CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
186/2004/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2004
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA
CHÍNH PHỦ SỐ 186/2004/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 11 NĂM 2004 QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO
VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nghị
định này quy định việc phân loại, đặt tên hoặc số hiệu đường bộ; tiêu chuẩn kỹ thuật
của các cấp đường bộ; trình tự, thủ tục lập, phê duyệt và công bố quy hoạch kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phạm vi đất dành cho đường bộ; sử dụng, khai thác
đất hành lang an toàn đường bộ và việc xây dựng các công trình thiết yếu trong
phạm vi đất dành cho đường bộ; trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ.
Điều 2.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng, quản lý và
khai thác đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo các quy định của
Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.
Điều 3.
Các hệ thống đường bộ trong cả nước là một mạng lưới liên hoàn do Nhà nước
thống nhất quản lý, không phân biệt đường bộ được xây dựng bằng nguồn vốn nào.
Điều 4.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ. Việc sử dụng, khai thác và xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường
bộ phải bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự an toàn và không được ảnh hưởng
tới sự bền vững của công trình đường bộ.
Chương 2:
PHÂN LOẠI, ĐẶT TÊN VÀ SỐ
HIỆU ĐƯỜNG BỘ
Điều 5. Mạng
lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống sau:
1. Hệ thống quốc lộ là các đường
trục chính của mạng lưới đường bộ, có tác dụng đặc biệt quan trọng phục vụ sự
phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước hoặc khu vực gồm:
a) Đường nối liền Thủ đô Hà Nội
với thành phố trực thuộc Trung ương; với trung tâm hành chính các tỉnh;
b) Đường nối liền trung tâm hành
chính của từ 3 tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh)
trở lên;
c) Đường nối liền từ cảng biển
quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ.
2. Hệ thống đường tỉnh là các đường
trục trong địa bàn 1 tỉnh hoặc 2 tỉnh gồm đường nối trung tâm hành chính của
tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc với trung tâm hành chính của tỉnh
lân cận; đường nối quốc lộ với trung tâm hành chính của huyện.
3. Hệ thống đường huyện là các
đường nối từ trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã,
cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường nối đường tỉnh với
trung tâm hành chính của xã hoặc trung tâm cụm xã.
4. Hệ thống đường xã là các đường
nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, xóm hoặc đường nối giữa các xã.
5. Hệ thống đường đô thị là các
đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị.
6. Hệ thống đường chuyên dùng là
các đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc nhiều cơ
quan, doanh nghiệp, tư nhân.
Điều 6. Thẩm
quyền phân loại và điều chỉnh các hệ thống đường bộ được quy định như sau:
1. Hệ thống quốc lộ do Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quyết định.
2. Hệ thống đường tỉnh do Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
3. Hệ thống đường đô thị do Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn
bản của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
4. Hệ thống đường huyện do Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
5. Hệ thống đường xã do Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định.
6. Hệ thống đường chuyên dùng do
tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận bằng
văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đường chuyên dùng nối với
quốc lộ; ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
đối với đường chuyên dùng nối với đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện; ý kiến
chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với đường
chuyên dùng nối với đường xã.
Điều 7. Việc
đặt tên, số hiệu đường bộ được quy định như sau:
1. Tên đường được đặt theo tên
danh nhân, người có công hoặc tên di tích, sự kiện lịch sử văn hoá, tên địa
danh hoặc tên theo tập quán; số hiệu đường được đặt theo số tự nhiên kèm theo
chữ cái nếu cần thiết.
2. Đường bộ đặt theo tên gồm chữ
"Đường" kèm với tên; đặt theo số hiệu gồm tên hệ thống đường kèm với
số hiệu.
Trường hợp đường đô thị trùng
với quốc lộ thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu của quốc lộ.
3. Tên, số hiệu đường bộ tham
gia vào mạng lưới đường bộ trong khu vực, đường bộ quốc tế thực hiện theo thoả
thuận giữa Việt Nam với các quốc gia liên quan.
Trường hợp đường bộ trong nước
trùng với đường bộ trong khu vực, đường bộ quốc tế thì sử dụng cả tên, số hiệu
đường trong nước và tên, số hiệu đường trong khu vực, đường bộ quốc tế (nếu có).
4. Việc đặt tên, số hiệu đường bộ
do cơ quan có thẩm quyền phân loại đường bộ quyết định; riêng đường đô thị, đường
tỉnh đặt theo tên do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn
cụ thể việc đặt tên, số hiệu đường bộ.
Chương 3:
QUY HOẠCH KẾT CẤU HẠ TẦNG
VÀ TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT ĐƯỜNG BỘ
Điều 8.
1. Trách nhiệm lập và thẩm quyền
phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định như sau:
a) Căn cứ vào chiến lược, quy hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nhu cầu đi lại của nhân
dân, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng chiến lược, quy hoạch phát
triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chung của cả nước, quy hoạch kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ vùng (khu vực), quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng
của hệ thống quốc lộ và một số quy hoạch đặc biệt được giao, trình Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt;
b) Căn cứ vào chiến lược, quy hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nhu cầu đi lại của nhân dân
địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng chiến
lược, quy hoạch phát triển hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô
thị phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chung của tỉnh và
của cả nước; phê duyệt hoặc trình duyệt theo phân cấp. Riêng quy hoạch phát
triển hệ thống đường tỉnh phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Giao thông vận
tải; quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị loại đặc biệt và đô thị loại 1
phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải.
2. Trình tự, thủ tục lập, phê
duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải tuân theo quy định của
pháp luật về quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư và xây dựng.
3. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ sau khi được phê duyệt, cơ quan tổ chức xây dựng quy hoạch có trách
nhiệm tổ chức công bố rộng rãi bằng các hình thức thích hợp.
Điều 9.
1. Đường bộ xây dựng mới phải bảo
đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng cấp đường theo tiêu chuẩn Việt Nam và các
tiêu chuẩn ngành của Bộ Xây dựng đối với đường đô thị hoặc các tiêu chuẩn ngành
của Bộ Giao thông vận tải đối với đường ngoài đô thị; riêng đối với đường lâm
nghiệp, đường khai thác mỏ và đường chuyên dùng khác phải áp dụng cả các tiêu
chuẩn riêng của ngành đó.
Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn kỹ
thuật công trình đường bộ của nước ngoài thì phải được sự chấp thuận của cơ
quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
2. Các tuyến đường bộ đang khai
thác chưa vào cấp phải được cải tạo, nâng cấp để đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật
của cấp đường phù hợp.
Điều 10.
1. Công trình đường bộ xây dựng
mới, nâng cấp, cải tạo và công trình đường bộ đã đưa vào khai thác phải được
thẩm định an toàn giao thông.
2. Thẩm định an toàn giao thông
được thực hiện tại một hoặc một số trong các giai đoạn sau:
a) Báo cáo đầu tư xây dựng công
trình;
b) Dự án đầu tư xây dựng công
trình hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình;
c) Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết
kế bản vẽ thi công;
d) Trước khi đưa công trình vào
khai thác;
đ) Trong quá trình khai thác.
3. Việc thẩm định an toàn giao
thông do một tổ chức gồm những người có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm phù
hợp với yêu cầu của công việc thẩm định thực hiện; tổ chức này hoạt động độc
lập với tổ chức tư vấn thiết kế đã lập hồ sơ dự án, thiết kế công trình.
4. Người có thẩm quyền quyết định
đầu tư hoặc cho phép đầu tư quyết định dự án phải thẩm định, giai đoạn thẩm
định và tổ chức thực hiện việc thẩm định an toàn giao thông.
5. Tổ chức thực hiện thẩm định
an toàn giao thông có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ dự án, thiết kế công trình,
kiểm tra hiện trường, phát hiện các khả năng tiềm ẩn về tai nạn giao thông, đề
xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục.
6. Tư vấn thiết kế có trách nhiệm
tiếp thu bằng văn bản các đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo thẩm định an
toàn giao thông và chỉnh sửa hồ sơ dự án, thiết kế theo nội dung đã tiếp thu.
Đối với công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, cơ quan quản lý đường bộ có
trách nhiệm tiếp thu các đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo thẩm định an toàn
giao thông và có phương án sửa chữa khắc phục.
7. Kinh phí thẩm định an toàn
giao thông được xác định trong kinh phí đầu tư dự án đối với công trình xây
dựng mới, nâng cấp, cải tạo; được sử dụng trong nguồn tài chính cho quản lý,
bảo trì đường bộ đối với công trình đã đưa vào khai thác.
8. Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể công tác thẩm định an toàn giao
thông; phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về kinh phí thẩm
định an toàn giao thông.
Chương 4:
PHẠM VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ
TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 11.
Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm đất của đường bộ, hành
lang an toàn đường bộ, phần trên không, phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước
có liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ.
Điều 12.
1. Đất của đường bộ là phần đất
trên đó công trình đường bộ được xây dựng bao gồm cả các công trình giao thông
tĩnh và các công trình phụ trợ. Công trình đường bộ gồm:
a) Nền, mặt đường, hè phố, nơi dừng
xe, đỗ xe, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn, biển báo
hiệu, vạch kẻ đường, cột cây số, đảo giao thông, dải phân cách, hệ thống chiếu
sáng, đường ngầm, tràn, đường cứu nạn;
b) Cầu, hầm, cống, kè, tường chắn;
c) Bến phà, bến cầu phao, phương
tiện vượt sông và nơi cất dấu các phương tiện vượt sông;
d) Các công trình chống va, tường,
kè chỉnh trị dòng nước;
đ) Trạm điều khiển giao thông,
trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí cầu đường, các thiết bị đếm xe;
e) Các mốc đo đạc, cột mốc lộ giới;
g) Các công trình phụ trợ an
toàn giao thông.
2. Hành lang an toàn đường bộ là
phần đất dọc hai bên đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công
trình đường bộ.
Điều 13.
Giới hạn hành lang an toàn đối với đường được quy định như sau:
1. Đối với đường ngoài đô thị:
căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của
đường có bề rộng tính từ mép chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào,
mép ngoài của rãnh dọc hoặc mép ngoài của rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên
là:
20 m (hai mươi mét) đối với đường
cao tốc, đường cấp I, cấp II;
15 m (mười lăm mét) đối với đường
cấp III;
10 m (mười mét) đối với đường cấp
IV, cấp V;
05 m (năm mét) đối với đường dưới
cấp V.
2. Đối với đường trong đô thị:
phạm vi hành lang an toàn của đường là bề rộng tính từ mép đường đến chỉ giới
xây dựng của đường theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đối với đường bộ song song với
sông ngòi, kênh rạch có khai thác vận tải thủy mà hành lang an toàn bị chồng
lấn thì phạm vi hành lang an toàn đường bộ tính từ mép bờ cao trở về phía đường
bộ.
4. Đối với đường bộ song song liền
kề với đường sắt mà hành lang an toàn bị chồng lấn thì ranh giới hành lang an
toàn giữa đường bộ và đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.
Điều 14.
Giới hạn hành lang an toàn đối với cầu, cống được quy định như sau:
1. Đối với cầu trên đường ngoài
đô thị:
a) Theo chiều dọc cầu, từ đuôi mố
cầu ra mỗi bên là:
50 m (năm mươi mét) đối với cầu
có chiều dài từ 60 m trở lên;
30 m (ba mươi mét) đối với cầu
có chiều dài dưới 60 m;
Trong trường hợp cầu có chiều
dài đường dốc lên, dốc xuống lớn hơn quy định tại điểm a khoản 1 trên đây thì
giới hạn hành lang an toàn được tính từ đuôi mố cầu ra đến hết chân dốc.
b) Theo chiều ngang cầu, từ phạm
vi tiếp giáp với cầu, kể từ điểm ngoài cùng của kết cấu cầu trở ra mỗi phía là:
150 m (một trăm năm mươi mét) đối
với cầu có chiều dài lớn hơn 300 m;
100 m (một trăm mét) đối với cầu
có chiều dài từ 60m đến 300m;
50 m (năm mươi mét) đối với cầu
có chiều dài từ 20m đến dưới 60m;
20 m (hai mươi mét) đối với cầu
có chiều dài dưới 20m.
2. Đối với cầu trên đường trong
đô thị:
a) Theo chiều dọc cầu, quy định
như điểm a khoản 1 Điều này.
b) Theo chiều ngang cầu.
Từ mép lan can ngoài cùng của cầu
trở ra mỗi bên 07 m (bảy mét) đối với phần cầu chạy trên cạn, kể cả phần cầu
chạy trên phần đất chỉ ngập nước khi có nước lũ; đối với phần cầu còn lại, quy
định như điểm b khoản 1 Điều này.
3. Giới hạn hành lang an toàn đối
với cống, theo chiều dọc cống về hai phía bằng bề rộng hành lang an toàn của
đường bộ.
Điều 15.
Giới hạn hành lang an toàn đối với hầm đường bộ quy định như sau:
1. Trên đường ngoài đô thị: phạm
vi trong vòng 100m (một trăm mét) cách các điểm ngoài cùng của các bộ phận kết
cấu của hầm.
2. Trên đường trong đô thị: do
cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với từng dự án cụ thể.
Điều 16.
Giới hạn hành lang an toàn đối với bến phà, cầu phao được quy định như sau:
1. Theo chiều dọc: bằng chiều
dài đường xuống bến phà, cầu phao.
2. Theo chiều ngang: từ tim bến
phà, cầu phao trở ra mỗi phía thượng lưu, hạ lưu là 150 m (một trăm năm mươi
mét).
Điều 17.
Giới hạn hành lang an toàn đối với kè được quy định như sau:
1. Kè chống xói để bảo vệ nền đường:
a) Từ đầu kè và từ cuối kè về
hai phía thượng lưu, hạ lưu mỗi phía 50 m (năm mươi mét);
b) Từ chân kè trở ra sông 20 m
(hai mươi mét).
2. Kè chỉnh trị dòng nước:
a) Từ chân kè về hai phía thượng
lưu, hạ lưu mỗi phía 100 m (một trăm mét);
b) Từ gốc kè trở vào bờ 50 m
(năm mươi mét);
c) Từ chân đầu kè trở ra sông 20
m (hai mươi mét).
Điều 18.
Phạm vi bảo vệ đối với bến xe, bãi đỗ xe, trạm điều khiển giao thông, trạm kiểm
tra tải trọng xe, trạm thu phí cầu đường và các công trình phục vụ quản lý đường
là phạm vi vùng đất, vùng nước của công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quy định trong giấy phép sử dụng.
Điều 19.
Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ đối với phần trên không được quy định như
sau:
1. Đối với đường là 4,75 m (bốn
mét bảy lăm) tính từ tim mặt đường trở lên theo phương thẳng đứng.
2. Đối với cầu là bộ phận kết cấu
cao nhất của cầu, nhưng không thấp hơn 4,75 m (bốn mét bảy lăm) tính từ mặt sàn
cầu trở lên theo phương thẳng đứng.
3. Chiều cao đường dây thông tin
đi phía trên đường bộ phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu từ mặt đường đến đường
dây thông tin là 5,50 m (năm mét năm mươi).
4. Chiều cao đường dây tải điện
đi phía trên đường bộ hoặc gắn trực tiếp trên kết cấu của cầu phải bảo đảm an
toàn cho hoạt động giao thông vận tải và an toàn lưới điện tùy theo điện áp cuả
đường dây điện.
Điều 20.
Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều ngang đối với đường dây thông
tin, dây tải điện: tính từ chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào đến
cột tối thiểu bằng 1,3 lần chiều cao của cột và không được nhỏ hơn 05 m (năm
mét).
Điều 21.
Giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước đối
với công trình đường bộ do cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền quy định đối
với từng công trình cụ thể, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm an toàn giao
thông, an toàn công trình, không ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo trì đường bộ.
Điều 22.
Đối với công trình đường bộ trong đô thị, giới hạn hành lang an toàn phải tuân
theo quy định của Nghị định này và quy định về bảo vệ công trình đường bộ trong
đô thị.
CHƯƠNG 5:
SỬ DỤNG, KHAI THÁC TRONG
PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ
Điều 23.
1. Đất dành cho đường bộ chỉ
dành để xây dựng công trình đường bộ, sử dụng và khai thác để phục vụ cho mục
đích an toàn giao thông vận tải đường bộ.
2. Việc xây dựng một số công
trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải bảo đảm khai thác an
toàn công trình đường bộ và chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:
a) Công trình phục vụ yêu cầu bảo
đảm an ninh, quốc phòng;
b) Công trình có yêu cầu đặc biệt
về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ;
c) Công trình phải bố trí trên
cùng một mặt bằng với công trình đường bộ để bảo đảm tính đồng bộ và tiết kiệm.
Điều 24.
Việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải tuân
theo các quy định sau:
1. Lập và duyệt dự án, thiết kế
theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Phải được cơ quan quản lý nhà
nước về đường bộ có thẩm quyền sau đây đồng ý bằng văn bản ngay từ khi lập dự
án và chấp thuận hồ sơ thiết kế trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
theo quy định:
a) Bộ Giao thông vận tải đối với
công trình thuộc dự án nhóm A;
b) Cục Đường bộ Việt Nam đối với
công trình thuộc dự án nhóm B, C liên quan đến quốc lộ và công trình xây dựng mới,
sửa chữa nhưng chưa đến mức lập dự án liên quan đến quốc lộ thuộc phạm vi quản
lý;
c) Sở Giao thông vận tải đối với
công trình thuộc dự án nhóm B, C liên quan đến đường địa phương (ngoài đô thị)
và công trình xây dựng mới, sửa chữa nhưng chưa đến mức lập dự án liên quan đến
các đường thuộc phạm vi quản lý;
d) Sở Giao thông công chính hoặc
Sở Xây dựng đối với công trình thuộc dự án nhóm B, C và công trình xây dựng mới,
sửa chữa nhưng chưa đến mức lập dự án liên quan đến đường đô thị theo phân công
của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Có giấy phép thi công bảo đảm
an toàn giao thông của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ có thẩm quyền.
Điều 25.
Việc khai thác, sử dụng trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ được quy định
như sau:
1. Được phép sử dụng, khai thác
đất hành lang an toàn đường bộ để trồng cây lương thực, hoa mầu, cây ăn quả,
cây lấy gỗ, nuôi trồng thủy sản, nhưng phải tuân theo các yêu cầu sau:
a) Đối với đường đắp, phải trồng
cách mép chân đường ít nhất 01 m (một mét) đối với cây lương thực, hoa mầu và
ít nhất 02 m (hai mét) đối với cây ăn quả, cây lấy gỗ;
b) Đối với đường đào phải trồng cách
mép đỉnh mái đường hoặc mép ngoài rãnh đỉnh ít nhất 06 m (sáu mét);
c) Chỉ được trồng các loại cây
ăn quả, cây lấy gỗ có rễ ăn sâu và không cản trở tầm nhìn của người tham gia
giao thông đường bộ. Riêng tại các đoạn đường gần nơi đường giao nhau giữa
đường bộ với đường bộ, giao cắt đường bộ với đường sắt và các vị trí ở phía bán
kính nhỏ của đường cong dễ bị khuất tầm nhìn chỉ được trồng các loại cây thấp
không cản trở tầm nhìn;
d) Các ao, hồ nuôi trồng thủy sản
phải cách mép chân đường một khoảng tối thiểu bằng mức chênh lệch về độ cao giữa
mép chân nền đường đắp và đáy ao, hồ. Mức nước trong ao, hồ không được cao hơn
cao độ chân nền đường;
đ) Các mương thủy lợi phải cách
chân mái đường đắp một khoảng cách tối thiểu bằng chiều sâu của mương và mức
nước trong mương không được cao hơn cao độ chân nền đường, trừ trường hợp lũ
lụt.
2. Khi xây dựng các khu công
nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ phải xây dựng hệ
thống đường gom nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ và phải nối vào hệ thống
đường nhánh hiện có trước khi nối với đường chính.
Trường hợp đường nhánh xây dựng
mới được phép nối trực tiếp với đường chính hiện có thì điểm nối phải được cơ
quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về đường bộ cho phép từ khi lập dự án và
thiết kế phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn.
3. Các biển quảng cáo lắp đặt ở
phần hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm
quyền chấp thuận và không được gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
4. Việc sử dụng hành lang an
toàn đường bộ liên quan đến công trình an ninh, quốc phòng liền kề phải có ý
kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
5. Các trạm xăng dầu phải được
xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ, theo quy hoạch được cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt; có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ
có thẩm quyền về vị trí và thiết kế đoạn đường dẫn vào trạm xăng dầu qua phần
đất hành lang an toàn đường bộ bao gồm thiết kế điểm nối với đường hiện có, bảo
đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn của đoạn đường đang khai thác.
Điều 26.
Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Đào, khoan, xẻ đường trái
phép.
2. Mở đường nhánh nối vào đường
chính trái phép.
3. Đặt chướng ngại vật trên đường
gây cản trở giao thông.
4. Thả rông, chăn dắt súc vật
trên mặt đường, mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc
tiêu, biển báo, công trình phụ trợ khác của đường bộ.
5. Khai thác trái phép cát, đá,
sỏi hoặc các hành vi khác làm ảnh hưởng tới an toàn công trình đường bộ.
6. Đào phá, đốt lửa, nổ mìn, neo
buộc tầu thuyền hoặc gây ảnh hưởng đến an toàn cầu.
7. Tự ý leo trèo lên mố, trụ và
dầm cầu.
8. Lấn, chiếm đất hành lang an
toàn đường bộ dưới bất kỳ hình thức nào.
9. Các hành vi khác gây ảnh hưởng
đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ.
Điều 27.
Việc thi công công trình trên đường bộ đang khai thác phải tuân theo quy định về
bảo đảm an toàn giao thông của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 28.
1. Trường hợp khẩn cấp, cơ quan
phòng chống lụt bão có thẩm quyền có thể sử dụng công trình đường bộ phục vụ
cho việc chống bão lụt; sau khi hoàn thành phải khôi phục lại trạng thái ban
đầu của công trình đường bộ.
2. Trường hợp các cơ quan quản
lý công trình đường bộ và cơ quan quản lý công trình thủy lợi đều có kế hoạch
xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp công trình thì việc xây dựng mới, cải tạo
nâng cấp công trình phải kết hợp với nhau.
3. Việc xây dựng công trình mới
làm ảnh hưởng đến độ bền vững của công trình có trước hoặc làm trở ngại đến tác
dụng của công trình đó thì cơ quan chủ quản công trình xây dựng mới phải có
biện pháp xử lý bằng kỹ thuật theo sự thoả thuận của cơ quan chủ quản công
trình cũ bị ảnh hưởng và chịu phí tổn để sửa chữa, khôi phục. Nếu đồng thời
muốn cải tạo, mở rộng nâng cấp công trình có trước thì cơ quan chủ quản công
trình cũ phải đầu tư phần tăng thêm.
Điều 29.
Trường hợp các đoạn vừa là đường giao thông vừa là đê, việc sử dụng, khai thác
phải tuân theo pháp luật về bảo vệ đê điều và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên bảo đảm an toàn đê điều.
Điều 30.
Việc sử dụng, khai thác ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm
không làm ảnh hưởng đến hoạt động, an toàn giao thông đường bộ, phải tuân theo
các quy định sau:
1. Lò vôi, lò đúc kim loại, lò gạch,
lò thủy tinh, lò gốm phải cách chân nền đường bộ ít nhất 25 m (hai lăm mét).
2. Nơi họp chợ và các điểm kinh
doanh, dịch vụ phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ và mọi hoạt động không
được để ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ.
3. Các kho chứa chất nổ, chất độc,
chất dễ cháy; các mỏ khai thác bằng mìn ngoài việc phải ở ngoài hành lang an
toàn đường bộ còn phải có một khoảng cách an toàn theo quy định của pháp luật
hiện hành.
4. Các công trình khác ở ngoài
hành lang an toàn đường bộ nhưng ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và an toàn
giao thông đường bộ phải được khắc phục, sửa chữa kịp thời.
Chương 6:
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ BẢO
VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 31.
Tổ chức và phân cấp quản lý đường bộ được quy định như sau:
1. Bộ Giao thông vận tải thống
nhất quản lý nhà nước về đường bộ trong phạm vi cả nước; chịu trách nhiệm tổ
chức quản lý xây dựng, bảo trì hệ thống quốc lộ.
Cục Đường bộ Việt Nam được Bộ
Giao thông vận tải giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ
thống quốc lộ; chỉ đạo các địa phương trong toàn quốc về chuyên môn nghiệp vụ
quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản
lý các hệ thống đường tỉnh, đường đô thị trong phạm vi địa phương.
Sở Giao thông vận tải hoặc Sở
Giao thông công chính được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp
quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường tỉnh.
Sở Giao thông công chính hoặc Sở
Xây dựng được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo trì
và khai thác hệ thống đường đô thị.
3. Uỷ ban nhân dân cấp huyện và
Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo trì và khai thác các hệ thống đường huyện,
đường xã theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có
đường chuyên dùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì và khai thác đường chuyên
dùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành đường bộ.
5. Tổ chức, cá nhân trong nước
và nước ngoài đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức hợp đồng xây dựng - khai
thác - chuyển giao (B.O.T) tự tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ
theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 32.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:
1. Trình Chính phủ ban hành hoặc
ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hướng dẫn thực hiện các văn bản đó.
2. Chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng
cán bộ quản lý, bảo vệ công trình đường bộ trong phạm vi cả nước.
3. Tổ chức bộ máy quản lý, bảo
trì đường bộ do Trung ương quản lý; hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức
bộ máy quản lý, bảo trì đường bộ thuộc địa phương quản lý.
4. Kiểm tra, thanh tra việc thực
hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ.
5. Tổ chức, chỉ đạo và giám sát
hoạt động của lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ trong phạm vi cả nước.
6. Xây dựng kế hoạch, tổ chức và
kiểm tra thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hư hại của công trình đường
bộ do sự cố thiên tai, địch hoạ gây ra.
7. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân
cấp tỉnh và các bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực
hiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ.
8. Phối hợp với Bộ Tài chính cân
đối kinh phí thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ, giải toả hành lang an toàn đường
bộ, phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai, địch hoạ gây ra đối với hệ
thống quốc lộ.
9. Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan xây dựng chương trình an toàn giao thông quốc gia trình Chính
phủ.
10. Giải quyết tranh chấp, khiếu
nại và tố cáo liên quan đến việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ theo quy định của pháp luật.
Điều 33.
Bộ Công an có trách nhiệm:
1. Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng
trong ngành kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ theo thẩm quyền quy định.
2. Phối hợp với Bộ Giao thông vận
tải, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ
kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao
thông vận tải xác định danh mục, lập phương án bảo vệ các công trình đường bộ
quan trọng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 34.
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ
chức bảo vệ công trình quốc phòng kết hợp làm công trình đường bộ.
Điều 35.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi thẩm định các dự án quy hoạch phải bảo đảm dự án tuân
thủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 36.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn lập và quản lý quy hoạch xây dựng
theo thẩm quyền; hướng dẫn quản lý xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ;
phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn
lập và thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.
Điều 37.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực
hiện việc quy hoạch và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi có liên quan đến
công trình đường bộ; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn việc
sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ để canh tác nông nghiệp, bảo đảm yêu cầu
kỹ thuật và an toàn giao thông.
Điều 38.
Bộ Thương mại có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc quy hoạch và xây
dựng hệ thống trạm xăng dầu, các dịch vụ khác dọc theo đường bộ.
Điều 39.
Bộ Tài chính có trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao
thông vận tải, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập và tổ chức thực hiện kinh phí quản
lý, bảo trì đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kể cả kinh
phí giải toả hành lang an toàn đường bộ được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà
nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước.
2. Kiểm tra việc sử dụng ngân
sách nhà nước chi cho việc quản lý, bảo trì đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ, bảo đảm sử dụng đúng mục đích.
Điều 40.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc khảo sát, đo đạc, phân loại
và sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật.
Điều 41.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi
lập quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp công trình có ảnh hưởng đến an
toàn các công trình đường bộ phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Giao thông
vận tải.
Điều 42.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện
các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa
phương phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của Bộ Giao thông
vận tải.
2. Tổ chức bộ máy quản lý, bảo trì
đường bộ của địa phương.
3. Tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra
đối với Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) trong các lĩnh vực sau
đây:
a) Hoạt động của lực lượng Thanh
tra giao thông của tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải;
b) Cấp, thu hồi giấy phép thi
công, đình chỉ hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường
bộ trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của địa phương.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm
tra đối với Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong các lĩnh vực sau đây:
a) Bảo vệ các công trình đường bộ
trên địa bàn tỉnh;
b) Quản lý, sử dụng đất trong và
ngoài hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt là việc giao đất, cấp giấy phép xây
dựng dọc theo đường bộ;
c) Giải toả các công trình vi phạm
về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi của huyện.
5. Huy động lực lượng, vật tư,
thiết bị để khôi phục giao thông kịp thời khi bị thiên tai, địch hoạ.
6. Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong
phạm vi địa phương.
7. Lập kế hoạch và chỉ đạo thực
hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải toả hành lang an
toàn đường bộ trong phạm vi địa phương.
8. Giải quyết tranh chấp, khiếu
nại và tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật.
Điều 43.
Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
1. Quản lý, bảo trì hệ thống đường
bộ của huyện.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
3. Quản lý, sử dụng đất trong và
ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời
các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.
4. Phối hợp với đơn vị quản lý
đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình
đường bộ.
5. Tổ chức thực hiện các biện
pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chống lấn chiếm, cưỡng chế dỡ bỏ các
công trình xây dựng trái phép để giải toả hành lang an toàn đường bộ.
6. Huy động mọi lực lượng, vật
tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên
tai, địch hoạ.
7. Cấp, thu hồi giấy phép thi
công trên đường bộ theo phân cấp.
8. Giải quyết tranh chấp, khiếu
nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên
địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
Điều 44.
Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
1. Quản lý, bảo trì đường bộ được
giao trên địa bàn cấp xã quản lý.
2. Tuyên truyền, phổ biến và
giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ.
3. Phối hợp với đơn vị trực tiếp
quản lý công trình đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp
bảo vệ công trình đường bộ bao gồm cả việc giữ gìn các cột mốc lộ giới.
4. Quản lý việc sử dụng đất
trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát
hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang
an toàn đường bộ.
5. Huy động mọi lực lượng, vật
tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên
tai, địch hoạ.
6. Giải quyết tranh chấp, khiếu
nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên
địa bàn cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 45.
Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban
nhân dân địa phương tổ chức và thực hiện việc cắm mốc lộ giới xác định phạm vi
đất dành cho đường bộ và bàn giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo vệ.
2. Quản lý, bảo trì đường bộ,
bao gồm theo dõi, kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa
đột xuất các hư hỏng của công trình đường bộ; duy trì tình trạng kỹ thuật của
đường, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và năng lực thông qua của đường
bộ.
3. Thanh tra, kiểm tra, phát hiện
và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao đường bộ theo
thẩm quyền.
4. Kịp thời báo cáo và yêu cầu
cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xử lý các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng
trái phép hành lang an toàn đường bộ.
Điều 46.
Lực lượng Cảnh sát, Kiểm soát quân sự, Thanh tra giao thông và các cơ quan bảo
vệ pháp luật ở địa phương trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách
nhiệm thực hiện và phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ trong công tác bảo vệ
kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Chương 7:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 47.
1. Tổ chức, cá nhân được khen
thưởng theo quy định của Nhà nước khi có một trong những thành tích sau đây:
a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
b) Đóng góp công sức, của cải
vào việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
c) Phát hiện, tố giác và ngăn chặn
hành vi xâm phạm, phá hoại công trình đường bộ, hành vi lấn, chiếm, sử dụng
trái phép hành lang an toàn đường bộ.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các
quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số
15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính về giao thông đường bộ.
Điều 48.
Xác định mốc thời gian để giải quyết và nguyên tắc giải quyết đối với công
trình tồn tại trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ quy định như sau:
1. Xác định mốc thời gian:
a) Trước ngày 21 tháng 12 năm
1982;
b) Từ ngày 21 tháng 12 năm 1982
đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2000;
c) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2000
đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
2. Nguyên tắc giải quyết:
a) Dỡ bỏ ngay các công trình gây
nguy hại đến sự ổn định của công trình đường bộ và an toàn hoạt động giao thông
vận tải đường bộ;
b) Những công trình xét thấy
chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của công trình đường bộ và an toàn giao
thông đường bộ thì trước mắt cho phép giữ nguyên hiện trạng nhưng chủ công
trình phải cam kết không cơi nới, không phát triển và thực hiện việc dỡ bỏ công
trình khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
c) Việc bồi thường, hỗ trợ cho
chủ công trình bị dỡ bỏ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chương 8:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 49.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và
thay thế Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công
trình giao thông đường bộ, Nghị định số 167/1999/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm
1999 của Chính phủ về tổ chức quản lý đường bộ; bãi bỏ các quy định trước đây
trái với Nghị định này.
Điều 50.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định
này.
Điều 51.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Nghị định này.