NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 34/2019/TT-NHNN
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2019
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VỀ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI ĐỐI VỚI NGUỒN VỐN NGOẠI TỆ CỦA CHƯƠNG
TRÌNH, DỰ ÁN TÀI CHÍNH VI MÔ CỦA TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ
CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng
ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005; Pháp lệnh sửa
đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối
ngày 18 tháng 3 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2014 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số
điều của Pháp lệnh Ngoại hối;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg
ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về
hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản
lý Ngoại hối;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối
đối với nguồn vốn ngoại tệ của chương trình, dự án
tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
phi chính phủ.
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về quản lý
ngoại hối đối với các nguồn vốn ngoại tệ của chương trình,
dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức phi chính phủ.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị
- xã hội, tổ chức phi chính phủ thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô.
2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến
hoạt động huy động vốn bằng ngoại tệ của chương trình, dự án tài chính vi mô
của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.
Điều 3. Nguyên
tắc chung
1. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị
- xã hội, tổ chức phi chính phủ chỉ được huy động vốn bằng ngoại tệ dưới hình
thức tiếp nhận tài trợ, viện trợ không hoàn lại từ tổ chức, cá nhân là người không
cư trú để thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô.
2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị
- xã hội, tổ chức phi chính phủ có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp
luật chuyên ngành về tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn tài trợ, viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức, cá nhân là người
không cư trú; quy định về quản lý ngoại hối đối với nguồn vốn ngoại tệ quy định
tại Thông tư này và pháp luật có liên quan khi tiếp nhận, sử dụng nguồn tài trợ, viện trợ bằng ngoại tệ để thực hiện
chương trình, dự án tài chính vi mô.
3. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị
- xã hội, tổ chức phi chính phủ không được huy động vốn bằng ngoại tệ để thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô ngoài hình
thức quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 4. Tiếp nhận
tài trợ, viện trợ không hoàn lại bằng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân là người không
cư trú để thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô
Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ sử dụng tài khoản thanh toán bằng
ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối
(sau đây gọi là ngân hàng được phép) để nhận chuyển khoản bằng ngoại tệ nguồn tài trợ, viện trợ không hoàn lại từ tổ chức, cá nhân
là người không cư trú để thực hiện chương trình, dự án tài chính vi mô như sau:
1. Trường hợp
tiếp nhận tài trợ, viện trợ không hoàn lại bằng ngoại tệ thông qua tài khoản
thanh toán bằng ngoại tệ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức phi chính phủ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về
mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ của người cư trú là tổ chức.
Việc tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ bán ngoại tệ trên tài khoản thanh toán bằng
ngoại tệ cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng
phi ngân hàng được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi là
tổ chức tín dụng được phép) thực hiện theo các quy định của pháp luật về mua,
bán ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng được phép và khách hàng.
2. Trường hợp
tiếp nhận tài trợ, viện trợ không hoàn lại bằng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân là
người không cư trú thông qua tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam, tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ bán ngoại tệ cho
ngân hàng được phép.
Điều 5. Trách
nhiệm xuất trình chứng từ
Khi tiếp nhận tài trợ, viện trợ không
hoàn lại bằng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân là người không cư trú, tổ chức chính
trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ có trách nhiệm xuất trình
các giấy tờ, chứng từ chứng minh nguồn tiền là tiền tài trợ, viện trợ không
hoàn lại từ tổ chức, cá nhân là người không cư trú, các
giấy tờ khác theo quy định của ngân hàng được phép và chịu trách nhiệm trước
pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho ngân hàng được phép.
Điều 6. Trách
nhiệm của tổ chức tín dụng được phép
Khi cung ứng dịch vụ ngoại hối cho các
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ (bao gồm tiếp
nhận và mua lại ngoại tệ từ nguồn tài trợ, viện trợ không hoàn lại của tổ chức,
cá nhân là người không cư trú), tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem
xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực
tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích
và phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 7. Điều
khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ
ngày 14 tháng 02 năm 2020.
2. Đối với các thỏa thuận huy động
vốn bằng ngoại tệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
phi chính phủ để thực hiện chương trình dự án tài chính vi mô đã được ký kết
trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ tiếp tục thực hiện phù hợp với quy định của
pháp luật tại thời điểm ký kết. Việc sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận sau ngày
Thông tư này có hiệu lực thi hành phải phù hợp với quy định tại Thông tư này và
các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 8. Tổ chức thực
hiện
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý
ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân
hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản
trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức phi chính phủ thực hiện chương trình dự án tài chính vi mô
chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 8;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Lưu VP, Vụ PC, QLNH4.
|
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Nguyễn Thị Hồng
|