BỘ THÔNG TIN
VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
13/2020/TT-BTTTT
|
Hà Nội, ngày
03 tháng 7 năm 2020
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC XÁC ĐỊNH HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT SẢN PHẨM PHẦN MỀM
ĐÁP ỨNG QUY TRÌNH
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng
6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03
tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều
của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17
tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26
tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật
thuế thu nhập doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông
tin,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban
hành Thông tư quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng
quy trình.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc xác định hoạt động sản
xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập
doanh nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản
lý, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm phần
mềm thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền
thông.
Điều 3. Quy trình sản xuất sản
phẩm phần mềm
Các công đoạn trong quy trình sản xuất sản phẩm
phần mềm:
1. Xác định yêu cầu, bao gồm một hoặc nhiều tác
nghiệp như: đưa ra hoặc hoàn thiện ý tưởng về phát triển sản phẩm phần mềm; mô
tả các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm; đề xuất,
khảo sát, làm rõ yêu cầu đối với sản phẩm phần mềm; phân tích nghiệp vụ; xây dựng
yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm phần mềm; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống
nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu, khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự
tuân thủ yêu cầu của sản phẩm.
2. Phân tích và thiết kế, bao gồm một hoặc nhiều
tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu (yêu cầu thuộc chức năng và không thuộc chức
năng, các vấn đề cần được giải quyết); thiết lập bài toán phát triển; các kỹ
thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng đắn
và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần mềm
vào môi trường vận hành, các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được cập nhật
khi cần thiết; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng
thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế giải pháp, thiết kế hệ thống
phần mềm; thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc của phần mềm, thiết kế các đơn vị,
mô đun thành phần phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm;
thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng.
3. Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một hoặc nhiều
tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm;
chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp
hệ thống phần mềm.
4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một hoặc
nhiều tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô
đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức
năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; kiểm
thử bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; xác định thỏa mãn yêu cầu khách
hàng; nghiệm thu phần mềm.
5. Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm phần mềm bao gồm
một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả sản phẩm phần mềm, tài
liệu hướng dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), tài liệu
hướng dẫn sử dụng sản phẩm phần mềm (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ);
đóng gói sản phẩm phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo
trì, bảo hành sản phẩm phần mềm bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: chuyển
giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê); hướng
dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói); triển
khai cài đặt sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng trong trường hợp
chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ trong trường hợp cho
thuê sản phẩm phần mềm); đào tạo, hướng dẫn (người sử dụng hoặc người thuê dịch
vụ); kiểm tra sản phẩm phần mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ
thống cung cấp dịch vụ; sửa lỗi sản phẩm phần mềm sau bàn giao hoặc sản phẩm phần
mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; hỗ trợ sau bàn giao trong quá trình cho
thuê dịch vụ; bảo hành sản phẩm sau bàn giao hoặc trong quá trình cho thuê dịch
vụ; bảo trì sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng hoặc trên hệ thống
cung cấp dịch vụ).
7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm
một hoặc nhiều tác nghiệp như bán, cho thuê, phân phối, phát hành sản phẩm phần
mềm tự sản xuất.
Điều 4. Xác định hoạt động sản
xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình
1. Hoạt động sản xuất một sản phẩm phần mềm của
tổ chức, doanh nghiệp quy định tại Điều 3 Thông tư này được
xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình khi đối với
sản phẩm đó tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn:
Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế quy định tương ứng tại Khoản
1 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
2. Hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng
quy trình quy định tại Khoản 1 Điều này được thể hiện bằng một hoặc nhiều tài
liệu sau, tương ứng với từng tác nghiệp thuộc các công đoạn mà tổ chức, doanh
nghiệp đã thực hiện:
a) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công
đoạn Xác định yêu cầu: Mô tả ý tưởng về phương thức phát triển sản phẩm; mô tả
các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm; mô tả đề xuất,
kết quả khảo sát, kết quả làm rõ, hoàn chỉnh yêu cầu đối với sản phẩm; mô tả
phân tích chi tiết nghiệp vụ; mô tả yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm; mô tả
nội dung tư vấn điều chỉnh quy trình; biên bản thống nhất yêu cầu, xét duyệt
yêu cầu, mô tả khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự tuân thủ yêu cầu
của sản phẩm; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.
b) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công
đoạn Phân tích và thiết kế: Mô tả yêu cầu; mô tả bài toán phát triển; mô tả các
kỹ thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng
đắn và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần
mềm vào môi trường vận hành, liệt kê các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được
cập nhật khi cần thiết; mô tả mô hình dữ liệu, mô hình chức năng, mô hình luồng
thông tin; mô tả giải pháp phần mềm; thiết kế giải pháp, thiết kế hệ thống phần
mềm, thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc, thiết kế các đơn vị, mô đun thành phần
của phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; thiết kế giao
diện trải nghiệm khách hàng; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.
c) Tài liệu chứng minh tùng tác nghiệp của công
đoạn Lập trình, viết mã lệnh: Một số đoạn mã nguồn chính thể hiện doanh nghiệp
có viết mã lệnh phần mềm; mô tả hệ thống phần mềm đã được tích hợp; hoặc các
tài liệu có nội dung tương tự.
d) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công
đoạn Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm: Kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị,
mô đun phần mềm; mô tả kết quả thử nghiệm phần mềm, kết quả kiểm thử hệ thống
phần mềm, kết quả kiểm thử chức năng phần mềm, kết quả thẩm định chất lượng phần
mềm; mô tả đánh giá khả năng gây lỗi; mô tả kết quả kiểm thử bảo mật, an toàn
thông tin cho phần mềm; xác nhận phần mềm đáp ứng yêu cầu của khách hàng; biên
bản nghiệm thu phần mềm; hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.
đ) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công
đoạn Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm: Giới thiệu đầy đủ về sản phẩm phần mềm; hướng
dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), hướng dẫn sử dụng
sản phẩm sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch
vụ); bản sao chứng nhận đăng ký mẫu mã (nếu có); bản sao chứng nhận đăng ký quyền
sở hữu trí tuệ (nếu có); hoặc các tài liệu có nội dung tương tự.
e) Tài liệu chứng minh từng tác nghiệp của công
đoạn Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo hành, bảo trì sản phẩm: Biên
bản hoặc hợp đồng chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới
dạng cho thuê); hướng dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản
phẩm trọn gói); mô tả kết quả cài đặt sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của
khách hàng trong trường hợp chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch
vụ trong trường hợp cho thuê sản phẩm phần mềm); nội dung đào tạo, hướng dẫn
(người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); mô tả hoạt động kiểm tra sản phẩm phần
mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; mô
tả hoạt động sửa lỗi sản phẩm phần mềm sau bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên
hệ thống cung cấp dịch vụ; mô tả hoạt động hỗ trợ sau bàn giao trong quá trình
cho thuê dịch vụ; mô tả hoạt động bảo hành sản phẩm sau bàn giao hoặc trong quá
trình cho thuê dịch vụ; mô tả hoạt động bảo trì sản phẩm phần mềm (trên hệ thống
của khách hàng hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ).
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Vụ Công nghệ thông tin có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện Thông tư này.
b) Tổng hợp thông tin có liên quan từ tổ chức,
doanh nghiệp như quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này để phục vụ cho công tác
quản lý nhà nước.
2. Tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản
xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Thông tư này có trách nhiệm:
a) Tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các
thông tin trong hồ sơ đề xuất ưu đãi thuế cho hoạt động sản xuất phần mềm và tự
xác định hoạt động sản xuất phần mềm đáp ứng quy trình.
b) Gửi, cập nhật thông tin về sản phẩm phần mềm,
công đoạn trong hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình, mức thuế
được khấu trừ về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin) để tổng
hợp.
c) Đảm bảo các hoạt động sản xuất sản phẩm phần
mềm và các sản phẩm phần mềm của mình không vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ
và các quy định pháp luật liên quan khác.
Điều 6. Điều khoản chuyển tiếp
Các hoạt động sản xuất phần mềm đã được xác định
đáp ứng quy trình theo quy định trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực vẫn tiếp
tục được coi là đáp ứng quy trình sản xuất phần mềm cho đến khi hết thời hạn của
dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
19 tháng 8 năm 2020.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số
16/2014/TT-BTTTT ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy
định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng
mắc, các tổ chức, doanh nghiệp gửi văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ
Công nghệ thông tin) để được xử lý, giải quyết, hướng dẫn hoặc chỉnh sửa, bổ
sung cho phù hợp.
4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông
tin, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ
chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng
Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính);
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử;
- Ban Chỉ đạo CNTT của cơ quan Đảng;
- Bộ TT&TT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Cổng
thông tin điện tử của Bộ;
- Lưu: VT, CNTT.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|