Các kinh phí thực hiện cho chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới năm 2030 gồm những kinh phí nào?

Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng đến năm 2030, có yêu cầu các lĩnh vực nào cần được ưu tiên chuyển đổi số? Các kinh phí thực hiện cho chương trình gồm những kinh phí nào? Quy định về cơ chế điều phối triển khai trong chương trình chuyển đổi số ra sao? Câu hỏi của anh Văn Uy (Hà Nội).

Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng đến năm 2030, có yêu cầu các lĩnh vực nào cần được ưu tiên chuyển đổi số?

Theo Mục VIII Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 quy định về một số lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số như sau:

MỘT SỐ LĨNH VỰC CẦN ƯU TIÊN CHUYỂN ĐỔI SỐ
Một số ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó, chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp một trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
1. Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế
Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế.
Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.
Thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng, hình thành hệ thống chăm sóc y tế số hoàn chỉnh từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng đến điều trị.
Tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc bác sỹ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.
2. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục
Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.
100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.
3. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng
Xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán.
Chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngang hàng.
Hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng và mô hình chấm điểm đáng tin cậy.
4. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
5. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics
Phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các đường cao tốc, quốc lộ. Chuyển đổi các hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận ...).
Phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng để phát triển thành một hệ thống một cửa để cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu để vận chuyển hàng hóa và các kho bãi chính xác cũng như hỗ trợ việc đóng gói và hỗ trợ đăng ký, hoàn thiện các quá trình xử lý các văn bản hành chính liên quan.
Chuyển đổi việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện, cho phép quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số, cấp và quản lý giấy phép người điều khiển phương tiện số.
6. Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng
Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả.
Kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng.
7. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể như: Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; các cơ sở dữ liệu về lĩnh vực khác (nền địa lý quốc gia; quan trắc tài nguyên và môi trường; đa dạng sinh học; nguồn thải; viễn thám; biển và hải đảo; biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn; địa chất - khoáng sản;...); xây dựng bản đồ số quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.
8. Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp
Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột: xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động.

Như vậy, trong chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng đến năm 2030, có yêu cầu các lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số bao gồm:

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

- Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

chương trình chuyển đổi số quốc gia

Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Hình từ Internet)

Các kinh phí thực hiện cho chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới năm 2030 được lấy từ các nguồn nào?

Tại Mục IX Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 quy định như sau:

KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Chương trình này bao gồm: ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số.
2. Ưu tiên kinh phí từ ngân sách nhà nước để phục vụ các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng, hợp tác quốc tế, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số và chuyển đổi kỹ năng trong môi trường số và các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình này do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện.
3. Đối với các đơn vị có các nguồn kinh phí được để lại theo quy định (đang để ngoài cân đối ngân sách): Việc sử dụng kinh phí để thực hiện Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật chuyên ngành.

Theo đó, kinh phí để thực hiện cho chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới năm 2030 bao gồm: ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Quy định về cơ chế điều phối triển khai trong chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới năm 2030 ra sao?

Theo Mục XI Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 quy định về cơ chế điều phối triển khai:

CƠ CHẾ ĐIỀU PHỐI TRIỂN KHAI
1. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; đôn đốc, điều phối chung việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
2. Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc, điều phối chung việc triển khai hoạt động chuyển đổi số trong phạm vi bộ, ngành, địa phương mình.
3. Trong quá trình triển khai, trường hợp cần thiết có sự thay đổi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trường hợp cần thiết có sự thay đổi thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Tổng cục Hải quan chỉ ra tồn tại của hệ thống CNTT qua quá trình thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030?
Pháp luật
Chương trình chuyển đổi số quốc gia được xem là một nhiệm vụ quan trọng và được đánh giá định kỳ hàng tháng đúng không?
Pháp luật
Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới năm 2030 có quy định cần phát triển 04 loại hình doanh nghiệp công nghệ số nào?
Pháp luật
Phát triển nền tảng số trong chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới năm 2030 mang tính thúc đẩy cao và mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội?
Pháp luật
Các kinh phí thực hiện cho chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới năm 2030 gồm những kinh phí nào?
Pháp luật
Bảo đảm an toàn an ninh mạng là nhiệm vụ của chuyển đổi số quốc gia hướng tới năm 2030 quy định những điều gì?
Pháp luật
Tiêu chí doanh nghiệp nền tảng, các nguồn lực xét duyệt nền tảng số tham gia vào Chương trình chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì?
Pháp luật
05 nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực GTVT là gì?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia
5,468 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào
Type: