25/11/2011 13:43 PM

- Chất vấn Bộ trưởng Vương Đình Huệ, các đại biểu đòi làm rõ chuyện giá điện, giá xăng, công khai chuyện lỗ lãi của hai tập đoàn, cũng như lương thưởng ở EVN.



Phiên chất vấn của Bộ trưởng Tài chính nửa cuối giờ sáng và đầu giờ chiều nay thực chất dành cho cả Bộ trưởng Công thương, khi vấn đề tập trung vào chuyện giá xăng, dầu, và hoạt động của hai tập đoàn vốn thuộc Bộ Công thương chủ quản.

Bao giờ minh bạch”, “xin Bộ trưởng nói thật” - các đại biểu tha thiết. ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nhấn mạnh, chúng ta đã có bài học đau đớn về tập đoàn, tổng công ty, thiếu minh bạch, công khai, giám sát chặt hệ lụy khôn lường. Với kinh nghiệm 10 năm kinh nghiệm làm Kiểm toán Nhà nước, chắc Bộ trưởng hiểu rõ.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Minh bạch, công khai là giải pháp của mọi giải pháp


Bộ trưởng Huệ cũng cho rằng “giải pháp của mọi giải pháp là minh bạch, công khai. Nhà nước minh bạch về chính sách, điều chỉnh cho phù hợp. Cán bộ các cấp minh bạch về trách nhiệm. DN minh bạch về số liệu, công khai số liệu theo pháp luật”.

Nếu không căn cơ trong việc minh bạch, điều hành giá sẽ không thành công, tái cấu trúc cũng khó giành thắng lợi lớn và thắng lợi sớm.

Vắt ngang giữa hai buổi chất vấn, ông Vương Đình Huệ nhờ đó có lợi thế thời gian để chuẩn bị cho những câu hỏi được nêu tại phiên sáng.

Có chịu được đau một lần?

Về giá điện, Bộ trưởng Tài chính nhận định, nhu cầu điện của ta lớn, nếu không có mức giá phù hợp thì không thu hút được đầu tư, kịch bản căng thẳng về điện không giải quyết được.

EVN đang lỗ. Trong khi đó, giá điện lại phải bù chéo, bao cấp cho sản xuất xi măng, thép. Với mức giá bán cho thép, xi măng chỉ 914 đồng/kwh, EVN đã bao cấp cho sản xuất hai ngành này 2.547 tỷ đồng.

ĐB Đặng Thị Mỹ Hương: Có hay không chuyện lợi ích nhóm đặt trên lợi ích quốc gia?

Tình hình lỗ của EVN năm nay đỡ hơn nhiều. Kế hoạch lỗ EVN trên 11 nghìn tỉ đồng nhưng hết 9 tháng đầu năm, lỗ thực chỉ có 680 tỷ đồng, cộng với phần mua dầu để phục vụ các dự án chạy khí Nam Côn Sơn và PM3 Cà Mau khi bị cắt khí, dự kiến lỗ cả năm khoảng 3.540 tỷ đồng, chưa kể chênh lệch tỉ giá.

Theo tính toán của Bộ Công thương, giá thành điện năm tới khoảng 1.242 đồng/kwh (đã tính các khoản phải giảm trừ theo báo cáo kiểm toán).

Vấn đề vốn của EVN gặp khó. “Có thời điểm, EVN hầu như không có tiền để mua dầu. Thủ tướng trước khi đi công tác cũng phải chạy đôn chạy đáo lo tiền cho EVN, để không bị cắt điện”, Bộ trưởng nói.

Như Bộ trưởng nói, EVN thiếu vốn, có lúc gay gắt. Vậy sao tập đoàn chưa thoái được vốn ngoài ngành? Trách nhiệm của hai bộ Công thương và Tài chính trong việc này ra sao”, ĐB Lê Thị Nga truy.

Ông Vương Đình Huệ cho hay, EVN đang có kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành, và tin là sẽ thoái vốn nhanh hơn các tập đoàn, tổng công ty khác, bắt đầu với việc thoái vốn ra khỏi kinh doanh viễn thông.

Về giá bán điện, trong khi Bộ trưởng Tài chính khẳng định sẽ điều chỉnh từng bước, theo lộ trình, để giá điện hoạt động theo cơ chế thị trường, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu câu hỏi, cứ theo cách từng bước, bao giờ EVN mới hết lỗ.

“Thà chịu đau một lần, tính đủ chi phí vào giá thành, làm cho ngành điện tốt lên, cộng với chính sách an sinh cho người nghèo, tách bạch chức năng kinh doanh và chức năng công ích”.


Đáp lời, Bộ trưởng Huệ nói, sẽ nghiên cứu. “Chỉ sợ chịu đau một lần, nhưng đau chịu không xuể, xỉu luôn”.

Đồng tình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, vấn đề là phải tính toán tốc độ đi, có lộ trình, tính đến sức chịu của nền kinh tế.

Chúng ta nói độc quyền, tái cơ cấu, nếu không đưa giá tiếp cận thị trường, không cách gì xóa được độc quyền. Nhưng chưa thể làm ngay khi chênh lệch về giá còn lớn.

Lợi ích nhóm trên lợi ích quốc gia?

Bộ trưởng Huệ cũng cho hay nguyên nhân lỗ chính của EVN là do mua điện giá cao từ các DN ngoài ngành. Đầu tư ngoài ngành của EVN, có loại lỗ, lãi, nhưng không được tính vào phần lỗ do kinh doanh điện.

Người 'chia lửa' với ông Huệ - Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng

Một thực tế khác được đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương nêu là EVN ép giá DN sản xuất bởi chỉ có duy nhất một người mua điện là EVN.

“Độc quyền hai đầu mua bán, có hay không chuyện lợi ích nhóm đặt lên trên lợi ích ngành và lợi ích quốc gia?”, ĐB Mỹ Hương hỏi.

Thừa nhận có một số DN phải chịu hợp đồng thua thiệt khi bán điện cho EVN, cả Bộ trưởng Tài chính và Công thương cho hay sẽ sớm thảo luận cùng DN, đàm phán lại hợp đồng. Hiện nay, một số DN thương thảo với EVN kí hợp đồng bán giá rẻ, 40 năm không điều chỉnh giá.

Lúc này, chênh lệch tỉ giá, lãi suất cao, giá EVN mua không đủ bù đắp chi phí cho các DN này.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện EVN đang triển khai đàm phán lại nhưng tiến độ không nhanh. Bộ sẽ kiểm tra và báo cáo QH tại kì họp sau.

Lương ngành điện có đúng luật?

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng là tiền lương của cán bộ ngành điện mà vị tổng giám đốc EVN thấy đau lòng.

ĐB Lê Thị Nga: Sao EVN chưa thoái được vốn ngoài ngành?
Đáp lời, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nêu câu hỏi: Căn cứ vào đâu nói lương thấp hay cao? Cần xem xét 3 yếu tố: mức thu nhập bình quân của người lao động cả nước, cùng loại hình sản xuất kinh doanh, cùng khu vực DN. Khi đó mới đủ cơ sở nói cao hay thấp.

Là DNNN, đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương của EVN vẫn do Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn và quyết định, tập đoàn không tự quyết định được. Nói cách khác, lương phải theo đúng quy định của Nhà nước.

Trong tiền lương của EVN, các loại phụ cấp do ngành điện được hưởng chiếm 25% lương. Đáng lẽ lãnh đạo EVN có phân tích chi tiết hơn, thì sẽ thuận lợi trong đánh giá, chia sẻ của dư luận.

Không hài lòng, một đại biểu đặt nói, vấn đề không phải lương cao hay thấp, mà lương đó nhưng lại kinh doanh lỗ. “Nhiều căn cứ để xem lương cao hay thấp, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh phải đặt lên hàng đầu”, ĐB Ngô Văn Minh tranh luận.

ĐB Ngô Văn Minh: Thà chịu đau một lần

Đồng tình, Bộ trưởng Huệ cho rằng quan trọng là lương ấy có đúng cơ chế, chính sách không. Đó là trách nhiệm của Bộ Lao động, rà soát xem hợp lí đến đâu.

Không có gì không minh bạch trong giá xăng dầu

Liên quan giá xăng dầu, hai Bộ trưởng Công thương và Tài chính đều cho biết ngành xăng dầu kinh doanh lỗ.

Báo cáo của Petrolimex trình bày chưa rõ. Việc kinh doanh ngoài xăng dầu độc lập, hạch toán độc lập, không tính bù cho lãi lỗ của kinh doanh xăng dầu. Xét về tổng thể kinh doanh, tổng công ty là lãi, nhưng kinh doanh xăng dầu là lỗ. Tổng công ty cổ phần hóa thể hiện công bố lãi. Lỗ chỉ riêng là xăng dầu.

“Không có gì là không minh bạch, rõ ràng trong chuyện này”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Hiện nay, theo Bộ trưởng Tài chính, Petrolimex không độc quyền mà chỉ “thống lĩnh thị trường” theo luật. Về lâu dài, sẽ tính toán, cơ cấu lại thị trường. Các đầu mối khác cũng phải mạnh lên, đón được thị phần tăng thêm. Petrolimex cũng phải tính toán, tái cấu trúc để đảm bảo cạnh tranh và tính sòng phẳng, Bộ trưởng Tài chính nói.

Một tháng cần 500 triệu USD để nhập khẩu. Giải được bài toán tỉ giá thì đã đỡ rồi.

Thừa nhận chuyện giá xăng dầu nhảy múa trên thế giới, Bộ trưởng Huệ cho hay, thực ra Việt Nam năm nay chỉ điều chỉnh giá 4 lần - 2 lần tăng, 2 lần giảm. Vấn đề là thời điểm tăng sát điều chỉnh tỉ giá, và hơi gần nhau, nên cảm giác dồn dập.

Phương Loan - Ảnh: Minh Thăng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,948

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn