CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
104/1998/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1998
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 104/1998/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1998 QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam số 07/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi áp dụng
Nghị định này quy định chi tiết,
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và quy định thủ tục,
trình tự giải quyết việc xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, việc
cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam
và việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam.
Điều 2.
Trách nhiệm của Bộ Tư pháp về quốc tịch
Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực
hiện quản lý nhà nước về quốc tịch Việt Nam, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Soạn thảo, trình cơ quan nhà
nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quốc tịch Việt Nam và
ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp
luật đó;
2. Hướng dẫn ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp tỉnh), phối
hợp và thông qua Bộ Ngoại giao hướng dẫn Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan
lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan ngoại giao, lãnh sự
Việt Nam) trong việc giải quyết các vấn đề quốc tịch Việt Nam;
3. Tổ chức, chỉ đạo công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật về quốc tịch Việt Nam;
4. Thực hiện thống kê nhà nước về
quốc tịch Việt Nam;
5. Ban hành và quản lý thống nhất
các mẫu giấy tờ, sổ sách về quốc tịch Việt Nam;
6. Thanh tra, kiểm tra và giải
quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc giải quyết các vấn
đề về quốc tịch Việt Nam;
7. Phối hợp với Bộ Ngoại giao đề
xuất việc ký kết điều ước quốc tế về quốc tịch hoặc liên quan đến quốc tịch; thực
hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc tịch.
Điều 3.
Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về quốc tịch
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm
phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn về quốc tịch Việt
Nam theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.
2. Bộ Ngoại giao, Bộ Công an có
trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan trực thuộc trong việc giải quyết các
vấn đề quốc tịch Việt Nam theo thủ tục, trình tự quy định tại Nghị định này.
Điều 4.
Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam
về quốc tịch
1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có
trách nhiệm tiếp nhận, xem xét và đề nghị việc giải quyết đơn xin nhập, xin trở
lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam; xét và cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt
Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; xem xét và kiến nghị việc hủy bỏ Quyết
định cho nhập quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam.
Sở Tư pháp giúp ủy ban nhân dân
cấp tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại khoản này.
2. Cơ quan ngoại giao, lãnh sự
Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét và đề nghị việc giải quyết đơn xin
trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam; xét và cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch
Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; xem xét và kiến nghị việc hủy bỏ
Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam.
Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt
Nam có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét và đề nghị việc giải quyết đơn xin nhập
quốc tịch Việt Nam trong trường hợp cá biệt quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9
của Nghị định này.
Điều 5.
Giá trị của giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp hoặc chứng thực
Giấy tờ kèm theo đơn xin giải quyết
các việc về quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc
chứng thực phải được hợp pháp hóa lãnh sự; giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải
được dịch ra tiếng Việt, bản dịch phải được công chứng theo quy định của pháp
luật Việt Nam.
Điều 6.
Nộp hồ sơ và lệ phí
1. Người xin
nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, xin cấp Giấy chứng nhận có quốc
tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam, nếu cư trú ở trong nước
thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp, nơi người đó cư trú; nếu cư trú ở nước ngoài thì
nộp hồ sơ tại Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam theo phạm vi địa bàn mà cơ
quan đó phụ trách.
2. Khi nộp hồ
sơ xin giải quyết các việc về quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều
này, đương sự phải nộp lệ phí. Mức thu và việc quản lý, sử dụng lệ phí do Bộ
trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thống nhất
quy định.
Người xin nhập,
xin trở lại quốc tịch Việt Nam mà có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa
học, an ninh quốc phòng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì được
miễn lệ phí.
Điều 7.
áp dụng điều ước quốc tế
Trong trường hợp điều ước quốc tế
mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với
quy định tại Nghị định này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Chương 2:
THỦ TỤC, TRÌNH TỰ GIẢI
QUYẾT CÁC VIỆC VỀ QUỐC TỊCH VIỆT NAM
MỤC 1: NHẬP QUỐC
TỊCH VIỆT NAM
Điều 8.
Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam
1. Người nước ngoài xin nhập quốc
tịch Việt Nam phải làm đơn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định. Kèm theo đơn xin nhập
quốc tịch Việt Nam phải có các giấy tờ sau đây:
a) Bản sao Giấy khai sinh hoặc
giấy tờ khác có giá trị thay thế, kể cả của con chưa thành niên, nếu đồng thời xin
nhập quốc tịch cho người đó;
b) Bản khai lý lịch theo mẫu do
Bộ Tư pháp quy định;
c) Phiếu xác nhận lý lịch tư
pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nơi đương sự thường trú, cấp; trong
trường hợp đương sự không thường trú ở Việt Nam thì nộp phiếu xác nhận lý lịch
tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà đương sự là công dân hoặc thường
trú, cấp;
d) Giấy chứng
nhận trình độ tiếng Việt, bao gồm cả hiểu biết về văn hóa, lịch sử và pháp luật
của Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp;
đ) Giấy xác nhận về thời gian đã
thường trú liên tục ở Việt Nam do ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây
gọi là ủy ban nhân dân cấp xã), nơi đương sự thường trú, cấp; nếu trước đây
đương sự thường trú ở địa phương khác, thì còn phải có giấy xác nhận về thời
gian đã thường trú do ủy ban nhân dân cấp xã của địa phương đó cấp;
e) Giấy xác nhận về chỗ ở, việc
làm, thu nhập hợp pháp hoặc tình trạng tài sản tại Việt Nam do ủy ban nhân dân
cấp xã, nơi đương sự thường trú, cấp;
g) Bản cam kết về việc từ bỏ quốc
tịch nước ngoài (nếu có) khi được nhập quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp mặc nhiên mất quốc tịch
nước ngoài khi được nhập quốc tịch Việt Nam thì Bản cam kết trên được thay bằng
giấy xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà
đương sự là công dân về việc pháp luật của nước đó quy định mặc nhiên mất quốc
tịch trong trường hợp này.
Trong trường hợp đặc biệt, khi
người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài của họ theo quy
định tại khoản 3 Điều 20 của Luật Quốc tịch Việt Nam, thì không phải nộp giấy tờ
quy định tại điểm này, nhưng phải làm đơn xin giữ quốc tịch nước ngoài theo mẫu
do Bộ Tư pháp quy định; trong đơn phải nêu rõ lý do xin giữ quốc tịch nước
ngoài và cam kết việc giữ quốc tịch nước ngoài không cản trở việc thực hiện quyền,
nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam.
2. Người xin nhập quốc tịch Việt
Nam phải có tên gọi Việt Nam; tên gọi Việt Nam phải được ghi rõ trong đơn xin
nhập quốc tịch Việt Nam.
3. Đơn xin nhập quốc tịch Việt
Nam và các giấy tờ kèm theo của người nước ngoài thường trú tại Việt Nam phải
được lập thành 04 bộ hồ sơ; đối với người nước ngoài không thường trú ở Việt
Nam trong trường hợp cá biệt quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 của Nghị định
này thì chỉ cần lập thành 03 bộ hồ sơ.
Điều 9.
Miễn, giảm điều kiện xin nhập quốc tịch Việt Nam
1. Việc miễn, giảm một số điều
kiện nhập quốc tịch Việt Nam được quy định như sau:
a) Người có chồng, vợ, cha, mẹ
hoặc con là công dân Việt Nam; người có Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao
quý do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nứơc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng
hoặc có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam, thì được giảm 02 năm về điều kiện thời gian đã thường trú liên tục ở Việt
Nam và được miễn các điều kiện về biết tiếng Việt và khả năng bảo đảm cuộc sống
tại Việt Nam.
b) Trong trường hợp cá biệt, khi
việc nhập quốc tịch Việt Nam của người nước ngoài sẽ có lợi đặc biệt cho sự
phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, an ninh quốc phòng của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, thì được miễn các điều kiện về thời gian đã thường trú ở Việt
Nam, biết tiếng Việt và khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
2. Người được miễn, giảm điều kiện
nhập quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này không phải nộp các giấy tờ
tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị định này, nhưng phải nộp các giấy
tờ chứng minh phù hợp với các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 10.
Thủ tục, trình tự giải quyết tại cấp tỉnh
1. Trong thời hạn 04 tháng, kể từ
ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm
chỉ đạo Sở Tư pháp, thẩm tra hồ sơ, trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết
luận và đề nghị Bộ Tư pháp về việc giải quyết hồ sơ đó.
2. Trình tự giải quyết hồ sơ được
quy định như sau:
a) Trong thời hạn 07 ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí, Sở Tư pháp có văn bản gửi cơ quan Công
an cùng cấp (sau đây gọi là Công an cấp tỉnh), kèm theo 01 bộ hồ sơ để thẩm tra
về nhân thân.
b) Trong thời hạn 30 ngày tiếp
theo, Sở Tư pháp phải thẩm tra hồ sơ, đối chiếu lời khai, chứng nhận và giấy tờ
của đương sự với các điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam.
Trong trường hợp xét thấy cần thẩm
tra bổ sung về các điều kiện thực tế của người xin nhập quốc tịch Việt Nam (như
về năng lực hành vi, thời gian đã thường trú ở Việt Nam, khả năng bảo đảm cuộc
sống tại Việt Nam hay trình độ tiếng Việt), Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan
chuyên môn thực hiện.
c) Trong thời hạn 60 ngày đối với
Công an cấp tỉnh và 30 ngày đối với các cơ quan chuyên môn khác, kể từ ngày nhận
được yêu cầu của Sở Tư pháp, các cơ quan này phải tiến hành thẩm tra theo chức
năng chuyên ngành và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.
d) Ngay sau ngày nhận được kết
quả thẩm tra của Công an cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn khác, Sở Tư pháp dự
thảo văn bản, trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và ký
văn bản đề nghị Bộ Tư pháp, kèm theo 02 bộ hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của
đương sự.
3. Trong trường hợp Chủ tịch ủy
ban nhân dân cấp tỉnh kết luận đương sự chưa có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt
Nam, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho đương sự biết; nếu đương sự không nhất
trí với kết luận đó, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Điều 11.
Thủ tục, trình tự giải quyết tại Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam
1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí đối với trường hợp cá biệt quy định tại
điểm b khoản 1 Điều 9 của Nghị định này, Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam
phải xem xét, thẩm tra hồ sơ, đối chiếu lời khai, chứng nhận và các giấy tờ của
đương sự với các điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam và có văn bản kết luận, đề
nghị việc giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao để
chuyển cho Bộ Tư pháp, kèm theo 02 bộ hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của
đương sự.
2. Trong trường hợp kết luận
đương sự chưa có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, Cơ quan ngoại giao, lãnh
sự Việt Nam thông báo bằng văn bản cho đương sự biết; nếu đương sự không nhất
trí với kết luận đó, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Điều 12.
Thủ tục, trình tự giải quyết tại cấp Trung ương
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản đề nghị của ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan ngoại
giao, lãnh sự Việt Nam, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ và nếu xét
thấy hồ sơ đã hoàn tất, đương sự là người có đủ điều kiện được nhập quốc tịch
Việt Nam theo quy định của pháp luật, thì có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ
để được ủy quyền ký Tờ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trong trường hợp xét thấy hồ sơ
chưa hoàn tất hoặc có vấn đề cần làm rõ trong hồ sơ, Bộ Tư pháp có văn bản yêu
cầu ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thông qua Bộ Ngoại giao yêu cầu Cơ quan ngoại
giao, lãnh sự Việt Nam hoàn tất hồ sơ hoặc thẩm tra bổ sung. Trong trường hợp
này thì thời hạn trên là 75 ngày.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan ngoại
giao, lãnh sự Việt Nam phải hoàn tất hồ sơ hoặc làm rõ những vấn đề được yêu cầu
và trả lời bằng văn bản cho Bộ Tư pháp.
2. Ngay sau ngày nhận được ý kiến
ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp thông báo cho ủy ban nhân dân cấp
tỉnh hoặc Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam về việc đương sự đã hoàn tất hồ
sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, ủy ban nhân dân cấp
tỉnh hoặc Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam cấp cho người xin nhập quốc tịch
Việt Nam Giấy xác nhận về việc hoàn tất hồ sơ để người đó làm thủ tục xin thôi
quốc tịch nước ngoài của họ.
3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ
ngày nhận được ý kiến ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, hoặc trong trường hợp cần
thiết, thì kể từ ngày nhận được Giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của
đương sự, Bộ Tư pháp hoàn tất hồ sơ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng
Chính phủ, ký Tờ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ
xin nhập quốc tịch Việt Nam của đương sự. Đối với trường hợp đặc biệt đương sự
xin giữ quốc tịch nước ngoài, trong Tờ trình phải nêu rõ đề nghị về việc đó.
Trong trường hợp cho nhập quốc tịch
Việt Nam, quyết định của Chủ tịch nước ghi tên của đương sự bằng tên gọi Việt
Nam.
MỤC 2: TRỞ LẠI
QUỐC TỊCH VIỆT NAM
Điều 13.
Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam
1. Người xin trở lại quốc tịch
Việt Nam phải làm đơn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định. Kèm theo đơn xin trở lại
quốc tịch Việt Nam phải có các giấy tờ sau đây:
a) Bản khai lý lịch theo mẫu do
Bộ Tư pháp quy định;
b) Phiếu xác nhận lý lịch tư
pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà đương sự là công dân hoặc thường trú,
cấp;
c) Giấy tờ hoặc tài liệu chứng
minh đương sự đã từng có quốc tịch Việt Nam.
2. Ngoài các giấy tờ quy định tại
khoản 1 Điều này, đương sự còn phải nộp một trong các giấy tờ sau đây:
a) Giấy xác nhận của cơ quan đại
diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam hoặc của ủy ban về người Việt Nam ở nước
ngoài về việc đương sự đã nộp đơn xin hồi hương về Việt Nam;
b) Giấy tờ hoặc tài liệu chứng
minh đương sự có vợ, chồng, con, cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam;
c) Giấy tờ hoặc tài liệu chứng
minh đương sự đã được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng
lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý hoặc xác nhận đương
sự có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam;
d) Giấy tờ hoặc tài liệu chứng
minh việc trở lại quốc tịch Việt Nam của đương sự sẽ có lơị cho sự phát triển
kinh tế, xã hội, khoa học, an ninh quốc phòng của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
3. Người xin trở lại quốc tịch
Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây và ghi rõ trong đơn xin trở lại
quốc tịch Việt Nam; nếu muốn thay đổi tên thì phải nêu rõ lý do.
4. Đơn xin trở lại quốc tịch Việt
Nam và các giấy tờ kèm theo của người thường trú tại Việt Nam phải được lập
thành 04 bộ hồ sơ; thường trú ở nước ngoài phải được lập thành 03 bộ hồ sơ.
Điều 14.
Thủ tục, trình tự giải quyết tại cấp tỉnh
1. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ
ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm
chỉ đạo Sở Tư pháp thẩm tra hồ sơ, trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét kết
luận và đề nghị Bộ Tư pháp về việc giải quyết hồ sơ đó.
2. Trình tự giải quyết hồ sơ được
quy định như sau:
a) Trong thời hạn 07 ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí, Sở Tư pháp có văn bản gửi Công an cấp
tỉnh, kèm theo 01 bộ hồ sơ để thẩm tra về nhân thân.
b) Trong thời hạn 15 ngày tiếp
theo, Sở Tư pháp phải thẩm tra hồ sơ, đối chiếu lời khai, chứng nhận và giấy tờ
của đương sự với các điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam.
Trong trường hợp xét thấy cần thẩm
tra bổ sung về các điều kiện thực tế của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam
(như việc hồi hương, quan hệ thân thích với công dân Việt Nam, công lao hoặc khả
năng đóng góp của người đó cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam),
Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện.
c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận được yêu cầu của Sở Tư pháp, Công an cấp tỉnh và các cơ quan chuyên
môn khác phải tiến hành thẩm tra theo chức năng chuyên ngành và trả lời bằng
văn bản cho Sở Tư pháp.
d) Ngay sau ngày nhận được kết
quả thẩm tra của Công an cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn khác, Sở Tư pháp dự
thảo văn bản trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và ký
văn bản đề nghị Bộ Tư pháp, kèm theo 02 bộ hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam
của đương sự.
3. Trong trường hợp Chủ tịch ủy
ban nhân dân cấp tỉnh kết luận đương sự chưa đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt
Nam, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho đương sự biết; nếu đương sự không nhất
trí với kết luận đó, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Điều 15.
Thủ tục, trình tự giải quyết tại Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam
1. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí, Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam
phải xem xét, thẩm tra hồ sơ, đối chiếu lời khai, chứng nhận và giấy tờ của
đương sự với các điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam và có văn bản kết luận, đề
nghị về việc giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao
để chuyển cho Bộ Tư pháp, kèm theo 02 bộ hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam của
đương sự.
2. Trong trường hợp kết luận
đương sự chưa đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam, Cơ quan ngoại giao, lãnh
sự Việt Nam thông báo bằng văn bản cho đương sự biết; nếu đương sự không nhất
trí với kết luận đó, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Điều 16.
Thủ tục, trình tự giải quyết tại cấp Trung ương
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản đề nghị của ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan ngoại
giao, lãnh sự Việt Nam, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ và nếu xét
thấy hồ sơ đã hoàn tất, đương sự là người có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch
Việt Nam theo quy định của pháp luật, thì có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ
để được ủy quyền ký Tờ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trong trường hợp xét thấy hồ sơ
chưa hoàn tất hoặc có vấn đề cần làm rõ trong hồ sơ, Bộ Tư pháp có văn bản yêu
cầu ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thông qua Bộ Ngoại giao yêu cầu Cơ quan ngoại
giao, lãnh sự Việt Nam hoàn tất hồ sơ hoặc thẩm tra bổ sung. Trong trường hợp
này thì thời hạn trên là 60 ngày.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan
ngoại giao, lãnh sự Việt Nam phải hoàn tất hồ sơ hoặc thẩm tra bổ sung và trả lời
bằng văn bản cho Bộ Tư pháp.
3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ
ngày nhận được ý kiến ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp hoàn tất hồ
sơ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình Chủ tịch
nước xem xét, quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam của
đương sự.
Trong trường hợp cho trở lại quốc
tịch Việt Nam, Quyết định của Chủ tịch nước ghi tên của đương sự bằng tên gọi
Việt Nam.
MỤC 3: CẤP GIẤY
CHỨNG NHẬN CÓ QUỐC TỊCH VIỆT NAM
Điều 17.
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam
1. Công dân Việt Nam xin cấp Giấy
chứng nhận có quốc tịch Việt Nam phải làm đơn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định,
trong đơn phải ghi rõ mục đích xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam.
Kèm theo đơn xin cấp Giấy chứng
nhận có quốc tịch Việt Nam phải có bản chụp Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ
chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng. Khi nộp đơn, đương sự phải xuất trình Giấy
chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu để kiểm tra.
Trong trường hợp không có Giấy
chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu, thì kèm theo đơn xin cấp Giấy chứng nhận có
quốc tịch Việt Nam phải nộp bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ sau đây
để chứng minh quốc tịch Việt Nam:
a) Giấy tờ chứng minh đương sự
được nhập quốc tịch Việt Nam;
b) Giấy tờ chứng minh đương sự
được trở lại quốc tịch Việt Nam;
c) Quyết định công nhận việc
nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài;
d) Giấy xác nhận đăng ký công
dân do Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam cấp;
đ) Sổ hộ khẩu;
e) Thẻ cử tri mới nhất;
g) Giấy tờ chứng minh quốc tịch
Việt Nam của cha mẹ; của cha hoặc mẹ;
h) Giấy khai sinh;
i) Giấy tờ, tài liệu chứng minh
đương sự là người có quốc tịch Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết
hoặc tham gia.
k) Trong trường hợp không có một
trong các giấy tờ quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm i khoản này, thì nộp
Bản khai danh dự về ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quê quán, nơi cư trú của bản
thân; họ tên, tuổi, quốc tịch, nơi cư trú của cha mẹ và nguồn gốc gia đình. Bản
khai này phải được ít nhất 02 người biết rõ sự việc đó làm chứng và được ủy ban
nhân dân cấp xã, nơi đương sự sinh ra, xác nhận.
2. Đơn xin cấp Giấy chứng nhận
có quốc tịch Việt Nam và giấy tờ kèm theo quy định tại khoản 1 Điều này được lập
thành 02 bộ hồ sơ.
Điều 18.
Trình tự giải quyết tại ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí, Sở Tư pháp phải thẩm tra hồ sơ. Nếu
xét thấy hồ sơ đã hoàn tất, lời khai, chứng nhận, giấy tờ của đương sự là đúng
sự thật, đương sự là người chưa bị mất quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp có văn bản
trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch
Việt Nam.
Ngay sau ngày Chủ tịch ủy ban
nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp phải
trao hoặc gửi Giấy chứng nhận cho đương sự.
Trong trường hợp xét thấy hồ sơ
cần thẩm tra bổ sung, Sở Tư pháp có văn bản gửi Công an cấp tỉnh yêu cầu thực
hiện, kèm theo 01 bộ hồ sơ. Trong trong trường hợp này thì thời hạn trên là 60
ngày.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận được yêu cầu của Sở Tư pháp, Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra
và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.
2. Trong trường hợp Chủ tịch ủy
ban nhân dân cấp tỉnh kết luận đương sự không được cấp Giấy chứng nhận có quốc
tịch Việt Nam, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho đương sự biết; nếu đương sự
không nhất trí với kết luận đó, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp
luật.
3. Định kỳ 03 tháng một lần, Sở
Tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt
Nam.
Điều 19.
Trình tự giải quyết tại Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí, Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam
phải thẩm tra hồ sơ. Nếu xét thấy hồ sơ đã hoàn tất, lời khai, chứng nhận, giấy
tờ của đương sự là đúng sự thật, đương sự là người chưa bị mất quốc tịch Việt
Nam, người đứng đầu Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ký Giấy chứng nhận có
quốc tịch Việt Nam và trao hoặc gửi Giấy chứng nhận cho đương sự.
Trong trường hợp xét thấy hồ sơ
cần thẩm tra bổ sung, Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam phối hợp với các cơ
quan chuyên môn trong nước thực hiện. Trong trong trường hợp này thì thời hạn
trên là 60 ngày.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được yêu cầu của Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam, cơ quan trong
nước phải thẩm tra và trả lời kết quả bằng văn bản cho Cơ quan ngoại giao, lãnh
sự Việt Nam.
2. Trong trường hợp kết luận
đương sự không được cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Cơ quan ngoại
giao, lãnh sự Việt Nam thông báo bằng văn bản cho đương sự biết; nếu không nhất
trí với kết luận đó, đương sự có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
3. Thông qua Bộ Ngoại giao, Cơ
quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam định kỳ 03 tháng một lần báo cáo Bộ Tư pháp về
tình hình cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam.
MỤC 4: THÔI QUỐC
TỊCH VIỆT NAM
Điều 20.
Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam
Công dân Việt Nam xin thôi quốc
tịch Việt Nam phải làm đơn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định.
1. Kèm theo đơn xin thôi quốc tịch
của công dân Việt Nam thường trú ở trong nước phải có các giấy tờ sau đây:
a) Bản khai lý lịch theo mẫu do
Bộ Tư pháp quy định;
b) Bản sao giấy tờ tùy thân, Hộ
chiếu hoặc giấy tờ khác chứng minh đương sự đang có quốc tịch nước ngoài (đối với
người đang có quốc tịch nước ngoài); Giấy xác nhận hoặc bảo đảm về việc người
đó sẽ được nhập quốc tịch nước ngoài (đối với người đang xin nhập quốc tịch nước
ngoài), trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này;
c) Giấy xác nhận không nợ thuế đối
với Nhà nước do Cục thuế, nơi đương sự thường trú, cấp;
d) Đối với người trước đây là
cán bộ, công chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã về hưu,
thôi việc, nghỉ công tác hoặc giải ngũ chưa quá 05 năm, thì còn phải nộp giấy của
cơ quan đã quyết định hưu trí, thôi việc, nghỉ công tác hoặc giải ngũ, xác nhận
việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia
của Việt Nam;
đ) Phiếu xác nhận lý lịch tư
pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nơi đương sự thường trú, cấp;
e) Giấy xác nhận của Sở Giáo dục
và Đào tạo, nơi đương sự thường trú, về việc đã bồi hoàn chi phí đào tạo cho
Nhà nước, nếu đương sự đã được đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp hoặc
sau đại học bằng kinh phí của Nhà nước, kể cả kinh phí do nước ngoài tài trợ.
2. Kèm theo đơn xin thôi quốc tịch
của công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài phải có các giấy tờ quy định tại
các điểm a, b và e khoản 1 Điều này. Trường hợp này, giấy tờ quy định tại điểm
e, khoản 1 Điều này do Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam phụ trách địa bàn,
nơi đương sự thường trú, cấp.
3. Đơn xin thôi quốc tịch và các
giấy tờ kèm theo của công dân Việt Nam thường trú ở trong nước phải được lập
thành 04 bộ hồ sơ; thường trú ở nước ngoài phải đựơc lập thành 03 bộ hồ sơ.
Điều 21.
Miễn thủ tục thẩm tra về nhân thân
Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt
Nam của những người thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải qua thủ tục
thẩm tra của cơ quan Công an quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định này:
1. Người dưới 14 tuổi;
2. Người sinh ra và lớn lên ở nước
ngoài;
3. Người đã định cư ở nước ngoài
trên 15 năm;
4. Người đã được xuất cảnh Việt
Nam theo diện đoàn tụ gia đình.
Điều 22.
Thủ tục, trình tự giải quyết tại ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ
ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm
chỉ đạo Sở Tư pháp thẩm tra hồ sơ, trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết
luận và đề nghị Bộ Tư pháp về việc giải quyết hồ sơ đó. Trong các trường hợp
quy định tại Điều 21 của Nghị định này thì thời hạn trên là 01 tháng.
2. Trình tự giải quyết hồ sơ được
quy định như sau:
a) Trong thời hạn 07 ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí, Sở Tư pháp có văn bản gửi Công an cấp
tỉnh, kèm theo 01 bộ hồ sơ để thẩm tra về nhân thân.
Cũng trong thời hạn này, Sở Tư
pháp niêm yết tại trụ sở; đồng thời, cho đăng báo địa phương trong 03 số liên tục
về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam của đương sự.
b) Trong thời hạn 30 ngày tiếp
theo, Sở Tư pháp phải thẩm tra hồ sơ, đối chiếu lời khai, chứng nhận và giấy tờ
của đương sự với các điều kiện thôi quốc tịch Việt Nam.
Trong trường hợp xét thấy cần thẩm
tra hoặc nhận được khiếu nại về các điều kiện thực tế của người xin thôi quốc tịch
Việt Nam (như về việc nợ thuế hoặc nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức,
công dân Việt Nam), Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện.
c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận được yêu cầu của Sở Tư pháp, Công an cấp tỉnh và các cơ quan chuyên
môn khác phải tiến hành thẩm tra theo chức năng chuyên ngành và trả lời bằng
văn bản cho Sở Tư pháp.
d) Hết thời hạn quy định tại điểm
b khoản này hoặc ngay sau ngày nhận được kết quả thẩm tra của Công an cấp tỉnh
và các cơ quan chuyên môn khác, Sở Tư pháp dự thảo văn bản, trình Chủ tịch ủy
ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và ký văn bản đề nghị Bộ Tư pháp, kèm
theo 02 bộ hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của đương sự.
3. Trong trường hợp Chủ tịch ủy
ban nhân dân cấp tỉnh kết luận đương sự chưa đủ điều kiện thôi quốc tịch Việt
Nam, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho đương sự biết; nếu đương sự không nhất
trí với kết luận đó, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Điều 23.
Thủ tục, trình tự giải quyết tại Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam
1. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí, Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam
phải niêm yết tại trụ sở về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam của đương sự; xem
xét, thẩm tra hồ sơ, đối chiếu lời khai, chứng nhận và giấy tờ của đương sự với
các điều kiện thôi quốc tịch Việt Nam và có văn bản kết luận, đề nghị việc giải
quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao để chuyển cho Bộ Tư
pháp, kèm theo 02 bộ hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của đương sự. Trong các
trường hợp quy định tại Điều 21 của Nghị định này thì thời hạn trên là 01
tháng.
2. Trong trường hợp kết luận
đương sự chưa đủ điều kiện thôi quốc tịch Việt Nam, Cơ quan ngoại giao, lãnh sự
Việt Nam thông báo bằng văn bản cho đương sự biết; nếu đương sự không nhất trí
với kết luận đó, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Điều 24.
Thủ tục, trình tự giải quyết tại cấp Trung ương
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản đề nghị của ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan ngoại
giao, lãnh sự Việt Nam, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ và nếu xét
thấy hồ sơ đã hoàn tất, đương sự là người có đủ điều kiện được thôi quốc tịch
Việt Nam theo quy định của pháp luật, thì có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ
để được ủy quyền ký Tờ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trong trường hợp xét thấy hồ sơ
chưa hoàn tất hoặc có vấn đề cần làm rõ trong hồ sơ, Bộ Tư pháp có văn bản yêu
cầu ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thông qua Bộ Ngoại giao yêu cầu Cơ quan ngoại
giao, lãnh sự Việt Nam hoàn tất hồ sơ hoặc thẩm tra bổ sung. Trong trường hợp
này thì thời hạn trên là 60 ngày.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan
ngoại giao, lãnh sự Việt Nam phải hoàn tất hồ sơ hoặc thẩm tra bổ sung và trả lời
bằng văn bản cho Bộ Tư pháp.
3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ
ngày nhận được ý kiến ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp hoàn tất hồ
sơ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình Chủ tịch
nước xem xét, quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam của
đương sự.
MỤC 5: CẤP GIẤY
XÁC NHẬN MẤT QUỐC TỊCH VIỆT NAM
Điều 25.
Hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam
1. Người xin cấp Giấy xác nhận mất
quốc tịch Việt Nam phải làm đơn theo mẫu quy định; trong đơn phải ghi rõ mục
đích xin cấp Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam.
Kèm theo đơn xin cấp Giấy xác nhận
mất quốc tịch Việt Nam phải có bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ quy
định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định này để chứng minh đương sự đã từng có quốc
tịch Việt Nam và một trong các giấy tờ sau đây để chứng minh đương sự đã mất quốc
tịch Việt Nam:
a) Giấy tờ chứng minh đương sự
được thôi quốc tịch Việt Nam;
b) Giấy tờ chứng minh đương sự bị
tước quốc tịch Việt Nam;
c) Giấy tờ chứng minh việc hủy bỏ
Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của đương sự;
d) Giấy tờ, tài liệu chứng minh
đương sự là người mất quốc tịch Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết
hoặc tham gia;
đ) Giấy tờ, tài liệu chứng minh
đương sự là người mất quốc tịch Việt Nam do việc tìm thấy cha, mẹ hoặc người
giám hộ là công dân nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 19 hoặc do cha mẹ
được thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 28 của Luật Quốc tịch Việt
Nam.
2. Đơn xin cấp Giấy xác nhận mất
quốc tịch Việt Nam và giấy tờ kèm theo quy định tại khoản 1 Điều này được lập
thành 02 bộ hồ sơ.
Điều 26.
Thủ tục, trình tự cấp Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam
Thủ tục, trình tự giải quyết việc
xin cấp Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 18 và Điều
19 của Nghị định này.
MỤC 6: HỦY BỎ QUYẾT ĐỊNH CHO NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM, TƯỚC QUỐC TỊCH
VIỆT NAM
Điều 27.
Hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam
Người được nhập quốc tịch Việt
Nam chưa quá 05 năm, không phụ thuộc vào việc người đó đang cư trú trong hay
ngoài nước, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì có thể bị hủy bỏ
Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam:
1. Đã có hành vi cố ý khai báo
không đúng sự thật trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam dẫn đến sự hiểu lầm
của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam của
đương sự;
2. Đã làm hoặc sử dụng giả mạo một
trong các giấy tờ quy định tại các điểm a, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 8, khoản
2 Điều 9 hoặc Giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều
12 của Nghị định này, nhằm chứng minh có đủ điều kiện để nhập quốc tịch Việt
Nam.
Điều 28.
Tước quốc tịch Việt Nam
Công dân Việt Nam cư trú ở nước
ngoài, người đã nhập quốc tịch Việt Nam dù cư trú ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt
Nam nếu có hành động gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, thì có thể bị tước quốc tịch Việt Nam.
Điều 29.
Thủ tục, trình tự kiến nghị việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam,
tước quốc tịch Việt Nam
1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày phát hiện hoặc nhận được đơn, thư tố cáo về những hành vi quy định tại Điều
27 và Điều 28 của Nghị định này, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan ngoại giao,
lãnh sự Việt Nam có trách nhiệm thẩm tra, lập 03 hồ sơ và có văn bản kiến nghị
gửi Bộ Tư pháp, kèm theo 02 bộ hồ sơ.
2. Tòa án đã xét xử hành vi phạm
tội của bị cáo đối với các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 27 và Điều 28 của
Nghị định này có quyền kiến nghị với Bộ Tư pháp về việc hủy bỏ Quyết định cho
nhập quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản kiến nghị của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan ngoại
giao, lãnh sự Việt Nam, hoặc của Tòa án về việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc
tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ
sơ, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành chức năng khác có
văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được ủy quyền ký Tờ trình Chủ tịch nước
xem xét, quyết định.
Trong trường hợp xét thấy hồ sơ
chưa hoàn tất hoặc có vấn đề cần làm rõ, Bộ Tư pháp có văn bản yêu cầu cơ quan
đã lập hồ sơ hoàn tất hồ sơ hoặc thẩm tra bổ sung trong thời hạn 15 ngày.
4. Ngay sau ngày nhận được ý kiến
ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp hoàn tất hồ sơ; Bộ trưởng Bộ Tư
pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết
định, kèm theo 01 bộ hồ sơ.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30.
Đăng Công báo Quyết định của Chủ tịch nước giải quyết các việc về quốc tịch Việt
Nam
Quyết định của Chủ tịch nước về cho
nhập, cho trở lại, cho thôi quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc
tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam được đăng trên Công báo nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 31.
Giấy tờ áp dụng đối với người không quốc tịch
Đối với người không quốc tịch,
giấy tờ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 và điểm b khoản 1 Điều 13 của Nghị định
này được hiểu là giấy do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó thường
trú, cấp.
Điều 32.
Hiệu lực
1. Nghị định này có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 01 năm 1999 và thay thế Nghị định số 37/HĐBT ngày 05 tháng 02 năm
1990 quy định chi tiết thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1988 và Nghị định số
06/1998/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 37/HĐBT.
2. Các quy định tại Nghị định
này cũng được áp dụng để giải quyết đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam đã đựơc gửi
đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày Nghị định này có
hiệu lực mà chưa được giải quyết.
Điều 33.
Quy định việc cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt
Nam
Căn cứ vào thủ tục, trình tự giải
quyết các việc về quốc tịch Việt Nam quy định tại Nghị định này, Bộ trưởng Bộ
Tư pháp quy định việc cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam theo yêu cầu
của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Điều 34.
Tổ chức thi hành
Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu trách
nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.