CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
100/2011/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2011
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN PHÒNG ĐẠI
DIỆN CỦA TỔ CHỨC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương
mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ
trưởng Bộ Công Thương,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định
về việc thành lập và hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại
nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là văn phòng đại diện).
Điều
2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng
đối với văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài bao gồm các tổ chức xúc
tiến thương mại và các tổ chức khác tiến hành các hoạt động liên quan đến xúc
tiến thương mại tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức xúc tiến thương mại
nước ngoài).
Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài theo Nghị định này bao gồm các tổ chức thuộc Chính phủ hoặc
phi Chính phủ, các hiệp hội, hội… được thành lập theo quy định của nước nơi tổ
chức đặt trụ sở, thực hiện các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại tại
Việt Nam nhằm: thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại từ nước ngoài vào Việt
Nam và ngược lại; hỗ trợ các doanh nghiệp của nước ngoài thâm nhập và hoạt động
tại thị trường Việt Nam; nghiên cứu và cung cấp các thông tin kinh tế, thương mại,
thị trường cho các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài; thúc đẩy các hoạt động ngoại
thương/thương mại qua biên giới với Việt Nam; các hoạt động nhằm kết nối giao
thương giữa các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp tại Việt Nam.
2. Nghị định này
không áp dụng đối với văn phòng đại diện tại Việt Nam của thương nhân nước
ngoài, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, tổ chức hợp tác, nghiên cứu, cơ sở văn
hóa giáo dục và các tổ chức nước ngoài khác được quy định tại các văn bản quy
phạm pháp luật khác.
Điều
3. Quản lý nhà nước đối với hoạt động của văn phòng đại diện
1. Bộ Công Thương
giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động của văn phòng đại
diện cụ thể như sau:
a) Chủ trì, phối hợp
với các Bộ, cơ quan ngang Bộ soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc
ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về văn phòng đại diện;
b) Hướng dẫn, tổ chức
thực hiện việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt
động của văn phòng đại diện;
c) Thanh tra, kiểm
tra công tác quản lý của các Sở Công Thương đối với hoạt động của văn phòng đại
diện trên phạm vi cả nước;
d) Chủ trì, phối hợp
với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương liên quan thanh tra, kiểm tra văn
phòng đại diện khi thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa
phương;
đ) Chủ trì, phối hợp
với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu về văn phòng đại
diện trên phạm vi toàn quốc;
e) Xử lý các hành vi
vi phạm pháp luật của văn phòng đại diện theo thẩm quyền.
2. Các Bộ, cơ quan
ngang Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm
thực hiện hoặc phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện việc quản lý nhà nước đối
với việc thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện trong lĩnh vực được phân
công.
3. Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của
mình chỉ đạo Sở Công Thương thực hiện việc quản lý, theo dõi, giám sát, thanh
tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hoạt động của các tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài tại Việt Nam trong phạm vi địa phương theo quy định của
pháp luật.
Chương 2.
THÀNH LẬP, HOẠT
ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
Điều
4. Thành lập văn phòng đại diện
1. Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài tiến hành các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại
tại Việt Nam phải thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại Nghị định này.
2. Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài được thành lập không quá một (01) Văn phòng đại diện của
mình trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Văn phòng đại diện
là đơn vị phụ thuộc của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài. Không được
thành lập Văn phòng đại diện trực thuộc Văn phòng đại diện.
4. Việc thành lập Văn
phòng đại diện phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép theo
quy định tại Nghị định này (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp giấy phép).
Điều
5. Điều kiện thành lập Văn phòng đại diện
Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài được xét cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại
Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là tổ chức được
thành lập theo pháp luật nước ngoài.
2. Có điều lệ, tôn chỉ
mục đích hoạt động của Văn phòng đại diện phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Điều
6. Tổ chức của Văn phòng đại diện
1. Cơ cấu tổ chức và
người đứng đầu Văn phòng đại diện do tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tự
xác định và phải được đăng ký với cơ quan cấp giấy phép.
2. Việc tuyển dụng và
bổ nhiệm người nước ngoài làm việc tại Văn phòng đại diện phải phù hợp với quy
định của pháp luật Việt Nam và các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc
tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều
7. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện
1. Văn phòng đại diện
được thực hiện các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại bao gồm:
a) Thực hiện chức
năng văn phòng liên lạc;
b) Thực hiện các hoạt
động nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam
và ngược lại; hỗ trợ các doanh nghiệp của nước ngoài tiếp cận và hoạt động tại
thị trường Việt Nam; nghiên cứu và cung cấp các thông tin kinh tế; thương mại,
thị trường cho các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài; thúc đẩy các hoạt động ngoại
thương/thương mại qua biên giới với Việt Nam; các hoạt động nhằm kết nối giao
thương giữa các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp tại Việt Nam;
c) Phối hợp với các
cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại của Việt
Nam để thực hiện các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại;
d) Các hoạt động xúc
tiến thương mại khác theo quy định của pháp luật.
2. Văn phòng đại diện
không được thực hiện các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp tại Việt
Nam.
Điều
8. Thông báo hoạt động của Văn phòng đại diện
1. Trong thời hạn 45
ngày, kể từ ngày được cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn Giấy phép thành lập,
Văn phòng đại diện phải đăng báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại
Việt Nam trong 03 số liên tiếp về những nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở
của Văn phòng đại diện;
b) Tên, địa chỉ trụ sở
của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài;
c) Người đứng đầu Văn
phòng đại diện;
d) Số, ngày cấp, thời
hạn của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, cơ quan cấp giấy phép;
đ) Nội dung hoạt động
của Văn phòng đại diện.
2. Trong thời hạn quy
định tại khoản 1 Điều này, Văn phòng đại diện phải chính thức hoạt động và
thông báo cho cơ quan cấp giấy phép, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công Thương
nơi đặt trụ sở Văn phòng đại diện về việc mở cửa hoạt động tại trụ sở đã đăng
ký.
Điều
9. Mở tài khoản
1. Văn phòng đại diện
được mở tài khoản chuyên chi bằng ngoại tệ và tài khoản chuyên chi bằng đồng Việt
Nam có gốc ngoại tệ tại Ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được
sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.
2. Việc mở, sử dụng
và đóng tài khoản của Văn phòng đại diện thực hiện theo quy định của Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam.
Điều
10. Báo cáo hoạt động
1. Định kỳ hàng năm,
trước ngày làm việc cuối cùng của tháng 01 năm kế tiếp, Văn phòng đại diện phải
gửi báo cáo bằng văn bản về hoạt động trong năm của mình tới cơ quan cấp giấy
phép.
2. Văn phòng đại diện
phải thực hiện chế độ báo cáo tài chính, chế độ báo cáo thống kê theo các quy định
của pháp luật Việt Nam.
3. Trong trường hợp cần
thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam, Văn phòng đại diện có nghĩa vụ báo
cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động
của mình theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 3 Nghị định
này.
Điều
11. Quyền, nghĩa vụ của Văn phòng đại diện và người đứng đầu Văn phòng đại diện
Văn phòng đại diện,
người đứng đầu Văn phòng đại diện thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo các quy
định sau:
1. Hoạt động theo
đúng nội dung, phạm vi hoạt động đã quy định trong Giấy phép thành lập Văn
phòng đại diện.
2. Được thuê trụ sở
và tuyển dụng người làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định hiện hành của
pháp luật Việt Nam.
3. Đăng ký và sử dụng
con dấu của Văn phòng đại diện theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
4. Văn phòng đại diện
không được thực hiện chức năng làm đại diện cho tổ chức xúc tiến thương mại
khác, không được cho thuê lại trụ sở Văn phòng đại diện.
5. Người đứng đầu Văn
phòng đại diện không được kiêm nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện của
thương nhân, tổ chức nước ngoài khác tại Việt Nam.
6. Người nước ngoài
làm việc tại Văn phòng đại diện phải có giấy phép lao động theo quy định của
pháp luật Việt Nam.
Điều
12. Chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện
1. Văn phòng đại diện
chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
a) Theo đề nghị của tổ
chức xúc tiến thương mại nước ngoài và được cơ quan cấp giấy phép chấp thuận;
b) Khi tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của nước nơi tổ chức
xúc tiến thương mại đó thành lập;
c) Hết thời hạn hoạt
động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà tổ chức xúc tiến thương mại
nước ngoài không đề nghị gia hạn;
d) Hết thời gian hoạt
động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà không được cơ quan cấp giấy
phép chấp thuận gia hạn;
đ) Bị thu hồi Giấy
phép thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định
này.
2. Trong thời hạn ít
nhất 30 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện theo
quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều này, tổ chức xúc tiến thương mại
nước ngoài phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động đến cơ quan cấp giấy
phép, các chủ nợ, người lao động trong Văn phòng đại diện, người có quyền,
nghĩa vụ và lợi ích liên quan khác. Thông báo này phải nêu rõ thời điểm dự kiến
chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, phải niêm yết công khai tại trụ sở của
Văn phòng đại diện và đăng báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt
Nam trong 03 số liên tiếp.
3. Trong thời hạn 15
ngày kể từ ngày quyết định không gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
hoặc ngày quyết định thu hồi Giấy phép theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1
Điều này, cơ quan cấp giấy phép phải công bố trên báo viết hoặc báo điện tử được
phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp về việc chấm dứt hoạt động của
Văn phòng đại diện và nêu rõ thời điểm chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.
4. Trong thời hạn 15
ngày kể từ ngày tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài và Văn phòng đại diện
hoàn thành các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 13 Nghị định
này, cơ quan cấp giấy phép phải xóa tên Văn phòng đại diện trong Sổ đăng ký.
5. Trong thời hạn 15
ngày kể từ ngày xóa tên Văn phòng đại diện, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm
thông báo về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện cho Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh, Sở Công Thương, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an cấp tỉnh
nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở.
Điều
13. Nghĩa vụ của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài đối với Văn phòng đại
diện
1. Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ
hoạt động của Văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam. Trong trường hợp thực
hiện các hoạt động ngoài phạm vi được ủy quyền của Văn phòng đại diện, người đứng
đầu văn phòng đại diện phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình và của
Văn phòng đại diện theo pháp luật Việt Nam.
2. Ít nhất là 15 ngày
trước khi Văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a, điểm
b, điểm c khoản 1 Điều 12 Nghị định này, tổ chức xúc tiến thương mại nước
ngoài, Văn phòng đại diện có nghĩa vụ thanh toán xong các khoản nợ và các nghĩa
vụ khác với nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
3. Trong thời hạn 60
ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện theo quy định tại điểm
d, điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị định này, tổ chức xúc tiến thương mại nước
ngoài có nghĩa vụ thanh toán xong các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với nhà nước,
tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
CẤP, CẤP LẠI, SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG, GIA HẠN GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
Điều
14. Trình tự và thời hạn cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
1. Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng
đại diện đến Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) để đề nghị cấp phép thành
lập Văn phòng đại diện của tổ chức.
2. Trong thời hạn 20
ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép xem xét và cấp cho
tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
và gửi bản sao Giấy phép tới Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Sở Công Thương, cơ quan
thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an cấp tỉnh nơi Văn phòng đại diện đặt trụ
sở. Trường hợp không cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, cơ quan cấp giấy
phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
3. Trường hợp hồ sơ
chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan cấp
Giấy phép phải thông báo bằng văn bản để tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài
bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
4. Các thời hạn nêu tại
khoản 2, khoản 3 Điều này không bao gồm thời gian tổ chức xúc tiến thương mại
nước ngoài sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại
diện.
5. Giấy phép thành lập
Văn phòng đại diện có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của
Giấy phép thành lập hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài trong trường hợp pháp luật của nước mà tổ chức đó thành lập
có quy định thời hạn Giấy phép thành lập.
Điều
15. Hồ sơ cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
1. Hồ sơ đề nghị cấp
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu quy định do đại diện có thẩm
quyền của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài ký;
b) Văn bản của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thành lập Văn phòng đại diện
tại Việt Nam;
c) Bản sao Giấy phép
thành lập hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức xúc tiến thương mại
nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi tổ chức xúc tiến thương mại nước
ngoài thành lập xác nhận;
d) Bản sao Điều lệ hoặc
quy chế hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài;
đ) Điều lệ hoặc quy
chế hoạt động dự kiến của Văn phòng đại diện tại Việt Nam;
e) Báo cáo tình hình
hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài trong 01 (một) năm gần nhất
và dự kiến các hoạt động tại Việt Nam;
g) Lý lịch của người
dự kiến làm người đứng đầu Văn phòng đại diện và văn bản bổ nhiệm làm người đứng
đầu Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
2. Các loại tài liệu
nêu tại điểm b, c, d, đ, e, g khoản 1 Điều này phải được dịch ra tiếng Việt và
được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Điều
16. Các trường hợp không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
Cơ quan cấp Giấy phép
thành lập Văn phòng đại diện không cấp Giấy phép cho tổ chức xúc tiến thương mại
nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
1. Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định
này.
2. Tổ chức xúc tiến
thương mại có tiến hành kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
3. Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong
thời gian 02 năm, kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này.
4. Có bằng chứng cho
thấy việc thành lập Văn phòng đại diện gây phương hại đến quốc phòng, an ninh,
trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ
tục của Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, gây ô nhiễm
môi trường;
5. Hồ sơ không hợp lệ
và không bổ sung đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan cấp giấy phép;
6. Các trường hợp
khác theo quy định của pháp luật.
Điều
17. Sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
1. Trong những trường
hợp sau đây, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị
sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đến cơ quan có thẩm quyền
để làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong thời
hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có sự thay đổi:
a) Thay đổi người đứng
đầu của Văn phòng đại diện;
b) Thay đổi địa điểm
đặt trụ sở chính của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài;
c) Thay đổi địa điểm
đặt trụ sở của Văn phòng đại diện trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
d) Thay đổi tên gọi
hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện đã được cấp phép.
2. Hồ sơ đề nghị sửa
đổi, bổ sung Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, bao gồm:
a) Đơn đề nghị sửa đổi,
bổ sung Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu do đại diện có thẩm quyền
của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài ký;
b) Bản sao (không cần
công chứng) Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đã được cấp.
3. Trong thời hạn 10
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của tổ chức xúc tiến thương mại
nước ngoài, cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung Giấy phép và
gửi bản sao Giấy phép đã được sửa đổi, bổ sung cho các cơ quan quy định tại khoản
2 Điều 14 Nghị định này.
Điều
18. Cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
1. Trong những trường
hợp sau đây, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị
cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đến cơ quan cấp giấy phép để làm
thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong thời hạn 15 ngày kể
từ ngày có sự thay đổi:
a) Thay đổi địa điểm
đặt trụ sở của Văn phòng đại diện từ một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
đến một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác;
b) Thay đổi tên gọi
hoặc thay đổi nơi đăng ký thành lập của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài
từ một nước sang một nước khác;
c) Thay đổi hoạt động
của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.
2. Trong trường hợp
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bị mất, bị rách hoặc bị tiêu hủy, tổ chức
xúc tiến thương mại nước ngoài phải làm thủ tục đề nghị cấp lại Giấy phép thành
lập Văn phòng đại diện với cơ quan cấp giấy phép ngay sau khi phát sinh sự kiện.
Điều
19. Hồ sơ cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
1. Hồ sơ đề nghị cấp
lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong trường hợp quy định tại điểm a
khoản 1 Điều 18 Nghị định này bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu do đại diện có thẩm quyền của tổ
chức xúc tiến thương mại nước ngoài ký;
b) Bản sao (không cần
công chứng) Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đã được cấp.
2. Hồ sơ đề nghị cấp
lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong trường hợp quy định tại điểm
b, điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định này bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu do đại diện có thẩm quyền của tổ
chức xúc tiến thương mại nước ngoài ký;
b) Bản sao Giấy đăng
ký thành lập hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức xúc tiến thương mại
nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi tổ chức xúc tiến thương mại nước
ngoài thành lập hoặc đăng ký kinh doanh xác nhận. Các giấy tờ quy định tại điểm
này phải dịch ra tiếng Việt và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp
luật Việt Nam;
c) Bản sao (không cần
công chứng) Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đã được cấp.
3. Hồ sơ đề nghị cấp
lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong trường hợp quy định tại khoản
2 Điều 18 Nghị định này bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu do đại diện có thẩm quyền của tổ
chức xúc tiến thương mại nước ngoài ký;
b) Bản sao (không cần
công chứng) Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đã được cấp.
Điều
20. Gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện
1. Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài được gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi
có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có nhu cầu tiếp tục
hoạt động tại Việt Nam theo hình thức Văn phòng đại diện;
b) Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài vẫn đang hoạt động theo pháp luật của nước nơi tổ chức
xúc tiến thương mại đó thành lập;
c) Không có hành vi
vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động của Văn phòng đại diện.
2. Hồ sơ đề nghị gia
hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu do đại diện có thẩm quyền của tổ
chức xúc tiến thương mại nước ngoài ký;
b) Báo cáo tài chính
có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh sự tồn tại và
hoạt động thực sự của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài trong năm tài
chính gần nhất. Các giấy tờ quy định tại điểm này phải dịch ra tiếng Việt Nam
và được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài
chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật
Việt Nam;
c) Báo cáo hoạt động
của Văn phòng đại diện tính đến thời điểm đề nghị gia hạn Giấy phép thành lập
Văn phòng đại diện;
d) Bản gốc Giấy phép
thành lập Văn phòng đại diện đã được cấp.
3. Trong thời hạn ít
nhất 30 ngày trước khi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện hết hạn, tổ chức
xúc tiến thương mại nước ngoài phải làm thủ tục gia hạn.
4. Thời hạn cơ quan cấp
giấy phép làm thủ tục gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện thực hiện
như thời hạn cấp mới Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại
Điều 14 Nghị định này.
5. Ngay sau khi hết
thời hạn quy định tại khoản 4 Điều này mà cơ quan cấp giấy phép không gia hạn
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện thì phải thông báo bằng văn bản cho tổ
chức xúc tiến thương mại về lý do không gia hạn Giấy phép.
6. Cơ quan cấp Giấy
phép thành lập Văn phòng đại diện có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan quy
định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này về việc gia hạn hoặc không gia hạn Giấy
phép.
7. Thời hạn gia hạn
thực hiện như thời hạn Giấy phép của Văn phòng đại diện theo quy định tại khoản
5 Điều 14 của Nghị định này.
Điều
21. Lệ phí cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn Giấy phép thành lập Văn
phòng đại diện
1. Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài phải nộp lệ phí cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
2.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định cụ thể mức và việc
quản lý lệ phí cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn Giấy phép thành lập Văn
phòng đại diện.
Chương 4.
THANH TRA, KIỂM
TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều
22. Thanh tra, kiểm tra
1. Trong quá trình hoạt
động, Văn phòng đại diện phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm
quyền quy định tại Điều 3 của Nghị định này và các cơ quan có thẩm quyền khác
theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của
Văn phòng đại diện phải bảo đảm thực hiện đúng chức năng, đúng thẩm quyền và
tuân thủ quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.
2. Người ra quyết định
thanh tra, kiểm tra không đúng pháp luật hoặc lợi dụng thanh tra, kiểm tra để
sách nhiễu, gây phiền hà cho hoạt động của Văn phòng đại diện, tùy theo mức độ
vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại
thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều
23. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài, Văn phòng đại diện có hành vi vi phạm các quy định của
Nghị định này hoặc có hành vi vi phạm cụ thể sau đây thì tùy theo tính chất, mức
độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:
a) Kê khai không
trung thực, không chính xác, không kịp thời nội dung, thay đổi trong hồ sơ đề
nghị cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại
diện;
b) Thực hiện các hoạt
động nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam;
c) Không hoạt động
trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này sau khi được cấp Giấy
phép thành lập Văn phòng đại diện;
d) Không thông báo
cho cơ quan cấp Giấy phép; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố, Sở Công Thương
theo như quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này;
đ) Thực hiện không
đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mở, sử dụng và đóng tài khoản
của Văn phòng đại diện;
e) Không có địa điểm
đặt trụ sở Văn phòng đại diện hoặc cho thuê lại trụ sở Văn phòng đại diện hoặc
làm đại diện cho tổ chức xúc tiến thương mại khác;
g) Không thực hiện
báo cáo định kỳ về hoạt động của Văn phòng đại diện với cơ quan cấp Giấy phép
theo quy định;
h) Không thực hiện
báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động
của Văn phòng đại diện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại
Điều 3 Nghị định này;
i) Không làm thủ tục
sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy phép theo quy định của Nghị định này;
k) Tẩy xóa, sửa chữa
các nội dung trong Giấy phép được cấp;
l) Hoạt động không
đúng nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện ghi trong Giấy phép;
m) Không thực hiện hoặc
thực hiện không đúng thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy định của Nghị định
này;
n) Vi phạm các nghĩa
vụ của Văn phòng đại diện và người đứng đầu Văn phòng đại diện theo quy định của
Nghị định này;
o) Tiếp tục hoạt động
sau khi tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài đã chấm dứt hoạt động;
p) Tiếp tục hoạt động
sau khi cơ quan cấp giấy phép thu hồi giấy phép thành lập Văn phòng đại diện;
q) Không đăng báo
theo như quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này.
2. Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, trong một số trường hợp cơ quan
cấp giấy phép xem xét tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của Văn phòng đại diện
để ra quyết định thu hồi giấy phép thành lập Văn phòng đại diện. Việc thu hồi
giấy phép thành lập Văn phòng đại diện được thực hiện theo như quy định tại các
khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 12 Nghị định này. Các trường hợp Văn phòng đại
diện bị xem xét thu hồi Giấy phép thành lập bao gồm:
a) Không chính thức
đi vào hoạt động trong thời gian 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành
lập;
b) Ngừng hoạt động 06
tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan cấp Giấy phép thành lập;
c) Không báo cáo định
kỳ về hoạt động của Văn phòng đại diện hàng năm;
d) Không gửi báo cáo
theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 3 Nghị định này
trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền có yêu cầu bằng văn bản;
đ) Hoạt động không
đúng chức năng của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam và
các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên;
e) Người lao động làm
việc tại Văn phòng đại diện vi phạm pháp luật về lao động của Việt Nam.
3. Người đứng đầu Văn
phòng đại diện vi phạm các quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức
độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy
định của pháp luật.
4. Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài tổ chức hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức Văn phòng đại
diện mà không có Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện thì bị chấm dứt hoạt động
tại Việt Nam và bị xử lý vi phạm theo pháp luật Việt Nam.
Điều
24. Khiếu nại, tố cáo
Tổ chức xúc tiến
thương mại nước ngoài có quyền khiếu nại, tố cáo đối với việc cấp hoặc từ chối
cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, các quyết định và hành vi trái pháp
luật, gây khó khăn, phiền hà của công chức, cơ quan nhà nước. Việc khiếu nại, tố
cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp
luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều
25. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2011.
2. Văn phòng đại diện đã được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu
lực được tiếp tục hoạt động và phải làm thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập Văn
phòng đại diện, theo quy định của Nghị định này trong thời hạn 06 tháng, kể từ
ngày Nghị định này có hiệu lực.
Điều
26. Tổ chức thực hiện
1.
Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành Nghị định này và quy định
chi tiết về việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép thành lập
văn phòng đại diện quy định tại Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|