Bản dịch tiếng
Việt
THỎA THUẬN
GIỮA VĂN PHÒNG KINH TẾ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM TẠI ĐÀI BẮC VÀ
VĂN PHÒNG KINH TẾ VÀ VĂN HÓA ĐÀI BẮC TẠI VIỆT NAM VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN
ĐỀ DÂN SỰ
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài
Bắc và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam (sau đây gọi là hai
Bên),
Nhằm mục đích tăng cường hợp tác trong lĩnh vực
tương trợ tư pháp về dân sự, trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi;
Đã thỏa thuận những điều dưới đây:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi tương trợ
1. Theo quy định của Thỏa thuận này, hai Bên thực
hiện việc tương trợ tư pháp cho nhau về các vấn đề dân sự sau đây:
a) Tống đạt giấy tờ;
b) Xác minh, và thu thập chứng cứ;
c) Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định
của Tòa án về các vấn đề dân sự và phán quyết của Trọng tài;
d) Các vấn đề khác theo qui định của Thỏa thuận
này.
2. Thuật ngữ “các vấn đề dân sự” được nêu trong
Thỏa thuận này bao gồm các vấn đề về dân sự, thương mại, hôn nhân, gia đình và
lao động.
3. Thuật ngữ “các cơ quan có thẩm quyền” được
nêu trong Thỏa thuận này nghĩa là Tòa án, cơ quan kiểm sát và các cơ quan khác
có thẩm quyền với các vấn đề dân sự.
Điều 2. Bảo hộ pháp lý
1. Cá nhân của một Bên được hưởng trên lãnh thổ
của Bên kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân dân và tài sản như cá nhân
của Bên kia và có quyền liên hệ và thực hiện các hành vi tố tụng tại Tòa án và
các cơ quan khác có thẩm quyền với các vấn đề dân sự theo cùng các điều kiện
dành cho cá nhân của Bên kia.
2. Những quy định tại khoản 1 Điều này cũng áp dụng
đối với pháp nhân và tổ chức khác có thể tham gia tố tụng pháp lý với tư cách
đương sự được thành lập trên lãnh thổ của một trong hai Bên theo qui định của
pháp luật Bên đó.
Điều 3. Giảm hoặc miễn án
phí và trợ giúp pháp lý
1. Cá nhân của một Bên được giảm hoặc miễn thanh
toán án phí và được cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí trên lãnh thổ của Bên
kia theo cùng các điều kiện và mức độ như đối với cá nhân của Bên kia.
2. Nếu đơn đề nghị giảm hoặc miễn án phí hoặc đề
nghị trợ giúp pháp lý miễn phí được quyết định căn cứ vào tình trạng tài chính
của người đề nghị, thì giấy xác nhận tình trạng tài chính phải do các cơ quan
có thẩm quyền của Bên nơi người đề nghị thường trú hoặc cư trú cấp. Nếu người đề
nghị không có nơi thường trú hoặc cư trú ở cả hai Bên thì giấy xác nhận tình trạng
tài chính có thể do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài được chỉ định của Bên đó
cấp.
3. Cá nhân của một Bên đề nghị giảm hoặc miễn án
phí hoặc đề nghị trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định tại khoản 1 Điều này,
có thể nộp đơn đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người này thường
trú hoặc cư trú. Cơ quan có thẩm quyền này phải chuyển đơn đề nghị kèm theo giấy
xác nhận được cấp theo qui định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền
của Bên kia. Người đề nghị cũng có thể nộp đơn trực tiếp cho cơ quan có thẩm
quyền của Bên kia.
Điều 4. Cách thức liên hệ
Vì mục đích đưa ra hoặc thực hiện yêu cầu tương
trợ tư pháp, hai Bên phải liên hệ với nhau thông qua cơ quan có thẩm quyền được
chỉ định của mình, trừ trường hợp Thỏa thuận này có quy định khác.
Điều 5. Ngôn ngữ
Một yêu cầu tương trợ tư pháp và bất kỳ tài liệu
nào kèm theo được lập trên cơ sở Thỏa thuận này, phải kèm theo một bản dịch có
chứng thực hợp lệ sang ngôn ngữ chính thức của Bên được yêu cầu hoặc sang tiếng
Anh.
Điều 6. Chi phí tương trợ tư
pháp
1. Hai Bên phải thực hiện tương trợ tư pháp miễn
phí cho nhau.
2. Các chi phí liên quan tới người làm chứng,
người giám định của một Bên được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thỏa thuận
này.
3. Nếu việc thực hiện một yêu cầu tương trợ tư
pháp đòi hỏi chi phí bất thường, hai Bên phải tham vấn ý kiến để quyết định điều
kiện cho việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp đó.
Điều 7. Yêu cầu tương trợ tư
pháp
1. Yêu cầu tương trợ tư pháp phải được lập bằng
văn bản bao gồm những nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm yêu cầu;
b) Tên và địa chỉ cơ quan yêu cầu;
c) Tên và địa chỉ của cơ quan được yêu cầu;
d) Họ tên, giới tính, nghề nghiệp, nơi sinh, địa
chỉ của cá nhân, hoặc tên và địa chỉ cơ quan hoặc tổ chức có liên quan;
e) Mô tả vụ việc, các vấn đề được yêu cầu và các
thông tin khác liên quan đến yêu cầu tương trợ đó.
2. Nếu Bên được yêu cầu nhận thấy rằng thông tin
trong yêu cầu tương trợ tư pháp chưa đầy đủ để thực hiện yêu cầu đó, thì Bên được
yêu cầu phải đề nghị cung cấp thông tin bổ sung cần thiết.
3. Yêu cầu tương trợ tư pháp và các tài liệu kèm
theo phải do cơ quan yêu cầu ký và đóng dấu.
Điều 8. Thực hiện yêu cầu
tương trợ tư pháp
1.
Bên được yêu cầu phải thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp theo pháp luật
của mình.
2.
Bên được yêu cầu có thể thực hiện yêu cầu tương trợ theo cách thức mà
Bên yêu cầu đề nghị, nếu không trái với pháp luật của mình.
Điều 9. Từ chối hoặc hoãn thực
hiện yêu cầu tương trợ tư pháp
1.
Một yêu cầu tương trợ tư pháp có thể bị từ chối nếu Bên được yêu cầu nhận
thấy việc thực hiện yêu cầu có thể gây phương hại đến an ninh, trật tự công, những
nguyên tắc cơ bản của pháp luật và những lợi ích thiết yếu của mình. Bên được
yêu cầu phải thông báo lý do từ chối cho Bên yêu cầu.
2.
Một yêu cầu tương trợ tư pháp có thể bị hoãn thực hiện nếu Bên được yêu
cầu nhận thấy việc thực hiện ngay yêu cầu đó có thể gây cản trở đến hoạt động
điều tra hình sự hoặc truy tố của mình đang được tiến hành. Bên được yêu cầu phải
thông báo lý do hoãn cho Bên yêu cầu.
Điều 10. Chuyển giao tiền
và đồ vật
Việc chuyển giao tiền và đồ vật trên cơ sở Thỏa
thuận này từ lãnh thổ của một Bên sang lãnh thổ của Bên kia phải phù hợp với
pháp luật của Bên chuyển giao về chuyển giao tiền và đồ vật ra nước ngoài.
Điều 11. Triệu tập người
làm chứng và người giám định
1.
Nếu sự có mặt của người làm chứng hoặc người giám định tại cơ quan tư
pháp của Bên yêu cầu được cho là cần thiết, Bên yêu cầu phải nêu trong yêu cầu
tống đạt giấy triệu tập các chi phí có thể thanh toán, điều kiện và thời hạn
thanh toán cho người làm chứng và người giám định.
2.
Giấy triệu tập phải được gửi cho Bên được yêu cầu không chậm hơn 60 ngày
trước ngày người được triệu tập phải có mặt tại cơ quan tư pháp của Bên yêu cầu.
3.
Bên được yêu cầu phải tống đạt giấy triệu tập đến người có liên quan và
thông báo cho Bên yêu cầu ý kiến của người được triệu tập.
Điều 12. Bảo vệ người làm
chứng và người giám định
1.
Người làm chứng hoặc người giám định có mặt tại cơ quan tư pháp có thẩm
quyền của Bên yêu cầu theo quy định của Thỏa thuận này, không bị truy tố hình sự,
bị bắt giam hoặc chịu các hình thức hạn chế tự do cá nhân khác trên lãnh thổ của
Bên yêu cầu vì hành vi phạm tội hoặc hành vi bị kết án trước khi rời khỏi lãnh
thổ của Bên được yêu cầu. Người này cũng không bị truy tố, bị bắt giam hoặc bị
trừng phạt do lời khai làm chứng hoặc bản kết luận chuyên môn đúng sự thực của
mình.
2.
Sự bảo vệ theo khoản 1 Điều này chấm dứt khi người làm chứng hoặc người
giám định đã có cơ hội rời khỏi lãnh thổ của Bên yêu cầu mà vẫn còn ở lại hoặc
trở lại, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày người này được cơ quan có thẩm quyền
thông báo rằng sự có mặt của người này là không còn được yêu cầu nữa. Thời hạn
này không bao gồm thời gian mà người làm chứng hoặc người giám định không thể rời
lãnh thổ của Bên yêu cầu vì lý do nằm ngoài sự kiểm soát của người này.
3.
Người làm chứng hoặc người giám định được cơ quan tư pháp có thẩm quyền
triệu tập theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được thanh toán chi phí đi lại,
ăn, ở và tiền tiêu vặt trong thời gian họ có mặt tại lãnh thổ của Bên yêu cầu.
Người giám định còn được thanh toán tiền thù lao kết luận chuyên môn. Giấy triệu
tập phải ghi rõ mức thanh toán cho người giám định. Nếu người được triệu tập
yêu cầu tạm ứng trước các chi phí của mình, cơ quan tư pháp có thẩm quyền của
Bên yêu cầu tạm ứng trước một khoản tiền cho người này để thanh toán các chi
phí của người đó.
4.
Người làm chứng hoặc người giám định nhận được giấy triệu tập có thể từ
chối việc tuân theo. Bên được yêu cầu không có quyền áp dụng bất kỳ biện pháp
cưỡng chế nào để buộc người đó tuân theo giấy triệu tập.
Điều 13. Tống đạt giấy tờ
cho cá nhân của Bên mình
1.
Cơ quan tư pháp của một Bên có thể tống đạt giấy tờ cho cá nhân của Bên mình
đang cư trú trên lãnh thổ của Bên kia, thông qua Văn phòng Kinh tế và Văn hóa của
Bên mình.
2.
Trong việc tống đạt giấy tờ theo qui định tại khoản 1 Điều này, Văn
phòng Kinh tế và Văn hóa không có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với
người nhận giấy tờ.
Điều 14. Trao đổi thông tin
pháp luật
1.
Hai Bên, theo yêu cầu, phải cung cấp cho nhau những thông tin về pháp luật
hiện hành, các văn bản được công khai của các cơ quan có thẩm quyền và thực tiễn
thi hành pháp luật trên lãnh thổ của mình.
2.
Một yêu cầu cung cấp thông tin phải nêu tên cơ quan yêu cầu cũng như mục
đích của việc yêu cầu.
Điều 15. Miễn hợp pháp hóa
Trong khi thực hiện Thỏa thuận này, các tài liệu
và bản dịch không phải hợp pháp hóa dưới bất cứ hình thức nào, với điều kiện là
chúng được ký và đóng dấu chính thức.
Điều 16. Tương trợ tư pháp
khi có nhiều yêu cầu cùng lúc
1.
Khi Bên được yêu cầu nhận được nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp về cùng một
vấn đề, một trong số đó là từ một Bên, thì Bên được yêu cầu phải quyết định yêu
cầu nào được thực hiện.
2.
Khi quyết định yêu cầu nào được thực hiện, Bên được yêu cầu phải cân nhắc
tất cả các yếu tố liên quan, cụ thể là:
a)
Ngày nhận được yêu cầu;
b)
Bản chất của vấn đề được yêu cầu;
c)
Ảnh hưởng của việc thực hiện một yêu cầu này đối với một yêu cầu khác;
và
d)
Thời gian cần thiết để thực hiện yêu cầu này.
3.
Bên được yêu cầu phải thông báo cho Bên yêu cầu về sự tồn tại của các
yêu cầu cùng lúc liên quan đến cùng vấn đề và quyết định của mình.
Chương II
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ
Điều 17. Tống đạt giấy tờ
1.
Bên được yêu cầu phải tống đạt tờ tư pháp và các giấy tờ có liên quan
kèm theo, theo yêu cầu.
2.
Giấy tờ được tống đạt phải được lập thành 02 bộ và được dịch sang ngôn
ngữ của Bên được yêu cầu hoặc tiếng Anh và gửi kèm theo yêu cầu tống đạt.
3.
Bên được yêu cầu, sau khi tống đạt giấy tờ, phải gửi cho Bên yêu cầu xác
nhận tống đạt giấy tờ trong đó ghi rõ ngày, địa điểm và biện pháp tống đạt, có
chữ ký và dấu của cơ quan tống đạt đã thực hiện tống đạt giấy tờ. Nếu việc tống
đạt giấy tờ không thực hiện được thì Bên được yêu cầu phải thông báo lý do cho
Bên yêu cầu.
Điều 18. Xác minh và thu thập
chứng cứ
1.
Theo yêu cầu, hai Bên phải hỗ trợ cho nhau trong việc xác minh, đánh giá
gia đình, thu thập chứng cứ và thực hiện các hành vi tố tụng cần thiết để tiến
hành xác minh, thu thập chứng cứ.
2.
Ngoài quy định tại Điều 7 của Thỏa thuận này, yêu cầu xác minh và thu thập
chứng cứ còn phải bao gồm các nội dung sau:
a)
Các câu hỏi cho người được lấy lời khai hoặc thông báo về những nội dung
vấn đề cần lấy lời khai;
b)
Giấy tờ hoặc tài sản được kiểm tra.
3.
Bên được yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho Bên yêu cầu kết quả thực
hiện yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ, kèm theo chứng cứ ở dạng tài liệu.
Chương III
CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH
BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH VÀ PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI
Điều 19. Công nhận và cho
thi hành bản án, quyết định
Theo các điều kiện được nêu trong Thỏa thuận
này, một Bên phải công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ của Bên mình bản án,
quyết định sau đây đã được Bên kia tuyên:
a) Bản án và quyết định dân sự, bao gồm nhưng
không giới hạn với bản án và quyết định của Tòa án về các vấn đề thương mại,
lao động, hôn nhân, gia đình và các bản án, quyết định khác được nêu trong Thỏa
thuận này;
b)
Quyết định về phần tài sản trong bản án hình sự.
Điều 20. Điều kiện công nhận
và cho thi hành
Bản án, quyết định nêu tại Điều 19 của Thỏa thuận
này phải được công nhận và cho thi hành nếu các điều kiện sau được đáp ứng:
a)
Bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và là cuối cùng theo
pháp luật của Bên yêu cầu và có thể thi hành theo pháp luật của Bên đã tuyên bản
án hoặc quyết định đó;
b)
Bản án hoặc quyết định do cơ quan có thẩm quyền được nêu trong Thỏa thuận
này và pháp luật của Bên yêu cầu đưa ra;
c)
Bản án hoặc quyết định về dân sự của Bên yêu cầu đã có hiệu lực pháp luật
và không trái với pháp luật của Bên được yêu cầu; hoặc Tòa án của Bên được yêu
cầu chưa từng công nhận và cho thi hành quyết định đã có hiệu lực do nước thứ
ba tuyên về cùng một vụ việc; hoặc vụ việc chưa từng được đưa ra trước Tòa án của
Bên được yêu cầu;
d)
Bản án hoặc quyết định do Tòa án tuyên khi các quyền tố tụng của các
đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự đã được bảo đảm thích đáng;
e)
Bên được yêu cầu nhận được thỏa mãn rằng việc công nhận và cho thi hành
bản án hoặc quyết định đó không gây phương hại đến an ninh, trật tự công hoặc
không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của mình.
Điều 21. Nộp yêu cầu
1.
Yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án hoặc quyết định của Tòa án có
thể do các bên đương sự gửi trực tiếp cho Tòa án có thẩm quyền công nhận và cho
thi hành bản án, quyết định đó.
2.
Ngoài các quy định tại Điều 7 của Thỏa thuận này, yêu cầu công nhận và
cho thi hành quyết định của tòa án phải kèm theo:
a)
Bản sao đầy đủ quyết định đã được chứng thực và những tài liệu xác nhận
quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật và là cuối cùng;
b)
Tài liệu xác nhận việc Bên vắng mặt đã được triệu tập hợp lệ, trong trường
hợp quyết định đã được tuyên vắng mặt;
c)
Tài liệu hoặc văn bản mô tả để xác nhận bên đương sự không có năng lực
hành vi dân sự đã có đại diện hợp pháp.
3.
Yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án hoặc quyết định và các giấy tờ
kèm theo phải được lập thành hai bộ.
Điều 22. Thủ tục công nhận
và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án
1.
Một Bên phải áp dụng pháp luật của mình trong việc công nhận và cho thi
hành quyết định doTòa án của Bên kia tuyên.
2.
Tòa án của Bên được yêu cầu phải giới hạn trong việc xem xét sự đáp ứng
các điều kiện được nêu trong Thỏa thuận này, và không xem xét lại nội dung của
quyết định đó.
Điều 23. Hiệu lực của việc
công nhận và cho thi hành
Bản án hoặc quyết định do Tòa án của một Bên
tuyên đã được Tòa án của Bên kia công nhận và cho thi hành có hiệu lực pháp luật
như bản án, quyết định doTòa án của Bên kia tuyên.
Điều 24. Công nhận và cho
thi hành phán quyết của Trọng tài
Một Bên phải công nhận và cho thi hành phán quyết
của Trọng tài được tuyên trên lãnh thổ của Bên kia phù hợp với Công ước về Công
nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài ký tại New York ngày
10 tháng 6 năm 1958 và pháp luật về Trọng tài của hai Bên.
Chương IV
CÁC ĐIỀU KHOẢN KHÁC
Điều 25. Giải quyết bất đồng
Bất kỳ bất đồng nào phát sinh từ việc giải thích
hoặc thực hiện Thỏa thuận này phải được giải quyết thông qua tham vấn giữa hai
Bên.
Điều 26. Thời điểm có hiệu
lực
Thỏa thuận này có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau
ngày thông báo cuối cùng về việc các Bên hoàn tất thủ tục nội bộ cần thiết để
Thỏa thuận có hiệu lực.
Điều 27. Sửa đổi
Bất kỳ sửa đổi nào của Thỏa thuận này phải được
sự đồng ý của hai Bên.
Điều 28. Hiệu lực của Thỏa
thuận
Thỏa thuận này có giá trị đến khi chấm dứt hiệu
lực theo thông báo bằng văn bản trước 6 tháng về ý định chấm dứt của một Bên gửi
cho Bên kia thông qua Văn phòng Kinh tế và Văn hóa.
Yêu cầu trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của Thỏa
thuận phải được thực hiện đầy đủ theo Thỏa thuận này.
Điều 29. Điều khoản bổ sung
Tương trợ tư pháp không được quy định trong Thỏa
thuận này phải được thực hiện theo pháp luật về tương trợ tư pháp của Bên được
yêu cầu.
Lập thành hai bản bằng tiếng Anh.
THAY MẶT
VĂN PHÒNG KINH TẾ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM TẠI ĐÀI BẮC
(đã ký)
Ngày :
12/4/2010
|
THAY MẶT
VĂN PHÒNG KINH TẾ VÀ VĂN HÓA ĐÀI BẮC TẠI VIỆT NAM
(đã ký)
Ngày :
12/4/2010
|