Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2611/KH-BTP Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Nguyễn Thúy Hiền
Ngày ban hành: 03/04/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2611/KH-BTP

Hà Nội, ngày 3 tháng 4 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

PHÁT ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “NGÀNH TƯ PHÁP CHUNG SỨC GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI”

Thực hiện Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, về Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; để phát huy vai trò của Ngành Tư pháp thông qua việc thực hiện Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu: ''Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa", Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch phát động và tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Đẩy mạnh các hoạt động tư pháp phục vụ tích cực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng nông thôn mới; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tư pháp ở cơ sở, bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật và tội phạm ở nông thôn, giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội, để thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

2. Yêu cầu

Việc xây dựng, tổ chức Phong trào thi đua "Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới" phải bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu sau:

- Bám sát các nhiệm vụ của Ngành, cũng như nhiệm vụ của mỗi đơn vị gắn với chương trình, nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của cả nước, của mỗi địa phương để cụ thể hóa thành kế hoạch thi đua trong đó xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong phong trào thi đua của mỗi đơn vị.

- Phát động phong trào thi đua một cách sôi nổi, sâu rộng, đến 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành; đảm bảo thường xuyên, liên tục, thiết thực, thực hiện các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá hiệu quả tác dụng của phong trào thi đua, phát hiện những cách làm hay, những gương điển hình tiên tiến để nhân rộng và biểu dương, khen thưởng kịp thời.

- Tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo và ủng hộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các tổ chức đoàn thể trong mỗi cơ quan, đơn vị trong tổ chức, triển khai thực hiện, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa phong trào thi đua do Bộ phát động với các phong trào thi đua của địa phương, đơn vị; phát huy sức mạnh tổng hợp của Ngành góp phần xây dựng nông thôn mới.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

Toàn ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện khẩu hiệu: "Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới'' với các nội dung chủ yếu sau:

1. Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành về quan điểm, chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước theo Nghị Quyết số 26 NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 về Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ; các nội dung cụ thể hoá chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới của chính quyền, Ban chỉ đạo các cấp; tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

2. Chủ trì xây dựng, thẩm định, tham gia xây dựng 100% các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao; nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật; tích cực tham mưu, đề xuất thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, khả thi các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới và các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới như: pháp luật về đất đai, môi trường, rừng, biển, khoáng sản, hôn nhân và gia đình, tôn giáo, dân tộc, bình đẳng giới, chính sách xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, đầu tư, thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục; xây dựng, phát triển làng nghề; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, an ninh quốc phòng, công bằng, an sinh xã hội...

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Qua công tác này, kiến nghị, đề xuất các biện pháp, giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản về cơ chế, chính sách, pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, giải phóng sức lao động, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng và thực hiện Hương ước, Quy ước ở các thôn, làng, bản, ấp, khóm, khu dân cư... trên địa bàn cấp xã ở nông thôn, phát huy ý thức tự quản, tăng cường đoàn kết, chấp hành tốt pháp luật, phát huy phong tục tập quán, truyền thống, đạo đức tốt đẹp của các cộng đồng dân cư ở nông thôn.

4. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở trên địa bàn cấp xã theo Chỉ thị số 32 CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân; giải quyết kịp thời và dứt điểm những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật nhỏ trong các cụm dân cư, thôn, làng, bản, ấp, xóm…, tạo sự chuyển biến cơ bản ý thức chấp hành chính sách, pháp luật trong cán bộ và nhân dân.

a) Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật:

+ Giai đoạn (2012 - 2015):

- Phấn đấu 80% trở lên các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng nông thôn mới và các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, người dân ở nông thôn.

- Phấn đấu 80% trở lên các xã được tiếp cận pháp luật thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí, tài liệu pháp luật, phương tiện truyền thông, hòa giải ở cơ sở, định kỳ phổ biến pháp luật ở cơ sở, câu lạc bộ pháp luật...

+ Giai đoạn (2016 - 2020):

- Phấn đấu 95% trở lên các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cán bộ, người dân nông thôn được tuyên truyền, phổ biến.

- Phấn đấu 90% trở lên các xã được tiếp cận pháp luật thông qua Trung tâm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí, tài liệu pháp luật, phương tiện truyền thông, hòa giải ở cơ sở, định kỳ phổ biến pháp luật ở cơ sở, câu lạc bộ pháp luật...

b) Về công tác hòa giải ở cơ sở:

+ Giai đoạn (2012 - 2015):

- Phấn đấu 95% hồ sơ công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa”, “làng văn hóa”, “ấp văn hóa”, “bản văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa” đều đạt tiêu chí hoạt động hòa giải hiệu quả, hầu hết những mâu thuẫn, bất hòa được giải quyết tại cộng đồng.

- Phấn đấu 85% tổ hòa giải ở nông thôn hoạt động hiệu quả, số vụ việc hòa giải thành đạt trên 80%.

+ Giai đoạn (2016 - 2020):

- Phấn đấu 100% hồ sơ công nhận danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa”, “làng văn hóa”, “ấp văn hóa”, “bản văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa” đều đạt tiêu chí hoạt động hòa giải hiệu quả, hầu hết những mâu thuẫn, bất hòa được giải quyết tại cộng đồng.

- Phấn đấu 90% tổ hòa giải ở nông thôn hoạt động hiệu quả, số vụ việc hòa giải thành đạt trên 85%.

5. Phát triển, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý theo Chiến lược phát triển Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011- 2030 cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng phần lớn yêu cầu trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

+ Giai đoạn (2012 - 2015):

- Phấn đấu 90% nhu cầu trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật, hòa giải của người được trợ giúp pháp lý được đáp ứng ngay tại cơ sở; hoàn thành từ 80% tổng số vụ việc mà người được trợ giúp pháp lý yêu cầu;

- Bảo đảm 90% vụ việc yêu cầu tư vấn pháp luật được hoàn thành; 90% các xã tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt/01 năm;

+ Giai đoạn (2016 - 2020):

- Phấn đấu 100% nhu cầu trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật, hòa giải của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được đáp ứng ngay tại cơ sở;

- Bảo đảm 100% vụ việc yêu cầu tư vấn pháp luật được được hoàn thành; 100% các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt/01 năm”.

6. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thi hành án dân sự, phấn đấu vượt các chỉ tiêu được giao hàng năm. Trong đó, năm 2012 giải quyết xong 85% về việc và 70% về tiền (tiền và giá trị tài sản được quy ra tiền) trong số việc, tiền có điều kiện giải quyết; giảm tối thiểu 10% số việc chưa giải quyết xong chuyển sang năm 2013 và những năm tiếp theo; phấn đấu phân loại việc, tiền có điều kiện, chưa có điều kiện giải quyết chính xác 100%; giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự liên quan đến người được thi hành án, người phải thi hành án ở nông thôn.

Tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, chấp hành viên, luôn gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật cao, trung thực, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, thường xuyên giữ mối liên hệ với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người được thi hành án, người phải thi hành án và thái độ của nhân dân khu vực nông thôn đối với công tác thi hành án, từ đó, có biện pháp tổ chức thi hành án thích hợp, đảm bảo thấu tình đạt lý, giữ được truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư ở nông thôn.

7. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý Hộ tịch ở cơ sở; tăng chỉ tiêu đăng ký khai sinh cho trẻ em, phấn đấu đến năm 2015 đạt 100% trẻ em sinh ra ở xã thuộc đồng bằng, đô thị và 70% trở lên trẻ em sinh ra ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được đăng ký khai sinh đúng thời hạn theo quy định; các năm từ 2016 đến 2020, mỗi năm tăng dần ít nhất là 5% đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Hoạt động công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn. Quy hoạch phát triển mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp và phân bố hợp lý trên cả nước, đáp ứng nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của tổ chức, cá nhân trong xã hội với mục tiêu đến năm 2020 mỗi địa bàn cấp huyện có ít nhất 01 tổ chức hành nghề công chứng; Từ nay đến năm 2015, phát triển khoảng 12.000 luật sư, mỗi năm đạt từ 800 đến 1000 luật sư. Trong đó, mỗi địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn phát triển được từ 2 đến 3 luật sư. Đến năm 2020, phát triển số lượng khoảng từ 18.000 - 20.000 luật sư, đạt tỷ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500 đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tại mỗi địa phương có khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội có từ 30 đến 50 luật sư, bảo đảm tham gia 100% số lượng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

8. Tăng cường củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành bằng pháp luật của chính quyền cấp xã; phấn đấu đến năm 2015, 100% cấp xã loại 1 và loại 2 có từ 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch trở lên và trên 90% công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã đạt trình độ trung cấp luật trở lên và các tiêu chuẩn khác theo hướng dẫn theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian tổ chức thực hiện

Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” được triển khai thực hiện từ năm 2012 đến năm 2020, chia thành 2 giai đoạn:

1.1. Giai đoạn 1 (từ năm 2012 - 2015):

- Các cơ quan, đơn vị trong Ngành căn cứ vào Kế hoạch này tổ chức phát động, đăng ký thực hiện phong trào thi đua trong quý II năm 2012. Hàng năm, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua này cùng với tổng kết phong trào thi đua hàng năm của mỗi cơ quan, đơn vị.

- Năm 2015 các cơ quan, đơn vị trong Ngành tổ chức sơ kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua này trong giai đoạn (2012 - 2015); xét khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định (Bộ sẽ có hướng dẫn sơ kết và xét đề nghị khen thưởng sau).

- Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua này trong toàn Ngành, xét khen thưởng theo thẩm quyền và xét, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.

1.2. Giai đoạn 2 (từ năm 2016 - 2020):

- Trên cơ sở đánh giá kết quả và hiệu quả của việc thực hiện Kế hoạch này trong giai đoạn 1, các đơn vị trong Ngành căn cứ vào chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ của đơn vị mình tiếp tục triển khai Giai đoạn 2 và tổng kết Phong trào thi đua này vào năm 2020; xét khen thưởng theo thẩm quyền, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định (Bộ sẽ có hướng dẫn tổng kết và xét, đề nghị khen thưởng sau).

- Bộ Tư pháp tổ chức tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua này vào năm 2020; xét khen thưởng theo thẩm quyền, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.

2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

2.1. Các đơn vị quản lý những lĩnh vực có quan hệ trực tiếp đến xây dựng nông thôn mới như: Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật, Vụ Tổ chức, cán bộ, Vụ Hành chính Tư pháp, Vụ Bổ trợ Tư pháp..., căn cứ vào Kế hoạch phát động phong trào thi đua này, phải chuyển mạnh các hoạt động thuộc phạm vi quản lý theo hướng chủ động, tích cực phục vụ sự nghiệp xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động thuộc phạm vi lĩnh vực, ngành mình quản lý diễn ra trên địa bàn cấp huyện và xã.

2.2. Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Căn cứ vào Kế hoạch phát động phong trào thi đua của Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự cũng như tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương để xây dựng kế hoạch phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới" ở địa phương; trong đó, xác định cụ thể những nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế, gắn với thực hiện các nhiệm vụ, tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, các Phòng Tư pháp, Chi cục Thi hành án dân sự, Uỷ ban nhân dân cấp xã xây dựng, xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ và những biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua này phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế, gắn với thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

2.3. Trưởng, Phó trưởng các Cụm, Khu vực thi đua có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai phong trào thi đua này ở các đơn vị thuộc Cụm, Khu vực mình phụ trách.

2.4. Tổng cục Thi hành án dân sự căn cứ vào nội dung Kế hoạch này và tình hình đặc điểm, điều kiện cụ thể của ngành Thi hành án dân sự để xây dựng kế hoạch phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua trong toàn ngành Thi hành án dân sự trong đó, hướng dẫn các Cục Thi hành án dân sự xác định cụ thể những nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế, gắn với thực hiện các nhiệm vụ, tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

2.5. Vụ Thi đua - Khen thưởng phối hợp với các đơn vị có liên quan, Ban chấp hành Công đoàn Bộ Tư pháp và Ban chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp tạo môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của cán bộ, công chức là đoàn viên, thanh niên hưởng ứng tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới; xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động phù hợp, chọn một số xã điểm ở vùng nông thôn để giúp đỡ xây dựng nông thôn mới theo các giải pháp đã được xác định trong kế hoạch; hàng năm có báo cáo đánh giá về quá trình thực hiện gửi về Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng Bộ Tư pháp (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng).

2.6. Định kỳ 06 tháng đầu năm và hàng năm, Trưởng, Phó trưởng các Cụm, Khu vực thi đua, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị tổng hợp kết quả thực hiện phong trào thi đua này thành một nội dung trong báo cáo sơ kết và tổng kết công tác thi đua, khen thưởng gửi về Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng Bộ Tư pháp (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) theo quy định tại Khoản 4, Điều 32 Thông tư số 06 ngày 07 tháng 3 năm 2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp. Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp kết quả thực hiện phong trào thi đua này thành một nội dung trong báo cáo sơ kết và tổng kết công tác thi đua, khen thưởng gửi về Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng ngành Thi hành án dân sự (Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự) để tổng hợp báo cáo Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ngành Tư pháp (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) đối với báo cáo 6 tháng chậm nhất là ngày 15 tháng 7 hàng năm; đối với báo cáo năm chậm nhất là 15 tháng 11 hàng năm

- Khi kết thúc giai đoạn 1 và 2 của Phong trào thi đua, tiến hành tổ chức sơ kết và tổng kết bình xét khen thưởng, đề nghị khen thưởng theo hướng dẫn của Bộ.

2.7. Vụ Thi đua - Khen thưởng chủ trì phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự; Văn phòng Bộ; Vụ Tổ chức, cán bộ; Trưởng, Phó trưởng các Cụm, Khu vực thi đua và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/cáo);
- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (để b/cáo)
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Ban TĐKT TW;
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Các đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện);
- STP, Cục THA dân sự các tỉnh, TP (để thực hiện);
- Các Cụm, Khu vực thi đua (để thực hiện);
- BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh BTP (để thực hiện);
- BCH Công đoàn Bộ Tư pháp (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ TĐKT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thúy Hiền

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 2611/KH-BTP ngày 03/04/2012 về phát động và tổ chức Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” do Bộ Tư pháp ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.604

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.198.150
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!