THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 851/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ
HÒN LA, TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật xây dựng
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số
08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ
trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Phê duyệt Quy hoạch chung
xây dựng Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 với các nội dung chủ
yếu sau:
1. Ranh giới, diện
tích
Phạm vi quy hoạch có diện tích khoảng
10.000 ha. Bao gồm diện tích đảo và biển, có ranh giới địa lý được xác định như
sau:
- Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh;
- Phía Nam giáp xã Quảng Thọ, huyện
Quảng Trạch;
- Phía Tây giáp các xã Quảng Kim,
Quảng Châu, Quảng Tiên, Quảng Lưu, Quảng Phương và Quảng Long, huyện Quảng Trạch;
- Phía Đông giáp biển Đông.
2. Tính chất
- Là khu kinh tế tổng hợp đa ngành,
đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - cảng biển - thương mại - dịch vụ - du lịch
- đô thị và nông lâm ngư nghiệp;
- Là một trung tâm kinh tế của tỉnh
Quảng Bình, có các điều kiện về hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ; có vai trò đầu
tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển cho các vùng khác.
3. Quy mô dân số
- Đến năm 2020: Khoảng 58.000 người;
- Đến năm 2030: Khoảng 76.000 người.
4. Quy hoạch sử dụng
đất
a) Đất khu phi thuế
quan khoảng: 36,0 ha.
b) Đất khu thuế quan:
9.964,0 ha,
- Đất xây dựng các
khu chức năng: Cảng, công nghiệp, du lịch, đô thị, đầu mối hạ tầng... quy mô:
3.189,4 ha. Trong đó:
+ Đất khu cảng: 133
ha;
+ Đất công nghiệp tập
trung: 1.353,5 ha;
+ Đất các khu du lịch:
396,96 ha (Khu du lịch sinh thái Vũng Chùa - Đảo Yến, các
điểm du lịch sinh thái và các điểm di tích văn hoá, lịch sử: đình Vĩnh Sơn, đền
Công chúa Liễu Hạnh....);
+ Đất ở đô thị và các
khu chức năng: 1.257,8 ha.
- Đất ở nông thôn và
sinh thái nông nghiệp khoảng: 5.761,9 ha. Trong đó đất ở nông thôn: 247,6 ha.
- Phần diện tích các
đảo và mặt biển: 1.012,7 ha.
5. Định hướng phát
triển không gian và phân khu chức năng
a) Cấu trúc phát triển
không gian theo 03 trục giao thông chính gồm quốc lộ 1A, đường phía Tây và đường
ven biển; hướng phát triển tập trung bám sát khu vực cảng phía Bắc của Khu kinh
tế, trong đó Cảng biển nước sâu Hòn La là hạt nhân của Khu kinh tế. Các khu
công nghiệp được bố trí tại những vị trí thuận lợi về giao thông. Khu vực xây dựng
đô thị và du lịch được bố trí sát bờ biển. Khu vực phát triển sinh thái nông
nghiệp công nghệ cao và phát triển du lịch được bố trí phía Nam sông Roòn. Các
khu vực đất dành cho quân sự được giữ nguyên để phục vụ yêu cầu an ninh quốc
phòng. Các khu vực đồi núi cao để phát triển trồng rừng và sinh thái lâm nghiệp.
b) Phân khu chức năng
- Khu phi thuế quan:
Bố trí gắn liền trục chính ra cảng tổng hợp để tiện cho các hoạt động kinh tế đối
ngoại, quy mô diện tích khoảng 36 ha.
- Khu thuế quan:
+ Công nghiệp: Tổng
diện tích đất dành cho xây dựng công nghiệp của Khu kinh tế Hòn La khoảng
1.486,5 ha. Bao gồm cảng Hòn La quy mô 133 ha, tại xã Quảng Đông; Khu công nghiệp
cảng biển tại xã Quảng Đông quy mô 613,5 ha; Khu công nghiệp số 2 tại xã Quảng
Phú, quy mô khoảng 485 ha; Cụm công nghiệp sản xuất muối và chế biến hải sản
quy mô khoảng 90 ha; Khu công nghiệp cửa ngõ phía Tây, quy mô khoảng 118 ha và
Cụm công nghiệp cửa ngõ phía Nam Khu kinh tế, quy mô 47 ha;
+ Khu dân cư đô thị:
Tổng diện tích đất dành cho xây dựng khu đô thị của Khu kinh tế Hòn La khoảng
754 ha, bao gồm 6 khu (gồm khu dân cư mới và tái định cư):
Khu tái định cư số 1 phía Bắc bên trái quốc lộ 1A và số 2 phía Bắc núi Thọ Sơn có quy mô khoảng 51 ha; Khu đô thị mới và tái định cư số
3, phía Nam khu phi thuế quan, quy mô 108 ha; Khu đô thị mới và tái định cư số 4, phía Bắc sông Roòn có quy mô khoảng 225 ha. Khu
đô thị mới và tái định cư số 5, phía Bắc sông Roòn và cạnh đồng muối Quảng Phú
có quy mô khoảng 110 ha. Khu đô thị mới và tái định cư số 6, phía Nam sông Roòn
và Đông đường quốc lộ 1A thuộc Cảnh Dương và Quảng Hưng có quy mô khoảng 260
ha;
+ Khu dân cư ở nông
thôn: Là các khu làng xóm cũ, hiện trạng nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng,
nâng cao đời sống người dân. Mô hình nhà ở là nhà vườn, biệt thự, chủ yếu nằm ở
các xã Quảng Tùng, Quảng Hưng, Quảng Xuân;
+ Khu cây xanh sinh
thái và du lịch: Bố trí dọc bờ biển, dọc theo các sông, đồi núi mặt nước tạo cảnh
quan và cải tạo vi khí hậu cho Khu kinh tế, bao gồm: Khu du lịch di tích đền
Công chúa Liễu Hạnh, diện tích khoảng 38,4 ha; Khu du lịch Vũng Chùa - đảo Yến;
Khu du lịch sinh thái Biển Đông Hưng, quy mô khoảng 30 ha;
Khu du lịch sinh thái biển phía Bắc giáp khu tái định cư quy mô khoảng 22,7 ha
và phía Nam dọc bờ biển quy mô khoảng 269 ha;
+ Khu vực nông nghiệp:
Diện tích 1.169 ha, trồng cây lương thực theo hướng thâm canh cao, tăng cường
trồng cây thực phẩm, rau sạch, rau cao cấp phục vụ các khu đô thị mới, khu du lịch...
Phát triển kinh tế vườn và kinh tế trang trại trồng cây ăn quả và hoa cây cảnh;
+ Khu vực lâm nghiệp:
Duy trì diện tích 2.848 ha đất lâm nghiệp vừa để phòng hộ,
bảo vệ môi trường vừa khai thác gỗ và phát triển du lịch sinh thái núi. Tăng cường
trồng cây phòng hộ ven biển để chắn gió, chắn cát, trồng rừng tập trung trên những
dải núi hiện nay và trồng cây phân tán, để tạo thành các vành đai xanh bảo vệ
Khu kinh tế;
+ Đất xây dựng các
công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: Cảng tổng hợp
và chuyên dụng Hòn La với quy mô khoảng 140 ha. Các trạm cấp điện, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn, trạm cấp nước có diện tích khoảng 20
ha;
+ Khu vực quân sự: Tập
trung tại các điểm cao thuộc xã Quảng Đông có quy mô khoảng 430 ha.
6. Định hướng quy
hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật
a) Giao thông: Hệ thống
giao thông đối ngoại và giao thông khu vực phải phù hợp với các quy hoạch ngành
giao thông vận tải đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Hệ thống giao thông
đối ngoại:
+ Hệ thống các cảng
biển, cảng sông: Bao gồm cảng tổng hợp, các cảng chuyên
dùng, cảng cá được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với quy hoạch
cảng của Bộ Giao thông vận tải và của Tỉnh;
+ Đường bộ và đường sắt
quốc gia;
+ Bố trí nút giao cắt
đấu nối đường cao tốc Bắc Nam;
+ Xây dựng đường nối
Tiến Châu Văn Hóa với trục chính Khu kinh tế.
- Giao thông khu vực:
+ Hệ thống đường sắt,
đường trong cảng, khu công nghiệp đảm bảo kết nối tốt và phù hợp cho phát triển;
+ Mạng lưới giao
thông đô thị mới Hòn La;
+ Xây dựng trục chính
Đông - Tây, Bắc Nam và đường ven biển phù hợp với Khu kinh
tế.
b) Chuẩn bị kỹ thuật
- Nền: Cao độ nền khống chế cho các khu vực xây dựng mới lớn hơn +2,75m.
Cao độ nền các khu vực dân cư hiện trạng gắn kết với cao độ nền các công trình
hiện trạng, khoảng từ +2,25m -÷ +3,0m,
tuỳ theo từng vị trí. Cao độ nền khu vực ven sông lấy bằng cao độ đường và dân
cư hiện trạng, bảo đảm thoát lũ. Các khu vực ruộng phải đắp có cốt nền lớn hơn
+2,75m, tuỳ theo từng vị trí.
- Hướng thoát nước:
+ Hướng thoát chính:
Thoát ra Khe Bầu Giấy, Khe cạn, Kênh Xuân Hưng và một số kênh mương nhỏ khác;
+ Các lưu vực hẹp, cục
bộ: Theo từng lưu vực nhỏ, nước mưa được thu vào hệ thống cống trên các đường
phố sau đó nối vào hệ thống cống chính để ra các trục tiêu chính;
+ Hệ thống mạng thoát
nước: Xây dựng hệ thống cống hỗn hợp. Khu vực dân cư cũ xây dựng hệ thống cống
nửa riêng, các khu vực xây dựng mới xây dựng hệ thống cống
riêng hoàn toàn.
c) Cấp nước
- Nguồn cấp nước:
+ Đến năm 2020: Khai
thác nguồn nước từ hồ sông Thai với công suất 8000 m3/ngày đêm; khai
thác nguồn nước ngầm tại khu vực cụm công nghiệp phía Bắc với công suất 4000 m3/ngày đêm; khai thác nguồn nước từ hồ Vực Tròn với công suất 14.000 m3/ngày
đêm;
+ Đến năm 2030: Nâng
công suất khai thác nước tại hồ Vực Tròn lên 28000 m3/ngày đêm.
- Mạng lưới đường ống
cấp nước: Sử dụng ống nhựa cốt sợi thuỷ tinh hoặc ống gang. Nước phục vụ công
nghiệp: Đường ống cấp nước thô từ trạm bơm cao áp vào khu công nghiệp có đường
kính D = 500mm. Nước phục vụ sinh hoạt: đường ống chính cấp 1 chạy dọc theo các
trục đường chính có đường kính D = 300 - 400 mm.
- Tiêu chuẩn dùng nước:
150 lít/người ngày đêm cho khu đô thị, khu phi thuế quan và 100 lít/người ngày đêm cho khu vực ngoài đô thị, khu công nghiệp là 22m3/ha
ngày đêm.
d) Cấp điện
- Nguồn điện: Nguồn
điện cấp cho Khu kinh tế lấy từ trạm Ba Đồn (nâng công suất trạm 110 KV Ba Đồn
thành 110/35/22 KV-1x25MVA+110/22 KV-
1x40MVA) và trạm 110/22 KV - 63MVA Khu công nghiệp cảng biển
Hòn La.
- Lưới điện:
+ Lưới điện 500 KV: Đấu
nối tuyến đường dây 500 KV từ Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch tới tuyến đường
dây 500 KV quốc gia;
+ Lưới điện 35/22 KV:
Loại bỏ tuyến 35 KV hiện trạng và xây dựng mới các lộ (tuyến)
đường dây 22 KV theo quy hoạch cấp điện cho toàn khu vực;
+ Lưới hạ áp 0,4 KV:
Dự kiến đến năm 2020 thì 100% hộ dân có điện lưới hạ thế
quốc gia. Bố trí các trạm lưới và tuyến 0,4 KV cấp điện cho các phụ tải từng
khu vực đảm bảo bán kính phục vụ của lưới hạ thế < 400m. Các tuyến 0,4 KV đảm
bảo đường trục chính có tiết diện >120 mm2,
đường rẽ nhánh > 70 mm2. Dùng cáp vặn xoắn
ba pha bốn dây hoặc dây bọc nhựa cách điện PVC theo quy chuẩn.
- Tiêu chuẩn cấp điện:
+ Điện năng sinh hoạt
nông thôn:
450 KWh/người/năm;
+ Điện năng sinh hoạt
đô thị:
1.000 KWh/người/năm;
+ Điện năng phục vụ sản
xuất:
150 - 400 KW/ha đất công nghiệp.
đ) Thoát nước bẩn và
vệ sinh môi trưòng
- Thoát nước bẩn:
+ Nước thải sinh hoạt:
Khu vực đô thị sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng, nước thải được đưa về
các trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý theo quy chuẩn
hiện hành trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Xây dựng một trạm xử lý nước thải
sinh hoạt công suất 10.300 m3/ngày đêm đặt ở phía Nam;
+ Nước thải công nghiệp:
Tại mỗi khu công nghiệp tập trung tại Hòn La sẽ xây dựng một trạm xử lý nước thải
cho cụm công nghiệp đó. Nước thải tại các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
phải được xử lý theo quy chuẩn hiện hành trước khi xả ra môi trường.
- Vệ sinh môi trường:
+ Chất thải rắn được
thu gom và vận chuyển đến Khu xử lý chất thải rắn tập
trung tạí khu vực xã Quang Tiến;
+ Nghĩa trang: Nghĩa
trang nhân dân của khu vực Bắc sông Roòn bố trí tại xã Quảng Đông, phía Tây quốc
lộ 1A. Tại các xã phía Nam sông Roòn, cải tạo mở rộng
nghĩa trang hiện có tại những khu vực xa dân cư, đảm bảo môi trường.
7. Quy hoạch xây dựng
đợt đầu đến 2020
a) Quy hoạch sử dụng
đất
- Đất khu phi thuế
quan khoảng: 36 ha.
- Đất xây dựng các
khu chức năng: Cảng, công nghiệp, du lịch, đô thị, đầu mối hạ tầng... quy mô:
1580.5 ha.
b) Các dự án ưu tiên
đầu tư
- Hoàn thiện hệ thống
cảng biển Hòn La giai đoạn II;
- Khu dân cư tái định
cư phía Bắc sông Roòn;
- Mạng lưới đường
giao thông phía Bắc sông Roòn;
- Trục đường nối phía
Tây với cảng Hòn La từ khu vực Tiến Châu - Văn Hóa;
- Nhà máy nhiệt điện
Quảng Trạch;
- Hệ thống hạ tầng
khu vực công nghiệp sau cảng biển Hòn La;
- Khu nhà ở phục vụ
công nhân;
- Trung tâm thương mại
dịch vụ;
- Bảo tồn, tôn tạo đền
Bà chúa Liễu Hạnh;
8. Đánh giá tác động
môi trường
a) Giải pháp về quy
hoạch
- Lập kế hoạch bảo vệ
và phát triển hệ sinh thái nhạy cảm ven biển, xây dựng kế
hoạch phát triển khu du lịch sinh thái Vũng Chùa - Đảo Yến.
- Lập quy hoạch chi
tiết hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp nước, xử lý và thoát nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, nghĩa trang) phải đảm bảo tối
thiểu hóa mức độ rủi ro trong trường hợp bão lũ, hạn hán bất thường.
b) Giải pháp về kỹ
thuật, công nghệ
- Các nhà máy hoạt động
trong khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải cục
bộ trước khi thải ra hệ thống cống chung. Toàn bộ nước thải công nghiệp
sau xử lý tại trạm xử lý nước thải công nghiệp phải đạt theo quy
chuẩn hiện hành. Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải công
nghiệp phù hợp loại hình công nghiệp, đảm bảo đạt quy chuẩn Việt Nam.
- Lựa chọn giống cây
để phát triển hệ thống cây xanh giảm ồn, bụi hiệu quả tại mỗi khu vực có nguy
cơ ô nhiễm cao.
c) Giải pháp quản lý
- Yêu cầu đánh giá tác
động môi trường đối với các quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, khu tái định
cư, các dự án xây dựng và cải tạo theo yêu cầu của Luật bảo vệ môi trường.
- Xây dựng cơ chế
chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ sản xuất
thân thiện môi trường trong các khu công nghiệp.
- Nâng cao nhận thức
cộng đồng về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường cho người dân, cán bộ quản
lý các khu vực phát triển.
- Xây dựng lực lượng
phòng chống rủi ro do sự cố tràn dầu có thể xảy ra tại khu vực cảng biển.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình triển
khai thực hiện các công việc sau:
- Công bố công khai đồ
án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La đến năm 2030 được duyệt.
- Xây dựng và ban
hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cho khu vực Khu kinh tế Hòn
La.
- Triển khai lập, điều
chỉnh quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để cụ thể hóa
đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La đến năm 2030.
Điều 3. Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ trưởng các
cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài
chính, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình;
- Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH,
NC, ĐP;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|