BỘ
TƯ PHÁP - BỘ NGOẠI GIAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2011
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TƯƠNG TRỢ
TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ CỦA LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Tương
trợ tư pháp số 08/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Để áp dụng đúng và
thống nhất Luật Tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân
tối cao thống nhất hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong
lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp như sau:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch
này hướng dẫn áp dụng một số quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ
tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự; xử lý kết quả tương trợ tư pháp về
dân sự và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp
về dân sự của Luật Tương trợ tư pháp.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch
này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam: cơ quan, tổ chức, cá
nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự với Việt
Nam.
Điều
3. Áp dụng pháp luật nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự
1. Việc áp dụng pháp
luật nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tương trợ
tư pháp được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có điều ước quốc tế
về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài quy định về vấn đề này;
b) Việc áp dụng pháp
luật nước ngoài không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, phù hợp
với pháp luật và tập quán quốc tế;
c) Có văn bản của cơ
quan có thẩm quyền của nước ngoài đề nghị áp dụng pháp luật của nước đó.
2. Bộ Tư pháp chủ
trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định
việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Trong trường hợp không đủ điều kiện để áp dụng
pháp luật nước ngoài, Bộ Tư pháp trả lời bằng văn bản cho nước đã yêu cầu biết.
Điều
4. Áp dụng nguyên tắc có đi có lại
1. Áp dụng nguyên tắc
có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam:
a) Trường hợp Tòa án
hoặc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước
ngoài tương trợ tư pháp về dân sự mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có điều ước
quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền
lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại đối với các nội dung liên quan thì
Tòa án cần có công văn gửi Bộ Tư pháp đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại
kèm theo hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự.
b) Trong thời hạn mười
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp gửi công văn kèm hồ sơ ủy
thác tư pháp về dân sự đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc đề nghị
cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
c) Trong thời hạn mười
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Bộ Ngoại giao xem xét và đưa ra một
trong các quyết định quy định tại các điểm d hoặc đ khoản 1 Điều này. Đối với
trường hợp cần thiết phải lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao
về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì thời hạn này không quá hai mươi
ngày.
d) Trường hợp quyết định
đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại
thì Bộ Ngoại giao gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự cho cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao đề nghị cơ quan có thẩm
quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Trong Công hàm cần đề nghị
cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có văn bản trả lời chính thức về việc áp dụng
nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam.
đ) Trường hợp quyết định
không đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài áp dụng nguyên tắc có đi có
lại thì Bộ Ngoại giao gửi trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp và nêu rõ lý do.
e) Trong thời hạn năm
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài gửi hồ sơ đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại cho cơ quan có thẩm quyền
của nước ngoài.
g) Trong thời hạn năm
ngày làm việc kể từ ngày nhận được trả lời chính thức của cơ quan có thẩm quyền
của nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản thông báo về
Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản
thông báo của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao có trách
nhiệm thông báo về việc này cho Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao biết và
phối hợp.
h) Trường hợp cơ quan
có thẩm quyền của nước ngoài được yêu cầu tương trợ tư pháp đồng ý áp dụng
nguyên tắc có đi có lại với những điều kiện kèm theo, thì Bộ Ngoại giao xem
xét, quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến với Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối
cao. Thủ tục thống nhất ý kiến được thực hiện tương tự như quy trình xem xét,
quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo yêu cầu của cơ quan có thẩm
quyền của nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Áp dụng nguyên tắc
có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài:
a) Trường hợp Bộ Ngoại
giao nhận được đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về tương trợ tư
pháp trong lĩnh vực dân sự mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế
về tương trợ tư pháp về dân sự hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về
việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại đối với các nội dung liên quan. Bộ Ngoại
giao gửi công văn, kèm theo hồ sơ liên quan (nếu có), đề nghị Bộ Tư pháp và Tòa
án nhân dân tối cao phối hợp xem xét việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
b) Trong thời hạn mười
ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và
Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến bằng văn bản về việc áp dụng nguyên tắc có đi
có lại trên cơ sở các căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch này hoặc
hai mươi ngày đối với trường hợp đặc biệt.
c) Trong thời hạn năm
ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối
cao, Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại và
trả lời bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có yêu cầu và gửi
một bản sao văn bản đó cho Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao để phối hợp.
Trường hợp Bộ Ngoại giao quyết định đồng ý áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì
trên cơ sở hồ sơ đã gửi (nếu có), Bộ Tư pháp làm thủ tục tiếp nhận, kiểm tra
tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền để thực hiện ủy
thác tư pháp theo quy định tại Điều 15 Luật Tương trợ tư pháp và điểm a khoản 3
Điều 20 Thông tư liên tịch này.
Điều
5. Căn cứ xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại
Việc xem xét, quyết định
áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp với nước ngoài dựa trên
các căn cứ sau:
a) Sự cần thiết, nhu
cầu của Việt Nam đối với việc tương trợ tư pháp trong từng trường hợp cụ thể hoặc
trong quan hệ chung với nước có liên quan;
b) Không trái với
pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và
phù hợp với pháp luật, tập quán quốc tế;
c) Sự phù hợp về yêu
cầu đối ngoại, tác động chính trị, kinh tế, xã hội và những tác động khác, nếu
có;
d) Sự ảnh hưởng đến
quyền và lợi ích của Nhà nước, cá nhân, pháp nhân Việt Nam có liên quan.
Điều
6. Ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp về dân sự
1. Ngôn ngữ sử dụng để
lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự hoặc yêu cầu Việt Nam
thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp.
2. Trường hợp cơ quan
có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có
yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự mà Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc
tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thì ngôn ngữ thực hiện tương trợ
tư pháp là tiếng Việt. Hồ sơ ủy thác tư pháp và bản dịch sang tiếng Việt phải
được chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam trừ
trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo điều ước quốc tế hoặc theo
nguyên tắc có đi có lại.
3. Trường hợp Tòa án
lập hồ sơ không xác định được ngôn ngữ tương trợ tư pháp mà nước được yêu cầu
tương trợ tư pháp chấp nhuận, thì Tòa án gửi văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao xác
định. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Bộ Ngoại
giao có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
4. Trường hợp Tòa án
lập hồ sơ ủy thác tư pháp yêu cầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực
hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thì ngôn ngữ tương trợ
tư pháp là tiếng Việt. Trong trường hợp này, hồ sơ ủy thác tư pháp không phải hợp
pháp hóa lãnh sự.
Điều
7. Cung cấp thông tin liên quan đến các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp
trong lĩnh vực dân sự
Tòa án có thể gửi yêu
cầu bằng văn bản tới Bộ Tư pháp để được cung cấp thông tin liên quan đến các điều
ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Bộ Tư pháp có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu
cầu.
Điều
8. Chi phí tương trợ tư pháp về dân sự
Các cá nhân, tổ chức
trong và ngoài nước có yêu cầu tương trợ tư pháp phải nộp phí và chi phí tương
trợ tư pháp. Mức phí và chi phí, đối tượng nộp, cơ quan có thẩm quyền thu; việc
quản lý và sử dụng các khoản phí và chi phí được thực hiện theo quy định của
pháp luật có liên quan.
Chương 2.
YÊU CẦU NƯỚC
NGOÀI TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ
Điều
9. Thẩm quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự
1. Tòa án nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương: các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có
thẩm quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.
2. Trong quá trình giải
quyết các vụ việc dân sự, nếu phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự thì
Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập hồ sơ ủy thác tư
pháp theo quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10
Thông tư liên tịch này, gửi tới Tòa án nhân dân cấp tỉnh để thực hiện theo thủ
tục chung.
Điều
10. Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
1. Hồ sơ ủy thác tư
pháp về dân sự phải có các văn bản quy định tại Điều 11 Luật
Tương trợ tư pháp, cụ thể như sau:
a) Văn bản yêu cầu thực
hiện ủy thác tư pháp về dân sự theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch
này;
b) Văn bản ủy thác tư
pháp về dân sự quy định tại Điều 12 Luật Tương trợ tư pháp theo
Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
c) Giấy tờ khác theo
yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu ủy thác;
d) Các giấy tờ, tài
liệu khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp (Ví dụ: Thông báo về việc
thụ lý vụ án; Quyết định ủy thác thu thập chứng cứ; Bản án, Quyết định của Tòa
án …),
2. Hồ sơ ủy thác tư
pháp về dân sự được Tòa án lập theo cách thức sau đây:
a) Hồ sơ ủy thác tư
pháp phải do Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm ký trừ các giấy
tờ, tài liệu quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, được lập thành ba bộ và gửi
tới Bộ Tư pháp.
b) Văn bản yêu cầu thực
hiện ủy thác tư pháp về dân sự do Tòa án lập phải là bản chính và các văn bản,
giấy tờ, tài liệu khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp là bản chính
hoặc bản sao. Bản sao và bản dịch của các văn bản, giấy tờ, tài liệu này phải
được chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng
thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
c) Trường hợp vụ việc
cần ủy thác tư pháp cho nhiều đương sự có nội dung ủy thác khác nhau hoặc có địa
chỉ khác nhau hoặc khác quốc tịch thì Tòa án phải lập riêng hồ sơ ủy thác tư
pháp cho từng đương sự.
d) Trường hợp yêu cầu
tương trợ tư pháp đối với đương sự là người vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc
tịch nước ngoài thì Tòa án lập hồ sơ ủy thác như trường hợp thực hiện ủy thác
tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài khi Tòa án xác định quốc tịch hữu hiệu
của đương sự là quốc tịch Việt Nam và nếu không trái với pháp luật nước ngoài
hoặc nước ngoài không phản đối.
Điều
11. Điều kiện hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
Hồ sơ ủy thác tư pháp
được coi là hợp lệ khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Hồ sơ ủy thác tư
pháp đã được lập theo đúng quy định tại Điều 11 và Điều 12 Luật
Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư liên tịch này.
2. Hồ sơ ủy thác tư
pháp đã được lập theo ngôn ngữ quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ
tư pháp và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.
3. Hồ sơ ủy thác tư
pháp đã được lập đủ số lượng theo quy định tại khoản 2 Điều 11
Luật Tương trợ tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư liên tịch này.
4. Cá nhân, tổ chức
đã nộp chi phí thực hiện tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật trừ trường
hợp được miễn hoặc không phải nộp chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.
Điều
12. Trình tự, thủ tục nhận và gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự tại Bộ Tư
pháp
Trong thời hạn mười
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp do Tòa án gửi đến, Bộ
Tư pháp có trách nhiệm vào Sổ hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự (phần ủy thác tư
pháp đi), kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định của Luật Tương trợ tư
pháp, Điều 11 Thông tư liên tịch này và đưa ra một trong các quyết định sau
đây:
1. Trường hợp hồ sơ ủy
thác tư pháp đầy đủ và hợp lệ:
a) Chuyển hồ sơ cho
cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cho Bộ Ngoại giao theo quy định của
điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên;
b) Chuyển hồ sơ cho Bộ
Ngoại giao để xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo thủ tục
quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch này nếu giữa Việt Nam và nước
ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự hoặc chưa có thỏa
thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
2. Trường hợp hồ sơ ủy
thác tư pháp không đầy đủ và hợp lệ:
Bộ Tư pháp trả lại hồ
sơ ủy thác tư pháp cho Tòa án đã lập hồ sơ và nêu rõ lý do.
Điều
13. Trình tự, thủ tục và thời hạn tiếp nhận, gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự
tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
1. Đối với trường hợp
Bộ Ngoại giao thực hiện ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc
theo quy định của điều ước quốc tế liên quan thì thời hạn chuyển hồ sơ cho cơ
quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ
sơ ủy thác tư pháp hợp lệ do Bộ Tư pháp chuyển đến.
Trong thời hạn năm
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp, cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài có trách nhiệm triển khai việc thực hiện ủy thác tư pháp cho
công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của
nước ngoài.
2. Đối với trường hợp
thực hiện ủy thác tư pháp theo nguyên tắc có đi có lại thì thời hạn và quy
trình thực hiện tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
theo quy định tại điểm c và điểm e khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch này.
Điều
14. Xử lý kết quả ủy thác tư pháp tại Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước ngoài
1. Trong thời hạn năm
ngày làm việc kể từ ngày thực hiện xong việc ủy thác tư pháp hoặc kể từ ngày nhận
được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm
quyền của nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản thông
báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, biên bản tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp
cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo về Bộ Ngoại giao.
2. Trong thời hạn tối
đa là ba tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác của cơ quan có thẩm quyền
trong nước mà cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không thể thực hiện ủy
thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của
nước ngoài không có thông báo về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc không
trả lời đề nghị của Việt Nam về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo quy định
tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch này thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài có trách nhiệm thông báo về Bộ Ngoại giao.
3. Trong thời hạn năm
ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác
tư pháp do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi về, Bộ Ngoại giao chuyển
văn bản đó cho Bộ Tư pháp để chuyển cho Tòa án theo quy định tại khoản
3 Điều 14 Luật Tương trợ tư pháp.
Điều
15. Xử lý kết quả ủy thác tư pháp tại Tòa án
1. Xử lý kết quả tống
đạt văn bản ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài:
a) Trường hợp Tòa án
nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định tại
khoản 2 Điều 17 Thông tư liên tịch này thì Tòa án tiếp tục tiến hành ủy thác tư
pháp nếu xác minh được đúng tên, địa chỉ, thông tin cá nhân chính xác của đương
sự ở nước ngoài.
Trường hợp Tòa án đã
tiến hành mọi biện pháp nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của đương sự nước
ngoài, thì Tòa án giải thích để đương sự yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người
vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định tại Chương XX và Chương XXII của Bộ luật
Tố tụng dân sự. Sau khi có kết quả thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư
trú, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo thủ tục chung. Trong thời hạn một
tháng, kể từ ngày Tòa án yêu cầu mà đương sự không yêu cầu Tòa án tìm kiếm người
vắng mặt tại nơi cư trú thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định tại
Điều 168 và Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự.
b) Trường hợp Tòa án
nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định tại
khoản 1, 3 và 4 Điều 17 Thông tư liên tịch này thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ
việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Xử lý kết quả ủy
thác tư pháp cho người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài:
a) Trường hợp Tòa án
nhận được kết quả thực hiện ủy thác của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
thông báo việc tên, địa chỉ, thông tin cá nhân của người cần tống đạt không
đúng hoặc người cần tống đạt đã chuyển đến địa chỉ mới nhưng không rõ địa chỉ mới
hoặc người cần tống đạt vắng mặt tại địa chỉ mà không rõ thời điểm trở về, thì
Tòa án tiếp tục tiến hành ủy thác tư pháp lần thứ hai nếu xác minh được đúng địa
chỉ, tên và thông tin cá nhân chính xác của đương sự ở nước ngoài.
Trường hợp việc thực
hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài vẫn không có kết
quả mặc dù Tòa án đã tiến hành mọi biện pháp để xác minh địa chỉ, tên và thông
tin cá nhân của đương sự ở nước ngoài nhưng vẫn không xác định được thông tin
chính xác thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng
dân sự.
b) Trường hợp Tòa án
nhận được kết quả thực hiện ủy thác của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
thông báo về việc người được tống đạt đã nhận được văn bản ủy thác tư pháp hoặc
người được tống đạt từ chối nhận, thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp thì Tòa án
tiến hành giải quyết vụ việc theo thủ tục chung.
c) Trường hợp vụ việc
dân sự không thể thực hiện được việc ủy thác tư pháp do Việt Nam và nước ngoài
chưa có điều ước quốc tế hoặc không áp dụng được nguyên tắc có đi có lại, thì
Tòa án đã thụ lý vụ việc tiến hành thủ tục niêm yết công khai hồ sơ ủy thác tư
pháp tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối
cùng của đương sự được ủy thác tư pháp (nếu có) trong thời hạn sáu tháng và
đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên
Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương (kênh sóng dành cho người nước
ngoài) ba lần trong ba ngày liên tiếp. Nếu hết thời hạn này mà không có tin tức
của đương sự ở nước ngoài thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thủ
tục chung.
3. Xử lý kết quả ủy
thác tư pháp trong trường hợp tống đạt bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm:
Trường hợp Tòa án ủy
thác tư pháp để tống đạt bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cho đương sự
đang cư trú ở nước ngoài mà trong thời hạn ba tháng kể từ ngày tống đạt bản án,
quyết định cho người cần tống đạt hoặc thời hạn sáu tháng kể từ ngày niêm yết bản
án, quyết định tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc kể từ ngày gửi hồ
sơ ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện ủy thác
tư pháp mà Tòa án không nhận được kháng cáo của đương sự ở nước ngoài, và trong
thời hạn kháng cáo, kháng nghị không có người khác kháng cáo. Viện kiểm sát
không kháng nghị, thì bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có hiệu lực
pháp luật và Tòa án không phải tiếp tục tiến hành ủy thác tư pháp.
4. Xử lý kết quả ủy
thác tư pháp trong trường hợp không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy
thác tư pháp:
Sau sáu tháng kể từ
ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm
quyền của nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực
hiện ủy thác tư pháp thì Tòa án yêu cầu ủy thác tư pháp sẽ căn cứ vào những tài
liệu, chứng cứ đã thu nhập được để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật
mà không phải tiếp tục yêu cầu ủy thác tư pháp.
5. Xử lý kết quả ủy
thác tư pháp trong trường hợp nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư
pháp:
Trường hợp nhận được
thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng
cứ để giải quyết vụ việc nếu xét thấy tài liệu, chứng cứ đã đúng vào đủ theo nội
dung yêu cầu; trường hợp tài liệu, chứng cứ chưa đúng hoặc chưa đủ theo nội
dung đã yêu cầu thì Tòa án tiếp tục ủy thác tư pháp theo thủ tục chung.
Chương 3.
THỰC HIỆN ỦY THÁC
TƯ PHÁP CHO CÔNG DÂN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI THÔNG QUA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở
NƯỚC NGOÀI
Điều
16. Thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài
Yêu cầu tương trợ tư
pháp như tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, lấy lời khai, triệu tập người làm
chứng, người giám định, cung cấp, thu thập chứng cứ và các trường hợp tương trợ
tư pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam cho đương sự ở nước ngoài, được
cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành theo thủ tục quy định tại Điều
17 Thông tư liên tịch này, Bộ luật Tố tụng dân sự, các quy định khác của pháp
luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và không trái với
pháp luật của nước sở tại.
Điều
17. Tống đạt văn bản ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thông
qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
1. Trường hợp người
được tống đạt đã nhận văn bản ủy thác hoặc người được tống đạt vắng mặt tại địa
chỉ nhưng có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự ký nhận thay và cam
kết giao tận tay cho người đó thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập
biên bản về việc đã thực hiện việc tống đạt. Trường hợp người được tống đạt đã
chuyển đến địa chỉ mới khác với địa chỉ đã yêu cầu ủy thác tư pháp thì cơ quan
đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tống đạt đến địa chỉ mới.
2. Trường hợp tên, địa
chỉ hoặc thông tin cá nhân của người được tống đạt không đúng, hoặc đã chuyển đến
địa chỉ mới nhưng không rõ địa chỉ mới, hoặc vắng mặt tại địa chỉ mà không rõ
thời điểm trở về thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập biên bản về việc
không thực hiện được việc tống đạt và nêu rõ lý do.
3. Trường hợp người
được tống đạt từ chối nhận hồ sơ ủy thác thì người thực hiện việc tống đạt phải
lập biên bản về việc từ chối nhận hồ sơ trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối,
có chữ ký của người tống đạt, chữ ký của người được tống đạt, trong trường hợp
người đó không ký vào biên bản thì cần có chữ ký của người làm chứng về việc
người đó từ chối nhận văn bản.
4. Trường hợp đã áp dụng
mọi biện pháp cần thiết mà vẫn không thể thực hiện được việc tống đạt, cơ quan
đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở của
mình. Sau thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày niêm yết, nếu người được tống đạt
không đến nhận hồ sơ ủy thác thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lập
biên bản về việc đã thực hiện thủ tục niêm yết công khai và kết quả của việc
niêm yết.
Chương 4.
THỰC HIỆN ỦY
THÁC TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ CỦA NƯỚC NGOÀI
Điều
18. Thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Tòa án nhân dân cấp
tỉnh có thẩm quyền thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền
của nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thẩm quyền thực hiện
ủy thác tư pháp của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án có thẩm quyền
thực hiện ủy thác tư pháp là Tòa án nơi người được tống đạt là cá nhân cư trú,
làm việc hoặc nơi cơ quan, tổ chức được tống đạt có trụ sở chính;
b) Tòa án nơi người
được triệu tập làm chứng, người giám định cư trú, làm việc;
c) Tòa án nơi thực hiện
việc thu thập, cung cấp chứng cứ;
d) Tòa án thực hiện
các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự là Tòa án có thẩm quyền theo quy định
của pháp luật Việt Nam.
Điều
19. Hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
Hồ sơ ủy thác tư pháp
về dân sự của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được coi là hợp lệ khi có đầy
đủ các văn bản quy định tại Điều 11 và Điều 12 Luật Tương trợ
tư pháp và hướng dẫn tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư liên tịch này, trừ trường
hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều
20. Nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự của nước
ngoài
1. Bộ Tư pháp tiếp nhận
hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gửi
theo quy định của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
mà Việt Nam và nước đó là thành viên hoặc có thỏa thuận hoặc đã có tiền lệ về
việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
2. Trường hợp Việt
Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực
dân sự hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc
có đi có lại thì thủ tục tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư
pháp được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch này.
3. Trong thời hạn mười
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp, Bộ Tư pháp vào Sổ hồ
sơ ủy thác tư pháp về dân sự (phần ủy thác đến), xem xét, kiểm tra tính hợp lệ
của hồ sơ và đưa ra một trong các quyết định sau đây:
a) Chuyển hồ sơ cho
Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Thông tư liên tịch này hoặc cho
cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện theo quy định tại Điều 23 Thông tư
liên tịch này trong trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ.
b) Trả lại hồ sơ cho
cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hoặc thông
qua Bộ Ngoại giao nếu giữa Việt Nam và nước ngoài đó chưa có điều ước quốc tế về
tương trợ tư pháp về dân sự và nêu rõ lý do trong trường hợp hồ sơ ủy thác tư
pháp không hợp lệ.
Điều
21. Trình tự, thủ tục xử lý ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
1. Trong thời hạn bảy
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp, Tòa án vào Sổ hồ sơ ủy
thác tư pháp về dân sự (phần ủy thác đến), xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ
sơ và đưa ra một trong các quyết định sau đây:
a) Tiến hành thụ lý để
thực hiện ủy thác tư pháp nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
b) Trả lại hồ sơ cho
Bộ Tư pháp trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa
án.
2. Tòa án áp dụng mọi
biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để thực hiện ủy thác tư pháp và
thông báo cho Bộ Tư pháp kết quả thực hiện ủy thác tư pháp trong thời hạn tối
đa là ba tháng kể từ ngày thụ lý hồ sơ.
Điều
22. Thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài
1. Trong thời hạn năm
ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc trong trường
hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Tương trợ tư pháp,
Tòa án gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp do Chánh án hoặc
Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm ký, với số lượng ba bản cho Bộ Tư pháp.
2. Bộ Tư pháp chuyển
kết quả thực hiện ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu
theo quy định của điều ước quốc tế hoặc cho Bộ Ngoại giao đối với những trường
hợp hồ sơ ủy thác tư pháp được gửi thông qua cơ quan này theo thời hạn quy định
tại khoản 2 Điều 15 Luật Tương trợ tư pháp.
3. Trong thời hạn năm
ngày làm việc, Bộ Ngoại giao gửi kết quả cho cơ quan đại diện của nước ngoài tại
Việt Nam đã yêu cầu hoặc chuyển cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã gửi
yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều
23. Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp đối với các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền khác
Các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền khác của Việt Nam, nếu có yêu cầu tương trợ tư pháp hoặc thực hiện
ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thực hiện quy
trình và thủ tục tương trợ tư pháp tương tự như đối với Tòa án quy định tại
Thông tư liên tịch này.
Điều
24. Cập nhật và thông báo về danh mục các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế
về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự có hiệu lực giữa Việt Nam và nước
ngoài
Hàng năm, Bộ Tư pháp
có trách nhiệm cập nhật danh mục các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về
tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự có hiệu lực giữa Việt Nam và nước ngoài
và gửi cho Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao.
Điều
25. Cập nhật và thông báo tên các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có thỏa thuận hoặc
có tiền lệ áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam về tương trợ tư pháp về
dân sự
Hàng năm, Bộ Ngoại
giao có trách nhiệm cập nhật tên các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có thỏa thuận
hoặc có tiền lệ áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam về tương trợ tư
pháp trong lĩnh vực dân sự và gửi cho Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao.
Điều
26. Trách nhiệm thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp
1. Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại
giao trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và thông
báo kết quả việc thực hiện yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự, thực
hiện yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài trong thời hạn theo quy định
của pháp luật.
2. Tòa án và các cơ
quan có thẩm quyền khác trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện
ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và thông báo kết quả
thực hiện ủy thác tư pháp trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Điều
27. Đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự
Bộ Tư pháp chủ trì,
phối hợp Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp định kỳ hàng năm
để đánh giá tình hình thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thông
tin về các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam, thỏa thuận áp dụng
nguyên tắc có đi có lại với các nước và pháp luật nước ngoài về lĩnh vực này,
tình hình thực hiện của nước ngoài và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đối
với ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam.
Điều
28. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch
này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2011.
2. Không áp dụng hướng
dẫn tại Thông tư liên tịch này để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái
thẩm đối với các vụ việc dân sự đã được giải quyết theo quy định của pháp luật
mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trừ trường hợp có những
căn cứ khác.
3. Đối với những vụ
việc dân sự đã được Tòa án thụ lý trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực,
nhưng kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực mới xét xử sơ thẩm, phúc thẩm,
giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Thông tư liên tịch này để giải quyết.
Điều
29. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực
hiện Thông tư liên tịch này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới
thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác phản ánh
về Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao để kịp thời xử lý.
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Thế Liên
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ NGOẠI GIAO
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thanh Sơn
|
KT.
CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Trần Văn Tú
|
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- VP Quốc hội;
VP Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Cơ quan TW của các Hội, đoàn thể;
- TAND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao;
- Lưu: VT (BTP, BNG, TANDTC - 10), Vụ HTQT.
|
MẪU SỐ 01
VĂN BẢN YÊU CẦU THỰC HIỆN ỦY THÁC TƯ
PHÁP VỀ DÂN SỰ
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT/BTP-BNG-TANDTC
ngày 15 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối
cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
của Luật tương trợ tư pháp)
TÒA
ÁN NHÂN DÂN
………………..(1)
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
……./TTTPDS-TA
V/v tương trợ tư pháp (lần …..) (3)
|
……..,
ngày …….. tháng ……. năm ….(2)
|
Kính
gửi: Bộ Tư pháp
Tòa án nhân dân: (4)
............................................................................................
Địa chỉ: (5) ..........................................................................................................
Đang giải quyết vụ án (vụ việc) về:
(6)
.....................................................................
Xét thấy việc ủy thác tư pháp là cần
thiết cho việc giải quyết vụ việc, Tòa án nhân dân … (7) …..;
Căn cứ vào Điều 11
và Điều 13 của Luật Tương trợ tư pháp,
Quyết định ủy thác tư pháp cho: (8)
......................................................................
Để tiến hành việc: (9)
............................................................................................
Đối với: (10)
.........................................................................................................
Tòa án nhân dân … (11)
….. đề nghị Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ ủy thác này tới cơ quan có thẩm quyền và gửi
kết quả về Tòa án nhân dân … (12) … trong thời hạn theo quy định của
pháp luật.
Tòa án nhân dân … (13) …
xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu hồ sơ vụ việc, VP Tòa án.
|
CHÁNH
ÁN
(hoặc KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN) (14)
(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu Tòa án)
|
Hướng dẫn sử dụng
Mẫu số 01:
(1) (4) (7) (11) (12)
(13) Ghi tên Tòa án yêu cầu ủy thác tư pháp (ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh
Long).
(2) Ghi địa điểm và
thời gian lập văn bản ủy thác tư pháp (ví dụ: Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm
2010).
(3) Ghi rõ số lần yêu
cầu tương trợ tư pháp. Ví dụ: V/v tương trợ tư pháp (lần 2).
(5) Ghi đầy đủ địa chỉ
của Tòa án yêu cầu ủy thác tư pháp.
(6) Ghi tóm tắt nội
dung vụ việc dân sự mà Tòa án đang giải quyết.
(8) Ghi đầy đủ tên và
địa chỉ của cơ quan được ủy thác tư pháp theo quy định về địa giới hành chính của
nước được ủy thác tư pháp (nếu biết). Ví dụ: “Tòa án A; Địa chỉ: số … đường …,
quận …, thành phố …, bang ….. nước …”
Nếu giữa Việt Nam và
nước ngoài có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thì
cơ quan được ủy thác tư pháp là cơ quan có thẩm quyền theo quy định của điều ước
quốc tế đó. Nếu Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư
pháp về dân sự thì cơ quan được ủy thác tư pháp là cơ quan có thẩm quyền của nước
ngoài.
Nếu Tòa án đã thu thập,
xác minh thông tin nhưng vẫn không tìm được tên, địa chỉ chính xác của cơ quan
được ủy thác, hoặc thiếu chính xác (ở những chi tiết cụ thể) hoặc không đầy đủ
(chi đến thành phố, bang …) thì ghi là cơ quan có thẩm quyền của nước được ủy
thác tư pháp nơi cư trú, làm việc của cá nhân, tổ chức liên quan trực tiếp đến ủy
thác tư pháp. Ví dụ: tại mục tên của cơ quan được ủy thác tư pháp Tòa án ghi:
“Cơ quan có thẩm quyền của nước (nơi ông Nguyễn Văn A cư trú)”; tại mục địa chỉ
cơ quan được ủy thác tư pháp Tòa án ghi theo địa chỉ của ông Nguyễn Văn A: “số
…, đường …, quận …, thành phố …, bang …, nước ….”.
Trường hợp Tòa án ủy
thác cho công dân Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài thông qua cơ quan đại diện
Việt Nam thì tại phần tên, địa chỉ của cơ quan nước ngoài được ủy thác, Tòa án
ghi tên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi công dân Việt Nam cư trú. Ví dụ:
Tòa án ủy thác tư pháp cho Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ nhân dân
Lào để tống đạt văn bản tố tụng cho công dân Việt Nam tại Lào thì tại mục tên,
địa chỉ cơ quan được ủy thác tư pháp Tòa án ghi là: “Đại sứ quán nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào”.
(9) Tùy thuộc vào nội
dung tương trợ tư pháp mà Tòa án ghi một hoặc nhiều nội dung tương trợ tư pháp
quy định tại Điều 13 của Luật Tương trợ tư pháp.
(10) Ghi đầy đủ thông
tin về người liên quan trực tiếp đến ủy thác tư pháp.
Nếu người liên quan
trực tiếp đến ủy thác tư pháp là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú hoặc
nơi làm việc (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại số …, đường …, phường/xã …… quận/huyện
…, thành phố/tỉnh …, bang ……, nước …..).
Nếu người liên quan
trực tiếp đến ủy thác tư pháp là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên đầy đủ, địa chỉ
hoặc văn phòng trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH A, trụ
sở: số …, đường …., phường/xã ….. quận/huyện …, thành phố/tỉnh ….., bang …..,
nước …..).
(14) Ghi đầy đủ họ và
tên của Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm ký.
Lưu ý: Văn bản cần được
trình bày theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP
ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ về thể thức trình
bày văn bản và Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội
vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.
MẪU SỐ 02
VĂN BẢN ỦY THÁC TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số
15/2011/TTLT/BTP-BNG-TANDTC ngày 15 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tư Pháp, Bộ Ngoại
giao và Tòa án nhân dân tối cao hợp đồng áp dụng một số quy định về tương trợ
tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật tương trợ tư pháp)
TÒA
ÁN NHÂN DÂN
………………..(1)
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
…./UTTPDS-TA
V/v ủy thác tư pháp (lần …..) (3)
|
……..,
ngày …….. tháng ……. năm ….(2)
|
VĂN
BẢN ỦY THÁC TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ
Tên cơ quan được ủy thác tư pháp: (4)
..................................................................
Địa chỉ: ………….(5)
.............................................................................................
Tên cơ quan ủy thác tư pháp: Tòa án
nhân dân ……….. (6) .....................................
Địa chỉ: … (7)
.......................................................................................................
Thẩm phán giải quyết vụ việc: ……………(8)
...........................................................
Họ và tên người có liên quan trực
tiếp đến ủy thác tư pháp: …………… (9) ..............
Giới tính: ………. (10)
............................................................................................
Quốc tịch: ………. (11)
..........................................................................................
Địa chỉ: …………. (12)
...........................................................................................
Nội dung công việc ủy thác tư pháp:
a) Mục đích ủy thác tư pháp:
…………………………… (13) ......................................
b) Công việc và các tình tiết liên
quan: ……………….. (14) ........................................
c) Trích dẫn điều luật có thể áp dụng:
………………… (15) .......................................
d) Về các biện pháp thực hiện ủy
thác tư pháp: ……... (16) ......................................
đ) Về thời hạn thực hiện ủy thác tư
pháp: …………….. (17) .....................................
Tòa án nhân dân … (18) …
xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Cơ quan.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu hồ sơ vụ việc, VP Tòa án.
|
CHÁNH
ÁN
(hoặc KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN) (19)
(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu Tòa án)
|
Hướng dẫn sử dụng
Mẫu số 02:
(1) (6) (18) Ghi tên
Tòa án yêu cầu ủy thác tư pháp (Ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội).
(2) Ghi địa điểm và
thời gian lập văn bản ủy thác tư pháp (Ví dụ: Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm
2010).
(3) Ghi rõ số lần yêu
cầu tương trợ tư pháp. Ví dụ: V/v tương trợ tư pháp (lần 2).
(4) và (5) Ghi đầy đủ
tên và địa chỉ của cơ quan được ủy thác tư pháp theo quy định về địa giới hành
chính của nước được ủy thác tư pháp như hướng dẫn tại mục (7) của Hướng dẫn sử
dụng mẫu số 01 (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số
15/2011/TTLT/BTP-BNG-TANDTC ngày 15 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại
giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ
tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp).
(7) Ghi đầy đủ địa chỉ
của Tòa án có yêu cầu ủy thác tư pháp.
Ví dụ: Nếu Tòa án
nhân dân thành phố Hà Nội là Tòa án có yêu cầu ủy thác tư pháp, thì tại mục
này, Tòa án ghi như sau: “Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; Địa chỉ: số 43 phố
Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam”.
(8) Ghi đầy đủ họ và
tên của Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ việc.
(9) Ghi đầy đủ thông
tin về người liên quan trực tiếp đến ủy thác tư pháp như hướng dẫn tại mục (10)
của Hướng dẫn sử dụng mẫu số 01 (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số
15/2011/TTLT/BTP-BNG-TANDTC ngày 15 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại
giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ
tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật tương trợ tư pháp).
(10), (11) và (12)
Trước khi tiến hành lập hồ sơ ủy thác tư pháp, Tòa án phải thu thập, xác minh
chính xác các thông tin như: họ tên, giới tính, quốc tịch, địa chỉ nơi cư trú
hoặc nơi làm việc đối với cá nhân và tên đầy đủ, địa chỉ hoặc văn phòng trụ sở
chính của cơ quan, tổ chức.
Lưu ý: Tòa án cần ghi
rõ quốc tịch của người được tống đạt để bảo đảm việc xác định đúng cơ quan có
thẩm quyền để gửi hồ sơ ủy thác tư pháp. Trường hợp người cần tống đạt có quốc
tịch Việt Nam, hồ sơ ủy thác tư pháp sẽ được chuyển tới cơ quan đại diện Việt
Nam tại nước ngoài, trường hợp người được tống đạt có quốc tịch nước ngoài, hồ
sơ ủy thác tư pháp sẽ được chuyển tới Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước
ngoài. Trường hợp người được tống đạt có cả quốc tịch Việt Nam và nước ngoài,
ưu tiên lựa chọn quốc tịch Việt Nam để thực hiện việc ủy thác tư pháp.
Qua thu thập, xác
minh thông tin về cá nhân, cơ quan tổ chức mà Tòa án biết được các thông tin
khác liên quan trực tiếp đến ủy thác tư pháp như: nghề nghiệp, người đại diện
theo pháp luật, người thân thích hoặc nơi làm việc đối với cá nhân; chi nhánh,
văn phòng đại diện, người đại diện theo pháp luật đối với tổ chức thì Tòa án
ghi những thông tin này vào sau mục họ, tên, địa chỉ, quốc tịch nơi cư trú hoặc
nơi làm việc của cá nhân: tên đầy đủ, địa chỉ hoặc văn phòng chính của cơ quan,
tổ chức có liên quan trực tiếp đến ủy thác tư pháp.
(13) Tòa án phải nêu
rõ mục đích ủy thác tư pháp trong văn bản ủy thác tư pháp về dân sự. Ví dụ: ủy
thác tư pháp để tống đạt thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ án (Điều 174 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Trường hợp yêu cầu thực
hiện tương trợ tư pháp có nhiều mục đích khác nhau thì Tòa án phải nêu đầy đủ tất
cả các mục đích yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp đó. Ví dụ: Tòa án yêu cầu
tương trợ tư pháp vừa để thông báo về việc thụ lý vụ việc vừa ủy thác thu thập
chứng cứ thì Tòa án phải ghi đầy đủ các mục đích này.
(14) Tòa án ghi tóm tắt
nội dung vụ việc dân sự mà Tòa án đang giải quyết, ghi đầy đủ, rõ ràng các nội
dung công việc mà Tòa án yêu cầu cơ quan thực hiện ủy thác tư pháp thực hiện,
cung cấp các thông tin cần thiết khác có liên quan đến việc thực hiện ủy thác
tư pháp.
Ví dụ: Tòa án thụ lý
vụ án yêu cầu cấp dưỡng nuôi con mà cần phải tống đạt văn bản tố tụng cho bị
đơn đang ở nước ngoài thì cùng với việc tóm tắt nội dung vụ án, cung cấp các
thông tin của bị đơn đang ở nước được yêu cầu. Tòa án có thể yêu cầu cơ quan có
thẩm quyền xác minh nơi làm việc và mức thu nhập của bị đơn; tài sản thuộc quyền
sở hữu của bị đơn; các câu hỏi dùng để lấy lời khai của bị đơn; đề nghị bị đơn
tham dự phiên tòa, trường hợp không tham dự thì ủy quyền cho người khác hoặc đề
nghị Tòa án giải quyết vắng mặt …
(15) Tùy theo nội
dung ủy thác tư pháp mà Tòa án có thể trích dẫn điều luật áp dụng cho yêu cầu
thực hiện ủy thác tư pháp.
Ví dụ: Tòa án tống đạt
thông báo về việc thụ lý vụ án cho đương sự đang ở nước ngoài thì Tòa án trích
dẫn Điều 174 và Điều 175 Bộ luật Tố tụng dân sự.
(16) Tòa án đề nghị
cơ quan được yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp theo các biện pháp như sau:
- Trường hợp cơ quan
được yêu cầu không có thẩm quyền thực hiện thì đề nghị cơ quan được yêu cầu thực
hiện ủy thác tư pháp chuyên yêu cầu đó cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy
thác tư pháp và thông báo cho Tòa án đã yêu cầu biết.
- Trường hợp không thể
thực hiện được theo địa chỉ đã nêu trong văn bản yêu cầu thì đề nghị cơ quan được
yêu cầu căn cứ theo pháp luật của nước mình tiến hành các biện pháp cần thiết để
xác minh địa chỉ đúng. Trường hợp không tống đạt được cho đương sự thì đề nghị
cơ quan được yêu cầu tiến hành thủ tục niêm yết công khai hoặc thông báo theo
quy định của pháp luật nước được yêu cầu.
- Trường hợp cần bổ
sung thông tin để thực hiện ủy thác tư pháp thì đề nghị Cơ quan được yêu cầu
thông báo cho Tòa án đã yêu cầu biết.
(17) Tòa án đề nghị
cơ quan được yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp theo thời hạn như sau:
- Trong thời hạn một
tháng kể từ ngày nhận được ủy thác tư pháp của Tòa án Việt Nam mà ủy thác tư
pháp chưa thể thực hiện được thì đề nghị cơ quan được yêu cầu thực hiện ủy thác
tư pháp thông báo cho Bộ Tư pháp Việt Nam biết về nguyên nhân kéo dài và thời hạn
có thể thực hiện được ủy thác đó.
- Trong thời hạn ba
tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu mà không thể thực hiện được ủy thác tư pháp
thì đề nghị thông báo cho Bộ Tư pháp Việt Nam biết lý do không thể thực hiện được
ủy thác tư pháp.
(19) Ghi đầy đủ họ và
tên của Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm ký.
Lưu ý: Văn bản cần được
trình bày theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP
ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ về thể thức trình
bày văn bản và Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội
vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.