BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
17/2014/TT-BNNPTNT
|
Hà Nội, ngày
20 tháng 6 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐỘNG VẬT THỦY SẢN
NUÔI
Căn cứ Luật Thủy sản năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm
2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày
15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh
Thú y; Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28/11/2008 của Chính phủ về việc bổ
sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày
26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn ban hành Thông tư quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản
nuôi.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về phòng, chống dịch bệnh
cho động vật thủy sản nuôi (sau đây gọi tắt là thủy sản).
2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân
trong nước, nước ngoài có hoạt động liên quan đến sản xuất, buôn bán, vận chuyển,
sơ chế, chế biến thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Cơ sở nuôi là nơi nuôi, giữ thủy sản
bao gồm một hoặc nhiều ao, đầm, hồ, lồng, bè và các loại hình nuôi khác của tổ
chức hoặc cá nhân.
2. Ổ dịch là cơ sở nuôi đang có thủy sản
mắc bệnh thuộc Danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch.
3. Vùng có dịch là vùng có nhiều ổ dịch
đã được cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản có thẩm quyền xác định.
4. Bệnh mới là bệnh thủy sản mới xuất hiện
ở Việt Nam, chưa có trong Danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch, có khả
năng lây lan nhanh trên phạm vi rộng, gây chết nhiều thủy sản.
5. Thủy sản mắc bệnh là thủy sản nhiễm mầm
bệnh và có triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh đó.
6. Thủy sản nghi mắc bệnh là thủy sản có
triệu chứng, bệnh tích của bệnh ở trong ổ dịch nhưng chưa xác định được mầm bệnh
hoặc ở cơ sở nuôi khác nằm trong vùng có dịch mà chưa có biểu hiện triệu chứng
của bệnh.
7. Thủy sản nhiễm bệnh là thủy sản có biểu
hiện khác thường nhưng chưa có triệu chứng điển hình của bệnh.
8. Thủy sản nghi nhiễm bệnh là thủy sản dễ
nhiễm bệnh sống trong cùng một vùng nước với thủy sản nhiễm bệnh hoặc thủy sản
nghi mắc bệnh.
Điều 3. Nguyên tắc phòng, chống
và báo cáo dịch bệnh thủy sản
1. Phòng bệnh là chính, dựa trên cơ sở quan trắc
môi trường, giám sát dịch bệnh kết hợp với thông tin, tuyên truyền về phòng, chống
dịch bệnh.
2. Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh phải đảm
bảo chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả.
3. Việc thu thập, lưu trữ, báo cáo thông tin dịch
bệnh và diện tích nuôi trồng thủy sản phải được thực hiện kịp thời, chính xác
và đầy đủ theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Điều 4. Chế độ báo cáo dịch
bệnh
1. Báo cáo đột xuất ổ dịch:
a) Chủ cơ sở nuôi, người phát hiện thủy sản mắc
bệnh, nghi mắc bệnh thuộc Danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch hoặc bệnh
mới phải báo cáo người phụ trách công tác thú y xã, phường, thị trấn (sau đây gọi
chung là người phụ trách công tác thú y cấp xã) và Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc
cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản nơi gần nhất;
b) Người phụ trách công tác thú y cấp xã có
trách nhiệm đến nơi có thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh để xác định thông tin
và báo cáo cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản cấp huyện, thị xã, thành phố trực
thuộc tỉnh (sau đây gọi là Trạm Thú y) và Ủy ban nhân dân cấp xã;
c) Trạm Thú y báo cáo Chi cục Thú y hoặc cơ quan
chuyên ngành thú y thủy sản cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây
gọi là Chi cục Thú y) và Ủy ban nhân dân cấp huyện;
d) Chi cục Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y;
đ) Cơ quan Thú y vùng: báo cáo cho Cục Thú y;
e) Cục Thú y báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về diễn biến ổ dịch;
g) Báo cáo về ổ dịch hoặc bệnh mới của tổ chức,
cá nhân được quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e của khoản này phải được thực hiện
trong vòng 48 giờ đối với các xã vùng đồng bằng hoặc 72 giờ đối với các xã vùng
sâu, vùng xa, khi dịch xảy ra ở phạm vi rộng, kể từ khi phát hiện hoặc nhận được
thông tin thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
2. Báo cáo cập nhật tình hình dịch:
a) Báo cáo cập nhật tình hình dịch được áp dụng
đối với ổ dịch đã được Chi cục Thú y xác nhận;
b) Báo cáo phải được thực hiện trước 16:00 giờ
hàng ngày cho đến khi kết thúc đợt dịch, kể cả ngày lễ, tết và ngày nghỉ;
c) Trạm Thú y báo cáo Chi cục Thú y và Ủy ban
nhân dân cấp huyện;
d) Chi cục Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y.
3. Báo cáo điều tra ổ dịch:
a) Báo cáo điều tra ổ dịch được áp dụng trong trường
hợp ổ dịch đã được cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản có thẩm quyền xác định
là bệnh thuộc Danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch hoặc bệnh mới;
b) Nội dung báo cáo điều tra ổ dịch và thu thập
các thông tin được thực hiện theo biểu mẫu;
c) Chi cục Thú y có trách nhiệm báo cáo kết quả điều
tra ổ dịch cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục
Thú y trong vòng 07 (bảy) ngày kể từ khi kết thúc điều tra ổ dịch.
4. Báo cáo kết thúc ổ dịch: trong vòng 07 (bảy)
ngày kể từ khi kết thúc ổ dịch theo quy định của pháp luật, Chi cục Thú y có
trách nhiệm báo cáo tổng kết ổ dịch, đánh giá kết quả phòng, chống dịch bệnh.
5. Báo cáo bệnh mới:
a) Chi cục Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y về diễn biến lây lan dịch bệnh;
b) Cục Thú y báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về diễn biến tình hình dịch bệnh.
6. Báo cáo định kỳ:
a) Báo cáo tháng: số liệu tổng hợp để báo cáo được
tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng. Báo cáo phải được thực hiện dưới
hình thức văn bản và file điện tử, cụ thể như sau: Trạm Thú y báo cáo Chi cục
Thú y trước ngày 10 của tháng tiếp theo; Chi cục Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y trước ngày 15 của
tháng tiếp theo;
b) Báo cáo quý được thực hiện trong tuần đầu
tiên của quý tiếp theo;
c) Báo cáo 06 (sáu) tháng đầu năm được thực hiện
trước ngày 15 tháng 7;
d) Báo cáo năm được thực hiện trước ngày 15
tháng 01 của năm tiếp theo;
đ) Nội dung báo cáo định kỳ được thực hiện theo
biểu mẫu do Cục Thú y ban hành, bao gồm: dịch bệnh (phải được phân tích theo
không gian, thời gian và đối tượng mắc bệnh: chi tiết theo từng bệnh và đối tượng
nuôi cụ thể), nhận định tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch đã
triển khai, những tồn tại, khó khăn, các biện pháp sẽ thực hiện, đề xuất và kiến
nghị.
7. Báo cáo kết quả giám sát dịch bệnh:
a) Chi cục Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y kết quả giám sát, dự báo dịch
bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh của địa phương;
b) Cục Thú y báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn kết quả giám sát, dự báo dịch bệnh và các biện pháp phòng
chống dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc;
c) Thời điểm báo cáo kết quả giám sát dịch bệnh
trong vòng 10 (mười) ngày, kể từ thời điểm kết thúc chương trình giám sát.
Chương II
PHÒNG BỆNH
Điều 5. Xây dựng và triển
khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản
Hàng năm, Chi cục Thú y chủ trì và phối hợp với
các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy
sản theo các bước sau:
1. Đánh giá hiện trạng nuôi trồng thủy sản của địa
phương trong năm.
2. Phân tích kết quả giám sát dịch bệnh thủy sản
của năm trước và tổ chức điều tra bổ sung ở các cơ sở sản xuất thủy sản giống,
cơ sở nuôi thủy sản (nếu cần) phục vụ cho việc lập kế hoạch cho năm tiếp theo.
3. Phân tích, đánh giá kết quả quan trắc, cảnh bảo
môi trường; các nguồn nước chính cung cấp cho vùng nuôi, thời điểm thường xuất
hiện bệnh dịch hàng năm để xác định vị trí, thời gian thu mẫu thủy lý, thủy hóa
và mẫu vi sinh vật, các vật chủ trung gian; các yếu tố nguy cơ liên quan đến
quá trình phát sinh, lây lan dịch bệnh thủy sản ở địa phương; các chỉ tiêu dịch
tễ và chỉ tiêu liên quan cần xét nghiệm nhằm xác định mức độ nguy cơ phát sinh,
dự báo khả năng phát sinh, lây lan dịch bệnh thủy sản tại địa phương.
4. Xác định các nguồn lực cần thiết, bao gồm:
nhân lực, vật lực, tài chính để triển khai các biện pháp phòng, chống, hỗ trợ
chủ cơ sở nuôi giám sát môi trường, dịch bệnh, cả khi dịch bệnh xảy ra nhưng
chưa đủ điều kiện công bố dịch và khi công bố dịch.
5. Căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt
Nam về giám sát, điều tra dịch bệnh, điều kiện vệ sinh môi trường nuôi trồng thủy
sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, nuôi trồng thủy sản để đề xuất các chỉ
tiêu, tần suất, vị trí thu mẫu, số lượng mẫu thủy sản, môi trường.
6. Xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh với
các nội dung theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
7. Báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn để Sở trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch
bệnh thủy sản.
8. Tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch
bệnh thủy sản được phê duyệt.
9. Gửi Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản
đã được phê duyệt đến Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y để phối hợp chỉ đạo và
giám sát thực hiện.
10. Trong trường hợp có điều chỉnh Kế hoạch, Chi
cục Thú y gửi Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản đã được điều chỉnh đến
Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y.
Điều 6. Nội dung Kế hoạch
phòng, chống dịch bệnh thủy sản
1. Quan trắc môi trường: các chỉ tiêu thủy lý,
thủy hóa, tần suất, số lượng mẫu và vị trí lấy mẫu để phân tích.
2. Giám sát dịch bệnh gồm các nội dung: loài thủy
sản được giám sát, địa điểm, thời gian, tần suất lấy mẫu, loại mẫu thủy sản, mẫu
môi trường, số lượng mẫu, các thông tin liên quan và mầm bệnh cần xác định; khi
có dịch bệnh xảy ra hoặc khi môi trường biến động bất thường cần phải lấy mẫu bệnh
phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.
3. Điều tra ổ dịch và các biện pháp chống dịch.
4. Dự trù về vật tư, hóa chất, kinh phí và nguồn
nhân lực để triển khai các biện pháp phòng, chống, bao gồm hỗ trợ cho chủ cơ sở
nuôi khi công bố dịch và cả khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố
dịch ở địa phương.
5. Dự trù các trang thiết bị cần đầu tư, bổ
sung, hiệu chỉnh để phục vụ công tác chẩn đoán xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ
dịch, xây dựng bản đồ dịch tễ và phân tích số liệu.
6. Thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho người
nuôi trồng thủy sản, người phụ trách công tác thú y cấp xã về chủ trương, chính
sách, các quy định của nhà nước, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành
thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản.
7. Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị
có liên quan để triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Điều 7. Giám sát dịch bệnh
thủy sản
1. Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê
duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát dịch bệnh thủy sản trên phạm
vi toàn quốc.
2. Chi cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan xây dựng và báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Sở
trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện các Chương trình
giám sát dịch bệnh thủy sản ở phạm vi địa phương như sau:
a) Chỉ đạo Trạm Thú y và người phụ trách công
tác thú y cấp xã phối hợp với các đơn vị có liên quan để xây dựng, trình ban
hành và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát, bao gồm cả việc lấy mẫu thủy sản
xét nghiệm định kỳ và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường;
b) Đối với các chỉ tiêu môi trường được kiểm tra
tại cơ sở nuôi, cán bộ thú y thực hiện ghi chép, lưu trữ kết quả và báo cáo cho
Trạm Thú y;
c) Đối với các chỉ tiêu môi trường và bệnh chưa
xác định được nguyên nhân, Trạm Thú y tiến hành lấy mẫu, bảo quản và gửi đến
phòng thử nghiệm của Chi cục Thú y;
d) Đối với các chỉ tiêu chưa đủ năng lực xét
nghiệm, Chi cục Thú y gửi mẫu đến phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y hoặc phòng
thử nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định (sau đây gọi
chung là phòng thử nghiệm được chỉ định);
đ) Ngay sau khi nhận được kết quả phân tích, xét
nghiệm, Chi cục Thú y thông báo kết quả kèm theo hướng dẫn cụ thể các biện pháp
phòng bệnh để chủ cơ sở nuôi thực hiện;
e) Báo cáo kết quả giám sát về Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y để phân tích và định hướng
trong công tác phòng dịch bệnh thủy sản theo quy định tại khoản
7 Điều 4 của Thông tư này.
Điều 8. Thông tin, tuyên
truyền, tập huấn về phòng bệnh thủy sản
Thông tin, tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống
dịch bệnh thủy sản phải đảm bảo những nội dung sau:
1. Đối tượng: tổ chức, cá nhân có hoạt động liên
quan đến quan trắc cảnh báo môi trường, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sơ chế,
chế biến thủy sản, phòng chống dịch bệnh.
2. Nội dung: chủ trương, chính sách, các quy định
của pháp luật, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản.
3. Hình thức: bằng một hoặc nhiều hình thức khác
nhau nhưng phải đảm bảo thường xuyên, nhanh chóng và hiệu quả.
4. Thời điểm: việc tuyên truyền phải được thực
hiện trước mùa vụ nuôi và khi có dịch bệnh xuất hiện.
5. Trách nhiệm:
a) Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy
sản xây dựng và hướng dẫn triển khai các chương trình, kế hoạch về thông tin,
tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên phạm vi toàn quốc;
b) Chi cục Thú y xây dựng và triển khai các chương
trình, kế hoạch về thông tin, tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh
thủy sản ở phạm vi địa phương.
Điều 9. Trách nhiệm của chủ
cơ sở
1. Chủ cơ sở sản xuất giống thủy sản có trách
nhiệm:
a) Tuân thủ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản của
địa phương, các quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về sản xuất giống
thủy sản;
b) Nguồn nước phải được xử lý diệt tạp, mầm bệnh
trước khi đưa vào sản xuất;
c) Hệ thống nuôi đảm bảo việc vệ sinh, khử
trùng dễ dàng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; có hệ thống cấp thoát
nước riêng biệt; nước thải, chất thải phải xử lý đạt yêu cầu trước khi xả thải;
d) Sử dụng giống thủy sản bố mẹ có nguồn gốc rõ
ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp. Khi phát hiện
giống thủy sản bố mẹ có dấu hiệu bất thường, nghi nhiễm bệnh phải nuôi cách ly,
giám sát chặt chẽ và không cho sinh sản;
đ) Sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc,
hóa chất thuộc Danh mục được phép sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam. Đối
với thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch
bệnh và bảo vệ môi trường;
e) Quản lý môi trường và áp dụng các biện pháp kỹ
thuật về phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản,
nuôi trồng thủy sản trong quá trình sản xuất;
g) Có quy trình kiểm soát an toàn sinh học để đảm
bảo giống sạch bệnh;
h) Ghi chép quá trình sản xuất giống thủy sản
theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản.
2. Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm:
a) Tuân thủ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản và
thực hiện đúng lịch thả nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng
thủy sản địa phương;
b) Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về chuẩn bị
cơ sở nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe thủy sản;
c) Sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc,
hóa chất thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Đối với thức ăn tự
chế, thức ăn tươi sống phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và bảo
vệ môi trường;
d) Thiết kế hệ thống nuôi trồng thủy sản đảm
bảo vệ sinh, khử trùng dễ dàng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả;
đ) Quản lý môi trường và áp dụng các biện pháp kỹ
thuật về phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản,
nuôi trồng thủy sản trong quá trình nuôi;
e) Ghi chép đầy đủ quá trình chăm sóc, nuôi trồng
thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản;
g) Phải có khu xử lý chất thải, nước thải. Khi
thủy sản nuôi bị mắc bệnh phải xử lý nước, chất thải trong cơ sở nuôi đảm bảo
tiêu diệt hết mầm bệnh trước khi xả ra môi trường.
3. Đối với cơ sở nuôi lồng, bè, giá treo, bãi
triều, chủ cơ sở thực hiện các quy định tại điểm b, c, d, đ và e khoản 2 Điều
này và các quy định sau:
a) Bố trí lồng, bè, giá treo, bãi triều tại các
khu vực được quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép;
b) Mật độ lồng, bè, giá treo phải theo hướng dẫn
của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản có thẩm quyền;
c) Thường xuyên kiểm tra thủy sản nuôi về màu sắc,
sinh vật bám, các dấu hiệu bệnh lý, bất thường. Khi phát hiện thủy sản mắc bệnh,
nghi mắc bệnh phải cách ly, xử lý và thông báo cho các hộ nuôi xung quanh và
người phụ trách công tác thú y cấp xã để kịp thời xử lý, thu hoạch khi cần thiết
theo quy định tại Điều 16 của Thông tư này;
d) Định kỳ kiểm tra, vệ sinh, tiêu độc khử trùng
dụng cụ nuôi;
đ) Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp theo hướng dẫn của
cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản.
4. Chủ cơ sở buôn bán, vận chuyển thủy sản có
trách nhiệm:
a) Sử dụng phương tiện, dụng cụ chứa đựng,
phương pháp lưu giữ, vận chuyển phù hợp;
b) Vận chuyển giống thủy sản phải có giấy chứng
nhận kiểm dịch do cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản có thẩm quyền cấp;
c) Hệ thống lưu giữ, phương tiện vận chuyển thủy
sản phải đảm bảo vệ sinh thú y, khử trùng trước và sau khi sử dụng; nước thải,
chất thải phải được xử lý đạt yêu cầu trước khi xả thải.
Chương III
CHỐNG DỊCH BỆNH
Điều 10. Khai báo dịch bệnh
1. Chủ cơ sở nuôi, người phát hiện thủy sản mắc
bệnh, chết do bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh thuộc Danh mục các bệnh thủy sản phải
công bố dịch hoặc bệnh mới có trách nhiệm báo cho cơ quan có thẩm quyền theo
quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.
2. Trong trường hợp dịch bệnh lây lan nhanh trên
phạm vi rộng, gây chết nhiều thủy sản, chủ cơ sở nuôi, người phát hiện thủy sản
mắc bệnh, người phụ trách công tác thú y cấp xã, Trạm Thú y có thể báo cáo vượt
cấp lên chính quyền và các Chi cục Thú y, Cục Thú y để kịp thời tổ chức chống dịch.
Điều 11. Điều tra ổ dịch
1. Nguyên tắc điều tra ổ dịch:
a) Điều tra ổ dịch phải được thực hiện trong
vòng 03 (ba) ngày kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông tin thủy sản mắc bệnh,
nghi mắc bệnh nhằm tìm ra tác nhân gây bệnh và các yếu tố làm dịch bệnh lây
lan;
b) Thông tin về ổ dịch phải được thu thập chi tiết,
đầy đủ, chính xác và kịp thời;
c) Trước khi điều tra phải thu thập đầy đủ thông
tin về môi trường nuôi, dịch bệnh; nguyên vật liệu, dụng cụ, trang thiết bị,
hoá chất cần thiết cho điều tra ổ dịch; dụng cụ lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu;
các quy định hiện hành về phòng chống dịch bệnh; nguồn nhân lực, vật lực, tài
chính cần thiết và các trang thiết bị bảo hộ; biểu mẫu, dụng cụ thu thập thông
tin.
2. Nội dung điều tra ổ dịch:
a) Thu thập thông tin ban đầu về các chỉ tiêu
quan trắc môi trường thời gian trước và trong thời gian xảy ra dịch bệnh; ổ dịch,
xác định các đặc điểm dịch tễ cơ bản và sự tồn tại của ổ dịch; truy xuất nguồn
gốc ổ dịch;
b) Thẩm tra và hoàn thiện thông tin về ổ dịch tại
cơ sở có thủy sản mắc bệnh, bao gồm: kiểm tra, đối chiếu với những thông tin được
báo cáo trước đó; các chỉ tiêu, biến động môi trường (nếu có); kiểm tra lâm
sàng, số lượng, loài, lứa tuổi, ngày phát hiện thủy sản mắc bệnh; diện tích thủy
sản mắc bệnh, diện tích thả nuôi; thuốc, hóa chất đã được sử dụng; hình thức
nuôi, quan sát diễn biến tại nơi có dịch bệnh thủy sản;
c) Mô tả diễn biến của ổ dịch theo thời gian, địa
điểm, thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh và đánh giá sơ bộ về nguyên nhân ổ dịch;
d) Đề xuất tiến hành nghiên cứu các yếu tố nguy
cơ;
đ) Tổng hợp, phân tích, đánh giá và đưa ra chẩn
đoán xác định ổ dịch, xác định dịch bệnh, phương thức lây lan;
e) Báo cáo kết quả điều tra ổ dịch, nhận định, dự
báo tình hình dịch bệnh trong thời gian tiếp theo, đề xuất các biện pháp phòng,
chống dịch.
3. Trách nhiệm điều tra ổ dịch:
a) Người phụ trách công tác thú y cấp xã có
trách nhiệm đến cơ sở nuôi có thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh để xác định
thông tin và báo cáo theo biểu mẫu; đồng thời báo cáo tình hình dịch bệnh theo
quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư này;
b) Trạm Thú y cử cán bộ đến cơ sở nuôi có thủy sản
mắc bệnh, nghi mắc bệnh để hướng dẫn xử lý ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, xác minh
nguồn gốc dịch bệnh và báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư này;
c) Chi cục Thú y thực hiện điều tra theo các
nguyên tắc và nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; xét nghiệm mẫu
theo quy định tại Điều 12 và báo cáo tình hình dịch bệnh
theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư này;
d) Cơ quan Thú y vùng hướng dẫn, hỗ trợ Chi cục
Thú y thực hiện điều tra ổ dịch;
đ) Cục Thú y chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc điều
tra ổ dịch của Chi cục Thú y. Trong trường hợp Chi cục Thú y cung cấp thông tin
không rõ ràng hoặc triển khai các bước điều tra ổ dịch chưa đạt yêu cầu hoặc ổ
dịch có diễn biến phức tạp, Cục Thú y tiến hành điều tra ổ dịch.
Điều 12. Lấy mẫu, chẩn
đoán, xét nghiệm xác định mầm bệnh
1. Cơ quan chịu trách nhiệm điều tra ổ dịch trực
tiếp lấy mẫu để xét nghiệm xác định mầm bệnh. Mẫu bệnh phẩm phải được gửi đến
phòng thử nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định trong
vòng 01 (một) ngày kể từ khi kết thúc việc lấy mẫu.
2. Trong vòng 07 (bảy) ngày kể từ khi nhận được
mẫu, phòng thử nghiệm được chỉ định có trách nhiệm chẩn đoán, xét nghiệm và trả
lời kết quả cho cơ quan gửi mẫu. Trường hợp chưa xác định được mầm bệnh thì cần
thông báo cho cơ quan gửi mẫu.
3. Trong trường hợp chưa chẩn đoán xác định được
mầm bệnh, phòng thử nghiệm được chỉ định có trách nhiệm phối hợp với các phòng thử
nghiệm khác để thực hiện hoặc báo cáo Cục Thú y để chỉ đạo, hướng dẫn chẩn đoán
xác định mầm bệnh.
4. Trường hợp mẫu bệnh phẩm chưa đạt yêu cầu về
số lượng, chất lượng, phòng thử nghiệm được chỉ định trực tiếp hoặc yêu cầu cơ quan
lấy mẫu lại, lấy mẫu bổ sung để chẩn đoán xét nghiệm.
5. Trong cùng một xã và trong cùng giai đoạn có
dịch bệnh, khi đã có kết quả xét nghiệm cho những ổ dịch đầu tiên, không nhất
thiết phải lấy mẫu xét nghiệm ở những ổ dịch tiếp theo. Kết luận về các ổ dịch
tiếp theo được dựa vào dấu hiệu lâm sàng của thủy sản mắc bệnh, môi trường nước
nuôi.
Điều 13. Điều kiện và thẩm
quyền công bố dịch
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công bố dịch
bệnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có ổ dịch bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải
công bố dịch xảy ra và đang có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng.
b) Có báo cáo bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp huyện về diễn biến tình hình dịch bệnh;
c) Có kết luận chẩn đoán xác định là bệnh thuộc
Danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch và có văn bản đề nghị công bố dịch
của Chi cục Thú y hoặc Cục Thú y.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định
công bố ổ dịch trong các trường hợp sau:
a) Dịch bệnh xảy ra đồng thời tại 02 huyện trở
lên;
b) Trường hợp dịch bệnh xảy ra ở 01 huyện, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hoặc ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện đang có dịch bệnh để công bố dịch.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn quyết định công bố ổ dịch khi có đề nghị của Cục Thú y kèm theo kết quả
xét nghiệm khẳng định dịch bệnh thuộc Danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch,
có khả năng lây lan rộng và dịch xảy ra trong phạm vi từ hai tỉnh trở lên.
4. Khi công bố dịch, người có thẩm quyền đồng thời
công bố vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm; trường hợp, vùng có dịch nằm ở nơi
giáp ranh giữa các tỉnh, các huyện, khi công bố dịch, người có thẩm quyền theo
quy định của khoản 1, khoản 2 Điều này phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cùng
cấp có liên quan để công bố vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.
Điều 14. Tổ chức chống dịch
1. Các biện pháp chống dịch, xử lý ổ dịch:
a) Hạn chế người không có nhiệm vụ ra, vào nơi
có ổ dịch; người được giao trách nhiệm xử lý ổ dịch phải vệ sinh, tiêu độc khử
trùng trước khi ra khỏi ổ dịch;
b) Việc xác định ổ dịch, vệ sinh tiêu độc khử
trùng ổ dịch, phương tiện, dụng cụ dùng trong nuôi trồng thủy sản, nước thải,
chất thải, môi trường bị ô nhiễm và áp dụng các biện pháp vệ sinh thú y cần thiết
trong vùng có dịch theo hướng dẫn của Chi cục Thú y, cơ quan chuyên ngành nuôi
trồng thủy sản cấp tỉnh.
2. Khi công bố ổ dịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh
(sau đây gọi chung là Ban chỉ đạo). Thành phần gồm Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh làm Trưởng ban, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó
Trưởng ban, lãnh đạo các ban, ngành có liên quan làm uỷ viên;
b) Chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông
thôn phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa
phương huy động nhân lực, vật lực theo quy định của pháp luật để thực hiện các
biện pháp chống dịch;
c) Chủ động xuất Quỹ dự phòng địa phương hoặc đề
nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ hóa chất dự trữ Quốc gia cho
địa phương chống dịch.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách
nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống
dịch theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, bao gồm cả việc thành lập Ban chỉ đạo
chống dịch cấp huyện;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp
chống dịch trên địa bàn;
c) Thực hiện các chính sách hỗ trợ chống dịch,
khắc phục hậu quả do dịch gây ra và khôi phục nuôi trồng trên địa bàn;
d) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết
định hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu chống dịch vượt quá khả
năng của địa phương;
đ) Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về
kết quả chống dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch
theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp trên;
b) Tổ chức, giám sát xử lý thủy sản mắc bệnh
theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Thông tư này;
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp
phòng chống dịch trên địa bàn;
d) Thực hiện các chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc
phục hậu quả do dịch gây ra và khôi phục nuôi trồng trên địa bàn;
đ) Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên và
cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản cấp trên về kết quả phòng chống dịch và thực
hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch.
5. Cục Thú y:
a) Hướng dẫn Chi cục Thú y các biện pháp chống dịch;
tham gia hỗ trợ địa phương chống dịch hoặc trực tiếp chỉ đạo chống dịch khi thấy
cần thiết;
b) Trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hóa chất cho địa phương dập dịch từ Quỹ dự
trữ Quốc gia; trường hợp đột xuất, cấp bách, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát
trên diện rộng theo quy định tại Luật Dự trữ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia có giá trị tương ứng
với thẩm quyền quyết định chi ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại
Luật ngân sách nhà nước;
c) Hướng dẫn Chi cục Thú y điều tra, đánh giá ổ
dịch; liên hệ với các chuyên gia, phòng thử nghiệm trong và ngoài nước để xác định
tác nhân gây bệnh đối với trường hợp bệnh mới, bệnh chưa xác định được nguyên
nhân.
6. Chi cục Thú y có trách nhiệm tham mưu, hướng
dẫn, tham gia thực hiện các biện pháp chống dịch, xác định thiệt hại do dịch
gây ra, theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả phòng chống dịch và thực hiện chế
độ thống kê, báo cáo về diện tích thả nuôi, diện tích thủy sản mắc bệnh, kết quả
phòng chống dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch.
7. Nhân viên thú y cấp xã hướng dẫn chủ vật cơ sở
nuôi xử lý thủy sản mắc bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 16
của Thông tư này; thống kê diện tích thả nuôi và diện tích có thủy sản bị bệnh;
tham gia khử trùng tiêu độc; phối hợp cơ quan chuyên ngành thú y lấy mẫu bệnh
phẩm.
8. Chủ cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân có liên quan
nơi có dịch phải thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của
cơ quan có thẩm quyền.
9. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn công bố dịch, các tổ chức và cá nhân liên quan tổ chức chống dịch
theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều này.
Điều 15. Kiểm soát vận chuyển
thủy sản trong vùng có dịch
1. Chi cục Thú y tăng cường kiểm soát vận chuyển
thủy sản ngay khi công bố ổ dịch có hiệu lực.
2. Thủy sản chỉ được phép vận chuyển ra ngoài
vùng có dịch sau khi đã xử lý theo đúng hướng dẫn và có giấy chứng nhận kiểm dịch
của Chi cục Thú y.
3. Hạn chế vận chuyển giống thủy sản mẫn cảm với
bệnh dịch đang công bố đi qua vùng có dịch. Trường hợp phải vận chuyển qua vùng
có dịch phải thông báo và thực hiện theo hướng dẫn của Chi cục Thú y.
Điều 16. Xử lý ổ dịch và thủy
sản mắc bệnh
1. Chủ cơ sở có trách nhiệm xử lý ổ dịch như
sau:
a) Báo cáo theo quy định tại Điều
4 của Thông tư này; đồng thời báo cho các cơ sở lân cận biết để áp dụng các
biện pháp phòng bệnh;
b) Không xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý
ra môi trường; xử lý thủy sản mắc bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
c) Không vứt thủy sản mắc bệnh, chết, nghi mắc bệnh
ra môi trường;
d) Điều trị, thu hoạch hoặc xử lý thủy sản mắc bệnh,
chết, nghi mắc bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều này; áp dụng các biện pháp
khác ngăn chặn lây lan dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y.
2. Chủ cơ sở nuôi thực hiện xử lý thủy sản mắc bệnh
bằng một trong các hình thức sau:
a) Thu hoạch thủy sản mắc bệnh: thực hiện theo
quy định tại Điều 17 của Thông tư này đối với thủy sản đạt
kích cỡ thương phẩm, có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc các mục
đích khác (trừ thủy sản làm giống hoặc thức ăn tươi sống cho thủy sản khác);
b) Điều trị thủy sản mắc bệnh: thực hiện theo
quy định tại Điều 18 của Thông tư này đối với các thủy sản
mắc bệnh được cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản xác định có thể điều trị và
chủ cơ sở nuôi có nhu cầu điều trị thủy sản mắc bệnh;
c) Tiêu hủy thủy sản mắc bệnh: thực hiện theo
quy định tại Điều 19 của Thông tư này đối với thủy sản mắc
bệnh không thuộc quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này.
Điều 17. Thu hoạch thủy sản
trong ổ dịch
1. Chủ cơ sở nuôi thu hoạch thủy sản trong ổ dịch
phải thực hiện những yêu cầu sau:
a) Thông báo với Trạm Thú y về mục đích sử dụng,
khối lượng, các biện pháp xử lý, kế hoạch thực hiện và biện pháp giám sát việc
sử dụng thủy sản mắc bệnh;
b) Không sử dụng thủy sản mắc bệnh làm giống, thức
ăn tươi sống cho thủy sản khác;
c) Chỉ vận chuyển thủy sản đến các cơ sở mua, bán,
sơ chế, chế biến (sau đây gọi chung là cơ sở tiếp nhận).
2. Cơ sở tiếp nhận phải bảo đảm và chịu trách
nhiệm về an toàn dịch bệnh trong quá trình sơ chế, chế biến.
3. Trường hợp thủy sản được sử dụng làm thức ăn
cho động vật trên cạn hoặc mục đích khác, Trạm Thú y báo cáo để Chi cục Thú y
có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Trạm Thú y hoặc phân công cán bộ hướng
dẫn, giám sát việc thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của cơ sở nuôi có thủy sản mắc
bệnh;
b) Thông báo tên, địa chỉ cơ sở tiếp nhận cho cơ
quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp tỉnh nơi tiếp nhận để giám
sát tại cơ sở tiếp nhận;
c) Báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Cục Thú y kết quả thực hiện.
Điều 18. Điều trị thủy sản
mắc bệnh
1. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi:
a) Chủ động điều trị thủy sản mắc bệnh theo hướng
dẫn của Chi cục Thú y;
b) Chỉ sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm
sinh học có trong Danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất
dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
2. Trách nhiệm của người phụ trách công tác thú
y cấp xã, thú y tư nhân:
a) Hướng dẫn, phổ biến phác đồ điều trị thủy sản
mắc bệnh cho chủ cơ sở;
b) Chủ động điều trị theo hướng dẫn của cơ quan
thú y;
c) Chỉ sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm
sinh học có trong Danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất
dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
3. Trách nhiệm của Chi cục Thú y:
a) Hướng dẫn, phổ biến phác đồ điều trị thủy sản
mắc bệnh cho người phụ trách công tác thú y cấp xã, thú y tư nhân;
b) Phối hợp với Chi cục, cơ sở nuôi, các
tổ chức, cá nhân thử nghiệm phác đồ điều trị;
c) Báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Cục Thú y về hiệu quả của việc áp dụng phác đồ điều trị; đề xuất
thử nghiệm, ban hành phác đồ điều trị mới có hiệu quả hơn.
4. Trách nhiệm của Cục Thú y:
a) Ban hành phác đồ điều trị;
b) Tổ chức kiểm tra, đánh giá các phác đồ điều
trị; việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học để điều trị bệnh.
Điều 19. Tiêu hủy thủy sản
mắc bệnh
1. Trình tự thực hiện tiêu hủy:
a) Chi cục Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết
định tiêu hủy và quyết định thành lập tổ tiêu hủy;
b) Tổ tiêu hủy bao gồm: đại diện Chi cục, cơ
quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ
cơ sở nuôi hoặc chủ cơ sở sản xuất, buôn bán thủy sản;
c) Trong vòng 24 giờ kể từ khi ban hành Quyết định
thành lập, Tổ tiêu hủy có trách nhiệm triển khai thực hiện: khoanh vùng ổ dịch
đã được xác định trong Quyết định tiêu hủy; đề xuất và sử dụng hóa chất để tiêu
hủy ổ dịch; lập biên bản, có xác nhận của chủ cơ sở nuôi hoặc chủ cơ sở sản xuất,
buôn bán thủy sản.
2. Hóa chất sử dụng để tiêu hủy, khử trùng được
xuất từ Quỹ dự trữ Quốc gia, Quỹ dự phòng địa phương hoặc các loại hóa chất có
công dụng tương đương trong Danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật,
hóa chất dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
3. Chi phí tiêu hủy thủy sản mắc bệnh do ngân
sách địa phương chi trả.
Điều 20. Khử trùng sau thu
hoạch, tiêu hủy đối với ổ dịch
1. Chủ cơ sở thực hiện khử trùng nước trong bể, ao,
đầm; khử trùng công cụ, dụng cụ, lồng nuôi, lưới; xử lý nền đáy, diệt
giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hoá chất được phép sử dụng
sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng
hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường.
2. Những người tham gia quá trình xử lý, tiêu huỷ
thủy sản phải thực hiện việc vệ sinh cá nhân để tiêu diệt mầm bệnh, không làm
phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường và cơ sở nuôi khác.
Điều 21. Biện pháp xử lý đối
với cơ sở nuôi chưa có bệnh ở vùng có dịch trong thời gian công bố ổ dịch
Chủ cơ sở nuôi cần áp dụng các biện pháp sau:
1. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và thường
xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực nuôi trồng thủy sản.
2. Tăng cường chăm sóc và nâng cao sức đề kháng
cho thủy sản nuôi.
3. Không thả mới hoặc thả bổ sung thủy sản
trong thời gian công bố dịch.
4. Đối với cơ sở nuôi ao, đầm: không thay nước
trong thời gian công bố dịch.
5. Tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm
thủy sản mắc bệnh và áp dụng biện pháp phòng chống kịp thời.
Điều 22. Công bố hết dịch
1. Công bố hết dịch khi đáp ứng đủ các điều kiện
sau:
a) Tối thiểu 15 (mười lăm) ngày kể từ khi xử lý
xong ổ dịch cuối cùng theo quy định tại Điều 16, 17, 18, 19 và Điều 20 của Thông tư này và không phát sinh ổ dịch mới;
b) Hoàn thành việc tổng vệ sinh, tiêu độc khử
trùng vùng có dịch.
2. Thẩm quyền công bố hết dịch:
a) Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định công bố hết
dịch trên phạm vi huyện theo đề nghị của Trạm Thú y sau khi có văn bản đồng ý của
Chi cục Thú y;
b) Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố hết
dịch ở phạm vi tỉnh theo đề nghị của Chi cục Thú y sau khi có văn bản đồng ý của
Cục Thú y;
c) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn công bố hết dịch ở phạm vi từ hai tỉnh trở lên sau khi có báo cáo đủ điều
kiện công bố hết dịch của Cục trưởng Cục Thú y.
3. Căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan chuyên
ngành nuôi trồng thủy sản địa phương hướng dẫn cơ sở tiếp tục nuôi hay tạm dừng
nuôi.
4. Đối với các cơ sở có thủy sản bị tiêu hủy hoặc
thu hoạch do dịch bệnh: nếu đang còn trong thời kỳ mùa vụ nuôi chính, cơ quan
chuyên ngành nuôi trồng thủy sản cấp huyện hướng dẫn chủ hộ thả lại giống sau
khi có công bố hết dịch.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23. Trách nhiệm của Cục
Thú y
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phê duyệt Chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh
trên thủy sản; hướng dẫn, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt,
hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chương trình giám sát, nghiên cứu dịch tễ, điều
tra ổ dịch và xây dựng bản đồ dịch tễ bệnh thủy sản.
3. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc triển
khai phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
4. Kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng hóa chất từ
Quỹ dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
5. Ban hành và hướng dẫn sử dụng các biểu mẫu
báo cáo dịch bệnh thủy sản.
6. Tổ chức tập huấn về các biện pháp phòng, chống
dịch bệnh thủy sản cho các Trạm Thú y, Chi cục Thú y và các đơn vị trực thuộc Cục
Thú y.
7. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên
quan trong và ngoài nước để nghiên cứu và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch
bệnh thủy sản; thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Điều 24. Trách nhiệm của Tổng
cục Thủy sản
1. Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương quy hoạch
về nuôi trồng thủy sản tập trung.
2. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
và tổ chức thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất
giống và nuôi trồng thủy sản đáp ứng các yêu cầu an toàn dịch bệnh.
3. Ban hành và hướng dẫn sử dụng các biểu mẫu
ghi chép trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
4. Chỉ đạo, kiểm tra và ban hành hướng dẫn cơ
quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản địa phương, người nuôi thực hiện quan trắc
môi trường, sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống
dịch bệnh thủy sản.
5. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc sử dụng
giống, thức ăn, các loại hóa chất, thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý
cải tạo môi trường; quản lý môi trường.
6. Chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện
mùa vụ, việc áp dụng kỹ thuật trong sản xuất giống thủy sản, thủy sản thương phẩm.
7. Phối hợp với Cục Thú y trong việc phòng, chống
dịch bệnh thủy sản.
Điều 25. Ủy ban nhân dân
các cấp
1. Chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các ban ngành
liên quan của địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống dịch
bệnh thủy sản.
2. Bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống
dịch bệnh thủy sản, hỗ trợ các cơ sở có thủy sản mắc bệnh, cả khi dịch bệnh xảy
ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch, khi công bố dịch.
Điều 26. Trách nhiệm của Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Tham mưu và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy
sản và Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản;
b) Thành lập Quỹ dự phòng của địa phương về vật
tư, hóa chất, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống, bao gồm cả hỗ
trợ cho người nuôi có thủy sản mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, cả khi dịch bệnh xảy
ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch và khi công bố dịch;
c) Phân công trách nhiệm cho các đơn vị có liên
quan xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản; tổ chức
giám sát dịch bệnh trên thủy sản nuôi tại địa phương;
d) Chỉ đạo các đơn vị liên quan của địa phương
phối hợp với Cục Thú y trong việc tổ chức phòng, chống, giám sát, điều tra dịch
bệnh thủy sản tại địa phương;
đ) Chỉ đạo, giám sát việc xử lý, tiêu hủy thủy sản
nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh và huy động lực lượng tham gia chống dịch ở địa
phương theo đề nghị của cơ quan thú y. Kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng hóa chất
từ Quỹ dự trữ quốc gia, Quỹ dự phòng của địa phương theo quy định.
2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc
phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo quy định tại Thông tư này.
3. Quản lý cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy
sản an toàn dịch bệnh tại địa phương.
Điều 27. Trách nhiệm của
Chi cục Thú y
1. Điều tra, khảo sát thực địa và xây dựng trình
cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, bao gồm giám sát,
thông tin tuyên truyền về dịch bệnh thủy sản hàng năm tại địa phương; tổ chức
thực hiện Kế hoạch sau khi được phê duyệt.
2. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện
các biện pháp phòng bệnh, điều trị và chống dịch bệnh thủy sản tại cơ sở nuôi,
buôn bán, bảo quản, vận chuyển thủy sản.
3. Chỉ đạo và hướng dẫn các Trạm Thú y, người phụ
trách công tác thú y cấp xã và chủ cơ sở nuôi thực hiện việc báo cáo dịch bệnh
thủy sản theo biểu mẫu; chịu trách nhiệm cấp phát và hướng dẫn Trạm Thú y và
người phụ trách công tác thú y xã trong việc sử dụng các biểu mẫu báo cáo.
4. Tổ chức tập huấn về phòng, chống dịch bệnh
cho cán bộ thú y và các cơ sở nuôi trên địa bàn quản lý.
5. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện
các biện pháp tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển thủy sản.
6. Hướng dẫn, kiểm tra việc vận chuyển thủy sản
được thu hoạch từ ổ dịch về cơ sở sơ chế, chế biến.
7. Phối hợp với cơ quan chuyên ngành nuôi trồng
thủy sản cấp tỉnh và sử dụng các thông tin về chỉ tiêu quan trắc môi trường
trong xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Điều 28. Trách nhiệm của cơ
quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh
1. Hướng dẫn các cá nhân, các cơ sở nuôi tập
trung theo quy hoạch của địa phương.
2. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc áp dụng các
quy định, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình, ghi chép biểu mẫu về sản
xuất thủy sản giống và nuôi trồng thủy sản đáp ứng các yêu cầu an toàn dịch bệnh.
3. Thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường nhằm
đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
4. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc sử dụng
thức ăn, hóa chất, thuốc, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, cải tạo
môi trường; thực hiện mùa vụ nuôi, áp dụng kỹ thuật trong sản xuất giống thủy sản,
thủy sản thương phẩm.
5. Phối hợp với Chi cục Thú y, Cơ quan Thú y
vùng, Cục Thú y trong công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh thủy sản.
Điều 29. Trách nhiệm của cơ
quan chuyên ngành chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp tỉnh
1. Phối hợp với Chi cục giám sát thu hoạch, vận
chuyển thủy sản mắc bệnh để chế biến thực phẩm khi được yêu cầu.
2. Giám sát việc tiếp nhận thủy sản mắc bệnh tại
các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm thủy sản khi nhận được thông báo của Chi cục
Thú y và hướng dẫn các cơ sở này về yêu cầu bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Điều 30. Trách nhiệm và quyền
lợi của chủ cơ sở nuôi
1. Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh;
chấp hành các quy định về kiểm dịch, quan trắc môi trường, báo cáo dịch bệnh,
lưu trữ các loại hồ sơ liên quan tới quá trình hoạt động của cơ sở như con giống;
cải tạo ao đầm; chăm sóc, quản lý thủy sản; xử lý ổ dịch, chất thải và nước thải
theo hướng dẫn của Chi cục, cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản.
2. Chỉ sử dụng con giống được cấp Giấy chứng nhận
kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền cấp.
3. Hợp tác với Chi cục Thú y, cơ quan chuyên
ngành nuôi trồng thủy sản trong việc lấy mẫu giám sát kiểm tra các chỉ tiêu môi
trường, dịch bệnh, thu thập thông tin xác định các yếu tố nguy cơ liên quan đến
dịch bệnh thủy sản.
4. Tham dự các khóa tập huấn về phòng, chống dịch
bệnh thủy sản, kỹ thuật nuôi do Chi cục Thú y, cơ quan chuyên ngành nuôi trồng
thủy sản, khuyến nông tổ chức.
5. Được hưởng hỗ trợ của nhà nước về phòng, chống
dịch theo quy định hiện hành.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng
8 năm 2014.
2. Thông tư này thay thế các văn bản sau:
a) Thông tư số 36/2009/TT-BNNPTNT ngày 17 tháng
6 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống
dịch bệnh cho động vật thủy sản;
b) Thông tư số 52/2011/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2011
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các biện pháp phòng, chống
dịch bệnh trên tôm nuôi.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc,
các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Các Bộ, ngành liên quan;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Cục Thú y, các đơn vị thuộc Cục Thú y;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố;
- Chi cục Thú y, Chi cục NTTS, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố;
- Công báo Chính phủ, Website Chính phủ;
- Lưu: VT, TY.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Vũ Văn Tám
|