Thông tư 01: Người dân được phép kiểm tra kế hoạch của CSGT?

30/09/2016 16:51 PM

Dựa trên Thông tư 01/2016/TT-BCA, tinh thần của pháp luật và tình hình thực tế thì tôi cho rằng người dân hoàn toàn được phép kiểm tra kế hoạch của CSGT khi họ bị dừng xe.

 Trần Sơn Hà

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cảnh sát giao thông lại cho rằng: "Chúng ta không phải xuất trình gì cả vì việc ra đường xử lý vi phạm đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Trên ngực cảnh sát giao thông có bảng tên, biển hiệu đàng hoàng nên người dân không được yêu cầu. Họ không có quyền đó"

Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều Điều 12 của Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT thì CSGT chỉ được dừng xe người tham gia giao thông trong 02 nhóm trường hợp sau:

- Một là, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;  tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Đây là nhóm trường hợp thực tế đã có sự vi phạm pháp luật giao thông của người tham gia giao thông.

- Hai là, dừng xe theo mệnh lệnh, kế hoạch, văn bản… của cơ quan công an theo quy định.

Đây là nhóm trường hợp chưa xác định được thực tế có vi phạm pháp luật giao thông của người tham gia giao thông hay không.

Thông tư 01/2016/TT-BCA liệt kê cụ thể các trường hợp CSGT được phép dừng xe như trên là nhằm tránh sự lạm quyền, gây khó khăn của một bộ phận CSGT đối với người dân nhưng cũng đảm bảo kỷ cương, sự phù hợp của pháp luật với thực tiễn.

CSGT được phép dừng xe trong những trường hợp trên là hoàn toàn hợp lý; nhưng giả sử nếu một bộ phận CSGT cố tình gây phiền hà cho người tham gia giao thông bằng cách không thuộc các trường hợp nêu trên vẫn dừng xe và bảo “Theo kế hoạch, mệnh lệnh, văn bản…” thì người dân phải làm sao?

Theo tinh thần của pháp luật thì “nói có sách, mách có chứng”; bởi vậy, nếu CSGT muốn dừng xe người tham gia giao thông trong nhóm trường hợp thứ hai buộc phải xuất trình cho người tham giao giao thông biết mệnh lệnh, kế hoạch, văn bản.... Có như vậy mới đảm bảo sự minh bạch, hợp tác giữa người dân với CSGT và là sự giám sát trực tiếp hiệu quả của nhân dân đối với người có thẩm quyền.

Nếu mệnh lệnh, kế hoạch… của cơ quan công an chỉ có một bản thì CSGT có thể sao thành nhiều bản để đảm bảo mỗi tổ tuần tra, kiểm soát giao thông phải có một bản cho người dân xem.

Thanh Hữu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 49,139

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn