Theo đó, phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật” với quan điểm chỉ đạo như sau:
- Bám sát và cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
- Tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt về tổ chức, cách thức, thẩm quyền, trách nhiệm rà soát và xử lý văn bản sau rà soát đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 154/2020/NĐ-CP và Nghị định 59/2024/NĐ-CP ).
- Hình thành kênh “giao tiếp” thường xuyên, liên tục giữa Nhà nước với các cá nhân, tổ chức, cơ quan trong xã hội; tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, đồng thời lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và Nhà nước “lắng nghe” người dân, doanh nghiệp để kịp thời phản ứng chính sách, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
- Tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh về quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo; không còn phù hợp trong hệ thống pháp luật từ trung ương đến địa phương thông qua việc ứng dụng công nghệ, giúp hoạt động hiệu quả, giảm thiểu chi phí, công sức thực hiện, đồng thời hỗ trợ việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá và quản lý dựa trên kết quả.
Về thời gian thực hiện Đề án: Đề án được thực hiện từ tháng 02 năm 2025.
Xem chi tiết tại Quyết định 244/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 05/02/2025.