VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2019

 

LUẬT

NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Luật số 51/2019/QH14 ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam[1].

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

2. Giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Liên hợp quốc cấp, gồm hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi chung là hộ chiếu).

3. Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho người không quốc tịch đang cư trú tại nước đó và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.

4. Nhập cảnh là việc người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.

5. Quá cảnh là việc người nước ngoài đi qua hoặc lưu lại khu vực quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam để đi nước thứ ba.

6. Xuất cảnh là việc người nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.

7. Tạm hoãn xuất cảnh là việc người có thẩm quyền của Việt Nam quyết định tạm dừng xuất cảnh có thời hạn đối với người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

8. Buộc xuất cảnh là việc người có thẩm quyền của Việt Nam quyết định người nước ngoài phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.

9. Cư trú là việc người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam.

10. Cửa khẩu là nơi người nước ngoài được phép nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh.

11. Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

12. Chứng nhận tạm trú là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác định thời hạn người nước ngoài được phép tạm trú tại Việt Nam.

13. Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.

14. Thẻ thường trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài được phép cư trú không thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.

15. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh là cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Công an làm nhiệm vụ quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

16. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh là đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài tại cửa khẩu.

17. Cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài gồm cơ quan đại diện hoặc cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự.

18.[2] Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh là cổng thông tin của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, có chức năng xuất bản thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ tìm kiếm, liên kết, lưu trữ thông tin và hướng dẫn thủ tục, giải đáp thắc mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh.

19.[3] Trang thông tin cấp thị thực điện tử là trang thông tin thuộc Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh, có chức năng tiếp nhận, giải quyết, cung cấp thông tin liên quan đến cấp thị thực điện tử.

Điều 4. Nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú

1. Tuân thủ quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng trong quan hệ quốc tế.

3. Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nước ngoài; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

4. Người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cản trở người nước ngoài và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2. Đặt ra thủ tục, giấy tờ, các khoản thu trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; sách nhiễu, gây phiền hà trong việc làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

3. Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

4. Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

5. Lợi dụng việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

6. Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, tẩy, xóa, sửa chữa nội dung giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú để người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Điều 6. Thu hồi, hủy bỏ giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp

Người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 5; khoản 3 Điều 21; điểm b khoản 2 Điều 44 của Luật này thì bị thu hồi, hủy bỏ giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Chương II

THỊ THỰC

Điều 7. Hình thức và giá trị sử dụng của thị thực[4]

1. Thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử.

2. Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ các trường hợp sau đây:

a) Cấp thị thực theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trẻ em dưới 14 tuổi chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ;

b) Cấp thị thực theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu.

3. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; thị thực điện tử và thị thực cấp cho trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này có giá trị một lần.

4. Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ các trường hợp sau đây:

a) Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;

c) Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;

d) Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

5. Trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực theo quy định tại khoản 4 Điều này thì được cấp thị thực mới có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi. Trình tự, thủ tục cấp thị thực mới thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật này.

Điều 8. Ký hiệu thị thực

1. NG1 - Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

2. NG2 - Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; thành viên đoàn khách mời cùng cấp của Bộ trưởng và tương đương, Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. NG3 - Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.

4.[5] NG4 - Cấp cho người vào làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi cùng đi; người vào thăm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ.

5. LV1 - Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

6. LV2 - Cấp cho người vào làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

7.[6] LS - Cấp cho luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.

7a.[7] ĐT1 - Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định.

7b.[8] ĐT2 - Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định.

7c.[9] ĐT3 - Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

7d.[10] ĐT4 - Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng.

8.[11] DN1 - Cấp cho người nước ngoài làm việc với doanh nghiệp, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.

8a.[12] DN2 - Cấp cho người nước ngoài vào chào bán dịch vụ, thành lập hiện diện thương mại, thực hiện các hoạt động khác theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

9. NN1 - Cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

10. NN2 - Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.

11. NN3 - Cấp cho người vào làm việc với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.

12. DH - Cấp cho người vào thực tập, học tập.

13. HN - Cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo.

14. PV1 - Cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam.

15. PV2 - Cấp cho phóng viên, báo chí vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam.

16.[13] LĐ1 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

16a.[14] LĐ2 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động.

17. DL - Cấp cho người vào du lịch.

18.[15] TT - Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2 hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.

19. VR - Cấp cho người vào thăm người thân hoặc với mục đích khác.

20. SQ - Cấp cho các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này.

21.[16] EV - Thị thực điện tử.

Điều 9. Thời hạn thị thực

1.[17] Thị thực ký hiệu SQ, EV có thời hạn không quá 30 ngày.

2. Thị thực ký hiệu HN, DL có thời hạn không quá 03 tháng.

3. Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 06 tháng.

4.[18] Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT có thời hạn không quá 12 tháng.

5.[19] Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm.

5a.[20] Thị thực ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 03 năm.

6.[21] Thị thực ký hiệu LS, ĐT1, ĐT2 có thời hạn không quá 05 năm.

7. Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới.

8. Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày.

9.[22] Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thời hạn thị thực cấp theo điều ước quốc tế.

Điều 10. Điều kiện cấp thị thực

1. Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

2.[23] Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16bkhoản 3 Điều 17 của Luật này.

3. Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.

4. Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:

a) Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;

b) Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;

c) Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;

d) Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.

5.[24] Thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài có hộ chiếu và không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này.

Điều 11. Các trường hợp được cấp thị thực rời

1. Hộ chiếu đã hết trang cấp thị thực.

2. Hộ chiếu của nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

3. Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

4. Vì lý do ngoại giao, quốc phòng, an ninh.

5.[25] Thị thực cấp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 của Luật này.

Điều 12. Các trường hợp được miễn thị thực

1. Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật này.

3. Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

3a.[26] Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

4. Theo quy định tại Điều 13 của Luật này.

5. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.

Điều 13. Đơn phương miễn thị thực

1. Quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;

b) Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;

c) Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

2. Quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn không quá 05 năm và được xem xét gia hạn. Quyết định đơn phương miễn thị thực bị hủy bỏ nếu không đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Căn cứ quy định của Điều này, Chính phủ quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với từng nước.

Điều 14. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này, bao gồm:

a) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;

b) Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng và tương đương; Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

d) Tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

đ) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

e) Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

g) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam;

h) Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam;

i) Tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam;

k) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú.

2. Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định hoặc giấy phép hoạt động được cấp. Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú được mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam thăm và phải có giấy tờ chứng minh quan hệ với người được mời, bảo lãnh.

Điều 15. Thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao

1. Người nước ngoài thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này thông qua cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh gửi văn bản đề nghị cấp thị thực tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.

2. Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 của Luật này thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao để chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực, nếu thuộc diện phải có thị thực, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

3. Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 8 của Luật này trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Sau 02 ngày làm việc, nếu cơ quan quản lý xuất nhập cảnh không có ý kiến thì cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao trả lời cho cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực, nếu thuộc diện phải có thị thực.

4. Trường hợp đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế thì cần nêu rõ cửa khẩu, thời gian nhập cảnh và lý do đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu.

5. Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao, cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam thông báo cho người nước ngoài để làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

6. Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài phải thanh toán với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao khoản cước phí để thực hiện việc thông báo cấp thị thực.

Điều 16. Thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh

1. Người nước ngoài không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

2. Trước khi làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh kèm theo hồ sơ, bao gồm:

a) Bản sao có chứng thực giấy phép hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập tổ chức;

b) Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức.

Việc thông báo chỉ thực hiện một lần, khi có sự thay đổi nội dung trong hồ sơ phải thông báo bổ sung.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp thị thực, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

4. Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam thông báo cho người nước ngoài để làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

5. Trường hợp đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 18 của Luật này; trong thời hạn 12 giờ làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đối với các trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 18 của Luật này.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài phải thanh toán với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khoản cước phí để thực hiện việc thông báo cấp thị thực.

7.[27] Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài được lựa chọn gửi văn bản đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài và nhận kết quả trả lời qua giao dịch điện tử tại Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh nếu đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16b của Luật này.

Điều 16a. Thủ tục cấp thị thực điện tử theo đề nghị của người nước ngoài[28]

1. Người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử thực hiện như sau:

a) Khai thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử;

b) Nộp phí cấp thị thực vào tài khoản quy định tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử sau khi nhận mã hồ sơ điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

2. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực.

3. Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử sử dụng mã hồ sơ điện tử để kiểm tra và in kết quả cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.

Điều 16b. Thủ tục cấp thị thực điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức[29]

1. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này được đề nghị cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có tài khoản điện tử do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Có chữ ký điện tử theo quy định của Luật giao dịch điện tử.

2. Việc đăng ký tài khoản điện tử thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức gửi văn bản đề nghị cấp tài khoản điện tử đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Việc đề nghị cấp tài khoản điện tử chỉ thực hiện một lần, trừ trường hợp thay đổi nội dung hoặc tài khoản bị hủy theo quy định tại khoản 7 Điều này;

b) Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có văn bản trả lời và cấp tài khoản điện tử trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức; trường hợp không cấp tài khoản điện tử thì trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

3. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này sử dụng tài khoản điện tử truy cập vào Trang thông tin cấp thị thực điện tử để đề nghị cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; nộp phí cấp thị thực vào tài khoản quy định tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử sau khi nhận mã hồ sơ điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

4. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời cơ quan, tổ chức tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực.

5. Cơ quan, tổ chức truy cập vào Trang thông tin cấp thị thực điện tử, sử dụng mã hồ sơ điện tử để nhận kết quả trả lời của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và thông báo cho người nước ngoài.

6. Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử sử dụng mã hồ sơ điện tử do cơ quan, tổ chức thông báo để in kết quả cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử.

7. Tài khoản điện tử bị hủy theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có tài khoản; cơ quan, tổ chức có tài khoản được tổ chức lại, giải thể, phá sản hoặc vi phạm quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, về quản lý xuất nhập cảnh. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hủy tài khoản điện tử và có văn bản thông báo cho cơ quan, tổ chức có tài khoản biết.

Điều 17. Cấp thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài

1. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao và hộ chiếu, tờ khai đề nghị cấp thị thực có dán ảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này, cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực.

2. Trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, sau khi nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh, người nước ngoài thuộc diện phải có thị thực nộp hộ chiếu, tờ khai đề nghị cấp thị thực và ảnh tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài. Trẻ em dưới 14 tuổi được cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ không phải làm đơn xin cấp thị thực trong trường hợp có chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao, cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc cấp thị thực.

3. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực có giá trị không quá 30 ngày cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam khảo sát thị trường, du lịch, thăm người thân, chữa bệnh thuộc các trường hợp sau đây:

a) Người có quan hệ công tác với cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực Việt Nam ở nước ngoài và vợ, chồng, con của họ hoặc người có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền Bộ Ngoại giao nước sở tại;

b) Người có công hàm bảo lãnh của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự các nước đặt tại nước sở tại.

4. Sau khi cấp thị thực đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài phải thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và chịu trách nhiệm về việc cấp thị thực.

Điều 18. Cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế

1. Ngoài nước ngoài được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế trong các trường hợp sau đây:

a) Xuất phát từ nước không có cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam;

b) Trước khi đến Việt Nam phải đi qua nhiều nước;

c) Vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức;

d) Thuyền viên nước ngoài đang ở trên tàu neo đậu tại cảng biển Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh qua cửa khẩu khác;

đ) Vào để dự tang lễ thân nhân hoặc thăm người thân đang ốm nặng;

e) Vào Việt Nam tham gia xử lý sự cố khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc vì lý do đặc biệt khác theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

2. Người nước ngoài được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế nộp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, khai tờ khai đề nghị cấp thị thực có dán ảnh tại đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh. Trẻ em dưới 14 tuổi được khai chung với tờ khai đề nghị cấp thị thực của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ trong trường hợp có chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.

3. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh kiểm tra, đối chiếu với thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thực hiện việc cấp thị thực.

Điều 19. Cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao

1. Người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam có nhu cầu cấp thị thực mới phải đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh để làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực kèm theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người nước ngoài tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét cấp thị thực.

Điều 19a. Các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử[30]

1. Việc cấp thị thực điện tử áp dụng với công dân của nước có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này.

2. Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Chương III

NHẬP CẢNH

Điều 20. Điều kiện nhập cảnh[31]

1. Người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của Luật này.

Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng;

b) Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.

2. Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.

Điều 21. Các trường hợp chưa cho nhập cảnh

1. Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này.

2. Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.

3. Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.

4. Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

5. Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.

6. Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.

7. Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.

8. Vì lý do thiên tai.

9. Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Điều 22. Thẩm quyền quyết định chưa cho nhập cảnh

1. Người đứng đầu đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 21 của Luật này.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 21 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 21 của Luật này.

4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 21 của Luật này.

5. Người có thẩm quyền ra quyết định chưa cho nhập cảnh có thẩm quyền giải tỏa chưa cho nhập cảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Chương IV

QUÁ CẢNH

Điều 23. Điều kiện quá cảnh

Người nước ngoài được quá cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

2. Vé phương tiện phù hợp với hành trình đi nước thứ ba;

3. Thị thực của nước thứ ba, trừ trường hợp được miễn thị thực.

Điều 24. Khu vực quá cảnh

1. Khu vực quá cảnh là khu vực thuộc cửa khẩu quốc tế, nơi người nước ngoài được lưu lại để đi nước thứ ba.

2. Khu vực quá cảnh do cơ quan có thẩm quyền quản lý cửa khẩu quốc tế quyết định.

Điều 25. Quá cảnh đường hàng không

1. Người nước ngoài quá cảnh đường hàng không được miễn thị thực và phải ở trong khu vực quá cảnh tại sân bay quốc tế trong thời gian chờ chuyến bay.

2. Trong thời gian quá cảnh, người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức thì được xét cấp thị thực phù hợp với thời gian quá cảnh.

Điều 26. Quá cảnh đường biển

Người nước ngoài quá cảnh đường biển được miễn thị thực và phải ở khu vực quá cảnh tại cửa khẩu cảng biển trong thời gian tàu, thuyền neo đậu; trường hợp có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức thì được xét cấp thị thực phù hợp với thời gian quá cảnh; trường hợp có nhu cầu xuất cảnh qua cửa khẩu khác thì được xét cấp thị thực ký hiệu VR.

Chương V

XUẤT CẢNH

Điều 27. Điều kiện xuất cảnh[32]

1. Người nước ngoài được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

b) Chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú còn giá trị;

c) Không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 28 của Luật này.

2. Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử xuất cảnh phải đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.

Điều 28. Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh

1. Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình;

b) Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh;

c) Chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế;

d) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

đ) Vì lý do quốc phòng, an ninh.

2. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị dẫn giải ra nước ngoài để cung cấp chứng cứ theo quy định tại Điều 25 của Luật Tương trợ tư pháp.

3. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 03 năm và có thể gia hạn.

Điều 29. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh

1. Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 28 của Luật này.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28 của Luật này trong trường hợp sau đây:

a) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an;

b) Theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 28 của Luật này.

5. Người có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm ra quyết định giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh ngay sau khi điều kiện tạm hoãn không còn.

6. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh được gửi ngay cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và công bố cho người bị tạm hoãn xuất cảnh để thực hiện.

7. Sau khi nhận được quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Điều 30. Buộc xuất cảnh

1. Người nước ngoài có thể bị buộc xuất cảnh trong trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn tạm trú nhưng không xuất cảnh;

b) Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

2. Thẩm quyền quyết định buộc xuất cảnh như sau:

a) Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh quyết định buộc xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định buộc xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Chương VI

CƯ TRÚ

Mục 1. TẠM TRÚ

Điều 31. Chứng nhận tạm trú

1.[33] Người nước ngoài nhập cảnh không có thẻ thường trú, thẻ tạm trú còn giá trị sử dụng thì được cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu với thời hạn như sau:

a) Thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực; trường hợp thị thực có ký hiệu DL thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày và được xem xét gia hạn tạm trú theo quy định tại Điều 35 của Luật này;

b) Đối với người được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì thời hạn tạm trú cấp theo quy định của điều ước quốc tế, nếu điều ước quốc tế không quy định thời hạn tạm trú thì cấp tạm trú 30 ngày;

c) Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày, nếu vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoặc khu kinh tế ven biển quy định tại khoản 3a Điều 12 của Luật này thì cấp tạm trú theo quy định tại điểm d khoản này;

d) Đối với người không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này vào khu kinh tế cửa khẩu thì cấp tạm trú 15 ngày, vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoặc khu kinh tế ven biển quy định tại khoản 3a Điều 12 của Luật này thì cấp tạm trú 30 ngày.

2. Người nước ngoài được tạm trú tại Việt Nam trong thời hạn chứng nhận tạm trú được cấp.

3. Thời hạn tạm trú có thể bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hủy bỏ hoặc rút ngắn trong trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.

Điều 32. Cơ sở lưu trú

Cơ sở lưu trú là nơi tạm trú của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Khai báo tạm trú

1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

2. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.

3. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 34. Tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, khu vực biên giới và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

1. Người nước ngoài được tạm trú ở cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển và thực hiện việc khai báo tạm trú theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

2. Người nước ngoài không được tạm trú tại khu vực cấm, khu vực tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền; vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển. Trường hợp tạm trú tại cơ sở lưu trú trong khu vực biên giới hoặc thị trấn, thị xã, thành phố, khu du lịch, dịch vụ, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khu kinh tế khác có liên quan đến khu vực biên giới thì khai báo tạm trú theo quy định tại Điều 33 của Luật này. Cơ quan tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho đồn biên phòng nơi có cơ sở lưu trú.

Điều 35. Gia hạn tạm trú

1. Người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam có nhu cầu gia hạn tạm trú phải đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp gửi văn bản đề nghị gia hạn tạm trú kèm theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao đối với các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này, tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét gia hạn tạm trú.

Điều 36. Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú và ký hiệu thẻ tạm trú[34]

1. Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú bao gồm:

a) Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ;

b) Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.

2. Ký hiệu thẻ tạm trú được quy định như sau:

a) Thẻ tạm trú quy định tại điểm a khoản 1 Điều này ký hiệu NG3;

b) Thẻ tạm trú quy định tại điểm b khoản 1 Điều này có ký hiệu tương tự ký hiệu thị thực.

Điều 37. Thủ tục cấp thẻ tạm trú

1. Hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú bao gồm:

a) Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh;

b) Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh;

c) Hộ chiếu;

d)[35] Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này.

2. Giải quyết cấp thẻ tạm trú như sau:

a) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền của nước ngoài tại Việt Nam gửi hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3 tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao;

b)[36] Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Luật này tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét cấp thẻ tạm trú.

Điều 38. Thời hạn thẻ tạm trú[37]

1. Thời hạn thẻ tạm trú được cấp ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.

2. Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT1 có thời hạn không quá 10 năm.

3. Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, LS, ĐT2 và DH có thời hạn không quá 05 năm.

4. Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, ĐT3, TT có thời hạn không quá 03 năm.

5. Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ1, LĐ2 và PV1 có thời hạn không quá 02 năm.

6. Thẻ tạm trú hết hạn được xem xét cấp thẻ mới.

Mục 2. THƯỜNG TRÚ

Điều 39. Các trường hợp được xét cho thường trú

1. Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.

2. Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam.

3. Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.

4. Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.

Điều 40. Điều kiện xét cho thường trú

1. Người nước ngoài quy định tại Điều 39 của Luật này được xét cho thường trú nếu có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

2. Người nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị.

3. Người nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật này đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên.

Điều 41. Thủ tục giải quyết cho thường trú

1. Người nước ngoài đề nghị cho thường trú làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn xin thường trú;

b) Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp;

c) Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú;

d) Bản sao hộ chiếu có chứng thực;

đ) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú quy định tại Điều 40 của Luật này;

e) Giấy bảo lãnh đối với người nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật này.

2. Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cho thường trú; trường hợp xét thấy cần phải thẩm tra bổ sung thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 02 tháng.

3. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người xin thường trú và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú thông báo người nước ngoài được giải quyết cho thường trú.

5. Trong thời hạn 03 tháng kể từ khi nhận được thông báo giải quyết cho thường trú, người nước ngoài phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xin thường trú để nhận thẻ thường trú.

Điều 42. Giải quyết cho thường trú đối với người không quốc tịch

1. Người không quốc tịch quy định tại khoản 4 Điều 39 của Luật này nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tạm trú. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn xin thường trú;

b) Giấy tờ chứng minh đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000 và đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.

2. Thủ tục giải quyết cho người không quốc tịch thường trú thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 41 của Luật này.

Điều 43. Cấp đổi, cấp lại thẻ thường trú

1. Thẻ thường trú do Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp. Định kỳ 10 năm một lần, người nước ngoài thường trú phải đến Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú để cấp đổi thẻ. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị cấp đổi thẻ thường trú;

b) Thẻ thường trú;

c) Bản sao hộ chiếu có chứng thực, trừ trường hợp người không quốc tịch.

2. Trường hợp thẻ thường trú bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trong thẻ, người nước ngoài thường trú phải làm thủ tục cấp lại thẻ tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị cấp lại thẻ thường trú;

b) Thẻ thường trú, trường hợp thẻ thường trú bị mất phải có đơn báo mất;

c) Bản sao hộ chiếu có chứng thực, trừ trường hợp người không quốc tịch;

d) Giấy tờ chứng minh nội dung thay đổi ghi trong thẻ thường trú.

3. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nước ngoài thường trú cấp lại thẻ.

Chương VII

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI; QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN MỜI, BẢO LÃNH NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, CƯ TRÚ TẠI VIỆT NAM

Điều 44. Quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài

1. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam có các quyền sau đây:

a) Được bảo hộ tính mạng, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Người có thẻ tạm trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm; được bảo lãnh vợ, chồng, con dưới 18 tuổi ở cùng trong thời hạn thẻ tạm trú nếu được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người đó đồng ý;

c) Người có thẻ thường trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm;

d) Người đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam, được kết hợp du lịch, thăm người thân, chữa bệnh không phải xin phép; trường hợp vào khu vực cấm hoặc khu vực hạn chế đi lại, cư trú thực hiện theo quy định của pháp luật;

đ) Thuyền viên trên các tàu, thuyền nhập cảnh Việt Nam được đi bờ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu; trường hợp đi ra ngoài phạm vi trên hoặc xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu khác thì được xét cấp thị thực;

e) Vợ, chồng, con cùng đi theo nhiệm kỳ của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ được lao động nếu có giấy phép lao động, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; được học tập nếu có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục;

g) Người đang học tập tại các trường hoặc cơ sở giáo dục theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được kết hợp lao động nếu có văn bản cho phép của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục;

h) Người không quốc tịch thường trú ở nước ngoài được nhập cảnh Việt Nam du lịch, thăm người thân;

i) Người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh được Bộ Công an xem xét cấp giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

2. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam;

b) Hoạt động tại Việt Nam phải phù hợp với mục đích nhập cảnh;

c) Khi đi lại phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

d) Người nước ngoài thường trú nếu xuất cảnh đến thường trú ở nước khác phải nộp lại thẻ thường trú cho đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Điều 45. Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các quyền sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam được mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực hoạt động;

b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được mời, bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ của vợ hoặc chồng; vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người nước ngoài vào Việt Nam thăm;

c) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được bảo lãnh cha, mẹ, vợ, chồng, con là người nước ngoài xin thường trú hoặc xin cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các trách nhiệm sau đây:

a) Làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú theo quy định của Luật này;

b) Hướng dẫn, giải thích cho người nước ngoài chấp hành quy định của pháp luật và tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam;

c) Thực hiện trách nhiệm bảo lãnh theo quy định của pháp luật và phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến người nước ngoài đã mời, bảo lãnh;

d) Phối hợp với cơ quan chức năng về quản lý hoạt động của người nước ngoài theo đúng mục đích nhập cảnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam; phối hợp với cơ sở lưu trú thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài;

đ) Làm thủ tục với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, nghề, lĩnh vực quy định phải xin phép trước khi mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực đó;

e) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về việc người nước ngoài được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú còn thời hạn nhưng không còn nhu cầu bảo lãnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam và phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu người nước ngoài xuất cảnh.

Chương VIII

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC VỀ NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CƯ TRÚ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 46. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Thống nhất quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2.[38] Quy định việc xây dựng, cập nhật, kết nối, khai thác và chia sẻ thông tin trong cơ sở dữ liệu nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

3.[39] Quy định việc người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khu kinh tế ven biển được miễn thị thực quy định tại khoản 3 và khoản 3a Điều 12 của Luật này có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam; việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam; hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh qua Cổng kiểm soát tự động.

Điều 47. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan thực hiện quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2. Chủ trì xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

4. Cấp giấy tờ cho phép nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

5.[40] Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Công an quản lý theo quy định của pháp luật.

6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

7. Ban hành các loại mẫu giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

8. Thống kê nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

9. Thực hiện hợp tác quốc tế theo thẩm quyền, đề xuất cơ quan có thẩm quyền việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

10.[41] Xây dựng, quản lý Trang thông tin cấp thị thực điện tử; thông báo tên miền Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh.

Điều 48. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

1. Phối hợp với Bộ Công an thực hiện hoạt động quản lý về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2. Thực hiện cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực; cấp, hủy bỏ thẻ tạm trú; gia hạn tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của Luật này.

3. Chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

4. Đề xuất cơ quan có thẩm quyền việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 49. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Phối hợp với Bộ Công an thực hiện hoạt động quản lý về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2.[42] Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của pháp luật; cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực, cấp chứng nhận tạm trú theo quy định của Luật này.

3. Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý.

Điều 50. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ

Bộ, cơ quan ngang bộ không thuộc quy định tại Điều 48 và Điều 49 của Luật này, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng thực hiện hoạt động quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 51. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Tổ chức thực hiện pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài ở địa phương.

2. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thực hiện việc quản lý cư trú của người nước ngoài ở địa phương theo quy định của Luật này.

3. Phổ biến, giáo dục pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài ở địa phương.

4. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở địa phương.

5. Ngoài quy định nêu tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc nắm tình hình hoạt động của cơ sở lưu trú và quản lý việc cư trú, hoạt động của người nước ngoài ở địa phương.

Điều 52. Trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

1. Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện các quy định của Luật này.

2. Giám sát việc thi hành pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[43]

Điều 53. Điều khoản chuyển tiếp

Giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực còn thời hạn được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn ghi trong giấy tờ đó.

Điều 54. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

2. Pháp lệnh Về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 24/1999/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 55. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hạnh Phúc

 



[1] Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13.

[2] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[3] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[4] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[5] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[6] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[7] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[8] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[9] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[10] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[11] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[12] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[13] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[14] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[15] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[16] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[17] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[18] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[19] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[20] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[21] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[22] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[23] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[24] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[25] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[26] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[27] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[28] Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[29] Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[30] Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[31] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[32] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 12 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[33] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[34] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 14 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[35] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 15 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[36] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 15 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[37] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[38] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 17 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[39] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 17 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[40] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 18 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[41] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 18 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[42] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[43] Điều 2 của Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 quy định như sau:

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

NATIONAL ASSEMBLY OFFICE OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 27/VBHN-VPQH

Hanoi, December 16, 2019

 

LAW ON ENTRY, EXIT, TRANSIT, AND RESIDENCE OF FOREIGNERS IN VIETNAM

The Law on Entry, Exit, Transit and Residence of Foreigners in Vietnam No. 47/2014/QH13 dated June 16, 2014 of the National Assembly of Vietnam, which came into force on January 01, 2015, is amended by:

The Law No. 51/2019/QH14 dated November 25, 2019 of the National Assembly of Vietnam on Amendments to some Articles of the Law on Entry, Exit, Transit and Residence of Foreigners in Vietnam, which came into force on July 01, 2015, 2020.

Pursuant to Constitutions of Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

Chapter I

GENERAL REGULATIONS

Article 1. Scope

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 2. Regulated entities

This Law deals is applied to foreigners who enter, leave, transit through, and reside in Vietnam, Vietnamese authorities, relevant Vietnamese and foreign entities.

Article 3. Definitions

In this Law, the terms below are construed as follows:

1. "foreigners" are those who carry papers proving their foreign nationalities, or those without nationalities who enter, leave, transit through, or reside in Vietnam.

2. "papers proving foreign nationalities" are papers issued by foreign authorities or the UN, including passports or passport substitutes (hereinafter referred to as passports).

3. "international laissez-passer" means a document issued by a competent authority of a country to a person without nationality who is residing therein, and is accepted by Vietnamese authorities.

4. "entry" means a foreigner’s entering into Vietnam through a Vietnam’s border checkpoint.

5. " transit" means a foreigner’s passing or staying within the area for transit passengers at a border checkpoint of Vietnam before going to a third country.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. "suspension of exit" Transit "means a decision of competent person of Vietnam to suspend a foreigner residing in Vietnam from leaving Vietnam for a certain period of time.

8. "forced exit" means a decision of competent person of Vietnam to compel a foreigner residing in Vietnam to leave Vietnam through a Vietnam’s border checkpoint.

9. "residence" means a foreigner’s permanent or temporary residence in Vietnam.

10. "border checkpoint" is a place where foreigners are granted entry, exit, or transit.

11. "visa" means a document issued by a competent authority of Vietnam to a foreigner to grant entry into Vietnam.

12. "temporary residence permit" means a certification by a Vietnamese authority of the period over which the foreigner may temporarily reside in Vietnam.

13. "temporary residence card" is a document issued by an immigration authority or a competent authority of the Ministry of Foreign Affairs to a foreigner who is permitted to reside in Vietnam for a certain period of time. This card has the same validity as a visa.

14. "permanent residence" card is a document issued by an immigration authority to a foreigner who is permitted to reside indefinitely in Vietnam. This card has the same validity as a visa.

15. "immigration authority" is an agency affiliated to the Ministry of Public Security specialized in administration of entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam .

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



17. "overseas visa-issuing authorities" of Vietnam include diplomatic missions or other overseas agencies of Vietnam authorized to act as consulates.

18. "websites for immigration" are websites of immigration authorities, capable of publishing information, providing public information online, assisting conducting search, connecting, storing information, providing instructions for procedures and answering questions relating to the field of entry and exit management.

19. "websites for issuance of electronic visa" are websites affiliated to websites for immigration, capable of receiving, processing and providing information relating to issuance of electronic visa.

Article 4. Entry, exit, transit, and residence must:

1. Comply with this Law, and other relevant regulations of law of Vietnam or international agreements to which Vietnam is a signatory.

2. Respect the independence, sovereignty, unity, and territorial integrity; ensure national security, social order, and equality in international relationship.

3. Ensure transparency and convenience for foreigners; ensure tight and consistent administration of entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

4. Any foreigner who has multiple passports may use only one passport for his/her entry, exit, transit, and residence in Vietnam.

Article 5. Prohibited acts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Establishing procedures or requiring documents against this Law and relevant regulations of law; harass foreigners when they are following for entry, exit, transit, or residence in Vietnam.

3. Illegal entry, exit, or residence in Vietnam; using fake documents to enter, leave, transit through, or reside in Vietnam.

4. Providing false information or documents in order to obtain permission for entry, exit, transit, or residence in Vietnam.

5. Taking advantage of entry, exit, transit, or residence in Vietnam to act against Socialist Republic of Vietnam, infringe upon the lawful rights and interests of other entities.

6. Buying, selling, leasing, lending, borrowing, falsifying immigration or residence permits in order for foreigners to enter, leave, transit through, or reside in Vietnam.

Article 6. Revocation, invalidation of immigration or residence documents issued by Vietnamese competent authorities

Any foreigner that violations regulations of Clauses 3, 4, 5, and 6 Article 5, Clause 3 Article 21, Point b Clause 2 Article 44 of this Law shall have his/her immigration or residence permit revoked.

Chapter II

VISA

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Visa shall be issued and attached to passport, issued separately or issued via electronic transaction.

2. Visas shall be issued individually for each person, except for cases bellow:

a) Visas for children under 14 years of age travelling on passports of their parents or guardians shall be issued together with visas thereof;

b) Visas shall be issued according to lists issued by immigration authorities with respect to foreigners visiting and travelling or transiting by sea who have the need to enter inland for visiting and tourism purposes according to programs organized by international tourism enterprises in Vietnam; members of foreign military ships travelling under official programs of tours outside of central-affiliated cities and provinces where their ships anchor.

3. Visas can be used once or multiple times; electronic visas and visas issued under circumstances specified in Point b Clause 2 of this Article can be used once.

4. A visa of an individual cannot be repurposed, except for cases below:

a) He/she presents document proving to be an investor or a representative for foreign organization investing in Vietnam as per the law of Vietnam;

b) He/she presents document proving his/her relationship with person inviting or sponsoring in terms of parents, spouse, children;

c) He/she is invited or sponsoring by agencies or organizations and presents work permit or confirmation of eligibility for work permit exemption according to labor laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. In case a person repurposes visa as specified in Clause 4 of this Article, he/she shall be issued with a new visa with number and time limit suitable with the new purpose. Procedures for issuance of new visas are specified in Article 19 of this Law.

Article 8. Visa symbols

1. NG1 - Issued to members of delegations invited by the Secretary General of Vietnam’s Communist Party of, the President of Vietnam, the President of the National Assembly, the Prime Minister.

2. NG2 - issued to members of delegations invited by standing members of the Secretariat of the Vietnam’s Communist Party, Deputy President of Vietnam, Deputy President of the National Assembly, Deputy Prime Minister, President of Vietnamese Fatherland Front, Executive Judge of The Supreme Court, Chief Procurator of the Supreme Procuracy, State Auditor General; members of delegations at the same levels of Ministers, Secretary Generals of Provincial Communist Authorities, President of the People’s Committees of provinces.

3. NG3 - Issued to members of diplomatic missions, consular offices, representative offices of international organizations affiliated to the UN, representative offices of intergovernmental organizations and their spouses, children under 18 years of age, and housemaids during their term of office.

4. NG4 – Issued to persons who come to work with diplomatic missions, consular missions, reprehensive offices of international organizations affiliated to United Nation, intergovernmental representative offices and accompanying spouses, children under 18 years of age; visitors of diplomatic missions, consular missions, representative offices of international organizations affiliated to United Nation and intergovernmental representative offices.

5. LV1 - Issued to people who come to work with units affiliated to Vietnam’s Communist Party; the National Assembly, the government, Central Committee of Vietnamese Fatherland Front, the People’s Supreme Court, the People’s Supreme Procuracy, State Audit Agency, Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, the People’s Councils, the People’s Committees of provinces.

6. LV2 - Issued to people who come to work with socio-political organizations, social organizations, Vietnam Chamber of Commerce and Industry.

7. LS – Issued to foreign lawyers practicing in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7b. ĐT2 - Issued to foreign investors in Vietnam and representatives of foreign organizations investing in Vietnam and contributing capital of VND 50 billion to less than VND 100 billion or investing in business lines benefitting from investment incentives treatment decided by the Government.

7c. ĐT3 - Issued to foreign investors in Vietnam and representatives of foreign organizations investing in Vietnam and contributing capital of VND 3 billion to less than VND 50 billion.

7d. ĐT4 - Issued to foreign investors in Vietnam and representatives of foreign organizations investing in Vietnam and contributing capital of less than VND 3 billion.

8. DN1 – Issued to foreigners working with other enterprises and organizations that are  juridical person as per the law of Vietnam.

8a. DN2 – Issued to foreigners making entry to promote services, establish commercial presence or conducting other activities according to international agreements to which Vietnam is a signatory.

9. NN1 - Issued to Managers of representative offices or projects of international organizations and foreign non-governmental organizations in Vietnam.

10. NN2 - Issued to heads of representative offices, branches of foreign traders, representative offices of other foreign economic, cultural, professional organizations in Vietnam.

11. NN3 - Issued to people who come to work with foreign non-governmental organizations, representative offices, branches of foreign traders, representative offices of other foreign economic, cultural, professional organizations in Vietnam.

12. DH - Issued to people who come to study or serve internship.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



14. PV1 - Issued to journalists who have permanent residences in Vietnam.

15. PV2 - Issued to journalists who come to work for a short period of time in Vietnam.

16. LĐ1 – Issued to foreigners working in Vietnam and certified of eligibility for work permit exemption, unless otherwise specified by international agreements to which Vietnam is a signatory.

16a. LĐ2 – Issued to foreigners working in Vietnam requiring work permit.

17. DL - Issued to tourists.

18. TT – Issued to foreigners that are spouses or children under 18 years of age of foreigners issued with LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, or LĐ2 visas or foreigners that are parents, spouses or children of Vietnamese citizens.

19. VR - Issued to people who come to visit their relatives or for have other purposes.

20. SQ - Issued to people in the cases mentioned in Clause 3 Article 17 of this Law.

21. EV - Electronic visas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The duration of a SQ visa is not longer than 30 days.

2. The duration of a HN or DL visa is not longer than 03 months.

3. The duration of a VR visa is not longer than 06 months.

4. The duration of NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 and TT visas is not longer than 12 months.

5. The duration of LĐ1 and LĐ2 visas is not longer than 02 years.

5a. The duration of ĐT3 visas is not longer than 03 years.

6. The duration of LS, ĐT1 and ĐT2 visas is not longer than 05 years.

7. When a visa is expired, its reissuance shall be considered.

8. The duration of a visa shall be at least 30 days shorter than that of a passport or international laissez-passer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 10. Conditions for visa issuance

1. A person shall be issued with a visa when he/she:

1. Has a passport or international laissez-passer.

2. Is invited or sponsored by agencies, organizations or individuals in Vietnam, except for cases specified in Article 16a, Article 16b and Clause 3 Article 17 of this Law.

3. Is not suspended from entry in the cases mentioned in Article 21 of this Law.

4. Proof of entry purposes must be provided when applying for a visa in the following cases:

a) Any foreigner who comes to make investment must have papers proving the investment in Vietnam in accordance with the Law on Investment;

b) Any foreigner who works as a lawyer in Vietnam must have a practice license in accordance with the Law of Lawyers;

c) Any foreigner who comes to work in Vietnam must have work permits in accordance with the Labor Code;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Electronic visas shall be issued to foreigners possessing passports and not falling into categories specified in Clauses 1, 2, 3 and 4 Article 8 of this Law.

Article 11. Cases in which visas are issued separately

1. The passport has no more blank pages to issue visa.

2. The passport is issued by a government that has not had a diplomatic relation with Vietnam.

3. International laissez-passer.

4. For reasons of diplomacy, or national defense and national security.

5. Visas issued in accordance with Point b Clause 2 Article 7 of this Law.

Article 12. Cases of visa-free entry

1. The cases prescribed in international agreements to which Vietnam is a signatory.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Entry to checkpoint economic zones, special administrative - economic units.

3a. Entering coastal economic zones decided by the Government if fully satisfying following conditions: having international airports; having private space; having defined geographical border and separate from inland; in conformity with socio-economic development policies and not harming national defense and security, social safety and order of Vietnam.

4. Under regulations in Article 13 of this Law.

5. Vietnamese people residing overseas who have passports or laissez-passers issued by foreign authorities, foreigners being their spouses or children; foreigners being spouses and children of Vietnamese citizens shall be granted visa-free entry as prescribed by the government.

Article 13. Unilateral visa-free entry

1. A decision to unilaterally grant visa-free entry to citizens of a country must satisfy the following conditions:

a) The country has a diplomatic relation with Vietnam;

b) The decision is conformable with the policies on socio-economic development and diplomacy of Vietnam in each period;

c) The decision does not threaten national defense, national security, social safety and social order of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. A decision to unilaterally grant visa-free entry shall be invalidated if any of the conditions in Clause 1 of this Article is not satisfied.

Article 14. Entities that invite or sponsor foreigners

1. Entities that invite or sponsor foreigners to enter Vietnam (hereinafter referred to as inviting entities) according to Clause 2 Article 10 of this Law include:

a) Secretary General of Vietnam’s Communist Party, the President of Vietnam, the President of the National Assembly, the Prime Minister;

b) Standing members of the Secretariat of Vietnam’s Communist Party, Deputy President of Vietnam, Deputy President of the National Assembly, Deputy Prime Minister, President of Central Committee of Vietnamese Fatherland Front, Executive Judge of The People’s Supreme Court, the Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy, State Auditor General; Ministers and the equivalent, Secretary Generals of provincial Communist authorities, Presidents of the People’s Councils, Presidents of the People’s Committees of provinces;

c) The agencies and units affiliated to Central Communist Party Agency of Vietnam, agencies of the National Assembly, agencies affiliated to Standing Committee of the National Assembly, Central Committee of Vietnamese Fatherland Front, The People’s Supreme Court, the People’s Supreme Procuracy, State Audit Agency, ministerial agencies, Governmental agencies;

d) Provincial communist parties, the People’s Councils, the People’s Committees of provinces;

dd) Central agencies of socio-political organizations, social organizations, Vietnam Chamber of Commerce and Industry;

e) Companies established within Vietnam’s Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Representative offices, branches of foreign traders; representative offices of other foreign economic, cultural, and professional organizations in Vietnam;

i) Other organizations with legal status as prescribed by Vietnam’s law;

k) Vietnamese citizens residing in Vietnam, foreigners having temporary residence cards or permanent residence cards.

2. The aforementioned entities must invite or sponsor foreigners within the functions, tasks, and entitlements prescribed by law or by the operating licenses issued. Vietnamese citizens residing in Vietnam, foreigners having temporary residence cards or permanent residence cards may invite or sponsor foreigners to visit Vietnam, and must present papers proving their relationship with the persons invited or sponsored.

Article 15. Procedures for inviting, sponsoring foreigners to enter Vietnam at competent authorities of the Ministry of Foreign Affairs

1. Each of the foreigners mentioned in Clauses 1, 2, 3, and 4 Article 8 of this Law shall send an application to a competent authority of the Ministry of Foreign Affairs via the inviting entity.

2. Any entity that invites or sponsors a foreigner as prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 8 of this Law must send a written notification to a competent authority of the Ministry of Foreign Affairs in order for an overseas agency of Vietnam competent to issue visas to issue a visa (if a visa is required), and notify the immigration authority.

3. The inviting entity mentioned in Clause 3 and Clause 4 Article 8 of this Law shall directly send an application for the visa to a competent authority of the Ministry of Foreign Affairs. The competent authority of the Ministry of Foreign Affairs shall send a written notification to the immigration authority. Within 02 working days, if the immigration authority does not offer any opinions, the competent authority of the Ministry of Foreign Affairs shall reply the inviting entity and request the overseas visa-issuing authority of Vietnam to issue the visa (if a visa is required).

4. If the application is submitted at a border checkpoint, it is required to specify the border checkpoint, entry time, and reasons for applying for the visa at the border checkpoint.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The entity that applies for the grant of a visa to a foreigner at an overseas visa-issuing authority of Vietnam shall pay the fee for notification of visa issuance to the competent authority of the Ministry of Foreign Affairs.

Article 16. Procedures for inviting, sponsoring foreigners to enter Vietnam at immigration authorities

1. Foreigners other than those mentioned in Clauses 1, 2, 3, and 4 Article 8 of this Law must follow the procedures at the immigration authority via the inviting entities. The inviting entity shall directly submit the application for the visa at the immigration authority.

2. Before following the procedures for inviting or sponsoring a foreigner to enter Vietnam, the social organization, company, or another organization having a legal status as prescribed by Vietnam’s law, the branch of a foreign trader, the representative office of a foreign economic, cultural, and professional organization in Vietnam must send a written notifications to the immigration authority together with a dossier that consists of:

a) A certified true copy of the license or decision of the competent authority on establishment of the organization.

b) A document introducing the seal and signature of a competent person of the organization.

The notification shall only be sent once. If the contents of the dossier are change, an additional notification shall be sent.

3. Within 05 working days from the receipt of the application for the visa, the immigration authority shall consider granting it, send a response to the inviting entity, and notify the overseas visa-issuing authority of Vietnam.

4. After receiving the written response from the immigration authority, the inviting entity shall notify the foreigner to follow the procedures for receiving the visa at the overseas visa-issuing authority of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Any entity that applies for a visa for a foreigner at an overseas visa-issuing authority of Vietnam must pay the fee for notification of visa issuance to the immigration authority.

7.Agencies and organizations inviting or sponsoring foreigners may choose to send application for issuance of visas for foreigners and receive response via electronic transaction at websites for immigration if conditions specified in Clause 1 Article 16b of this Law are fully satisfied.

Article 16a. Procedures for issuance of electronic visas at request of foreigners

1. Foreigners requesting for issuance of electronic visas shall perform as follows:

a) Declare information in application for issuance of electronic visas and upload photo and passport record in information site for issuance of electronic visas;

b) Submit fees for visa issuance to accounts specified in information site for issuance of electronic visas after receiving code of electronic profiles of immigration authorities.

2. Immigration authorities shall consider, process and respond to applicants at the information site for issuance of electronic visas within 03 working days from the date on which all information and fees for visa issuance have been received.

3. Foreigners issued with electronic visas shall use code of electronic profiles to check and print results of issuance of electronic visas at information site for issuance of electronic visas.

Article 16b. Procedures for issuance of electronic visas at request of agencies and organizations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Own electronic accounts granted by immigration authorities as specified in Clause 2 of this Article;

b) Own electronic signatures according to Law on E-Transactions.

2. Registration of electronic accounts is as follows:

a) Agencies and organizations shall send application for issuance of electronic accounts to immigration authorities. Application for issuance of electronic accounts can only performed once, except for cases of changes to contents or termination of accounts as specified in Clause 7 of this Article;

b) Immigration authorities shall respond in written form and grant electronic accounts within 03 working days from the date on which applications of agencies and organizations are received, in case of rejection, specify reasons in written form.

3. Agencies and organizations specified in Clause 1 of this Article shall use electronic accounts to access to information site for issuance of electronic visas to request issuance of electronic visas for foreigners; submit fees for issuance of electronic visas to accounts specified in information site for issuance of electronic visas after receiving code of electronic profiles of immigration authorities.

4. Immigration authorities shall consider, process and respond to agencies and organizations at the information site for issuance of electronic visas within 03 working days from the date on which all information and fees for visa issuance have been received.

5. Agencies and organizations shall login to information site for issuance of electronic visas, use code of electronic profiles to receive response of immigration authorities and inform foreigners.

6. Foreigners issued with electronic visas shall use code of electronic profiles informed by agencies and organizations to check and print results of issuance of electronic visas at information site for issuance of electronic visas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 17. Issuance of visa at an overseas visa-issuing authority of Vietnam

1. Within 01 working days from the receipt of a directive from a competent authority of the Ministry of Foreign Affairs, the passport and the application for visa with pictures in the cases mentioned in Clause 2 Article 15 of this Law, the overseas visa-issuing authority of Vietnam shall issue the visa.

2. In cases other than those mentioned in Clause 1 of this Article, after receiving the notification from the inviting entity, the foreigner shall submit the passport, the application and his/her pictures to the overseas visa-issuing authority of Vietnam. Every child under 14 years of age who is issued with a visa in the same passport of his/her parent or guardian is no required to apply for a visa in case he/she uses the same visa as his/her parent or guardian.

Within 03 working days from the receipt of the notification from the immigration authority or a competent authority of the Ministry of Foreign Affairs, the overseas visa-issuing authority of Vietnam shall issue the visa.

3. The head of the overseas visa-issuing authority of Vietnam shall issue a visa that is valid for not more than 30 days to the following foreigners who comes to Vietnam for the purpose of market survey, tourism, visiting relatives, or medical treatment:

a) Any person who has works to do with an overseas visa-issuing authority of Vietnam, his/her spouse and children; any person that presents a written request by a competent agency of the Ministry of Foreign Affairs of the host country;

b) Any person who presents a diplomatic note of sponsorship by a foreign diplomatic mission or consular office at the host country.

4. After the visa is issued in the cases mentioned in Clause 3 of this Article, the head of the overseas visa-issuing authority of Vietnam must notify the immigration authority and bear responsibility of the visa issuance.

Article 18. Visa issuance at border checkpoints

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The foreigner departs from a country that does not have any visa-issuing authority of Vietnam;

b) The foreigner has to stop by multiple countries before arriving at Vietnam;

c) The foreigner comes to Vietnam to take a tour organized by an international tourism company in Vietnam;

d) Foreign crewmembers of a ship anchoring at a Vietnam’s port and wish to leave Vietnam through another border checkpoint;

dd) The foreigner comes to Vietnam to attend a funeral of his/her relative, or to visit a gravely ill relative;

e) The foreigner comes to Vietnam to participate in dealing with an emergency, rescue, prevention of natural disasters, epidemics, or for another purpose at the request of a competent authority of Vietnam.

2. Any foreigner issued with a visa at a border checkpoint shall submit his/her passport or laissez-passer, fill the application for the visa, and append his/her picture at the immigration counter. A child under 14 years of age shall be mentioned in the same application filled by his/her parent or guardian in case the child use the same passport of his/her parent or guardian.

3. The immigration counter shall compare the application with the notification of the immigration authority to issue the visa.

Article 19. Visa issuance at a immigration authority or competent authority of the Ministry of Foreign Affairs

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The inviting entity mentioned in Clause 1 of this Article shall directly send an application for the visa enclosed with a passport or laissez-passer of the invited foreigners to the immigration authority or a competent authority of the Ministry of Foreign Affairs.

3. Within 05 working days from the receipt of sufficient documents, the immigration authority or competent authority of the Ministry of Foreign Affairs shall consider issuing the visa.

Article 19a. Nationals eligible for issuance of electronic visas and international border checkpoints for entry and exit of foreigners on electronic visas

1. Nationals satisfying conditions specified in Clause 1 Article 13 of this Law shall be eligible for issuance of electronic visas.

2. The Government shall decide list of nationals eligible for issuance of electronic visas and list of international border checkpoints for entry and exit of foreigners on electronic visas.

Chapter III

ENTRY

Article 20. Entry eligibility

1. A foreigner shall be permitted for entry if:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Passport of a foreigner wishing to make entry in form of unilateral visa-free must be valid at least for another 06 months; and

b) It is not any of the cases of entry suspension specified in Article 21 of this Law.

2. A foreigner making entry on electronic visas must fully satisfy all conditions specified in Clause 1 of this Article and make entry via international border checkpoints decided by the Government.

Article 21. Cases of suspension from entry

1. Any of the conditions in Clause 1 Article 20 of this Law is not satisfied.

2. Children under 14 years of age without parents, guardians or authorized custodians.

3. Forging papers or providing false information to obtain entry/exit/residence permit.

4. Any person suffering from a mental disease or infectious disease that threatens the public health.

5. Any person that was deported from Vietnam within the last 03 years.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. For reasons of epidemic prevention.

8. For reasons of natural disasters.

9. For reasons of national defense, national security, social order, and social safety.

Article 22. Entitlement to decide suspension from entry

1. The head of the immigration unit shall decide suspension from entry in the cases mentioned in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6 Article 21 of this Law.

2. The Minister of Health shall decide suspension of entry in the cases mentioned in Clause 7 Article 21 of this Law.

3. The Minister of Agriculture and Rural development shall decide suspension of entry in the cases mentioned in Clause 8 Article 21 of this Law.

4. The Minister of Public Security and the Minister of National Defense shall decide suspension of entry in the cases mentioned in Clause 9 Article 21 of this Law.

5. The persons competent to decide suspension of entry are also competent to lift such suspension and take responsibility for their decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



TRANSIT

Article 23. Conditions for transit

A foreigner shall be granted transit when all of the documents below are presented:

1. The foreigner has a passport/laissez-passer;

2. A ticket that matches the route to the third country;

3. The visa issued by the third country, except for cases in which visa-free entry is granted.

Article 24. Transit passenger area

1. Transit passenger area is an area within a border checkpoint where foreigners may stay before going to the third country.

2. The transit passenger area shall be decided by the authority in charge of the border checkpoint.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Foreigners that transit by air are not required to obtain a visa and must stay within the transit passenger area of the international airport pending the connecting flight.

2. During the transit, any foreigner that wishes to enter Vietnam for the purpose of tourism according to a schedule designed by an international tourism company n Vietnam, such foreign shall be considered to be issued with a visa that matches the transit duration.

Article 26. Transit by sea

Foreigners that transit by sea are not required to obtain a visa and must stay within the transit passenger area of the seaport while the ship is anchoring; any of them who wishes to enter Vietnam for the purpose of tourism according to a schedule designed by an international tourism company n Vietnam; any of them who wishes to leave Vietnam through another border checkpoint shall be considered to be issued with a VR visa.

Chapter V

EXIT

Article 27. Exit eligibility

1. A foreigner shall be permitted for exit if he/she:

a) possesses a passport or documents enabling international travel; and

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) does not fall into categories of exit suspension specified in Article 28 of this Law.

2. A foreigner making exit on electronic visas must fully satisfy all conditions specified in Clause 1 of this Article and make exit via international border checkpoints decided by the Government.

Article 28. Cases of suspension from exit and duration of suspension

1. A foreigner may be suspended from exit in one of the following cases:

a) He/she is currently the suspect, the accused, or the person with relevant obligations in a criminal case; a defendant or a person with relevant obligations in a civil case pertaining to business, employment, administration, marriage and familial affairs;

b) He/she has to implement a judgment or decision of the Court or a Competition Settlement Council;

c) His/her tax obligation is not fulfilled;

d) He/she is obliged to implement a decision on penalties for administrative violations;

dd) For reasons of national defense and security.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The duration of suspension from exit shall not exceed 03 years and may be extended.

Article 29. Entitlements to decide exit suspension, extend duration of exit suspension, and lift exit suspension

1. Heads of investigation agencies, Heads of Procuracies, Executive Judges of Courts, Chiefs of Judicial Order Enforcement Agencies, Presidents of Competition Settlement Councils, within the ambit of their competence, shall decide exit suspension in the cases mentioned in Point a and Point b Clause 1 Article 28 of this Law.

2. Heads of tax authorities shall decide exit suspension in the cases mentioned in Point c Clause 1 Article 28 of this Law.

3. The Minister of Public Security shall suspend the foreigners mentioned in Point d Clause 1 Article 28 of this Law from exit in the following cases:

a) Any foreigner obliged to implement a decision on penalties for administrative violations imposed by a police authority;

b) At the request of the Executive Judge of the People’s Supreme Court, Ministers, Heads of ministerial agencies, Presidents of the People’s Committees of provinces.

4. The Minister of Public Security and the Minister of National Defense shall decide suspension of entry in the cases mentioned in Point dd Clause 1 Article 28 of this Law.

5. Any person competent to decide suspension of exit is also entitled to extend the suspension period, lift such suspension, and take responsibility for his/her decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The decision on suspension of exit, extension of suspension period, or lift of suspension must be promptly sent to the immigration authority and the suspended person.

7. After receiving the decision on suspension of exit, extension of suspension period, or lift of suspension the immigration authority shall implement it.

Article 30. Forced exit

1. A foreigner may be forced to leave Vietnam in one of the following cases:

a) The foreigner fails to leave Vietnam after the expiration of the temporary residence period;

b) For reasons of national defense, national security, social order, and social safety.

2. Entitlements to decide forced exit:

a) Immigration authorities shall decide forced exit in the cases mentioned in Point a Clause 1 of this Article;

b) The Minister of Public Security, the Minister of National Defense shall decide forced exit in the cases mentioned in Point b Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



RESIDENCE

Section 1. TEMPORARY RESIDENCE

Article 31. Temporary residence permit

1. A foreigner making entry without having a valid temporary resident card or permanent residence card shall be issued with a temporary residence certificate at the border checkpoint valid within definite period as follows:

a) Period of temporary residence granted shall equal his/her visa validity; in case his/her visa is encoded as DL and valid for more than 30 days, he/she shall be granted temporary residence for 30 days and shall be considered for extension of temporary residence as specified in Article 35 of this Law;

b) If he/she is benefitting from visa-free entry according to international agreements to which Vietnam is a signatory, period of temporary residence shall be granted according to the international agreements or for 30 days should the international agreements not specify period of temporary residence;

c) A national benefitting from unilateral visa-free entry treatment of Vietnam shall be granted temporary residence for 15 days if he/she enters special administrative - economic zones or for periods specified in Point d of this Clause if he/she enters coastal economic zones specified in Point 3a Article 12 of this Law;

d) He/she who does not fall into cases specified in Points a and b of this Clause and enters economic zones of border checkpoint areas shall be granted temporary residence of 15 days; he/she who enters special administrative – economic zones or coastal economic zones specified in Point 3a Article 12 of this Law shall be granted temporary residence for 30 days.

2. Foreigners may temporarily reside in Vietnam throughout the duration of the temporary residence permit issued.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 32. Lodging establishments

Lodging establishments are places where foreigners temporary resides within Vietnam’s territory, including lodging establishments for tourists, guest houses, housing areas for foreigners who work, study, or serve their internship in Vietnam, medical facilities, private houses, and other lodging establishments defined by law.

Article 33. Declaration of temporary residence

1. Any foreigner that temporary resides in Vietnam must, via the manager of the lodging establishment, declare his/her temporary residence at the local police authority.

2. The manager of the lodging establishment shall complete the declaration form and submit it to the local police authority within 12 hours (or within 24 hours if the administrative division is in a remote area) since the foreigner arrives at the lodging establishment.

3. Lodging establishments that are hotels must have Internet access or connect to the computer network of the immigration authority affiliated to the provincial police authority to transmit foreigners’ declarations of temporary residence. Other lodging establishments that have Internet access may directly send the foreigners’ declarations of temporary residence to the email address of the immigration authority affiliated to the provincial police authority.

4. Any foreigner that changes his temporary residence or resides at a place other than that written in the temporary residence card must submit a declaration of temporary residence as prescribed in Clause 1 of this Article.

Article 34. Temporary residence in industrial parks, export-processing zones, checkpoint economic zones, coastal economic zones, bordering areas, and special administrative - economic units

1. Foreigners may reside in lodging establishments in industrial parks, export-processing zones, checkpoint economic zones, and coastal economic zones, and shall declare their temporary residence in accordance with Article 33 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 35. Extension of temporary residence status

1. Any foreigner who is temporarily residing in Vietnam and wish to have the temporary residence status extended must request the inviting entity to follow the procedures at an immigration authority or a competent authority of the Ministry of Foreign Affairs.

2. The inviting entity mentioned in Clause 1 of this Article shall directly send the written request for extension of the temporary residence status enclosed with a passport or laissez-passer of the foreigner to the competent authority of the Ministry of Foreign Affairs in the cases mentioned in Clauses 1, 2, 3, and 4 Article 8 of this Law, or at the immigration authority in the cases mentioned in Clause 1 Article 16 of this Law.

3. Within 05 working days from the receipt of sufficient documents, the immigration authority or the competent authority of the Ministry of Foreign Affairs shall consider extending temporary residence status.

Article 36. Cases of issuance of temporary resident cards and symbols thereof

1. Cases of issuance of temporary resident cards include:

a) Foreigners who are members of diplomatic missions, consular missions, representative offices of international organizations affiliated to United Nation, intergovernmental organizations in Vietnam and spouses, children under 18 years of age and helpers accompanying on missions;

b) Foreigners making entry on LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2 and TT visas.

2. Temporary resident cards shall be granted symbols as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Temporary residence cards for individuals specified in Point b Clause 1 of this Article shall be granted symbols similar to visa symbols.

Article 37. Procedures for issuance of temporary residence card

1. An application for the temporary residence card consists of:

a) A written request from the inviting entity;

b) A declaration bearing a picture;

c) The passport;

d) Documents proving eligibility specified in Clause 1 Article 36 of this Law.

2. An application for a temporary residence card shall be processed as follows:

a) The diplomatic mission, consular office, or another agency authorized by the foreigner in Vietnam shall send the application for the NG3 temporary residence card to a competent authority of the Ministry of Foreign Affairs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Within 05 working days from the receipt of sufficient documents, the immigration authority or the competent authority of the Ministry of Foreign Affairs shall consider issuing the temporary residence card.

Article 38. Validity of temporary resident card

1. The validity period of issued temporary resident cards shall be at least 30 days shorter than remaining validity period of passports.

2. The validity period of ĐT1 temporary residence cards shall not exceed 10 years.

3. The validity period of NG3, LV1, LV2, LS, ĐT2 and DH temporary residence cards shall not exceed 05 years.

4. The validity period of NN1, NN2, ĐT3, and TT temporary residence cards shall not exceed 03 years.

5. The validity period of LĐ1, LĐ2 and PV1 temporary residence cards shall not exceed 02 years.

6. Holders of expired temporary residence cards may apply for issuance of new cards.

Section 2. PERMANENT RESIDENCE

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Foreigners who have contributed to the development and protection of Vietnam and are awarded medals or titles by Vietnam’s government.

2. Foreigners who are scientists or experts temporarily residing in Vietnam.

3. Any foreigner sponsored by his parent, spouse, or child who is a Vietnamese citizen and has a permanent residence in Vietnam.

4. Any person without nationalities who has had a temporary residence in Vietnam from 2000 or earlier.

Article 40. Conditions for considering grant of permanent residence status

1. Any of the foreigners mentioned in Article 39 of this Law may be granted permanent residence status if he/she has a legitimate residence and is making a decent living in Vietnam.

2. Foreigners mentioned in Clause 2 Article 39 of this Law must be proposed by the Ministers, Heads of ministerial agencies or Governmental agencies in corresponding fields.

3. Any of the foreigners mentioned in Clause 3 Article 39 who have had a temporary residence in Vietnam for 03 consecutive years or more.

Article 41. Procedures for granting permanent residence status

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) A written request for grant of permanent residence status;

b) A criminal record issued by a competent authority of the country of which the applicant is a citizen;

c) A diplomatic note from a diplomatic mission of the country of which the applicant is a citizen requesting grant of permanent residence status to the applicant;

d) Certified true copy of the passport;

dd) Papers proving the fulfillment of requirements mentioned in Article 40 of this Law;

e) A note of sponsorship (applied to the foreigner mentioned in Clause 3 Article 39 of this Law).

2. Within 04 months from the receipt of sufficient documents, the Minister of Public Security shall consider granting the permanent residence status; if further investigation is deem necessary, the deadline may be extended for up to 02 months.

3. The immigration authority shall send a written notification of the result to the applicant and the police authority of the province where the foreigner wishes to have a permanent residence.

4. Within 05 working days from the receipt of the notification from the immigration authority, the police authority of the province shall notify the foreigner of the grant of permanent residence status.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 42. Grant of permanent residence status to people without nationalities

1. Any of the people without nationalities mentioned in Clause 4 Article 39 of this Law may submit an application to the immigration authority affiliated to the police authority of the province where he/she has a temporary residence. The application consists of:

a) A written request for grant of permanent residence status;

b) Documents proving that he/she has had a temporary residence in Vietnam before 2000 and satisfy all requirements in Clause 1 Article 40 of this Law.

2. Procedures for granting permanent residence status to people without nationalities shall comply with Clauses 2, 3, 4, and 5 Article 41 of this Law.

Article 43. Replacement, reissuance of permanent residence cards

1. Permanent residence cards shall be issued by provincial police authorities. Every 10 years, every foreigner who has a permanent residence status must go to a provincial police authority to replace the permanent residence card. The application consists of:

a) An application form for replacement of the permanent residence card;

b) The permanent residence card;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If permanent residence card is lost or, damaged, or its contents are changed, its holder must follow the procedures for reissuance of the card at the police authority of the province where he/she has the permanent residence. The application consists of:

a) An application form for reissuance of the permanent residence card;

b) The permanent residence card (or a report on the loss of the card);

c) A certified true copy of the passport, except for those without nationalities;

d) Papers proving the changes to the contents of the permanent residence card.

3. Within 20 days from the day on which sufficient documents are received, the police authority of the province shall reissue the card.

Chapter VII

RIGHTS AND OBLIGATIONS OF FOREIGNERS; RIGHTS AND OBLIGATIONS OF INVITING ENTITIES

Article 44. Rights and obligations of foreigners

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Have the life, dignity, property, the lawful rights and interests protected in accordance with Vietnam’s Law while they are staying within the territory of Socialist Republic of Vietnam;

b) Every holder of a temporary residence card may sponsor his/her grandparents, parents, spouse, and children to visit Vietnam; for his/her spouse and children under 18 years of age to stay in Vietnam during the validity period of the temporary residence card if agreed by the organization that invites or sponsors the card holder.

c) Every holder of a permanent residence card may sponsor his/her parents, parents, spouse, and children to visit Vietnam;

d) People residing lawfully in Vietnam may travel around the territory of Vietnam for purposes of tourism, visiting, or medical treatment without having to ask for permission; access to prohibited or restricted areas shall be dealt with in accordance with law;

dd) Crewmembers of ships that enter Vietnam may go onshore within the province where the ship is anchored. Issuance of a visa shall be consider if such a crewmember goes beyond the province or leave Vietnam through another border checkpoint;

e) The spouse and children that go a long with a member of a diplomatic mission, consular office, representative office of an international organization of the UN, or an intergovernmental organization in Vietnam may go to work if they have work permits unless they are not eligible for work permits; and may go to school if they are accepted in writing by a school or a educational institution;

g) Any person studying at a school or an educational institution under an international agreement may go to work if he/she is permitted in writing to work by the school or educational institution;

h) People without nationalities residing overseas may enter Vietnam for the purpose of tourism and visiting relatives;

i) The Ministry of Public Security shall consider issuing a laissez-passer to any person without personalities that wishes to leave Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Comply with Vietnam’s law; respect Vietnam’s traditions and customs;

b) Engaged in activities in Vietnam in accordance with the stated purpose of entry;

c) Carry passports, laissez-passers, papers related to residence in Vietnam while traveling, and present them to competent authorities on request;

d) When a foreigner who has a permanent residence in Vietnam leaves Vietnam to permanently reside in another country, he/she must return the permanent residence card to the immigration unit at the border checkpoint.

Article 45. Rights and obligations of inviting entities

1. Inviting entities have the rights below:

a) Organizations lawfully established in Vietnam may invite and sponsor foreigners to Vietnam within their competence and operation;

b) Vietnamese citizens having permanent residences in Vietnam may invite their grandparents, parents of their spouses, spouses, children, and siblings who are foreigners to Vietnam;

c) Vietnamese citizens having permanent residences in Vietnam may invite their parents, spouses, and children that are foreigners who apply for permanent residence status or temporary residence cards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Follow procedures for inviting, sponsoring foreigners to enter, leave Vietnam, or reside in Vietnam in accordance with this Law;

b) Instruct foreigners to comply with law, respect the traditions and customs of Vietnam;

c) Fulfill the obligations of sponsors as prescribed by law; cooperate with competent authorities of Vietnam in resolving issues pertaining to the invited or sponsor foreigners;

d) Cooperate with competent in monitoring foreigners’ activities in accordance with their entry purposes while they are temporarily residing in Vietnam; cooperate with lodging establishments in declaring temporary residence of foreigners;

dd) Cooperate with regulatory bodies in completing the procedures for inviting/sponsoring foreigners to enter Vietnam to do activities subject to approval by the said regulatory bodies before making the invitation or sponsorship.

e) Notify immigration authorities in writing of the cases in which foreigners granted entry/exit/residence permit no longer wish to be sponsored during their temporary residence period in Vietnam, and cooperate with competent authorities in requesting such foreigners to leave Vietnam.

Chapter VIII

RESPONSIBILITIES OF AGENCIES, ORGANIZATIONS IN CHARGE OF IMMIGRATION AND RESIDENCE OF FOREIGNERS IN VIETNAM

Article 46. Responsibilities of the Government

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.Regulate construction, update, connection, utilization and share of information in database for entry, exit, transit and residence of foreigners in Vietnam; cooperation mechanism among ministries, ministerial agencies, People’s Committees of provinces and central-affiliated cities in managing entry, exit, transit and residence of foreigners in Vietnam.

3.Regulate foreigners making entry into economic zones of border checkpoint areas, special administrative - economic zones and coastal economic zones specified in Clause 3 and Clause 3a Article 12 of this Law wishing to visit other destinations of Vietnam; issuance of visas for foreigners making entry into Vietnam according to international agreements to which Vietnam is a signatory without commercial presence or partners in Vietnam; form of issuance of temporary residence certification for foreigners making entry into Vietnam; foreigners making entry and exit via automatic security barriers.

Article 47. Responsibilities of the Ministry of Public Security

1. Take charge and cooperate with relevant Ministries and ministerial agencies in administration of entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

2. Formulate and promulgate, or request competent authorities to promulgate legislative documents on entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

3. Organize the implementation of legislative documents on entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

4. Issue entry, exit, and residence permits to foreigners in Vietnam.

5.Control entry, exit and entry at border checkpoints under management of Ministry of Public Security as per the law.

6. Carry out inspections, settle complaints, denunciations, and impose penalties for violations against regulations of law on entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Produce statistics on entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

9. Seek international cooperation, request competent authorities to enter into international agreements on entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

10.Develop and manage information sites for issuance of electronic visas, publicize name of website for immigration.

Article 48. Responsibilities of the Ministry of Foreign Affairs

1. Cooperate with the Ministry of Public Security in administration of entry, exit, transit and residence of foreigners in Vietnam.

2. Issue, amend, invalidate visas; issue, invalidate temporary residence cards; extend temporary residence status of foreigners in accordance with this Law.

3. Instruct overseas visa-issuing authorities of Vietnam to adhere to regulations of law on entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

4. Request competent authorities to enter into international agreements on entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

Article 49. Responsibilities of the Ministry of National Defense

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.Control entry, exit and transit at border checkpoints under management of Ministry of National Defense as per the law; issue, revise and revoke visas, issue temporary residence certificate as specified in this Law.

3. Carry out inspections and impose penalties for violations against regulations of law on immigration and residence of foreigners in Vietnam at border checkpoints under the management of the Ministry of National Defense.

Article 50. Responsibilities of other Ministries and ministerial agencies

Ministries and ministerial agencies other than those mentioned in Article 48 and Article 49 of this Law, within their competence, shall cooperate with the Ministry of Public Security, the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of National Defense in administration of entry, exit, transit, and residence of foreign in Vietnam.

Article 51. Responsibilities of the People’s Committees

1. Organize the implementation of regulations of law on entry, exit, and residence of foreigners in Vietnam.

2. Instruct specialized agencies affiliated to the People’s Committees to administer the residence of local foreigners in accordance with this Law.

3. Disseminate the laws on entry, exit, and residence of foreigners locally.

4. Carry out inspections, settle complaints, denunciations, and impose penalties for violations against regulations of law on immigration and residence of foreigners locally.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 52. Responsibilities of Vietnamese Fatherland Front and member organizations thereof

1. Cooperate with competent state authority in disseminate this Law and encourage the people to implement it.

2. Supervise the implementation of regulations of law on entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam.

Chapter IX

IMPLEMENTATION

Article 53. Transitional regulations

Unexpired entry/exit/residence permits issued before the effective date of this Law may be used until their expiration dates.

Article 54. Entry into force

1. This Law comes into force from January 01, 2015.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 55. Guidelines

The Government shall provide guidelines for the Articles and Clauses assigned thereto.

 

 

VERIFIED BY

CHAIRPERSON




Nguyen Hanh Phuc

 

 

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Integrated document No. 27/VBHN-VPQH dated December 16, 2019 Law on entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam
Official number: 27/VBHN-VPQH Legislation Type: Integrated document
Organization: Văn phòng quốc hội Signer: Nguyen Hanh Phuc
Issued Date: 16/12/2019 Integrated Date: Premium
Gazette dated: Updating Gazette number: Updating
Effect: Premium

You are not logged!


So you only see the Attributes of the document.
You do not see the Full-text content, Effect, Related documents, Documents replacement, Gazette documents, Written in English,...


You can register Member here


Integrated document No. 27/VBHN-VPQH dated December 16, 2019 Law on entry, exit, transit, and residence of foreigners in Vietnam

Address: 17 Nguyen Gia Thieu street, Ward Vo Thi Sau, District 3, Ho Chi Minh City, Vietnam.
Phone: (+84)28 3930 3279 (06 lines)
Email: info@ThuVienPhapLuat.vn

Copyright© 2019 by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu

DMCA.com Protection Status