UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
22/2000/PL-UBTVQH10
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 4 năm 2000
|
PHÁP LỆNH
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 22/2000/PL-UBTVQH10 NGÀY 28
THÁNG 4 NĂM 2000 VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH CHỐNG THAM NHŨNG
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 về Chương trình xây
dựng luật, pháp lệnh năm 2000;
Pháp lệnh này sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh chống tham nhũng đã
được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 2 năm 1998.
Điều 1
Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Pháp lệnh chống tham nhũng như sau:
1. Điều 3 được
sửa đổi, bổ sung:
"Điều 3
Các hành vi tham nhũng quy định
trong Pháp lệnh này bao gồm:
1. Tham ô tài sản;
2. Nhận hối lộ;
3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn
chiếm đoạt tài sản;
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi;
5. Lạm quyền trong khi thi hành công
vụ vì vụ lợi;
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
7. Giả mạo trong công tác vì vụ
lợi."
2. Điều 13 được
sửa đổi, bổ sung:
"Điều 13
1. Người có chức vụ, quyền hạn
không được làm những việc sau đây:
a) Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền
hà trong khi giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
b) Nhận tiền, tài sản hoặc lợi
ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc mà mình
giải quyết;
c) Chi tiền công quỹ cho việc tặng
quà hoặc chia cho cán bộ, công chức và những người khác ngoài quy định của Nhà
nước;
d) Can thiệp bất hợp pháp vào việc
xem xét, giải quyết lợi ích cho mình, cho người khác hoặc để người khác lợi dụng
ảnh hưởng của mình làm trái pháp luật, thu lợi bất chính;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để
vay, cho vay tiền của công quỹ, của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng; lợi dụng
chức vụ, quyền hạn để bảo lãnh cho người khác vay tiền của công quỹ, của ngân
hàng hoặc của tổ chức tín dụng;
e) Dùng tiền công quỹ, nhà, đất
hoặc tài sản khác của cơ quan, tổ chức hoặc lợi dụng công sức của người do mình
quản lý để thu lợi bất chính;
g) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để
chiếm dụng đất, sử dụng đất để phát canh thu tô hoặc kinh doanh trái pháp luật
dưới các hình thức khác;
h) Tiết lộ thông tin kinh tế và
các thông tin khác chưa được phép công bố;
i) Gửi tiền, kim khí quý, đá quý
vào ngân hàng nước ngoài;
k) Những việc khác mà pháp luật
quy định không được làm.
2. Những người quy định tại các khoản
1, 2 và 3 Điều 2 của Pháp lệnh này không được thành lập, tham gia thành lập hoặc
tham gia quản lý điều hành các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn,
công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã; bệnh viện tư, trường học tư, tổ
chức nghiên cứu khoa học tư.
3. Người đứng đầu, cấp phó của
người đứng đầu cơ quan; vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào
doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện
việc quản lý nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước
được cổ phần hoá, thì cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ của doanh nghiệp, vợ
hoặc chồng, bố, mẹ, con của họ làm việc tại doanh nghiệp đó chỉ được mua cổ phần
không vượt quá mức cổ phần bình quân của các cổ đông.
4. Người đứng đầu cơ quan nhà nước,
đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân không được sử dụng công quỹ và tài sản
khác của Nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh hoặc góp vốn vào doanh
nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
5. Người đứng đầu, cấp phó của
người đứng đầu cơ quan, tổ chức không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con,
anh, chị, em ruột của mình giữ các chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kế toán
- tài vụ; làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức hoặc mua bán vật tư, hàng
hoá, giao dịch, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức đó.
6. Chính phủ quy định chi tiết
việc áp dụng những quy định tại Điều này."
3. Điều 21 được
sửa đổi, bổ sung:
"Điều 21
Người nào có một trong các hành
vi tham nhũng quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh này mà cấu thành tội phạm quy định
tại các điều 278, 279, 280, 281, 282, 283 và
284 của Bộ luật hình sự thì bị xử lý theo Bộ luật hình sự."
Điều 2
Pháp lệnh
này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2000.
Những quy định trước đây trái với
Pháp lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 3
Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.