BỘ
TÀI CHÍNH
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
230/2009/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2009
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN ƯU ĐÃI VỀ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 04/2009/NĐ-CP NGÀY 14/01/2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ƯU
ĐÃI, HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ
trợ hoạt động bảo vệ môi trường;
Sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục môi trường) tại
công văn số 1803/TCMT-KHTC ngày 21/10/2009,
Bộ Tài chính hướng dẫn các ưu đãi về thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường
như sau:
Điều 1. Ưu
đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã thực
hiện dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại mục
II Phần A và mục II Phần B của Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số
04/2009/NĐ-CP đáp ứng các tiêu chí cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực
môi trường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
a) Áp dụng thuế suất 10% trong
suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập của doanh nghiệp, hợp tác xã có
được từ dự án đầu tư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
b) Doanh nghiệp, hợp tác xã
thành lập mới từ dự án đầu tư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thực
hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn
theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày
11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu
thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
c) Doanh nghiệp, hợp tác xã
thành lập mới từ dự án đầu tư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thực
hiện tại địa bàn không thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó
khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định
số 124/2008/NĐ-CP của Chính phủ được miễn thuế 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu
thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo.
2. Các ưu đãi về thuế thu nhập
doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này chỉ áp dụng đối với phần thu nhập từ
hoạt động bảo vệ môi trường; trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động
trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác thì
phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động bảo vệ môi trường để kê khai xác định
đúng số thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi.
Trường hợp trong kỳ tính thuế
doanh nghiệp, hợp tác xã không hạch toán riêng được thu nhập từ hoạt động bảo vệ
môi trường và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác thì phần thu nhập
từ hoạt động bảo vệ môi trường xác định bằng (=) tổng thu nhập chịu thuế của hoạt
động sản xuất kinh doanh (không bao gồm thu nhập khác) nhân (x) với tỷ lệ phần
trăm (%) của doanh thu hoạt động bảo vệ môi trường so với tổng doanh thu của
doanh nghiệp, hợp tác xã trong kỳ tính thuế.
3. Thu nhập từ hoạt động bảo vệ
môi trường được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Điều này là khoản thu nhập
được tạo ra từ dự án bảo vệ môi trường đáp ứng các tiêu chí cơ sở thực hiện xã
hội hóa trong lĩnh vực môi trường, kể cả thu nhập từ bán các sản phẩm tận dụng
được trong quá trình thực hiện dự án đó và thu nhập từ các đề tài nghiên cứu
khoa học xử lý chất thải, nước thải.
4. Tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn
cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường thực hiện theo Danh mục
các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa do
Thủ tướng Chính phủ quy định.
Điều 2. Về
thuế giá trị gia tăng
Máy móc, thiết bị, vật tư thuộc
loại trong nước chưa sản xuất được mà tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư hoạt động
bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số
04/2009/NĐ-CP cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia
tăng.
Danh mục máy móc, thiết bị, vật
tư thuộc loại trong nước đã sản xuất được để làm cơ sở phân biệt với loại trong
nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ để làm căn cứ xác định hàng hóa không chịu thuế
nêu tại Điều này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Để xác định hàng hóa thuộc đối
tượng không chịu thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu quy định tại Điều này,
người nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan hải quan các hồ sơ theo hướng dẫn của
Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 3. Về
chi phí thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn
1. Chi phí quảng bá sản phẩm từ
hoạt động bảo vệ môi trường, chi phí xây dựng các bộ phim, phóng sự khoa học về
bảo vệ môi trường và chi phí thực hiện việc cung cấp miễn phí các dụng cụ cho
người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 21 Nghị định số 04/2009/NĐ-CP
của doanh nghiệp, hợp tác xã có dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường được
tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
theo mức chi thực tế nếu đáp ứng điều kiện về hóa đơn, chứng từ theo quy định của
pháp luật.
2. Chi phí quảng bá sản phẩm từ
hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm các chi phí
sau:
a) Chi phí tổ chức các cuộc hội
thảo khoa học thảo luận về cách thức sản xuất, tính năng, công dụng của các sản
phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường;
b) Chi phí nghiên cứu thị trường;
thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin về sản
phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường;
c) Chi phí phát triển và hỗ trợ
nghiên cứu thị trường;
d) Chi phí thuê tư vấn thực hiện
công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường;
đ) Chi phí trưng bày, giới thiệu
sản phẩm và tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại: chi phí mở phòng hoặc gian
hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí thuê không gian để trưng bày, giới
thiệu sản phẩm; chi phí vật liệu, công cụ hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm;
chi phí vận chuyển sản phẩm trưng bày, giới thiệu.
e) Chi phí quảng bá các sản phẩm
từ hoạt động bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động tài trợ cho giáo dục, y
tế, khắc phục hậu quả thiên tai và làm nhà tình nghĩa cho người nghèo theo quy
định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.
3. Bộ phim, phóng sự khoa học về
bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Phim phổ cập và nâng cao ý thức
bảo vệ môi trường và tiêu dùng bền vững cho cộng đồng đối với những sản phẩm
thân thiện với môi trường được cấp nhãn sinh thái của tổ chức được Nhà nước
công nhận.
b) Phim, phóng sự khoa học phổ
biến kiến thức về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn: giảm thiểu – tái sử dụng
– tái chế (3R).
4. Các dụng cụ được cấp miễn phí
cho người dân quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: thùng đựng rác hoặc túi đựng
rác kích cỡ khác nhau, theo màu để phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác
xã có dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường cung cấp miễn phí dụng cụ cho
người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn quy định tại khoản
này có phát kèm theo tờ rơi hướng dẫn về phân loại chất thải rắn hữu cơ và chất
thải rắn vô cơ cùng với các dụng cụ nêu trên thì chi phí làm tờ rơi được tính
vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp
miễn phí dụng cụ cho người dân quy định tại Điều này ngoài việc đáp ứng điều kiện
hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, phải lập bảng kê chi tiết, trong
đó phải ghi rõ họ tên người được cấp, địa chỉ cụ thể; số lượng, giá trị của từng
loại dụng cụ; chữ ký của người được cấp; chữ ký của người đại diện theo Pháp luật
hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp.
Bảng kê cung cấp dụng cụ miễn
phí do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp
ký và chịu trách nhiệm trước Pháp luật về tính chính xác, trung thực của việc lập
bảng kê.
Điều 4. Tổ
chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để
nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
Nơi nhận:
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;
- Sở Tài chính, Cục thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố
trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, CST (TN).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|