BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2016

 

NGHỊ ĐỊNH[1]

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC VỀ THUẾ VÀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THUẾ

Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế[2],

Chương 1

XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế

1. Phạm vi điều chỉnh

Chương này quy định về hành vi vi phạm hành chính về thuế, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Vi phạm hành chính về thuế bao gồm vi phạm quy định của Luật quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế (sau đây gọi là Luật quản lý thuế) đối với: Các loại thuế; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền sử dụng đất; thu từ khai thác tài nguyên khoáng sản và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật.

Nghị định này không áp dụng đối với vi phạm hành chính về phí, lệ phí, hóa đơn và vi phạm hành chính về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế khác với Nghị định này thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế

a) Người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế;

b) Tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng) có hành vi vi phạm hành chính về thuế;

c) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Thời hiệu, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính về thuế

1. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, thời hiệu xử phạt là 02 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện đến ngày ra quyết định xử phạt. Ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của Luật quản lý thuế. Đối với trường hợp làm thủ tục về thuế bằng điện tử thì ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn làm thủ tục theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì thời hiệu xử phạt là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến ngày ra quyết định xử phạt.

Thời điểm xác định hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; hành vi trốn thuế, gian lận thuế là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế mà người nộp thuế thực hiện khai thiếu thuế, hành vi trốn thuế, gian lận thuế hoặc ngày tiếp theo ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.

3. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án nhưng hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính về thuế thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, cơ quan đã ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm áp dụng theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

4. Thời hạn truy thu thuế

Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Điều 3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về thuế

1. Phạt cảnh cáo

Phạt cảnh cáo áp dụng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.

2. Phạt tiền

a) Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế:

Phạt tiền tối đa không quá 200 triệu đồng đối với người nộp thuế là tổ chức có hành vi vi phạm thủ tục thuế. Mức phạt tiền tối đa đối với người nộp thuế là cá nhân có hành vi vi phạm thủ tục thuế bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Mức phạt tiền quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và Điều 9 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với người nộp thuế là tổ chức, đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với người nộp thuế là hộ gia đình áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.

Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm thủ tục thuế là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó; Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì mỗi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 20% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.

Khi xác định mức phạt tiền đối với người nộp thuế vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi giảm trừ theo nguyên tắc trên, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung phạt tiền, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung phạt tiền.

b) Đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn: Phạt 20% số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, áp dụng đối với người nộp thuế là tổ chức và cá nhân;

c) Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế: Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn, gian lận. Mức phạt tiền quy định tại Điều 11 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với người nộp thuế là tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt áp dụng đối với tổ chức;

d) Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Điều 4. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế

1. Các trường hợp theo quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

MỤC 2. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 5. Xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế so với thời hạn quy định

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ đăng ký thuế hoặc thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ đăng ký thuế hoặc thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này).

3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp hồ sơ đăng ký thuế hoặc thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế quá thời hạn quy định trên 30 ngày;

b) Không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế;

c) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.

Điều 6. Xử phạt đối với hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế

Hành vi khai không đúng, không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế quy định tại Điều 31 của Luật quản lý thuế (trừ trường hợp người nộp thuế được khai bổ sung theo quy định) bị phát hiện sau thời hạn quy định nộp hồ sơ khai thuế:

1. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ khai thuế ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trên bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra hoặc trên các tài liệu khác liên quan đến nghĩa vụ thuế.

2. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ khai thuế ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trên hóa đơn và chứng từ khác liên quan đến nghĩa vụ thuế.

3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ khai thuế ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trên tờ khai thuế, tờ khai quyết toán thuế.

4. Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 10Khoản 7 Điều 11 Nghị định này;

b) Có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế.

Điều 7. Xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp chậm hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 10 ngày (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều này).

3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 10 ngày đến 20 ngày.

4. Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 20 ngày đến 30 ngày.

5. Phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 30 ngày đến 40 ngày.

6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40 ngày đến 90 ngày;

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

d) Nộp hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý quá thời hạn quy định trên 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế.

7. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại Điều này bao gồm cả thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại Điều 33 của Luật quản lý thuế.

8. Không áp dụng các mức xử phạt quy định tại Điều này đối với trường hợp được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

9. Người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế bị xử phạt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều này nếu dẫn đến chậm nộp tiền thuế thì phải nộp tiền chậm nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế

Hành vi vi phạm chế độ cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế nhưng không thuộc trường hợp khai thiếu thuế, trốn thuế, gian lận thuế thì tùy theo hành vi, mức độ vi phạm mà bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ pháp lý liên quan đến đăng ký thuế theo thông báo của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 05 ngày làm việc trở lên;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo thông báo của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 05 ngày làm việc trở lên;

c) Cung cấp sai lệch về thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế quá thời hạn theo yêu cầu của cơ quan thuế.

2. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin, tài liệu, chứng từ, hóa đơn, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế trong thời hạn kê khai thuế; số hiệu tài khoản, số dư tài khoản tiền gửi cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

b) Không cung cấp đầy đủ, đúng các chỉ tiêu, số liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế phải đăng ký theo chế độ quy định, bị phát hiện nhưng không làm giảm nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước;

c) Không cung cấp; cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến tài khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, công nợ bên thứ ba có liên quan trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được cơ quan thuế yêu cầu.

Điều 9. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Từ chối nhận quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

b) Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra thuế quá thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày phải chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Từ chối, trì hoãn, trốn tránh việc cung cấp hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ kế toán liên quan đến nghĩa vụ thuế quá thời hạn 06 giờ làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế;

d) Cung cấp không chính xác về thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Không cung cấp số liệu, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyết định niêm phong hồ sơ tài liệu, két quỹ, kho hàng hóa, vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị, nhà xưởng làm căn cứ xác minh nghĩa vụ thuế;

c) Tự ý tháo bỏ, thay đổi dấu hiệu niêm phong do cơ quan có thẩm quyền đã tạo lập hợp pháp làm căn cứ xác minh nghĩa vụ thuế;

d) Không ký vào biên bản kiểm tra, thanh tra trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản kiểm tra, thanh tra;

đ) Không chấp hành kết luận kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 10. Xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn

1. Các trường hợp khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, bao gồm:

a) Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, tăng số thuế được miễn, giảm nhưng người nộp thuế đã ghi chép kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ;

b) Hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này nhưng khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, người vi phạm đã tự giác nộp đủ số tiền thuế khai thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuế hoặc cơ quan thuế lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế;

c) Hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế xác định là có hành vi khai man trốn thuế, nhưng người nộp thuế vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì cơ quan thuế lập biên bản ghi nhận để xác định lại hành vi khai thiếu thuế;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn bất hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

2. Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này là 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được hoàn, số thuế được miễn, giảm cao hơn so với quy định của pháp luật thuế.

3. Cơ quan thuế xác định số tiền thuế thiếu, số ngày chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế; số tiền phạt và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người nộp thuế theo quy định.

4. Các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này ngoài việc bị xử phạt quy định tại Khoản 2 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế nợ, số tiền thuế thiếu, tiền thuế chậm nộp vào ngân sách nhà nước.

5. Trường hợp, người nộp thuế có hành vi khai sai theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, tăng số thuế được miễn, giảm hoặc chưa được hoàn thuế thì không bị xử phạt theo quy định tại Điều này mà xử phạt theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định này.

Điều 11. Xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế

Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Điều 108 của Luật quản lý thuế thì bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, như sau:

1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 5 Điều 32 của Luật quản lý thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại Điều 33 của Luật quản lý thuế, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 7 Nghị định này;

b) Sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

c) Lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;

d) Lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị để khai thuế thấp hơn thực tế;

đ) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế;

e) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thực tế thanh toán của hàng hóa, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;

g) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;

h) Sửa chữa, tẩy xóa chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

i) Hủy bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

k) Sử dụng hóa đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

l) Người nộp thuế đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh.

2. Phạt tiền 1,5 lần tính trên số tiền thuế trốn, gian lận đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp: Vi phạm lần đầu có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai có một tình tiết giảm nhẹ.

3. Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba nhưng có một tình tiết giảm nhẹ.

4. Phạt tiền 2,5 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.

5. Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm từ lần thứ hai mà có 2 (hai) tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ 3 (ba) có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ tư trở đi.

6. Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế bị xử phạt quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước là số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước, nhưng không phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế đối với số thuế trốn, số thuế gian lận.

Số tiền thuế trốn, gian lận là số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật mà người nộp thuế bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xác định trong biên bản, kết luận kiểm tra, thanh tra.

7. Các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k Khoản 1 Điều này bị phát hiện trong thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì chỉ bị xử phạt về hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định này.

Điều 12. Xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng

Tổ chức tín dụng không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản ngân sách nhà nước đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt phải nộp của người nộp thuế theo Quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế thì bị xử phạt vi phạm trong trường hợp: Tại thời điểm đó, tài khoản tiền gửi của người nộp thuế có số dư đủ hoặc thừa so với số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt mà người nộp thuế phải nộp theo Quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết hạn phải trích tiền từ tài khoản theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định này cơ quan thuế phải lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt đối với tổ chức tín dụng. Mức xử phạt tương ứng với số tiền không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế.

Tổ chức tín dụng không bị xử phạt trong trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 114 Luật quản lý thuế. Trường hợp này, cơ quan thuế vẫn phải thực hiện các biện pháp nhằm thu đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt đối với người nộp thuế.

Điều 13. Xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan

1. Tổ chức, cá nhân liên quan có hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế (trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 12 Nghị định này) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức. Trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; tài khoản của đối tượng nộp thuế tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước theo quy định của Luật quản lý thuế thì bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3.[3] Bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) cho người nộp thuế theo nội dung cam kết tại văn bản bảo lãnh trong trường hợp người nộp thuế không nộp vào ngân sách nhà nước.

Bên bảo lãnh nộp thay các khoản tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) cho người nộp thuế theo văn bản bảo lãnh, nếu quá thời hạn theo quy định của cơ quan thuế mà đối tượng nộp thuế chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt mà bên bảo lãnh chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải trả tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp và bị cưỡng chế theo quy định tại khoản 3 Điều 18, Điều 19 Nghị định này. Trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế áp dụng như đối với người nộp thuế bị cưỡng chế.

MỤC 3. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT, MIỄN, GIẢM TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH THUẾ

Điều 14. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế

1. Công chức thuế đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định tại Nghị định này.

2. Đội trưởng Đội Thuế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định tại Nghị định này.

3. Chi cục trưởng Chi cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình, có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9 và Điều 13 Nghị định này;

c) Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điều 10, 11Điều 12 Nghị định này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 10, Khoản 6 Điều 11 Nghị định này.

4. Cục trưởng Cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình, có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 140.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9 và Điều 13 Nghị định này;

c) Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điều 10, 11 và Điều 12 Nghị định này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 10, Khoản 6 Điều 11 Nghị định này.

5. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9 và Điều 13 Nghị định này;

c) Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điều 10, 11 và Điều 13 Nghị định này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 10, Khoản 6 Điều 11 Nghị định này.

6. Thẩm quyền xử phạt vi phạm về thủ tục thuế của những người được quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này áp dụng đối với một hành vi vi phạm của tổ chức; trường hợp phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm thủ tục thuế thì thẩm quyền xử phạt cá nhân bằng 1/2 thẩm quyền xử phạt tổ chức. Thẩm quyền xử phạt vi phạm về khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại các khoản nêu trên thực hiện theo Khoản 2 Điều 109 Luật quản lý thuế.

Điều 15. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 16. Miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, trình tự thủ tục và thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt

1. Cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế có quyền đề nghị miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế mà số tiền phạt từ 3.000.000 đồng trở lên trong trường hợp gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, tai nạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo.

Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt còn lại trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, chi phí chữa bệnh.

2. Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế gồm:

a) Đơn đề nghị miễn, giảm tiền phạt, trong đó nêu rõ:

- Lý do đề nghị miễn, giảm tiền phạt;

- Xác định giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, chi phí chữa bệnh, bệnh hiểm nghèo;

- Số tiền phạt đề nghị miễn, giảm.

b) Trường hợp thiệt hại về tài sản, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm bồi thường (nếu có) thì phải kèm theo bản sao có xác nhận công chứng về bồi thường thiệt hại, về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của cơ quan bảo hiểm (nếu có);

c) Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi có tài sản bị thiệt hại. Trường hợp cá nhân bị bệnh hiểm nghèo thì phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh; chi phí khám, chữa bệnh có đầy đủ chứng từ quy định.

3. Trình tự, thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính.

4. Không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Chương 2

CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THUẾ

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 17. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Chương này quy định các trường hợp bị cưỡng chế, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế (trừ biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu).

Việc cưỡng chế quy định tại Điều này áp dụng cho các quyết định hành chính thuế bao gồm: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế; quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quyết định về bồi thường thiệt hại; quyết định hành chính thuế khác theo quy định của pháp luật và các thông báo ấn định thuế, thông báo tiền thuế nợ, thông báo tiền chậm nộp tiền thuế.

2. Đối tượng áp dụng

a) Tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định của Luật quản lý thuế;

b) Cơ quan thuế, công chức thuế;

c) Người có thẩm quyền và trách nhiệm cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

d) Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Điều 18. Các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

1. Các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với người nộp thuế:

a) Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định; quá thời hạn gia hạn nộp thuế;

b) Người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn;

c) Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Trường hợp, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế có thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày mà người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt).

2. Tổ chức tín dụng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và Luật xử lý vi phạm hành chính.

3. Đối với bên bảo lãnh nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt cho người nộp thuế theo văn bản bảo lãnh nếu đến thời hạn quy định mà người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào tài khoản của ngân sách nhà nước thì bên bảo lãnh phải nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt cho người nộp thuế theo văn bản bảo lãnh. Trường hợp, quá 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt theo văn bản chấp thuận của cơ quan thuế mà chưa nộp đủ thì bên bảo lãnh bị cưỡng chế theo quy định của Luật quản lý thuế và Luật xử lý vi phạm hành chính.

4. Kho bạc Nhà nước không thực hiện việc trích tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế.

5. Tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan có thẩm quyền.

6. Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế thuộc đối tượng được cơ quan thuế ra quyết định cho nộp dần tiền nợ thuế, tiền phạt theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Điều 79 Luật xử lý vi phạm hành chính thì chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thời gian được nộp dần tiền nợ thuế, tiền phạt.

Điều 19. Các biện pháp cưỡng chế

Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bao gồm:

1. Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản.

2. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.

3. Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

4. Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

5. Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ.

6. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

7. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và Khoản 6 Điều này được thực hiện theo quy định tại các Mục 2, 3, 4, 5, 6, 7 Chương này. Trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp tiếp theo mà có thông tin, điều kiện để thực hiện biện pháp cưỡng chế trước đó thì người ra quyết định cưỡng chế có quyền quyết định thực hiện biện pháp cưỡng chế trước để bảo đảm thu đủ số tiền thuế, tiền phạt.

Trong trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời cho ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính quy định trình tự, thời gian áp dụng từng biện pháp cưỡng chế cụ thể; trình tự, thủ tục xác định người nộp thuế nợ tiền thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản.

Điều 20. Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật khác liên quan.

Điều 21. Thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

Những người sau đây có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế theo các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định tại Điều 19 Nghị định này và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế của mình và của cấp dưới:

1. Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 19 Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh được quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong phạm vi mình phụ trách.

3. Trường hợp người vi phạm bị áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Khoản 6 Điều 19 Nghị định này thì cơ quan thuế xử lý vụ việc lập hồ sơ, tài liệu và văn bản yêu cầu chuyển cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề để cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Điều 22. Phân định thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

1. Những người có thẩm quyền quy định tại Điều 21 Nghị định này có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế đối với các quyết định hành chính thuế do mình ban hành hoặc cấp dưới ban hành nhưng không có thẩm quyền cưỡng chế hoặc cấp dưới có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và có văn bản đề nghị cấp trên ra quyết định cưỡng chế.

2. Cục trưởng Cục Thuế ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp thẩm quyền cưỡng chế thuộc Chi cục trưởng Chi cục Thuế nhưng đối tượng bị cưỡng chế tại nhiều Chi cục Thuế trong cùng địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ra quyết định cưỡng chế đối với những đối tượng bị cưỡng chế tại nhiều Cục Thuế.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế

1. Người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có nhiệm vụ tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế đó.

Người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có trách nhiệm gửi ngay quyết định cưỡng chế cho các tổ chức, cá nhân liên quan và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.

2. Tổ chức, cá nhân nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan thuế thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

4. Lực lượng công an nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn và hỗ trợ cơ quan thuế trong quá trình cưỡng chế khi có yêu cầu của người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

5. Tổ chức, cá nhân liên quan đến đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có trách nhiệm phối hợp thực hiện việc cưỡng chế khi có yêu cầu của người ra quyết định cưỡng chế.

Điều 24. Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế

1. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày ban hành quyết định. Riêng đối với quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định cưỡng chế thì thời hiệu thi hành được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh, trì hoãn được chấm dứt.

3. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định tại Khoản 1 Điều này chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt bị cưỡng chế đã được nộp đủ vào ngân sách nhà nước. Căn cứ để chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế thuế là chứng từ nộp đủ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước của người bị cưỡng chế có xác nhận của cơ quan Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan được phép ủy nhiệm thu thuế, tổ chức tín dụng trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế.

MỤC 2. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP TRÍCH TIỀN TỪ TÀI KHOẢN; YÊU CẦU PHONG TỎA TÀI KHOẢN

Điều 25. Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản

Việc cưỡng chế bằng biện pháp trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, Kho bạc nhà nước áp dụng đối với tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, quyết định hành chính thuế khác hoặc không thanh toán chi phí cưỡng chế.

Điều 26. Xác minh thông tin về tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế

1. Người nộp thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý thuế về tên tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản, số và ký hiệu các tài khoản của mình tại các tổ chức tín dụng, Kho bạc nhà nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của người bị cưỡng chế tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước có quyền yêu cầu bằng văn bản đối với tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước cung cấp các thông tin về số tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.

Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế khi được tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước cung cấp.

Điều 27. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản

1. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; số tiền bị trích từ tài khoản (ghi trên quyết định xử phạt hành chính và chi phí cưỡng chế tính đến hết thời hạn 05 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế); lý do trích tiền từ tài khoản; họ tên, mã số thuế, số tài khoản của cá nhân, tổ chức bị trích tiền từ tài khoản; tên, địa chỉ tổ chức tín dụng nơi người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế mở tài khoản; tên, địa chỉ, số tài khoản của ngân sách nhà nước mở tại Kho bạc Nhà nước, phương thức chuyển số tiền bị trích chuyển từ tổ chức tín dụng đến Kho bạc Nhà nước; thời hạn thi hành; người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế ký tên và đóng dấu.

2. Trong trường hợp cần thiết phải phong tỏa các tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thì quyết định cưỡng chế phải ghi rõ phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tương ứng số tiền bị trích từ tài khoản để thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính.

3. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản được gửi cho tổ chức, cá nhân bị trích tiền từ tài khoản, Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản và các cơ quan liên quan trong thời hạn 05 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế.

Điều 28. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế mở tài khoản

1. Cung cấp các thông tin cần thiết về toàn bộ số hiệu tài khoản, số dư tiền gửi của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế mở tại đơn vị mình trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản.

2. Chuyển số tiền của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế vào tài khoản của ngân sách nhà nước mở tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền thuế, tiền phạt, chi phí cưỡng chế trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế; đồng thời thông báo cho cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế và người bị cưỡng chế biết.

3. Trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế phải nộp thì vẫn phải trích chuyển số tiền đó vào tài khoản của ngân sách nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết việc trích chuyển; việc trích chuyển không cần sự đồng ý của tổ chức và cá nhân đó.

4. Tiến hành phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế ghi trên quyết định cưỡng chế ngay khi nhận được quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế (đối với quyết định cưỡng chế có yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế).

5. Thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế biết khi quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà tài khoản của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không đủ số tiền để trích chuyển nộp vào ngân sách.

6. Trong thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế, nếu trong tài khoản của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế còn số dư mà không thực hiện trích nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Điều 29. Thủ tục thu tiền bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản

Việc trích tiền từ tài khoản của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế hành chính được thực hiện trên cơ sở các chứng từ thu theo quy định. Chứng từ thu sử dụng để trích chuyển tiền từ tài khoản được gửi cho các bên liên quan.

Bộ Tài chính quy định thời gian, trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục này.

MỤC 3. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP KHẤU TRỪ MỘT PHẦN TIỀN LƯƠNG HOẶC MỘT PHẦN THU NHẬP

Điều 30. Đối tượng bị áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập

Biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập được áp dụng đối với người nộp thuế là cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế được hưởng tiền lương, tiền công hoặc thu nhập tại một cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân

1. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương, tiền công hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân bị cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế; số tiền bị khấu trừ (ghi trên quyết định xử phạt hành chính và chi phí cưỡng chế tính đến hết thời hạn 05 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế), lý do khấu trừ; tên, địa chỉ của Kho bạc Nhà nước nhận tiền, phương thức chuyển số tiền bị khấu trừ đến kho bạc; thời gian thi hành; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

2. Quyết định cưỡng chế được gửi đến cá nhân bị cưỡng chế và cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế và các cơ quan liên quan trong thời hạn 5 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế.

Điều 32. Tỷ lệ khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân

1. Chỉ khấu trừ một phần tiền lương, tiền công hoặc một phần thu nhập tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định hành chính thuế của người có thẩm quyền.

2. Tỷ lệ khấu trừ tiền lương, tiền công hoặc thu nhập đối với cá nhân không thấp hơn 10% và không quá 30% tổng số tiền lương, trợ cấp hàng tháng của cá nhân đó; đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập.

Điều 33. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương, tiền công hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế

Cơ quan, tổ chức đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm:

1. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập của đối tượng bị cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ vào ngân sách nhà nước theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, kể từ kỳ trả tiền lương hoặc thu nhập gần nhất cho đến khi khấu trừ đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, đồng thời thông báo cho người ra quyết định cưỡng chế và đối tượng bị cưỡng chế biết;

2. Khi đến kỳ phát tiền lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, tổ chức, người đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ vào ngân sách nhà nước đã ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết;

3. Trường hợp chưa khấu trừ đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, số tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt theo quyết định cưỡng chế mà hợp đồng lao động của đối tượng bị cưỡng chế chấm dứt, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động phải thông báo cho người ra quyết định cưỡng chế biết trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động;

4. Cơ quan, tổ chức đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế quy định tại Điều 13 Nghị định này.

MỤC 4. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP THÔNG BÁO HÓA ĐƠN KHÔNG CÒN GIÁ TRỊ SỬ DỤNG

Điều 34. Đối tượng áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng

Việc cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau:

1. Cơ quan thuế không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 19 Nghị định này hoặc đã áp dụng nhưng quá thời gian do Bộ Tài chính quy định mà vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt hoặc trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 19 Nghị định này hoặc theo đề nghị của cơ quan hải quan theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

2. Tổ chức, cá nhân đã mua hóa đơn do Cục Thuế đặt in và phát hành hoặc hóa đơn của tổ chức, cá nhân tự in, đặt in, hóa đơn điện tử đã được thông báo phát hành.

Điều 35. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng

1. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định cưỡng chế; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định cưỡng chế; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của đối tượng bị cưỡng chế; lý do áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; thời gian thực hiện cưỡng chế; cơ quan chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm phối hợp; chữ ký của người ra quyết định; dấu của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.

2. Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm thông báo; căn cứ ra thông báo; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra thông báo; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của đối tượng bị cưỡng chế; mã số thuế (nếu có); lý do thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; số hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Điều 36. Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng

1. Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm thông báo cho đối tượng bị cưỡng chế biết trong thời hạn ba ngày làm việc trước khi thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

2. Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều này, cơ quan thuế phải ra quyết định cưỡng chế và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về số hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

3. Cơ quan thuế thông báo chấm dứt việc thực hiện biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều này khi đối tượng bị cưỡng chế nộp đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước (trừ trường hợp hết thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định này).

4. Trường hợp cơ quan hải quan có văn bản yêu cầu cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối tượng nợ thuế ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì cơ quan thuế thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều này và gửi cho cơ quan hải quan. Khi cơ quan hải quan thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt thì phải có văn bản thông báo ngay với cơ quan thuế nêu trên để cơ quan thuế thông báo chấm dứt việc thực hiện biện pháp cưỡng chế này.

Bộ Tài chính quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều này.

MỤC 5. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP KÊ BIÊN TÀI SẢN, BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN KÊ BIÊN

Điều 37. Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị để bán đấu giá

Tổ chức, cá nhân bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá khi không tự nguyện chấp hành quyết định hành chính thuế, không thanh toán chi phí cưỡng chế, bao gồm:

1. Cá nhân là lao động tự do không có cơ quan, tổ chức quản lý lương, thu nhập cố định.

2. Tổ chức, cá nhân không có tài khoản hoặc có số tiền gửi từ tài khoản mở tại tổ chức tín dụng nhưng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản.

3. Tổ chức, cá nhân không áp dụng được biện pháp cưỡng chế quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 19 Nghị định này hoặc đã áp dụng nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt hoặc trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 19 Nghị định này.

4. Không áp dụng kê biên tài sản trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Những tài sản sau đây không được kê biên

1. Đối với cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

a) Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế;

b) Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của cá nhân, gia đình cho người bị cưỡng chế;

c) Công cụ lao động thông thường cần thiết được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế;

d) Quần áo, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế;

đ) Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen.

2. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh:

a) Thuốc chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ ăn giữa ca cho người lao động;

b) Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông để kinh doanh của doanh nghiệp;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng;

đ) Nguyên - vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm là các hóa chất độc hại nguy hiểm không được phép lưu hành;

e) Nguyên - vật liệu, bán thành phẩm đang nằm trong dây chuyền sản xuất khép kín.

3. Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức) hoạt động bằng nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp thì không kê biên các tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước mà yêu cầu cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tài chính để thực hiện quyết định cưỡng chế.

Trường hợp cơ quan, tổ chức có nguồn thu từ các hoạt động có thu hợp pháp khác thì kê biên các tài sản được đầu tư, mua sắm từ nguồn thu đó để thực hiện quyết định cưỡng chế, trừ các tài sản sau đây:

a) Thuốc chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ việc ăn giữa ca cho cán bộ, công chức;

b) Nhà trẻ, trường học các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông để kinh doanh của cơ quan, tổ chức;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Trụ sở làm việc.

Điều 39. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản

1. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ (cấp bậc), đơn vị công tác của người ra quyết định; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của tổ chức, cá nhân bị kê biên tài sản; số tiền bị xử phạt; địa điểm kê biên; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

2. Việc kê biên tài sản phải được thông báo cho tổ chức, cá nhân bị kê biên tài sản, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn hoặc cơ quan nơi người đó công tác trước khi tiến hành cưỡng chế là 05 ngày, trừ trường hợp việc thông báo sẽ gây trở ngại cho việc tiến hành kê biên.

Điều 40. Thủ tục thực hiện biện pháp kê biên tài sản

1. Việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày và trong giờ làm việc hành chính áp dụng tại địa phương kê biên tài sản.

2. Người ra quyết định cưỡng chế hoặc người được phân công thực hiện quyết định cưỡng chế chủ trì thực hiện việc kê biên.

3. Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt cá nhân bị cưỡng chế hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện cho tổ chức bị kê biên tài sản, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Nếu cá nhân phải thi hành quyết định cưỡng chế hoặc người đã thành niên trong gia đình cố tình vắng mặt, thì vẫn tiến hành kê biên tài sản nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.

4. Tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, người được giao chủ trì kê biên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế.

Nếu tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không đề nghị cụ thể việc kê biên tài sản nào trước thì tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước.

5. Chỉ kê biên những tài sản thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cơ quan tiến hành kê biên có trách nhiệm thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

6. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kê biên tài sản, đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế không nộp đủ tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt thì cơ quan thuế được quyền bán đấu giá tài sản kê biên để thu đủ tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt.

Điều 41. Biên bản kê biên tài sản

1. Việc kê biên tài sản phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi thời gian, địa điểm tiến hành kê biên tài sản; họ tên, chức vụ người chủ trì thực hiện việc kê biên; người đại diện cho tổ chức bị cưỡng chế kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế); mô tả tên gọi, tình trạng, đặc điểm từng tài sản bị kê biên.

2. Người chủ trì thực hiện việc kê biên; người đại diện cho tổ chức bị cưỡng chế kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế) ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

3. Biên bản kê biên được lập thành 02 bản, cơ quan ra quyết định cưỡng chế giữ 01 bản, 01 bản được giao cho cá nhân bị kê biên hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế kê biên ngay sau khi hoàn thành việc lập biên bản kê biên tài sản.

Điều 42. Giao bảo quản tài sản kê biên

1. Người chủ trì thực hiện kê biên lựa chọn một trong các hình thức sau đây để bảo quản tài sản kê biên:

a) Giao cho người bị cưỡng chế, thân nhân của người bị cưỡng chế hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó bảo quản;

b) Giao cho một trong những đồng sở hữu chung bảo quản nếu tài sản đó thuộc sở hữu chung;

c) Giao cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản.

2. Đối với tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ thì tạm giao cho Kho bạc Nhà nước quản lý; đối với các tài sản như vật liệu nổ công nghiệp, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm thì tạm giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý.

3. Khi giao bảo quản tài sản kê biên, người chủ trì thực hiện kê biên phải lập biên bản ghi rõ: Ngày, tháng, năm bàn giao bảo quản; họ và tên người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế, đại diện tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế, người được giao bảo quản tài sản, người chứng kiến việc bàn giao; số lượng, tình trạng (chất lượng) tài sản; quyền và nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản.

Người chủ trì thực hiện kê biên, người được giao bảo quản tài sản đại diện tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế, người chứng kiến ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Biên bản được giao cho người được giao bảo quản tài sản đại diện tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế, người chứng kiến và người chủ trì thực hiện kê biên mỗi người giữ một bản.

4. Người được giao bảo quản tài sản được thanh toán chi phí thực tế, hợp lý để bảo quản tài sản, trừ những người quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

5. Người được giao bảo quản tài sản mà để xảy ra hư hỏng, đánh tráo, làm mất hay hủy hoại tài sản thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm theo quy định của Nghị định này hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Điều 43. Định giá tài sản kê biên

1. Việc định giá tài sản đã kê biên được tiến hành tại trụ sở của tổ chức, nhà của cá nhân bị kê biên hoặc nơi lưu giữ tài sản bị kê biên (trừ trường hợp phải thành lập Hội đồng định giá).

2. Tài sản đã kê biên được định giá theo sự thỏa thuận giữa người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế với đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung. Thời hạn để các bên thỏa thuận về giá không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản được kê biên.

Đối với tài sản kê biên có giá trị dưới 1.000.000 đồng hoặc tài sản thuộc loại mau hỏng, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau về giá thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm định giá.

3. Trường hợp tài sản kê biên có giá trị từ 1.000.000 đồng trở lên thuộc loại khó định giá hoặc các bên không thỏa thuận được về giá thì trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra quyết định cưỡng chế đề nghị cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá, trong đó người đã ra quyết định cưỡng chế là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn liên quan là thành viên.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được thành lập, Hội đồng định giá phải tiến hành việc định giá. Đại diện tổ chức, cá nhân có tài sản bị kê biên được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định giá thuộc Hội đồng định giá.

Việc định giá tài sản dựa trên giá thị trường tại thời điểm định giá. Đối với tài sản mà nhà nước thống nhất quản lý giá thì việc định giá dựa trên cơ sở giá tài sản do nhà nước quy định.

4. Việc định giá tài sản phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm tiến hành định giá, thành phần những người tham gia định giá, tên và trị giá tài sản đã được định giá, chữ ký của các thành viên tham gia định giá và của chủ tài sản.

Điều 44. Thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá tài sản

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng định giá đối với những trường hợp việc cưỡng chế hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, cấp xã.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng định giá đối với những trường hợp việc cưỡng chế hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh.

3. Việc thành lập Hội đồng định giá ở các cơ quan Trung ương do Bộ trưởng Bộ chủ quản quyết định, sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan.

Điều 45. Nhiệm vụ của Hội đồng định giá

1. Nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức và nội dung cuộc họp Hội đồng định giá.

2. Chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho việc định giá.

3. Tiến hành định giá tài sản.

4. Lập biên bản định giá.

Điều 46. Chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá

1. Đối với tài sản bị kê biên để bán đấu giá, căn cứ vào giá trị tài sản được xác định theo quy định tại Điều 43 Nghị định này, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định kê biên, người chủ trì cưỡng chế ký hợp đồng bán đấu giá với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; doanh nghiệp bán đấu giá tài sản) để tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định.

2. Việc chuyển giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ: Ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao, người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng tài sản. Hồ sơ bàn giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: Quyết định cưỡng chế kê biên; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tài sản và biên bản bàn giao tài sản đó.

3. Trong trường hợp tài sản kê biên là hàng hóa cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc cơ quan tài chính cấp huyện không có nơi cất giữ tài sản thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tài sản đó. Chi phí cho việc thực hiện hợp đồng bảo quản được thanh toán từ số tiền bán đấu giá tài sản thu được sau khi bán đấu giá.

4. Khi tài sản kê biên đã được chuyển giao cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá thì thủ tục bán đấu giá tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về bán đấu giá tài sản.

5. Đối với tài sản thuộc sở hữu chung, khi bán đấu giá thì ưu tiên bán trước cho người đồng sở hữu.

6. Trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản nhiều hơn số tiền ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc cưỡng chế thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá, cơ quan thi hành biện pháp cưỡng chế kê biên bán đấu giá tài sản làm thủ tục trả lại phần chênh lệch cho tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế.

Điều 47. Chuyển giao quyền sở hữu tài sản

1. Người mua tài sản kê biên được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ chuyển quyền sở hữu gồm có:

a) Bản sao quyết định cưỡng chế hành chính bằng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá;

b) Biên bản bán đấu giá tài sản;

c) Các giấy tờ khác liên quan đến tài sản (nếu có).

MỤC 6. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP THU TIỀN, TÀI SẢN CỦA ĐỐI TƯỢNG CƯỠNG CHẾ DO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐANG GIỮ

Điều 48. Phạm vi áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ

Việc cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác (sau đây gọi là bên thứ ba) đang giữ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Cơ quan thuế không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 19 Nghị định này hoặc đã áp dụng các biện pháp trên nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt hoặc trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 19 Nghị định này.

2. Cơ quan thuế có căn cứ xác định bên thứ ba đang có khoản nợ hoặc giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế.

Điều 49. Nguyên tắc thu tiền, tài sản từ bên thứ ba đang giữ tài sản của đối tượng bị cưỡng chế

1. Bên thứ ba có khoản nợ đến hạn phải trả đối tượng bị cưỡng chế hoặc đang giữ tiền, tài sản, hàng hóa của đối tượng bị cưỡng chế.

2. Trường hợp tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ là đối tượng của các giao dịch bảo đảm hoặc thuộc trường hợp giải quyết phá sản thì việc thu tiền, tài sản từ bên thứ ba được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản và giao dịch bảo đảm.

3. Số tiền bên thứ ba nộp vào ngân sách nhà nước thay cho đối tượng bị cưỡng chế được xác định là số tiền đã thanh toán cho đối tượng bị cưỡng chế.

Căn cứ vào chứng từ thu tiền, tài sản của bên thứ ba, cơ quan có thẩm quyền thực hiện cưỡng chế thông báo cho đối tượng bị cưỡng chế và các cơ quan liên quan được biết.

Điều 50. Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ

1. Cơ quan thuế có văn bản yêu cầu bên thứ ba đang nắm giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế cung cấp thông tin về tiền, tài sản đang nắm giữ hoặc công nợ phải trả đối với đối tượng bị cưỡng chế. Trường hợp, bên thứ ba đang nắm giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế không thực hiện được thì phải có văn bản giải trình cơ quan thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thuế.

2. Trên cơ sở thông tin mà bên thứ ba đang nắm giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế cung cấp, cơ quan thuế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ hoặc công nợ phải trả đối với đối tượng bị cưỡng chế.

Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế phải được gửi ngay cho đối tượng bị cưỡng chế và bên thứ ba đang nắm giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế. Đồng thời, cơ quan thuế gửi văn bản yêu cầu bên thứ ba thực hiện quyết định cưỡng chế, kèm theo quyết định cưỡng chế. Bên thứ ba có trách nhiệm nộp tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt thay cho đối tượng bị cưỡng chế hoặc chuyển giao tài sản của đối tượng bị cưỡng chế cho cơ quan thuế để thực hiện kê biên tài sản. Việc kê biên tài sản thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này.

Cơ quan thuế có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.

Điều 51. Trách nhiệm của bên thứ ba đang có khoản nợ, đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế

1. Cung cấp cho cơ quan thuế thông tin về khoản nợ hoặc khoản tiền, tài sản đang giữ của đối tượng thuộc diện cưỡng chế, trong đó nêu rõ số lượng tiền, thời hạn thanh toán nợ, loại tài sản, số lượng tài sản, tình trạng tài sản.

2. Khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thuế, không được chuyển trả tiền, tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế cho đến khi thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc chuyển giao tài sản cho cơ quan thuế để làm thủ tục bán đấu giá.

3. Trong trường hợp không thực hiện được yêu cầu của cơ quan thuế thì phải có văn bản giải trình với cơ quan thuế trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thuế.

4. Tổ chức, cá nhân đang có khoản nợ hoặc giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế không thực hiện nộp thay số tiền thuế bị cưỡng chế trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thuế thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Khoản 1 Điều 93 của Luật quản lý thuế.

MỤC 7. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP HOẶC GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG, GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ

Điều 52. Đối tượng bị cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề

1. Biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Mục này được thực hiện khi cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 19 Nghị định nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt hoặc trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 19 Nghị định này.

2. Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Mục này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 53. Trình tự, thủ tục cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề

Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề đối với người nộp thuế thì cơ quan thuế phải gửi văn bản yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề trong vòng 03 (ba) ngày, kể từ ngày xác định đối tượng thuộc diện bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề phải ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề hoặc thông báo cho cơ quan thuế về việc không thu hồi.

Chương 3

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[4]

Điều 54. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2013.

2. Bãi bỏ các Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 và số 13/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

3. Áp dụng các quy định về xử phạt, hoãn, miễn, giảm tiền phạt và các quy định khác về xử phạt vi phạm hành chính về thuế có lợi đối với trường hợp vi phạm hành chính về thuế xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt còn khiếu nại thì được giải quyết theo quy định của pháp luật tại thời điểm hành vi vi phạm đã thực hiện.

Điều 55. Hướng dẫn, tổ chức thi hành

Bộ Tài chính hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này và phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân thực hiện, giám sát việc thực hiện Nghị định này.

Điều 56. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Vũ Thị Mai

 



[1] Văn bản này được hợp nhất từ 02 Nghị định sau:

- Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2013;

- Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Nghị định trên.

[2] Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế,”

[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

[4] Điều 5 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế quy định như sau:

“Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Khoản 2 Điều 3 của Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2016.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.”

MINISTRY OF FINANCE
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 16/VBHN-BTC

Hanoi, October 21, 2016

 

DECREE [1]

PENALTIES FOR TAX OFFENCES AND ENFORCEMENT OF ADMINISTRATIVE TAX DECISIONS

The Government's Decree No. 129/2013/NĐ-CP dated October 16, 2013 on administrative penalties for tax offences and enforcement of tax decisions, which comes into force from December 15, 2013, is amended by:

The Government's Decree No. 100/2016/NĐ-CP dated July 01, 2016 providing guidelines for the Law on amendments to the Law on Value-added tax, the Law on special excise duty and the Law on Tax administration, which comes into force from July 01, 2016.

Pursuant to the Law on Government organization dated December 25, 2001;

Pursuant to the Law on Actions against administrative penalties dated June 20, 2012;

Pursuant to the Law on Tax administration dated November 29, 2006;

Pursuant to the Law on the amendments to the Law on Tax administration dated November 20, 2012;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Government promulgates a Decree on administrative penalties for tax offences and enforcement of administrative tax decisions [2],

Chapter 1

ADMINISTRATIVE PENALTIES FOR TAX OFFENCES

SECTION 1. GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and subjects of administrative penalties for tax offences

1. Scope of regulation:

This Chapter provides for tax offences, penalties, remedial measures, the power to impose penalties and implement decisions on imposition of administrative penalties for tax offences.

Administrative tax offences include violations against the Law on Tax administration, the Law on the amendments to the Law on Tax administration (hereinafter referred to as the Law on Tax administration); taxes, land rents, water surface rents, land levy; revenues from mineral extractions and other government revenues collected by tax authorities as prescribed by law.

This Decree does not apply to administrative violations pertaining to fees, charges, invoices, and tax offences related to exports and imports.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Subjects of administrative penalties for tax offences

a) Taxpayers that commit administrative tax offences;

b) Credit institutions defined by the Law on credit institutions (hereinafter referred to as “credit institutions”) that commit administrative tax offences;

c) Relevant organizations and individuals;

Article 2. Statute of limitation

1. The time limit for imposing penalties for a violation against tax procedures is 02 years from the day on which the violation is committed. The day on which the violation is committed is the day succeeding the deadline for completion of tax procedures specified in the Law on Tax administration. For electronic tax procedures, the day on which the violation is committed is the day succeeding the deadline for completion of tax procedures specified by a competent authority.

2. The time limit for imposition of penalties for tax evasion that is not liable to criminal prosecutions, understatement of tax payable or overstatement of tax refund is 05 years from the day on which the violation is committed.

The day on which the aforesaid violation is committed is the day succeeding the deadline for submitting the tax return on which tax is overstated, evaded, falsified or the day succeeding the issuance date of the decision on tax refund, tax exemption or tax reduction.

3. Where an individual has been charged or prosecuted, or a decision to bring the individual to criminal proceedings has been issued and then a decision to suspend the investigation or the case is issued, tax offences are suspected, the authority that issued the decision to suspend the investigation or the case shall send the decision together with the case file to the authority authorized to impose penalties for tax offences within 03 days from the day on which the decision on suspension was issued. In this case, the time limit for penalty imposition shall comply with Clause 1 and Clause 2 of this Article. The period during which the case is examined is included to the time limit for imposing penalties for administrative violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



After the deadline for imposing penalties for administrative tax offences, the taxpayer will be exempt from penalties but still have to pay the outstanding tax and late payment interest accrued over the previous 10 years from the day on which the offence is discovered. The taxpayer that fails to apply for tax registration shall pay the outstanding tax and late payment interest accrued over the period before the offence is discovered.

Article 3. Penalties for administrative tax offences

1. Warnings.

A warning shall be given if the offence is not severe, under mitigating circumstances and is liable to receive a warning as prescribed.

2. Fines

a) For violations against tax procedures:

A fine of up to 200 million VND shall be imposed upon an organization that violates tax procedure. The maximum fine imposed upon an individual that violates tax procedures is 1/2 the maximum fine imposed upon an organization according to the Law on Actions against administrative violations.

The fines specified in Articles 5, 6, 7, 8 and 9 of this Decree are imposed upon organizations. The fines imposed upon individuals are 1/2 of those. Households shall incur the same level of fines as individuals.

When imposing a fine for a violation against tax procedure, it is the average level of the fine bracket for such violation. For every aggravating circumstance or mitigating circumstance, the average fine shall be respectively increased or decreased by 20%.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) For understatement of tax payable or overstatement of tax refund: a fine of 20% of the outstanding tax or tax refund shall be imposed, regardless the taxpayer is an organization or an individual.

c) For tax evasion: a fine of 1 - 3 times of the evaded tax shall be imposed. The fines specified in Article 11 of this Decree are imposed upon organizations. The fines imposed upon individuals are 1/2 of those.

d) A fine in proportion to the amount that is not transferred to government budget shall be imposed for the offences specified in Article 12 of this Decree.

Article 4. Cases in which penalties for administrative tax offences are exempt

1. The cases specified in Article 11 of the Law on Actions against administrative violations.

2. The taxpayer has corrected the misstatement and fully paid tax before the tax authority issues a decision on inspection visit.

SECTION 2. ADMINISTRATIVE TAX OFFENCES, PENALTIES, AND REMEDIAL MEASURES

Article 5. Penalties for late submission of the application for tax registration and late notification of changes in the application for tax registration

1. A warning shall be imposed for submitting the application for tax registration or notifying changes in the application for tax registration to the tax authority 01 - 10 days behind schedules with mitigating circumstances.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. A fine of from 800,000 VND to 2,000,000 VND shall be imposed for any of the offences below:

a) Submitting the application for tax registration or notifying changes in the application for tax registration more than 30 days behind schedule.

b) Failure to notify changes in the application for tax registration.

c) Failure to submit the application for tax registration without incurring tax.

Article 6. Penalties for providing insufficient information in the tax return

If the incorrect or insufficient provision of information in the tax return specified in Article 31 of the Law on Tax administration (unless the taxpayer is permitted to make a supplementary tax return) is discovered after the deadline for submitting the tax return:

1. A fine of from 400,000 VND to 1,000,000 VND shall be imposed for making a tax return with insufficient or incorrect information on the list of sale invoices for purchased/sold goods/services or on other documents related to tax liability.

2. A fine of from 600,000 VND to 1,500,000 VND shall be imposed for making a tax return with insufficient or incorrect information on invoices and other documents related to tax liability.

3. A fine of from 800,000 VND to 2,000,000 VND shall be imposed for making a tax return with insufficient or incorrect information on the tax return or annual tax return.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Commitment of the offences specified in Clause 5 Article 10 and Clause 7 Article 11 of this Decree;

b) Understatement of tax payable in the quarterly tax return before the deadline for submitting the annual tax return.

Article 7. Penalties for late submission of the tax return

1. A warning shall be given for late submission of the tax return 01 - 05 days behind schedule under mitigating circumstances.

2. A fine of from 400,000 VND to 1,000,000 VND shall be imposed for late submission of the application for tax registration 01 - 10 days behind schedule (except for the case specified in Clause 1 of this Article).

3. A fine of from 800,000 VND to 2,000,000 VND shall be imposed for late submission of the application for tax registration 10 - 20 days behind schedule.

4. A fine of from 1.200,000 VND to 3,000,000 VND shall be imposed for late submission of the application for tax registration 20 - 30 days behind schedule.

5. A fine of from 1,600,000 VND to 4,000,000 VND shall be imposed for late submission of the application for tax registration 30 - 40 days behind schedule.

6. A fine of from 2,000,000 VND to 5,000,000 VND shall be imposed for any of the offences below:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Submitting the tax return 90 days behind schedule without incurring tax;

c) Failure to submit the application for tax registration without incurring tax;

d) Submitting the quarterly tax return 90 days behind schedule before the deadline for submitting the annual tax return.

7. The deadline for submitting the tax return specified in this Article is the extended deadline specified in Article 33 of the Law on Tax administration.

8. The fines specified in this Article shall not apply to the cases in which the deadline for submitting the tax return or paying tax is extended as prescribed by tax administration laws.

9. Apart from incurring the penalties specified in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6 of this Article, the taxpayer shall pay a late payment interest if the late submission of the tax return leads to late payment of tax as prescribed by law.

Article 8. Penalties for violations against regulations on providing information related to the determination of tax liability

The violations against regulations on providing information related to the determination of tax liability that do not lead to insufficient tax payment or tax evasion shall incur the penalties below:

1. A fine of from 400,000 VND to 1,000,000 VND shall be imposed for any of the offences below:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Provision of information, documents, and accounting books related to tax calculation at the request of tax authority 05 working days behind schedule or more;

c) Provision of incorrect information, documents, and accounting books related to tax calculation at the request of the tax authority.

2. A fine of from 800,000 VND to 2,000,000 VND shall be imposed for any of the offences below:

a) Failure to provide adequate and correct information, documents, receipts, invoices, and accounting books related to tax calculation, the account numbers, deposit account balance to competent authorities on request.

b) Failure to provide adequate and correct data or information about the tax liability that must be registered that does not lead to reduction in tax liability;

a) Failure to provide adequate and correct information and documents related to the deposit accounts at credit institutions, State Treasuries, and debts owed by third parties within 03 working days from the day on which the request of the tax authority is received.

Article 9. Penalties for violations against regulations on implementation of decisions on tax inspections, enforcement of administrative tax decisions

1. A fine of from 800,000 VND to 2,000,000 VND shall be imposed for any of the offences below:

a) Refusal to receive the decision on inspection or enforcement of administrative tax decisions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Denying, delaying, avoiding providing documents, invoices, receipts, accounting books related to tax liability within 06 working hours since the receipt of the request from of the competent authority during the inspection visit;

d) Failure to provide accurate information, documents, accounting books related to tax liability at the request of the competent authority during the inspection visit.

2. A fine of from 2,000,000 VND to 5,000,000 VND shall be imposed for any of the offences below:

a) Failure to provide information, documents and accounting books related to determination of tax liability at the request of the competent authority during the inspection visit;

b) Failure to implement or to correctly implement the decision on sealing documents, safes, warehouses, materials, machinery, equipment, workshops which is the basis for verifying tax liability;

c) Breaking or changing the seal of the competent authority without permission;

d) Failure to sign the inspection record within 05 working days from the receipt of the inspection record;

dd) Failure to implement the verdict on tax inspection or decision on enforcement of administrative tax decisions given by the competent authority.

Article 10. Penalties for understatement of tax payable or overstatement of refundable tax

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The taxpayer understates the amount of tax payable or overstates the amount of tax refunded, exempted or reduced but the operations that incur tax are sufficiently recorded in accounting books, invoices and receipts;

b) The taxpayer mentioned in Point a Clause 1 of this Article has paid the outstanding tax when the understatement or overstatement is discovered by a competent authority before a tax offence record is made by the competent authority or a tax inspection record is made by the tax authority;

c) The false statement of the taxpayer has been confirmed and considered tax evasion by the tax inspector but it is the taxpayer’s first offence under mitigating circumstances and the taxpayer has voluntarily paid tax before a decision on penalties is issued by a competent authority. In this case, the tax authority shall make a record on insufficient tax declaration.

d) Illegal invoices and receipts are used for recording values of purchased goods and services in order to reduce the amount of tax payable or increase the amount of tax refunded, exempted or reduced but the buyer proves that the sellers are responsible for the use of illegal invoices and the purchases have been fully accounted for by the buyer.

2. The fine for any of the offences specified in Clause 1 of this Article is 20% of the outstanding tax, the excess refund, reduction, or exemption of tax as prescribed by tax laws.

3. The tax authority shall calculate outstanding tax, the number of days of late payment, late payment interest, fines and issue a decision on administrative penalties for tax offence.

4. In the cases specified in Clause 1 of this Article, the outstanding tax and late payment interest shall be paid to government budget in addition to the fines specified in Clause 2 of this Article.

5. In the cases where the taxpayer’s false statement does not lead to an increase in tax payable or a decrease in tax exempted or reduced, or tax has not been refunded, no penalty shall be imposed as prescribed in this Article and Clause 4 Article 6 of this Decree shall apply.

Article 11. Penalties for tax evasion and tax fraud

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A fine equal to the amount of tax evaded shall be imposed if tax evasion is the taxpayer’s first offence and does not fall within the cases specified in Article 10 of this Decree, or it is the taxpayer’s second offence under at least 02 mitigating circumstances when the taxpayer commits any of the following offences:

a) Failure to submit the application for tax registration; failure to submit the tax return or to submit the tax return within 90 days from the deadline for tax return submission specified in Clauses 1, 2, 3 and 5 Article 32 of the Law on Tax administration or from the extended deadline for tax return submission specified in Article 33 of the Law on Tax administration, except for the cases specified in Clause 6 Article 7 of this Decree;

b) Use of illegal or invalid invoices and documents in preparation of the tax return that results in a decrease in tax payable or an increase in the amount of tax refunded, exempted or reduced;

c) Making out false documents about the destruction of goods that results in a decrease in tax payable or an increase in the amount of tax refunded, exempted or reduced;

d) Issuance of sale invoices that contain incorrect quantities or values to understate tax;

dd) Failure to record the taxable revenues in accounting books; Failure to make statements or to make correct statements that results in a decrease in tax payable or an increase in the amount of tax refunded, exempted or reduced;

e) Failure to issue invoices when selling goods or services; writing lower values of goods than the actual values on invoices that are discovered after the deadline for tax return submission;

g) Using tax-free goods, goods eligible for tax exemption for improper purposes without reporting the change of their purposes and submitting a tax return to the tax authority;

h) Falsification or erasure he accounting books or accounting documents that results in a decrease in tax payable or an increase in the amount of tax exempted or reduced;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Use of illegal invoices and documents in other cases to miscalculate the amount of tax payable or refunded;

l) The taxpayer carries on his business during the suspension period.

2. A fine equal to 1.5 times the tax evaded shall be imposed if the taxpayer commits any of the offences specified in Clause 1 of this Article for the first time under an aggravating circumstance or commits it for the second time under a mitigating circumstance.

3. A fine equal to 2 times the tax evaded shall be imposed if the taxpayer commits any of the offences specified in Clause 1 of this Article for the second time without any mitigating circumstance or commits it for the third time under a mitigating circumstance.

4. A fine of equal to 2.5 times the tax evaded shall be imposed if the taxpayer commits any of the offences specified in Clause 1 of this Article for the second time under an aggravating circumstance or commits it for the third time without any mitigating circumstance.

5. A fine of equal to 3 times the tax evaded shall be imposed if the taxpayer commits any of the offences specified in Clause 1 of this Article for the second time under two aggravating circumstances or more, or commits it for the third time under an aggravating circumstance, or commit it for the fourth time onwards.

6. Apart from the penalties for tax evasion specified in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 of this Article, the evaded tax shall be paid without incurring late payment interest thereon.

The tax evaded is the amount of tax payable to government budget as prescribed by law, which is discovered a competent authority and specified in the inspection record.

7. If any of the offences specified in Points b, c, d, dd, e, g, h, i, k Clause 1 of this Article is discovered before the deadline for tax return submission or discovered thereafter but the amount of tax payable is not reduced, tax refund has not been given or the amount of tax eligible for refund or reduction is not increased, only the offences against tax procedures specified in Clause 4 Article 6 of this Decree shall be penalized.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A credit institution that fails to transfer tax, fines, interest on late payment of tax, interest on late payment of fines from the taxpayer’s account to the state account under the decision on enforcement made by the tax authority shall incur penalties if the account balance of the taxpayer is ample to pay such amounts at that time. Within 10 days from the deadline for making the transfer specified in Clause 2 Article 28 of this Decree, the tax authority shall make a record and issue a decision on penalty imposition. The fine is proportional to the amount of money that is not transferred to government budget specified in the decision on enforcement.

The credit institution is exempt from penalties in the cases specified in Point a Clause 1 Article 114 of the Law on Tax administration. In such cases, the tax authority still take measures for fully collecting tax, interest of late payment of tax, fine and interest on late payment of fine from the taxpayer.

Article 13. Penalties for administrative violations committed by relevant organizations and individuals

1. A fine of from 2,500,000 VND to 5,000,000 VND shall be imposed upon an individual, from 5,000,000 VND to 10,000,000 VND upon an organization that collaborates, conceals the tax evasion of the taxpayer, fails to implement the decision on enforcement (except for the failure to transfer money from the taxpayer’s account specified in Article 12 of this Decree). Criminal prosecution shall be initiated if signs of criminal offences are found.

2. An organization or individual that fails to provide information or provides insufficient information about tax payable by the taxpayer, the taxpayer’s account at credit institutions or State Treasuries shall face the penalties specified in Clause 1 of this Article.

3. [3] The guarantor shall pay tax, late payment interest, fines and interest on late payment of fines (if any) on the taxpayer behalf’s in accordance with the guarantee agreement if the taxpayer fails to pay them.

If the guarantor fails to pay outstanding tax, late payment interest, fines and interest on late payment of fines (if any) on the taxpayer behalf’s in accordance with the guarantee agreement when the taxpayer fails to pay or fully pay them by the deadline imposed by the tax authority, the guarantor shall pay an interest at 0.03% per day on the unpaid amounts and the payment of such amounts shall be enforced in accordance with Clause 3 Article 18 and Article 19 of this Decree. The procedures for taking enforcement measures against guarantors are similar to those applied to taxpayers.

SECTION 3. POWER TO IMPOSE PENALTIES, EXEMPT, REDUCE FINES FOR ADMINISTRATIVE TAX OFFENCES

Article 14. The power to impose penalties for administrative tax offences of tax authorities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Give warnings;

b) Impose fines of up to 1,000,000 VND for the violations pertaining to tax procedures specified in this Decree.

2. The leader of a tax team is entitled to:

a) Give warnings;

b) Impose fines of up to 5,000,000 VND for the violations pertaining to tax procedures specified in this Decree.

3. Directors of Sub-departments of taxation, within their districts, are entitled to:

a) Give warnings;

b) Impose fines of up to 5,000,000 VND for the violations specified in Articles 5, 6, 7, 8, 9 and 13 of this Decree;

c) Impose fines for the violations specified in Articles 10, 11 and 12 of this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Directors of Departments of taxation, within their provinces, are entitled to:

a) Give warnings;

b) Impose fines of up to 140,000,000 VND for the violations pertaining to tax procedures specified in Articles 5, 6, 7, 8, 9 and 13 of this Decree;

c) Impose fines for the violations specified in Articles 10, 11 and 12 of this Decree;

d) Take the remedial measures specified in Clause 4 Article 10 and Clause 6 Article 11 of this Decree.

5. The Director of the General Department of Taxation is entitled to:

a) Give warnings;

b) Impose fines of up to 200,000,000 VND for the violations pertaining to tax procedures specified in Articles 5, 6, 7, 8, 9 and 13 of this Decree;

c) Impose fines for the violations specified in Articles 10, 11 and 13 of this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The power to impose penalties for violations pertaining to tax procedure of the persons mentioned in Clauses 1, 2, 3, 4, and 5 of this Article is applied to violations committed by organizations. The level of fine they may impose on individuals is 1/2 of that applied to organizations. The power to impose penalties for understatement of tax payable or overstatement of tax refunded or tax evasion is specified in Clause 2 Article 109 of the Law on Tax administration.

Article 15. The power to impose penalties for administrative tax offences of Presidents of the People’s Committees

The power to impose penalties for administrative tax offences of Presidents of the People’s Committees shall comply with regulations of law on actions against administrative violations.

Article 16. Exemption, reduction of fines for administrative tax offences; exemption and reduction procedure

1. An individual that carries a fine from 3,000,000 VND or over for administrative tax offences is entitled to request a reduction or exemption of the fine if they face special or unexpected economic difficulties due to a natural disaster, conflagration, calamity, accident, epidemic or fatal disease.

The maximum reduction is the remaining fine in the decision on penalties and shall not exceed the value of damaged property, goods or treatment cost.

2. An application for fine exemption or reduction consists of:

a) A written request for fine exemption or reduction, specifying:

- The reasons for requesting the exemption or reduction;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The amount of fine incurred.

b) If the damage to property or disease treatment cost is covered by an insurer, the application must be enclosed with a notarized photocopy of the certification of insurance payout for damage or treatment cost prepared by the insurer.

c) A certification made by the People’s Committee of the commune where the taxpayer resides or where damaged property is located. In the cases where the offender is an individual who suffers from a fatal disease, it is required to have a certification of the medical facility and documents proving the treatment cost.

3. The procedures and power to decide fine exemption or reduction are specified in Clause 2 Article 77 of the Law on Actions against administrative violations.

4. No reduction of exemption shall be given if the decision on penalties for administrative tax offences has been implemented or the time limit for resolving complaints has expired as prescribed by law.

Chapter 2

ENFORCEMENT OF ADMINISTRATIVE TAX DECISIONS

SECTION 1. GENERAL PROVISIONS

Article 17. Scope and regulated entities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Chapter provides for cases of enforcement, measures for enforcement of administrative tax decisions, principles, power, procedure for taking measures for enforcement of administrative tax decisions (except for suspension of export and import procedures).

The enforcement specified in this Article is applied to administrative tax decisions, including: decision on penalties for administrative tax offences, decision on remedial measures, decisions on compensation for damage, and other administrative tax decisions as prescribed by law, notification on tax imposition, notification of outstanding tax, notification of interest on late payment of tax.

2. Regulated entities

a) The organizations and individuals against which enforcement measures are taken as prescribed by the Law on Tax administration;

b) Tax authorities and tax officials;

c) The persons authorized and having responsibility to enforce administrative tax decisions;

d) Regulatory bodies, organizations and individuals involved in enforcement of administrative tax decisions.

Article 18. Cases of enforcement of administrative tax decisions

1. The cases in which an administrative tax decision is enforced:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) A taxpayer that owes tax, interest on late payment of tax and fines is suspected of liquidating his/her property or making an escape;

c) A taxpayer fails to comply with the decision on penalty imposition within 10 days from the day on which the decision is received. If the taxpayer fails to implement the decision on penalty imposition within a time limit that is longer than 10 days, the decision shall be enforced (unless it is suspended).

2. A credit institution fails to comply with the decision on administrative penalties for tax offences according to the Law on Tax administration and the Law on Actions against administrative violations.

3. In the cases where guarantee for payment of tax, interest on late payment of tax, fines and interest on late payment of fines is offered and the taxpayer fails to pay them to government budget by the deadline, the guarantor shall make pay them on the taxpayer’s behalf. If those amounts are not fully paid after 90 days from the deadline, enforcement measure will be taken against the guarantor in accordance with the Law on Tax administration and the Law on Actions against administrative violations.

4. The State Treasury fails to transfer money from the account of the entity against which the enforcement measure is taken (hereinafter referred to as “subject”) to government budget under the decision on administrative penalties for tax offences issued by the tax authority.

5. A relevant organization or individual fails to comply with the decision on penalty imposition issued by a competent authority.

6. Where the tax authority issues a decision to allow the taxpayer to pay outstanding tax and fines by installments according to the decrees elaborating the implementation of the Law on Tax administration, the Law on the amendments to the Law on Tax administration, and Article 79 of the Law on Handling administrative violations, enforcement measures shall not be taken during the payment term.

Article 19. Enforcement measures

The measures for enforcing administrative tax decisions include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Deduction from the subject’s salary or income.

3. Invalidation of invoices.

4. Foreclosure of property and selling foreclosed property at auction to collect outstanding tax, interest on late payment of tax, fines, interest on late payment of fines.

5. Collection of the subject’s money or other property held by another organization or individual.

6. Revocation of the Certificate of Business registration, Certificate of Enterprise registration, license for establishment and operation or practice certificate.

7. The application for the enforcement measures specified in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6 is specified in Sections 2, 3, 4, 5, 6, and 7 of this Chapter. If a decision to take the next measure has been issued but the conditions for taking the previous measure are satisfied, the issuer of the enforcement decision is entitled to take the previous measure to collect tax and fines in full.

In the cases where a taxpayer that owes outstanding tax, interest on late payment of tax, fines, or interest on late payment of fines is suspected of making an escape or liquidating his/her property, the person authorized to issue the enforcement decision shall take appropriate enforcement measures to ensure payment of outstanding tax.

The Ministry of Finance shall specify the procedures and time limit for each enforcement measure, for identifying taxpayers suspected of making an escape or liquidating their property.

Article 20. Sources of money and foreclosed property of subjects that are organizations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 21. The power to decide enforcement of administrative tax decisions

The following persons are entitled to issue decisions on enforcement of administrative tax decisions specified in Article 19 of this Decree and are responsible for organizing the enforcement thereof:

1. Directors of Sub-departments of taxations, Directors of Departments of Taxation, the Director of the General Department of Taxation are entitled to decide enforcement of administrative tax decisions and take the enforcement measures specified in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 Article 19 of this Decree.

2. Presidents of the People’s Committees of districts and provinces are entitled to decide the enforcement of decision on penalties for administrative tax offences within their districts and provinces.

3. In the cases where an enforcement measure specified in Clause 6 Article 19 of this Decree is taken, the tax authority will request the agency that issued the Business certificates, Certificate of Business registration, license for establishment or practice certificate to revoke it.

Article 22. The power to decide enforcement of administrative tax decisions

1. The persons mentioned in Article 21 of this Decree are entitled to issue decision on enforcement of administrative tax decisions they issue or their inferiors issue without adequate resources to carry out and request the superior agency in writing to issue the decision on enforcement.

2. The Directors of Departments of Taxation shall issue enforcement decision if the subject is under the management of multiple sub-departments of taxation in the same province.

3. The Director of the General Department of Taxation shall issue the enforcement decision if the subject is under the management of multiple Departments of Taxation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The person that issues an enforcement decision is responsible for organizing the implementation thereof.

The person that issues an enforcement decision shall immediately send it to relevant organizations and individuals and organize the enforcement thereof.

2. The organization or individual that receives the enforcement decision shall implement it and pay the cost of enforcement.

3. The People’s Committee of the commune where the subject is situated shall direct relevant agencies to cooperate with the tax authority in the enforcement of administrative tax decisions.

4. The police are responsible for assurance of order, safety and shall cooperate with the tax authority during the enforcement at the request of the person that issues the enforcement decision.

5. The organizations and individuals related to the subject shall cooperate in the enforcement at the request of the person that issues the enforcement decision.

Article 24. Time limits for implementing enforcement decisions

1. An enforcement decision is effective for 01 year from its issuance date. He decisions on enforcement of administrative tax decisions by withdrawing money from the subject’s account are effective within 30 days from its issuance date.

2. If the subject deliberately avoids or delays the implementation of the enforcement decision, its effect will be reset on the day the avoidance or delay is stopped.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



SECTION 2. FORCIBLE WITHDRAWAL OF MONEY FROM TAXPAYER’S ACCOUNTS; REQUEST FOR ACCOUNT FREEZING

Article 25. Subjects

The organization or individual that fails to comply with the decisions on penalty imposition, decisions on remedial measures, other administrative tax decisions or fails to pay the enforcement cost shall have money withdrawn from their accounts at credit institutions and State Treasuries.

Article 26. Verifying information about subject’s accounts

1. The taxpayer shall notify the tax authority of the account numbers and the credit institutions and State Treasuries where their accounts are opened.

2. The person entitled to issue the decision to withdraw money from the subject’s accounts at credit institutions and State Treasuries are entitled to request credit institutions and State Treasuries in writing to provide information about the subject’s account numbers and balance.

The person entitled to issue the decision on enforcement is responsible for the confidentiality of the information about the subject’s accounts, which is provided by credit institutions and State Treasuries.

Article 27. Decision on forcible withdrawal of money

1. The decision on forcible withdrawal of money must specify its issuance date, its basis, full name and workplace of the decision issuer, the amount of money being withdrawn (written on the decision on administrative penalties and the cost of enforcement until the end of the 5-day time limit before the enforcement); the reasons for withdrawal; full name, tax identification number (TIN), account numbers, names and addresses of the credit institutions where the accounts are opened; state account numbers; names, addresses of State Treasuries where state accounts are opened, method of transfer; deadline for implementation; signature and seal of the issuer of the decision on enforcement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The decision on enforcement by withdrawing money from accounts shall be sent to the organization or individual whose money is withdrawn, the State Treasuries and credit institutions where the accounts are opened and relevant agencies at least 05 days before the enforcement.

Article 28. Responsibilities of State Treasuries and credit institutions where the subject’s accounts are opened

1. Provide necessary information about the numbers and balance of the subject’s accounts within 03 working days from the receipt of the request from the issuer of the decision on enforcement.

2. Transfer money to the state account at a State Treasury written in the decision on enforcement within 05 days from the day on which the decision on enforcement is received and notify the transfer to the agency that issued the decision on enforcement and the subject.

3. If the account balance is smaller than the amount payable, it is still transferred to the state account written in the decision on enforcement and the subject shall be notified of the transfer. The transfer shall be made without the consent of the subject.

4. The subject’s account shall be partially or fully frozen upon the receipt of the decision on enforcement (if the freezing is required by the decision on enforcement).

5. Notify the agency that issued the decision on enforcement of the expiration of the decision on enforcement while the subject’s account balance is not sufficient to implement the decision.

6. If money in the subject’s account is not transferred to government budget under the decision on enforcement, penalties for administrative tax offences shall be imposed as prescribed in Article 12 of this Decree.

Article 29. Procedures for collecting money by forcible withdrawal of money

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Ministry of Finance shall specify the time and procedures for taking the enforcement measure prescribed in this Section.

SECTION 3. FORCIBLE DEDUCTION FROM SALARIES OR INCOMES

Article 30. Subjects

The enforcement by deducting the subject’s salary or income is applied to the subjects that earn salaries or incomes paid by an organization (hereinafter referred to as “income manager”) as prescribed by law.

Article 31. Decision on forcible deduction from an individual’s salary or income

1. The decision on forcible deduction from an individual’s salary or income must specify its issuance date, name and address of the income manager; the deducted amount (written on the decision on penalties for administrative violations and enforcement cost, accrued at the end of the 5-day time limit before the enforcement), the reasons for deduction, name and address of the State Treasury to which money is transferred, the method of transfer, time of transfer; signature and seal of the decision issuer.

2. The decision on enforcement shall be sent to the individual or the income manager and relevant organizations at least 05 days before the enforcement.

Article 32. Level of deduction

1. Only the amount written in the administrative tax decision shall be deducted from the taxpayer’s salary or income.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 33. Obligations of the income manager

The income manager has the responsibility to:

1. Deduct the amount payable from the subject’s salary or income and transfer it to government budget in accordance with the decision on enforcement from the latest salary or income payment period until tax, interest on late payment of tax, fines, and interest on late payment of fines are fully paid according to the decision on enforcement, notify the transfer to the issuer of the decision on enforcement and the subject;

2. Deduct the amount payable from the subject’s salary or income and transfer it to government budget in accordance with the decision on enforcement, and notify the issuer of the decision on enforcement;

3. If the subject’s labor contract is before tax, interest on late payment of tax, fines and interest on late payment of fines are fully deducted from the salary, the employer will notify the issuer of the decision on enforcement within 05 working days from the termination date of the labor contract;

4. The income manager that deliberately avoids implementing the decision on enforcement shall face administrative penalties as prescribed in Article 13 of this Decree.

SECTION 4. ENFORCEMENT BY INVALIDATION OF INVOICES

Article 34. Subjects

Invoices shall be invalidated when all conditions below are satisfied:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The invoices are purchased from Departments of Taxation, or printed, ordered by the organization or individual; the electronic invoices of which the issuance has been announced.

Article 35. Decision on invoice invalidation

1. A decision on invoice invalidation must specify the date of the decision, basis for issuance of the decision, full name, position and workplace of the decision issuer; full name, residence address and office address of the subject, reasons for invoice invalidation, enforcement duration, the agency organizing the implementation of the decision on enforcement, cooperating agencies, signature of the decision issuer, seal of the agency that issues the decision.

2. The notice of invoice invalidation must specify the date of the notice, the basis for issuance of the notice, full name, position, and workplace of the notice issuer, full name, residence address and office address of the subject, tax code (if any); reasons for invoice invalidation, numbers of invalidated invoices.

Article 36. Procedures for invoice invalidation

1. The head of the tax authority shall notify the subject at least 03 working days before issuing the notice of invoice invalidation.

2. When taking this measure, the tax authority must issue a decision on enforcement and announce the numbers of invalidated invoices through mass media.

3. The tax authority shall announce the termination of this enforcement measure when the subject sufficiently pays the outstanding tax, interest on late payment of tax, fines, and interest on late payment of fines to government budget (unless the time limit for implementing the decision on enforcement is over according to Clause 1 Article 24 of this Decree).

4. In the cases where the customs authority requests the tax authority to issue a decision on enforcement by invoice invalidation, the tax authority shall follow the procedures specified in Clauses 1, 2, and 3 of this Article and send it to the customs authority. The customs authority shall immediately notify the tax authority when outstanding tax, interest on late payment of tax, fines, and interest on late payment of fines are fully collected for the tax authority to announce the termination of enforcement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



SECTION 5. FORECLOSURE OF PROPERTY, SALE OF FORECLOSED PROPERTY AT AUCTION

Article 37. Subjects

Organizations and individuals having their property foreclosed for sale at auction when they fail to voluntarily implement the administrative tax decisions or fail to pay the enforcement costs include:

1. Freelance workers without salary or income managers.

2. The organizations and individuals without accounts at credit institutions or whose account balance is not sufficient to deduct.

3. The organizations and individuals that are not subject to the enforcement measures specified in Clauses 1, 2, and 3, Article 19 of this Decree, or fines, interest on late payment of tax, fines and interest on late payment of fines are not fully collected after taking such measures, or in the cases in Clause 7 Article 19 of this Decree.

4. Property shall not be foreclosed if the taxpayer is an individual undergoing medical treatment at a legally established medical facility.

Article 38. The following types of property shall not be foreclosed

1. For individuals:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Drugs, food serving essential needs of the subject and his/her family;

c) Necessary working instruments as the primary or only means of subsistence of the subject and his/her family;

d) Clothes and primary appliances of the subject and his/her family;

dd) Objects of worship; relics, medals, certificates of merit.

2. For businesses:

a) Drugs, equipment, instruments and property that belong to medical facilities, unless they are for sale; food, instruments and property serving mid-shift meals of workers;

b) Kindergartens, schools and the equipment, instruments that belong to such facilities, unless they are for sale;

c) Equipment, instruments and tools for assurance of occupational safety, fire safety, and prevention of environmental pollution;

d) Infrastructure serving public interests, national defense and security;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Materials and semi-finished products in a closed production line.

3. For regulatory bodies, political organizations, socio-political organizations, socio-professional organizations (hereinafter referred to as agencies and organizations) that are funded by government budget, the property bought with government budget shall not be foreclosed. The agency or organization shall request competent authorities in writing to provide financial supports to implement the decision on enforcement.

In the cases where an organization earns incomes from other legitimate operations, the property bought with such incomes shall be foreclosed, except for:

a) Drugs, equipment, instruments and property that belong to medical facilities, unless they are for sale; food, instruments and property serving mid-shift meals of officials;

b) Kindergartens, schools and the equipment, instruments that belong to such facilities, unless they are for sale;

c) Equipment, instruments and tools for assurance of occupational safety, fire safety, and prevention of environmental pollution;

d) Office premises.

Article 39. Decision on property foreclosure

1. The decision on property foreclosure must specify its issuance date, basis for decision, full name, position and workplace of the decision issuer; full name, residence address, office address of the property owner; the amount of fines, location of foreclosure, signature of the decision issuer, seal of the agency that issues the decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 40. Procedures for property foreclosure

1. Property shall be foreclosure in daylight and during working hours.

2. The issuer of the decision or the person assigned to sign it shall organize the foreclosure.

3. The subject or an adult in his/her family, the representative of the organization that has its property foreclosed, the representative of the local government and witnesses must be present during the foreclosure.

If the individual or adult in his family is deliberately absent, the property foreclosure will be carried out at the presence of the representative of the local governments and the witnesses.

4. The subject is entitled to decide which property to be foreclosed first. The person that organizes the foreclosure must accept such request if it does not affect the foreclosure.

If the subject does not decide which property to be foreclosed first, the property under private ownership shall be foreclosed first.

5. The property under joint ownership of the subject and other people shall only be foreclosed if the subject has no private property or his private property is not sufficient to implement the decision on enforcement. If a piece of property is under dispute, it will still be foreclosed. The joint owners of such property shall be provided with information about their rights to file lawsuits.

The agency that carries out the foreclosure shall notify the joint owners of the time and location of foreclosure. If no lawsuit is filed after 03 months from the date of foreclosure, the foreclosed property shall be sold at auction as prescribed by regulations of law on property auction.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 41. Record on property foreclosure

1. The property foreclosure must be recorded in writing. The record on property foreclosure must specify the time and location of property foreclosure, the full name and position of the foreclosure organizer; the representative of the organization whose property is foreclosed, the individual whose property is foreclosed or his/her representative; the witnesses; the representative of the local governments (or the workplace of the individual); names, condition, and characteristics of all foreclosed property.

2. The foreclosure organizer, the representative of the organization whose property is foreclosed, the individual whose property is foreclosed or his/her representative; the witnesses, the representative of the local governments (or the workplace of the individual) shall sign the record. If one of them is absent or refuses to sign the record, the absence or refusal and its reasons must be written in the record.

3. The record on foreclosure shall be made into 02 copies. 01 copy is kept by the agency that issues the decision on enforcement, 01 copy is sent to the individual or organization whose property is foreclosed right after the record is made.

Article 42. Transfer of foreclosed property

1. The foreclosure organizer shall select one of the following methods to preserve the foreclosed property:

a) Request the subject or his/her family or property manager or user to preserve them;

b) Request one of the joint owners to preserve the property if it is under a joint ownership;

c) Request a capable organization or individual to preserve property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. When transferring foreclosed property, the foreclosure organizer shall make a record specifying: the date of transfer, full name of the organizer, representative of the subject, the person requested to preserve property; the witnesses; quantity and condition (quality) of property; rights and obligations of the person assigned to preserve property.

The foreclosure organizer, the person assigned to preserve property, the representative of the subject, and the witnesses shall sign the record. If one of them is absent or refuses to sign the record, the absence or refusal and its reasons must be written in the record.

Each copy of the record shall be kept by the foreclosure organizer, the person assigned to preserve property, the representative of the subject and the witnesses.

4. The person assigned to preserve the property shall have the preservation cost covered, except for the persons mentioned in Point a Clause 1 of this Article.

5. In the cases where the property is damaged, swapped, lost, or destroyed, the person assigned to preserve it shall pay damages and face penalties as prescribed in this Decree or face criminal prosecution as prescribed by criminal law.

Article 43. Valuation of foreclosed property

1. The foreclosed property shall be assessed at the office of the organization or house of the individual whose property is foreclosed, or where foreclosed property is kept (unless a valuation council has to be established).

2. The foreclosed property shall be assessed under an agreement between the organizer and the representative of the subject (and the joint owner, if any). The time limit for reaching a price agreement is 05 working days from the date of foreclosure.

If an agreement on the price of the foreclosed property that is assessed at under 1,000,000 VND or quickly degenerates cannot be reached, the issuer of the decision on enforcement shall impose the price.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Within 07 working days from the date of establishment, the valuation council shall carry out the valuation. The representative of the subject may offer opinions about the valuation, but the final decision shall be made by the valuation council.

Property shall be assessed according to current market prices at the time of valuation. The property whose prices are under the management of the State shall be assessed according to the prices imposed by the state.

4. The property valuation must be recorded in writing, specifying the time and location of valuation, participants in the valuation, names and values of the valuated property, signatures of the participants and property owners.

Article 44. Power to establish the valuation council

1. The President of the People’s Committee of the district shall decide the establishment of the valuation council if the administrative enforcement is within the competence of the government of the district or commune.

2. The President of the People’s Committee of the province shall decide the establishment of the valuation council if the administrative enforcement is within the competence of the provincial government.

3. The establishment of the valuation council at central agencies shall be decided by relevant Ministers, after reaching an agreement with the Minister of Finance and relevant Ministries.

Article 45. Tasks of the valuation council

1. Study and suggest the organization and contents of the valuation council’s meeting.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Carry out the valuation.

4. Prepare the valuation record.

Article 46. Transfer of foreclosed property for sale at auction

1. Within 03 days from the day on which the decision on foreclosure is issued, the organizer shall sign an auction contract with a professional auction organizer to sell the property at auction.

2. The transfer of the foreclosed property to the auction organizer must be recorded in writing. The record must specify: the date of transfer, the transferor, the transferee and their signatures; the quantity and condition of the property. The property transfer dossier consists of: the decision on property foreclosure, documents related to the legitimate right to ownership and right to enjoyment of the property (if any); the valuation record and transfer record.

3. If the foreclosed property is so bulky that the auction organizer cannot keep, a preservation contract may be signed with the place where the property is kept after the transfer is completed. The preservation cost shall be defrayed by the money collected from the sale of property at auction.

4. After the foreclosed property is transferred to the auction organizer, the auction shall be carried out in accordance with procedures for property auction prescribed by law.

5. If the property is under joint ownership, the joint owners shall be favored at the auction.

6. If the money collected from the auction is larger than the sum written in the decision on penalties and the enforcement cost, the difference shall be returned to the subject within 10 days from the date of auction.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The buyer of the foreclosed property will have the ownership of such property, which is recognized and protected by law.

2. A competent state authority shall carry out the procedures for transferring the ownership to the buyer as prescribed by law.

3. An ownership transfer dossier consists of:

a) A copy of the decision on property foreclosure.

b) The auction record;

c) Other papers related to the property (if any).

SECTION 6. ENFORCEMENT BY COLLECTING THE SUBJECT’S MONEY OR PROPERTY HELD BY THIRD PARTY

Article 48. Scope

The subject’s money or property held by a third party shall be collected when all the conditions below are satisfied:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The tax authority has evidence that a third party owes a debt to the subject or is holding the subject’s property or money.

Article 49. Rules for collecting the subject’s money or property held by the third party

1. The third party owes a due debt to the subject, or is holding the subject’s property or money.

2. If the subject’s money or property is held by a third party being a subject of secured transactions or bankruptcy, the money and property shall be collected from the third party in accordance with regulations of law on bankruptcy and secured transactions.

3. The amount of money paid to government budget by the third party on behalf of the subject is considered a payment on behalf of the subject.

The competent authority shall notify the subject and relevant agencies of such payment.

Article 50. Procedures for collecting the subject’s money/property held by the third party

1. The tax authority shall request the third party to provide information about such money/property or the debt owed to the subject. The third party shall submit a written explanation to the tax authority within 05 working days from the day on which the request of the tax authority is received if it fails to comply with the request.

2. Based on the information provided by the third party, the tax authority shall issue a decision to collect the subject’s money/property held by the third party or claim the debt owed to the subject.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The tax authority shall implement the decision on enforcement in accordance with Article 24 of this Decree.

Article 51. Responsibilities of the third party

1. Provide the tax authority with information about the debt owed to the subject or the subject's money/property they are holding, specifying the amount of money, the deadline for repaying debt, categories, quantity and condition of property.

2. Do not return the money/property to the subject when receiving the written request of the tax authority until money is transferred to government budget or the property is transferred to the tax authority for sale at auction.

3. The third party shall submit a written explanation to the tax authority within 05 working days from the day on which the request of the tax authority is received if it fails to comply with the request.

4. The third party that fails to pay tax on the subject’s behalf within 15 days from the receipt of the request from the tax authority shall face the enforcement measures specified in Clause 1 Article 93 of the Law on Tax administration.

SECTION 7. ENFORCEMENT BY REVOCATION OF THE CERTIFICATE OF BUSINESS REGISTRATION, CERTIFICATE OF ENTERPRISE REGISTRATION, LICENSE FOR ESTABLISHMENT AND OPERATION OR PRACTICE CERTIFICATE

Article 52. Subjects

1. This enforcement measure will be taken if the outstanding tax, interest on late payment of tax, fines, and interest on late payment of fines are not fully collected after the tax authority takes the enforcement measures in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 Article 19 of this Decree, or in the cases specified in Clause 7 Article 19 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 53. Procedures for revoking the Certificate of Business registration, Certificate of Enterprise registration, license for establishment and operation or practice certificate

The agency that issued the Certificate of Business registration, Certificate of Enterprise registration, license for establishment and operation or practice certificate shall be requested in writing by the tax authority to revoke it within 03 days from the day on which this enforcement measure is taken.

Within 10 days from the receipt of the aforementioned request, the certificate issuer shall issue a decision on revocation of the Certificate of Business registration, Certificate of Enterprise registration, license for establishment and operation or practice certificate, or notify the tax authority if they are not revoked.

Chapter 3

IMPLEMENTATION [4]

Article 54. Effect

1. This Decree comes into force from December 15, 2013.

2. The Government's Decree No. 98/2007/NĐ-CP dated June 7, 2007 and the Government's Decree No. 13/2009/NĐ-CP dated February 13, 2009 on penalties for tax offences and enforcement of administrative tax decisions are annulled.

3. The regulations on penalties, delay, exemption, reduction of fines, and other regulations on penalties for administrative tax offences that are favorable for the tax offences that are committed before this Decree takes effect and discovered afterwards shall be applied.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 55. Guidance on implementation

The Ministry of Finance shall provide guidance, organize the implementation of this Decree, and cooperate with other state agencies, political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations in disseminating and supervising the implementation of this Decree.

Article 56. Responsibility for the implementation

Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of the People’s Committees of central-affiliated cities and provinces, relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this Decree./.

 

 

CERTIFIED BY

DEPUTY MINISTER




Vu Thi Mai

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[1] This document is combined from:

- The Government's Decree No. 129/2013/NĐ-CP dated October 16, 2013 on administrative penalties for tax offences and enforcement of tax decisions, which comes into force from December 15, 2013:

- The Government's Decree No. 100/2016/NĐ-CP dated July 01, 2016 providing guidelines for the Law on amendments to the Law on Value-added tax, the Law on special excise duty and the Law on Tax administration, which comes into force from July 01, 2016.

This document does not supersede the aforementioned decrees.

[2] The Government's Decree No. 100/2016/NĐ-CP dated July 01, 2016 providing guidelines for the Law on amendments to the Law on Value-added tax, the Law on special excise duty and the Law on Tax administration was promulgated pursuant to:

The Law on Government organization dated December 25, 2001;

The Law on amendments to the Law on Value-added tax, the Law on special excise duty and the Law on Tax administration dated April 06, 2016;

[3] This Clause is amended by Article 4 of the Government's Decree No. 100/2016/NĐ-CP dated July 01, 2016 providing guidelines for the Law on amendments to the Law on Value-added tax, the Law on special excise duty and the Law on Tax administration, which comes into force from July 01, 2016.

[4] Article 5 of the Government's Decree No. 100/2016/NĐ-CP dated July 01, 2016 providing guidelines for the Law on amendments to the Law on Value-added tax, the Law on special excise duty and the Law on Tax administration stipulates that:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. This Decree comes into force from July 01, 2016, except for Clause 2 of this Article.

2. Clause 2 Article 3 of this Decree comes into force from September 01, 2016.

3. The Ministry of Finance shall provide guidance on implementation of this Decree.

4. Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of the People’s Committees of central-affiliated cities and provinces, relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this Decree./.”

 

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Integrated document 16/VBHN-BTC penalties for tax offences and enforcement of administrative tax decisions
Official number: 16/VBHN-BTC Legislation Type: Integrated document
Organization: The Ministry of Finance Signer: Vu Thi Mai
Issued Date: 21/10/2016 Integrated Date: Premium
Gazette dated: Updating Gazette number: Updating
Effect: Premium

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Integrated document No. 16/VBHN-BTC dated October 21, 2016, penalties for tax offences and enforcement of administrative tax decisions

Address: 17 Nguyen Gia Thieu street, Ward Vo Thi Sau, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Phone: (+84)28 3930 3279 (06 lines)
Email: inf[email protected]

Copyright© 2019 by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu

DMCA.com Protection Status