Theo đó, quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện cụ thể như sau:
- Bên mua điện là khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên theo đăng ký tại hợp đồng mua bán điện có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.
Trường hợp sản lượng điện tiêu thụ bình quân đăng ký tại hợp đồng mua bán điện thấp hơn mức này, nhưng sản lượng điện tiêu thụ thực tế bình quân 12 tháng gần nhất từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên, bên mua điện có trách nhiệm phối hợp với bên bán điện sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện đã ký để bổ sung nội dung về bảo đảm thực hiện hợp đồng và thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng sửa đổi, bổ sung có hiệu lực.
Hằng năm, bên bán điện và bên mua điện thỏa thuận giá trị thực hiện bảo đảm hợp đồng phù hợp với sản lượng điện bình quân sử dụng thực tế trong 12 tháng trước liền kề.
- Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận trong phạm vi dải giá trị từ 10 đến 15 ngày tiền điện, được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện hoặc sản lượng điện tiêu thụ thực tế bình quân 12 tháng gần nhất và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng.
- Biện pháp, hình thức, hiệu lực bảo đảm, quyền và nghĩa vụ trong việc bảo đảm hợp đồng do các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mua bán điện; khuyến khích việc thực hiện biện pháp bảo lãnh qua ngân hàng.
- Quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện không áp dụng đối với trường khách hàng sử dụng điện với mục đích cấp điện cho trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Xem chi tiết tại Nghị định 18/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/02/2025.