CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------
|
Số:
102/2008/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2008
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ VIỆC THU THẬP, QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG DỮ LIỆU VỀ
TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ngày 10
tháng 12 năm 1994;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc thu
thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về đất đai, tài nguyên nước, địa chất
và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, tài nguyên môi
trường biển và đảo (sau đây gọi chung là dữ liệu về tài nguyên và môi trường);
trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, quản
lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với
cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước
ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân)
trong việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi
trường.
2. Trường hợp điều ước quốc tế
mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định
của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Dữ
liệu về tài nguyên và môi trường
Dữ liệu về tài nguyên và môi trường
phải là các bản chính, bản gốc gồm tài liệu, mẫu vật, số liệu đã được xử lý và
lưu trữ theo quy định. Dữ liệu về tài nguyên và môi trường bao gồm:
1. Dữ liệu về
đất đai gồm:
a) Số liệu phân hạng, đánh giá đất,
thống kê, kiểm kê đất đai và bản đồ phân hạng đất, bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; số liệu điều
tra về giá đất;
b) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
đã được phê duyệt;
c) Bản đồ địa chính: kết quả
giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện các
quyền của người sử dụng đất.
2. Dữ liệu về tài nguyên nước gồm:
a) Số lượng, chất lượng nước mặt,
nước dưới đất;
b) Số liệu điều tra khảo sát địa
chất thủy văn;
c) Các dữ liệu về khai thác và sử
dụng tài nguyên nước;
d) Quy hoạch các lưu vực sông,
quản lý, khai thác, bảo vệ các nguồn nước quốc tế;
đ) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi,
cho phép, trả lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; trám lấp
giếng khoan;
e) Các dữ liệu về các yếu tố ảnh
hưởng đến tài nguyên nước.
3. Dữ liệu về địa chất và khoáng
sản gồm:
a) Thống kê trữ lượng khoáng sản;
b) Kết quả điều tra cơ bản địa
chất về tài nguyên khoáng sản và các mẫu vật địa chất, khoáng sản;
c) Quy hoạch, kế hoạch điều tra
cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế
biến và sử dụng khoáng sản;
d) Bản đồ địa chất khu vực, địa
chất tai biến, địa chất môi trường, địa chất khoáng sản, địa chất thủy văn, địa
chất công trình và các bản đồ chuyên đề về địa chất và khoáng sản;
đ) Khu vực đấu thầu hoạt động
khoáng sản, khu vực có khoáng sản đặc biệt, độc hại; các khu vực cấm, tạm thời
cấm hoạt động khoáng sản;
e) Báo cáo hoạt động khoáng sản;
báo cáo quản lý nhà nước hàng năm về hoạt động khoáng sản;
g) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi,
cho phép, trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép tiếp tục thực hiện
quyền hoạt động khoáng sản.
4. Dữ liệu về môi trường gồm:
a) Các kết quả điều tra, khảo
sát về môi trường;
b) Dữ liệu, thông tin về đa dạng
sinh học;
c) Dữ liệu, thông tin về đánh
giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
d) Kết quả về giải quyết bồi thường
thiệt hại về môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;
đ) Danh sách, thông tin về các
nguồn thải, chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
e) Các khu vực bị ô nhiễm, suy
thoái, sự cố môi trường; khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; danh mục
các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và danh mục các cơ sở gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng đã được đưa ra khỏi danh sách;
g) Kết quả điều tra, khảo sát về
hiện trạng môi trường, chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường;
h) Thông tin, dữ liệu quan trắc
môi trường được phép trao đổi;
i) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi
các loại giấy phép về môi trường.
5. Dữ liệu về khí tượng thủy văn
gồm:
a) Các tài liệu, số liệu điều
tra cơ bản về khí tượng thủy văn, môi trường không khí và nước, biến đổi khí hậu,
suy giảm tầng ô dôn;
b) Các loại biểu đồ, bản đồ, ảnh
thu từ vệ tinh, các loại phim, ảnh về các đối tượng nghiên cứu khí tượng thủy
văn;
c) Hồ sơ kỹ thuật của các công
trình khí tượng thủy văn;
d) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi
các loại giấy phép về hoạt động khí tượng thủy văn.
6. Dữ liệu về
đo đạc và bản đồ gồm:
a) Hệ quy chiếu quốc gia;
b) Hệ thống số liệu gốc đo đạc
quốc gia; hệ thống điểm đo đạc cơ sở, điểm đo đạc cơ sở chuyên dụng;
c) Hệ thống ảnh máy bay, ảnh vệ
tinh phục vụ đo đạc và bản đồ;
d) Hệ thống bản đồ địa hình, bản
đồ nền, bản đồ biên giới quốc gia, bản đồ địa chính cơ sở, bản đồ hành chính, bản
đồ địa lý tổng hợp và các loại bản đồ chuyên đề khác;
đ) Hệ thống thông tin địa lý;
e) Thông tin tư liệu thứ cấp được
hình thành từ các thông tin tư liệu về đo đạc và bản đồ nêu tại các điểm a, b,
c, d, đ khoản này và thông tin tư liệu tích hợp của thông tin tư liệu về đo đạc
và bản đồ với các loại thông tin tư liệu khác;
g) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi
các loại giấy phép về hoạt động đo đạc và bản đồ.
7. Dữ liệu tài nguyên môi trường
biển và đảo gồm:
a) Dữ liệu về đất có mặt nước biển;
b) Dữ liệu về địa hình đáy biển;
c) Dữ liệu về tính chất cơ lý của
nước biển;
d) Dữ liệu về địa chất biển, địa
vật lý biển, khoáng sản biển;
đ) Dữ liệu về dầu, khí biển;
e) Dữ liệu về sinh vật biển;
g) Dữ liệu về chất lượng môi trường
biển;
h) Dữ liệu về khí tượng, thủy
văn biển;
i) Dữ liệu về đảo;
k) Dữ liệu khác liên quan đến
tài nguyên, môi trường biển.
8. Kết quả giải quyết tranh chấp,
khiếu nại, tố cáo về tài nguyên và môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền giải quyết.
9. Các tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên và môi trường.
10. Kết quả của các dự án,
chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về tài nguyên và môi trường.
11. Dữ liệu khác liên quan đến
các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 4.
Nguyên tắc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi
trường
Việc thu thập, quản lý, khai
thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường phải tuân theo các nguyên tắc
sau đây:
1. Phục vụ kịp thời công tác quản
lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng,
an ninh;
2. Bảo đảm tính chính xác, trung
thực, khách quan;
3. Bảo đảm tính khoa học, thuận
tiện cho khai thác và sử dụng;
4. Bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ
và có hệ thống;
5. Sử dụng dữ liệu đúng mục
đích;
6. Khai thác và sử dụng dữ liệu
phải thực hiện nghĩa vụ tài chính;
7. Tuân theo các quy định của
pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 5.
Chính sách khuyến khích của Nhà nước
Nhà nước có chính sách khuyến
khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu và
hiến tặng các dữ liệu tài nguyên và môi trường do mình thu thập để bảo đảm việc
khai thác, sử dụng thống nhất dữ liệu về tài nguyên và môi trường trong cả nước.
Điều 6. Hợp
tác quốc tế về dữ liệu về tài nguyên và môi trường
Nhà nước có chính sách phát triển
hợp tác với các nước, các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong việc điều
tra, khảo sát, nghiên cứu, chia sẻ, cung cấp các dữ liệu về tài nguyên và môi
trường; khuyến khích chia sẻ thông tin liên quan đến dữ liệu về tài nguyên và
môi trường quốc tế; phối hợp nghiên cứu, điều tra các dữ liệu, tạo thuận lợi
cho việc quản lý, khai thác có hiệu quả các dữ liệu về tài nguyên và môi trường
quốc tế.
Chương 2.
THU THẬP, QUẢN LÝ DỮ LIỆU
VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Điều 7. Quản
lý nhà nước dữ liệu về tài nguyên và môi trường
1. Ban hành
các văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế
- kỹ thuật trong việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài
nguyên và môi trường.
2. Phê duyệt kế hoạch thu thập
các dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
3. Quy định
về lưu trữ, bảo quản.
4. Quy định chế độ tài chính
trong thu thập, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
Điều 8. Thu
thập dữ liệu về tài nguyên và môi trường
1. Hàng năm các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) lập, phê duyệt và
triển khai thực hiện kế hoạch thu thập dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
2. Bộ Tài
nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh tổ chức chỉ đạo việc thu thập và xử lý các dữ liệu đã thu thập
được để xây dựng các bộ dữ liệu.
Điều 9.
Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, giao nộp dữ
liệu về tài nguyên và môi trường
1. Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật,
định mức kinh tế - kỹ thuật trong việc thu thập, lưu trữ và giao nộp dữ liệu.
2. Giao nộp
dữ liệu thu thập được cho cơ quan quản lý dữ liệu đối với trường hợp thu thập dữ
liệu bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật
và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi cung cấp dữ liệu không
chính xác, gây thiệt hại cho người khai thác, sử dụng dữ liệu.
4. Không được lợi dụng việc cung
cấp dữ liệu để sách nhiễu, trục lợi, phát tán các dữ liệu trái với quy định của
pháp luật.
5. Được từ chối các yêu cầu về
cung cấp dữ liệu trái với quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật
khác liên quan.
Điều 10.
Kinh phí thu thập, xử lý dữ liệu về tài nguyên và môi trường
Kinh phí thu thập, xử lý dữ liệu
về tài nguyên và môi trường; xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài nguyên và
môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường của các Bộ,
ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn
khác theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG DỮ
LIỆU VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Điều 11.
Công bố danh mục dữ liệu về tài nguyên và môi trường
1. Danh mục dữ liệu về tài
nguyên và môi trường được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng,
trên Internet, trang điện tử của các cơ quan Trung ương và địa phương nhằm phục
vụ cho cộng đồng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường
công bố danh mục dữ liệu về tài nguyên và môi trường quốc gia; các Bộ, ngành
công bố danh mục dữ liệu về tài nguyên và môi trường do mình tổ chức thu thập; Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh mục dữ liệu về tài nguyên và môi trường ở địa
phương.
3. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về dữ liệu mà mình công bố và phải tuân theo
các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Điều 12.
Hình thức, thủ tục khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường
1. Việc khai thác và sử dụng dữ
liệu về tài nguyên và môi trường thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Khai thác và sử dụng dữ liệu
trên mạng Internet, trang điện tử do cơ quan quản lý dữ liệu quy định. Bộ Tài
nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hình thức khai thác từ
Internet và trang điện tử;
b) Khai thác và sử dụng dữ liệu
thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu;
c) Khai thác và sử dụng dữ liệu
bằng hình thức hợp đồng giữa cơ quan quản lý dữ liệu và bên khai thác, sử dụng
dữ liệu theo quy định của pháp luật.
2. Việc
khai thác và sử dụng dữ liệu theo hình thức phiếu hoặc văn bản yêu cầu được thực
hiện theo quy định sau:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu
khai thác và sử dụng dữ liệu nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các
cơ quan quản lý dữ liệu quy định tại Điều 15 Nghị định này;
b) Khi nhận được văn bản yêu cầu
hợp lệ của tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý dữ liệu thực hiện việc cung cấp dữ
liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác và sử dụng dữ liệu. Thời hạn
cung cấp dữ liệu do các bên thỏa thuận. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì
phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Điều 13.
Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng dữ liệu về
tài nguyên và môi trường
Tổ chức, cá nhân khai thác và sử
dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
1. Tuân thủ các nguyên tắc khai
thác và sử dụng dữ liệu quy định tại Điều 4 Nghị định này;
2. Không được cung cấp cho bên
thứ ba dữ liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp cho mình để khai
thác, sử dụng trừ trường hợp được thỏa thuận trong hợp đồng;
3. Trả kinh phí khai thác, sử dụng
dữ liệu đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này;
4. Thông báo kịp thời cho cơ
quan quản lý dữ liệu về những sai sót của dữ liệu đã cung cấp;
5. Được khiếu nại, tố cáo theo
quy định của pháp luật khi bị vi phạm quyền khai thác, sử dụng dữ liệu của
mình.
6. Được bồi thường theo quy định
của pháp luật khi bên cung cấp dữ liệu cung cấp dữ liệu không chính xác gây thiệt
hại cho mình.
Điều 14.
Kinh phí khai thác, sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường
1. Việc khai thác và sử dụng dữ
liệu về tài nguyên và môi trường được thu thập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước
hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để phục vụ cho các mục đích quốc phòng
và an ninh, phục vụ yêu cầu trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc trong
tình trạng khẩn cấp thì không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử
dụng dữ liệu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải thực
hiện nghĩa vụ tài chính.
3. Bộ Tài
chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu, nộp,
sử dụng phí khai thác các dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
Chương 4.
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA
CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ DỮ LIỆU VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Điều 15.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu
về tài nguyên và môi trường
1. Chính phủ thống nhất quản lý
về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu
trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thu thập,
quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thu thập, quản lý, khai
thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường do mình thu thập.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm quản lý việc thu thập,
quản lý, khai thác và sử dụng các dữ liệu về tài nguyên và môi trường ở địa
phương.
Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý việc thu thập, quản lý, khai
thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường ở địa phương.
Điều 16.
Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Trình Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy
phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức
kinh tế - kỹ thuật về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài
nguyên và môi trường quốc gia.
2. Lập kế hoạch
điều tra, thu thập dữ liệu về tài nguyên và môi trường trong kế hoạch, nhiệm vụ
của mình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được
phê duyệt.
3. Hướng dẫn
các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng
dữ liệu.
4. Xây dựng,
quản lý cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường quốc gia; cung cấp dữ liệu về
tài nguyên và môi trường cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức xây dựng hệ thống
quan trắc quốc gia về tài nguyên và môi trường.
6. Biên tập
và phát hành cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường 5 năm một lần.
Điều 17.
Trách nhiệm và quyền hạn của các Bộ, ngành
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm:
1. Ban hành
quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu thập, quản lý, khai thác
và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường theo yêu cầu và đặc tính dữ liệu
của mình;
2. Lập kế hoạch
điều tra, thu thập dữ liệu về tài nguyên và môi trường trong kế hoạch, nhiệm vụ
của mình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được
phê duyệt;
3. Kiểm tra,
đánh giá, nghiệm thu sản phẩm đã được điều tra, thu thập;
4. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu
về tài nguyên và môi trường do mình thu thập được;
5. Cung cấp dữ liệu cho cơ sở dữ
liệu về tài nguyên và môi trường quốc gia và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu
khai thác dữ liệu về tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật; trao
đổi dữ liệu về tài nguyên và môi trường do mình quản lý với các Bộ, ngành khác
liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
6. Lưu trữ các dữ liệu về tài
nguyên và môi trường đã thu thập được.
Điều 18.
Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có
trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu
về tài nguyên và môi trường do mình thu thập được tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
2. Lập kế hoạch
điều tra, thu thập dữ liệu về tài nguyên và môi trường trong kế hoạch, nhiệm vụ
của mình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được
phê duyệt;
3. Kiểm tra,
đánh giá, nghiệm thu sản phẩm đã được điều tra, thu thập;
4. Cung cấp dữ liệu cho cơ sở dữ
liệu về tài nguyên và môi trường quốc gia;
5. Cung cấp dữ liệu cho tổ chức,
cá nhân có nhu cầu khai thác và sử dụng dữ liệu theo quy định của pháp luật;
6. Trao đổi dữ liệu về tài
nguyên và môi trường với các Bộ, ngành, địa phương khác theo quy định của pháp luật;
7. Lưu trữ các dữ liệu về tài
nguyên và môi trường đã thu thập được tại Trung tâm Thông tin của Sở Tài nguyên
và Môi trường.
8. Tổ chức chỉ đạo các tổ chức,
cá nhân cung cấp và lưu trữ dữ liệu tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Điều 19. Cơ
chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, thu thập, quản
lý dữ liệu về tài nguyên và môi trường để khai thác, sử dụng có hiệu quả dữ liệu.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường
ban hành quy chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu về tài nguyên và môi trường giữa các
Bộ, ngành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chương 5.
XỬ LÝ VI PHẠM. GIẢI QUYẾT
TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 20. Xử
lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi
chiếm giữ, tiêu hủy trái phép, làm hư hại dữ liệu về tài nguyên và môi trường;
khai thác, sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường trái với quy định của
Nghị định này và các quy định khác của pháp luật liên quan thì tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình
sự; trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn làm hư hỏng, thất thoát dữ liệu về tài nguyên và môi trường, cản trở
việc khai thác, sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường thì tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường
hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Điều 21. Giải
quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường,
các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết các
tranh chấp trong thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên
và môi trường.
2. Việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường
thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Xử
lý dữ liệu về tài nguyên và môi trường đã được điều tra, thu thập trước ngày
Nghị định này có hiệu lực thi hành
Các dữ liệu về tài nguyên và môi
trường đã được điều tra, thu thập bằng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ
ngân sách nhà nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được xử lý
theo quy định sau đây:
1. Đối với những dữ liệu đã được
nghiệm thu, đánh giá thì các cơ quan, tổ chức đang quản lý dữ liệu có trách nhiệm
cung cấp toàn bộ dữ liệu đó cho cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường quốc
gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời hạn cung cấp dữ liệu về tài nguyên
và môi trường hoàn thành chậm nhất là 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành.
2. Đối với những dữ liệu về tài
nguyên và môi trường chưa được nghiệm thu, đánh giá hoặc đang triển khai thực
hiện, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đã được Nhà nước cấp kinh phí để điều
tra, thu thập dữ liệu về tài nguyên và môi trường có trách nhiệm tổ chức thẩm định,
nghiệm thu, đánh giá các dữ liệu và đưa vào sử dụng theo quy định của Nghị định
này. Thời hạn nộp dữ liệu về tài nguyên và môi trường vào Cơ sở dữ liệu Quốc
gia chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày kết thúc dự án, nhiệm vụ.
3. Đối với dự án, đề án, đề tài,
chương trình đang triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì tổ
chức, cá nhân phải cung cấp cho cơ quan quản lý dữ liệu theo quy định của Nghị
định này.
4. Đối với các nội dung, nhiệm vụ
mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 162/2003/NĐ-CP
ngày 19 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ ban hành Quy chế thu thập, quản lý,
khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước và Nghị định số 101/2007/NĐ-CP
ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về việc thu thập, quản lý, khai thác và
sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển được tiếp tục thực hiện theo thời hạn
đã xác định và phải nộp dữ liệu về tài nguyên và môi trường vào Cơ sở dữ liệu
Quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 23. Hiệu
lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Nghị định này thay thế Nghị định
số 162/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ ban hành Quy chế thu
thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước và Nghị
định số 101/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về việc thu thập,
quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển.
Điều 24. Tổ
chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KGVX (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|