NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 16/2016/TT-NHNN
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 06
năm 2016
|
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 34/2013/TT-NHNN NGÀY 31 THÁNG
12 NĂM 2013 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC QUY ĐỊNH VỀ PHÁT HÀNH KỲ PHIẾU,
TÍN PHIẾU, CHỨNG CHỈ TIỀN GỬI, TRÁI PHIẾU TRONG NƯỚC CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI
NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12
ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật chứng khoán số
70/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật chứng khoán số 62/2010/QH12
ngày 24 tháng 11 năm 2010 (sau đây gọi là Luật chứng
khoán);
Căn cứ Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 90/2011/NĐ-CP
ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi
Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật chứng
khoán và Luật sửa đổi,
bổ sung một số Điều của Luật chứng khoán (đã được sửa
đổi bổ sung bởi Nghị định số
60/2015/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ) (sau đây gọi là Nghị định số 58/2012/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban
hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của
Thông tư số 34/2013/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ
tiền gửi, trái phiếu
trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài (sau đây gọi là Thông tư số 34/2013/TT-NHNN).
Điều 1. Sửa đổi,
bổ sung một số Điều của Thông tư số 34/2013/TT-NHNN:
1. Sửa đổi, bổ
sung Khoản 5 Điều 16 như sau:
“5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện
mua lại trái phiếu do chính mình phát hành khi có phương
án mua lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chào bán trái phiếu ra công
chúng, tổ chức tín dụng do nhà nước sở hữu trên 50% vốn Điều lệ phát hành trái
phiếu riêng lẻ, phương án mua lại phải được Ngân hàng
Nhà nước chấp thuận tại văn bản chấp thuận phương án phát hành
trái phiếu của năm tài chính.”.
2. Sửa đổi, bổ
sung Điều 20 như sau:
“Điều 20. Nguyên tắc phát hành
trái phiếu
1. Việc phát hành trái phiếu của tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ
quy định tại Thông tư này và các văn bản có liên quan.
2. Việc chào bán trái phiếu ra công
chúng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ
các Điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 12
Luật chứng khoán, Điều 15, Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP.
3. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ
của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các Điều kiện quy định tại
Điều 13 Nghị định số 90/2011/NĐ-CP
ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Chính
phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Riêng Điều kiện
về đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn và các hạn chế khác về đảm bảo an toàn trong
hoạt động, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tuân thủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
4. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ
của tổ chức tín dụng do nhà nước sở hữu trên 50% vốn Điều
lệ và chào bán trái phiếu ra công chúng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ngân
hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu.
Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận
phương án phát hành trái phiếu quy định tại Khoản này một lần trong một năm tài
chính.”.
3. Sửa đổi, bổ
sung Khoản 2 Điều 21 như sau:
“2. Cấp có thẩm quyền phê duyệt
phương án phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:
a) Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng
quản trị, hoặc Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng phê duyệt phương án
phát hành trái phiếu căn cứ vào mô hình tổ chức của tổ chức tín dụng và quy định
tại Điều lệ tổ chức tín dụng; Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc phê duyệt phương án phát hành trái phiếu của chi nhánh
ngân hàng nước ngoài;
b) Trường hợp phát hành trái phiếu
chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của tổ chức tín dụng
được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, phương án phát hành trái phiếu phải
được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:
“Điều 22. Hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận
phương án phát hành trái phiếu của năm tài chính của tổ chức tín dụng do nhà nước
sở hữu trên 50% vốn Điều lệ phát hành trái phiếu
riêng lẻ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài chào bán trái phiếu ra công chúng
1. Đề nghị chấp thuận phương án phát
hành trái phiếu của năm tài chính do người đại diện hợp
pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
ký.
2. Phương án phát hành trái phiếu của
năm tài chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21
Thông tư này.
3. Bản sao có chứng
thực hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo tài chính của năm liền
kề trước năm phát hành được kiểm toán và báo cáo tài chính quý gần nhất. Báo cáo tài chính được kiểm toán phải là
báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần. Trường hợp
phát hành trước ngày 01 tháng 04 hàng năm chưa có báo cáo tài chính năm của năm liền kề trước năm đề
nghị phát hành được kiểm toán thì phải
có:
a) Báo cáo tài chính được kiểm toán của
năm trước năm liền kề với kết quả hoạt động kinh doanh có lãi;
b) Báo cáo tài chính quý gần nhất với
kết quả hoạt động kinh doanh có lãi được kiểm toán (nếu
có);
c) Báo cáo tài chính của năm liền kề
trước năm đề nghị phát hành với kết quả hoạt động kinh doanh có lãi được Hội đồng
quản trị hoặc Hội đồng thành viên phê duyệt đối với tổ chức tín dụng; Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc phê duyệt đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
4. Kế hoạch nguồn
vốn và sử dụng vốn của năm tài chính.
5. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài chào bán trái phiếu ra công
chúng thì báo cáo về lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào
bán, nợ phải trả quá hạn trên một năm (nếu có).
6. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao
có xác nhận của tổ chức tín dụng Điều lệ và bản sao Giấy phép đối với tổ chức
tín dụng phát hành trái phiếu lần đầu; bản sao Giấy phép thành lập đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát
hành trái phiếu lần đầu.
7. Phương án
tăng vốn Điều lệ từ nguồn phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền được Đại hội đồng cổ đông thông qua trong
đó phải có các nội dung theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về thay đổi
mức vốn Điều lệ của tổ chức tín dụng (đối với trường hợp
phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền).
8. Các tài liệu khác có liên quan đến
Điều kiện phát hành trái phiếu (nếu có).”.
5. Sửa đổi, bổ
sung Điều 23 như sau:
“Điều 23. Thủ tục chấp thuận
phương án phát hành trái phiếu của năm tài chính
1. Tổ chức tín dụng do nhà nước sở hữu
trên 50% vốn Điều lệ phát hành trái phiếu riêng lẻ, tổ chức tín dụng và chi
nhánh ngân hàng nước ngoài chào bán trái phiếu ra công chúng gửi trực tiếp hoặc
qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận phương
án phát hành trái phiếu của năm tài chính quy định tại Điều 22 Thông tư này đến Ngân hàng Nhà nước.
2. Đối với đề
nghị chấp thuận phương án phát hành trái phiếu (không bao gồm trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền), trong thời hạn 30
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến trả lời
bằng văn bản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận
phương án phát hành trái phiếu của năm tài chính của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Đối với đề nghị chấp thuận phương
án phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền,
trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến trả lời bằng văn bản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận phương án phát hành
trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của năm
tài chính của tổ chức tín dụng.”.
6. Sửa đổi, bổ
sung Điều 24 như sau:
“Điều 24. Các giới hạn đối với tổ chức tín dụng phát hành và người mua trái phiếu chuyển
đổi, trái phiếu kèm chứng quyền
1. Trường hợp tổ chức tín dụng phát
hành có cam kết với người mua trái phiếu chuyển đổi là khi đến hạn phải chuyển đổi trái phiếu thành cổ
phiếu thì:
a) Người mua trái
phiếu phải đáp ứng quy định pháp luật hiện hành về giới hạn góp vốn, mua cổ phần
ngay từ khi phát hành;
b) Trường hợp phát hành cho nhà đầu
tư nước ngoài, tổ chức tín dụng phát hành phải đáp ứng Điều
kiện bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định
pháp luật hiện hành ngay từ khi phát hành.
2. Khi đến thời hạn chuyển đổi thành
cổ phiếu hoặc đến thời hạn mua cổ phiếu, người mua trái
phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định hiện hành
của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật liên quan.”.
7. Sửa đổi, bổ
sung Khoản 2 Điều 25 như sau:
“2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức phát hành trái phiếu
theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, chấp
thuận và phải tuân thủ quy định của Luật chứng khoán, Nghị định về phát hành
trái phiếu doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn Luật chứng khoán.”.
8. Sửa đổi, bổ
sung Khoản 3 Điều 26 như sau:
“3. Chịu trách nhiệm về tính chính
xác, trung thực, đầy đủ của các văn bản, tài liệu trong hồ
sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án phát
hành trái phiếu của năm tài chính.”.
9. Sửa đổi, bổ
sung Điểm a, c Khoản 1 Điều 27 như sau:
“a) Chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan xem xét đề nghị chấp thuận phương án phát hành
trái phiếu của năm tài chính của tổ chức tín dụng do nhà nước sở hữu trên 50% vốn
Điều lệ phát hành trái phiếu riêng lẻ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài chào bán trái phiếu ra công chúng
để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định.”.
“c) Tiếp nhận báo cáo kết quả phát
hành giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”.
10. Sửa đổi,
bổ sung Điểm a, c Khoản 2 Điều 27 như sau:
“a) Cung cấp theo đề nghị của Vụ
Chính sách tiền tệ về các nội dung sau:
- Kết quả hoạt động kinh doanh theo
báo cáo tài chính được kiểm toán của năm liền kề trước năm phát hành trái phiếu và kết quả hoạt động kinh doanh đến quý gần nhất
của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Đánh giá việc chấp hành các tỷ lệ bảo
đảm an toàn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định
tại Khoản 1 Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
- Việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chào bán trái phiếu
ra công chúng đáp ứng các Điều kiện quy định tại Điểm a,
b Khoản 2 Điều 12 Luật chứng khoán.
- Đánh giá về tình hình hoạt động của
tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua quá trình thanh tra, giám
sát.”.
“c) Phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ
xem xét và có ý kiến cụ thể về việc chấp thuận hay không
chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của năm tài chính của tổ chức tín dụng
do nhà nước sở hữu trên 50% vốn Điều lệ phát hành trái phiếu
riêng lẻ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
chào bán trái phiếu ra công chúng.”.
11. Sửa đổi, bổ
sung Khoản 3 Điều 27 như sau:
“3. Phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ
xem xét và có ý kiến cụ thể về việc chấp thuận hay không chấp thuận phương án
phát hành trái phiếu của năm tài chính của tổ chức tín dụng do nhà nước sở hữu trên 50% vốn Điều lệ phát hành
trái phiếu riêng lẻ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chào bán
trái phiếu ra công chúng.”.
Điều 2. Hiệu lực
thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Bãi bỏ Điều 15
Thông tư số 29/2015/TT-NHNN ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung
một số văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam quy định về thành phần hồ sơ có bản sao chứng thực giấy tờ, văn bản.
Điều 3. Tổ chức
thực hiện
Chánh Văn phòng,
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị
thuộc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị,
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Website NHNN;
- Lưu VP, Vụ PC, CSTT (5 bản).
|
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Nguyễn Thị Hồng
|