BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/VBHN-BQP

Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CỬA KHẨU BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN

Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền[1].

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định:

1. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

2. Hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với người; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với phương tiện (sau đây ghi tắt là xuất cảnh, nhập cảnh); xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, chuyển khẩu đối với hàng hóa, vật phẩm (sau đây gọi tắt là xuất khẩu, nhập khẩu) qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền (sau đây ghi chung là xuất, nhập qua cửa khẩu).

3. Khu vực cửa khẩu; ra, vào, lưu trú, tạm trú, hoạt động trong khu vực cửa khẩu; điều kiện, thẩm quyền, thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

4. Mở, nâng cấp, quy hoạch, xây dựng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền.

5. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài xuất, nhập qua cửa khẩu; ra, vào, lưu trú, hoạt động trong khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

2. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đối với các hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mở, nâng cấp, hạn chế, tạm dừng các hoạt động qua lại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền và quy hoạch, xây dựng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quốc môn là cổng quốc gia, được xây dựng tại cửa khẩu, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam, thể hiện độc lập dân tộc và là biểu tượng tình hữu nghị, đoàn kết với nước láng giềng.

2.[2] Cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi tắt là cửa khẩu biên giới hoặc cửa khẩu) là nơi thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và qua lại biên giới quốc gia trên đất liền. Một cửa khẩu biên giới có thể bao gồm một hoặc nhiều loại tính chất hoạt động: Cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sắt và cửa khẩu đường thủy nội địa.

3.[3] Cửa khẩu đường thủy nội địa (cửa khẩu đường thủy/cửa khẩu đường sông) là cửa khẩu biên giới được mở trên các tuyến đường thủy đi qua đường biên giới quốc gia trên đất liền.

4. Khu vực cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi tắt là khu vực cửa khẩu) là khu vực được xác định, có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trong đó bao gồm các khu chức năng để đảm bảo cho các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu.

5. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu là các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu; bao gồm: Biên phòng; Hải quan; Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật).

6. Nước láng giềng là nước có chung đường biên giới trên đất liền với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm các nước: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Cămpuchia.

7. Cư dân biên giới hai bên là công dân Việt Nam và công dân nước láng giềng có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn (hoặc khu vực địa giới hành chính tương đương) có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.

8. Hàng hóa của cư dân biên giới là hàng hóa được sản xuất ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc nước láng giềng do cư dân biên giới mua, bán, trao đổi ở khu vực biên giới hai bên để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của cư dân biên giới.

9. Vật phẩm là các sản phẩm vật chất được xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới không mang mục đích thương mại, bao gồm:

a) Vật phẩm y tế là thi thể, hài cốt, tro cốt, sản phẩm sinh học, mẫu vi sinh y học, mô, bộ phận cơ thể;

b) Vật phẩm văn hóa, nghệ thuật, vật chứa đựng nội dung văn hóa, nghệ thuật;

c) Vật phẩm là kim khí, đá quý, đồ trang sức;

d) Vật phẩm là mẫu vật khoáng sản, động vật, thực vật phục vụ hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, triển lãm;

đ) Vật phẩm thuộc hành lý, vật dụng cá nhân của hành khách xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới;

e) Các sản phẩm vật chất khác là vật phẩm theo quy định của văn bản pháp luật có liên quan.

10. Thủ tục qua lại biên giới là thủ tục hành chính do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua biên giới, bao gồm: Thủ tục biên phòng, thủ tục hải quan, thủ tục kiểm dịch và các thủ tục liên quan khác theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

11.[4] Quy hoạch cửa khẩu là việc xác định định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Điều 4. Loại hình cửa khẩu biên giới; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương)[5]

1. Loại hình cửa khẩu biên giới

a) Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng thuộc tỉnh biên giới nơi có cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Lối mở biên giới (đường qua lại chợ biên giới, cặp chợ biên giới; điểm thông quan hàng hóa biên giới; đường qua lại tạm thời) được mở cho cư dân biên giới hai bên, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm của cư dân biên giới hai bên và phương tiện, hàng hóa của thương nhân qua lại theo quy định tại Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới; hoặc được mở trong trường hợp bất khả kháng hay yêu cầu đặc biệt của hai bên biên giới.

3. Lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, vật phẩm hoặc cho các trường hợp qua lại biên giới khác theo thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu.

4. Các loại hình cửa khẩu; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và đối tượng xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua từng loại hình cửa khẩu biên giới; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận tải hàng hóa quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này được thực hiện trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia theo quy định của các điều ước, thỏa thuận giữa Việt Nam với nước láng giềng.

Điều 5. Nguyên tắc xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới

1. Người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.

2. Người, phương tiện, hàng hóa không thuộc cư dân biên giới hai bên xuất, nhập qua lối mở biên giới thực hiện chính sách thương mại biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Hoạt động xuất, nhập qua biên giới đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm của Việt Nam và nước ngoài chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới

1.[6] Bộ đội Biên phòng cửa khẩu:

a) Tham mưu cho Bộ Quốc phòng thực hiện nội dung quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng;

b) Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới trong khu vực cửa khẩu, công trình cửa khẩu; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực cửa khẩu theo quy định pháp luật;

c) Kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; thực hiện thủ tục biên phòng, cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực, cấp chứng nhận tạm trú theo quy định pháp luật về xuất nhập cảnh; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới theo quy định pháp luật;

d) Phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới, đảm bảo an ninh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu xây dựng quy chế phối hợp hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu.

2.[7] Cơ quan Hải quan cửa khẩu chủ trì thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Phối hợp kiểm soát phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Hải quan.

3. Cơ quan kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm dịch, phòng dịch tại cửa khẩu biên giới.

4.[8] Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu có trách nhiệm thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia.

5.[9] Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu có thể thiết lập cơ chế trao đổi, hội đàm với cơ quan hữu quan cửa khẩu phía đối diện để phối hợp giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực cửa khẩu

1. Sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, hộ chiếu, giấy tờ trái với quy định pháp luật Việt Nam; tổ chức, đưa, đón dẫn đường, chuyên chở người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.

2. Tuyên truyền, kích động hoặc có hành vi phá hoại an ninh, gây rối, gây mất trật tự công cộng, gây ùn tắc cản trở các hoạt động lưu thông hợp pháp tại cửa khẩu; không chấp hành hoặc ngăn cản việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép tài liệu, vật mang tin có chứa thông tin bí mật quân sự, bí mật nhà nước, sách báo, văn hóa phẩm độc hại.

3. Đưa, đón người, chuyên chở, xếp, dỡ hàng hóa không đúng nơi quy định, đi vào khu vực cấm.

4. Làm mất vệ sinh công cộng, gây ô nhiễm môi trường và các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan khu vực cửa khẩu.

5. Các hoạt động khác trái với quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ XUẤT, NHẬP QUA CỬA KHẨU, KHU VỰC CỬA KHẨU, QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG Ở KHU VỰC CỬA KHẨU

Điều 8. Người xuất cảnh, nhập cảnh

1. Công dân Việt Nam:

a)[10] Công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại các Điều 33 và Điều 34 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;

b) Công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới, tỉnh biên giới khi sang khu vực biên giới, tỉnh biên giới đối diện nước láng giềng phải có giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ có giá tờ xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Người nước ngoài:

a)[11] Người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại các Điều 20 và Điều 27 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11, khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

b) Công dân nước láng giềng thường trú trong khu vực biên giới, tỉnh biên giới khi sang khu vực biên giới, tỉnh biên giới Việt Nam đối diện phải có giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 9. Phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh

1.[12] Phương tiện Việt Nam, nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về vận tải mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.

2.[13] Phương tiện Việt Nam và nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới phải có các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Người điều khiển phương tiện, người đi trên phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh phải có giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ quy định tại Điều 8 Nghị định này;

b) Giấy phép điều khiển phương tiện (đối với người điều khiển phương tiện);

c)[14] Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế về vận tải mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 10. Hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu

Hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất khẩu, nhập khẩu và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.

Điều 11. Khu vực cửa khẩu

1. Quốc môn.

2. Khu vực thực hiện thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất, nhập của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.

a) Hệ thống Ba-ri-e kiểm soát: Để duy trì an ninh trật tự đồng thời điều tiết các hoạt động xuất, nhập của người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu biên giới;

b) Nhà kiểm soát liên hợp, giành cho hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, bao gồm: Khu vực chờ làm thủ tục; khu vực thực hiện thủ tục xuất, nhập; phòng đối ngoại; phòng xử lý vi phạm; phòng chỉ huy điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; khu vực bố trí trang bị, phương tiện kỹ thuật; phòng họp, tiếp khách;

c)[15] Khu vực cách ly kiểm dịch y tế và xử lý y tế; khu cách ly và xử lý động vật, sản phẩm động vật;

d) Khu vực làm thủ tục, kiểm tra, giám sát đối với phương tiện, hàng hóa xuất, nhập;

đ) Khu vực kho, bến bãi tập kết hàng chờ xuất khẩu, nhập khẩu; kho trung chuyển hàng hóa;

e) Khu vực đón trả tầu (đối với cửa khẩu đường sắt);

g) Cầu cảng, khu vực neo đậu đối với phương tiện thủy đang chờ làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh (đối với cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa).

3. Khu vực làm việc của cơ quan nhà nước liên quan.

a) Nơi làm việc của Ban Quản lý cửa khẩu;

b) Nơi làm việc của các cơ quan: Vận tải, Ngân hàng, Kho bạc và các cơ quan liên quan khác.

4. Khu vực dành cho các hoạt động dịch vụ, thương mại.

a) Cửa hàng kinh doanh miễn thuế; kinh doanh hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại;

b) Dịch vụ bưu chính;

c) Dịch vụ du lịch;

d) Khu vực bãi xe, bến đậu;

đ) Khu phi thuế quan (nếu có);

e) Khu vực dịch vụ, thương mại khác.

5. Khu vực cấm, khu vực khác (nếu có).

6. Bộ Quốc phòng thiết lập hệ thống Ba-ri-e kiểm soát và các công trình kỹ thuật để xác định ranh giới giữa khu vực cửa khẩu với các khu vực khác và duy trì, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực cửa khẩu.

7. Khu vực cửa khẩu được cắm biển báo “Khu vực cửa khẩu” và hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, bảng niêm yết theo mẫu thống nhất do Bộ Quốc phòng quy định.

8. Khu vực làm thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát tại cửa khẩu được thiết lập để các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ quy định.

9. Trong phạm vi khu vực cửa khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành được bố trí các công trình và trang bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Thẩm quyền xác định phạm vi khu vực cửa khẩu; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới[16]

1. Chính phủ quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới

a) Quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng xác định phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và báo cáo Chính phủ quyết định;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường để lập, thẩm định quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

d) Lập, thẩm định, phê duyệt đối với quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng tại khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương);

đ) Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện có cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 13. Hoạt động ở khu vực cửa khẩu

1. Những người được ra, vào khu vực cửa khẩu:

a) Hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;

b) Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan nhà nước liên quan có trụ sở hoặc văn phòng làm việc trong khu vực cửa khẩu;

c) Nhân viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu;

d) Người điều khiển, người làm việc trên phương tiện chuyên chở hàng hóa, hành khách xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh;

đ) Chủ hàng, người kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra vào khu vực cửa khẩu thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;

e) Người đến làm việc với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan liên quan có trụ sở hoặc văn phòng làm việc trong khu vực cửa khẩu;

g) Người đến khám, chữa bệnh (trường hợp trong khu vực cửa khẩu có khu vực y tế dành cho khám, chữa bệnh);

h) Ngoài những trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e, g Khoản này, những người ra, vào khu vực cửa khẩu với mục đích tham quan, đón tiễn hoặc mục đích khác phải được phép và chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hướng dẫn của Đồn Biên phòng cửa khẩu.

2. Những người được tạm trú trong khu vực cửa khẩu:

a) Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan liên quan có trụ sở hoặc văn phòng làm việc trong khu vực cửa khẩu;

b) Nhân viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu;

c) Người Việt Nam, người nước ngoài lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do chưa hoàn thành thủ tục xuất, nhập đối với người, phương tiện, hàng hóa hoặc những người lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do hợp pháp khác, thì phải đăng ký tạm trú và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Trạm Biên phòng cửa khẩu.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp và phải hoạt động theo đúng lĩnh vực quy định trong giấy phép.

4. Phương tiện được phép ra, vào, hoạt động, lưu trú tại khu vực cửa khẩu:

a) Phương tiện vận chuyển người xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa tại các kho, bãi hàng hóa trong khu vực cửa khẩu;

b) Phương tiện là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Phương tiện chuyên chở cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức đến làm việc tại cửa khẩu hoặc phương tiện của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức làm việc tại cửa khẩu;

d) Phương tiện của Việt Nam, nước ngoài lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do chưa hoàn thành thủ tục xuất, nhập đối với phương tiện, hàng hóa thì phải đăng ký lưu trú và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Trạm Biên phòng cửa khẩu;

đ) Phương tiện ra, vào, hoạt động, lưu trú tại khu vực cửa khẩu phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, phù hợp với mục đích hoạt động tại cửa khẩu.

5. Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hướng dẫn thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổ chức, cá nhân, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại khu vực cửa khẩu theo quy định của Nghị định này, quy định pháp luật liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 14. Dây chuyền kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương)

1. Đối với người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:

a) Cửa xuất: Hải quan - Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) - Biên phòng;

b) Cửa nhập: Biên phòng - Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) - Hải quan.

2. Trong trường hợp có dịch bệnh, dây chuyền kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bố trí như sau:

a) Cửa xuất: Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) - Hải quan - Biên phòng;

b) Cửa nhập: Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) - Biên phòng - Hải quan.

3.[17] Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác về dây chuyền kiểm tra, kiểm soát được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 15. Kiểm tra, kiểm soát, giám sát tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới

1. Tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã có đủ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước (khu vực thực hiện thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu; khu vực kho, bến bãi tập kết hàng chờ xuất khẩu, nhập khẩu; đường giao thông để vận chuyển hàng hóa; khu vực bãi xe, bến đậu), hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát xuất, nhập qua lại biên giới quốc gia được thực hiện như tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

2. Tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chưa có đủ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động qua lại biên giới của cư dân biên giới hai bên được tiến hành tại Trạm kiểm soát biên phòng.

3. Các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phối hợp chỉ đạo, quản lý các hoạt động xuất, nhập qua lối mở biên giới để thực hiện chính sách thương mại biên giới hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 16. Thời gian làm việc tại cửa khẩu biên giới

1. Thời gian làm việc tại cửa khẩu thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Chính phủ hai bên thống nhất quyết định thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) thông qua đường ngoại giao.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thống nhất với chính quyền cấp tỉnh đối diện quy định, thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.

4. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thống nhất với cơ quan chức năng nước láng giềng, quyết định thời gian mở cửa khẩu biên giới ngoài thời gian làm việc trong ngày đối với các trường hợp vì lý do khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh, thiên tai, hỏa hoạn, cấp cứu người bị nạn, truy bắt tội phạm hoặc lý do bất khả kháng khác, đồng thời phải kịp thời báo cáo ngay Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 17. Thực hiện hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa[18]

Việc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 11 Luật Biên phòng Việt Nam.

Chương III

QUY HOẠCH, XÂY DỰNG CỬA KHẨU BIÊN GIỚI

Điều 18. Quy hoạch cửa khẩu[19]

1. Quy hoạch cửa khẩu, xây dựng, phát triển hệ thống cửa khẩu phải căn cứ tình hình từng tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, từng địa phương, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, được định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch tính; thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch.

2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khi cần thiết.

3. Bộ Ngoại giao

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế tổ chức xây dựng, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới, gồm: Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào, Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia theo trình tự quy định tại Phụ lục I của Nghị định này;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nêu tại điểm a khoản 3 Điều này và các địa phương liên quan lập, thẩm định quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo trình tự quy định tại Phụ lục I của Nghị định này;

c) Tổ chức công bố, cung cấp thông tin quy hoạch; tổ chức thực hiện, đánh giá và đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và quy định có liên quan của Luật Quy hoạch.

Điều 19. Nguyên tắc, thẩm quyền mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới

1. Nguyên tắc mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới:

a) Được sự thống nhất của chính quyền cấp tỉnh có cửa khẩu hai bên; sự đồng ý của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước láng giềng hoặc do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định mở theo quy định của Nghị định này;

b)[20] Phù hợp với thỏa thuận song phương về phát triển cửa khẩu giữa Việt Nam và nước láng giềng; nằm trong quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia;

Trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ quyết định mở, nâng cấp cửa khẩu không nằm trong quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia để đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội hoặc phục vụ yêu cầu cấp thiết khác.

c) Đảm bảo yếu tố chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia và quốc phòng- an ninh, đối ngoại;

d)[21] Đảm bảo các tiêu chí chung quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này.

2. Thẩm quyền mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới:

a)[22] Chính phủ quyết định việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và mở lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thực hiện việc mở cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan và được sự đồng ý của Chính phủ.

Điều 20[23]. Trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa

1. Việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

a) Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định thành lập đoàn công tác đại diện các Sở, ngành liên quan của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện có cửa khẩu dự kiến mở, nâng cấp do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì tiến hành khảo sát xác định địa điểm mở, nâng cấp cửa khẩu, tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị, lực lượng kiểm tra, kiểm soát, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành khảo sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổng hợp kết quả khảo sát, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương);

b) Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có văn bản gửi chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng đề nghị tiến hành hội đàm thống nhất địa điểm, mở hoặc nâng cấp, kế hoạch thực hiện (dự kiến thời gian mở, nâng cấp) cửa khẩu;

c)[24] Trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc hội đàm với chính quyền cấp tỉnh biên giới nước láng giềng, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới báo cáo Chính phủ (thông qua Bộ Ngoại giao) hồ sơ về việc mở, nâng cấp cửa khẩu (01 bộ hồ sơ, gồm có: Báo cáo thuyết minh về việc mở, nâng cạp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); Sơ đồ, bản đồ quy hoạch tổng thể khu vực mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) (bản chính); bản chính Báo cáo tiêu chí đề nghị mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) (theo các tiêu chí quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này); Báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh (bản chính); bản chính Báo cáo về lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập (đối với cửa khẩu đề nghị nâng cấp); bản sao Biên bản thỏa thuận, hội đàm;

d)[25] Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo hồ sơ mở, nâng cấp cửa khẩu của Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường tiến hành khảo sát địa điểm cần mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương);

đ) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành khảo sát, Bộ Ngoại giao tổng hợp kết quả khảo sát, ý kiến tham gia của các Bộ, báo cáo Chính phủ quyết định việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính;

e) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày Chính phủ có quyết định về việc mở, nâng cấp cửa khẩu, Bộ Ngoại giao gửi công hàm cho nước láng giềng thông báo chủ trương của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng ý mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính;

g)[26] Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công hàm đồng ý mở, nâng cấp cửa khẩu của nước láng giềng thông qua đường ngoại giao, Bộ Ngoại giao thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới để trao đổi thống nhất với chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng, phối hợp tổ chức lễ công bố khai trương mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) hoặc thống nhất thời gian hoạt động chính thức cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương).

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng trả lời thống nhất thời gian tổ chức lễ công bố khai trương mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), hoặc thống nhất thời gian hoạt động chính thức của cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thông báo cho các bộ quy định tại điểm d khoản này để phối hợp thực hiện.

2. Việc mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

a)[27] Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định thành lập đoàn công tác đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện có cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới dự kiến mở, nâng cấp do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì tiến hành khảo sát xác định địa điểm mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới, tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị, lực lượng kiểm tra, kiểm soát, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập, Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành khảo sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổng hợp kết quả khảo sát, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc mở cửa khẩu phụ, mở, nâng cấp lối mở biên giới lên cửa khẩu phụ, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có văn bản gửi chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng đề nghị tiến hành hội đàm thống nhất địa điểm, dự kiến thời gian mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới;

c)[28] Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc hội đàm với chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng, căn cứ kết quả hội đàm, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có văn bản xin ý kiến các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Tài nguyên và Môi trường (kèm theo 01 bộ hồ sơ, gồm có: Báo cáo thuyết minh về việc mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới (bản chính); sơ đồ, bản đồ quy hoạch tổng thể khu vực mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới (bản chính); bản chính Báo cáo tiêu chí đề nghị mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới (theo các tiêu chí quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này); báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh (bản chính); bản chính Báo cáo lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập (trường hợp nâng cấp từ lối mở lên cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương); bản sao Biên bản thỏa thuận, hội đàm. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới, các bộ phải có văn bản trả lời.

d)[29] Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ quy định tại điểm c khoản này, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Chính phủ (kèm theo 01 bộ hồ sơ, gồm có: Bản chính Tờ trình Chính phủ (theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này); sơ đồ, bản đồ quy hoạch tổng thể khu vực dự kiến mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới (bản chính); Báo cáo tiêu chí đề nghị mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới (theo các tiêu chí quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này); Báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh (bản chính); Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành (bản chính); bản sao Biên bản thỏa thuận, hội đàm;

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo ý kiến đồng ý của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới ban hành quyết định mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới và thông báo cho các bộ quy định tại điểm c khoản này;

đ) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có văn bản gửi chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng trao đổi thống nhất thời gian hoạt động chính thức của cửa khẩu phụ, lối mở biên giới (căn cứ tình hình thực tế có thể đề nghị tổ chức lễ công bố mở cửa khẩu phụ, lối mở biên giới);

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng trả lời thống nhất thời gian hoạt động chính thức của cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thông báo cho các Bộ quy định tại Điểm c Khoản này để phối hợp thực hiện.

3.[30] Trình tự mở lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH ĐỐI VỚI CỬA KHẨU BIÊN GIỚI

Điều 21. Nội dung quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới

1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cửa khẩu biên giới.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cửa khẩu biên giới.

3. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới trên đất liền; mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới.

4. Xây dựng chính sách quản lý các hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới.

5. Tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đáp ứng công tác quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới.

6. Đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế về cửa khẩu biên giới; hợp tác quốc tế trong việc xây dựng, quản lý cửa khẩu biên giới.

7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cửa khẩu biên giới.

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới.

2.[31] Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15 Luật Biên phòng Việt Nam;

b) Thực hiện trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này.

3. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới trong xây dựng, quy hoạch và phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đảm bảo yêu cầu về quốc phòng - an ninh.

4. Hàng năm, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán ngân sách đế triển khai thực hiện Nghị định này.

Điều 23. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng trong công tác đảm bảo ngân sách để triển khai thực hiện Nghị định này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

2. Chỉ đạo cơ quan Hải quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan tại cửa khẩu biên giới theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 24. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Tổ chức, hướng dẫn, bảo đảm trang thiết bị cho cơ quan kiểm dịch y tế thực hiện chức năng kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền trong trường hợp xảy ra dịch bệnh đối với người theo quy định của Nghị định này.

Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chỉ đạo cơ quan kiểm dịch động, thực vật thực hiện chức năng kiểm dịch động vật, thực vật tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền trong trường hợp xảy ra dịch bệnh theo quy định của Nghị định này.

Điều 26. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan

1.[32] Bộ Ngoại giao

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng quy hoạch cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia theo quy định tại khoản 10 Điều này và các văn bản có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, tham mưu cho Chính phủ chủ trương mở, nâng cấp cửa khẩu theo quy định tại khoản 12 Điều này và Điều 20 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; hướng dẫn việc thực hiện quy trình, thủ tục mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định tại Nghị định này và các văn bản có liên quan.

2. Bộ Công an:

a) Phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn hoạt động kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới;

b) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trong khu vực cửa khẩu biên giới.

3. Bộ Công Thương:

a) Thực hiện quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động thương mại biên giới qua cửa khẩu biên giới;

b) Xây dựng chính sách thương mại biên giới hàng năm và từng thời kỳ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu biên giới.

4. Bộ Xây dựng:

a)[33] (được bãi bỏ);

b) Nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn thiết kế, xin ý kiến các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với công trình Quốc môn và Nhà kiểm soát liên hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện thống nhất trên toàn quốc;

c) Thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng trong khu vực cửa khẩu biên giới đất liền theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao và Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc;

b) Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối ngân sách đầu tư phát triển và huy động các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng các công trình trong khu vực cửa khẩu biên giới đất liền.

6. Bộ Giao thông vận tải:

a) Xây dựng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc trình Chính phủ phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thực hiện đấu nối đường giao thông cửa khẩu Việt Nam với cửa khẩu nước láng giềng;

b) Triển khai thực hiện các quy định về hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu của phương tiện vận tải theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

7. Ủy ban hợp tác Quản lý cửa khẩu phía Việt Nam:

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu, biên giới trên đất liền việt Nam - Trung Quốc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều lệ của Ủy ban hợp tác Quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và văn bản pháp luật liên quan.

Điều 27. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh có cửa khẩu biên giới

1. Chỉ đạo xây dựng Quốc môn, Nhà kiểm soát liên hợp, cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông khu vực cửa khẩu.

2. Bố trí nguồn ngân sách cắm các loại biển báo, biển chỉ dẫn tại cửa khẩu biên giới.

3. Hàng năm, trích nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện Nghị định; phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị định.

4.[34] Chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu và Ban Quản lý cửa khẩu thực hiện trách nhiệm điều hành hoạt động tại cửa khẩu biên giới theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền.

5.[35] Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết định đầu tư các dự án khu vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật; triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu và hoàn thành trong thời gian không quá 36 tháng sau khi có Nghị quyết của Chính phủ về mở, nâng cấp cửa khẩu; bố trí nhân lực, trang thiết bị theo các tiêu chuẩn của loại hình cửa khẩu tương ứng quy định tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định này.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[36]

Điều 28. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2015 và thay thế Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền.

Điều 29. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

1. Các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng theo thẩm quyền có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn các điều, khoản được quy định trong Nghị định này.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Lãnh đạo Bộ Quốc phòng;
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP;
- Vụ Pháp chế/BQP;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL/BTP;
- Công báo Chính phủ;
- Cổng TTĐT BQP (để đăng tải);
- Lưu: VT, PC. Nhung 93.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Phan Văn Giang

 

PHỤ LỤC I

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH CỬA KHẨU
(Kèm theo Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ)

I. LẬP QUY HOẠCH

1. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch

a) Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ lập quy hoạch cho cơ quan lập quy hoạch.

b) Cơ quan lập quy hoạch tổ chức xây dựng, hoặc thuê tư vấn lập nhiệm vụ lập quy hoạch, trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tổ chức thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

c) Cơ quan lập quy hoạch triển khai xây dựng quy hoạch và gửi lấy ý kiến theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định này.

d) Cơ quan lập quy hoạch tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch.

đ) Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch, báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Nhiệm vụ lập quy hoạch

Nhiệm vụ lập quy hoạch gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Tên quy hoạch.

b) Căn cứ lập quy hoạch.

c) Thời kỳ quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch.

d) Quan điểm, mục tiêu, nội dung, phương pháp lập quy hoạch.

đ) Thời hạn lập quy hoạch.

e) Thành phần, số lượng và tiêu chuẩn, quy cách sản phẩm quy hoạch.

g) Chi phí lập quy hoạch.

3. Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch

a) Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch.

b) Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Ngoại giao; Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng bao gồm đại diện các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng và đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có liên quan, đại diện cơ quan lập quy hoạch và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Ngoại giao, các chuyên gia về quy hoạch, trong đó có 02 thành viên là ủy viên phản biện.

c) Phiên họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch được tiến hành khi có mặt ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng và 02 thành viên là ủy viên phản biện.

d) Cơ chế ra quyết định của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch:

- Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận công khai, biểu quyết bằng phiếu theo đa số;

- Nhiệm vụ lập quy hoạch đủ điều kiện trình phê duyệt khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng thẩm định dự họp bỏ phiếu đồng ý thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa.

đ) Hồ sơ thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm:

- Tờ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;

- Dự thảo quyết định phê duyệt nhiệm vụ Lập quy hoạch;

- Nhiệm vụ lập quy hoạch;

- Tài liệu khác (nếu có).

e) Nội dung thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch:

- Sự phù hợp của các căn cứ pháp lý;

- Sự phù hợp, tính khoa học, độ tin cậy của nội dung và phương pháp lập quy hoạch;

- Sự phù hợp giữa nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch với dự toán chi phí và nguồn vốn để lập quy hoạch;

- Tính khả thi của kế hoạch lập quy hoạch.

g) Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch trong thời gian không quá 20 ngày kể từ ngày có đủ hồ sơ theo điểm đ khoản 3 Phần I Phụ lục này.

h) Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch:

- Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch phải thể hiện rõ ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định và kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định;

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Hội đồng thẩm định họp, Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch;

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê duyệt.

4. Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch

a) Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

b) Hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gồm:

- Tờ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;

- Dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch kèm theo nhiệm vụ lập quy hoạch;

- Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch;

- Tài liệu khác (nếu có).

c) Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch;

- Yêu cầu về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch;

- Yêu cầu về nội dung, phương pháp lập quy hoạch;

- Thời hạn lập quy hoạch;

- Quy định về thành phần, số lượng và tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch;

- Chi phí lập quy hoạch.

5. Lấy ý kiến về quy hoạch

a) Đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch, gồm các bộ, ngành được nêu tại khoản 10 Điều 1 Nghị định này và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có liên quan.

b) Việc lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới có liên quan về quy hoạch được thực hiện như sau:

- Bộ Ngoại giao gửi hồ sơ quy hoạch bao gồm: Báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, các sơ đồ, bản đồ thể hiện hiện trạng, phương án quy hoạch trên nền bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia;

- Các cơ quan, địa phương được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng vần bản trong thời hạn 20 ngày, tính từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch.

c) Cơ quan lập quy hoạch tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến trước khi trình thẩm định quy hoạch.

d) Việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác được thực hiện bằng hình thức đăng tải dự thảo quy hoạch trên trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao (trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật) trong thời gian ít nhất 30 ngày tính từ ngày đăng tải hồ sơ lấy ý kiến.

II. THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH

1. Hội đồng thẩm định quy hoạch

a) Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định quy hoạch.

b) Hội đồng thẩm định quy hoạch gồm:

- Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Ngoại giao;

- Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch bao gồm đại diện các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, đại diện cơ quan lập quy hoạch và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Ngoại giao, các chuyên gia về quy hoạch, trong đó có 02 thành viên là ủy viên phản biện.

c) Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng thẩm định quy hoạch

- Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động của Hội đồng thẩm định; tổ chức, điều hành các cuộc họp của Hội đồng thẩm định; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng thẩm định; báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch;

- Ủy viên phản biện có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng thẩm định; nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; chuẩn bị ý kiến phản biện bằng văn bản gửi cho Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định trước khi họp Hội đồng thẩm định;

- Thành viên Hội đồng thẩm định tham dự cuộc họp của Hội đồng thẩm định; nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; chuẩn bị ý kiến bằng văn bản tại các cuộc họp của Hội đồng thẩm định về lĩnh vực chuyên môn và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng giao; được quyền bảo lưu ý kiến.

d) Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ trình thẩm định quy hoạch cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu tham gia ý kiến; tổ chức họp Hội đồng thẩm định theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thẩm định; dự thảo Biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định, dự thảo Báo cáo thẩm định quy hoạch.

2. Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch

a) Báo cáo tóm tắt; Báo cáo tổng hợp quy hoạch;

b) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;

c) Các sơ đồ, bản đồ thể hiện hiện trạng, phương án quy hoạch trên nền bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia;

d) Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch; bản sao ý kiến góp ý của bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về quy hoạch;

đ) Tài liệu khác (nếu có).

3. Nội dung thẩm định quy hoạch

a) Sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt;

b) Sự phù hợp, tính khoa học, độ tin cậy của phương pháp, giải pháp quy hoạch;

c) Sự phù hợp giữa các chuyên đề chính của quy hoạch cần lập;

d) Tính gắn kết với quy hoạch kết cấu hạ tầng và các quy hoạch liên quan;

đ) Tính khả thi của quy hoạch.

4. Thẩm định quy hoạch

a) Cơ quan lập quy hoạch gửi hồ sơ thẩm định quy hoạch đến Hội đồng thẩm định thông qua Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định để gửi đến các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch.

b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định quy hoạch các ủy viên phản biện phải gửi ý kiến bằng văn bản tới Hội đồng thẩm định thông qua Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định để tổ chức họp.

Trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định quy hoạch lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác có liên quan về nội dung quy hoạch bằng tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề và tổng hợp ý kiến báo cáo Hội đồng thẩm định quy hoạch; Hội đồng thẩm định quy hoạch có quyền yêu cầu cơ quan trình thẩm định quy hoạch cung cấp thêm thông tin và giải trình về các nội dung có liên quan.

c) Phiên họp thẩm định quy hoạch được tiến hành khi có mặt ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó có Chủ tịch Hội đồng thẩm định hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định và 02 ủy viên phản biện.

d) Cơ chế ra quyết định của Hội đồng thẩm định

- Hội đồng thẩm định quy hoạch làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận công khai, biểu quyết bằng phiếu theo đa số;

- Quy hoạch đủ điều kiện trình phê duyệt khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng thẩm định dự họp bỏ phiếu đồng ý thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa.

đ) Báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Hội đồng thẩm định họp, Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch. Báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch phải thể hiện rõ ý kiến của các thành viên hội đồng và kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định;

- Báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch phải thể hiện rõ ý kiến của các thành viên Hội đồng và kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

e) Trường hợp quy hoạch được Hội đồng thẩm định thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trường hợp quy hoạch không được Hội đồng thẩm định thông qua, trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm hoàn thiện lại hồ sơ, báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

5. Phê duyệt quy hoạch

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, hồ sơ gồm:

a) Tờ trình phê duyệt quy hoạch;

b) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, nội dung chủ yếu gồm: Thời kỳ quy hoạch, phạm vi quy hoạch, quan điểm, mục tiêu, giải pháp quy hoạch, kinh phí thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện;

c) Báo cáo thẩm định quy hoạch;

d) Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định về nội dung quy hoạch;

đ) Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức về quy hoạch; bản sao ý kiến góp ý của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới có liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về quy hoạch;

e) Báo cáo thuyết minh quy hoạch đã chỉnh lý, hoàn thiện;

g) Các sơ đồ, bản đồ thể hiện hiện trạng, phương án quy hoạch trên nền bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia;

h) Tài liệu khác (nếu có).

III. ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH

1. Rà soát quy hoạch

a) Quy hoạch cửa khẩu được rà soát theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

b) Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm tổ chức rà soát quy hoạch.

c) Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát quy hoạch và đề xuất nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cửa khẩu và biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả, chất lượng triển khai quy hoạch.

2. Căn cứ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch

Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cửa khẩu được thực hiện khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 53 Luật Quy hoạch.

3. Trình tự, thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch

a) Trường hợp điều chỉnh, bổ sung làm thay đổi mục tiêu quy hoạch thì thực hiện theo thủ tục quy định tại Phần I và II của Phụ lục này.

b) Trường hợp điều chỉnh, bổ sung cục bộ quy hoạch, không làm thay đổi mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể (nếu có) của quy hoạch đã được phê duyệt, được thực hiện như sau:

- Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quy hoạch lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch gửi Bộ Ngoại giao;

- Hồ sơ đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch gồm: Văn bản đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; Báo cáo thuyết minh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tài liệu khác (nếu có);

- Bộ Ngoại giao tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch

Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cửa khẩu lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Bộ Ngoại giao và bộ, ngành, địa phương có liên quan./.

 

PHỤ LỤC II

TỜ TRÌNH VỀ VIỆC MỞ, NÂNG CẤP CỬA KHẨU PHỤ (CỬA KHẨU ĐỊA PHƯƠNG), LỐI MỞ BIÊN GIỚI
(Kèm theo Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ)

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH.....(1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /TTr-UBND

(2)............., ngày … tháng … năm ....…

 

TỜ TRÌNH

Về việc mở (nâng cấp) cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới...(3) tỉnh...(4)

Kính gửi: Chính phủ.

Thực hiện Điều 20 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số.../2023/NĐ-CP ngày .../.../2023); Ủy ban nhân dân tỉnh ...(5) kính trình Chính phủ về việc mở (nâng cấp) cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới ... (6) như sau:

1. Tình hình chung

(Đánh giá khái quát tình hình biên giới, tình hình hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh và tình hình có liên quan đến cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới đề nghị mở, nâng cấp).

2. Thực trạng hoạt động, đầu tư cơ sở hạ tầng, bố trí lực lượng tại khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới ...(7)

a) Phía Việt Nam ............................................................................................................

b) Phía đối diện ...............................................................................................................

3. Tác động của việc mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới...(8)

(Đánh giá khái quát tác động của việc mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới trên 03 lĩnh vực; kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh; môi trường).

4. Quá trình thực hiện thủ tục mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới...(9)

................................................................................................................................................

5. Đánh giá sự cần thiết của việc mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới...(10) và đề xuất, kiến nghị

................................................................................................................................................

Trên đây là Tờ trình đề nghị mở, nâng cấp cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới....(11), ...(12) kính trình Chính phủ xem xét, quyết định.

(Xin gửi kèm theo: .................................... ) (13)

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- ..................;
- Lưu: VT, ……..

CHỦ TỊCH

Ghi chú:

(1), (4), (5), (12) Tên Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị mở, nâng cấp cửa khẩu;

(2) Địa danh;

(3), (6), (7), (8), (9), (10), (11); Tên cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới đề nghị mở, nâng cấp;

(13) Các tài liệu theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 20 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số.../2023/NĐ-CP ngày .../.../2023).

 

PHỤ LỤC III

TIÊU CHÍ ĐỀ NGHỊ MỞ, NÂNG CẤP CỬA KHẨU, LỐI MỞ BIÊN GIỚI
(Kèm theo Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ)

I. TIÊU CHÍ ĐỀ NGHỊ MỞ, NÂNG CẤP CỬA KHẨU

1. Đảm bảo diện tích tối thiểu xây dựng khu vực cửa khẩu tương xứng với từng loại hình cửa khẩu.

a) Cửa khẩu quốc tế: Đảm bảo phạm vi khu vực cửa khẩu có diện tích tối thiểu khoảng 10 ha;

b) Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương): Đảm bảo phạm vi khu vực cửa khẩu có diện tích tối thiểu khoảng 07 ha;

c) Cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương): Đảm bảo phạm vi khu vực cửa khẩu có diện tích tối thiểu khoảng 03 ha.

2. Có đường giao thông nối cửa khẩu với các tuyến đường bộ thuận lợi, có phân cấp kỹ thuật tương xứng với từng loại hình cửa khẩu căn cứ theo yêu cầu phân cấp kỹ thuật đường ô tô quy định tại Điểm 3.4.2, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4054: 2005.

a) Cửa khẩu quốc tế: Có đường giao thông thuận lợi từ cấp IV trở lên kết nối cửa khẩu với các trục, tuyến đường bộ chính khác;

b) Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương): Có đường giao thông thuận lợi từ cấp V trở lên kết nối cửa khẩu với các trục, tuyến đường bộ chính khác;

c) Cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương): Có đường giao thông thuận lợi từ cấp VI trở lên kết nối cửa khẩu với các trục, tuyến đường bộ chính khác.

3. Dự báo lưu lượng người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu trong 05 năm tiếp theo tương đương với lưu lượng trung bình của ít nhất 01 cửa khẩu cùng loại hình đề nghị nâng cấp trên cùng tuyến biên giới.

II. TIÊU CHÍ ĐỀ NGHỊ MỞ LỐI MỞ BIÊN GIỚI

1. Có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, dễ kiểm soát và giao lưu thuận tiện.

2. Đường giao thông kết nối thuận lợi với các trục giao thông quan trọng của tỉnh.

3. Diện tích xây dựng tối thiểu khoảng 03 ha.

4. Triển vọng hàng hóa, vật phẩm của cư dân trao đổi qua lối mở phù hợp với nhu cầu của xã (phường, thị trấn) hoặc đơn vị hành chính tương đương hai bên biên giới,

5. Có điều kiện hạ tầng thuận lợi (mặt bằng, giao thông, nước, ...) và nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật./.

 

PHỤ LỤC IV

TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI CÁC LOẠI HÌNH CỬA KHẨU
(Kèm theo Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ)

TT

TÊN TIÊU CHUẨN

CHỈ TIÊU CỤ THỂ

Ghi chú

Cửa khẩu quốc tế

Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương)

Cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương)

I

Quốc môn

X

X

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

 

II

Cơ sở hạ tầng

 

1

Tổng thể mặt bằng

Tối thiểu 10 ha

Tối thiểu 07 ha

Tối thiểu 03 ha

 

2

Hệ thống kho bãi

X

X

X

 

2.1

Bãi đỗ phương tiện

X

X

X

 

2.2

Kho bãi hàng hóa

X

X

X

 

2.3

Khu thương mại, dịch vụ cửa khẩu

X

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

 

3

Hệ thống giao thông

 

3.1

Đường giao thông kết nối cửa khẩu với nội địa

Đường cấp III trở lên

Đường cấp IV trở lên

Đường cấp V trở lên

 

3.2

Đường giao thông kết nối với cửa khẩu bên kia biên giới

Đường cấp III trở lên

Đường cấp IV trở lên

Đường cấp V trở lên

 

3.3

Đường giao thông trong khu vực cửa khẩu

X

X

 

 

4

Hệ thống công trình phục vụ kiểm tra, kiểm soát

 

4.1

Biển báo khu vực cửa khẩu

X

X

X

 

4.2

Nhà kiểm soát liên hợp

X

X

Nhà làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành

 

4.3

Hệ thống Barie; bốt kiểm soát

X

X

X

 

4.4

Khu vực cách ly y tế

X

X

X

 

5

Hạ tầng kỹ thuật

 

 

 

 

5.1

Hệ thống chiếu sáng

X

X

X

 

5.2

Hệ thống cấp thoát nước

X

X

X

 

5.3

Hệ thống phòng chống cháy nổ

X

X

X

 

6

Sân nghi lễ hoặc quảng trường

X

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

 

 

III

Cảnh quan môi trường

 

 

 

 

1

Nhà vệ sinh công cộng

X

X

X

 

2

Đường dạo, vườn cây, hành lang cây xanh, hè đi bộ

X

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

 

 

IV

Nhân lực

 

 

 

 

1

Biên phòng

X

X

X

Số lượng theo quy định của Bộ chủ quản

2

Hải quan

X

X

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

Số lượng theo quy định của Bộ chủ quản

3

Kiểm dịch (Y tế, Động vật, Thực vật)

X

X

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

Số lượng theo quy định của Bộ chủ quản

4

Vận tải

Theo điều ước đã ký kết với nước có chung biên giới hoặc căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

Theo điều ước đã ký kết với nước có chung biên giới hoặc căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

Số lượng theo quy định của Bộ chủ quản

5

Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu/Ban Quản lý cửa khẩu

X

X

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

 

6

Lực lượng khác (Ngân hàng, kho bạc, du lịch, bưu điện...)

X

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

Căn cứ yêu cầu thực tế cửa khẩu

 

 



[1] Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Luật Biên phòng Việt Nam ngày 11 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền”.

[2] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[4] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[5] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[6] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[7] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[8] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[9] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[10] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[11] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[12] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[13] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[14] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[15] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[16] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[17] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[18] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[19] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[20] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[21] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[22] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[23] Tên Điều này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[24] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[25] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[26] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm d khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[27] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm đ khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[28] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm e khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[29] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại điểm g khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[30] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm h khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[31] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[32] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 14 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[33] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 15 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[34] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[35] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 16 Điều 1 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

[36] Điều 2 của Nghị định số 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2023 quy định như sau:

“Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 7 năm 2023.

2. Đối với các hồ sơ đề nghị mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính hiện đang báo cáo Chính phủ (thông qua Bộ Ngoại giao) và hồ sơ đề nghị mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới hiện Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới đang lấy ý kiến các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Y tế trước khi Nghị định này có hiệu lực, việc áp dụng trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ thực hiện theo quy định của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.

3. Quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 13, Điều 16, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền được áp dụng cho loại hình lối mở biên giới quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này./.”

MINISTRY OF NATIONAL DEFENSE OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

No. 02/VBHN-BQP

Hanoi, July 3, 2023

 

DECREE

MANAGEMENT OF LAND BORDER CHECKPOINTS

Decree No. 112/2014/ND-CP, dated November 21, 2014 of the Government of Vietnam on the management of land border checkpoints, effective as of January 15, 2015, is amended by:

Decree No. 34/2023/ND-CP dated June 16, 2023 on amendments to Decree No. 112/2014/ND-CP dated November 21, 2014 of the Government of Vietnam, effective as of July 31, 2023.

Pursuant to the Law on Government Organization of Vietnam dated December 25, 2001;  

Pursuant to the Law on National Border dated June 17, 2003;

At the request of the Minister of Natural Defense of Vietnam,

The Government of Vietnam of Vietnam promulgates the Decree on the management of land border checkpoints[1].

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Decree provides for:

1. Inspection, control and supervision activities of specialized state management agencies at land border checkpoints or crossings.

2. The exit and entry of people; the exit, entry, transit, temporary import for re-export of vehicles (hereinafter referred to as “exit and entry”); the export, import, temporary import for re-export, temporary export for re-import, transit, border-checkpoint transshipment of goods and products (hereinafter referred to as “import and export”) through land border checkpoints or crossings (hereinafter referred to as “via-border checkpoint exit and entry”).

3. Border checkpoint areas; exit, entry, stay and temporary residence in border checkpoint areas; the conditions, competence and time for restriction or suspension of movement through land border checkpoints or crossings.

4. The opening, upgrade, planning, construction, and development of land border checkpoint systems.

5. Responsibilities of state management agencies for the management of land border checkpoints and crossings.

Article 2. Regulated entities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Specialized state management agencies and related state management agencies involved in exit and entry activities through land border checkpoints or crossings.

3. State management agencies competent to open, upgrade, restrict, and suspend the movement through land border checkpoints and crossings, and plan, develop, and construct land border checkpoint systems.

Article 3. Interpretation of terms

For the purpose of this Decree, the following terms shall be construed as follows:

1. National gate means a gate built at a border checkpoint, bearing the characteristics of Vietnamese culture, demonstrating the national independence and symbolizing the friendship and solidarity with the neighboring country.

2.[2] Land border checkpoint (hereinafter referred to as “border checkpoint or checkpoint”) means a place where exit, entry, import, export and movements across the national land border take place. A border checkpoint may include one or various types of operational characteristics. Border checkpoints include land border checkpoints, railway border checkpoints and inland waterway border checkpoints.

3.[3] Inland waterway border checkpoint (waterway checkpoint) means a mainland border checkpoint opened on a waterway running through the national land border.

4. Land border checkpoint area (hereinafter referred to as “border checkpoint area”) means the area identified with part of its administrative boundary overlapping the national land border line, which consists of functional zones to ensure state management activities and service and trading activities at the border checkpoint.

5. Specialized state management agencies at a border checkpoint include agencies performing the functions and tasks of carrying out procedures, inspecting, controlling and supervising people, vehicles, goods, articles on exit or entry through the border checkpoint, which include the border guard; customs; and (medical, animal and plant) quarantine offices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Border inhabitants of two sides means Vietnamese citizens and citizens of neighboring countries, who possess books of permanent residence in communes, wards or townships (or equivalent administrative areas) with part of their administrative boundaries overlapping the national land border line.

8. Border inhabitants’ goods means those produced in the Socialist Republic of Vietnam or a neighboring country, which are purchased, sold or exchanged by border inhabitants in border areas of two sides to meet their daily-life and production demands.

9. Articles means material products on exit or entry via border checkpoints for non-commercial purposes, including:

a) Medical products being human corpses, remains and ashes, bio-products, micro-bio samples, and human tissues or parts;

b) Cultural and artistic products and objects containing cultural or artistic content;

c) Precious metals, gemstones, and jewelries;

d) Mineral, animal or plant samples for research, collection or exhibition activities;

dd) Personal belongings of passengers on exit or entry through border checkpoints;

e) Other material products being articles prescribed by relevant legal documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11.[4] Border checkpoint planning means identification of the development orientation of the border checkpoint system on each land border between Vietnam - China, Vietnam - Laos, and Vietnam – Cambodia.

Article 4. Types of land border checkpoints; border crossings; customs clearance crossings, specialized roads for transport of goods of international border checkpoints, main border checkpoints (bilateral border checkpoints)[5]

1. Types of land border checkpoints

a) International border checkpoints which are opened for the entry and exit of Vietnamese and foreign people and vehicles; export and import of goods and articles.

b) Main border checkpoints (bilateral border checkpoints) which are opened for the entry and exit of people and vehicles of Vietnam and neighboring countries; import and export of goods and articles.

c) Secondary border checkpoints (local checkpoints) which are opened for the entry and exit of people and vehicles of Vietnam and neighboring countries in bordering provinces where there are border checkpoints; import and export of goods and articles.

2. Border crossings (crossings for travel to and from border markets of either or two sides; border customs clearance places for goods; temporary crossings) which are opened for border inhabitants of two sides and their vehicles, goods and articles, and traders’ vehicles and goods to travel according to regulations in Government's Decree No. 14/2018/ND-CP dated January 23, 2018 on border trade; or opened in force majeure cases or at the special request of two sides.

3. Customs clearance crossings, specialized roads for transport of goods of international border checkpoints, main border checkpoints (bilateral border checkpoints) which are opened for the import and export of goods and articles or other cases of cross-border movements under agreements between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and neighboring countries sharing the border checkpoints.

4. Types of land border checkpoints; border crossings; customs clearance crossings, specialized roads for transport of goods, and people and vehicles on entry and exit, goods and articles that are imported and exported across each type of land border checkpoint; each border crossing; each customs clearance crossing, and each specialized road for transport of goods specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article on each land border between Vietnam - China, Vietnam - Laos, Vietnam - Cambodia under regulations of international treaties and agreements between Vietnam and neighboring countries.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. People, vehicles, goods and articles on exit and entry through a border checkpoint must have adequate valid papers; comply with the principles and procedures for exit, entry, import and export and other provisions of Vietnamese law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory; and be subject to the management, inspection, control and supervision by specialized state management agencies at the border checkpoint.

2. People other than inhabitants on two sides, their vehicles and goods travelling through border crossings for implementation of the border trade policy shall comply with the Prime Minister’s regulations.

3. The exit and entry of Vietnamese and foreign people, vehicles, goods and articles must be made only through border checkpoints or crossings defined in Article 4 of this Decree.

Article 6. Responsibilities of specialized state management agencies at border checkpoints

1.[6] Border guards at border checkpoints shall:

a) Advise the Ministry of National Defense of Vietnam on the implementation of the contents of state management at border checkpoints under the management by the Ministry of National Defense of Vietnam;

b) Manage and protect the national border, system of national landmarks, border markers and signs, border works in border-checkpoint areas, border-checkpoint works; take charge and cooperate with agencies and organizations in ensuring security, social order and safety, and protecting the lawful rights and interests of agencies, organizations and individuals in border-checkpoint areas in accordance with the law.

c) Control entry and exit at border checkpoints managed by the Ministry of National Defense of Vietnam; carry out border-guard procedures, issue, amend and cancel visas and issue temporary residence certificates in accordance with the law on entry and exit; inspect and handle violations against regulations in the law on entry and exit at border checkpoints managed by the Ministry of National Defense of Vietnam; inspect and control vehicles when there are signs of law violation, handle violating vehicles in border areas or border checkpoints according to regulations of the law;

d) Cooperate in inspecting and supervising goods and articles exported and imported through border checkpoints, ensuring the security of imports and exports; preventing and combating smuggling and commercial fraud;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.[7] The border checkpoint customs offices shall preside over carrying out customs procedures, inspecting and controlling exported, imported and transited goods, and luggage of people on exit or entry; preventing and combating smuggling and illegal transportation of goods across borders. Cooperate in controlling vehicles on exit, entry or transit. Organize the implementation of tax regulations for imports and exports and performance of tasks according to regulations of the Customs Law.

3. The (medical, animal, and plant) quarantine offices shall take charge and coordinate with specialized state management agencies at border checkpoints in settling matters concerning quarantine and epidemic prevention activities at border checkpoints.

4. [8] Specialized state management agencies at border checkpoints shall be responsible for connecting and sharing information in fields of export, import and transit of goods; exit, entry and transit of people and vehicles according to the national single window mechanism.

5.[9] According to their functions, tasks and powers as prescribed by law, specialized state management agencies at border checkpoints may establish mechanisms for exchange and discussion with the authorities of the other country in order to cooperate in solving problems in fields of exit, entry, export and import under their management.

Article 7. Forbidden acts in border checkpoint areas

1. Using forged passports and papers or passports and papers contrary to the provisions of Vietnamese law; organizing illegal exit and entry and sending, receiving, guiding, and transporting people on illegal exit or entry.

2. Disseminating, inciting, or committing acts of undermining security, causing troubles or public disorder, causing hindrances to lawful circulation activities at border checkpoints; declining to abide by or obstructing the inspection and control by specialized state management agencies at border checkpoints; illegally using, trading in and transporting documents and objects containing information on military secrets and state secrets, and harmful books, papers and cultural products.

3. Bringing or receiving people, transporting, loading, and unloading cargo not at designated places, or entering restricted areas.

4. Badly affecting public hygiene, causing environmental pollution, and other acts adversely affecting the landscapes of border checkpoints.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter II

REGULATIONS ON EXIT AND ENTRY THROUGH BORDER CHECKPOINTS, BORDER CHECKPOINT AREAS, MANAGEMENT OF ACTIVITIES IN BORDER CHECKPOINT AREAS

Article 8. People on exit and entry

1. Vietnamese citizens:

a)[10] Vietnamese citizens on exit and entry via Vietnamese border checkpoints shall fulfil requirements specified in Articles 33 and 34 of the Law on Entry and Exit of Vietnamese Citizens;

b) Vietnamese citizens permanently residing in border areas or bordering provinces, when traveling to opposite border areas or provinces of neighboring countries, must possess border laissez passers or valid exit and entry papers prescribed by international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. Foreigners:

a)[11] Foreigners on entry or exit through Vietnamese border checkpoints shall fulfil requirements specified in Articles 20 and 27 of the Law on Entry, Exit, Transit and Residence of Foreigners in Vietnam amended by Clause 11, Clause 12, Article 1 of the Law on amendments to some Articles of the Law on Entry, Exit, Transit and Residence of foreigners in Vietnam;

b) Citizens of neighboring countries who permanently reside in border areas or provinces, when traveling to opposite Vietnamese border regions or provinces, must possess border passport substitute papers or valid exit and entry papers as prescribed by international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.[12] Vietnamese and foreign vehicles on exit and entry via border checkpoints shall comply with Vietnamese law and international treaties on land transport to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory, and be subject to the inspection, control and supervision by specialized state management agencies at border checkpoints.

2.[13] Vietnamese and foreign vehicles on exit and entry via border checkpoints shall have papers and documents according to regulations of Vietnamese law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory

3. Vehicle operators and persons onboard vehicles on entry or exit must possess the following papers:

a) The papers prescribed in Article 8 of this Decree;

b) Vehicle operation license (for vehicle operators);

c)[14] Other papers prescribed by law and international treaties on transport to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 10. Imported and exported goods and articles

Goods and articles which are imported, exported, temporarily imported for re-export, temporarily exported for re-import, transshipped or transited via border checkpoints shall be accompanied by adequate valid papers, must comply with the principles and procedures prescribed by Vietnamese laws on import and export and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party, and are subject to the inspection, control and supervision by specialized state management agencies at border checkpoints.

Article 11. Border checkpoint areas

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Areas for specialized state management agencies to conduct procedure clearance, inspection, control and supervision of exit and entry activities.

a) The barrier system: For the maintenance of security and order and the regulation of exit and entry activities of people, vehicles and goods through border checkpoints;

b) The joint control house: To be reserved for professional activities of specialized state management agencies, comprising the waiting area; the exit and entry procedure clearance area; the external relations room; the violation-handling room; the command and administration room of specialized state management agencies; equipment and technical facility area; the meeting and guest reception room;

c)[15] Medical quarantine and medical treatment isolation area; animal/animal product isolation and treatment area;

d) The area for procedure clearance, inspection and supervision of vehicles on entry and exit and imports and exports;

dd) The area of storehouses, wharves and yards for goods to be imported or exported; cargo depots;

e) The train station area (for railway border checkpoints);

g) Piers and anchorage areas for vessels pending exit, entry or transit procedure clearance (for inland waterway border checkpoints).

3. Working areas of related state agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The working offices of the Transport, Banking, Treasury agencies and other related agencies.

4. Service and trading activity area.

a) Duty-free shops; goods shops, department stores and trade centers;

b) Postal services;

c) Tourist services;

d) Car parks and wharves;

dd) Non-tariff zone (if any);

e) Other service and trade areas.

5. Restricted areas and other areas (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Border checkpoint areas must have “Khu vực cửa khẩu” (The Border Checkpoint Area) signboards and a system of signboards, instruction signs and notice boards made according to the models prescribed by the Ministry of National Defense of Vietnam.

8.  Border-checkpoint inspection, control and supervision procedure clearance areas shall be established for the specialized state management agencies to carry out the inspection, control and supervision procedures according to their prescribed functions and tasks.

9. Within border checkpoint areas, the specialized state management agencies may arrange professional and technical facilities and equipment for carrying out the inspection, control and supervision procedures in accordance with law.

Article 12. Competence to determine the scope of checkpoint areas; border crossings; customs clearance crossings, specialized roads for transport of goods and planning for construction of checkpoint areas and border crossings[16]

1. The Government of Vietnam decides to approve the scope of international border-checkpoint areas and main border-checkpoint areas (bilateral border checkpoint areas); customs clearance crossings, specialized roads for transport of goods.

2. The People's Committee of the bordering province shall

a) Decide to approve the scope of a secondary border-checkpoint area (local checkpoint area), and a border crossing;

b) Take charge and cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam, the Ministry of Public Security of Vietnam, the Ministry of Foreign Affairs of Vietnam, the Ministry of Finance of Vietnam, the Ministry of Industry and Trade of Vietnam, the Ministry of Health of Vietnam, the Ministry of Natural Resources and Environment of Vietnam, the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam, and the Ministry of Construction of Vietnam in the determination of the scope of the international border-checkpoint area, the main border-checkpoint area (bilateral border checkpoint area); the customs clearance crossing, the specialized road for transport of goods and report to the Government of Vietnam for decision;

c) Take charge and cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam, the Ministry of Public Security of Vietnam, the Ministry of Foreign Affairs of Vietnam, the Ministry of Finance of Vietnam, the Ministry of Industry and Trade of Vietnam, the Ministry of Construction of Vietnam, the Ministry of Transport of Vietnam, the Ministry of Planning and Investment of Vietnam, and the Ministry of Natural Resources and Environment of Vietnam in the preparation and appraisal of the planning for construction of the international border-checkpoint area, the main border-checkpoint area (bilateral border checkpoint area); and submission to the Prime Minister of Vietnam for approval;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Formulate, appraisal and approve the planning for construction of the secondary border-checkpoint area (local checkpoint area) and the border crossing.

3. Provincial Border Guard Commands shall take charge and cooperate with provincial departments and authorities, including the provincial Military Command, Public Security Department, Foreign Affairs Department, Industry and Trade Department, Health Department, Customs Department, Agriculture and Rural Development Department, Planning and Investment Department, Construction Department, Finance Department, Transport Department, Natural Resources and Environment Department and People’s Committees of districts where there are secondary border checkpoints (local checkpoints) and border crossings, in determination of the scope of secondary border checkpoint areas (local checkpoint areas) and border crossings and report to provincial People’s Committees for decision.

Article 13. Activities in border checkpoint areas

1. Persons eligible to enter and exit a border checkpoint area:

a) Passengers on exit or entry;

b) Officials, combatants, and employees of specialized state management agencies or related state agencies with working offices in the border checkpoint area;

c) Employees of agencies and organizations and individuals engaging in services and commercial activities in the border checkpoint area;

d) Persons operating or working onboard vehicles carrying imports or exports or passengers on entry or exit;

dd) Goods owners, persons dealing in exports and imports who enter and exit the border checkpoint area for carrying out goods import and export procedures;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Persons coming for medical examination and treatment (if there is any healthcare zone for medical examination and treatment in the border checkpoint area);

h) In addition to the cases specified at Points a, b, c, d, dd, e and g of this Clause, persons entering or exiting the border checkpoint area for visit, guest reception or seeing off or other purposes shall obtain permits and are subject to the inspection, control, supervision and instruction of border-checkpoint border guard posts.

2. Persons eligible to temporary residence in a border checkpoint area:

a) Officials, combatants, and employees of specialized state management agencies or related agencies with working offices in the border checkpoint area;

b) Employees of agencies and organizations and individuals engaging in services and commercial activities in the border checkpoint area;

c) Vietnamese and foreigners staying in the border checkpoint area for the reason of non-completion of entry or exit procedures for people, vehicles and goods or persons staying in the border checkpoint area for other plausible reasons shall register their temporary residence and are subject to the management, inspection and supervision by border-checkpoint border guard stations.

3. Organizations and individuals conducting service and commercial activities in a border checkpoint area shall acquire permits issued by competent agencies and operate within the fields prescribed in the permits.

4. Vehicles allowed to enter, exit, operate and stay in a border checkpoint area:

a) Vehicles transporting persons on entry or exit, imports and exports; vehicles transporting, loading or unloading cargoes at cargo storehouses and yards in the border checkpoint area;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Vehicles transporting officials, combatants, and employees to work at the border checkpoint or private vehicles of these persons;

d) Vehicles of Vietnamese or foreigners staying in the border checkpoint area for the reason of completion of entry or exit procedures for vehicles or cargoes shall be registered for stay and are subject to the management, inspection and supervision by border-checkpoint border guard stations;

dd) Vehicles entering, exiting, operating or staying in the border checkpoint area must have adequate valid papers relevant to the purpose of their operation at the border checkpoint.

5. Border guard units shall take charge and cooperate with specialized state management agencies in guiding the procedures, inspecting, controlling, and supervising Vietnamese and foreign organizations, individuals, and vehicles operating in border checkpoint areas under this Decree, relevant laws, and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is signatory.

Article 14. Chains of inspection and control by specialized state management agencies at international border checkpoints and main border checkpoints (bilateral border checkpoints)

1. For persons and vehicles on entry and exit; exports and imports:

a) At border checkpoints of exit: Customs-(medical, animal, plant) quarantine-border guard;

b) At border checkpoints of entry: Border guard-(medical, animal, plant) quarantine-customs.

2. In case of occurrence of an epidemic, the inspection, control and supervision chain applicable to people and vehicles on entry and exit, imports and exports shall be arranged as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) At border checkpoints of entry: (Medical, animal, plant) quarantine-border guard-customs.

3.[17] In case an international treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory contains other regulations on inspection and control chains specified in Clauses 1 and 2 of this Article, the regulations of such international treaty shall be applied.

Article 15. Inspection, control and supervision at secondary border checkpoints and border crossings

1. At secondary border checkpoints or border crossings where adequate specialized state management agencies are located and technical infrastructure facilities for state management are available (areas for carrying out entry, exit, import and export inspection, control and supervision procedures; storehouses and yards for concentration of to-be-exported and -imported goods, roads for cargo transport; car parks and wharves), the inspection, control and supervision of entry and exit activities through the national border are the same as those for international border checkpoints or main border checkpoints.

2. At secondary border checkpoints or border crossings where there are inadequate specialized state management agencies and technical infrastructure facilities, the procedures for inspecting, controlling and supervising the cross-border movement of border inhabitants of two sides shall be carried out at border guard control stations.

3. The Ministries of National Defense, Industry and Trade, and Finance of Vietnam and People’s Committees of bordering provinces shall cooperate with one another in directing and managing exit and entry activities through border crossings opened for the effective implementation of the border trade policy in accordance with Vietnamese laws and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 16. Working hours at border checkpoints

1. The working hours at border checkpoints must comply with provisions of the international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. The governments of two sides shall reach agreement to decide on the change of working hours at international border checkpoints and main border checkpoints (bilateral border checkpoints) through diplomatic channels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Provincial Border Guard commanders shall reach agreement with functional agencies of neighboring countries to decide on the time for opening border checkpoints beyond the daily working hours in cases of urgency related to defense, security, natural disasters, fires, rescue of victims, pursuit of criminals or for other force majeure reasons, and at the same time promptly report it to the provincial People’s Committee and Border Guard Command and take responsibility before law for their decisions.

Article 17. Restriction or suspension of cross-border movements at border checkpoints; border crossings; customs clearance crossings, specialized roads for transport of goods[18]

The restriction or suspension of cross-border movements at border checkpoints; border crossings; customs clearance crossings, specialized roads for transport of goods shall comply with regulations in Clause 1, Point c Clause 2, Clause 4, Clause 5, Clause 6 and Clause 7 Article 11 of the Vietnam Border Guard Law.

Chapter III

BORDER CHECKPOINT PLANNING AND CONSTRUCTION

Article 18. Border checkpoint planning[19]

1. The planning for border checkpoints, construction and development of border checkpoint systems shall be based on the situation of each border between Vietnam - China, Vietnam - Laos, Vietnam – Cambodia, each local area, conformable to the requirements of socio-economic development and maintenance of national defense, security and territorial sovereignty that have been orientated in regional and provincial planning; and conformable to regulations of the law on construction and planning.

2. The Prime Minister approves the planning for border checkpoints on each land border between Vietnam - China, Vietnam - Laos, Vietnam - Cambodia and decides to adjust and amend the planning when necessary.

3. The Ministry of Foreign Affairs of Vietnam shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Take charge and cooperate with the agencies mentioned at Point a, Clause 3 of this Article and relevant local authorities in formulating and appraising the planning for border checkpoints on each land border between Vietnam - China, Vietnam - Laos, and Vietnam and Cambodia, and submitting the planning to the Prime Minister for consideration and approval according to the order specified in Appendix I of this Decree;

c) Organize dissemination and provision of information on the planning; organize implementation, assessment and proposal for adjustment and amendment to the border checkpoint planning on each land border between Vietnam - China, Vietnam - Laos, Vietnam - Cambodia according to regulations in Appendix I of this Decree and relevant regulations of the Planning Law.

Article 19. Principles of and competence for opening and upgrading of border checkpoints

1. Principles of the opening and upgrading of border checkpoints:

a) With the agreement of the authorities of provinces of two sides where there are border checkpoints; the approval of the Governments of the Socialist Republic of Vietnam and the neighboring country or under decisions of competent Vietnamese agencies on opening as prescribed by this Decree;

b)[20] Being conformable to bilateral agreements on the development of border checkpoints between Vietnam and neighboring countries; be included in the border checkpoint planning on each land border of Vietnam - China, Vietnam - Laos, Vietnam - Cambodia.

In special cases, the Government of Vietnam shall decide to open or upgrade border checkpoints that are not included in the border checkpoint planning on each land border between Vietnam - China, Vietnam - Laos, Vietnam - Cambodia in order to meet requirements for socio-economic development or serve other urgent requirements.

c) Guaranteeing the national border territorial sovereignty, defense and security, and external relations;

d)[21] Ensuring general criteria specified in Appendix III enclosed with this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a)[22] The Government of Vietnam shall decide to open and upgrade international border checkpoints, main border checkpoints (bilateral border checkpoints) and open customs clearance crossings and specialized roads for transport of goods in accordance with regulations of Vietnamese law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

b) The People’s Committees of bordering provinces shall decide on the opening of secondary border checkpoints and border crossings after consulting related ministries and sectors and obtaining the approval of the Government of Vietnam.

Article 20[23]. Order of opening and upgradation of border checkpoints; border crossings; customs clearance crossings, specialized roads for transport of goods

1. The opening and upgrading of an international border checkpoint or a main border checkpoint (bilateral border checkpoint) shall be carried out according to the following order and procedures:

a) At the proposal of the provincial Border Guard Command, the President of the People’s Committee of a bordering province shall decide to form a working team composed of representatives of related provincial departments and sectors, including the Border-Guard Command, the Military Command, and the Departments of Public Security; Foreign Affairs; Industry and Trade; Health; Customs; Agriculture and Rural Development; Planning and Investment; Construction; Finance; and Transport; and the People’s Committee of the district where the to-be-opened or -upgraded border checkpoint is located, with the provincial Border-Guard Command assuming the prime responsibility for field survey to identify sites for the to-be-opened or -upgraded border checkpoint, physical foundations, equipment and facilities, human resources for inspection and control, and the flows of people, vehicles and goods on entry and exit. Within 10 working days after completing the survey, the provincial Border-Guard Command shall summarize the survey result and propose the provincial People’s Committee to open or upgrade the international border checkpoint or main border checkpoint (bilateral border checkpoint);

b) Within 15 working days after receiving the provincial Border Guard Command’s proposal on the opening or upgrading of the international border checkpoint or main border checkpoint (bilateral border checkpoint), the People’s Committee of the bordering province shall send an official letter to the administration of the bordering province of the neighboring country, proposing negotiations on the selection of the sites for border checkpoint opening or upgrading and the implementation plan (tentative time for opening or upgrading of the border checkpoint);

c)[24] Within 20 working days after the conclusion of negotiations with the provincial administration of the neighboring country, the People’s Committee of the bordering province shall send an application for opening or upgradation of the border checkpoint to the Government of Vietnam (through the Ministry of Foreign Affairs of Vietnam). An application includes an explanatory report on the opening and upgradation of international border checkpoint and main border checkpoint (bilateral border checkpoint); the planning diagram, map of the area for opening or upgradation of the international border checkpoint or main border checkpoint (the original copy); an original copy of a report on criteria for request for the opening or upgradation of international border checkpoint or main border checkpoint (bilateral border checkpoint) (according to criteria specified in Appendix III to this Decree); a report on assessment of the socio-economic, defense and security impacts (an original copy); a report on the flows of people, vehicles and goods on entry and exit (for checkpoints to be upgraded); and copies of the agreement and negotiation minutes;

d) Within 30 working days after receiving the report on the application for opening or upgradation of the border checkpoint of the People’s Committee of the bordering province, the Ministry of Foreign Affairs of Vietnam shall take charge and cooperate with the Ministries of National Defense; Public Security; Industry and Trade; Finance; Planning and Investment; Construction; Transport; Agriculture and Rural Development; and Health of Vietnam in surveying the site of the to-be-opened or -upgraded international border checkpoint or main border checkpoint (bilateral border checkpoint);

dd) Within 20 working days after the completion of surveys, the Ministry of Foreign Affairs of Vietnam shall summarize the survey results and comments of other ministries, and report them to the Government of Vietnam for decision on the opening or upgrading of the international border checkpoint or main border checkpoint;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g)[26]  Within 10 working days after receiving the neighboring country’s note via diplomatic channels agreeing to the border checkpoint opening or upgradation, the Ministry of Foreign Affairs of Vietnam shall notify it to the People’s Committee of the bordering province for discussion with the provincial- level administration of the neighboring country, cooperation in holding a ceremony to officially start the opening or upgradation of the international border checkpoint or main border checkpoint (bilateral border checkpoint); or agreement on the time for official operation of international border checkpoint, main border checkpoint (bilateral border checkpoint).

Within 5 working days after receiving an official letter from the provincial administration of the neighboring country agreeing to the time for holding a ceremony to officially start the opening or upgradation of the international border checkpoint or main border checkpoint, or the time for official operation of international border checkpoint, main border checkpoint (bilateral border checkpoint), the People’s Committee of the bordering province shall notify it to the ministries specified at Point d of this Clause for cooperation in implementation.

2. The opening and upgrading of a secondary border checkpoint or border crossing shall be carried out according to the following order and procedures:

a)[27] At the proposal of the provincial Border Guard Command, the president of the People’s Committee of the bordering province shall decide to form a working team composed of representatives of the related provincial departments and authorities, including the Border Guard Command, the Military Command, the Departments of Public Security; Foreign Affairs; Industry and Trade; Health; Customs; Agriculture and Rural Development; Planning and Investment; Construction; Finance; Transport; Natural Resources and Environment and the People’s Committee of the district where there is the to-be-opened or -upgraded secondary border checkpoint or border crossing, with the provincial Border Guard Command taking charge of conducting surveys to identify the site for the to-be-opened or -upgraded secondary border checkpoint or border crossing, physical foundations, equipment and facilities and human resources for inspection and control, and the flows of people, vehicles and goods on entry and exit. Within 7 working days after completing the survey, the provincial Border Guard Command shall summarize the survey result and propose the provincial People’s Committee on the opening or upgradation of the secondary border checkpoint (local checkpoint) or border crossing;

b) Within 15 working days after receiving the provincial Border Guard Command’s proposal on the opening of a secondary border checkpoint, the opening or upgrading of a border crossing to a secondary border checkpoint, the People’s Committee of the bordering province shall send an official letter to the provincial administration of the neighboring country, proposing negotiations to reach agreement on the site, and tentative time for opening or upgrading of the secondary border checkpoint or border crossing;

c)[28] Within 20 working days after the conclusion of negotiations with the provincial administration of the neighboring country, according to the negotiation results, the People’s Committee of the bordering province shall send an official letter asking for comments of the Ministries of National Defense; Foreign Affairs; Public Security; Industry and Trade; Finance; Agriculture and Rural Development; Construction; Natural Resources and Environment, Planning and Investment; Transport; and Health of Vietnam enclosed with an application. An application includes an explanatory report on the opening and upgradation of the secondary border checkpoint or border crossing (an original copy); the planning diagram, map of the area for opening or upgradation of the secondary border checkpoint or border crossing (an original copy); an original copy of a report on criteria for request for the opening or upgradation of the secondary border checkpoint or border crossing (according to criteria specified in Appendix III to this Decree); a report on assessment of the socio-economic, defense and security impacts (an original copy); a report on the flows of people, vehicles and goods on entry and exit (in case of upgradation from the crossing to the secondary border checkpoint); and copies of the agreement and negotiation minutes. Within 10 working days after receiving the official letter of the People’s Committee of the bordering province, the ministries shall reply in writing.

d)[29] According to the comments of the ministries specified at Point c of this Clause, the People’s Committee of the bordering province shall send a summarization report to the Government of Vietnam (enclosed with an application). An application includes a report to the Government of Vietnam(an original copy according to form specified in Appendix II to this Decree); the planning diagram and map of the area for opening or upgradation of the secondary border checkpoint or border crossing (an original copy); a report on criteria for request for the opening or upgradation of the secondary border checkpoint or border crossing (according to criteria specified in Appendix III to this Decree); a report on socio-economic, defense and security impacts (an original copy); a summarization report on comments of the ministries and authorities (an original copy); and copies of the agreement and negotiation minutes;

Within 10 working days after receiving the written approval of the Government of Vietnam, the People’s Committee of the bordering province shall issue a decision to open or upgrade the secondary border checkpoint or border crossing and notify it to the ministries specified at Point c of this Clause;

dd) Within 7 working days after issuing the decision on the opening or upgrading of the secondary border checkpoint or border crossing, the People’s Committee of the bordering province shall send an official letter to the provincial administration of the neighboring country for agreement on the time for official operation of the secondary border checkpoint or border crossing (based on the practical situation, it can propose the holding of a ceremony for official opening of the secondary border checkpoint or border crossing);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3.[30] The order of opening and upgradation of customs clearance crossings, specialized roads for transport of goods shall comply with regulations in Clause 1 of this Article.

Chapter IV

BORDER-CHECKPOINT STATE MANAGEMENT AND RESPONSIBILITIES OF MINISTRIES, CENTRAL AUTHORITIES AND PROVINCIAL PEOPLE’S COMMITTEES

Article 21. Contents of the state management of border checkpoints

1. To promulgate, and organize the implementation of, legal documents on border checkpoints.

2. To propagate, disseminate and educate in the law on border checkpoints.

3. To formulate master plans on development of border checkpoint systems; opening and upgrading of border checkpoints.

4. To develop policies for management of exit and entry activities through border checkpoints.

5. To organize, train and retrain the specialized state management forces at border checkpoints to raise their professional qualifications; to invest in equipment and facilities, construction of infrastructure facilities in border checkpoint areas, to conduct scientific and technological research and application to managerial work and facilitate exit and entry activities through border checkpoints.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. To inspect, examine and settle complaints and denunciations and handle violations of the law on border checkpoints.

Article 22. The Ministry of National Defense of Vietnam shall:

1. Take charge and cooperate with related ministries and sectors and People’s Committees of bordering provinces in taking responsibility to the Government of Vietnam for the state management of border checkpoints.

2.[31] Direct the Border Guard to

a) Perform the function of state management of national defense, security and foreign affairs, assurance about the maintenance of political security, social order and safety as prescribed in Articles 13, 14 and 15 of the Vietnam Border Guard Law;

b) Carry out the responsibility of the Border Guard at the border checkpoint as prescribed in Clause 3, Article 1 of this Decree.

3. Cooperate with the Ministry of Foreign Affairs of Vietnam, other related ministries and People’s Committees of bordering provinces in building, planning and developing the border checkpoint system, ensuring defense and security requirements.

4. Annually cooperate with the Ministry of Finance of Vietnam and the Ministry of Planning and Investment of Vietnam in preparing budget estimates for implementation of this Decree.

Article 23. The Ministry of Finance of Vietnam shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Direct the General Department of Customs to perform the state management of border-checkpoint customs according to Vietnamese laws and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 24. The Ministry of Health of Vietnam shall:

1. Organize, guide and supply equipment for, the medical quarantine agencies to perform the function of medical quarantine at land border checkpoints and crossings according to Vietnamese laws and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. Cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam in restricting or suspending the cross-border movement at land border checkpoints and crossings in case of human epidemics as prescribed by this Decree.

Article 25. The Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam shall:

1. Direct the animal and plant quarantine agencies to perform the function of animal and plant quarantine at land border checkpoints and crossings according to Vietnamese laws and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. Cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam in restricting or suspending cross- border movement at land border checkpoints and crossings in case of epidemic occurrence as prescribed by this Decree.

Article 26. Ministries and relevant central authorities shall:

1.[32] The Ministry of Foreign Affairs of Vietnam shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Take charge and cooperate with relevant ministries and authorities in considering and advising the Government of Vietnam to implement the policy on opening and upgradation of border checkpoints as prescribed in Clause 12 of this Article and Article 20 of the Government’s Decree No. 112/2014/ND-CP dated November 21, 2014 on management of land border checkpoints; provide guidance on the implementation of processes and procedures for opening and upgradation of border checkpoints and border crossings according to regulations of this Decree and relevant documents.

2. The Ministry of Public Security shall:

a) Cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam in guiding the control of exit and entry activities through border checkpoints;

b) Direct public security units and local forces to coordinate with the border guard forces and related agencies in performing the tasks of protecting the national security, maintaining social order and safety, and preventing and fighting crimes in border checkpoint areas.

3. The Ministry of Industry and Trade of Vietnam shall:

a) Perform the state management of export and import and border trade activities through border checkpoints;

b) Prepare annual and periodical border trade policies and submit them to the Prime Minister of Vietnam for approval;

c) Cooperate with related ministries and sectors and People’s Committees of bordering provinces in combating smuggling and trade frauds across border checkpoints.

4. The Ministry of Construction of Vietnam shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Study and develop designing standards and request comments from the Ministries of National Defense; Finance, Health, Agriculture and Rural Development; Planning and Investment; and Culture, Sports and Tourism of Vietnam for the construction of national gates and joint control houses, and submit them to the Prime Minister of Vietnam for approval for implementation nationwide;

c) Perform the state management of construction of technical infrastructure facilities and works in land border checkpoint areas according to its prescribed functions, tasks and powers.

5. The Ministry of Planning and Investment of Vietnam shall:

a) Take charge and cooperate with the Ministries of National Defense; Public Security; Foreign Affairs of Vietnam and related ministries and sectors and the People’s Committees of bordering provinces in advising the Government of Vietnam on the formulation of strategies for socio-economic development of land border checkpoint areas nationwide;

b) Take charge and cooperate with the Ministry of Finance of Vietnam in balancing annual development investment budgets and mobilizing other resources for investment in the construction of facilities in land border checkpoint areas.

6. The Ministry of Transport of Vietnam shall:

a) Develop master planning for the development of transport infrastructure facilities within the system of land border checkpoints nationwide and submit them to the Government of Vietnam for approval; take charge and cooperate with related ministries and People’s Committees of bordering provinces in connecting roads from Vietnamese border checkpoints to border checkpoints of neighboring countries;

b) Implement the regulations on via-border checkpoint exit and entry of transport vehicles under the provisions of international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

7. The Vietnam Committee for Cooperation on Border Checkpoint Management shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 27. People’s Committees of provinces with border checkpoints shall:

1. Direct the construction of national gates, joint control houses, infrastructure facilities and transport systems in border checkpoint areas.

2. Allocate budget sources for placing signboards and instruction signs at border checkpoints.

3. Annually deduct local budgets for implementation of the Decree; cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam and related ministries and central authorities in organizing the dissemination, study and implementation of the Decree.

4.[34] Direct the Border-Checkpoint Economic Zone Management Boards and Border Checkpoint Management Boards to carry out their responsibilities for administration of operations at the border checkpoints according to regulations in Article 9, Article 10, Article 11 of the Decision No. 45/2013/QD- TTg dated July 25, 2013 of the Prime Minister of Vietnam on promulgation of the Regulation on administration of operations at land border checkpoints.

5.[35] Take charge and cooperate with relevant ministries and authorities in deciding investment in projects on border checkpoint areas in accordance with law; construct border checkpoint infrastructure and complete it within 36 months after the Government's Resolution on opening and upgradation of border checkpoints is issued; allocate human resources and equipment according to standards of corresponding types of border checkpoints specified in Appendix IV enclosed with this Decree.

Chapter V

IMPLEMENTATION PROVISIONS [36]

Article 28. Entry into force

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 29. Guidance and implementation responsibility

1. The Ministers of National Defense; Public Security; Finance; Industry and Trade; Foreign Affairs; Health; Agriculture and Rural Development; Transport; and Construction of Vietnam shall, according to their respective competence, elaborate and guide articles and clauses as prescribed in this Decree.

2. The Ministry of National Defense of Vietnam shall take charge and cooperate with related ministries and central authorities in guiding and inspecting the implementation of this Decree.

3. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of governmental agencies, Presidents of provincial People’s Committees, and related agencies, organizations and individuals shall implement this Decree./.

 

.

VERIFICATION OF INTEGRATED DOCUMENT

MINISTER




General Phan Vang Giang

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[1] Decree No. 34/2023/ND-CP on amendments to Decree No. 112/2014/ND-CP dated November 21, 2014 of the Government of Vietnam has the following promulgation grounds:

“Pursuant to the Law on Organizing the Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on Local Government Organization dated June 19, 2015; 

Pursuant to the Law on Amendments to the Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on National Border dated June 17, 2003;

Pursuant to the Vietnam Border Guard Law dated November 11, 2020;

Pursuant to the Law on Entry and Exit of Vietnamese Citizens dated November 22, 2019; 

Pursuant to the Law on Entry, Exit, Transit and Residence of Foreigners in Vietnam dated June 16, 2014; the Law on amendments to some Articles of the Law on Entry, Exit, Transit and Residence of Foreigners in Vietnam dated November 25, 2019;

Pursuant to the Law on Foreign Trade Management dated June 12, 2017;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



At the request of the Minister of Natural Defense of Vietnam;

The Government promulgates Decree on amendments to some Articles of Government's Decree No. 112/2014/ND-CP dated November 21, 2014 on management of land border checkpoints.”

[2] This Clause is amended by Point a Clause 1 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[3] This Clause is amended by Point b Clause 1 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[4] This Clause is supplemented by Point c Clause 1 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[5] This Clause is amended by Clause 2 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[6] This Clause is amended by Point a Clause 3 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[7] This Clause is amended by Point b Clause 3 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[8] This Clause is supplemented by Point c Clause 3 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[10] This Point is amended by Point a Clause 4 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[11] This Point is amended by Point b Clause 4 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[12] This Clause is amended by Point a Clause 5 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[13] This Clause is amended by Point b Clause 5 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[14] This Point is amended by Point c Clause 5 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[15] This Point is amended by Clause 6 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[16] This Point is amended by Clause 7 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[17] This Clause is supplemented by Clause 8 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[18] This Point is amended by Clause 9 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[20] This Point is amended by Point a Clause 11 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[21] This Point is amended by Point b Clause 11 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[22] This Point is amended by Point c Clause 11 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[23] The name of this Article is amended by Point a Clause 12 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[24] This Point is amended by Point b Clause 12 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[25] This Point is amended by Point c Clause 12 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[26] This Point is amended by Point d Clause 12 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[27] This Point is amended by Point dd Clause 12 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[28] This Point is amended by Point e Clause 12 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[30] This Clause is supplemented by Point h Clause 12 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[31] This Clause is amended by Clause 13 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[32] This Clause is amended by Clause 14 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[33] This Point is annulled by Clause 15 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[34] This Clause is amended by Point a Clause 16 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[35] This Clause is supplemented by Point b Clause 16 Article 1 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023.

[36] Article 2 of Decree No. 34/2023/ND-CP, effective as of July 31, 2023, is as follows:

“Article 2. Entry into force

1. This Decree comes into force as of July 31, 2023.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Regulations in Article 5, Article 6, Article 7, Article 13, Article 16, Article 21, Article 22, Article 23, Article 24, Article 25, Article 26, Article 27 of Government’s Decree No. 112/2014/ND-CP dated November 21, 2014 on management of land border checkpoints shall be applied to border crossings specified in Clause 2, Article 1 of this Decree./.”

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Integrated document No. 02/VBHN-BQP dated July 3, 2023 Decree on management of land border checkpoints
Official number: 02/VBHN-BQP Legislation Type: Integrated document
Organization: The Ministry of National Defense Signer: Phan Van Giang
Issued Date: 03/07/2023 Integrated Date: Premium
Gazette dated: Updating Gazette number: Updating
Effect: Premium

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Integrated document No. 02/VBHN-BQP dated July 3, 2023 Decree on management of land border checkpoints

Address: 17 Nguyen Gia Thieu street, Ward Vo Thi Sau, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Phone: (+84)28 3930 3279 (06 lines)
Email: info@ThuVienPhapLuat.vn

Copyright© 2019 by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu

DMCA.com Protection Status