THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 792/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 6 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHỆ CAO ĐẾN NĂM 2020
VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ
ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13
tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01
năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển khu
công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Quy
hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU PHÁT
TRIỂN
Hình thành các khu công nghệ cao trên
toàn quốc, trong đó hạt nhân là các khu công nghệ cao quốc gia, góp phần thúc đẩy
phát triển công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương,
vùng miền; góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của
nền kinh tế; tăng nhanh hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm hàng hóa; đẩy
nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ nay đến năm 2030, thành lập mới một
số khu công nghệ cao do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầu tư xây dựng bằng
nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác nhằm đẩy mạnh thu hút đầu
tư vào lĩnh vực công nghệ cao, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy phát triển
khoa học công nghệ trong cả nước.
II. ĐỊNH HƯỚNG
PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHỆ CAO
1. Tăng cường đầu tư chiều sâu tiếp tục
hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại các khu công nghệ cao quốc
gia, bao gồm:
a) Khu Công nghệ cao Hòa Lạc;
b) Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh;
c) Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
2. Thành lập các khu công nghệ cao do tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương đầu tư xây dựng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nhất
là nguồn vốn để triển khai, bao gồm:
a) Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội, thành phố Hà
Nội;
b) Khu Công nghệ cao chuyên ngành sinh học Đồng
Nai, tỉnh Đồng Nai;
c) Khu Công nghệ cao Ascendas-Protrade, tỉnh Bình
Dương.
3. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội,
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập
khu công nghệ cao, xây dựng đề án gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định
để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với
các khu công nghệ cao; tăng cường phân công, phân cấp đối với chính quyền tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý khu công nghệ cao.
2. Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch:
a) Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch;
khuyến khích xã hội hóa và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng và
phát triển các khu công nghệ cao;
b) Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước để hoàn
thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của các khu công nghệ cao quốc gia.
c) Đối với các khu công nghệ cao do các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và
các nguồn vốn xã hội hóa, hình thức và tổng mức đầu tư sẽ do các tỉnh, thành phố
quyết định phù hợp với các quy định của pháp luật.
3. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao:
a) Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị đào tạo nguồn
nhân lực công nghệ cao trong và ngoài khu công nghệ cao; phối hợp tổ chức các
chương trình đào tạo để phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong các khu công
nghệ cao;
b) Hoàn thiện cơ chế, ban hành mới các chính sách
thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cho cán bộ quản lý và chuyên gia làm việc trong
khu công nghệ cao hoạt động khoa học công nghệ, thực hiện nghiên cứu, đào tạo
nhân lực chất lượng cao; trong đó đặc biệt là chế độ trả lương thỏa đáng cho
cán bộ quản lý, chuyên gia khoa học thực hiện nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nhân
lực chất lượng cao;
c) Tăng cường thu hút các tổ chức, cá nhân, chuyên
gia giỏi của các nước tiên tiến tham gia đầu tư, hợp tác, liên kết với khu công
nghệ cao để đào tạo cán bộ, bồi dưỡng công nhân kỹ thuật cao; đặc biệt trọng dụng,
thu hút các nhà khoa học trẻ, tài năng làm việc tại các khu công nghệ cao;
d) Xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý của Ban quản lý khu công nghệ
cao, trong đó chú trọng cán bộ quản lý khoa học công nghệ.
4. Rà soát các chính sách phát triển công nghiệp hỗ
trợ công nghệ cao để bổ sung chính sách đối với dự án đầu tư sản phẩm công nghiệp
hỗ trợ đi kèm dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong khu công nghệ cao.
5. Tăng cường liên kết trong phát triển các khu
công nghệ cao nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của khu công nghệ cao. Xây dựng định
hướng lĩnh vực công nghệ ưu tiên thu hút đầu tư đối với từng khu công nghệ cao
dựa trên tiềm lực khoa học công nghệ của địa phương.
6. Xây dựng và phát triển mối liên kết hợp tác giữa
các khu công nghệ cao với các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học và các doanh
nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên.
7. Tăng cường thông tin sâu rộng về chính sách khuyến
khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong các khu công nghệ cao, góp phần thu hút đầu
tư vào các khu công nghệ cao, đặc biệt là từ các tập đoàn đa quốc gia.
Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư chung cho các khu
công nghệ cao và tham gia Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì theo dõi, đôn đốc, triển khai thực hiện
Quy hoạch;
b) Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định
thành lập, mở rộng khu công nghệ cao hoặc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khi cần
thiết;
c) Xây dựng hệ thống thông tin toàn quốc về khu
công nghệ cao; đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu công nghệ cao.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học
và Công nghệ và các cơ quan có liên quan hướng dẫn hưởng ưu đãi hỗ trợ đầu tư;
bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ thực hiện Quy hoạch theo quy định
của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có quy hoạch xây dựng khu công nghệ cao
a) Dành đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu
công nghệ cao;
b) Thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến thành
lập các khu công nghệ cao tại địa phương;
c) Xây dựng và tổ chức triển khai quy hoạch phát
triển khu công nghệ cao tại địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Khoa học và
Công nghệ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên lập quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng
kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghệ cao đồng bộ với việc
xây dựng các khu công nghệ cao.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, KGVX (03b). PC 165
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|