THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 31/1998/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 2 năm 1998
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP ỦY BAN QUỐC GIA VỀ HỢP TÁC KINH TẾ QUỐC TẾ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật
Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thống nhất sự chỉ đạo của Chính phủ đối với quá trình
Việt Nam gia nhập và hoạt động trong các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế
và khu vực;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ
Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng, Chủ
nhiệm Văn phòng Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, gồm các thành
viên sau đây:
- Chủ tịch Ủy
ban: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cầm.
- Phó Chủ tịch
Ủy ban: Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển.
- Các ủy viên:
+ Tổng Thư ký
kiêm Trưởng đoàn Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế: Thứ
trưởng Bộ Thương mại.
+ Thứ trưởng Bộ
Ngoại giao.
+ Thứ trưởng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư.
+ Thứ trưởng Bộ
Tài chính.
+ Thứ trưởng Bộ
Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
+ Thứ trưởng Bộ
Công nghiệp.
+ Thứ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Thứ trưởng Bộ
Văn hoá - Thông tin.
+ Thứ trưởng Bộ
Tư pháp.
+ Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ.
+ Phó Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước.
+ Tổng Cục
trưởng Tổng cục Hải quan.
+ Tổng Cục
trưởng Tổng cục Du lịch.
Điều 2. Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế có những nhiệm vụ, quyền
hạn chủ yếu sau đây:
1. Giúp Thủ
tướng Chính phủ chỉ đạo và điều phối hoạt động của các Bộ, ngành và địa phương
trong việc Việt Nam tham gia các hoạt động kinh tế - thương mại trong Hiệp hội
các quốc gia Đông Nam á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM); đàm phán để
gia nhập và hoạt động trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác
kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các tổ chức kinh tế - thương mại
quốc tế, khu vực khác.
2. Giúp Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định các chủ trương và phương án đàm phán chung
để làm cơ sở cho việc xây dựng phương án đàm phán của các Bộ, ngành và chỉ đạo
Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế trong quá trình đàm
phán gia nhập các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực nêu trên; chỉ
đạo hoạt động của các Bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của các tổ
chức này.
3. Giúp Thủ
tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn
thiện hệ thống pháp luật, chính sách về kinh tế, thương mại trong nước để thích
ứng với các định chế của các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực mà
Việt Nam tham gia.
4. Giúp Thủ
tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, các địa phương và đơn vị triển
khai thực hiện các cam kết và nghĩa vụ, cũng như bảo hộ các quyền và lợi ích
của Việt Nam trong các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực.
5. Kịp thời báo
cáo với Thủ tướng Chính phủ quá trình đàm phán và việc chỉ đạo các Bộ, ngành
trong quá trình tham gia các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực.
6. Thực hiện
những nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
Điều 3. Ngoài Chủ tịch, Phó Chủ tịch
và các ủy viên, tổ chức bộ máy của ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế
bao gồm:
1. Bộ máy giúp
việc ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế là Văn phòng ủy ban đặt tại Bộ
Thương mại.
Chức năng,
nhiệm vụ và biên chế của Văn phòng Ủy ban do Chủ tịch Ủy ban quyết định trên cơ
sở đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ
trưởng Bộ Thương mại.
2. Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế (Được
thành lập theo quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ).
Điều 4. Thành lập ở các Bộ, ngành liên quan bộ phận chuyên trách đảm nhận
các công việc của Việt Nam gia nhập và hoạt động trong các tổ chức kinh tế -
thương mại quốc tế và khu vực có liên quan đến Bộ, ngành đó.
Ủy ban Quốc gia
về hợp tác kinh tế quốc tế và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn việc
thành lập bộ phận chuyên trách ở các Bộ, ngành liên quan.
Điều 5.
1. Kinh phí của
Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế được cấp từ ngân sách Nhà nước và
được tổng hợp chung vào kinh phí của Bộ Thương mại.
2. Ủy ban Quốc
gia về hợp tác kinh tế quốc tế soạn thảo Quy chế về tổ chức và hoạt động của mình,
trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày kể từ ngày ký.
Điều 7. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.