THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 18/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 09 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG DU LỊCH, BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN CHO
KHÁCH DU LỊCH
Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế trong nước
và thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng
hộ của toàn xã hội và nỗ lực của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, du lịch
Việt Nam vẫn có bước phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sau
hơn 25 năm mở cửa, đổi mới và hội nhập, tính từ năm 1995 đến 2012: Lượng khách
du lịch quốc tế và nội địa đều tăng hơn 5 lần (khách du lịch quốc tế tăng từ
1,35 triệu lượt lên gần 7 triệu lượt; khách du lịch nội địa tăng từ gần 7 triệu
lượt lên gần 33 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch tăng gần 20 lần, đạt 160
nghìn tỷ đồng; đóng góp của ngành Du lịch vào GDP cả nước tăng từ 3% lên khoảng
6,0%. Cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý nhà nước về du lịch được đổi mới và
tăng cường, tạo ra diện mạo mới cho du lịch Việt Nam. Du lịch được đánh giá là
một trong những điểm sáng về kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh
tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc
tế đến Việt Nam có xu hướng giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng lượt khách
quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,5 triệu lượt khách, chỉ tăng 2,6% so cùng kỳ năm
2012 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2012 (tăng 13,9%
so với cùng kỳ năm 2011) và của 6 tháng đầu năm 2011 (tăng 18,1% so với cùng kỳ
năm 2010). Một trong những nguyên nhân của sự giảm sút trên là do hiện tượng lừa
đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng khách du lịch
chưa được kiểm soát và có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các địa bàn du lịch
trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ
Long (Quảng Ninh), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm
Đồng)... Những hiện tượng tiêu cực này đã, đang tác động xấu đến hình ảnh du lịch
của địa phương và du lịch của cả nước, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du
lịch Việt Nam.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do công
tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch còn nhiều bất
cập: Ở Trung ương, sự phối hợp liên ngành giữa các Bộ, ngành còn yếu, thể hiện ở
nhiều lĩnh vực nhất là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ vận
chuyển khách du lịch bằng ô tô, tàu hỏa và các phương tiện giao thông đường thủy;
thiếu lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội liên quan
đến khách du lịch; thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong việc hạn chế các vụ việc
xâm hại tính mạng, tài sản của khách du lịch có yếu tố nước ngoài; hạn chế
trong việc bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ khách du lịch; thiếu
quy định, chế tài xử phạt, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe đối với các hành
vi đeo bám, ép giá, lừa đảo khách du lịch, các vấn đề bảo vệ thương hiệu, kinh
doanh đa cấp, kinh doanh qua mạng trong lĩnh vực du lịch; thiếu các ưu đãi đầu
tư về tài chính, thuế cho một số hoạt động kinh doanh du lịch như cửa hàng kinh
doanh dịch vụ đạt chuẩn, đầu tư kinh doanh vận chuyển khách du lịch, đầu tư hệ
thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống cung cấp nước sạch... làm ảnh hưởng đến
công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Ở địa phương, công tác quản lý môi trường du lịch
còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa thể hiện đúng mức vai trò và trách nhiệm trực tiếp
của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm môi trường, văn minh du lịch, an
ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch. Sự phối hợp trong công
tác chỉ đạo, điều hành giữa Trung ương và địa phương chưa tạo được hiệu quả
tích cực nhằm xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách, thiếu
sự điều tiết tổng thể; chưa xây dựng được các trung tâm du lịch có vai trò thu
hút khách có chất lượng dịch vụ uy tín và khả năng cạnh tranh cao. Hiệu lực
công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Ban Chỉ đạo phát triển
du lịch các địa phương đối với cộng đồng địa phương và các bên tham gia hoạt động
kinh doanh du lịch còn yếu và chưa phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, một số vấn đề xã hội hiện nay như nếp
sống văn minh, ý thức pháp luật chưa nghiêm, đạo đức nghề nghiệp và các vấn đề
an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, quy hoạch đô thị cũng ảnh
hưởng sâu sắc đến chất lượng môi trường du lịch.
Để khắc phục tình trạng trên, tạo bước chuyển biến
căn bản trong việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện,
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo thực hiện quyết liệt và áp dụng các biện
pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả để tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác quản
lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, coi đây vừa là nhiệm
vụ cấp bách trước mắt, vừa là công việc thường xuyên, lâu dài nhằm xây dựng Việt
Nam trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện;
b) Giao cho một đơn vị trong ngành ở Trung ương và
địa phương thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, chịu trách
nhiệm nếu để tình trạng mất an ninh, an toàn, chèo kéo, theo bám, chèn ép khách
du lịch;
c) Tạo điều kiện, hỗ trợ các hiệp hội, tổ chức,
doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý các trung tâm mua sắm cao cấp,
khu vui chơi giải trí hiện đại, cửa hàng lưu niệm tiện nghi, thân thiện, hấp dẫn
để thu hút khách du lịch;
d) Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, phát động
sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc đấu tranh, phòng ngừa các hành vi
tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường du lịch;
đ) Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên,
đột xuất việc thực thi các quy định của pháp luật về môi trường du lịch, xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và
các địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm
pháp luật nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ
sinh tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; đề xuất,
xây dựng thống nhất mô hình cơ quan quản lý các điểm, khu du lịch;
b) Hướng dẫn các địa phương và cơ sở kinh doanh dịch
vụ du lịch triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho du khách, nâng cao
chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; chỉ đạo thực hiện việc
công nhận dịch vụ du lịch đạt chuẩn đối với các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du
lịch;
c) Đề xuất bổ sung hành vi, chế tài xử lý các hành
vi xâm hại môi trường và an toàn của khách du lịch theo hướng tăng mức xử phạt;
d) Chỉ đạo, tổ chức các Đoàn công tác liên ngành,
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa
phương vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, tháng cao điểm, tập trung tại các nhà
ga, bến cảng, khu, điểm du lịch tập trung đông khách du lịch;
đ) Tăng cường áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn
ngành; hình thành hệ thống kiểm định, đánh giá và quản lý chất lượng ngành du lịch
tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành du lịch;
e) Thực hiện điều phối liên kết phát triển sản phẩm,
dịch vụ du lịch, phát huy lợi thế của các vùng du lịch, nâng cao chất lượng dịch
vụ du lịch phục vụ khách;
g) Phát động, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển
khai các chương trình, chiến dịch cải thiện môi trường du lịch.
3. Các Bộ, ngành liên quan
a) Bộ Công an có trách nhiệm:
- Xây dựng kế hoạch hướng dẫn công an các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật
tự an toàn tại các khu, điểm du lịch;
- Chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành
vi xâm hại đến tính mạng, tài sản của khách du lịch; phối hợp với Viện kiểm sát
nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp tổ chức các phiên tòa lưu động đối với những
vụ án điểm nhằm giáo dục ý thức pháp luật, răn đe tội phạm và phát động phong
trào quần chúng phòng, chống tội phạm xâm hại đến tính mạng, tài sản của khách
du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài lợi dụng du lịch nhập cảnh
Việt Nam hoạt động trái pháp luật, lừa đảo, thao túng, ép giá, gây mất an ninh
trật tự làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch Việt Nam;
- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập lực
lượng Cảnh sát du lịch, trước mắt tập trung chỉ đạo các lực lượng có liên quan
tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch;
- Tăng cường triển khai lực lượng hình sự đặc nhiệm
tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường trung tâm, các khu, điểm du lịch và bố
trí tăng cường lực lượng Cảnh sát, ưu tiên các chiến sĩ cảnh sát có trình độ
ngoại ngữ, tác phong thân thiện tại các khu, điểm du lịch tập trung đông khách
du lịch, có nguy cơ xảy ra mất an toàn đối với du khách;
- Chỉ đạo công an cửa khẩu phát động phong trào ứng
xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, tổ chức các lớp tập huấn “nụ cười
thân thiện”.
b) Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:
- Chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng taxi, xích
lô hoạt động không phép lừa đảo, tăng giá, ép khách. Hướng dẫn cơ quan quản lý
giao thông các địa phương có phương án lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và
thiết bị in hóa đơn tiền cước cho hành khách nhằm quản lý hiệu quả xe taxi tham
gia đón, tiễn khách tại các nhà ga, bến tàu, cảng biển, bến xe; tăng cường kiểm
tra đăng kiểm các loại phương tiện phục vụ khách du lịch;
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, nâng cao chất
lượng dịch vụ vận tải hành khách, tăng cường việc tiếp cận phương tiện được an
toàn, thuận lợi, bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi tham gia giao thông, đặc
biệt chú trọng đối với giao thông đường bộ và giao thông đường thủy nội địa;
- Chỉ đạo các nhà ga, bến tàu, cảng biển, bến xe
tăng cường các phương tiện kỹ thuật, thông tin, hỗ trợ nhân lực bảo đảm môi trường
du lịch.
c) Bộ Công Thương có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan
để tăng cường công tác quản lý thị trường; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật,
nghiên cứu đề xuất tăng chế tài xử phạt các hành vi gian lận, không niêm yết
giá và không bán theo giá niêm yết, nâng giá bất hợp lý, ép giá, bán hàng giả,
hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm;
- Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền về tăng cường
công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản
lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng, dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, cơ
sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo quy định của pháp luật. Lực lượng kiểm tra,
xử lý cần có sự phối hợp của cơ quan Quản lý giá, cơ quan Thuế địa phương.
d) Bộ Tài chính có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch đề xuất hỗ trợ, tạo điều kiện ưu tiên cho doanh nghiệp về địa điểm, ưu đãi
về thuế để xây dựng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch kiểu mẫu, bảo đảm chất
lượng, phục vụ khách du lịch;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch đề xuất việc giảm thuế nhập khẩu đối với các trang thiết bị, phương tiện kỹ
thuật hiện đại, đặc chủng, đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ công tác quản lý, vận
hành các cơ sở dịch vụ du lịch, đặc biệt ưu tiên tại các cơ sở dịch vụ du lịch
tại các khu, điểm du lịch quốc gia.
- Chủ trì xử lý hoặc phối hợp với ngành Du lịch xử
lý nghiêm các hành vi vi phạm về đăng ký giá, công bố, niêm yết giá... của các
cơ sở dịch vụ;
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm: Chủ trì,
phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất dành một phần nguồn kinh
phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch cho việc đầu tư nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn,
hệ thống nước sạch phục vụ hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch lồng
ghép trong các hạng mục đầu tư xử lý chất thải hoặc bảo vệ môi trường, trước mắt
ưu tiên triển khai tại những điểm du lịch trọng điểm thu hút lượng khách du lịch
lớn đến thăm quan và nghỉ ngơi.
e) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
Chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ
đạo các ban, ngành liên quan tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm tình trạng
ăn xin, đeo bám, lợi dụng, chèn ép, lừa đảo khách du lịch; có biện pháp rà
soát, phân loại, hỗ trợ, tạo việc làm cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn
đang kiếm sống tại các điểm tham quan, du lịch.
g) Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: Chỉ
đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình, các hoạt động thông
tin cơ sở, hệ thống truyền thanh ở xã, phường đẩy mạnh công tác truyền thông, định
hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng, góp phần cải thiện môi trường
du lịch.
h) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt
Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan truyền thông khác: Phối hợp với Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã
hội về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch thông qua các bản tin thời sự, chương
trình chuyên đề và lồng ghép trong các thể loại chương trình khác.
i) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, Tổng Liên đoàn Lao động, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung ương Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội khác tích cực
tham gia vào các hoạt động cải thiện môi trường du lịch, hưởng ứng và có kế hoạch
triển khai cuộc vận động, tuyên truyền xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn
minh, thân thiện.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của các địa
phương, phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch
tại địa phương trong chỉ đạo liên ngành; tăng cường công tác quản lý bảo đảm về
an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; đồng thời có các biện pháp phòng ngừa,
ngăn chặn kịp thời các hiện tượng, vụ việc có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới môi
trường du lịch và hoạt động du lịch trên địa bàn;
b) Rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại hoạt động kinh
doanh dịch vụ du lịch tại tất cả các điểm tham quan du lịch trên địa bàn; chỉ đạo
các đơn vị liên quan nghiên cứu lắp đặt các biển báo, biển cấm đỗ xe, bán hàng
rong; chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường kiểm tra việc cấp, quản lý các
doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh liên quan đến du lịch;
c) Yêu cầu các cơ sở cung ứng dịch vụ thực hiện
niêm yết giá công khai, bán đúng giá, bảo đảm chất lượng, số lượng, trọng lượng;
chỉ đạo việc tổ chức triển khai công nhận các cơ sở dịch vụ đạt chuẩn du lịch;
d) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành
các quy định về bảo vệ trật tự xã hội, bảo đảm vệ sinh môi trường, các quy định
về quản lý giá, phí đối với dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch; kiên quyết
xử lý nghiêm các vụ việc ảnh hưởng tiêu cực đến khách du lịch tại các điểm du lịch
ở địa phương;
đ) Tại các địa bàn du lịch trọng điểm thu hút lượng
khách du lịch trên 01 triệu lượt khách/1 năm, thành lập Trung tâm hỗ trợ du
khách, thiết lập đường dây nóng, xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý phản hồi của
khách du lịch. Tăng cường cung cấp thông tin về dịch vụ tại địa phương cho du
khách qua Internet và hệ thống các ấn phẩm quảng bá du lịch;
e) Tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền, doanh nghiệp
trên địa bàn đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống cung cấp nước sạch
tại các điểm tham quan, dừng nghỉ trên địa bàn đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch
tại địa phương; phấn đấu đến hết năm 2014, tất cả các khu, điểm du lịch đều có
nhà vệ sinh đạt chuẩn và hệ thống cung ứng nước sạch;
g) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng,
nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân tự giác, tích cực
tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh
môi trường, cam kết không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi xâm hại khách
tại các khu, điểm du lịch;
h) Lắp máy ghi hình cố định tại một số địa điểm du
lịch thường xảy ra tình trạng cướp giật, bán hàng rong, ăn xin, tranh giành
khách, ép mua, ép giá, đeo bám gây phiền hà cho khách du lịch để kịp thời có biện
pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;
i) Cung cấp thông tin chính xác về y tế, an
ninh.... qua Internet và các ấn phẩm, cẩm nang du lịch để du khách lựa chọn và
có biện pháp phòng ngừa đối với các hành vi tiêu cực. Công bố công khai các địa
điểm dịch vụ phục vụ du lịch đạt chuẩn, tin cậy và khuyến cáo các địa điểm
không nên đến;
k) Tổ chức tập huấn cho nhân viên hải quan, công an
cửa khẩu; nâng cao kỹ năng giao tiếp với khách nước ngoài cho các tiểu thương,
người bán hàng tại các địa điểm tập trung khách du lịch, nhân viên taxi, xích
lô; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho
khách du lịch.
5. Phát huy vai trò, trách nhiệm của
hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch
a) Tăng cường vai trò của các Hiệp hội (Hiệp hội Du
lịch, Hiệp hội Taxi, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội Siêu thị...)
trong trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp quản lý môi trường du lịch bảo đảm
an ninh, an toàn, chống chèo kéo, ép giá khách du lịch; phát động phong trào
các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia phối hợp trong công tác giữ
gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
6. Tổ chức thực hiện
a) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ
được giao khẩn trương chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện,
thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới đối với các yêu cầu của Chỉ
thị này; định kỳ sáu (06) tháng báo cáo tình hình triển khai thực hiện và các vấn
đề phát sinh, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 20 tháng 6 và
20 tháng 12 hàng năm; kịp thời trao đổi thông tin, những vướng mắc, khó khăn
trong quá trình thực hiện về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp giải
quyết, tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có
trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp
báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả và những vướng mắc trong quá trình thực hiện,
kiến nghị biện pháp xử lý; định kỳ 6 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức
sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị này trong quý II năm 2014, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|