QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 53/2024/QH15

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2024

 

LUẬT

PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống mua bán người.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

 Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là mua bán người ngay cả khi không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.

2. Bóc lột tình dục là việc ép buộc nạn nhân bán dâm, tổ chức cho nạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân làm đối tượng để sản xuất sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, ép buộc nạn nhân trình diễn khiêu dâm, ép buộc nạn nhân do bị lệ thuộc phải phục vụ nhu cầu tình dục.

3. Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để ép buộc nạn nhân phải lao động trái ý muốn của họ.

4. Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.

5. Mục đích vô nhân đạo khác là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; ép buộc nạn nhân đi ăn xin, kết hôn trái ý muốn, sinh con trái ý muốn, thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng nạn nhân vào mục đích tàn ác khác.

6. Thủ đoạn kháclợi dụng việc môi giới hôn nhân, môi giới việc làm, tư vấn du học, nuôi con nuôi, đưa người đi du lịch ở nước ngoài để lừa gạt; lợi dụng tình thế bị lệ thuộc, tình thế dễ bị tổn thương hoặc tình trạng quẫn bách của nạn nhân; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; bắt cóc, uy hiếp tinh thần, đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân sử dụng thuốc ngủ, thuốc gây mê, rượu, bia hoặc chất kích thích khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

7. Nạn nhân là người bị xâm hại bởi hành vi quy định tại khoản 1 Điều này và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

8. Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người có dấu hiệu bị xâm hại bởi hành vi quy định tại khoản 1 Điều này và đang được cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh.

9. Người thân thích bao gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột, cô ruột, cháu ruột.

Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Mua bán người theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này.

2. Thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai.

3. Cưỡng bức, môi giới hoặc xúi giục người khác thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Đe dọa, trả thù nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ, người làm chứng, người tố giác, báo tin, tố cáo, khai báo hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.

5. Dung túng, bao che, tiếp tay, cản trở, can thiệp, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người.

6. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện hành vi trái pháp luật.

7. Cản trở việc giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

8. Cản trở việc phát hiện, tố giác, báo tin, tố cáo, khai báo, xử lý hành vi quy định tại Điều này.

9. Xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

10. Tiết lộ thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

11. Giả mạo là nạn nhân.

12. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

Điều 4. Nguyên tắc phòng, chống mua bán người

1. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới.

2. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa mua bán người; phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.

3. Giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân kịp thời, chính xác; giữ bí mật thông tin và không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

4. Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.

5. Tùy từng trường hợp cụ thể và theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là hệ quả trực tiếp của hành vi mua bán người có thể không bị xử lý hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

6. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành, chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người

1. Phòng, chống mua bán người là nội dung của chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.

2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

3. Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người.

4. Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.

5. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.

6. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân

1. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có quyền sau đây:

 a) Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích của mình theo quy định của Luật này khi bị xâm hại, bị đe dọa xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người;

b) Được thông tin về quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các biện pháp phòng ngừa mua bán người;

c) Được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật này hoặc từ chối nhận hỗ trợ;

d) Được bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi cư trú, nơi làm việc và thông tin khác theo quy định của pháp luật;

đ) Được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân;

e) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

g) Được từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ;

h) Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành đầy đủ yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ;

b) Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;

c) Thực hiện yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc mua bán người;

d) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chương II

PHÒNG NGỪA MUA BÁN NGƯỜI

Điều 7. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người

1. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người, đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.

2. Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục bao gồm:

a) Chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người và pháp luật có liên quan;

b) Mục đích, thủ đoạn, hành vi mua bán người và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của Luật này;

c) Kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;

d) Biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống mua bán người;

đ) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người;

e) Chống xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân;

g) Các biện pháp bảo vệ và chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; kết quả xử lý vụ việc mua bán người theo quy định của pháp luật;

h) Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.

3. Việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

a) Gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp;

b) Cung cấp tài liệu;

c) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động thông tin cơ sở;

d) Thông qua hoạt động ngoại khóa tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

đ) Thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hóa khác;

e) Sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính;

g) Thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp;

h) Thông qua tổ chức cuộc thi, chiến dịch truyền thông;

i) Các hình thức phù hợp khác.

4. Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên ở cơ sở, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, khuyến khích sự tham gia của nạn nhân vào công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người.

5. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, trẻ em, học sinh, sinh viên, người khuyết tật, người lao động tại các khu công nghiệp, người làm việc tại cơ sở kinh doanh casino, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp và người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có nhiều công dân kết hôn với người nước ngoài, đi làm việc ở nước ngoài, địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp.

Điều 8. Tư vấn về phòng ngừa mua bán người

Người chuẩn bị tham gia vào quan hệ về lao động, việc làm, hôn nhân, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài hoặc các dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để mua bán người được cơ quan, tổ chức quy định tại các điều 19, 20 và 21 của Luật này tư vấn các nội dung sau đây:

1. Kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người;

2. Hướng nghiệp, việc làm, di cư an toàn; thông tin về mục đích, thủ đoạn, hành vi mua bán người, kỹ năng xử lý trong trường hợp là nạn nhân bị mua bán và hướng dẫn kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;

3. Thông tin về quyền, nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hướng dẫn cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ đó.

Điều 9. Quản lý về an ninh, trật tự

Cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý về an ninh, trật tự có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Quản lý đăng ký cư trú, quản lý xuất nhập cảnh trên địa bàn, nắm rõ biến động dân cư có liên quan đến hoạt động mua bán người;

2. Quản lý, giám sát đối tượng đã từng bị kết án về tội mua bán người và đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người theo quy định của pháp luật;

3. Quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; việc định danh và xác thực điện tử; thông tin về tàng thư, lý lịch tư pháp phục vụ công tác phòng, chống mua bán người;

4. Tuần tra, kiểm soát tại biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển và hải đảo nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người;

5. Quản lý chặt chẽ mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính để phòng, chống mua bán người;

6. Quản lý công tác cấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong việc làm, cấp phát, quản lý giấy tờ tùy thân và giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh để phòng, chống mua bán người;

7. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có chung đường biên giới trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu để phòng, chống mua bán người.

Điều 10. Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ

1. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ sau đây phải được quản lý, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người:

a) Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp; kinh doanh casino; kinh doanh trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; kinh doanh dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet; kinh doanh dịch vụ việc làm, cho thuê lại lao động, tư vấn du học, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú;

b) Hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nuôi con nuôi;

c) Hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để mua bán người.

2. Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này để phòng, chống mua bán người.

Điều 11. Quản lý hoạt động xuất nhập cảnh

Cơ quan và người có thẩm quyền trong hoạt động quản lý xuất nhập cảnh thông qua hoạt động nghiệp vụ của mình có trách nhiệm chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng hoạt động xuất nhập cảnh, làm giả giấy tờ hoặc thủ đoạn khác để thực hiện hành vi mua bán người.

Điều 12. Trao đổi thông tin để quản lý hoạt động xuất nhập cảnh

Cơ quan có thẩm quyền phòng, chống tội phạm mua bán người, cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin về đối tượng đã từng bị kết án về tội mua bán người và đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người.

Điều 13. Lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội

Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ và chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người.

2. Kịp thời tố giác, báo tin, tố cáo hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.

3. Được bảo vệ, giữ bí mật thông tin của cá nhân khi tham gia phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

4. Được khen thưởng, được bảo đảm chế độ, chính sách khi tham gia phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm của gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Giáo dục, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về mục đích, thủ đoạn, hành vi mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người.

2. Phối hợp với cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.

3. Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng.

4. Động viên, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng, chống mua bán người phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo.

2. Tạo điều kiện thuận lợi để nạn nhân được học văn hóa, học nghề, tư vấn việc làm, hòa nhập cộng đồng.

3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống mua bán người.

Điều 17. Trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ

Các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 10 của Luật này có trách nhiệm sau đây:

1. Cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người;

2. Nắm thông tin về đối tượng được cung cấp dịch vụ và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu để phòng ngừa mua bán người;

3. Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động, đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương để phòng ngừa mua bán người;

4. Thực hiện đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra về phòng, chống mua bán người đối với hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở;

5. Phối hợp, thực hiện đầy đủ yêu cầu khi cơ quan có thẩm quyền sàng lọc dấu hiệu bị mua bán đối với người lao động tại tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở;

6. Chủ động phòng ngừa, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền về hành vi có dấu hiệu mua bán người.

Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, thông tấn tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, chính xác chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; phản ánh trung thực về tình hình mua bán người và công tác phòng, chống mua bán người; nêu gương điển hình tiên tiến, mô hình phòng, chống mua bán người có hiệu quả.

2. Giữ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 19. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.

2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân, thành viên, hội viên chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người và quy định khác của pháp luật có liên quan; vận động Nhân dân, thành viên, hội viên tích cực phát hiện, tố giác, báo tin, tố cáo, ngăn chặn hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật này; tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.

3. Kiến nghị biện pháp cần thiết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người và quy định khác của pháp luật có liên quan; tham gia phòng, chống mua bán người, chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

4. Tư vấn, tham gia tư vấn về phòng ngừa mua bán người theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

5. Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

6. Phối hợp phòng, chống mua bán người theo quy định của Luật này.

Điều 20. Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ, trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

2. Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.

3. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 19 của Luật này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điều 21. Trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người

1. Tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên, trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

2. Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.

3. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 19 của Luật này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Chương III

PHÁT HIỆN, XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Điều 22. Tố cáo, tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố về hành vi vi phạm

1. Cá nhân có quyền và nghĩa vụ tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này với cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã), cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người hoặc với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

2. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố cáo, tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền hoặc kịp thời thông báo, kiến nghị khởi tố với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định về tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người để tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người.

Điều 23. Phát hiện hành vi vi phạm thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra

1. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; trường hợp phát hiện hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra chủ động phát hiện, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.

Điều 24. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm

Cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ phòng, chống mua bán người thông qua hoạt động nghiệp vụ có trách nhiệm sau đây:

1. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan, áp dụng biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này tại địa bàn được phân công phụ trách;

2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật phục vụ cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi mua bán người;

3. Áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ các đối tượng được quy định tại Điều 34 của Luật này;

4. Khi có căn cứ cho rằng một người bị mua bán thì áp dụng các biện pháp cần thiết để giải cứu.

Điều 25. Giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hành vi phạm tội mua bán người, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người

1. Việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố hành vi phạm tội mua bán người được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Điều 26. Xử lý vi phạm

1. Người thực hiện hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, bao che, xử lý không đúng hoặc không xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người giả mạo là nạn nhân ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận.

Chương IV

TIẾP NHẬN, XÁC MINH, XÁC ĐỊNH VÀ BẢO VỆ NẠN NHÂN

Mục 1. TIẾP NHẬN, XÁC MINH, XÁC ĐỊNH NẠN NHÂN

Điều 27. Tiếp nhận, xác minh người đến trình báo

1. Người nào có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp có căn cứ cho rằng người được họ đại diện là nạn nhân thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất trình báo về việc bị mua bán. Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận trình báo có trách nhiệm đưa ngay người đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiếp nhận thực hiện việc hỗ trợ theo quy định tại Chương V của Luật này.

2. Khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện thực hiện ngay việc tiếp nhận, hỗ trợ và chậm nhất là 03 ngày phải chủ trì phối hợp với Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện) xác minh thông tin ban đầu.

Sau khi xác minh thông tin ban đầu, nếu chưa có giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này thì cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Công an cấp huyện tiến hành xác minh nạn nhân.

3. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, Công an cấp huyện có trách nhiệm xác minh nạn nhân và trả lời bằng văn bản cho cơ quan đã đề nghị.

Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh nạn nhân không quá 02 tháng; trường hợp chưa thể xác định được nạn nhân trong thời hạn 02 tháng thì thời hạn xác minh có thể kéo dài thêm, nhưng tổng thời hạn xác minh không quá 04 tháng.

4. Ngay sau khi có kết quả xác minh hoặc hết thời hạn theo quy định tại khoản 3 Điều này thì Công an cấp huyện phải cấp một trong các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật này.

5. Sau khi tiếp nhận, cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện thực hiện việc hỗ trợ cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân theo quy định tại Chương V của Luật này. Trường hợp họ có nguyện vọng trở về nơi cư trú thì được hỗ trợ chi phí đi lại; nếu cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý hoặc chưa xác định được nơi cư trú mà có nguyện vọng được lưu trú thì cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện chuyển giao cho cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là trẻ em thì cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích cư trú, trường hợp không có nơi nương tựa hoặc có căn cứ cho rằng họ có thể gặp nguy hiểm khi đưa về nơi người thân thích cư trú thì chuyển giao cho cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 28. Tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu

1. Cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đã giải cứu nạn nhân tiến hành sơ cứu, cấp cứu nếu họ bị thương tích, tổn hại sức khỏe, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ phiên dịch và đưa ngay người đó đến cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện gần nơi họ được giải cứu.

Cơ quan giải cứu có trách nhiệm xác minh, cấp giấy xác nhận theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật này cho người được giải cứu; trường hợp chưa có đủ căn cứ xác định nạn nhân thì sau khi tiếp nhận, cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Công an cấp huyện tiến hành xác minh nạn nhân; thời hạn xác minh và cấp giấy xác nhận được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 của Luật này.

2. Sau khi tiếp nhận, cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện thực hiện việc hỗ trợ đối với người được giải cứu theo quy định tại khoản 5 Điều 27 và Chương V của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 29. Giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài

1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về người là nạn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước trao đổi, do người tự trình báo là nạn nhân hoặc do người biết việc đến trình báo thì thực hiện các công việc sau đây:

a) Trường hợp người đó chưa được giải cứu thì thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và giải cứu;

b) Trường hợp người tự trình báo là nạn nhân hoặc đã được giải cứu thì phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước sở tại và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu liên quan, thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Chương V của Luật này và cấp một trong các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.

2. Ngay sau khi nhận được đề nghị xác minh của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước có trách nhiệm tổ chức xác minh, trả lời cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa về nước.

3. Trường hợp chưa đủ căn cứ cấp một trong các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định của pháp luật và đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trong nước xác minh, cấp một trong các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật này; thời hạn xác minh được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 27 của Luật này.

4. Trường hợp thỏa thuận quốc tế có quy định về việc trao đổi thông tin trực tiếp, hợp tác về phòng, chống mua bán người giữa cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì thực hiện theo thỏa thuận đó.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 30. Tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về

1. Việc tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân từ nước ngoài trở về qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện như sau:

a) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an trong việc xác minh nhân thân của nạn nhân, cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa về nước;

b) Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện việc tiếp nhận; tiến hành xác minh và cấp một trong các giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân theo đề nghị của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này; thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ y tế trong trường hợp cần thiết và đưa ngay người đó đến cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện nơi tiếp nhận để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định tại Chương V của Luật này.

Trường hợp họ có nguyện vọng trở về nơi cư trú thì được hỗ trợ chi phí đi lại; nếu cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý hoặc chưa xác định được nơi cư trú mà có nguyện vọng được lưu trú thì chuyển giao họ cho cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Đối với nạn nhân là trẻ em thì cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích cư trú, trường hợp không có nơi nương tựa hoặc có căn cứ cho rằng họ có thể gặp nguy hiểm khi đưa về nơi người thân thích cư trú thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

2. Việc tiếp nhận người trở về Việt Nam theo thỏa thuận quốc tế song phương có liên quan về phòng, chống mua bán người được thực hiện theo thỏa thuận đó.

Cơ quan đã tiếp nhận có trách nhiệm xác minh theo thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 27 và cấp một trong các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này; thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế, hỗ trợ phiên dịch trong trường hợp cần thiết và đưa ngay người đó đến cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện nơi tiếp nhận để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định tại Chương V của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 31. Tiếp nhận, xác minh, giải cứu và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam

1. Khi nhận được thông tin, tài liệu về người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan, tổ chức trong nước trao đổi hoặc do người biết việc đến trình báo, cơ quan, tổ chức đã tiếp nhận thông tin, tài liệu có trách nhiệm báo ngay cho Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) nơi người nước ngoài đang có mặt để xác minh, giải cứu.

Trường hợp thông qua hoạt động nghiệp vụ mà phát hiện người nước ngoài có dấu hiệu bị mua bán tại Việt Nam hoặc người nước ngoài đến trình báo họ là nạn nhân bị mua bán thì cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân tiến hành giải cứu, xác minh.

Khi có đủ căn cứ xác định người được giải cứu, người tự trình báo là nạn nhân thì cơ quan đã giải cứu, tiếp nhận trình báo cấp giấy xác nhận quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này trước khi chuyển giao.

2. Sau khi tiếp nhận hoặc giải cứu người nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này tiến hành sơ cứu, cấp cứu nếu họ bị thương tích, tổn hại sức khỏe; thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ phiên dịch và đưa người đó đến cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện nơi cơ quan tiếp nhận có trụ sở hoặc nơi họ được giải cứu.

3. Sau khi tiếp nhận người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện tiến hành hỗ trợ theo quy định tại Chương V của Luật này và thông báo cho cơ quan chuyên môn về ngoại vụ cấp tỉnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh thực hiện các công việc để trao trả về nước mà họ là công dân hoặc nước họ thường trú.

4. Khi nhận được công hàm của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam mà nạn nhân là công dân hoặc là người đang thường trú tại nước đó trả lời đồng ý nhận trở về, kèm theo giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh đã được cấp cho nạn nhân, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thống nhất với phía nước ngoài về các vấn đề để đưa nạn nhân về nước, sau đó thông báo bằng văn bản và chuyển giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh của nạn nhân cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an.

5. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện cấp thị thực, chứng nhận tạm trú cho nạn nhân, thông báo kế hoạch đưa nạn nhân về nước cho Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp tỉnh nơi đang lưu giữ nạn nhân, Công an cửa khẩu sân bay quốc tế hoặc Bộ đội Biên phòng cửa khẩu nơi nạn nhân sẽ xuất cảnh, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam mà nạn nhân là công dân hoặc thường trú, các tổ chức quốc tế có liên quan để phối hợp đưa nạn nhân về nước.

6. Cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp tỉnh nơi lưu giữ nạn nhân chỉ đạo cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân đưa nạn nhân tới cửa khẩu và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc đưa nạn nhân về nước.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. CĂN CỨ ĐỂ XÁC ĐỊNH NẠN NHÂN; GIẤY TỜ, TÀI LIỆU XÁC NHẬN NẠN NHÂN

Điều 32. Căn cứ để xác định nạn nhân

1. Việc xác định nạn nhân căn cứ vào tài liệu, chứng cứ sau đây:

a) Tài liệu, chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp;

b) Thông tin, tài liệu do cơ quan giải cứu nạn nhân cung cấp;

c) Thông tin, tài liệu do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp;

d) Thông tin, tài liệu do cơ quan, tổ chức khác trong nước cung cấp;

đ) Tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cung cấp;

e) Lời khai, tài liệu do người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ cung cấp;

g) Lời khai, tài liệu do người thực hiện hành vi mua bán người cung cấp;

h) Lời khai, tài liệu do nạn nhân khác hoặc những người biết sự việc cung cấp;

i) Tài liệu, chứng cứ hợp pháp khác.

2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng chưa chứng minh được một người có phải là nạn nhân hay không, sau khi xác minh lý lịch, thời gian vắng mặt tại nơi cư trú, lý do vắng mặt phù hợp với lời khai của họ về việc bị mua bán thì xem xét các dấu hiệu sau đây để xác định họ là nạn nhân:

a) Người đó được phát hiện, giải cứu cùng với nạn nhân khác;

b) Người đó đã có thời gian chung sống cùng với nạn nhân tại nơi các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người giam giữ, quản lý và bị đối xử như nạn nhân này;

c) Người đó có dấu hiệu bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bị đối xử tàn tệ, bị thương tích, sợ hãi, hoảng loạn, trầm cảm, ốm yếu theo xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền hoặc bị xâm hại bởi hành vi nhằm mục đích vô nhân đạo khác quy định tại khoản 5 Điều 2 của Luật này;

d) Người thân thích trình báo về việc mất tích của họ trong thời gian họ vắng mặt tại nơi cư trú;

đ) Căn cứ hợp pháp khác có cơ sở để tin rằng người đó là nạn nhân.

Điều 33. Giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân

1. Giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Giấy xác nhận là nạn nhân hoặc giấy xác nhận không phải là nạn nhân;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh người đó là nạn nhân do cơ quan nước ngoài cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công an cấp huyện quy định tại khoản 4 Điều 27 và khoản 1 Điều 28 của Luật này;

b) Cơ quan giải cứu, tiếp nhận quy định tại các điều từ Điều 28 đến Điều 31 của Luật này;

c) Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân;

d) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

3. Trường hợp đã cấp giấy xác nhận quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng sau đó cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này chứng minh được việc cấp giấy xác nhận chưa đúng thì có trách nhiệm hủy và cấp lại giấy xác nhận.

Mục 3. BẢO VỆ NẠN NHÂN, NGƯỜI ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH XÁC ĐỊNH LÀ NẠN NHÂN VÀ NGƯỜI THÂN THÍCH CỦA HỌ

Điều 34. Điều kiện và đối tượng được bảo vệ

Những người sau đây nếu bị xâm hại, bị đe dọa xâm hại, có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác do có liên quan đến vụ việc, vụ án mua bán người thì tùy từng trường hợp được áp dụng các biện pháp bảo vệ quy định tại Điều 35 của Luật này:

1. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng;

2. Người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân;

3. Cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người hoặc hỗ trợ nạn nhân.

Điều 35. Biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng

1. Trường hợp đối tượng quy định tại Điều 34 của Luật này là người tố cáo thì áp dụng các biện pháp bảo vệ họ theo quy định của pháp luật về tố cáo.

2. Trường hợp đối tượng quy định tại Điều 34 của Luật này là người tham gia tố tụng hình sự thì áp dụng các biện pháp bảo vệ họ theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

3. Đối tượng quy định tại Điều 34 của Luật này nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì áp dụng các biện pháp bảo vệ sau đây:

a) Bố trí nơi tạm lánh khi họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe;

b) Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại, đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

4. Người được bảo vệ từ chối hoặc không chấp hành đầy đủ biện pháp bảo vệ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng thì tự chịu trách nhiệm về an toàn của bản thân, người thân thích của mình.

Trường hợp người được bảo vệ từ chối biện pháp bảo vệ do bị đe dọa hoặc bị ép buộc thì cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền vẫn áp dụng biện pháp bảo vệ.

5. Cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền khác áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật.

6. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 36. Bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Chương V

HỖ TRỢ NẠN NHÂN, NGƯỜI ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH XÁC ĐỊNH LÀ NẠN NHÂN

Điều 37. Đối tượng và chế độ hỗ trợ

1. Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ sau đây:

a) Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;

b) Hỗ trợ y tế;

c) Hỗ trợ phiên dịch;

d) Hỗ trợ pháp luật;

đ) Trợ giúp pháp lý;

e) Hỗ trợ chi phí đi lại;

g) Hỗ trợ tâm lý;

h) Hỗ trợ học văn hóa;

i) Hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm;

k) Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

2. Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm h khoản 1 Điều này.

3. Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng đang ở nước ngoài được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm d khoản 1 Điều này.

Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng ở trong nước được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 1 Điều này.

4. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam thì tùy từng trường hợp được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và g khoản 1 Điều này.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 38. Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu

Trong trường hợp cần thiết, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.

Điều 39. Hỗ trợ y tế

1. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được khám sức khỏe khi tiếp nhận, được sơ cứu, cấp cứu nếu họ bị thương tích, tổn hại sức khỏe; trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân nếu cần được chăm sóc để phục hồi sức khỏe thì được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

2. Nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên kể từ khi họ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân.

Điều 40. Hỗ trợ phiên dịch

1. Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng không biết, không hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian làm thủ tục xác minh là nạn nhân.

2. Nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng không biết, không hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Điều 41. Hỗ trợ pháp luật, trợ giúp pháp lý

1. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được hỗ trợ pháp luật bằng hình thức tư vấn để phòng ngừa bị mua bán trở lại, tư vấn làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm thẻ căn cước, nhận chế độ hỗ trợ.

2. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với nội dung có liên quan đến vụ việc, vụ án mua bán người.

Điều 42. Hỗ trợ chi phí đi lại

Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng có nguyện vọng trở về nơi cư trú thì được hỗ trợ chi phí tiền tàu, xe đi lại trong nước và tiền ăn trong thời gian đi đường.

Điều 43. Hỗ trợ tâm lý

Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian không quá 03 tháng.

Điều 44. Hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm

1. Nạn nhân là người dưới 18 tuổi, người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên và năm liền kề kể từ khi được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân.

2. Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm ổn định cuộc sống.

Điều 45. Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn

1. Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.

2. Nạn nhân khi trở về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Điều 46. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ

1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện việc tiếp nhận hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ y tế, hỗ trợ pháp luật theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã thực hiện việc giải cứu, tiếp nhận hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ y tế.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã đã thực hiện việc tiếp nhận hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế, hỗ trợ pháp luật.

4. Cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện thực hiện hỗ trợ chi phí đi lại, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

5. Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ y tế, hỗ trợ phiên dịch, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tư vấn việc làm trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

6. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 47. Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân

1. Cơ sở trợ giúp xã hội công lập thực hiện các nhiệm vụ sau đây trong việc hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng:

a) Tiếp nhận và bố trí nơi lưu trú; lập hồ sơ quản lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội;

b) Thực hiện chế độ hỗ trợ theo quy định tại khoản 5 Điều 46 của Luật này;

c) Giáo dục kỹ năng sống;

d) Đánh giá khả năng hòa nhập cộng đồng của nạn nhân, cung cấp thông tin về chính sách, chế độ, hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng;

đ) Cung cấp thông tin cần thiết cho cơ quan có thẩm quyền để đấu tranh phòng, chống mua bán người;

e) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc xác minh nạn nhân;

g) Phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý.

2. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập tham gia thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với giấy phép thành lập; việc thành lập và hoạt động không sử dụng ngân sách nhà nước.

3. Cơ sở trợ giúp xã hội khác do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập, không sử dụng ngân sách nhà nước có thể được tham gia hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá tŕnh xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định tại khoản 1 Điều này và hoạt động theo giấy phép hoạt động.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Điều 48. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người

1. Ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người.

2. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

3. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo về phòng, chống mua bán người.

4. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống mua bán người.

5. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.

6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống mua bán người.

7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Điều 49. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

2. Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người tại địa phương, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.

Điều 50. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, Bộ Công an có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người;

b) Đề xuất với Chính phủ trong việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế hoặc triển khai hoạt động hợp tác quốc tế có liên quan đến phòng, chống mua bán người;

c) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật;

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành và tổ chức thực hiện quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình và khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong phòng, chống mua bán người;

e) Thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống mua bán người;

g) Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền;

h) Thực hiện chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống mua bán người; giúp Chính phủ xây dựng báo cáo trình Quốc hội về công tác phòng, chống mua bán người lồng ghép vào báo cáo hằng năm của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

2. Trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, Bộ Công an có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức, bố trí lực lượng trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống mua bán người;

b) Thực hiện quản lý an ninh, trật tự để phòng ngừa mua bán người;

c) Chỉ đạo công an các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về phòng, chống mua bán người theo quy định của Luật này;

d) Xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm mua bán người, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

đ) Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống mua bán người gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Điều 51. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, trên biển, hải đảo, cửa khẩu thuộc thẩm quyền tham gia các hoạt động phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mua bán người tại khu vực biên giới, trên biển, hải đảo, cửa khẩu thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tiếp nhận, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân theo quy định của Luật này.

3. Thực hiện quản lý an ninh, trật tự tại khu vực biên giới, trên biển, hải đảo, cửa khẩu thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để phòng ngừa mua bán người.

4. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.

Điều 52. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

2. Hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm, cho thuê lại lao động, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người; hướng dẫn sàng lọc dấu hiệu bị mua bán đối với người lao động.

3. Hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, thanh tra công tác hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

4. Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ và chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, tin báo, tố giác về mua bán người tới tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người.

5. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ học văn hóa.

6. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.

Điều 53. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chính sách hỗ trợ y tế và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 39 của Luật này.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở y tế thực hiện việc phối hợp với cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân trong việc hỗ trợ y tế cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

3. Hướng dẫn về điều trị y tế, hỗ trợ tâm lý.

4. Chủ trì phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát hiện, báo cáo, cung cấp thông tin trường hợp có dấu hiệu mua bán người, mua bán bộ phận cơ thể người, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai.

Điều 54. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

1. Chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị có thẩm quyền, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai công tác phòng, chống mua bán người và thực hiện công tác bảo hộ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài là công dân Việt Nam; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và của nước ngoài thực hiện giải cứu, tiếp nhận, xác định nạn nhân, đưa nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam về nước.

2. Chỉ đạo việc phối hợp với cơ quan đại diện của nước có liên quan và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để đưa nạn nhân là người nước ngoài về nước.

3. Chỉ đạo nghiên cứu các giải pháp phòng, chống mua bán người trong xây dựng chính sách về các vấn đề di cư quốc tế theo thẩm quyền.

4. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.

Điều 55. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp

1. Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

2. Hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, đăng ký việc nuôi con nuôi nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.

3. Quản lý, hướng dẫn trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

 4. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.

Điều 56. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Triển khai thực hiện việc thông tin, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người;

b) Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội;

c) Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống mua bán người;

d) Bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người;

đ) Xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người;

e) Tổ chức thực hiện công tác quản lý an ninh, trật tự để phòng, chống mua bán người;

g) Cấp giấy phép thành lập cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở trợ giúp xã hội khác để thực hiện việc hỗ trợ.

2. Cùng với việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã còn có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn về phòng, chống mua bán người ở cơ sở;

b) Tiếp nhận và thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định của Luật này;

c) Tạo điều kiện cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

3. Chính phủ quy định chi tiết điểm g khoản 1 Điều này.

Chương VII

HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Điều 57. Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người

Nhà nước Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Điều 58. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người

1. Trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, thỏa thuận quốc tế đã ký kết, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc tăng cường năng lực pháp luật, thông tin, công nghệ và đào tạo cho hoạt động phòng, chống mua bán người.

2. Việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và của nước ngoài để giải quyết vụ việc về mua bán người được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong trường hợp Việt Nam và nước có liên quan không cùng tham gia điều ước quốc tế thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc hợp tác quốc tế trên nguyên tắc có đi có lại, phù hợp với pháp luật của Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế.

Điều 59. Hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và đưa nạn nhân về nước

1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc giải cứu, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

2. Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa nạn nhân là người nước ngoài về nước mà người đó có quốc tịch hoặc có nơi thường trú cuối cùng; áp dụng các biện pháp để việc đưa nạn nhân về nước được tiến hành trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với các nước, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Điều 60. Tương trợ tư pháp trong phòng, chống mua bán người

Việc tương trợ tư pháp trong phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam và nước có liên quan được thực hiện trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước đó cùng là thành viên hoặc trên nguyên tắc có đi có lại, phù hợp với pháp luật của Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 61. Bổ sung, bãi bỏ một số khoản của Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14

1. Bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 như sau:

“6a. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.”.

2. Bãi bỏ điểm g khoản 7.

Điều 62. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

2. Luật Phòng, chống mua bán người số 66/2011/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 63 của Luật này.

Điều 63. Quy định chuyển tiếp

Người được xác định là nạn nhân trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và người dưới 18 tuổi đi cùng thì được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người số 66/2011/QH12.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2024.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

 

THE NATIONAL ASSEMBLY
OF VIETNAM
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

Law No. 53/2024/QH15

Hanoi, November 28, 2024

 

LAW

ON PREVENTION AND COMBAT OF HUMAN TRAFFICKING

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby promulgates the Law on prevention and combat of human trafficking.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for the prevention, detection, and handling of acts of human trafficking and other violations of regulations on prevention and combat of human trafficking; reception, verification, identification, support, and protection of victims and persons undergoing victim identification; state management and responsibilities of agencies, organizations, families, and individuals in preventing and combating human trafficking; and international cooperation in prevention and combat of human trafficking.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For the purposes of this Law, the terms below shall be construed as follows:

1. “Human trafficking” refers to acts of recruiting, transporting, harboring, transferring, or receiving persons for the purposes of obtaining money, property, other material benefits, sexual exploitation, forced labor, human organ harvesting, or other inhumane purposes by means of force, threats of force, deception, or other methods.

 Acts of recruiting, transporting, harboring, transferring, or receiving persons under 18 years of age for the purposes of obtaining money, property, other material benefits - except as otherwise provided for by law - sexual exploitation, forced labor, human organ harvesting, or other inhumane purposes are also deemed human trafficking, even in the absence of force, threats of force, deception, or other methods.

2. “Sexual exploitation” refers to coercing victims into prostitution, organizing prostitution involving victims, bringing victims to establishments engaging in prostitution, using victims as subjects for the production of books, newspapers, pictures, films, music, or other pornographic materials, forcing victims to perform obscene acts, or compelling victims, through dependency, to meet sexual demands.

3. “Forced labor” refers to the use of force, threats of force, or other methods to coerce victims into performing work against their will.

4. “Human organs” refer to parts of the human body composed of various types of tissues that perform specific physiological functions.

5. “Other inhumane purposes” include using victims for experiments; forcing victims to beg, marry against their will, bear children against their will, commit crimes, or subjecting them to other cruel purposes.

6. “Other methods” refer to exploiting marriage brokerage, job brokerage, overseas study consultancy, adoption, or overseas tourism to deceive victims; taking advantage of victims’ dependency, vulnerability, or distress; abusing positions or powers; kidnapping, intimidating, or poisoning victims; or inducing victims into a state of unconsciousness or inability to control their actions.

7. “Victim” refers to a person harmed by acts specified in Clause 1 of this Article and recognized by the competent authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. “Relatives” include spouses, biological parents, parents-in-law, adoptive parents, biological children, adoptive children; paternal grandparents, maternal grandparents, biological siblings; great-grandparents, uncles, aunts, and biological nieces or nephews.

Article 3. Prohibited acts

1. Human trafficking as specified in Clause 1, Article 2 of this Law.

2. Agreements to traffic persons while they are still in the womb.

3. Forcing, brokering, or inciting others to commit acts specified in Clauses 1 and 2 of this Article.

4. Threatening or retaliating against victims, persons undergoing victim identification, their relatives, witnesses, informants, reporters, whistleblowers, or those preventing the acts specified in this Article.

5. Colluding, covering up, assisting, obstructing, intervening, failing to handle, or improperly handling acts of human trafficking in violation of the law.

6. Exploiting activities to prevent and combat human trafficking for personal gain or engaging in illegal acts.

7. Obstructing the rescue, reception, verification, identification, protection, or support of victims and persons undergoing victim identification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. Insulting, stigmatizing, or discriminating against victims or persons undergoing victim identification.

10. Disclosing information about victims or persons undergoing victim identification without their consent or the consent of their legal representatives, except as otherwise provided by law.

11. Falsely claiming to be a victim.

12. Other acts that violate the provisions of this Law.

Article 4. Principles for preventing and combating human trafficking

1. Respect and protect the lawful rights and interests of victims and persons undergoing victim identification; place the victim or the person undergoing victim identification at the center; and ensure gender equality.

2. Implement comprehensive measures to prevent human trafficking; detect, prevent, and strictly, promptly, and accurately handle acts specified in Article 3 of this Law.

3. Rescue, receive, verify, identify, protect, and support victims and persons undergoing victim identification in a timely and accurate manner; keep information confidential and avoid insulting, stigmatizing, or discriminating against victims and persons undergoing victim identification.

4. Ensure that victims and persons undergoing victim identification can use a language they understand and are provided with support suitable to their beliefs, religion, age, gender, health conditions, and personal characteristics, within the framework of Vietnamese law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Promote the roles and responsibilities of agencies, organizations, businesses, communities, families, and individuals in preventing and combating human trafficking.

7. Strengthen international cooperation, inter-sectoral coordination, and proactive participation in international organizations, treaties, and agreements on preventing and combating human trafficking in compliance with the Constitution, Vietnamese law, and international laws and practices.

Article 5. State policies on prevention and combat of human trafficking

1. Preventing and combating human trafficking is a component of the national crime prevention strategy and is integrated with the implementation of other socio-economic development programs.

2. Encourage domestic and foreign agencies, organizations, and individuals to participate in, cooperate with, and sponsor activities for the prevention and combat of human trafficking, as well as support victims and persons undergoing victim identification. Domestic organizations and individuals are encouraged to establish victim support facilities in accordance with the law.

3. Prioritize the application of science, technology, and digital transformation in preventing and combating human trafficking; provide training and capacity-building support for personnel involved in this work.

4. Protect and support victims, persons undergoing victim identification, and agencies, organizations, businesses, and individuals engaged in human trafficking prevention and combat in accordance with the law.

5. Recognize and reward agencies, organizations, and individuals with achievements in preventing and combating human trafficking; ensure appropriate regimes and policies for those who suffer harm to life, health, or property while participating in these efforts, as prescribed by law.

6. Annually, the State allocates a budget for the prevention and combat of human trafficking, with priority given to ethnic minority areas, severely disadvantaged areas, and regions with complex human trafficking situations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Rights of victims and persons undergoing victim identification:

a) Request agencies, organizations, or competent individuals to take protective measures for themselves and their relatives in accordance with this Law when they are harmed, threatened with harm, or at risk of harm to their life, health, dignity, honor, property, or other lawful rights and interests related to human trafficking prevention and combat;

b) Receive information about their rights, lawful interests, and preventive measures against human trafficking;

c) Receive support under the provisions of this Law or refuse such support;

d) Have their personal information, private life, family secrets, residence, workplace, and other data protected as prescribed by law;

dd) Be issued documents or certificates by competent agencies or individuals confirming their status as victims;

e) Receive compensation for damages as provided by law;

g) Refuse the application of protective measures;

h) Exercise other rights as provided by relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Fully comply with the requirements of agencies, organizations, and competent individuals in the application of protective and supportive measures;

b) Provide information related to violations of human trafficking prevention and combat laws to agencies, organizations, or competent individuals;

c) Fulfill the requests of competent agencies or individuals in detecting, investigating, and handling human trafficking cases;

d) Perform other obligations as prescribed by relevant laws.

Chapter II

PREVENTION OF HUMAN TRAFFICKING

Article 7. Information dissemination, communication, and education on prevention and combat of human trafficking

1. Information dissemination, communication, and education on the prevention and combat of human trafficking aim to raise awareness and responsibility among agencies, organizations, businesses, communities, families, and individuals in preventing and combating human trafficking, fostering vigilance, and encouraging active participation in these efforts.

2. The content of information dissemination, communication, and education includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Purposes, methods, acts of human trafficking, and other prohibited acts as stipulated in this Law;

c) Skills for responding to suspected human trafficking cases;

d) Measures and experiences in preventing and combating human trafficking;

dd) Responsibilities of agencies, organizations, businesses, families, and individuals in preventing and combating human trafficking;

e) Combating insults, stigmatization, and discrimination against victims and persons undergoing victim identification;

g) Measures for protection and policies for supporting victims and persons undergoing victim identification; outcomes of handling human trafficking cases as prescribed by law;

h) Other relevant content related to preventing and combating human trafficking.

3. Information dissemination, communication, and education shall be conducted through the following methods:

a) Direct meetings and discussions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Using mass media and grassroots communication activities;

d) Incorporating extracurricular activities in educational and vocational training institutions;

dd) Conducting literary, artistic, community activities, and other cultural forms;

e) Utilizing telecommunications networks, the Internet, and computer networks;

g) Organizing conferences, seminars, training courses, and specialized talks; conducting direct dissemination and legal education;

h) Organizing competitions and communication campaigns;

i) Other appropriate methods.

4. Establish a network of grassroots communicators, actively involve socio-political organizations, and encourage victims to participate in information dissemination, communication, and education on the prevention and combat of human trafficking.

5. Information dissemination, communication, and education efforts should be enhanced for women, youth, children, students, persons with disabilities, workers in industrial zones, employees of casinos, karaoke businesses, nightclubs, massage services, and residents in border areas, islands, ethnic minority regions, disadvantaged areas, areas with many citizens marrying foreigners, working abroad, or regions with complex human trafficking situations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Individuals preparing to engage in labor, employment, marriage, adoption with foreign elements, or other services prone to exploitation for human trafficking purposes shall be counseled by the agencies and organizations stipulated in Articles 19, 20, and 21 of this Law on the following topics:

1. Legal knowledge on the prevention and combat of human trafficking;

2. Career orientation, employment, and safe migration; information about the purposes, methods, and acts of human trafficking; skills for handling situations as victims of trafficking; and guidance on appropriate behavior in suspected trafficking cases;

3. Information on the rights and obligations of victims and persons undergoing victim identification, along with guidance on how to exercise those rights and fulfill those obligations.

Article 9. Security and order management

Agencies and competent individuals responsible for security and order management shall undertake the following tasks:

1. Manage residence registration and immigration activities in the locality, monitoring population movements related to human trafficking activities;

2. Manage and supervise individuals previously convicted of human trafficking and others showing signs of engaging in human trafficking acts, as prescribed by law;

3. Effectively manage and utilize the national population database, identity card database, and other specialized databases; implement electronic identification and authentication; and utilize criminal record information for the prevention and combat of human trafficking;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Strictly manage telecommunications networks, the Internet, and computer networks to prevent human trafficking;

6. Manage the issuance of identity documents and travel documents; apply advanced science and technology in the issuance, distribution, and management of identity and travel documents to prevent human trafficking;

7. Coordinate with competent authorities in neighboring countries to patrol and inspect borders and border gates for the prevention and combat of human trafficking.

Article 10. Management of business and service activities

1. The following business and service activities must be managed and inspected to detect, prevent, and handle their exploitation for human trafficking purposes:

a) Karaoke, nightclub, and massage services; casino businesses; online gaming via telecommunications networks and the Internet; content information services on telecommunications networks and the Internet; employment services, labor subleasing, overseas study consultancy, sending Vietnamese workers abroad under contracts, recruiting foreigners to work in Vietnam; travel and accommodation services;

b) Support activities for marriage between Vietnamese citizens and foreigners, and adoption;

c) Other business and service activities prone to exploitation for human trafficking purposes.

2. Within their scope of duties and authority, ministries and ministerial-level agencies are responsible for guiding, managing, and inspecting the business and service activities specified in Clause 1 of this Article to prevent and combat human trafficking.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Agencies and individuals authorized in immigration management must proactively detect, prevent, and promptly handle acts of exploiting immigration activities, falsifying documents, or using other methods to commit human trafficking through their professional operations.

Article 12. Information exchange for managing immigration activities

Agencies responsible for preventing and combating human trafficking, immigration management, border defense forces, and coast guard forces are responsible for exchanging and providing information about individuals previously convicted of human trafficking and others showing signs of engaging in human trafficking acts.

Article 13. Integration of human trafficking prevention into socio-economic development programs

The Government, ministries, sectors, and localities shall integrate human trafficking prevention into programs on crime prevention, social evils prevention, vocational training, job creation, poverty reduction, gender equality, child protection, women's advancement, and other socio-economic development programs.

Article 14. Rights and responsibilities of individuals participating in human trafficking prevention

1. Participate in activities to prevent human trafficking.

2. Promptly report, inform, or denounce acts specified in Article 3 of this Law.

3. Be protected and have personal information kept confidential when participating in human trafficking prevention and victim support as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 15. Responsibilities of families in preventing human trafficking

1. Educate and remind family members to comply with laws on preventing and combating human trafficking; provide family members with information on the purposes, methods, and acts of human trafficking, as well as measures for prevention and combat.

2. Coordinate with educational and vocational training institutions, agencies, and organizations in preventing and combating human trafficking.

3. Care for and support family members who are victims to help them reintegrate into family and community life.

4. Encourage, support, and create conditions for family members who are victims or persons undergoing victim identification to cooperate with competent authorities in preventing and combating human trafficking.

Article 16. Responsibilities of educational and vocational training institutions in preventing human trafficking

1. Organize extracurricular communication and educational activities on the prevention and combat of human trafficking suitable for educational levels and training qualifications.

2. Facilitate opportunities for victims to pursue education, vocational training, employment counseling, and community reintegration.

3. Coordinate with agencies, organizations, and families to implement measures to prevent and combat human trafficking.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Organizations, businesses, and establishments engaged in business or services specified in Article 10 of this Law shall:

1. Commit to complying with laws on preventing and combating human trafficking;

2. Gather information on individuals receiving services and notify competent authorities upon request to prevent human trafficking;

3. Sign written employment contracts with employees and register employees with local labor management agencies to prevent human trafficking;

4. Fully comply with the requirements of competent authorities in inspections and audits related to the prevention and combat of human trafficking in their operations;

5. Cooperate and fulfill all requirements from competent authorities when screening for signs of trafficking among employees at their organization, business, or establishment;

6. Proactively prevent and promptly report to competent authorities any acts with signs of human trafficking.

Article 18. Responsibilities of press and media agencies in preventing human trafficking

1. Promptly and accurately disseminate, communicate, and promote policies and laws on preventing and combating human trafficking; report truthfully on the situation of human trafficking and related prevention efforts; and highlight exemplary practices and effective models in combating human trafficking.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 19. Responsibilities of the Vietnam Fatherland Front and its member organizations in preventing human trafficking

1. Conduct supervision and provide social feedback during the formulation and implementation of policies and laws on preventing and combating human trafficking in accordance with the law.

2. Disseminate information, mobilize the People, members, and affiliates to comply with laws on preventing and combating human trafficking and related legislation; encourage the People, members, and affiliates to actively detect, report, inform, denounce, and prevent prohibited acts as stipulated in this Law; and participate in establishing a network of communicators on human trafficking prevention at the grassroots level.

3. Propose necessary measures to competent state agencies to enforce laws on preventing and combating human trafficking and related legislation; participate in combating human trafficking and providing care, support, and protection for victims and persons undergoing victim identification.

4. Provide or participate in counseling on preventing human trafficking as stipulated in Article 8 of this Law.

5. Participate in vocational training, job creation, and other support activities to help victims reintegrate into the community.

6. Coordinate in preventing and combating human trafficking as prescribed by this Law.

Article 20. Responsibilities of the Vietnam Women’s Union in preventing human trafficking

1. Disseminate, educate, and mobilize women and children to enhance their awareness and compliance with laws on preventing and combating human trafficking.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Fulfill the responsibilities specified in Article 19 of this Law within the scope of its functions and duties.

Article 21. Responsibilities of the Ho Chi Minh Communist Youth Union in preventing human trafficking

1. Disseminate, educate, and mobilize youth and children to enhance their awareness and compliance with laws on preventing and combating human trafficking.

2. Participate in establishing a network of communicators on human trafficking prevention at the grassroots level.

3. Fulfill the responsibilities specified in Article 19 of this Law within the scope of its functions and duties.

Chapter III

DETECTION AND HANDLING OF VIOLATIONS OF LAWS ON PREVENTING AND COMBATING HUMAN TRAFFICKING

Article 22. Denunciations, reports, and recommendations for prosecution of violations

1. Individuals have the right and obligation to denounce, report, and inform about acts specified in Article 3 of this Law to the Public Security Forces, Border Defense Forces, Coast Guard Forces, People’s Committees of communes, wards, towns (hereinafter referred to as commune-level People’s Committees), competent agencies for handling denunciations, the national hotline for preventing and combating human trafficking, or any other agency or organization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Government shall regulate the national hotline for preventing and combating human trafficking to receive reports and denunciations of human trafficking acts.

Article 23. Detection of violations through inspection and examination activities

1. Agencies and organizations are responsible for regularly self-inspecting the performance of their functions and duties; if acts specified in Article 3 of this Law are detected, they must promptly address them within their authority or recommend handling in accordance with the law.

2. Competent agencies and organizations, through inspection and examination activities, shall proactively detect and promptly address acts specified in Article 3 of this Law within their authority or recommend handling in accordance with the law.

Article 24. Detection, prevention, and handling of violations through criminal prevention operations

Competent agencies, units, and individuals in the People’s Public Security and People’s Army assigned to prevent and combat human trafficking shall:

1. Take charge and coordinate with relevant agencies and units to apply operational measures as prescribed by law to promptly detect, prevent, and handle acts specified in Article 3 of this Law within their assigned areas;

2. Request agencies, organizations, and individuals to provide relevant information and documents as prescribed by law to support the detection, prevention, and handling of human trafficking acts;

3. Apply measures as prescribed by law to protect individuals specified in Article 34 of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 25. Handling reports, criminal information, and denunciations regarding human trafficking offenses

1. The handling of criminal reports, information, and recommendations for prosecuting human trafficking offenses shall be carried out in accordance with the provisions of criminal procedure law.

2. The handling of denunciations of violations of laws on preventing and combating human trafficking shall be carried out in accordance with the provisions of the law on denunciations.

Article 26. Handling violations

1. Individuals committing acts specified in Article 3 of this Law shall, depending on the nature and severity of the violation, be subject to administrative sanctions or criminal prosecution; if they are causing damage, they must provide compensation in accordance with the law.

2. Individuals abusing their positions or powers to tolerate, cover up, improperly handle, or fail to handle acts specified in Article 3 of this Law shall, depending on the nature and severity of the violation, be subject to disciplinary measures, administrative sanctions, or criminal prosecution; if causing damage, they must provide compensation in accordance with the law.

3. Individuals falsely claiming to be victims, in addition to being handled as prescribed by law, must also repay any support funds received.

Chapter IV

RECEPTION, VERIFICATION, IDENTIFICATION, AND PROTECTION OF VICTIMS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 27. Reception and verification of persons filing a report

1. Any person who has grounds to believe they are a victim, or a legal representative who has grounds to believe the person they represent is a victim, may report the trafficking to the commune-level People’s Committee, Public Security forces, Border Defense forces, Coast Guard forces, or the nearest agency or organization. Public Security forces, Border Defense forces, Coast Guard forces, and other agencies receiving the report are responsible for immediately bringing the individual to the commune-level People’s Committee where the agency or organization is headquartered. The commune-level People’s Committee must promptly notify the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency. Where necessary, the receiving commune-level People’s Committee shall provide support as prescribed in Chapter V of this Law.

2. Upon receiving a notification from the commune-level People’s Committee, the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency shall immediately proceed with the reception and support process and, within three days at the latest, coordinate with the district-level Public Security forces to conduct preliminary information verification.

If no documents or materials specified in Clause 1, Article 33 of this Law are available after the initial verification, the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency shall request the district-level Public Security forces to verify the victim’s status.

3. Within 20 days from the date of receiving a request from the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency, the district-level Public Security forces are responsible for verifying the victim’s status and providing a written response to the requesting agency.

For complex cases, the verification period shall not exceed two months; if the victim cannot be identified within this time, the period may be extended, but the total verification period shall not exceed four months.

4. Immediately after obtaining the verification results or upon the expiration of the deadlines specified in Clause 3 of this Article, the district-level Public Security forces must issue one of the documents specified in Point a, Clause 1, Article 33 of this Law.

5. After reception, the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency shall provide support to the victim or the person undergoing victim identification as prescribed in Chapter V of this Law. If the individual wishes to return to their place of residence, travel expenses shall be provided. If they require health or psychological care or their place of residence has not been determined and they wish to stay, the agency shall transfer them to a social assistance facility or a victim support facility.

For victims or persons undergoing victim identification who are children, the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency must notify relatives to receive them or arrange for them to be escorted to the residence of their relatives. If the child has no shelter or there are grounds to believe they may face danger upon returning to their relatives, they shall be transferred to a social assistance facility or a victim support facility.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 28. Reception and verification of rescued victims

1. Competent agencies, units, or individuals in the People’s Public Security and People’s Army who rescue victims must provide first aid and emergency care if they sustain injuries or health damage, support their essential needs, arrange interpretation services, and promptly transfer them to the nearest district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency where they were rescued.

The rescue agency is responsible for verifying and issuing confirmation letters as specified in Point a, Clause 1, Article 33 of this Law for the rescued individual. If there are insufficient grounds to identify the person as a victim, the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency, after receiving the individual, shall request the district-level Public Security forces to verify the victim’s status. The verification period and the issuance of confirmation letters shall follow the provisions of Clauses 3 and 4, Article 27 of this Law.

2. After receiving the individual, the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency shall provide support for the rescued person as stipulated in Clause 5, Article 27, and Chapter V of this Law.

3. The Government shall provide detailed regulations on this Article.

Article 29. Rescue, reception, and verification of victims abroad

1. Vietnamese diplomatic missions, consular missions, or other agencies authorized to perform consular functions abroad (hereinafter referred to as Vietnamese overseas representative missions), upon receiving information or documents about a victim provided by competent foreign authorities, international organizations, competent Vietnamese authorities, self-reported victims, or individuals reporting the incident, shall perform the following tasks:

a) If the individual has not been rescued, notify the competent authority of the host country immediately to coordinate in checking, verifying, and rescuing the victim;

b) If the individual has self-reported as a victim or has already been rescued, coordinate with the competent authority of the host country and competent Vietnamese authorities in verifying information, collecting related documents, providing support as stipulated in Chapter V of this Law, and issuing one of the documents specified in Clause 1, Article 33 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. If there are insufficient grounds to issue one of the documents specified in Clause 1, Article 33 of this Law, the Vietnamese overseas representative mission shall implement citizen protection measures as prescribed by law and request the competent domestic authority to verify and issue one of the documents specified in Point a, Clause 1, Article 33 of this Law. The verification period shall follow the provisions of Clause 3, Article 27 of this Law.

4. Where international agreements provide for direct information exchange and cooperation on preventing and combating human trafficking between competent foreign authorities, international organizations, and Vietnamese authorities, such agreements shall be implemented.

5. The Government shall provide detailed regulations on this Article.

Article 30. Reception and verification of victims returning from abroad

1. The reception, verification, and support for victims returning from abroad through Vietnamese overseas representative missions shall be carried out as follows:

a) Vietnamese overseas representative missions shall receive and handle information and documents regarding the victim, coordinate with the competent authority of the Ministry of Public Security to verify the victim’s identity, issue necessary documents, and complete procedures for their return to Vietnam;

b) Competent authorities of the Ministry of Public Security and Ministry of National Defense shall receive the victim, conduct verification, and issue one of the documents or materials confirming victim status as requested by the Vietnamese overseas representative mission under Clause 3, Article 29 of this Law. They shall also provide essential needs support, interpretation services, and medical assistance if necessary, and promptly transfer the victim to the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency where they are received for support as prescribed in Chapter V of this Law.

If the victim wishes to return to their place of residence, travel expenses shall be provided. If they require health or psychological care or their residence is not identified but they wish to stay, they shall be transferred to a social assistance facility or a victim support facility.

For child victims, the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency shall notify their relatives to receive them or arrange for their transfer to the relatives' residence. If the child has no shelter or there are grounds to believe returning to relatives poses a risk, the child shall be transferred to a social assistance facility or a victim support facility.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Competent authorities receiving the individuals shall verify their status within the timeframe specified in Clause 3, Article 27 of this Law, issue the necessary documents under Clause 1, Article 33 of this Law, provide essential needs support, medical assistance, and interpretation services if necessary, and promptly transfer them to the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency for support under Chapter V of this Law.

3. The Government shall provide detailed regulations on this Article.

Article 31. Reception, verification, rescue, and repatriation of foreign victims trafficked in Vietnam

1. Upon receiving information or documents about a foreign national trafficked in Vietnam, provided by competent foreign authorities, international organizations, domestic agencies, organizations, or individuals reporting the case, the receiving agency or organization must immediately notify the province-level Public Security forces where the foreign national is located to conduct verification and rescue.

If foreign nationals showing signs of trafficking are identified through professional operations, or if a foreign national self-reports as a victim, competent authorities in the People’s Public Security and People’s Army shall conduct rescue and verification.

Once there is sufficient evidence confirming the individual as a victim, the rescue or receiving agency shall issue a confirmation letter under Clause 1, Article 33 of this Law before transferring the victim.

2. After receiving or rescuing a foreign victim, the competent authority specified in Clause 1 of this Article shall provide first aid and emergency care if the victim is injured or has health issues, meet their essential needs, arrange interpretation services, and transfer the individual to the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency where the receiving agency is located or where the victim was rescued.

3. Upon receiving the foreign victim, the district-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency shall provide support as prescribed in Chapter V of this Law and notify the province-level foreign affairs agency and the Immigration Management Division of the province-level Public Security forces to arrange for the victim’s repatriation to their country of citizenship or habitual residence.

4. Upon receiving a diplomatic note from a foreign representative mission in Vietnam agreeing to the repatriation of a victim who is their citizen or habitual resident, along with valid exit and entry documents issued to the victim, the Ministry of Foreign Affairs shall coordinate with the foreign counterpart on repatriation arrangements and notify the Ministry of Public Security in writing, transferring the necessary exit and entry documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. The province-level specialized labor, war invalids, and social affairs agency managing the victim shall instruct social assistance or victim support facilities to escort the victim to the border gate and coordinate with relevant agencies to complete the repatriation process.

7. The Government shall provide detailed regulations on this Article.

Section 2. GROUNDS FOR VICTIM IDENTIFICATION; DOCUMENTS AND MATERIALS FOR VICTIM CONFIRMATION

Article 32. Grounds for victim identification

1. Victim identification shall be based on the following documents and evidence:

a) Documents and evidence provided by procedural authorities;

b) Information and documents provided by victim rescue agencies;

c) Information and documents provided by Vietnamese overseas representative missions;

d) Information and documents provided by domestic agencies or organizations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e) Statements and documents provided by individuals undergoing victim identification or their relatives;

g) Statements and documents provided by individuals involved in human trafficking acts;

h) Statements and documents provided by other victims or individuals aware of the case;

i) Other lawful documents and evidence.

2. In cases where competent authorities, based on Clause 1 of this Article, are unable to confirm whether an individual is a victim, they shall consider the following indicators after verifying the individual’s identity, duration of absence from their residence, and reasons for absence consistent with their statement of being trafficked:

a) The individual was discovered or rescued alongside other victims;

b) The individual cohabitated with victims at locations where traffickers detained or managed them and was treated similarly to these victims;

c) The individual exhibits signs of sexual exploitation, forced labor, organ harvesting, cruel treatment, injuries, fear, panic, depression, or poor health as confirmed by competent medical authorities, or was subjected to inhumane acts as specified in Clause 5, Article 2 of this Law;

d) Relatives reported the individual as missing during their absence from their residence;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 33. Documents and materials for victim confirmation and authority to issue such documents

1. Documents and materials confirming victim status include:

a) A victim confirmation letter or a non-victim confirmation letter;

b) Documents or materials proving the individual is a victim, issued by foreign authorities and legalized by Vietnamese overseas representative missions or the Ministry of Foreign Affairs.

2. Authorities competent to issue victim confirmation letters specified in Clause 1 of this Article include:

a) District-level Public Security forces as specified in Clause 4, Article 27, and Clause 1, Article 28 of this Law;

b) Rescue and reception agencies as specified in Articles 28 through 31 of this Law;

c) Investigation agencies, agencies assigned to conduct certain investigative activities, People’s Procuracies, and People’s Courts;

d) Vietnamese overseas representative missions as specified in Clause 1, Article 29 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 3. PROTECTION OF VICTIMS, PERSONS UNDERGOING VICTIM IDENTIFICATION, AND THEIR RELATIVES

Article 34. Conditions and entities eligible for protection

The following individuals, if harmed, threatened with harm, or at risk of harm to their life, health, dignity, honor, property, or other lawful rights and interests due to their involvement in a human trafficking case or incident, shall, depending on the circumstances, be subject to protective measures specified in Article 35 of this Law:

1. Victims, persons undergoing victim identification, and individuals under 18 years of age accompanying them;

2. Relatives of victims and persons undergoing victim identification;

3. Individuals participating in human trafficking prevention or supporting victims.

Article 35. Protective measures and authority for their application

1. If the entities specified in Article 34 of this Law are whistleblowers, they shall be protected under the provisions of the law on denunciation.

2. If the entities specified in Article 34 of this Law are participants in criminal proceedings, they shall be protected under the provisions of the law on criminal procedure.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Arrangement of temporary shelters if they are at risk of harm to their life or health;

b) Preventive measures to deter and address acts of harm or threats of harm to their life, health, dignity, honor, property, or other lawful rights and interests, as prescribed by law.

4. Individuals who are protected but refuse or fail to fully comply with protective measures applied by competent authorities, agencies, or organizations shall bear responsibility for their own safety and that of their relatives.

If the refusal of protective measures is due to threats or coercion, competent authorities, agencies, or organizations shall still enforce the protective measures.

5. Competent agencies, units, and individuals in the People’s Public Security, People’s Army, and other authorized entities shall apply protective measures in accordance with the law.

6. The Government shall provide detailed regulations on Clauses 3, 4, and 5 of this Article.

Article 36. Confidentiality of information about victims, persons undergoing victim identification, and accompanying individuals under 18 years of age

1. Agencies, organizations, and individuals are responsible for maintaining the confidentiality of victims' residences, workplaces, schools, private lives, personal secrets, and family secrets, as well as those of persons undergoing victim identification and individuals under 18 years of age accompanying them, unless otherwise stipulated by law.

2. Courts shall consider and decide on holding closed trials for human trafficking cases at the request of the victim or their legal representative in accordance with the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



SUPPORT FOR VICTIMS AND PERSONS UNDERGOING VICTIM IDENTIFICATION

Article 37. Eligible entities and support regimes

1. Victims who are Vietnamese citizens or stateless persons permanently residing in Vietnam are entitled to the following support regimes:

a) Support for essential needs;

b) Medical support;

c) Interpretation support;

d) Legal support;

dd) Legal aid;

e) Travel cost support;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



h) Educational support;

i) Vocational training, counseling, and facilitation for employment;

k) Initial hardship allowance and loan assistance.

2. Individuals under 18 years of age accompanying victims who are Vietnamese citizens or stateless persons permanently residing in Vietnam are entitled to the support regimes specified in Points a through h, Clause 1 of this Article.

3. Persons undergoing victim identification who are Vietnamese citizens and accompanying individuals under 18 years of age abroad are entitled to the support regimes specified in Points a through d, Clause 1 of this Article.

Persons undergoing victim identification who are Vietnamese citizens, stateless persons permanently residing in Vietnam, and accompanying individuals under 18 years of age within the country are entitled to the support regimes specified in Points a through g, Clause 1 of this Article.

4. Foreign victims and persons undergoing victim identification who have been trafficked in Vietnam may, depending on the circumstances, receive support as specified in Points a, b, c, d, dd, and g, Clause 1 of this Article.

5. The Government shall provide detailed regulations on this Article.

Article 38. Support for essential needs

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 39. Medical support

1. Victims, persons undergoing victim identification, and accompanying individuals under 18 years of age shall receive health checkups upon reception, as well as first aid and emergency care if they sustain injuries or health damage. If they require health recovery care during their stay at social assistance or victim support facilities, they shall be supported with the costs of medical examination and treatment.

2. Victims without health insurance shall be provided support to pay for health insurance during the first year following their confirmation as victims by competent authorities.

Article 40. Interpretation support

1. Persons undergoing victim identification and individuals under 18 years of age accompanying them who do not speak or understand Vietnamese shall be provided with interpretation cost support during the victim identification process.

2. Victims and individuals under 18 years of age accompanying them who do not speak or understand Vietnamese shall be provided with interpretation cost support during their stay at social assistance facilities or victim support facilities.

Article 41. Legal support and legal aid

1. Victims, persons undergoing victim identification, and individuals under 18 years of age accompanying them shall receive legal support through counseling to prevent re-trafficking, guidance on residence registration, civil status procedures, ID card issuance, and access to support schemes.

2. Victims, persons undergoing victim identification, and individuals under 18 years of age accompanying them shall receive legal aid in accordance with the law on legal aid for matters related to human trafficking cases or incidents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Victims, persons undergoing victim identification, and individuals under 18 years of age accompanying them who wish to return to their place of residence shall be provided with support for domestic travel costs, including transportation and meal expenses during transit.

Article 43. Psychological support

Victims, persons undergoing victim identification, and individuals under 18 years of age accompanying them shall receive psychological support for up to three months to help stabilize their mental state.

Article 44. Support for education, vocational training, counseling, and employment facilitation

1. Victims under 18 years of age and individuals under 18 years of age accompanying victims who continue their education shall be supported with tuition fees, the cost of textbooks, and school supplies for the first academic year and the subsequent year after being officially identified as victims by competent authorities.

2. Victims returning to their place of residence may be considered for vocational training, counseling, and assistance in obtaining stable employment to support their reintegration.

Article 45. Initial hardship allowance and loan assistance

1. Victims returning to their place of residence shall receive a one-time initial hardship allowance.

2. Victims returning to their place of residence who need loans for production or business purposes may be considered for concessional loans from the Social Policy Bank under preferential credit policies in accordance with the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Vietnamese overseas representative missions shall provide support for essential needs, interpretation, medical assistance, and legal support in accordance with this Law and relevant laws.

2. Public Security forces, Border Defense forces, and Coast Guard forces shall provide support for essential needs, interpretation, and medical assistance during rescue and reception operations.

3. Commune-level People’s Committees shall provide support for essential needs, medical assistance, and legal support during reception processes.

4. District-level specialized labor, war invalids, and social affairs agencies shall provide support for travel costs, interpretation, medical assistance, psychological support, education, vocational training, counseling, employment facilitation, initial hardship allowances, and loan assistance.

5. Social assistance facilities and victim support facilities shall provide support for essential needs, psychological support, medical assistance, interpretation, education, vocational training, and employment counseling during the victim’s stay.

6. State legal aid centers and legal aid organizations shall provide legal aid.

7. The Government shall provide detailed regulations on this Article.

Article 47. Social assistance facilities and victim support facilities

1. Public social assistance facilities shall perform the following tasks in supporting victims, persons undergoing victim identification, and accompanying individuals under 18 years of age:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Provide support as specified in Clause 5, Article 46 of this Law;

c) Offer life skills education;

d) Assess victims' ability to reintegrate into the community and provide information on support policies and schemes for victims in the community;

dd) Provide necessary information to competent authorities to combat human trafficking;

e) Coordinate with competent authorities in verifying victim status;

g) Coordinate with legal aid centers to provide legal aid.

2. Victim support facilities established by Vietnamese organizations or individuals shall perform the tasks specified in Clause 1 of this Article in accordance with their establishment license. Such establishments shall not use the State budget for their operations.

3. Other social assistance facilities established by Vietnamese organizations or individuals that do not use the State budget may participate in supporting victims, persons undergoing victim identification, and accompanying individuals under 18 years of age as specified in Clause 1 of this Article and shall operate under their activity license.

4. The Government shall provide detailed regulations on Clauses 2 and 3 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



STATE MANAGEMENT OF HUMAN TRAFFICKING PREVENTION AND COMBAT

Article 48. Contents of state management in human trafficking prevention and combat

1. Promulgating and organizing the implementation of policies and laws on human trafficking prevention and combat.

2. Informing, propagating, disseminating, and educating the public on laws regarding human trafficking prevention and combat.

3. Conducting statistical and reporting activities on human trafficking prevention and combat.

4. Training and fostering personnel engaged in human trafficking prevention and combat.

5. Conducting scientific research and international cooperation on human trafficking prevention and combat.

6. Commending agencies, organizations, and individuals with outstanding achievements in human trafficking prevention and combat.

7. Inspecting, examining, handling complaints and denunciations, and addressing legal violations related to human trafficking prevention and combat.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Government shall uniformly manage state efforts in human trafficking prevention and combat.

2. The Ministry of Public Security is responsible for assisting the Government in implementing state management over human trafficking prevention and combat.

3. Ministries and ministerial-level agencies, within their respective functions and authority, shall coordinate with the Ministry of Public Security to implement state management in human trafficking prevention and combat and perform tasks and responsibilities prescribed by this Law and other relevant laws.

4. People’s Committees at all levels, within their respective functions and authority, shall manage efforts to prevent and combat human trafficking in their localities and perform tasks and responsibilities prescribed by this Law.

Article 50. Responsibilities of the Ministry of Public Security

1. In performing state management of human trafficking prevention and combat, the Ministry of Public Security shall:

a) Issue or propose to competent authorities policies and laws on human trafficking prevention and combat;

b) Advise the Government on signing, acceding to, or implementing international treaties and cooperation activities related to human trafficking prevention and combat;

c) Inform, propagate, disseminate, and educate the public on laws regarding human trafficking prevention and combat;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



dd) Lead and collaborate with relevant agencies and organizations to develop and implement training and capacity-building programs; summarize practical experiences, replicate effective models, and commend individuals and organizations with achievements in combating human trafficking;

e) Inspect and examine activities related to human trafficking prevention and combat;

g) Conduct international cooperation in human trafficking prevention and combat within its jurisdiction;

h) Compile statistical reports on human trafficking prevention and combat and assist the Government in preparing reports for submission to the National Assembly as part of the Government’s annual report on crime prevention and legal compliance.

2. In the area of combating human trafficking, the Ministry of Public Security shall:

a) Organize and deploy forces to directly carry out or coordinate tasks related to combating human trafficking;

b) Manage public order and security to prevent human trafficking;

c) Direct police forces at all levels to perform their tasks and responsibilities related to human trafficking prevention and combat as prescribed by this Law;

d) Promote public participation in preventing, detecting, and combating human trafficking while ensuring security, order, and social safety;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 51. Responsibilities of the Ministry of National Defense

1. Coordinate with relevant ministries, sectors, and People’s Committees at all levels to organize public awareness campaigns in border areas, at sea, on islands, and at border checkpoints under its jurisdiction to encourage public participation in human trafficking prevention and combat in accordance with the law.

2. Direct the Border Defense forces and Coast Guard forces to carry out tasks related to human trafficking prevention and combat in border areas, at sea, on islands, and at border checkpoints under their jurisdiction as prescribed by law; receive, support, and protect victims and persons undergoing victim identification in accordance with this Law.

3. Ensure security and public order in border areas, at sea, on islands, and at border checkpoints under its jurisdiction to prevent human trafficking.

4. Conduct international cooperation in human trafficking prevention and combat within its jurisdiction.

Article 52. Responsibilities of the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs

1. Issue or propose to competent authorities legal normative documents on policies to support victims and persons undergoing victim identification.

2. Guide, manage, inspect, and examine employment service activities, labor leasing, sending Vietnamese workers abroad under contracts, and recruiting foreign workers in Vietnam to prevent these activities from being exploited for human trafficking; provide guidance on screening for signs of trafficking among workers.

3. Guide, manage, inspect, and examine activities supporting victims and persons undergoing victim identification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Coordinate with the Ministry of Health and the Ministry of Education and Training to direct medical, psychological, and educational support for victims.

6. Conduct international cooperation in human trafficking prevention and combat within its jurisdiction.

Article 53. Responsibilities of the Ministry of Health

1. Lead and coordinate with the Ministry of Finance to develop and propose legal normative documents on policies for medical support and health insurance coverage as prescribed in Article 39 of this Law.

2. Direct and guide healthcare facilities to collaborate with social assistance facilities and victim support facilities in providing medical support to victims and persons undergoing victim identification.

3. Provide guidance on medical treatment and psychological support for victims.

4. Lead and coordinate with the Ministry of Public Security in guiding healthcare facilities to identify, report, and provide information on cases involving signs of human trafficking, organ trafficking, or agreements to traffic humans from the fetal stage.

Article 54. Responsibilities of the Ministry of Foreign Affairs

1. Direct and guide competent units and Vietnamese overseas representative missions to implement human trafficking prevention and combat activities, and carry out the protection of victims and persons undergoing victim identification who have been trafficked abroad and are Vietnamese citizens. Coordinate with competent Vietnamese and foreign authorities in rescuing, receiving, identifying, and repatriating victims and persons undergoing victim identification who are Vietnamese citizens.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Provide direction on researching solutions for human trafficking prevention and combat in the development of policies on international migration within its authority.

4. Conduct international cooperation in human trafficking prevention and combat within its jurisdiction.

Article 55. Responsibilities of the Ministry of Justice

1. Coordinate with the Ministry of Public Security and other relevant agencies in developing, improving, and monitoring the implementation of laws on human trafficking prevention and combat.

2. Guide, manage, inspect, and examine activities involving marriage registration with foreign elements and the registration of adoption to prevent these activities from being exploited for human trafficking.

3. Manage and guide state legal aid centers and other legal aid organizations in providing legal aid to victims and persons undergoing victim identification in accordance with the law on legal aid.

 4. Conduct international cooperation in human trafficking prevention and combat within its jurisdiction.

Article 56. Responsibilities of the People’s Committees at all levels

1. Within their functions and authority, People’s Committees at all levels are responsible for:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Integrating human trafficking prevention and combat into socio-economic development programs;

c) Organizing and implementing activities for human trafficking prevention and combat;

d) Allocating budgets for human trafficking prevention and combat efforts;

dd) Promptly and strictly handling violations of laws on human trafficking prevention and combat;

e) Organizing the management of security and order to prevent human trafficking;

g) Issuing licenses for the establishment of victim support facilities and for the operation of other social assistance facilities involved in support activities.

2. In addition to fulfilling the responsibilities specified in Clause 1 of this Article, commune-level People’s Committees shall:

a) Lead and coordinate with the Vietnam Fatherland Front at the same level and its member organizations to organize and facilitate advisory activities on human trafficking prevention and combat at the grassroots level;

b) Receive and provide support to victims, persons undergoing victim identification, and individuals under 18 years of age accompanying them as prescribed by this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Government shall provide detailed regulations on Point g, Clause 1 of this Article.

Chapter VII

INTERNATIONAL COOPERATION IN HUMAN TRAFFICKING PREVENTION AND COMBAT

Article 57. Principles of international cooperation in human trafficking prevention and combat

The State of Vietnam conducts international cooperation in human trafficking prevention and combat based on the principles of respecting independence, sovereignty, and territorial integrity; non-interference in each other's internal affairs; equality; and mutual benefit.

Article 58. Implementation of international cooperation in human trafficking prevention and combat

1. Based on international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a party, this Law, relevant laws, and signed international agreements, competent Vietnamese authorities shall cooperate with competent foreign authorities, international organizations, foreign organizations, and individuals to enhance legal, informational, technological, and training capacities for human trafficking prevention and combat.

2. Coordination between Vietnamese and foreign competent authorities in handling human trafficking cases shall be carried out in accordance with international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a party.

If Vietnam and the related country are not parties to the same international treaty, competent Vietnamese authorities shall engage in international cooperation on the basis of reciprocity, in compliance with Vietnamese law, foreign law, and international practices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Competent Vietnamese authorities shall cooperate with foreign competent authorities in rescuing, supporting, and protecting victims and persons undergoing victim identification.

2. The State of Vietnam shall facilitate the repatriation of foreign victims to their country of nationality or last habitual residence, ensuring their safety, dignity, and well-being. This process shall be carried out under international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a party, this Law, relevant laws, and international agreements between Vietnam and other countries.

Article 60. Mutual legal assistance in human trafficking prevention and combat

Mutual legal assistance in human trafficking prevention and combat between Vietnam and related countries shall be conducted under international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam and the related country are parties or based on reciprocity, in compliance with Vietnamese law, foreign law, and international practices.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION

Article 61. Amendments and annulments to certain provisions of Article 7 of the Law on Legal Aid No. 11/2017/QH14

1. Add Clause 6a immediately following Clause 6 as follows:

“6a. Victims, persons undergoing victim identification of human trafficking acts, and individuals under 18 years of age accompanying them as prescribed by the Law on Human Trafficking Prevention and Combat.”

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 62. Entry into force  

1. This Law comes into force as of July 1, 2025.

2. The Law on Human Trafficking Prevention and Combat No. 66/2011/QH12 ceases to be effective as of the date this Law takes effect, except as specified in Article 63 of this Law.

Article 63. Transitional provisions

Persons identified as victims before the effective date of this Law and individuals under 18 years of age accompanying them shall be entitled to support schemes as prescribed by the Law on Human Trafficking Prevention and Combat No. 66/2011/QH12.

This Law was passed by the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam, 15th Legislature, at its 8th session, on November 28, 2024.

 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Tran Thanh Man

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Law No. 53/2024/QH15 dated November 28, 2024 on prevention and combat of human trafficking
Official number: 53/2024/QH15 Legislation Type: Law
Organization: The National Assembly Signer: Tran Thanh Man
Issued Date: 28/11/2024 Effective Date: Premium
Gazette dated: Updating Gazette number: Updating
Effect: Premium

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Law No. 53/2024/QH15 dated November 28, 2024 on prevention and combat of human trafficking

Address: 17 Nguyen Gia Thieu street, Ward Vo Thi Sau, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Phone: (+84)28 3930 3279 (06 lines)
Email: inf[email protected]

Copyright© 2019 by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu

DMCA.com Protection Status