#CUSTOMER_NAME#,
Ngày 10/02/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 69/2025/UBTVQH15 sửa đổi Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 57/2024/UBTVQH15 phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao.
Các cục, vụ và tương đương của Tòa án nhân dân tối cao
Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao có 10 cục, vụ, Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao và 2 cơ quan báo chí. Cụ thể:
- Các cục, vụ và tương đương của Tòa án nhân dân tối cao gồm có:
+ Cục Kế hoạch - Tài chính;
+ Cục Công nghệ thông tin;
+ Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự;
+ Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự;
+ Vụ Giám đốc, kiểm tra về kinh doanh - thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên;
+ Vụ Giám đốc, kiểm tra về hành chính;
+ Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học;
+ Vụ Tổ chức - Cán bộ;
+ Vụ Hợp tác quốc tế;
+ Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao.
- Cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao gồm có:
+ Báo Công lý;
+ Tạp chí Tòa án nhân dân.
So với quy định cũ, không còn Vụ Công tác phía Nam.
Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao
Theo khoản 1 Điều 47 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao bao gồm:
- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Văn phòng;
- Cục, vụ và tương đương;
- Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;
- Cơ quan báo chí.
Tòa án nhân dân tối cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức và người lao động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị thành lập, tổ chức lại, giải thể các Cục, vụ và tương đương; Cơ quan báo chí trên cơ sở đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Việc thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo quy định của luật.
Nghị quyết 69/2025/UBTVQH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2025.