể hiện
các nguồn, điểm, vùng ô nhiễm chính và các thông số ô nhiễm đã được quan trắc.
Các thông số ô nhiễm được trình bày dưới dạng biểu đồ hoặc bảng biểu, có so
sánh với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
b) Bản đồ
đánh giá môi trường chiến lược: thể hiện kết quả đánh giá tác động tới các vấn
đề môi trường chính trong quá trình thực hiện quy hoạch. Bản đồ phải thể hiện kết
quả dự báo các nguồn, điểm, vùng ô nhiễm chính trong tương lai. Các thông số ô
nhiễm trình bày dưới dạng biểu đồ hoặc bảng biểu, có so sánh với tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các kết quả tính toán tải lượng ô nhiễm được dự
báo theo khung thời gian lập quy hoạch cho các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và
dài hạn. Khuyến khích thể hiện các biện pháp và phân vùng bảo vệ môi trường.
c) Tỷ lệ và
qui cách thể hiện bản vẽ thực hiện theo các qui định về hồ sơ, bản vẽ của đồ án
quy hoạch xây dựng.
Điều 19. Nội dung báo cáo ĐMC trong các đồ án quy hoạch xây dựng
trên cùng địa bàn
1. Trong trường
hợp đã có báo cáo ĐMC trong đồ án quy hoạch xây dựng cấp cao hơn, nội dung báo
cáo ĐMC trong đồ án quy hoạch cấp thấp hơn không lặp lại các nội dung ĐMC đã
nêu trong trong đồ án quy hoạch xây dựng cấp cao đã được phê duyệt. Khi đó, báo
cáo ĐMC cần có các nội dung sau:
a) Tóm tắt diễn
biến và tác động môi trường chính, các giải pháp khắc phục và giảm thiểu tác động
môi trường đã nêu trong báo cáo ĐMC trong đồ án quy hoạch xây dựng cấp cao hơn
đã được phê duyệt;
b) Tóm tắt kế
hoạch quản lý và giám sát môi trường trong báo cáo ĐMC trong đồ án quy hoạch
xây dựng cấp cao hơn đã được phê duyệt;
c) Đánh giá
hiệu quả thực hiện các giải pháp, kiến nghị đã nêu trong báo cáo ĐMC trong đồ
án quy hoạch xây dựng cấp cao hơn đã được phê duyệt và đang trong quá trình thực
hiện.
2. Trong trường
hợp quy hoạch chi tiết của các dự án đã có đầy đủ các thông tin định lượng về hệ
thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng, nội dung của
ĐMC có thể chuyển thành nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Quy trình thực hiện, nội dung báo cáo và thẩm định báo cáo ĐTM thực hiện theo
các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường.
Điều 20. Thẩm định báo cáo ĐMC
Thẩm định báo
cáo ĐMC bao gồm các nội dung sau đây:
1. Phương
pháp thực hiện và cấu trúc nội dung báo cáo;
2. Cơ sở khoa
học, nguồn tài liệu và độ tin cậy của các kết quả phân tích, tính toán, dự báo
diễn biến và tác động môi trường chính;
3. Kết quả so
sánh các diễn biến và tác động môi trường chính của các phương án quy hoạch xây
dựng, làm cơ sở lựa chọn phương án quy hoạch xây dựng;
4. Nội dung
và tính khả thi trong kế hoạch quản lý và giám sát môi trường.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lập, thẩm định và
phê duyệt quy hoạch xây dựng
1. Tổ chức,
cá nhân lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng có trách nhiệm tổ chức
thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và thực hiện nội
dung ĐMC trong đồ án quy hoạch xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Sau khi đồ
án quy hoạch xây dựng được phê duyệt và công bố, tổ chức lập quy hoạch xây dựng
chịu trách nhiệm trích báo cáo ĐMC hoặc tóm tắt báo cáo ĐMC và công bố trên
trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương, đồng thời gửi 01 bản (file
văn bản có đuôi dạng *.pdf hoặc *.doc/docx) về Bộ Xây dựng theo địa chỉ
[email protected].
Điều 22. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý
1. Vụ Kiến
trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng), Sở Xây dựng (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương), Sở Quy hoạch Kiến trúc (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) chịu trách nhiệm
thanh tra, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu ĐMC trong các đồ án quy hoạch xây dựng
thuộc phạm vi quản lý của mình.
2. Vụ Khoa học
Công nghệ và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Bộ Trưởng Bộ Xây dựng quản lý
và hướng dẫn hoạt động ĐMC, định kỳ tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ tình hình
hoạt động ĐMC trong quy hoạch xây dựng.
Điều 23. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư
này có hiệu lực thi hành kế từ ngày 15/3/2011.
3. Thông tư
này thay thế Thông tư số 10/2000/TT-BXD ngày 08/08/2000 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn
lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng.
3. Trong quá
trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị có văn bản về Bộ Xây dựng để được hướng
dẫn và xử lý.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để báo
cáo);
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước;
- Website của Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- BXD: các Cục, Vụ, Viện, Thanh tra;
- Lưu: VP, Vụ KHCN-MT (3b).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đình Toàn
|