Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 03/2009/TT-BKH hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất

Số hiệu: 03/2009/TT-BKH Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Người ký: Võ Hồng Phúc
Ngày ban hành: 16/04/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 03/2009/TT-BKH

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2009

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN ĐẦU TƯ DỰ ÁN CÓ SỬ DỤNG ĐẤT

Căn cứ Điều 54 của Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao tại khoản 3 Điều 34 của Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất như sau:

Phần thứ nhất.

QUY ĐỊNH CHUNG

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

1. Đầu tư dự án quan trọng được xác định trong quy hoạch ngành gắn với quyền sử dụng khu đất, quỹ đất có lợi thế về vị trí địa lý với giá trị thương mại cao có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm tham dự;

2. Đầu tư dự án có sử dụng khu đất, quỹ đất có lợi thế về vị trí địa lý với giá trị thương mại cao nằm trong quy hoạch xây dựng chi tiết theo tỷ lệ 1/2000 của địa phương;

3. Đầu tư dự án cần lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh nhà ở thương mại, bất động sản gắn với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai;

4. Đầu tư dự án có sử dụng các khu đất, quỹ đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan nhà nước, của địa phương, của doanh nghiệp nhà nước nếu không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thì có thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Thông tư này.

Đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO; các dự án lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án, chương trình xã hội hóa; các dự án lựa chọn nhà đầu tư nhưng không thu tiền sử dụng đất thì không áp dụng Thông tư này.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Tổ chức, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2. Nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

III. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Lựa chọn nhà đầu tư” là quá trình đấu thầu hoặc chỉ định thầu để xác định nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và có đề xuất về mặt kỹ thuật, về mặt tài chính là khả thi và hiệu quả nhất để thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất;

2. “Quỹ đất, khu đất” bao gồm các diện tích đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước; các diện tích đất hiện hữu thuộc quy hoạch xây dựng chi tiết của các địa phương do một hay nhiều thành phần đang quản lý, sử dụng, kể cả hộ dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước;

3. “Người có thẩm quyền” là người có quyền phê duyệt danh mục dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Người có thẩm quyền đối với dự án quan trọng quốc gia là Thủ tướng Chính phủ, đối với các dự án khác là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi được phân cấp, Hội đồng quản trị hoặc giám đốc doanh nghiệp nhà nước;

4. “Bên mời thầu” là cơ quan, tổ chức được người có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đối với các địa phương, bên mời thầu là các sở chuyên ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ hoặc bộ phận chuyên môn thuộc cấp huyện khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là người có thẩm quyền;

5. Tổ chuyên gia đấu thầu” bao gồm các cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm và am hiểu các nội dung cụ thể tương ứng của dự án được bên mời thầu thành lập hoặc lựa chọn sử dụng theo quy định để đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

6. “Giá sàn” là tổng mức đầu tư dự kiến do Bên mời thầu xác định theo mức giá trung bình nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền phê duyệt làm căn cứ để xét chọn nhà đầu tư;

7. “Hồ sơ mời thầu” là toàn bộ tài liệu sử dụng cho đấu thầu, bao gồm các yêu cầu cho một dự án làm căn cứ pháp lý cho nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu và để Tổ chuyên gia đấu thầu đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư; là căn cứ cho việc đàm phán và ký kết hợp đồng;

8. “Hồ sơ yêu cầu” là toàn bộ tài liệu sử dụng cho chỉ định thầu, bao gồm các yêu cầu cho một dự án làm căn cứ pháp lý cho nhà đầu tư được đề nghị chỉ định chuẩn bị hồ sơ đề xuất và để Tổ chuyên gia đấu thầu đánh giá hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà đầu tư được đề nghị chỉ định thầu theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, đề xuất về mặt kỹ thuật và tài chính; là căn cứ để đàm phán và ký kết hợp đồng;

9. “Hồ sơ dự thầu và hồ sơ đề xuất” là toàn bộ tài liệu được nhà đầu tư chuẩn bị và nộp cho bên mời thầu để đề xuất thực hiện đầu tư dự án theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu.

IV. CÔNG BỐ DANH MỤC DỰ ÁN CẦN LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

1. Trong phạm vi quản lý của mình và theo quy định hiện hành của pháp luật, sau khi được Hội đồng nhân dân thông qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng chi tiết của địa phương cần lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở đề nghị của Sở chuyên ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; Hội đồng quản trị hoặc giám đốc doanh nghiệp nhà nước có các khu đất, quỹ đất đang thuộc quyền quản lý, sử dụng trước đó đã được Nhà nước giao hoặc chấp thuận địa điểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai nếu không có khả năng tự đầu tư thì phê duyệt danh mục dự án cần lựa chọn nhà đầu tư.

3. Ngay sau khi có quyết định phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư, Bên mời thầu có trách nhiệm công bố trên Báo Đấu thầu 3 kỳ liên tiếp danh mục dự án này (tiếng Việt đối với đấu thầu trong nước; tiếng Việt và tiếng Anh đối với đấu thầu quốc tế). Ngoài việc đăng tải trên Báo Đấu thầu, Bên mời thầu có thể đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin của các tổ chức, cá nhân có quan tâm. Nội dung thông tin công bố phải bảo đảm tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đầu tư, trong đó phải bao gồm phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất do Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở địa phương lập.

4. Thời gian dành cho nhà đầu tư quan tâm đăng ký tham dự phải bảo đảm tối thiểu 30 ngày kể từ ngày đăng tải đầu tiên. Các nhà đầu tư quan tâm đều có quyền được đăng ký tham gia theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Bên mời thầu không được từ chối bất cứ nhà đầu tư nào cũng như không được sử dụng bất cứ điều kiện nào trái quy định để hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư.

5. Hết thời hạn đăng ký tham dự theo thông tin công bố quy định tại khoản 4 Mục này, Bên mời thầu đăng tải danh sách nhà đầu tư đăng ký tham dự trên Báo Đấu thầu và tiến hành mời thầu theo quy định tại khoản 4 Mục III Phần thứ ba của Thông tư này.

V. ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Bên mời thầu chỉ được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Có quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt;

2. Dự án thuộc danh mục đã được công bố theo quy định tại Mục IV Phần thứ nhất của Thông tư này;

3. Có phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với khu đất, quỹ đất sẽ lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư dự án;

4. Có kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt;

5. Có hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu được phê duyệt.

VI. ĐIỀU KIỆN THAM DỰ THẦU ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ

Khi có nhu cầu đầu tư đối với dự án thuộc danh mục được công bố, nhà đầu tư phải bảo đảm có đủ các điều kiện sau đây để được tham gia:

1. Có tư cách pháp nhân đối với nhà đầu tư là tổ chức hoặc có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật đối với nhà đầu tư cá nhân;

2. Có vốn thuộc sở hữu của mình dự kiến dành để đầu tư thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.

3. Có tổng mức đầu tư của dự án do nhà đầu tư tự đề xuất trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất nhưng bảo đảm không thấp hơn giá sàn theo quy định trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu. Trường hợp liên danh tham dự thầu, vốn thuộc sở hữu được tính theo tổng số vốn mà các nhà đầu tư tham gia trong liên danh cam kết vốn trong văn bản thỏa thuận liên danh;

4. Đảm bảo khả năng huy động vốn và các nguồn lực để thực hiện dự án thông qua cam kết cho vay vốn của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, tài chính;

5. Chỉ được tham dự thầu trong một đơn dự thầu theo hình thức độc lập hoặc liên danh giữa nhiều nhà đầu tư. Trường hợp liên danh, các nhà đầu tư phải có văn bản thỏa thuận quy định rõ người đứng đầu của liên danh, trách nhiệm chung và trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh;

6. Trường hợp sau khi được lựa chọn, nếu quy hoạch sử dụng khu đất, quỹ đất được điều chỉnh theo hướng tăng hệ số sử dụng đất hoặc tăng diện tích sử dụng công trình xây dựng thì nhà đầu tư phải có trách nhiệm hỗ trợ bổ sung số tiền cho Nhà nước tương ứng với giá trị gia tăng do điều chỉnh quy hoạch.

Phần thứ hai.

QUY ĐỊNH VỀ LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

I. HÌNH THỨC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ VÀ PHƯƠNG THỨC ĐẤU THẦU

1. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư

a) Đấu thầu: Việc đấu thầu được áp dụng đối với tất cả các dự án có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm đăng ký tham dự, cụ thể như sau:

- Đấu thầu quốc tế: áp dụng đối với đầu tư tất cả các dự án không thuộc diện bị cấm hoặc hạn chế đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

- Đấu thầu trong nước: áp dụng đối với đầu tư các dự án không áp dụng đấu thầu quốc tế hoặc đã tổ chức công bố danh mục dự án mà không có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tham dự.

b) Chỉ định thầu: Được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

- Trong thời hạn công bố danh mục dự án theo quy định tại Mục IV Phần thứ nhất của Thông tư này mà chỉ có duy nhất một nhà đầu tư đăng ký tham dự;

- Dự án cấp bách do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước và báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Phương thức đấu thầu

Áp dụng phương thức đấu thầu một giai đoạn với hai túi hồ sơ gồm hồ sơ đề xuất về mặt kỹ thuật (kể cả các nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư) và hồ sơ đề xuất về mặt tài chính. Hồ sơ đề xuất về mặt kỹ thuật được mở tại lễ mở thầu lần 1 theo thời điểm đóng thầu để đánh giá trước, các nhà đầu tư được đánh giá là đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và về mặt kỹ thuật mới được mở tiếp túi hồ sơ đề xuất về mặt tài chính tại lễ mở thầu lần 2 để đánh giá về mặt tài chính.

II. BẢO ĐẢM DỰ THẦU

1. Bảo đảm dự thầu là việc nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh theo yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của mình trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

2. Bảo đảm dự thầu áp dụng đối với cả hai hình thức đấu thầu và chỉ định thầu. Giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định tương đương từ 1% đến 3% giá sàn quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

3. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cộng với 30 ngày; trường hợp cần gia hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thì Bên mời thầu phải yêu cầu nhà đầu tư gia hạn thời gian có hiệu lực tương ứng của bảo đảm dự thầu.

4. Bảo đảm dự thầu phải được Bên mời thầu hoàn trả cho nhà đầu tư không được lựa chọn trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo kết quả; đối với nhà đầu tư được lựa chọn thì sẽ được hoàn trả bảo đảm dự thầu trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày Bên mời thầu nhận được bảo đảm thực hiện đầu tư dự án của nhà đầu tư.

5. Nhà đầu tư sẽ bị tịch thu bảo đảm dự thầu; hồ sơ dự thầu và hồ sơ đề xuất bị loại trong các trường hợp sau:

a) Sau khi đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, nhà đầu tư tuyên bố rút hồ sơ hoặc từ bỏ trách nhiệm tiếp tục tham dự thầu;

b) Nhà đầu tư không tiến hành đàm phán hợp đồng với bên mời thầu theo thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc theo thời gian đã được nhà đầu tư và bên mời thầu thỏa thuận;

c) Sau khi hoàn tất việc đàm phán hợp đồng, nhà đầu tư không ký kết hợp đồng hoặc không thực hiện bảo đảm thực hiện đầu tư dự án trong thời hạn theo quy định trong hợp đồng đã ký;

d) Nhà đầu tư có hành vi vi phạm trong quá trình đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Việc quản lý và sử dụng số tiền bảo đảm dự thầu tịch thu từ nhà đầu tư được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước.

III. BẢO ĐẢM THỰC HIỆN ĐẦU TƯ DỰ ÁN

1. Bảo đảm thực hiện đầu tư dự án là việc nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp như đặt cọc, ký quỹ, nộp thư bảo lãnh theo quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để bảo đảm nhà đầu tư tiến hành triển khai thực hiện đầu tư dự án theo hợp đồng được ký kết.

2. Bảo đảm thực hiện đầu tư dự án áp dụng đối với cả hai hình thức đấu thầu và chỉ định thầu và nhà đầu tư phải thực hiện trước khi hợp đồng có hiệu lực. Giá trị bảo đảm thực hiện đầu tư dự án được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định tương đương từ 5% đến 10% tổng mức đầu tư của nhà đầu tư được lựa chọn. Trường hợp dự án được thực hiện theo phân kỳ đầu tư thì bảo đảm thực hiện đầu tư dự án sẽ được áp dụng theo mức đầu tư của từng kỳ đầu tư.

3. Thời hạn có hiệu lực của bảo đảm thực hiện đầu tư dự án được tính từ khi hợp đồng có hiệu lực đến khi nhà đầu tư hoàn tất công tác đầu tư xây dựng dự án để chuyển sang giai đoạn kinh doanh, khai thác.

4. Nhà đầu tư sẽ bị tịch thu bảo đảm thực hiện đầu tư dự án và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư trong các trường hợp sau:

a) Không tiến hành lập dự án và thực hiện dự án theo quy định trong hợp đồng đã ký kết;

b) Chuyển nhượng dự án khi chưa hoàn thành công tác xây dựng theo quy hoạch trong hợp đồng;

c) Trong quá trình tiến hành thực hiện đầu tư dự án, nhà đầu tư không thực hiện việc hỗ trợ số tiền cho Nhà nước theo cam kết trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hoặc hỗ trợ bổ sung số tiền cho Nhà nước tương ứng với giá trị gia tăng do điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng hệ số sử dụng đất hoặc tăng diện tích sử dụng công trình xây dựng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh.

Việc quản lý và sử dụng số tiền bảo đảm thực hiện đầu tư dự án tịch thu từ nhà đầu tư được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước.

IV. NGÔN NGỮ VÀ CHI PHÍ TỔ CHỨC ĐẤU THẦU

1. Ngôn ngữ trong đấu thầu

Ngôn ngữ trong đấu thầu là ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu (đối với đấu thầu) hoặc hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất (đối với chỉ định thầu) và các tài liệu trao đổi giữa Bên mời thầu và nhà đầu tư tham dự thầu là tiếng Việt đối với đấu thầu trong nước. Đối với đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu có thể được lập bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trường hợp hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu bằng tiếng Anh thì hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải bằng tiếng Anh. Trường hợp hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu bằng tiếng Việt và tiếng Anh thì cần quy định nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong hai thứ ngôn ngữ đó để lập hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

2. Chi phí thực hiện tổ chức lựa chọn nhà đầu tư:

a) Chi phí để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư bao gồm chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định. Chi phí lựa chọn nhà đầu tư được sử dụng từ nguồn bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định hiện hành; trường hợp không đủ thì Bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền để thu xếp chi phí từ ngân sách hoặc các nguồn khác của Bộ, ngành, địa phương. Bên mời thầu chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

b) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được bán cho các nhà đầu tư quan tâm mức giá bán một bộ hồ sơ do Bên mời thầu quyết định căn cứ quy mô, tính chất của dự án nhưng tối đa không quá 30.000.000 đồng đối với đấu thầu trong nước; tối đa không quá 5.000 USD đối với đấu thầu quốc tế.

V. PHÂN CẤP PHÊ DUYỆT VÀ THẨM ĐỊNH TRONG VIỆC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

1. Đối với các dự án quan trọng quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, việc phân cấp được thực hiện như sau:

a) Bên mời thầu là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, doanh nghiệp nhà nước, địa phương nơi có dự án. Người đứng đầu Bên mời thầu có trách nhiệm phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên cơ sở văn bản thẩm định của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của mình. Bên mời thầu có trách nhiệm ký kết hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

2. Đối với dự án ở địa phương, tùy theo quy mô, tính chất của từng dự án mà thẩm quyền phê duyệt trực tiếp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (trường hợp được phân cấp) quyết định kết quả lựa chọn nhà đầu tư:

a) Trường hợp dự án thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc ủy quyền cho người đứng đầu của Bên mời thầu (là sở chuyên môn trực thuộc) phê duyệt;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp xem xét, phê duyệt.

b) Trường hợp dự án thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Bên mời thầu là đơn vị chuyên môn thuộc huyện được phân công;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

- Bộ phận kế hoạch - tài chính ở cấp huyện là đơn vị thẩm định các nội dung về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà đầu tư để làm cơ sở cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, phê duyệt.

3. Đối với dự án thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Hội đồng quản trị hoặc giám đốc doanh nghiệp nhà nước: Việc xác định đơn vị, tổ chức trực thuộc làm Bên mời thầu, cơ quan, tổ chức thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà đầu tư do thủ trưởng các cơ quan nói trên quyết định.

VI. THỜI GIAN TỔ CHỨC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

1. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu tối thiểu là 10 ngày kể từ ngày đầu tiên đăng tải thông báo mời thầu trên Báo Đấu thầu; thời gian phát hành hồ sơ yêu cầu tối thiểu 5 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thư mời thầu.

2. Thời gian dành cho nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối thiểu là 30 ngày đối với đấu thầu trong nước và 45 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cho đến thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần sửa đổi hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu sau khi đã phát hành, Bên mời thầu thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư đã nhận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước thời điểm đóng thầu tối thiểu là 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế.

3. Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng tối đa là 210 ngày kể từ thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần thiết, Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà đầu tư gia hạn một hoặc nhiều lần thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhưng tổng thời gian của các lần gia hạn này không quá 30 ngày.

4. Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu trong nước, 90 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày đóng thầu đến khi Bên mời thầu hoàn thành và gửi báo cáo về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

5. Thời gian thẩm định từng nội dung về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà đầu tư tối đa là 30 ngày; trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, thời gian thẩm định tối đa là 45 ngày.

6. Thời gian xem xét, phê duyệt đối với từng nội dung về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà đầu tư tối đa là 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của cơ quan, đơn vị thẩm định.

Phần thứ ba.

LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

I. QUY TRÌNH TỔNG QUÁT LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Quy trình lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng đối với đấu thầu và chỉ định thầu, bao gồm:

1. Lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư;

2. Chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư;

3. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;

4. Tiếp nhận, mở và đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

5. Thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

6. Thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

II. LẬP KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Căn cứ danh mục dự án đã được công bố theo quy định tại Mục IV Phần thứ nhất của Thông tư này và số lượng nhà đầu tư quan tâm đăng ký, Bên mời thầu lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư trình người có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở tổ chức thực hiện. Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư phải bao gồm các nội dung về tên dự án, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, phương thức đấu thầu, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và các nội dung khác nếu cần thiết.

III. CHUẨN BỊ LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

1. Thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu:

a) Bên mời thầu quyết định thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu trong trường hợp đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu; trường hợp không đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu, Bên mời thầu có thể lựa chọn một số tư vấn cá nhân tham gia Tổ chuyên gia đấu thầu; trường hợp cần thiết, Bên mời thầu có thể lựa chọn một tổ chức tư vấn thực hiện toàn bộ nhiệm vụ của Tổ chuyên gia đấu thầu.

b) Nhiệm vụ của Tổ chuyên gia đấu thầu: Lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đánh giá và lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, lập kế hoạch đàm phán chi tiết, đàm phán hợp đồng và báo cáo kết quả đàm phán hợp đồng và các nội dung công việc khác có liên quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

2. Lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

2.1. Căn cứ để lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu:

- Danh mục dự án được công bố theo quy định;

- Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được người có thẩm quyền phê duyệt;

- Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 và yêu cầu về chỉ tiêu quy hoạch 1/500. Việc xây dựng quy hoạch phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản có liên quan bảo đảm tận dụng tối đa hệ số sử dụng đất và không gian nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước;

- Quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật về đầu tư, xây dựng;

- Các nội dung khác có liên quan.

2.2. Nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được lập theo hướng dẫn nêu tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. Trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cần nêu rõ các nội dung sau đây làm cơ sở cho nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất:

- Thời gian giao đất hoặc cho thuê đất;

- Cơ sở xác định số tiền sử dụng đất mà nhà đầu tư phải nộp cho ngân sách nhà nước trong thời gian được giao đất hoặc được thuê đất;

- Việc xử lý tài sản trên đất của nhà đầu tư sau khi hết thời hạn giao đất hoặc cho thuê đất theo hướng chuyển toàn bộ quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản trên đất cho cơ quan Nhà nước liên quan.

2.3. Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá

a) Tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

- Tiêu chuẩn về năng lực bao gồm các yêu cầu về năng lực tài chính (gồm tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và khả năng huy động vốn, doanh thu, …) và yêu cầu về năng lực quản lý, khai thác, kinh doanh (số lượng và loại dự án đã tham gia đầu tư – kinh doanh, số năm hoạt động, tổng số nhân sự, công nghệ quản lý …).

- Tiêu chuẩn về kinh nghiệm của nhà đầu tư phải bao gồm các yêu cầu như: số năm kinh nghiệm đầu tư hoặc quản lý, điều hành các dự án có tính chất, quy mô tương tự; trường hợp là liên danh dự thầu thì kinh nghiệm của nhà đầu tư được xác định là tổng kinh nghiệm của các thành viên tham gia liên danh hoặc các đối tác có cam kết tham gia thực hiện đầu tư dự án thông qua các thỏa thuận nguyên tắc với nhà đầu tư.

Tùy theo tính chất, quy mô của từng dự án mà xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm cho phù hợp; tránh nêu yêu cầu quá cao dẫn tới không có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu; tránh nêu yêu cầu quá thấp dẫn tới lựa chọn được nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu để thực hiện đầu tư dự án.

Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm được xây dựng theo phương pháp đánh giá “đạt, không đạt” và phải được nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

b) Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật

b.1. Tiêu chuẩn đánh giá chi tiết về mặt kỹ thuật bao gồm:

- Sự phù hợp của mục tiêu dự án do nhà đầu tư đề xuất với quy hoạch xây dựng chi tiết theo tỷ lệ 1/2000 đã được duyệt;

- Yêu cầu về mô tả ý tưởng thực hiện đầu tư dự án bao gồm: Quy mô dự án, giải pháp kiến trúc và xây dựng các công trình thuộc dự án, các yếu tố liên quan đến tác động môi trường;

- Yêu cầu về qủan lý thực hiện và vận hành dự án;

- Yêu cầu về kết quả đầu ra của dự án;

- Các tiêu chuẩn khác phù hợp với từng dự án cụ thể.

b.2. Sử dụng phương pháp chấm điểm với thang điểm được xây dựng là 100, 1000 hoặc phương pháp đánh giá “đạt, không đạt”. Khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá theo thang điểm cần phải đưa ra mức yêu cầu tối thiểu của từng tiêu chuẩn tổng quát nêu trên với mức yêu cầu tối thiểu là 50% số điểm tối đa của từng tiêu chuẩn tổng quát. Nhà đầu tư được đánh giá đạt yêu cầu theo phương pháp chấm điểm khi có số điểm được chấm không thấp hơn mức yêu cầu tối thiểu là 70% tổng số điểm, đối với các dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp mức yêu cầu tối thiểu là 80% tổng số điểm và từng tiêu chuẩn tổng quát không thấp hơn mức yêu cầu tối thiểu. Nhà đầu tư được đánh giá đạt yêu cầu theo phương pháp “đạt, không đạt” khi tất cả các tiêu chuẩn được đánh giá đạt hoặc các tiêu chuẩn tổng quát nêu trên được đánh giá đạt và tối đa 30% các tiêu chuẩn chi tiết trong một tiêu chuẩn tổng quát được đánh giá là chấp nhận được và các tiêu chuẩn chi tiết khác được đánh giá là “đạt”.

c) Tiêu chuẩn đánh giá về mặt tài chính

Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về mặt tài chính nhằm xác định lợi ích mà các nhà đầu tư sẽ mang lại cho Nhà nước thông qua các đề xuất của nhà đầu tư nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và kế hoạch tài chính cho dự án. Trình tự đánh giá về mặt tài chính được thực hiện như sau:

- Bước 1: Xác định khả năng tài chính của nhà đầu tư:

+ Tổng mức đầu tư (A) = Giá trị xây dựng công trình (M1) + Giá trị đền bù, giải tỏa (M2);

Trong đó:

+ A ≥ giá sàn nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Giá sàn = m1 + m2, trong đó m1 là giá trị công trình dự kiến do Bên mời thầu xác định đối với từng dự án cụ thể bảo đảm phát huy khả năng, hiệu quả sử dụng tối đa khu đất, quỹ đất về mặt diện tích đất, hệ số sử dụng đất và quy hoạch không gian sử dụng đất căn cứ vào quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt; m2 là toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi khu đất, quỹ đất thuộc dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và khung giá đất tại thời điểm thực hiện đền bù, giải tỏa theo từng địa bàn của từng địa phương.

+ M2 ≥ m2 (chi phí đền bù, giải tỏa) do Bên mời thầu tính toán trong giá sàn. Nhà đầu tư phải chào M2 trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để sau khi được lựa chọn phải chuyển toàn bộ giá trị này cho Hội đồng đền bù, giải tỏa của địa phương để tiến hành đền bù, giải tỏa khu đất, quỹ đất thuộc dự án; trường hợp giá trị đền bù, giải tỏa thực tế thấp hơn mức M2 thì phần chênh lệch sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cao hơn mức M2 thì nhà đầu tư phải bù phần thiếu hụt. Nhà đầu tư sẽ được khấu trừ tiền bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư về đất trong chi phí đền bù, giải tỏa vào tiền sử dụng đất hoặc thuê đất nhưng không vượt quá số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; trường hợp vượt thì nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm.

- Bước 2: Xác định hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư mang lại cho Nhà nước:

Hiệu quả đầu tư (B) = M2 + Giá trị hỗ trợ ngân sách (M3) (tính bằng tiền hoặc giá trị công trình mà nhà đầu tư cam kết hỗ trợ không điều kiện tính theo giá trị bằng tiền được quy đổi theo thời điểm đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất).

2.4. Điều kiện tiên quyết nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

a) Điều kiện tiên quyết nêu trong hồ sơ mời thầu bao gồm:

- Nhà đầu tư không có tên trong danh sách mua hồ sơ mời thầu;

- Đơn dự thầu không hợp lệ như: không được điền đầy đủ theo mẫu đơn trong hồ sơ mời thầu; không có chữ ký của người đại diện hợp pháp của nhà đầu tư theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với nhà đầu tư liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký, trừ trường hợp trong văn bản thỏa thuận liên danh có quy định các thành viên thỏa thuận cho thành viên đứng đầu liên danh ký đơn dự thầu;

- Nhà đầu tư không đảm bảo điều kiện tham dự thầu theo quy định tại Mục VI Phần thứ nhất của Thông tư này;

- Không có bảo đảm dự thầu hoặc có nhưng không hợp lệ như: có giá trị thấp hơn, không đúng đồng tiền và hình thức bảo đảm theo quy định; thời gian hiệu lực không đúng hoặc ngắn hơn, không nộp theo địa chỉ và thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu;

- Không có bản gốc hồ sơ dự thầu;

- Hiệu lực hồ sơ dự thầu không bảo đảm theo quy định trong hồ sơ mời thầu;

- Nhà đầu tư có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách độc lập hoặc là thành viên trong liên danh;

- Các điều kiện tiên quyết khác có tính đặc thù của dự án.

b) Đối với trường hợp chỉ định thầu, hồ sơ yêu cầu bao gồm một số điều kiện tiên quyết nêu trên sao cho phù hợp với tính chất, điều kiện của từng dự án.

3. Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

a) Trên cơ sở hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu do Bên mời thầu đề xuất, cơ quan, tổ chức thẩm định có trách nhiệm lập báo cáo thẩm định trình người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền xem xét, phê duyệt bằng văn bản.

b) Người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu căn cứ văn bản thẩm định của cơ quan, tổ chức thẩm định.

4. Mời thầu

Bên mời thầu đăng tải thông báo mời thầu (tiếng Việt đối với đấu thầu trong nước; tiếng Việt và tiếng Anh đối với đấu thầu quốc tế) trên Báo Đấu thầu để nhà đầu tư có nhu cầu tham gia dự thầu. Đồng thời, Bên mời thầu gửi thư mời thầu đến nhà đầu tư trong danh sách đăng ký tham gia. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chỉ được phát hành tối thiểu sau 10 ngày (đối với đấu thầu), 5 ngày (đối với chỉ định thầu) kể từ ngày đầu tiên đăng tải thông báo mời thầu hoặc gửi thư mời thầu (đối với chỉ định thầu).

IV. TỔ CHỨC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

1. Phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

a) Bên mời thầu bán hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu kể từ ngày phát hành đầu tiên đến trước thời điểm đóng thầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Đối với nhà đầu tư liên danh thì chỉ cần đại diện đến mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

b) Sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nếu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, Bên mời thầu phát hành văn bản sửa đổi, bổ sung đến nhà đầu tư đã nhận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Nội dung sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải được người phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thông qua trước khi phát hành cho nhà đầu tư.

2. Làm rõ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

a) Tổ chức hội nghị trao đổi để làm rõ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu:

Sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, Bên mời thầu tổ chức hội nghị để mời nhà đầu tư đến trao đổi, giải thích, làm rõ những nội dung mà nhà đầu tư chưa rõ về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Việc trao đổi, làm rõ tại hội nghị phải được Bên mời thầu làm thành biên bản và phát hành cho nhà đầu tư có mặt cũng như nhà đầu tư vắng mặt tại hội nghị. Văn bản giải thích, làm rõ được coi như một phần của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để nhà đầu tư có đủ căn cứ lập hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

b) Gửi văn bản đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, vào bất cứ thời điểm nào, nhà đầu tư có quyền đề nghị bằng văn bản đối với Bên mời thầu để giải thích các nội dung mà nhà đầu tư chưa rõ của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Văn bản giải thích, làm rõ của Bên mời thầu phải được gửi cho tất cả nhà đầu tư đã nhận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và văn bản đó được coi là một phần của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

3. Chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất

a) Nhà đầu tư có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo quy định.

b) Nhà đầu tư có trách nhiệm nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo thời gian và địa điểm quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Đối với các hồ sơ dự thầu được nộp sau thời điểm đóng thầu vì bất cứ lý do gì đều được coi là không hợp lệ và không được mở để đánh giá; trong trường hợp đó, Bên mời thầu trả lại hồ sơ theo nguyên trạng cho nhà đầu tư tại địa điểm nhận hồ sơ của Bên mời thầu.

c) Nhà đầu tư có quyền rút, sửa đổi hoặc thay thế hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sau khi đã nộp nhưng phải được thực hiện bằng văn bản và Bên mời thầu nhận được trước thời điểm đóng thầu.

V. TIẾP NHẬN, MỞ VÀ ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU, HỒ SƠ ĐỀ XUẤT

1. Tiếp nhận và mở hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất:

a) Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nộp theo quy định sẽ được Bên mời thầu tiếp nhận và quản lý theo chế độ hồ sơ “mật”.

b) Mở hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật)

Ngay sau khi đóng thầu, Bên mời thầu tiến hành mở công khai hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (về kỹ thuật) với sự chứng kiến của nhà đầu tư tham dự, đại diện các cơ quan có liên quan được mời tham dự.

Việc mở thầu được tiến hành theo thứ tự chữ cái tên của nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu và phải được ghi biên bản. Nội dung biên bản mở thầu bao gồm:

- Số lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia và số lượng nhà đầu tư đã mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

- Tên nhà đầu tư đã nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

- Số lượng bản chính, bản chụp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

- Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

- Văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (nếu có);

- Các nội dung khác nếu cần thiết.

Biên bản mở thầu phải được gửi đến tất cả nhà đầu tư đã nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không phụ thuộc vào việc họ có tham dự hay không tham dự lễ mở thầu.

2. Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (về mặt kỹ thuật):

Tổ chuyên gia đấu thầu chịu trách nhiệm đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (về mặt kỹ thuật) theo tiêu chuẩn đánh giá nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Trong quá trình đánh giá không được sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn đánh giá. Trình tự đánh giá như sau:

a) Đánh giá sơ bộ

Việc đánh giá sơ bộ nhằm kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để loại bỏ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không hợp lệ, không đáp ứng về mặt pháp lý và vi phạm điều kiện tiên quyết nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Trình tự đánh giá như sau:

- Kiểm tra sơ bộ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất: nếu nhà đầu tư vi phạm một trong các điều kiện tiên quyết nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì sẽ bị loại và không được xem xét, đánh giá ở các bước tiếp theo;

- Đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư theo tiêu chuẩn đánh giá nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Nhà đầu tư được đánh giá đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm sẽ được chuyển sang đánh giá chi tiết về mặt kỹ thuật.

Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được đánh giá đáp ứng tại bước đánh giá sơ bộ sẽ được chuyển sang đánh giá chi tiết về mặt kỹ thuật.

b) Đánh giá chi tiết về mặt kỹ thuật

Tổ chuyên gia đấu thầu chịu trách nhiệm đánh giá chi tiết về mặt kỹ thuật đối với hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo tiêu chuẩn đánh giá nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Nhà đầu tư được đánh giá đạt về mặt kỹ thuật sẽ được Bên mời thầu phê duyệt danh sách và được chuyển sang bước mở hồ sơ đề xuất về mặt tài chính để đánh giá.

3. Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về mặt tài chính

a) Nhà đầu tư có hồ sơ dự thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật sẽ được đánh giá về tài chính. Việc mở hồ sơ đề xuất về mặt tài chính phải được tiến hành công khai sau khi có quyết định phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật của Bên mời thầu với sự chứng kiến của nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật và đại diện cơ quan liên quan. Đối với các nhà đầu tư không đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật cũng phải được mời tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất về mặt tài chính của các nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật; Bên mời thầu hoàn trả đề xuất về mặt tài chính cho nhà đầu tư không đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật.

b) Việc mở hồ sơ đề xuất về mặt tài chính được tiến hành theo thứ tự chữ cái tên của nhà đầu tư vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật vả phải được ghi biên bản. Nội dung biên bản mở đề xuất về mặt tài chính bao gồm:

- Số lượng nhà đầu tư đã được mở hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (về mặt kỹ thuật) và số lượng nhà đầu tư đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật.

- Số lượng bản chính, bản chụp hồ sơ đề xuất tài chính;

- Thời gian có hiệu lực của hồ sơ đề xuất tài chính;

- Tổng mức đầu tư do nhà đầu tư đề xuất;

- Thư chào tăng giá (nếu có). Thư chào tăng giá chỉ hợp lệ khi được mở đồng thời với thời điểm mở hồ sơ đề xuất về mặt tài chính.

- Các nội dung khác nếu cần thiết.

Biên bản mở hồ sơ đề xuất về mặt tài chính phải được gửi đến tất cả nhà đầu tư vượt qua đánh giá về kỹ thuật, không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của nhà đầu tư tại lễ mở thầu.

c) Đánh giá về mặt tài chính

Tổ chuyên gia có trách nhiệm đánh giá về mặt tài chính theo đúng tiêu chuẩn đánh giá nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

4. Làm rõ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất:

a) Đối với trường hợp đấu thầu: Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Tổ chuyên gia đấu thầu có thể đề nghị Bên mời thầu yêu cầu nhà đầu tư làm rõ thông qua việc gửi văn bản đề nghị làm rõ hoặc mời nhà đầu tư trực tiếp đến trao đổi, làm rõ hồ sơ dự thầu. Việc trao đổi, làm rõ phải được ghi thành biên bản và được coi là một phần của hồ sơ dự thầu. Trong quá trình làm rõ, Bên mời thầu không được chấp nhận việc nhà đầu tư thay đổi đề xuất tài chính (kể cả thư chào tăng giá); nhà đầu tư không được tự ý bổ sung hồ sơ dự thầu đã nộp, trừ các tài liệu theo yêu cầu của Bên mời thầu. Việc làm rõ không được làm thay đổi bản chất của hồ sơ dự thầu đã nộp.

b) Đối với trường hợp chỉ định thầu: Trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất, Bên mời thầu có thể gửi văn bản hoặc mời trực tiếp nhà đầu tư được đề nghị chỉ định đến trao đổi, làm rõ nội dung của hồ sơ đề xuất. Nhà đầu tư có thể bổ sung các tài liệu nhằm hoàn thiện hồ sơ đề xuất song phải bảo đảm tính trung thực về thông tin; trường hợp nhà đầu tư khai báo sai sự thật về năng lực, kinh nghiệm của mình sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư. Nhà đầu tư không được sửa đổi, bổ sung đề xuất về mặt tài chính của mình nhưng được chào thư tăng giá.

5. Nguyên tắc xét duyệt để lựa chọn nhà đầu tư

Nhà đầu tư được đề nghị lựa chọn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất hợp lệ;

b) Được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm;

c) Được đánh giá đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật;

d) Có tổng mức đầu tư (A) không thấp hơn giá sàn được duyệt trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu và có hiệu quả đầu tư (B) lớn nhất; trường hợp không có nhà đầu tư nào đề xuất hỗ trợ ngân sách thì nhà đầu tư có tổng mức đầu tư (A) không thấp hơn giá sàn và lớn nhất sẽ được kiến nghị lựa chọn.

VI. THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT KẾT QUẢ LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

1. Căn cứ tờ trình về kết quả lựa chọn nhà đầu tư của Bên mời thầu, cơ quan, tổ chức thẩm định chịu trách nhiệm thẩm định và lập báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo các nội dung: Cơ sở pháp lý, quá trình tổ chức thực hiện, kết quả đánh giá, thống nhất hay không thống nhất (nêu rõ lý do) với đề xuất của Bên mời thầu. Việc thẩm định không phải là đánh giá lại hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định phải bảo đảm khách quan, trung thực trong quá trình thẩm định và được bảo lưu ý kiến của mình.

2. Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư

Căn cứ tờ trình của Bên mời thầu, báo cáo thẩm định của cơ quan, tổ chức thẩm định, người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Văn bản phê duyệt phải bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên dự án và địa điểm thực hiện;

b) Tên nhà đầu tư được lựa chọn;

c) Tổng mức đầu tư, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án và giá trị đền bù, giải tỏa; giá trị hỗ trợ ngân sách (nếu có);

d) Thời gian triển khai lập và hoàn thành dự án;

đ) Thời gian tiến hành đàm phán hợp đồng và tên cơ quan được giao trách nhiệm ký kết hợp đồng thực hiện đầu tư dự án với nhà đầu tư khi kết thúc đàm phán;

e) Thời hạn khởi công, hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động, chuyển giao công trình (nếu có);

g) Các nội dung khác nếu có.

VII. THÔNG BÁO KẾT QUẢ LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Sau khi có quyết định phê duyệt của người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền, Bên mời thầu thực hiện việc thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư như sau:

a) Gửi văn bản thông báo tới các nhà đầu tư tham gia, riêng nhà đầu tư được lựa chọn còn phải gửi kế hoạch đàm phán hợp đồng chi tiết;

b) Gửi thông tin về kết quả lựa chọn nhà đầu tư để đăng tải công khai trên Báo Đấu thầu trong vòng 10 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt.

Phần thứ tư.

ĐÀM PHÁN, KÝ KẾT HỢP ĐỒNG THỰC HIỆN ĐẦU TƯ DỰ ÁN

I. NGUYÊN TẮC ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG

Việc đàm phán hợp đồng thực hiện đầu tư dự án phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau:

1. Việc đàm phán phải bảo đảm tuân thủ thời gian đàm phán quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; trường hợp nhà đầu tư cố tình kéo dài quá thời hạn quy định, Bên mời thầu báo cáo người có thẩm quyền hủy kết quả đã phê duyệt trước đó để lựa chọn nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo hoặc nhà đầu tư khác (đối với chỉ định thầu); trong trường hợp đó, nhà đầu tư bị tịch thu bảo đảm dự thầu;

2. Trong quá trình đàm phán, nhà đầu tư được lựa chọn không được giảm tổng mức đầu tư đã đề xuất, không được giảm mức đền bù, giải tỏa, không được giảm mức hỗ trợ ngân sách (nếu đã đề xuất);

3. Không đàm phán các nội dung đã được quy định rõ trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được nhà đầu tư chào thầu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

4. Trong hợp đồng phải có điều khoản ràng buộc đối với nhà đầu tư về số tiền cam kết hỗ trợ cho Nhà nước trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hoặc số tiền hỗ trợ bổ sung cho Nhà nước trong trường hợp có điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 theo hướng tăng hệ số sử dụng đất hoặc tăng diện tích công trình xây dựng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh. Số tiền hỗ trợ bổ sung mà nhà đầu tư phải thực hiện do điều chỉnh quy hoạch được xác định theo tỷ lệ giữa số tiền cam kết hỗ trợ ban đầu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất với diện tích xây dựng ban đầu nhân với diện tích xây dựng gia tăng do điều chỉnh quy hoạch.

II. QUY TRÌNH TỔ CHỨC ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG

1. Chuẩn bị đàm phán

2. Tổ chức đàm phán

3. Trình duyệt và phê duyệt kết quả đàm phán.

4. Ký kết hợp đồng thực hiện đầu tư dự án.

III. CHUẨN BỊ ĐÀM PHÁN

1. Tổ chuyên gia đấu thầu có trách nhiệm đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn.

2. Chuẩn bị kế hoạch và nội dung đàm phán

a) Căn cứ các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà đầu tư được duyệt, Tổ chuyên gia đấu thầu chuẩn bị kế hoạch chi tiết và các nội dung đàm phán trình Bên mời thầu phê duyệt để gửi cho nhà đầu tư chuẩn bị.

b) Khi nhận được văn bản thông báo được lựa chọn vào đàm phán và kế hoạch đàm phán chi tiết, nhà đầu tư phải gửi văn bản thông báo cho Bên mời thầu đã nhận được văn bản đó và chấp thuận vào đàm phán. Trường hợp trong thời gian tối đa 30 ngày, nhà đầu tư không gửi văn bản thông báo và không chấp thuận đàm phán theo kế hoạch của Bên mời thầu mà không có lý do chính đáng, Bên mời thầu có quyền tịch thu bảo đảm dự thầu và báo cáo người có thẩm quyền hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư nói trên.

IV. TỔ CHỨC ĐÀM PHÁN

1. Tổ chuyên gia đấu thầu mời nhà đầu tư đến đàm phán theo kế hoạch và địa điểm nêu trong kế hoạch đàm phán đã được gửi trước cho nhà đầu tư.

2. Trong quá trình đàm phán, các nội dung thống nhất đều phải được ghi vào biên bản và được hai bên ký xác nhận. Trong quá trình đàm phán, nếu có các nội dung chưa thống nhất hoặc phát sinh các nội dung mới nằm ngoài hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất mà có lợi cho Nhà nước thì Tổ chuyên gia đấu thầu cần đưa ra phương án giải quyết và phải báo cáo Bên mời thầu xem xét, quyết định; trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bên mời thầu phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

V. TRÌNH DUYỆT VÀ PHÊ DUYỆT KẾT QUẢ ĐÀM PHÁN

Sau khi đàm phán thành công với nhà đầu tư, Tổ chuyên gia đấu thầu trình kết quả để Bên mời thầu phê duyệt hoặc trình phê duyệt theo quy định. Thời gian phê duyệt kết quả đàm phán tối đa là 15 ngày. Trường hợp đàm phán không thành, Tổ chuyên gia đấu thầu báo cáo Bên mời thầu trình người có thẩm quyền hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước đó và kiến nghị phê duyệt chọn nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo để mời vào đàm phán.

VI. KÝ KẾT HỢP ĐỒNG THỰC HIỆN ĐẦU TƯ DỰ ÁN

Căn cứ kết quả đàm phán người có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan được giao trách nhiệm ký kết hợp đồng mời nhà đầu tư đến để hoàn thiện hợp đồng. Sau khi thống nhất, hai bên tiến hành ký kết hợp đồng theo quy định.

Phần thứ năm.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. HƯỚNG DẪN THI HÀNH

1. Việc xử lý tình huống, kiến nghị và giải quyết kiến nghị, xử lý vi phạm pháp luật trong đấu thầu được vận dụng các quy định hiện hành tương ứng của pháp luật về đấu thầu.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời xem xét, xử lý. Trường hợp Bên mời thầu đưa ra những nguyên tắc xét chọn nhà đầu tư (bao gồm cả công thức tính hiệu quả kinh tế) khác với hướng dẫn tại Thông tư này những bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước thì Bên mời thầu được áp dụng các nguyên tắc đó; trong trường hợp này, Bên mời thầu cần gửi hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi và quản lý.

3. Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định của Thông tư này, các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng và các thủ tục khác thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan.

II. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Nơi nhận:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;
- Website Chính phủ, Công báo Chính phủ;
- Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu VT, QLĐT.

BỘ TRƯỞNG




Võ Hồng Phúc

PHỤ LỤC

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ MỜI THẦU, HỒ SƠ YÊU CẦU
(kèm theo Thông tư số: 03/2009/TT-BKH, ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

PHẦN I. YÊU CẦU VỀ THỦ TỤC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Chương I. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ

I. CHỈ DẪN NHÀ ĐẦU TƯ

A. Tổng quát

B. Chuẩn bị hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất

C. Nộp hồ sơ dự thầu

D. Mở thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất

E. Xét duyệt nhà đầu tư được lựa chọn

II. BẢNG DỮ LIỆU

Bảng dữ liệu bao gồm các nội dung thông tin chi tiết của dự án theo một số mục tương ứng trong Phần Chỉ dẫn đối với nhà đầu tư.

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ

Tiêu chuẩn đánh giá được xây dựng theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục III Phần thứ ba của Thông tư này. Trường hợp Bên mời thầu đưa ra tiêu chuẩn đánh giá hợp lý hơn, thuận lợi hơn so với Thông tư này nhằm lựa chọn được nhà đầu tư mang lại hiệu quả tối ưu cho Nhà nước thì Bên mời thầu cần gửi hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi.

IV. BIỂU MẪU DỰ THẦU

Chương II. YÊU CẦU CỦA DỰ ÁN

I. PHẠM VI ĐẦU TƯ CỦA DỰ ÁN

II. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐẦU TƯ DỰ ÁN

III. CÁC CHỈ TIÊU YÊU CẦU CỦA DỰ ÁN VÀ BẢN ĐỒ KHU ĐẤT, QUỸ ĐẤT CỦA DỰ ÁN

PHẦN 2. YÊU CẦU VỀ HỢP ĐỒNG THỰC HIỆN ĐẦU TƯ DỰ ÁN

I. ĐIỀU KIỆN CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG

II. ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

III. BIỂU MẪU VỀ HỢP ĐỒNG

THE MINISTRY OF PLANNING AND INVESTMENT
---------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 03/2009/TT-BKH

Hanoi, April 16, 2009

 

CIRCULAR

GUIDING THE SELECTION OF INVESTORS IN LAND-USING PROJECTS

Pursuant to Article 54 of the National Assembly's Investment Law No. 59/2005/QH11 of November 29, 2005;
Pursuant to the Government's Decree No. 116/2008/ND-CP of November 14, 2008, defining the functions, tasks and powers of the Ministry of Planning and Investment;
In performance of the Government-assigned tasks under Clause 3, Article 34 of the Government's Decree No. 58/2008/ND-CP of May 5, 2008, guiding the implementation of the Bidding Law and the selection of construction contractors under the Construction Law;

The Ministry of Planning and Investment guides the selection of investors in land-using projects as follows:

Part One

GENERAL PROVISIONS

I. SCOPE OF REGULATION

1. Investment in important projects already identified in branch plannings and associated with the right to use land zones or land funds with geographical-location advantages and high commercial value and with two or more interested investors:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Investment in projects which require the selection of investors to build and operate commercial houses and real estate associated with land use rights under the laws on housing, real estate business and land;

4. Investment in projects using land zones or land funds under the management or use right of state agencies, localities or state enterprises, for which auction is not organized for land use rights and the selection of investors is organized in accordance with this Circular;

5. This Circular does not apply to investment projects in the forms of BOT, BT and BTO; the selection of investors for socialization projects or programs: and the selection of investors for projects under which land use levies are not collected.

II. SUBJECTS OF APPLICATION

1. State organizations, agencies and enterprises having projects governed by this Circular:

2. Domestic and foreign investors participating in the selection of investors for projects governed by this Circular.

III. INTERPRETATION OF TERMS

In this Circular, the terms below are construed as follows:

1. Investor selection means the process of bidding or contractor appointment to identify investors for implementing land-using projects that satisfy capability and experience requirements indicated in bidding dossiers or requirement dossiers and put forward the most technically and financially feasible and efficient proposals:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Competent person means a person empowered to approve lists of projects, investor selection results, bidding dossiers or requirement dossiers. For projects of national importance, the competent person is the Prime Minister; for other projects, competent persons are ministers, heads of ministerial-level agencies or government-attached agencies, presidents of provincial-level People's Committees, presidents of district-level People's Committees when decentralized, or boards of directors or directors of state enterprises;

4. Bid solicitor means an agency or organization assigned by a competent person to organize the selection of investors: for localities, bid solicitors are provincial-level specialized Services or district-level People's Committees as assigned by presidents of provincial-level People's Committees or district-level specialized sections in case competent persons are presidents of district-level People's Committees;

5. Team of bidding experts is composed of capable and experienced individuals who arc knowledgeable about relevant contents of a project, which is established or selected by the bid solicitor under regulations to assess bid dossiers or proposal dossiers:

6. Floor price means the total investment projected by the bid solicitor based on the average price indicated in the bidding dossier or requirement dossier and approved by a competent person or authorized person as a basis for the selection of investors:

7. Bidding dossier means all documents used for bidding, including requirements for a project as a legal ground for investors to prepare bid dossiers and for the team of bidding experts to assess and select investors, and as a basis for contract negotiation and signing;

8. Requirement dossier means all documents used for contractor appointment, including requirements for a project as a legal ground for the prospected investor to prepare the proposal dossier and for the team of bidding experts to assess the proposal dossier in order to prove the investor's satisfaction of capability and experience requirements set in the requirement dossier, and his/her/its technical and financial proposals, and as a basis for contract negotiation and signing.

9. Bid dossier and proposal dossier means all documents prepared and submitted by the investor to the bid solicitor, proposing the investment in a project as required in the bidding dossier or requirement dossier.

IV. PUBLICATION OF LISTS OF PROJECTS SUBJECT TO INVESTOR SELECTION

1. Within the scope of their management and pursuant to current laws, presidents of provincial-level People's Committees shall, at the proposal of provincial-level specialized Services or concerned district-level People's Committees, issue decisions approving lists of land-using projects subject to investor selection within local detailed construction plannings after these lists are approved by provincial-level People's Councils.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Right after the issuance of a decision approving the list of land-using projects subject to investor selection, the bid solicitor shall publish this list on the Bidding newspaper for 3 consecutive issues (in Vietnamese, for domestic bidding; or in Vietnamese and English, for international bidding). In addition, the bid solicitor may also publish this list on other mass media to facilitate information access by interested organizations and individuals. To-be-published information must comply with the laws on land, housing, real estate business and investment, and include a general plan on compensation, support and resettlement upon land recovery by the State, which is made by the local land fund development organization or compensation, support and resettlement council.

4. The minimum time limit for investors to register their participation is 30 days from the date of first publication of the list of projects is published. Interested investors may register their participation under the current laws on investment, housing, land and real estate business. The bid solicitor may neither refuse any investor nor impose any condition in contravention of regulations to restrict the participation of investors.

5. Past the time limit specified in Clause 4 of this Section, the bid solicitor shall publish the list of participation-registering investors on the Bidding newspaper and solicit bids under Clause 4. Section III, Part Three of this Circular.

V. CONDITIONS FOR ORGANIZING THE SELECTION OF INVESTORS

The bid solicitor may organize the selection of investors for a land-using project only when the following conditions are fully met:

1. An approved detailed construction planning of a 1:2,000 scale is available;

2. The project is on the published list under Section IV, Part One of this Circular;

3. There is a general plan on compensation, support and resettlement for the land zone or land fund for which investors will be selected for the project;

4. An approved investor selection plan is available;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



VI. CONDITIONS ON INVESTORS TO PARTICIPATE IN BIDDING

When wishing to invest in a project on the published list, an investor must fully meet the following conditions:

1. Having the legal entity status, for institutional investors, or the civil act capacity under law, for individual investors;

2. Earmarking a capital amount under his/her/ its ownership for investment in the project not lower than 15% of the total investment, for projects using land area of below 20 ha. or not lower than 20% of the total investment, for projects using land area of 20 ha or more;

3. Proposing the project's total investment in the bid dossier or proposal dossier not lower than the floor price indicated in the bidding dossier or requirement dossier. In case of partnership, own capital shall be calculated based on the total capital committed in the written partnership agreement by partnership investors;

4. Ensuring the capacity to mobilize capital and resources for project implementation through the bank's or credit or financial institution's loan provision commitment;

5. The investor may participate in bidding in only one bid application as an independent bidder or in partnership with other investors. In case of partnership, investors shall agree in writing on the head of the partnership, and joint and separate responsibilities of partners;

6. If the planning on the use of a land zone or land fund is adjusted by increasing the land use coefficient or the use area of a construction work, the selected investor shall pay to the State an additional sum of money equivalent to the added value as a result of planning adjustment.

Part Two

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



I. FORMS OF INVESTOR SELECTION AND BIDDING METHOD

1. Forms of investor selection

a/ Bidding is applicable to all projects involving 2 or more interested investors, specifically:

- International bidding is applicable to investment in all projects not banned or restricted from investment under specialized laws;

- Domestic bidding is applicable to investment in projects not subject to international bidding or when lists of projects have been published but there is no interested foreign investor.

b/ Contractor appointment is applicable in the following cases:

- During the period of publishing lists of projects under Section IV. Part One of this Circular, only one investor registers to participate;

- Urgent projects as decided by the Prime Minister at the proposal of ministries, branches localities or state enterprises and based on evaluation reports of the Ministry of Planning and Investment.

2. Bidding method

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



II. BID GUARANTEE

1. Bid guarantee means the investor's application of one of the measures of deposit, collateral or submission of a letter of guarantee as required in the bidding dossier or requirement dossier in order to guarantee his/her/its bid in a given period as required in the bidding dossier or requirement dossier.

2. Bid guarantee is applicable to both bidding and contractor appointment. The bid guarantee value shall be specified in the bidding dossier and requirement dossier equal to 1-3% of the floor price indicated in the bidding dossier or requirement dossier.

3. The validity duration of a bid guarantee is 30 days longer than the validity duration of a bid dossier or proposal dossier. When necessary to extend the validity duration of a bid dossier or proposal dossier, the bid solicitor shall request the investor to extend the validity duration of bid guarantee accordingly.

4. The bid solicitor shall return bid guarantee to unselected investors within 30 days from the date of notifying investor selection results. Bid guarantee will be returned to the selected investor within 10 days after the bid solicitor receives the investor's guarantee to invest in a project.

5. An investor will have his/her/its bid guarantee confiscated and bid dossier and proposal dossier eliminated in the following cases:

a/ After the bidding closure and within the validity duration of his/her/its bid dossier or proposal dossier, the investor declares to withdraw the dossier or abandons the responsibility to participate in the bidding:

b/ The investor fails to negotiate a contract with the bid solicitor within the time limit indicated in the bidding dossier or requirement dossier or the time limit agreed by the investor and bid solicitor;

c/ After completing contract negotiation, the investor fails to sign the contract or to guarantee investment in a project within the time limit indicated in the signed contract:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Bid guarantees confiscated from investors shall be managed and used under the current law on state budget management.

III. PROJECT INVESTMENT GUARANTEE

1. Project investment guarantee means an investor's compulsory application of one of the measures of deposit, collateral or submission of a letter of guarantee as required in the bidding dossier or requirement dossier in order to guarantee the investor's investment in a project under the signed contract.

2. Project investment guarantee is applicable to both bidding and contractor appointment, which must be provided by an investor before a contract comes into force. The value of project investment guarantee shall be specified in the bidding dossier or requirement dossier equal to 5-10% of the selected investor's total investment. If a project has different investment phases, the project investment guarantee will depend on the investment level in each phase.

3. The validity duration of project investment guarantee lasts from the time the contract comes into force to the time the investor completes project construction for commercial operation.

4. An investor will have his/her/its project investment guarantee confiscated and investment certificate revoked in the following cases:

a/ Failing to formulate and implement a project according to the signed contract:

b/ Transferring the project when construction is not yet completed under the contract:

c/ In the course of project investment, failing to pay the sum of money to the State as committed in the bid dossier or proposal dossier or to pay to the State an additional sum of money equivalent to the added value as a result of planning adjustment by increasing the land use coefficient or the use area of a construction work as approved by a competent state agency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



IV. LANGUAGES USED IN AND EXPENSES FOR BIDDING

1. Languages used in bidding

For domestic bidding, Vietnamese is used in bidding, bidding dossiers or bid dossiers (in case of bidding) or requirement dossiers or proposal dossiers (in case of contractor appointment) and documents exchanged between bid solicitors and bidding investors. For international bidding, bidding dossiers and requirement dossiers may be prepared in English or in both Vietnamese and English. If English is used in bidding dossiers or requirement dossiers, bid dossiers and proposal dossiers must also be in English. If bidding dossiers or requirement dossiers are in both Vietnamese and English, it should be stipulated that investors may prepare bid dossiers and proposal dossiers in either Vietnamese or English.

2. Expenses for investor selection

a/ Expenses for investor selection include the expense for making bidding dossiers and requirement dossiers, organizing the selection of investors, assessing bid dossiers and proposal dossiers and conducting evaluation. Investor selection expenses come from the proceeds from the sale of bidding dossiers and requirement dossiers under current regulations. If these proceeds are insufficient to cover the above expenses, the bid solicitor shall report such to a competent person to arrange funds from budgets or other financial sources of ministries, branches or localities. The bid solicitor shall manage, use and settle such expenses under the state budget law.

b/ Bidding dossiers and requirement dossiers shall be sold to interested investors at the price to be decided by the bid solicitor based on the size and nature of a project, which must no: exceed VND 30 million, for domestic bidding, or USD 5,000, for international bidding.

V. DECENTRALIZATION OF APPROVAL AND EVALUATION IN INVESTOR SELECTION

1. For projects of national importance under which investor selection results are approved by the Prime Minister, decentralization is effected as follows:

a/ Bid solicitors are ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, other central agencies, state enterprises or localities with projects. Heads of bid solicitors may approve bidding dossiers and requirement dossiers on the basis of written evaluations of agencies or organizations under their management. Bid solicitors shall sign contracts with selected investors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For locally based projects, depending on the size and nature of each project, the provincial-level or district-level People's Committee president (if decentralized) may decide on investor selection results:

a/ For projects falling within the competence of provincial-level People's Committee presidents:

- Provincial-level People's Committees may directly approve bidding dossiers and requirement dossiers or authorize heads of bid solicitors (provincial-level specialized Services) to approve them;

- Provincial-level People's Committees may approve investor selection results;

- Provincial-level Planning and Investment Services may evaluate investor selection results, bidding dossiers and requirement dossiers in case provincial-level People's Committee presidents are decentralized to personally examine and approve them.

b/ For projects falling within the competence of district-level People's Committee presidents:

- Bid solicitors are district-level specialized units as assigned;

- District-level People's Committee presidents may approve bidding dossiers, requirement dossiers and investor selection results;

- District-level Planning-Finance Sections may evaluate contents related to bidding dossiers, requirement dossiers and investor selection results as a basis for district-level People’s Committee presidents to examine and approve them.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



VI. TIME LIMIT FOR ORGANIZING SELECTION OF INVESTORS

1. The time limit for issuing bidding dossiers is at least 10 days counting from the first date of publication of a bid invitation notice on the Bidding newspaper; the time limit for issuing a requirement dossier is at least 5 days from the first date of sending bid invitation letters.

2. The period for an investor to prepare a bid dossier or proposal dossier is at least 30 days, for domestic bidding, or 45 days, for international bidding, from the first date of issuing a bidding dossier or requirement dossier to the time of bidding closure. If wishing to modify the issued bidding dossier or requirement dossier, the bid solicitor shall notify in writing the investor that has received the dossier at least 15 days before the bidding closure, for domestic bidding, or 30 days, for international bidding.

3. The validity duration of a bid dossier or proposal dossier shall be specified in the bidding dossier or requirement dossier, which must not exceed 210 days from the time of bidding closure. When necessary, the bid solicitor may request the investor to extend once or more than once the validity duration of his/her/its bid dossier or proposal dossier provided that the total of these extensions must not exceed 30 days.

4. The maximum period for assessing a bid dossier or proposal dossier is 60 days, for domestic bidding, or 90 days, for international bidding, from the time of bidding closure to the time the bid solicitor completes and sends a report on investor selection results to a competent person for consideration and decision.

5. The maximum period for evaluating each content related to the bidding dossier or requirement dossier and investor selection results is 30 days; the maximum period for evaluating contents subject to the Prime Minister's approval is 45 days.

6. The maximum period for considering and approving each content related to the bidding dossier or requirement dossier and investor selection results is 20 days from the date of receipt of an evaluation report of the evaluating agency or unit.

Part Three

INVESTOR SELECTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The investor selection process is applicable to bidding and contractor appointment, covering:

1. Investor selection planning;

2. Investor selection preparation;

3. Investor selection organization;

4. Receipt, opening and evaluation of bid dossiers or proposal dossiers;

5. Evaluation and approval of investor selection results;

6. Notification of investor selection results.

II. INVESTOR SELECTION PLANNING

Based on the published list of projects under Section IV, Part One of this Circular and the number of registering investors, the bid solicitor shall work out an investor selection plan and submit it to a competent person for approval as a basis for its implementation. Such a plan must indicate the name of the project, form of investor selection, bidding method, time of organizing investor selection, and other details, when necessary.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Establishing a team of bidding experts:

a/ The bid solicitor shall decide to establish a team of bidding experts if having adequate qualified experts, otherwise, it may select a number of individual consultants to join the team of bidding experts. When necessary, the bid solicitor may select a consultancy organization to perform all the tasks of a team of bidding experts.

b/ Tasks of the team of bidding experts: To make a bidding dossier or requirement dossier: organize investor selection; assess, and report on the assessment of, bid dossiers or proposal dossiers; work out a detailed negotiation plan, negotiate a contract and report on contract negotiation results and other relevant jobs in the course of organizing investor selection.

2. Making a bidding dossier or requirement dossier

2.1. Bases for making a bidding dossier or requirement dossier:

- List of projects published under regulations:

- Investor selection plan approved by a competent person;

- Construction planning of a 1:2.000-scale and requirements for a 1:500-scale planning. The planning must comply with laws on construction plannings, land use plannings and relevant plannings on the use of natural resources and minerals, making the best use of land and space in order to bring about the greatest benefits for the State;

- Current laws on bidding, land, housing, real estate business, investment and construction;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.2. Details of a bidding dossier or requirement dossier

A bidding dossier or requirement dossier shall be made under the guidance provided in the Appendix to this Circular (not printed herein). Such a dossier must indicate the information below as a basis for the investor to prepare a bid dossier or proposal dossier:

- Land allocation or lease duration;

- Grounds for determining the land use levy amount to be remitted by the investor into the state budget in the land allocation or lease duration;

- The handling of the investor's assets on land upon the expiration of the land allocation or lease duration by transferring the whole right to own and use assets on land to a concerned state agency.

2.3. Formulation of assessment criteria

a/ Criteria for assessing an investor's capability and experience

- Capability criteria, including financial capacity requirements (total assets, investor's own capital, capital raising capacity, turnover) and management, operation and business capacity requirements (number and types of projects already invested in and commercially operated by the investor, years of operation experience, total staff, management technologies).

- Experience criteria, including years of experience in investing in or managing and administering projects of similar nature or size. In case of partnership, an investor's experience shall be determined as experience of all partnership members or partners committing to invest in the project through in-principle agreements with the investor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Capability and experience criteria shall be formulated based on the method of assessment as "satisfactory or unsatisfactory" and must be indicated in bidding dossiers or requirement dossiers.

b/ Criteria for technical assessment

b.1/ Detailed criteria for technical assessment include:

- Conformity of the project's purposes proposed by the investor with the approved 1:2,000-scale detailed construction planning;

- Requirements on description of the project investment idea, such as size of the project, architectural and construction solutions for works under the project, and factors related to environmental impacts;

- Requirements on the project implementation and operation management;

- Requirements on the project's outputs;

- Other criteria as suitable to each project.

b.2/ To apply the method of marking with a 100- or 1.000-point scale or the method of assessment as "satisfactory or unsatisfactory". When formulating criteria for assessment with the marking method, to set the minimum requirement of 50% of maximum points for each of the above general criteria. An investor will be assessed as satisfactory according to the marking method if obtaining at least 70% or more of total points. For large and complicated projects, the minimum requirement is 80% of total points and each general criterion must not be lower than the minimum requirement. An investor will be assessed as satisfactory according to the method of assessment as "satisfactory or unsatisfactory" when all the criteria are assessed as satisfactory or the above general criteria are assessed as satisfactory and not more than 30% of detailed criteria under a general criterion are assessed as acceptable while other detailed criteria are assessed as satisfactory.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The formulation of criteria for financial assessment aims to determine benefits to be brought about by investors to the State through their proposals stated in their bid dossiers or proposal dossiers concerning the project's total investment, capital source structure and financial plans. The order of financial assessment is specified as follows:

- Step 1: Determination of an investor's financial capacity:

+ Total investment (A) = Work construction value (M1) + Ground clearance compensation value (M1);

Of which:

+ A ≥ the floor price indicated in the bidding dossier or requirement dossier. The floor price = m1 + m2, of which m1 is the work value projected by the bid solicitor for each project for promoting to the utmost the capacity and use efficiency of the land zone or land fund in terms of land area, land use coefficient and land use space planning based on the approved detailed construction planning: m2 is all expenses for compensation, support and resettlement when the State recovers the project's land zone or land fund according to the land law and land price bracket applicable at the time of paying ground clearance compensation in each locality.

+ M2 ≥ m2 (ground clearance compensation expense) included in the floor price by the bid solicitor. The investor shall offer the ground clearance compensation value (M2) in the bid dossier or proposal dossier so that after being selected, he/she/it shall transfer this value to the local ground clearance compensation council to compensate for the project's land zone or land fund. If the actual compensation value is smaller than M2, the difference shall be remitted into the state budget; if such value is larger than M2, the investor shall make up for the deficit. The investor will have the land compensation, support and resettlement sum in the ground clearance compensation expense deducted from the payable land use levy or land rent, which must not exceed the payable land use levy or land rent. The investor shall bear any excess.

- Step 2: Determination of investment efficiency brought about by the investor for tin: State:

Investment efficiency (B) = M2 + Budge, support value (M3) (calculated in money or work value which the investor commits to unconditionally pay, which is equivalent to monetary value converted at the time of assessment of the bid dossier or proposal dossier)

2.4. Prerequisites stated in a bidding dossier or requirement dossier

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The investor is not named on the list of purchasers of the bidding dossier:

- The bidding participation application is invalid, e.g., it is not completely filled in according to the form provided in the bidding dossier; or there is no signature of the investor's lawful representative as required in the bidding dossier. For partnership investors, the bidding participation application must be signed by the lawful representative of each partner, unless the written partnership agreement stipulates that partners agree to allow their head to sign the application;

- The investor is ineligible for bidding participation under Section VI, Part One of this Circular:

- There is no bid guarantee or the bid guarantee is invalid, e.g., the bid guarantee value is lower than the prescribed value, the currency and form of guarantee are in contravention of regulations; the validity duration is improper or shorter than the prescribed duration, or the guarantee is not submitted to the address and within the time limit specified in the bidding dossier;

- The original bid dossier is unavailable;

- The bid dossier is invalid according to the bidding dossier;

- The investor is named in 2 or more bid dossiers as an independent bidder or a partnership member;

- Other peculiar prerequisites of the project.

b/ In case of contractor appointment, a requirement dossier may set a number of the above prerequisites suitable to the nature and conditions of each project.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Based on the bidding dossier or requirement dossier proposed by the bid solicitor, the evaluating agency or organization shall make an evaluation report and submit it to a competent person or authorized person for consideration and written approval.

b/ The competent person or authorized person shall, based on the written evaluation of the evaluating agency or organization, approve the bidding dossier or requirement dossier.

4. Bid invitation

The bid solicitor shall publish the bid invitation notice (in Vietnamese, for domestic bidding, or in both Vietnamese and English, for international bidding) on the Bidding newspaper for investors interested in participating in the bidding. At the same time, the bid solicitor shall send bid invitation letters to investors having registered to participate in the bidding. A bidding dossier or requirement dossier shall be issued at least 10 days (for bidding) or 5 days (for contractor appointment), after the date of first publication of the bid invitation notice or sending the bid invitation letter (for contractor appointment).

IV. ORGANIZATION OF INVESTOR SELECTION

1. Issuance of bidding dossiers and requirements dossiers

a/ The bid solicitor shall sell bidding dossiers or requirement dossiers from the first date of issuing them to the time of bidding closure as indicated in the bidding dossiers or requirement dossiers. For partnership investors, only their representatives are required to come to purchase bidding dossiers or requirement dossiers.

b/ After issuing a bidding dossier or requirement dossier, if wishing to modify or supplement it, the bid solicitor shall issue a modification or supplementation document to the investor that has received the bidding dossier or requirement dossier. Any modifications and supplements to a bidding dossier or requirement dossier must be adopted by the person approving this dossier before the modification or supplementation document is issued to the investor.

2. Clarification of bidding dossiers or requirement dossiers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



After issuing a bidding dossier or requirement dossier, the bid solicitor shall organize a meeting with investors to exchange, explain and clarify contents in the bidding dossier or requirement dossier which remain unclear to the investors. The bid solicitor shall make a written record of the exchange and clarification to be handed over to investors that are present at and absent from the meeting. The written explanation and clarification constitute part of the bidding dossier or requirement dossier for investors to have sufficient grounds for making bid dossiers or proposal dossiers.

b/ Sending written requests for clarification of bidding dossiers or requirement dossiers

In the course of preparing a bid dossier or proposal dossier, an investor may, at any time, request in writing the bid solicitor to explain unclear contents in the bidding dossier or requirement dossier. The bid solicitor's written explanation and clarification must be forwarded to all investors that have received the bidding dossier or requirement dossier as part of the bidding dossier or requirement dossier.

3. Preparation and submission of bid dossiers or proposal dossiers

a/ The investor shall study the bidding dossier or requirement dossier in order to prepare a bid dossier or proposal dossier according to regulations.

b/ The investor shall submit the bid dossier or proposal dossier within the time limit and at the place indicated in the bidding dossier or requirement dossier. Bid dossiers submitted after the time of bidding closure for any reason will be regarded as invalid and will not be opened for assessment. In this case, the bid solicitor shall return the dossier to the investor at the bid solicitor's place of dossier receipt.

c/ The investor may withdraw, modify or replace the submitted bid dossier or proposal dossier provided that such withdrawal, modification or replacement must be expressed in writing and received by the bid solicitor before the time of bidding closure.

V. RECEIPT, OPENING AND ASSESSMENT OF BID DOSSIERS OR PROPOSAL DOSSIERS

1. Receipt and opening of bid dossiers or proposal dossiers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Opening of bid dossiers or proposal dossiers (technical proposal dossiers)

Right after the bidding closure, the bid solicitor shall publicly open the bid dossiers or (technical) proposal dossiers to the witness of participating investors and representatives of concerned agencies.

Bids shall be opened according to the alphabetic order of the names of investors submitting bid dossiers and a written record must be made of such bid opening, which contains the following details:

- Number of investors having registered to participate in the bidding and number of investors that have purchased bidding dossiers or requirement dossiers:

- Names of investors having submitted bid dossiers or proposal dossiers;

- Number of originals and copies of each bid dossier or proposal dossier;

- Validity duration of each bid dossier or proposal dossier:

- Written requests for modification and supplementation of the bid dossiers or proposal dossiers (if any);

- Other details, when necessary.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. (Technical) assessment of bid dossiers or proposal dossiers:

The team of bidding experts shall (technically) assess bid dossiers or proposal dossiers based on the assessment criteria indicated in the bidding dossiers or requirements dossiers. In the course of assessment, assessment criteria may not be modified or supplemented. The order of assessment is specified as follows:

a/ Preliminary assessment

Preliminary assessment aims to examine the completeness of bid dossiers or proposal dossiers as required in bidding dossiers or requirement dossiers in order to eliminate bid dossiers or proposal dossiers which are invalid and unlawful and breach prerequisites specified in bidding dossiers or requirement dossiers. The order of assessment is specified as follows:

- Preliminary examination of bid dossiers or proposal dossiers: An investor that breaches any of the prerequisites specified in the bidding dossier or requirement dossier will be eliminated and will not be eligible for consideration and assessment at subsequent steps;

- Assessment of an investor's capability and experience based on the assessment criteria indicated in the bidding dossier or requirement dossier. An investor that is assessed as having satisfied capability and experience requirements will be eligible for detailed technical assessment.

- Bid dossiers or proposal dossiers which are assessed as satisfactory at the preliminary assessment step will be eligible for detailed technical assessment.

b/ Detailed technical assessment

The team of bidding experts shall conduct detailed technical assessment of bid dossiers or proposal dossiers based on the assessment criteria indicated in bidding dossiers or requirement dossiers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Opening and assessment of financial proposal dossiers

a/ An investor having a bid dossier which is assessed as having satisfied technical requirements will be financially assessed. After the issuance of the bid solicitor's decision approving the list of investors satisfying technical requirements, financial proposal dossiers shall be publicly opened to the witness of those investors and representatives of concerned agencies. Investors failing to satisfy technical requirements will also be invited to attend the ceremony to open financial proposal dossiers of investors satisfying technical requirements. The bid solicitor shall return financial proposals to investors failing to satisfy technical requirements.

b/ Financial proposal dossiers shall be opened in the alphabetic order of the names of investors having passed technical assessment and a written record must be made of such opening, containing the following details:

- Number of investors whose (technical) bid dossiers or proposal dossiers have been opened and number of investors having satisfied technical requirements;

- Number of originals and copies of each financial proposal dossier;

- Validity duration of each financial proposal dossier;

- Total investment proposed by each investor;

- Letter offering increased prices (if any). This letter is valid only when it is opened simultaneously with the financial proposal dossier;

- Other details, when necessary.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Financial assessment

The team of experts shall conduct financial assessment based on the assessment criteria indicated in bidding dossiers or requirement dossiers.

4. Clarification of bid dossiers or proposal dossiers:

a/ In case of bidding: In the course of assessing bid dossiers, the team of bidding experts may ask the bid solicitor to request in writing investors to clarify, or invite investors to personally come to explain and clarify their bid dossiers. Such explanation and clarification must be noted in a record as part of the bid dossier. In the course of clarification, the bid solicitor may not accept the investor's change of financial proposals (including letter offering increased prices). Investors may not supplement at their own will their submitted bid dossiers, except documents required by the bid solicitor. The clarification should not change the nature of the submitted bid dossier.

b/ In case of contractor appointment: In the course of assessing a proposal dossier, the bid solicitor may request in writing, or invite nominated investors to personally come to explain or clarify the proposal dossier. Investors may supplement documents to complete their proposal dossiers and must ensure the truthfulness of information. Investors that supply untruthful information on their capability or experience shall be handled under the laws on bidding and investment. Investors may neither modify nor supplement their financial proposals but may send letters offering increased prices.

5. Principles of approval of investor selection

An investor will be proposed to be selected if fully meeting the following conditions:

a/ Having a valid bid dossier or proposal dossier;

b/ Being assessed as having satisfied capability and experience requirements;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Having total investment (A) not lower than the floor price approved in the bidding dossier or requirement dossier and having the highest investment efficiency (B). If no investor proposes the payment of monetary support to the budget, an investor that offers the highest total investment (A) which is not lower than the floor price will be proposed to be selected.

VI. EVALUATION AND APPROVAL OF INVESTOR SELECTION RESULTS

1. Based on the bid solicitor's report on investor selection results, the evaluating agency or organization shall evaluate, and make a report on evaluation of, investor selection results, indicating the legal ground, process of implementation organization, assessment results, agreement or disagreement (stating the reasons) with the bid solicitor's proposal. The evaluation does not mean re-assessment of the bid dossier or proposal dossier. Agencies, organizations and individuals directly engaged in the evaluation shall ensure the objectivity and truthfulness of evaluation and may reserve their opinions.

2. Approval of investor selection results

1. Based on the bid solicitor's report and the evaluating agency's or organization's evaluation report, the competent person or authorized person shall approve investor selection results. A written approval must contain the following details:

a/ Name and location of the project;

b/ Name of the selected investor;

c/ Total investment, size and technical criteria of the project and value of ground clearance compensation; value of the sum of money to be paid as support to the budget (if any);

d/ Time of formulating and completing the project;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ Time of starting, completing and putting the project into operation or transferring works (if any);

g/ Other details, if any.

VII. NOTIFICATION OF INVESTOR SELECTION RESULTS

After obtaining the approval decision of the competent person or authorized person, the bid solicitor shall notify investor selection results, specifically as follows:

a/ Sending written notices to participating investors and also detailed plans on contract negotiation to selected investors;

b/ Sending information on investor selection results for publication on the Bidding newspaper within 10 days after the issuance of the approval decision.

Part Four

NEGOTIATION AND SIGNING OF PROJECT INVESTMENT CONTRACTS

I. CONTRACT SIGNING PRINCIPLES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The negotiation must comply with the negotiation time limit indicated in the bidding dossier or requirement dossier. If an investor intentionally extends the prescribed negotiation time limit, the bid solicitor shall report such to the competent person for annulling the approved results in order to select the second-ranked investor or another investor (in case of contractor appointment). In this case, the violating investor will have his/her/its bid guarantee confiscated;

2. In the course of negotiation, the selected investor may not reduce the proposed investment level, the level of ground clearance compensation or the sum of money to be paid as support to the budget (if proposed);

3. It is prohibited to negotiate contents already specified in the bidding dossier or requirement dossier and those offered by the investor in the bid dossier or proposal dossier;

4. A contract must contain a term binding on the investor by the sum of money committed to be paid as support to the State in the bid dossier or proposal dossier or the sum of money to be additionally paid as support to the State, in case of adjustment of a 1:2,000 construction planning by increasing the land use coefficient or use area of a construction work as approved by a competent state agency. The sum of money to be additionally paid as support by the investor as a result of planning adjustment shall be determined based on the ratio of the sum of money initially committed to be paid as support in the bid dossier or proposal dossier and the initial construction area multiplied by the construction area increased as a result of planning adjustment.

II. PROCESS OF CONTRACT NEGOTIATION

1. Negotiation preparation.

2. Negotiation organization.

3. Submission for approval and approval of negotiation results.

4. Signing of a project investment contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The team of bidding experts shall negotiate a contract with the selected investor.

2. Preparation of negotiation plans and contents

a/ Based on requirements set in the bidding dossier or requirement dossier and the bid dossier or proposal dossier of the investor as well as approved investor selection results, the team of bidding experts shall prepare a detailed plan on and contents of negotiation and submit them to the bid solicitor for approval, which shall be sent to the investor for preparation.

b/ When receiving the written notice that he/ she/it has been selected for negotiation and the detailed negotiation plan, the investor shall notify in writing the bid solicitor of the receipt of that notice and agreement to negotiate. Within 30 days, if the investor fails to do so without a plausible reason, the bid solicitor may confiscate his/her/its bid guarantee and report such to the competent person for annulling the above investor selection results.

IV. ORGANIZATION OF NEGOTIATION

1. The team of bidding experts shall invite the investor to negotiate according to the negotiation plan already sent to the investor at the place indicated therein.

2. In the course of negotiation, agreements must be expressed in a written record to be signed for certification by both parties. If there arise disagreements or new issues not indicated in the bidding dossier, requirement dossier, bid dossier or proposal dossier which are beneficial to the State, the team of bidding experts should propose solutions and report them to the bid solicitor for consideration and decision. If those disagreements and issues fall beyond its competence, the bid solicitor shall report them to the competent person for consideration and decision.

V. SUBMISSION FOR APPROVAL AND APPROVAL OF NEGOTIATION RESULTS

After successfully negotiating with the investor, the team of bidding experts shall submit negotiation results to the bid solicitor for approval or further submission for approval under regulations. The time limit for approving negotiation results is 15 days. If negotiation fails, the team of bidding experts shall report such to the bid solicitor in order to propose a competent person to annul investor selection results and approve the selection of the second-ranked investor for negotiation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Based on negotiation results approved by the competent person, the agency assigned to sign a contract shall invite the investor to come to complete the contract. After reaching agreement, both parties shall sign the contract under regulations.

Part Five

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

I. IMPLEMENTATION GUIDANCE

1. The handling of problems, petitions and the settlement of petitions and the handling of violations of the handing law comply with current relevant provisions of the bidding law.

2. In the course of implementation of this Circular, ministries, branches, localities and enterprises should report any arising problems to the Ministry of Planning and Investment for timely consideration and settlement. If the bid solicitor sets investor selection principles (including the formula of calculating economic benefits) which are different from those guided in this Circular but help select the best investors in terms of benefits they bring to the State, the bid solicitor may apply those principles. In this case, the bid solicitor should send bidding dossiers or requirement dossiers to the Ministry of Planning and Investment for monitoring and management.

3. After investors are selected under this Circular, investment and construction and other procedures shall be carried out in accordance with the laws on investment and construction and relevant laws.

II. EFFECT

This Circular takes effect 45 days from the date of its signing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

THE MINISTER OF PLANNING AND INVESTMENT




Vo Hong Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 03/2009/TT-BKH ngày 16/04/2009 hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


31.618

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.49.243
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!