BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số:
08-NQ/TW
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
I- TÌNH HÌNH
Mười lăm năm qua, ngành Du lịch đã có
bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ.
Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt
11,8%/năm. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người,
tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng
góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt
14% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ngày càng
phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng.
Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp
du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy
tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch
trọng điểm.
Sự phát triển của ngành Du lịch đã và
đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn
và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài
nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh
quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành Du lịch còn một số hạn
chế, yếu kém. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ
vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả
năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu
lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an
toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến quảng
bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối
hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa
thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn,
nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát
triển du lịch chưa được phát huy.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế,
yếu kém nêu trên là do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành
kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành,
liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế
cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; thiếu
chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành
theo quy luật thị trường. Thể chế, chính sách phát triển
du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vẫn còn nặng tư tưởng bao cấp. Sự phối
hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp; đầu tư còn dàn trải, chưa huy động
được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch. Công tác đào tạo, phát
triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức.
II- QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU
1- Quan điểm
- Phát triển du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo
động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất
thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
- Phát triển du lịch thực sự là ngành
kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên
ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả
năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có
nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên
kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành,
lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.
- Phát triển đồng thời cả du lịch quốc
tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế
tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước; tôn trọng và đối xử bình đẳng
đối với khách du lịch từ tất cả các thị trường.
- Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn
và phát huy các di sản văn hóa và các giá
trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết
tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh,
trật tự an toàn xã hội.
- Phát triển du lịch là trách nhiệm của
cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ
đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát
huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý
thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.
2- Mục tiêu
- Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã
hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng
bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang
đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh
được với các nước trong khu vực.
Thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách
du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng
thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20
tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
- Phấn đấu đến
năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các
ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển
hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
III- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1- Đổi mới nhận
thức, tư duy về phát triển du lịch
Nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế
dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa
sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm,
chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát
triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối
ngoại và an ninh, quốc phòng.
Đổi mới mạnh mẽ
tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán
từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có thể chế, chính sách đột
phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nâng cao ý thức của người dân, doanh
nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát
triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du
lịch Việt Nam.
2- Cơ cấu lại
ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo
quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
Hoàn thiện cơ cấu ngành Du lịch, bảo
đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy
hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động
lực phát triển du lịch.
Xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng ưu
tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; liên kết chuỗi giá trị đầu vào
của các ngành; tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng
đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao; kiểm soát
và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại, khác biệt;
đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá gắn với sản
phẩm và thị trường; bảo đảm môi trường du lịch an toàn, văn minh.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch khẩn trương xây dựng đề
án cơ cấu lại ngành Du lịch của địa phương.
3- Hoàn thiện thể
chế, chính sách
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật
pháp; có cơ chế, chính sách phù hợp và đột
phá để phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu, tính chất của
ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ
chế thị trường. Ban hành cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội để
đầu tư phát triển du lịch theo định hướng cơ cấu lại ngành Du lịch.
Trước mắt, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chính sách trực tiếp
liên quan đến phát triển du lịch:
- Về đầu tư, ban
hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, nhất là các địa
bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc
thù và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tăng cường
hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực
trong xã hội cho phát triển du lịch. Nhà nước ưu tiên bố trí vốn cho công tác
xây dựng quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến.
- Về tài chính,
chuyển đổi cơ chế phí tham quan sang cơ chế giá dịch vụ; điều chỉnh giá điện áp
dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; có chính
sách phù hợp về thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch có
hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao, chính sách đất đai
hợp lý đối với diện tích xây dựng ký túc
xá, nhà ở cho người lao động du lịch tại những nơi hạn chế về nguồn nhân lực; tạo
điều kiện thuận lợi hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch.
Thành lập và có cơ chế quản lý, sử dụng
hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu cho
Quỹ và hằng năm được bổ sung từ nguồn thu lệ phí thị thực nhập cảnh, phí tham
quan du lịch, đóng góp của doanh nghiệp, khách du lịch và các nguồn hợp pháp
khác.
- Về thủ tục nhập
cảnh, tiếp tục hoàn thiện, ban hành chính sách tạo thuận lợi tối đa và đơn giản
về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
- Đối với những vấn đề cấp bách cần
triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp
luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí
điểm.
4- Đầu tư phát
triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch
Dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại
các địa bàn trọng điểm, động lực; nâng cao khả năng kết nối
giao thông tới các khu, điểm du lịch, kiểm soát chất lượng dịch vụ và đảm bảo
an toàn giao thông cho khách du lịch. Đầu tư các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến
du lịch đường bộ. Đẩy mạnh thực hiện chính sách "mở cửa bầu trời",
triển khai thực hiện thương quyền 5 về hàng không; tạo điều kiện cho các hãng
hàng không mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với thị trường nguồn, tăng cường
tần suất các đường bay có sẵn; giải quyết các điểm nghẽn và tình trạng quá tải
tại các cảng hàng không. Tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thủy nội địa chuyên dùng tại các địa bàn có điều
kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường
sông. Cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch.
Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội
đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Khuyến khích
các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự
án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại
các địa bàn trọng điểm.
5- Tăng cường xúc
tiến quảng bá du lịch
Đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường
ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và
nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Xây dựng và
định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm
bản sắc văn hóa dân tộc.
Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội
trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các
cơ quan đại diện và thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc xúc tiến quảng
bá du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch đặt văn phòng đại diện tại nước
ngoài. Phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động
xúc tiến quảng bá du lịch.
Phát huy vai trò của các cơ quan truyền
thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết
hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành Du lịch.
6- Tạo môi trường
thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi
trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp
kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới,
sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù
hợp với định hướng cơ cấu lại ngành Du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi
nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Chú
trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm
hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Tạo điều kiện thuận lợi để người dân
trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ
phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng
du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; phát huy vai trò của
các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan
đến du lịch.
7- Phát triển nguồn
nhân lực du lịch
Nhà nước có chính sách thu hút đầu tư
cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo
du lịch cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo
viên. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển
nguồn nhân lực du lịch.
Đa dạng hóa
các hình thức đào tạo du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến
trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả
về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Chú trọng
nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động
ngành Du lịch.
Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc
gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; thành lập Hội đồng
nghề du lịch quốc gia và Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch.
8- Tăng cường
năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch
và các lĩnh vực liên quan để tạo điều kiện cho phát triển
du lịch; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch
theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch
phát triển du lịch.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về
du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu
quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch; phát huy vai trò của Ban
Chỉ đạo nhà nước về du lịch.
Nâng cao năng lực, trách nhiệm và quyền
hạn của Tổng cục Du lịch. Thành lập sở du
lịch tại các địa phương có điều kiện phát triển du lịch theo nguyên tắc không
tăng thêm biên chế.
Nghiên cứu xác định mô hình, hệ thống
tổ chức, quản lý ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình
hình mới.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên
ngành và liên ngành, kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống
khách sạn, các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn
viên và các cơ sở dịch vụ du lịch; khẩn trương triển khai ứng
dụng công nghệ thông tin
trong các hoạt động quản lý thuế, phí để chống thất thu trong hoạt động du lịch.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp
trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch; xử lý dứt điểm các tệ nạn
đeo bám, ép khách, cướp giật; bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm,
xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh
và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển, gắn kết du lịch Việt Nam với
du lịch của các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời khắc phục những hạn
chế của du lịch Việt Nam.
IV- TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1- Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban
cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực
thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết; theo chức năng, nhiệm
vụ, xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.
Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức quán
triệt, xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trong
ngành Du lịch.
2- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo sửa đổi,
bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để
du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
3- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo
xây dựng và thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; kiểm tra,
đôn đốc và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Ban
Chỉ đạo nhà nước về du lịch chỉ đạo việc phối hợp
giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy,
thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M
BỘ CHÍNH TRỊ
TỔNG BÍ THƯ
Nguyễn Phú Trọng
|